Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

xấu xí bên bàn ăn

Tôi không phải là kẻ ưa thích hay giỏi giang trong việc tụ tập ăn ngoài, theo nghĩa đám đông và/hay với người không quen, không hạp tính. Ở đây thế quái nào, gần như hàng tuần, tôi bất đắc dĩ vác cái mặt giả tạo đến một cuộc gặp mặt bộ bốn. Đến hôm nay thì tạch, ngưỡng chịu đựng vỡ tan tành, tôi thấy mình có chút đáo để nhưng không hề áy náy, thẳng thừng từ chối tham gia vào bữa tối đã được lên lịch từ trước.

Nếu là cuộc tụ tập của nhiều gia đình, theo đó sẽ có nhiều ông chồng, nhiều bà vợ và nhiều đứa trẻ con, chuyện tụ tập chia phe các ông, các bà, bọn trẻ hẳn là đương nhiên và vừa đủ hợp lý để không ai thấy mình ngoài cuộc. Nhưng khi không có trẻ con, khi hai ông bạn lâu năm mải mê trò chuyện quên người bên cạnh, khi hai người đàn bà còn lại vốn chẳng có lấy một điểm chung nào để chia sẻ cũng như không có lấy một mẩu nỗ lực ra hồn cho cái thứ có tên giao tiếp xã hội thì tất có chuyện không hay.

Tôi ít tuổi, dù không thích và cũng chẳng có tý thật lòng nào, theo lễ tối thiểu luôn biết đường chào hỏi, dạ thưa trước. Kết quả, cho đến cuộc hẹn thứ n mới được người ta hạ cố cho một lời đáp. Tôi không ấm ức, chỉ thấy tức cười và tự dziễu, đúng là chẳng ra làm sao.

Tôi nghe chuyện đối phương bài xích tất cả những gì dán mác nhãn của ông hàng xóm Phương Bắc, từ con người đến hàng hóa, theo lễ bao giờ cũng dạ, em nghe. Nếu chỉ vậy thì mọi chuyện xem ra là ổn. Nào ngờ, đối phương hung hăng áp đặt cái chuẩn của mình sang tôi, ấy thế thì là bắt đầu có chuyện. Có lần tôi thiếu chút phọt ra miệng, cái áo Brooks em đang mặc là hàng gia công ở xứ đó, may mà biết thân biết phận chuyển thành, um nhiều khi còn do khả năng tài chính quyết định ạ. Kết quả lại nghe tràng giang đại hải, chị đây chỉ mua hàng VNXK mỗi lần về Việt Nam vì đồ bên này toàn cỡ to và xấu. Giời ạ, chị cứ mèng mèng thử Talbots hay Eileen Fisher xem nào, cho cỡ trung tuổi chị và em đó, ai dám bảo xấu và to cơ chứ. Đấy là chưa kể đồ thiết kế của tiệm nhỏ theo phong cách thời đại mới, thân thiện môi trường chi chi này nọ, lựa chọn vô cùng phong phú, giá tiền cao ngất tầng mây hay mấy đồ hiệu đích thực thì em chẳng dám bàn. Cái khuôn đóng rập một phát của chị rằng thì là mà bọn [đàn bà] Mỹ không biết thế nào là thời trang, em xin phép tiếp nhận theo kiểu nghe vô cửa tai này lập tức tống tháo theo lỗ nhĩ kia, thưa chị.

Mấy lần gặp cuối, chị đột nhiên cởi mở, giảng giải tỉ mỉ cho tôi cách mua thực phẩm sạch ở chợ nông dân bán theo tuần, về văn hóa, về ứng xử xã hội của người xứ này, vân vân và vân vân. Tôi tất nhiên vẫn là giả dối gật đầu như giã tỏi. Đến bữa, chị đang cao hứng đã du lịch chỗ này chỗ nọ và sắp tới dự định những đẩu những đâu thì vô tình phát hiện con giời đã có hai lần ở States, cũng mon men biết vài nơi, thế là chị đột ngột tháo phích cắm, dừng nhạc hiệu. Tôi biết chị không hài lòng, nhưng biết làm thế nào được, tôi có kể lể gì đâu, tại hai cái lão kia kìa.

Chẳng biết lễ nghi lễ tiết chị dạy tôi đúng sai thế nào, ở lần gặp cuối, vì hai ông mải chuyện mà quên cánh đàn bà, và có lẽ cũng vì chị cạn hứng thể hiện bản thân cũng như dạy bảo tôi, sau mấy hồi nổi máu công chúa kiếm chác sự quan tâm chú ý từ hai ông bất thành, sau mấy lần thò tay cấu chí cả ông chồng lẫn ông khách như một con nhóc ba tuổi, chị giật đùng đùng vác tờ phiếu cùng cái thẻ ra tận bàn thủ quỹ để kết thúc màn thanh toán, rồi tiếp tục đùng đùng quay lại bàn rờ cái sắc tay của mình và chẳng nói chẳng rằng cứ thế mà tót ra ngoài vỉa hè. Tôi có lịch sử từng lên cơn điên đôi ba bận, hủy bỏ hoặc bỏ ngang một bữa ăn ngoài vì phẫn nộ này nọ, nhưng gặp tình huống chị tạo ra cũng phải kính cẩn vái cả nón.

Tôi từ chối ra ngoài lần này, bạn đánh chén áy náy ra ý lỗi hoàn toàn tại chị. Tôi nói không phải. Đầu tiên tôi có màn trịnh trọng nhận khuyết điểm, rằng thì là mà tôi đã cố nhưng giờ thì tôi đầu hàng, chịu không nổi cái màn lịch sự và khách sáo vớ vẩn bên bàn ăn kiểu này. Sau nữa, đúng là chị đỏng đảnh vô lối một cách vô ý vô tứ, nhưng đóng góp của hai ông cho cái vở kịch giao tiếp và ăn uống xã hội hài hước một cách thảm hại này xem ra cũng chẳng nhỏ. Nói ích kỷ và vô cảm thì xem ra nặng lời quá, thôi thì nhẹ nhàng chê trách hai ông có chút thiếu ý tứ, chỉ biết chúng mình nói chuyện chúng mình, mà khi đã làm vậy thì dễ khiến những kẻ ngồi cạnh ngộ ra, hóa ra chúng mày chẳng coi tụi tao ra cái cóc khô gì.

Chuyện này không ở trong phạm trù của những thứ có tên bé mọn, đố kị. Đơn giản, tôi gọi là cái xấu xí bên bàn ăn. Mà cái xấu xí này nếu cứ để nó toòng teng mãi trước mặt, ắt sẽ có ngày nó đưa đường dẫn lối tới sự nhận thức về những thứ còn xấu xí hơn nữa.

Đối với tôi, cuộc sống hai người dù thân mật đến mấy cũng cần chút dửng dưng khách sáo. Vậy nên, tốt nhất là tránh cái xấu xí nhỏ này để bớt đi một cơ hội lăn tòm vào hố đen của những khám phá tồi tệ khác. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét