Còn lần này ở đây, tôi có dịp chứng kiến sự chuyển mùa và cái bầu không khí tưng bừng của cộng đồng những nhà làm vườn tay chơi - đa phần là các ông bà già, đặc biệt là các bà. Nói có chút thậm xưng, có cả một ngành "công nghiệp" làm vườn. Dụng cụ làm vườn, các loại đất, các loại dưỡng chất, các giống cỏ cây hoa lá rau củ... rồi cả quần áo, giày dép, nón mũ cùng bao tay bảo hộ cho công việc làm vườn nữa, thực là một danh sách không có điểm nút.
Thoạt tiên, tôi choáng ngợp. Sau lại thành máu xỏ xiên phát tác, thấy có chút hài hước và mỉa mai cái sự thừa thãi kia. Ở nhà Bắc Ninh, bà cụ già với sự hỗ trợ của ông cụ già, đúng là có một hệ thống các đồ vật được dùng cho việc trồng rau cỏ, thu hoạch chúng và cả cho việc tự chế thuốc bảo vệ thực vật rất thân thiện với môi trường. Món xa xỉ nhất trong số đó có lẽ là bộ dụng cụ chứa thứ nước thuốc xua đuổi côn trùng sâu bọ. Còn lại, các món đồ nếu không phải là đồ dùng từ rất lâu thì lại là đồ vốn có công dụng ban đầu chẳng liên quan quái gì câu chuyện vườn tược song giờ được tái sử dụng cho mục đích này. Kiểu như một con dao thái đã sứt mẻ được dùng để chọc và bới các rễ cây dại ven bờ đường gạch lát ra vườn. Cái nón của Mẹ hay cái mũ vải của Bố, được đội để làm vườn, song cũng là đồ mang theo khi hai cụ già đi chợ phiên cách nhà mấy cây số. Đôi ủng nhựa được dùng khi bà cụ già lội chỗ ruộng sát mép ao thu hoạch đám cần hay muống, vào ngày trời mưa lại được dùng để rời nhà đi chợ làng bên. Bọn rổ sảo mang ra vườn thì là đồ chứa đựng các món thu hoạch để nhà dùng hay làm quà cho khách về quê chơi, mà sang ngày nắng to thì lại thành món đựng mấy thứ rau củ cần được phơi khô. Về căn bản, gần như không có cái gọi là đồ chuyên dụng cho việc làm vườn.
Còn ở đây, chỉ nội cho một việc cào đất, tôi thiếu chút thành quặn ruột vì cười quá đà khi đếm ra được dăm bảy món cán dài ngoẵng với dăm bảy món vừa vặn tay cầm. Kéo cắt cây, từ cỡ nhỏ xinh kiểu tỉa cành hồng hoa đã tàn cho tới kéo cây dài đến bốn năm thước chuyên để phạt các cành bụi lớn, cộng với bọn cưa tỉa máy cộng lại làm thành danh sách cả chục món. Cứ như thế, ngó chủng loại này đến chủng loại nọ, xong hồi thì tôi phát khiếp. Chưa kịp bình luận sao mà thừa thãi, sao mà lãng phí, tôi đã được giải thích món nào cho việc nấy. Thế là ngậm miệng.
Điều đặc biệt và hay ho duy nhất trong công tác vườn tược của Tiên sinh là không có ủng cao su và cũng chẳng có mũ chuyên cho việc làm vườn. Có lẽ lý do là chủ yếu giới các bà các cô mới quan trọng chuyện bảo vệ cơ thể kiêm sành điệu và gợi cảm. Thực tế là kể cả với một kẻ không mấy để tâm như tôi, vài bữa đi lại mấy chỗ chuyên bán cây và đồ liên quan đến làm vườn hay đồ cho bà con "outdoor people" cũng đủ biết đường tính toán một bà cô đang lui cui cắt tỉa mấy cành hồng nội trang phục mang trên người, từ đầu tới chân, thuộc loại chuyên dụng thì tốn kém đến nhường nào. Làm vườn có thể và nói chung chủ yếu đồng nghĩa với vui thú và vận động cơ thể, song ai mà biết được hẳn đó cũng có thể là một dấu chỉ xã hội, một phương tiện bày tỏ/thể hiện bản thân :-)
Tuần rồi, đầu óc tôi u ám vì chút tủi thân chỗ này, chán nản với cái chân đau và lo lắng tiến độ công việc chỗ khác. Mò mẫm ngoài vườn hóa thành một phép trị liệu hay ho. Có đứa dở hơi xỏ giày của dân đi thuyền - đôi giày Tàu xấu mù, loại rẻ tiền nhất được mua cho hành trình Rio Grand đợt trước - đội mũ vải Indigo, quần được một cô em béo quá đà sau khi đột nhiên hóa thành người dây chuyển nhượng, áo phông dài lùng bùng vụng trộm lấy từ tủ đồ gần như bị bỏ quên của ai đó, ngồi bệt mặt cỏ cào cào bới bới nhổ đám cây cỏ dại chán thì chuyển sang tỉa tót các cành hồng.
Lao động chốc lát thì có màn vin cớ mỏi mệt, có kẻ ngồi xoãi giữa đám cỏ nghỉ ngơi. Cây bạc hà dại lấy về từ Hancock được nghiêm chỉnh trồng trong chậu đất cao lều nghều. Tôi bứt một lá nhỏ, vò chút rồi hít hà. Hương bạc hà xông thẳng khoang mũi, mát và sâu. Đột nhiên, tôi nhớ đến bảng mùi vị của hành trình Sciences Po, về căn vườn gần như không có gì của Alex, về những lá bạc hà đi kèm các cốc trà thủy tinh thân cao và ngọt lừ đường ở đâu đó gần Mosquée de Paris. Rất lạ, mớ bạc hà mua ở siêu thị hay trong tiệm Tàu không dẫn tôi tới một liên tưởng, nhớ nhung như vậy. Có lẽ vì với rau mua về, quan hệ của tôi với chúng chỉ là màn lăng xăng nấu nấu nướng nướng. Còn trên nền cỏ giữa trời chiều, có gió mát thoảng từ biển vào, có bọn chim líu ríu, cơ thể buông lỏng, các dòng suy nghĩ để chảy tự nhiên xuôi thuận... tôi tìm được chút an yên, và theo đó mà nhớ ra vài chuyện, vài người.
Tối xong việc, kì cọ chỗ móng tay đen sì bám đất xong thì hỉ hả uống trà tự khen mình. Chợt nghe tiếng ai đó ở cửa sảnh mở ra vườn, lại thấy có tiếng người tới tới lui lui. Mấy phút sau, chủ nhà vác về bốn trái quả to mũm mĩm. Quà từ vườn rau của ông cha nhà bên cạnh.
Nấu ăn có thể là phép trị liệu. Làm vườn hẳn cũng có thể là vậy đi.
góc vườn nhật bản đang được nhổ cỏ, bọn gà được cọ rửa, phơi ráo nước trước khi đi tag sale |
thu hoạch từ vườn của ông cha hàng xóm |
bạc hà rừng thành bạc hà nhà |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét