Có một câu hỏi rất tầm thường song cũng rất mơ hồ thế này: cái này đáng giá bao nhiêu (?)
Cho những thứ nằm ngoài khuôn khổ của các sự vật hữu hình, câu trả lời, thường là liên quan đến một quyết định cuộc đời, một lựa chọn sống, có vô khối biên độ và sắc màu. Còn về bản thân đồ vật-hàng hóa, tình hình xem ra cũng chẳng khác mấy.
Trước một quầy hàng, trước/cho một món hàng, người mua hỏi người bán cái này giá bao nhiêu, chuyện không có gì hiển nhiên hơn thế. Nhưng cũng là cái khung cảnh đó, hoàn toàn có thể có một vở kịch câm của các suy nghĩ, diễn ra trong óc của cả hai kẻ bán và mua. Tay đứng quầy có thể ước lượng về mức độ giàu có hay bốc đồng của khách mua mà đưa ra một đáp án. Còn người đối diện, rất có thể có tình huống y hay thị tự nhủ với mình, từ cái sự hiểu biết về nhu cầu cũng như dục vọng của bản thân, và thêm nữa là mức độ nặng nhẹ của cái ví tiền mang theo, chừng cái này giá sẽ là [...] để dựa vào đó mà đắc chí kiếm được món hời hay hung hăng một màn kì kèo mặc cả.
Cô nghệ sĩ đóng bỉm có bộ sưu tập đĩa và các thứ liên quan đến món phim người lớn xuất xứ Nhật Bản. Cô giải thích, đó là cho sáng tạo. Tôi lơ ma lơ mơ, mù tịt về hầu như mọi thứ có tên là nghệ thuật, chẳng rành mức độ nghiêm túc của cô đến đâu. Nhưng tôi rõ một điều là cách đây dăm bảy năm, cô chỉ bán một ý tưởng cũng đủ rong ruổi một kỳ nghỉ dài ở Santa Fe, kỳ nghỉ vốn ban đầu con nhà giàu như cô cũng phải vô cùng nghiêm túc lên kế hoạch trong suốt vài năm ròng. Giả định tôi đứng trước một kệ đồ cũ với một đống đĩa JAV và quyết định bỏ qua chúng vì chúng không đáng giá. Lý do của cái sự không đáng giá này có thể vì tôi không có hiếu kỳ đối với thể loại phim ảnh này. Nhưng lý do cũng có thể là tôi sợ cái nhìn của thằng cha đứng bên cạnh nên dù thích và biết chúng có giá trị nhưng lại không dám mua. Rồi nữa, có thể tôi có một ý niệm cụ thể về giá trị của chúng nhưng rồi tính thiệt hơn thì chẳng tội gì bỏ mớ tiền ra tích một đống đĩa chật nhà. Và có thể có nhiều lý do khác nữa. Lại tưởng tượng nếu không phải là tôi mà là cô bạn nghệ sĩ dị tính kia. Chắc sẽ có một thỏa thuận mua bán tức thì, trong đó cả kẻ mua lẫn người bán đều coi mình giành thế thắng. Bộ đĩa phim, tôi và cô nghệ sĩ đóng bỉm, cái tam giác tưởng tượng ấy có thể dẫn tới những kết chuyện hoàn toàn bất đồng, tùy thuộc điều gì nằm trong đầu của tôi và cô.
Hai bà già Tag Sales hôm nay tiếp tục hành trình định giá đồ vật. Chủ đề của ngày là dây rợ máy móc điện tử đủ loại, lại thêm quần áo giày vớ mớ năm mớ bảy và một đống tranh ảnh cùng các gạc đỡ xe đạp chuyên cho đủ loại ô tô khác nhau. Trong đám tivi chờ được giải phóng, có một màn hình to được phủ hai miếng vải dân tộc vô cùng đặc biệt, ít nhất là đối với tôi: một tấm thổ cẩm đính cườm của người Cơ Tu và một miếng thổ cẩm ghép của người Hmong. Hai tấm một còn tương đối mới và một cũ nát, tôi không quá rành nhưng lần đầu nhìn thấy chúng, phát huy tất cả mớ hiểu biết lộn xộn có được nhờ chạy đi chạy lại tiệm đồ của chị hàng xóm cũ và của Cô H, đủ biết chủ nhân ông của chúng đã phải bỏ ra mớ tiền kha khá để có thể vác chúng về nhà. Nhưng chuyện gì xảy ra khi hai cụ già kết thúc công việc của mình và rời đi? Do hiểu lầm những miếng vải này có chung điểm đến như cái màn hình tivi, hai cụ già vui tính đã tặng cho mỗi tấm thổ cẩm một cái giá lần lượt là ba và bốn đồng tiền. Trong khi đó, ở ngay bên cạnh là một tấm thêu hàng chợ hình Chùa Một Cột, loại quà lưu niệm một khách mua ghê gớm có thể chốt giá về chừng đôi ba trăm ngàn đồng, thì lại được hai cụ đặt giá những 35 đồng tiền.
Tất nhiên là hai miếng thổ cẩm sẽ không được đưa ra sân vườn cho món Tag Sales. Còn về tấm vải thêu kia, thành thật mà nói, chỉ cần tiền bán đủ mua một cốc ice cream soda ở quầy kem giữa phố đối với tôi đã là một món hời rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét