Thứ Năm, 22 tháng 8, 2019

tương đối luận cho cái miệng và cái dạ dày

Tôi kiếm được gói bột gạo Đại Hàn, nhà có bột năng, ngó công thức của cô chủ Savoury Days cho món bánh đúc thấy có tiết mục ngâm bột hay hay thì mần theo, làm ra mấy đĩa bánh xinh xinh. Hai bà già đến nhà xếp đồ cho Tag Sales việc nhiều nên ở lại lâu, tôi tiện miệng mời nếm thử. Hai bà già Mỹ chính tông cả đời chưa từng một lần xơi món Á, thử đôi thìa thì đầu hàng. Lý do là cả ba mức độ mặn, chua và cay của nước chấm chan bánh đúc đều vượt quá năng lực đầu lưỡi của hai bà. Nói uyển chuyển kiểu nhà mình là món "đậm đà" không phải lúc nào cũng được chuộng. Tôi đã biết chút chút về chuyện khẩu vị của người bản địa chưa từng có trải nghiệp bếp Á nên không bất ngờ cũng chẳng buồn phiền, nhe răng ra cười hì hì rồi hỏi các bà có cần nước không.

Chuyện này làm tôi nhớ đến không ít màn tranh luận mà trong đó có không ít tưởng có thể dẫn đến ẩu đả bên bàn ăn tôi đã từng chứng kiến khi những người tham gia vô tình hay cố ý tự phân chia theo hạng người Bắc-Trung-Nam, theo tỉnh thành địa phương nhỏ của cùng một vùng miền, người quốc nội và người kiều bào hay người ta và người tây.

Trong hình dung của tôi cho đến tận giờ này, so với bếp Bắc, bếp Trung đậm cay và bếp Nam đậm ngọt, chỉ vỏn vẹn có thế, không có chê bôi cao thấp rằng thì là mà bếp nào hay ho hơn bếp nào. Còn về vùng miền, địa phương cụ thể, tôi học được bài học to là không thích thì lẳng lặng giữ ý tứ trong lòng chứ đừng có dại mà nhệch cái miệng ra phê phán. Đi loanh quanh ra ngoài, thực cũng chẳng nhiều lắm, cộng với thi thoảng tiếp xúc với những người đến từ các truyền thống nấu và ăn khác với mình, cái nguyên lý tương đối luận và giữ mồm miệng lại càng trở nên quý giá. Tôi phát hiện mình hoàn toàn có thể nhăn nhở tám chuyện hài hòa với một tay không ăn như mình, không uống như mình khi cả hai chúng tôi tuân thủ luật chơi bên bàn ăn này (tất nhiên phải mở ngoặc ngay tắp lự là chuyện này vĩnh viễn không xảy ra nếu tôi gặm sườn bung bên cạnh một bác bạn người Do Thái).

Cô em kể chuyện có nhân viên ngoại quốc ở cơ quan chân ướt chân ráo đến Hà Nội nếm thử trái bơ dài mồm ra kêu kinh tởm. Trái quả này nếu cho nó một vị trí trong lịch sử ẩm thực Việt Nam tôi dám chắc tuổi đời của nó chẳng cao là mấy. Không rõ cô kia gặp nước mắm, mắm tôm nhà mình thì phản ứng ra sao, đoán không chừng có lẽ đùng đùng viết đơn từ nhiệm xách va-li hồi quốc.

Lại có chuyện hai ông cố đạo già người Pháp đi lòng vòng khắp mấy tỉnh Miền Bắc thăm thú các xứ đạo. Ông lái xe cho hai cụ cố này là con chiên Phú Thượng vốn hay đưa chúng tôi đi xứ Thanh kể chuyện có lần xuống Thái Bình, một ông trùm làm cơm mời hai ông cha, tiếng tăm chẳng thông thuận cho lắm nên giao tiếp chủ yếu là khua tay khua chân. Hai ông khách ăn dùng động tác khen ngon rối rít. Đến lúc ông trùm chỉ ra con cẩu nằm ngáp ngoài sân ra ý giải thích đấy các ông đang chén nó đấy thì hai ông cố mặt tái xanh. Nhưng rất mau hai ông bản lĩnh cao cường, đơn giản là dừng bữa bảo no rồi, rồi quay sang giải thích ở chỗ bọn tao, con này là bạn. Tôi hỏi người kể chuyện, thế hai cụ này có bày đặt bộ dạng ghê sợ không. Ông anh trả lời tắp lự, gớm, người ta là cha, khéo lắm.

Cuối cùng, có một chuyện nhiều năm về trước bữa nay tôi chợt nhớ lại. Ngày tôi nhăn nhở ngồi đánh chén ở tiệc mừng cặp đôi D và partner ở Sài Gòn, tôi bô lô ba la làm quen với cả đống người đến từ tứ xứ trong bộ sưu tầm họ hàng của hai ông anh mà chẳng thể nào để tâm nhớ ai với ai. Mấy năm sau, partner tự dưng nhắc tới một cô em họ nào đó, bảo cô này thích tôi vì không ra cái vẻ Bắc Kỳ coi bếp vùng miền mình là nhất. Tôi hỏi kỹ hơn chút, hóa ra trước dịp hôn lễ, cô du lịch đất Bắc, cái sự ăn khác lạ với một người nói chẳng mấy rành rẽ tiếng Việt và nếu trước đó có ăn món Việt thì đều là đồ đã được biến tấu theo gu Âu-Mỹ vốn đã là một trải nghiệm khó khăn với cô bỗng hóa thành sự khó chịu khi thi thoảng có người ra mặt chê bai cô là dân mất gốc và hoặc dạy bảo cô phải là phở Bắc mới đích thực là phở, đại loại thế.

Hai bà già xong việc đi về, bày tỏ chút áy náy về chuyện không quen món bánh đúc đậm đà của tôi. Tôi lại càng nhăn nhở bảo không sao không sao. Khách đã rời đi, không rõ có phải tôi bị ám ảnh bởi cái nhăn mặt duyên dáng của hai bà hay không, tự dưng thấy cổ họng nghèn nghẹn cái hậu-vị mằn mặn thậm chí là khăn khẳn của mắm cốt, chua lém sắc nhọn của nước cốt lime, nồng cay của tỏi tươi bằm và ớt khô xay rối.

Các quý thầy bà dạy môn có tên văn hóa học nói nào về giao thoa nào về bao dung nào về tương đối luận. Tôi lui cui dọn dẹp căn bếp nhỏ, nhìn các túi bột, chai mắm và các lát chanh, công nhận chẳng cần đi đâu xa, chỉ nội cho cái miệng và cái dạ dày, bạn tương đối luận này quan trọng thật :-)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét