Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

new believer

Là tên gọi món bánh kẹp tôi gọi cho mình ở tiệm cafe trong khu bảo tàng về người Shakers.

Phần bánh làm từ bột nguyên cám/hạt, sắc sậm, vị đậm và giòn vỏ mềm ruột.

Phần nhân có một lớp các lát trái bơ dày dặn, một lớp hạt hồ đạo và mắc-ca nguyên hình nhưng hẳn đã được ninh hầm kỹ nên khi ăn rất mềm, mềm như bơ vậy, và vài cái lá rau. Khéo để ý có thể cảm nhận chút mềm và ngậy của dầu, không đậm như olive mà nhẹ hơn, tôi đoán là óc chó, tí xíu hăng hăng thơm thơm của tiêu xay.

vườn rau - cây thuốc bảo tàng Shakers
Bánh đích thực cho dân chay, thậm chí là vegan.

Ăn xong phần bánh của mình, tôi phè phỡn ngó ra cửa sổ, thè lưỡi trêu cậu nhóc tăng động lúc này đang là nhân vật trung tâm của chú ý cùng tò mò từ đám khách ăn ngồi ngoài trời. Nó và tôi giao tiếp với nhau bằng đủ bộ dạng biểu tỏ trên mặt chán thì đến hồi thằng anh xuất hiện, túm nó về với người lớn. Tôi quay sang nhìn cái đĩa trống trơn và tờ gọi món nằm ở góc bàn. Lúc đó mới ngồ ngộ cái ý nghĩa của new believer.

Người Shakers có cái triết lý kiệm và giản đáng ngưỡng mộ. Còn ông chủ tiệm ăn uống trong khu bảo tàng, chẳng rõ có tý liên hệ gì với cộng đồng đức tin này không, nhưng chút mảy may u mặc thì có là cái chắc.

quà rau

Năm trước, ông cha nhà hàng xóm có khách là huynh đệ đến từ Ireland. Huynh đệ này cất công mang theo hạt giống đậu làm quà, kết quả vườn nhà ông cha từ hai năm nay đều đều đến mùa đến vụ bội thu các quả đậu. Hàng xóm của ông theo thế mà hưởng lộc, thi thoảng lại được ông cho một rổ rau đầy với không ít phần quả đậu.

Giống đậu này, chính ông cha cũng không biết tên chính xác là gì, cho trái to, vỏ dày, nhìn và sờ kỹ thì thấy được lớp lông tơ mỏng. Quả xanh có chút thô ráp, một khi đã bóc cho hạt to chừng cỡ gấp đôi gấp ba hạt đậu ván, và màu sắc thì là một gam phong phú, từ trắng sen, hồng đào tới ngả tím rồi chạy sang gần như là đen sì sì.

Hạt đậu thả nồi ninh cùng một đám rau củ khác. Lúc món thành phẩm đưa ra đĩa sâu lòng, bọn rau củ hàng xóm phần nhiều giống cái mặt phẫu thuật thẩm mỹ hỏng, chẳng còn rõ hình hài nguyên sơ, riêng các hạt đậu vẫn béo tròn chắc nịch hạt nào ra hạt nấy. Nhưng rất lạ là cho vô miệng, chúng vừa mềm lại vừa bột. Không giống như viên bánh gạo quà thủ công từ nước Nhật thả vô khoang miệng tan xốp gần như tức thì, quá trình thưởng thức các hạt đậu này có phần dài hơn.

Hạt đậu được ninh lâu, đượm vị ngọt và thơm tiết ra từ nước hầm xương và thịt cũng như mấy bạn rau củ kia, mang trong mình đủ vị ngọt lẫn đậm [mặn], rất thích!

Một năm ở Pháp, tôi có một ấn tượng không mấy dễ chịu về mấy món hạt đậu. Không nói là ngon hay không, nhưng món làm từ hạt đậu đối với tôi có phần hơi nặng nề, kiểu như nhiều chất quá. Giờ mồm miệng thay đổi, xem ra tôi còn lâu mới là fan hâm mộ các bạn hạt này, nhưng đúng là bắt đầu quan tâm và có chút ưa thích chúng.

bãi lầy cuộc đời

Bạn có lịch sử ngồi xe hoa chính thức hai lần, bạn tình tin đồn dài vài cây số, giờ ung dung tự tại sống một mình, gần như vô hình trong thành phố ồn ào. Tôi ít gặp bạn, vì không thân thiết, và thực thì giữa chúng tôi chẳng có mấy chuyện để nói. Thường là theo nhịp quay vòng ba bốn năm gì đó, có một cuộc hẹn ăn trưa, sau là lê mông ở quán vỉa hè nào đó hết cả một chiều.

sau 15 năm nằm đáy rương - chào Matisse, tạm biệt Matisse
Trước khi làm các thủ tục chính thức, tôi gặp bạn thông báo tình hình. Câu chuyện chiều đó của chúng tôi loanh quanh về mấy loại rau cỏ, về cách trồng và ăn chúng - mối quan tâm hiện tại của bạn. Chỉ đến khi gọi phiếu thanh toán, bạn mới nói mấy câu. Hôn nhân rất kỳ, tớ chui vào đấy, chui ra, chui vào, rồi lại chui ra, giờ thì hiểu mấy câu "lạt mềm buộc chặt", "sống mắt nhắm mắt mở" và nhất là "cái thân mình mình phải thương trước nhất".

Tôi thờ ơ giữ vai kẻ đứng ngoài trong gần hai mươi năm trời trước khi quyết định "chui vào". Sau mấy tháng, giờ khó có thể nói phũ một câu rằng tôi muốn "chui ra" - theo diễn đạt của bạn chiều hôm đó. Hoàn cảnh của tôi cũng chẳng mấy đặt ra tình huống để áp dụng chi chi mấy món mềm chặt hay nhắm mở. Sự mỏi mệt tự thân nó giống như dòng nước, biết nó đang ở đấy, đang chuyển động, nhưng tuyệt đối không thể nắm bắt được. Dòng chảy psy tối màu đó trườn, lách, nó giống như thứ thuốc độc ngấm lâu, ngấm dần. Nó giết tôi một cách từ từ.

Vấn đề to của tôi, mà thực là của toàn bộ cuộc đời tôi từ trước đến nay, là xác thực tôi chưa bao giờ ngồi tĩnh lại, thật thà đặt câu hỏi cũng như trả lời, ít nhất là tức thời hay tạm thời, rằng đích thực tôi muốn và thích gì.

Tôi ghét sự dư thừa và quá tải đồ đạc ở đây. Tôi ghét việc kiên nhẫn chờ đợi việc lên lịch chỉ đơn giản là cho việc bỏ-đồ. Tôi ghét những tấm thảm dày cộm nằm chễm chệ trước mặt và cái lý do giải thích cho sự hiện diện của chúng: một kết hợp bộ tam hoàn hảo giá trị tiền bạc, giá trị nghệ thuật và giá trị kỷ niệm. Giời ạ, tôi đến từ xứ nóng ẩm, mù tịt văn hóa thảm, biết thân biết phận im thin thít không nói gì. Nhưng vấn đề là bản thân mấy cái món tài sản kiêm sản phẩm nghệ thuật đấy, chúng xem ra chẳng được chủ nhân ông của chúng coi trọng là mấy. Chúng nằm đấy, vướng víu, khềnh khàng, gần như bị quên lãng.

Tôi ghét nhìn các ô chia ngăn trong các ngăn kéo tủ bếp, nơi gần nửa năm trời nay chất đầy những món đồ chưa từng được dùng tới, mấy cái chun có tuổi đời kha khá vì nếu không nát vón cục thì thành là chảy ướt một mảng, những cái kẹp nhỏ rỉ hoèn, mấy thìa và đũa gỗ không nứt vỡ thì sứt sẹo. Bọn ngăn kéo sau khi được dỡ dọn lần một gần như chỉ còn nửa số đồ giữ so với ban đầu. Trong những thứ bỏ đi, có hàng chục túi đựng hạt bảo quản hoa tươi, hàng chục khăn lau kính mắt và màn hình máy tính, hàng chục hộp quẹt, vô thiên lủng những món đồ bếp cầm tay hoen rỉ từ mấy cái kẹp tôm hùm chạy sang bọn dao và nạo. Đó là chưa kể đám huy hiệu, đám móc chìa khóa, những cái lót cốc, những set bao tay chuyên cho bếp nướng...

Tôi không ở trong cuộc chiến thầm lặng trường kỳ với hệ thống gia đình nhà chồng như bạn trong cuộc hôn nhân lần đầu. Tôi cũng chẳng thấy có lý do phải bận tâm mấy vụ tiểu tam tiểu tứ như bạn đã từng kinh qua trong cuộc hôn nhân lần hai. Nhưng đúng là luôn có những điều gờn gợn nho nhỏ của mỗi ngày sống ở đây.

Cảm giác ngập ngừng trước cái ngưỡng của anh/của tôi/của chúng ta thật là kinh khủng. Tôi neo lại chút ý tứ rằng mình đang xâm nhập vào thế giới, vào cái vùng an toàn của người khác, do vậy làm gì cũng cần thận trọng, có hỏi han trao đổi kỹ càng. Nhưng ý tứ mãi mà tiến bộ chẳng thấy đâu thì thành nhọc. Mười món thực đáng tống khứ bày ra trước mặt thì có đến chín món được tuyên bố để tính sau. Nhìn trước, nhìn phải, nhìn trái, chỉ rặt đồ là đồ. Chúng nhảy nhót, tung hứng, giễu cợt tôi. Còn tôi, cảm giác nghẹt thở kéo dài mỗi ngày một trở nên trầm trọng.

Tôi thèm thuồng nếu mình có óc hài và sự thông thái như Chị L, tác giả của đám notes ghi chép thực hành minimalism kia thì tốt biết bao. Nếu được thế, thay vì mang vác cảm giác bị gạt sang bên, bất lực, nghẹn tức, hẳn tôi có thể vung vẩy mấy món không rỉ thì sứt kia mà toe toét cái miệng, nào chúng ta cùng ngồi xuống thảo luận nào.

Sau nhiều chuyện đã tự mình trải qua và thấm thía, tôi luôn cố tránh nghĩ tệ và nói tệ về người khác. Nhưng cái sự nỗ lực ấy giống như một cái bẫy tâm lý, dẫn tôi đến chỗ tự trách cứ bản thân mình, quy chụp hết mọi trách nhiệm và lỗi lầm về mình. Hôm nay, tôi chợt ngộ ra một điều, chuyện không hẳn là vậy.

Trong khi mong chờ giây phút tôi có thể thông thoáng cái đầu của mình, có thể tường minh chút chút vấn đề hiện tại của mình, tôi nhớ cái chủ trương của bạn, mình trước hết cứ là phải biết thương và trọng cái thân mình lấy một cái đã, hỉ!

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

phở dẻ sườn bò

Trong bếp nhõn hai mống, một kẻ ăn tạp, một người ăn kiêng, việc nấu và ăn bỗng trở nên có chút khó khăn đồng thời cũng không thiếu chuyện hài hước.

Tôi thử làm phở bò mấy bận, chẳng lần nào như ý. Thêm nữa, làm một bữa cho một người ăn bình thường và một người chỉ xơi đúng hai sợi bánh phở trong cái bát có tên là bát phở bò thì rất khó. Thế nên thà nghĩ mà thèm còn hơn là nghĩ rồi mần. 

Hôm qua thế quái nào lên cơn vui tính, cuối chiều ở siêu thị tôi nhìn thấy khay dẻ sườn ba miếng to đùng đoành [beef back ribs] thì nhặt thả rổ, lầm bầm mình làm món phở dẻ sườn bò giản lược. 

- Dẻ sườn được đun sôi trong khoảng 15-20 phút rồi rửa thật kỹ trước khi chuyển sang nồi ninh nước dùng
- Gia vị phở (1) có hỗn hợp tiêu hạt + hạt mùi + thảo quả + hồi + quế rang sơ
- Gia vị phở (2) có lá nguyệt quế + gừng thái lát lớn + hành hương (tôi lười không nướng hành, gừng thì áp chảo gang lấy chút sém)
- Gia vị phở (3) có một con mực khô nhỏ và mấy con tôm khô
- Tạo mặn tất nhiên có muối và chút mắm cốt

Nước dùng phở lúc đầu có dẻ sườn và hai nhóm gia vị (1) và (2) đun sôi chừng mươi phút thì cho muối lấy mặn rồi chuyển sang lửa liu riu trong vài giờ đồng hồ. Trong quá trình đó, thi thoảng vớt bọt và màng  béo. 

Một giờ trước khi tắt bếp, cho tiếp nhóm gia vị (3) và chút mắm cốt vào. Sau khi tắt bếp, gắp các miếng dẻ sườn để sang bên và chờ nước dùng phở nguội. Lọc nước phở rồi trữ riêng trong tủ mát cùng với hộp dẻ sườn. Tôi không có lý do cụ thể nhưng với mắm cốt, tôm và mực khô thường cho vào đoạn thời gian cuối của tiết mục ninh. Có lẽ vì cảm giác nếu cho ngay từ ban đầu thì vị đậm đặc trưng, thậm chí nói thô thiển là có chút khẳn, của ba bạn này sẽ lấn át những gia vị còn lại.

Sang hôm sau, đến tiết mục nấu và ăn phở tại nhà thì làm vừa thong thả vừa mau về thời gian. 

- Bánh phở khô luộc rồi rửa ráo nước để bên
- Hành tây trắng lấy non nửa củ làm món hành xóc dấm, phần còn lại để cho nước dùng phở ninh lần hai
- Rau gia vị ăn kèm ngoài hành tây xóc dấm còn có: mấy cọng mùi cùng vài cái lá bạc hà rừng hái từ trong vườn, thái nhỏ theo ý; hai ba cây hành hoa thái lát mỏng chút phần củ trắng và phần đuôi hành xanh, còn lại xắt khúc rồi chẻ sợi
- Nước phở ninh lần hai có phần nước dùng đã được lọc từ tối hôm trước (trước khi đun lại, vớt chỗ váng mỡ trắng) + phần già củ hành tây còn dư từ món hành xóc dấm + phần xương dẻ sườn sau khi đã lọc thịt + một miếng gừng nhỏ đập dập
- Thịt bò cho món phở dẻ sườn đơn giản chính là chỗ thịt lọc mềm và ngậy xóc với chút tiêu xay

Cho bát phở thành phẩm, chần nóng lại bánh phở rồi cho vô bát. Lần lượt rải lên theo từng góc chút hành thái nhỏ, chút rau mùi và bạc hà thái thái theo ý, mấy cọng hành đã chần mau qua nồi nước dùng, một dúm hành xóc dấm, và tất nhiên là thịt dẻ sườn.

Nước dùng phở nóng dzẫy cứ thế chan vòng quanh bát đã bày bánh phở và các thức đi kèm. Thế là xong. 

Bát phở thiếu đủ đường, từ cọng mùi tàu tới nhúm giá đỗ, ớt cay tươi thắm sắc đỏ không có, thơm Láng lại càng không. Nhưng tôi hài lòng. Thịt dẻ sườn không thái thành lát mỏng khổ lớn nên cái phần gọi là đẹp mặt coi như bỏ qua, nhưng phần thịt thái ra thực mềm và đậm đà, lại có chút ngậy đặc trưng của thịt bò. Không cầu kỳ đến mức nồi ninh chạy qua cả một đêm, bốn năm giờ ninh nước của một tối cũng đủ cho một phần nước dùng ngọt tự nhiên vừa ý.  Và thích nhất là cho bếp neo người thì làm phở kiểu mau và xinh xinh thế này rất ổn.

làm vườn và dọn nhà (5)

Hôm qua TL gửi cho tôi mấy trang tạm gọi là nhật ký dọn nhà của một chị mà nó hay đọc trên mạng. Tôi vừa đọc vừa khúc khích cười. Ở Hà Nội thấy mình là quái vật, sang đây gặp đại quái vật về tích trữ và bày bừa. Nhưng đọc đến chị này thì hóa ra là cái tổng kết "luôn có ai đó hơn mình" đúng thiệt là đúng. Kết quả của việc đọc bữa trước biến thành cơn cao hứng dọn dẹp sáng hôm sau. Chủ đề lần này là các ngăn kéo tủ bếp.

Có rất nhiều món nhỏ từ Việt Nam, đũa, kệ đũa, cái mở bia Tiger, những miếng gốm trang trí bé xinh xinh, và đặc biệt hơn cả là hai bộ móc chìa khóa với hình một bên là các cô người mẫu và một bên là các mặt tờ tiền.

Chúng được mua năm 1999 trong lần đầu tới Việt Nam của người mua chúng. Và chúng được mua trong sự ngạc nhiên. Vì hai lẽ. Bản thân hình các cô người mẫu và sự kết hợp giữa hai mặt hình ảnh của mỗi miếng nhựa.

Năm 2019, tôi thấy chúng bị bỏ quên dưới đáy một ngăn kéo, ý nghĩ duy nhất chạy qua đầu là hài! Tiếp đó là câu hỏi, chúng có xuất xứ từ đâu, liệu có phải lại là từ bác hàng xóm to đùng hay không.

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

xấu xí bên bàn ăn

Tôi không phải là kẻ ưa thích hay giỏi giang trong việc tụ tập ăn ngoài, theo nghĩa đám đông và/hay với người không quen, không hạp tính. Ở đây thế quái nào, gần như hàng tuần, tôi bất đắc dĩ vác cái mặt giả tạo đến một cuộc gặp mặt bộ bốn. Đến hôm nay thì tạch, ngưỡng chịu đựng vỡ tan tành, tôi thấy mình có chút đáo để nhưng không hề áy náy, thẳng thừng từ chối tham gia vào bữa tối đã được lên lịch từ trước.

Nếu là cuộc tụ tập của nhiều gia đình, theo đó sẽ có nhiều ông chồng, nhiều bà vợ và nhiều đứa trẻ con, chuyện tụ tập chia phe các ông, các bà, bọn trẻ hẳn là đương nhiên và vừa đủ hợp lý để không ai thấy mình ngoài cuộc. Nhưng khi không có trẻ con, khi hai ông bạn lâu năm mải mê trò chuyện quên người bên cạnh, khi hai người đàn bà còn lại vốn chẳng có lấy một điểm chung nào để chia sẻ cũng như không có lấy một mẩu nỗ lực ra hồn cho cái thứ có tên giao tiếp xã hội thì tất có chuyện không hay.

Tôi ít tuổi, dù không thích và cũng chẳng có tý thật lòng nào, theo lễ tối thiểu luôn biết đường chào hỏi, dạ thưa trước. Kết quả, cho đến cuộc hẹn thứ n mới được người ta hạ cố cho một lời đáp. Tôi không ấm ức, chỉ thấy tức cười và tự dziễu, đúng là chẳng ra làm sao.

Tôi nghe chuyện đối phương bài xích tất cả những gì dán mác nhãn của ông hàng xóm Phương Bắc, từ con người đến hàng hóa, theo lễ bao giờ cũng dạ, em nghe. Nếu chỉ vậy thì mọi chuyện xem ra là ổn. Nào ngờ, đối phương hung hăng áp đặt cái chuẩn của mình sang tôi, ấy thế thì là bắt đầu có chuyện. Có lần tôi thiếu chút phọt ra miệng, cái áo Brooks em đang mặc là hàng gia công ở xứ đó, may mà biết thân biết phận chuyển thành, um nhiều khi còn do khả năng tài chính quyết định ạ. Kết quả lại nghe tràng giang đại hải, chị đây chỉ mua hàng VNXK mỗi lần về Việt Nam vì đồ bên này toàn cỡ to và xấu. Giời ạ, chị cứ mèng mèng thử Talbots hay Eileen Fisher xem nào, cho cỡ trung tuổi chị và em đó, ai dám bảo xấu và to cơ chứ. Đấy là chưa kể đồ thiết kế của tiệm nhỏ theo phong cách thời đại mới, thân thiện môi trường chi chi này nọ, lựa chọn vô cùng phong phú, giá tiền cao ngất tầng mây hay mấy đồ hiệu đích thực thì em chẳng dám bàn. Cái khuôn đóng rập một phát của chị rằng thì là mà bọn [đàn bà] Mỹ không biết thế nào là thời trang, em xin phép tiếp nhận theo kiểu nghe vô cửa tai này lập tức tống tháo theo lỗ nhĩ kia, thưa chị.

Mấy lần gặp cuối, chị đột nhiên cởi mở, giảng giải tỉ mỉ cho tôi cách mua thực phẩm sạch ở chợ nông dân bán theo tuần, về văn hóa, về ứng xử xã hội của người xứ này, vân vân và vân vân. Tôi tất nhiên vẫn là giả dối gật đầu như giã tỏi. Đến bữa, chị đang cao hứng đã du lịch chỗ này chỗ nọ và sắp tới dự định những đẩu những đâu thì vô tình phát hiện con giời đã có hai lần ở States, cũng mon men biết vài nơi, thế là chị đột ngột tháo phích cắm, dừng nhạc hiệu. Tôi biết chị không hài lòng, nhưng biết làm thế nào được, tôi có kể lể gì đâu, tại hai cái lão kia kìa.

Chẳng biết lễ nghi lễ tiết chị dạy tôi đúng sai thế nào, ở lần gặp cuối, vì hai ông mải chuyện mà quên cánh đàn bà, và có lẽ cũng vì chị cạn hứng thể hiện bản thân cũng như dạy bảo tôi, sau mấy hồi nổi máu công chúa kiếm chác sự quan tâm chú ý từ hai ông bất thành, sau mấy lần thò tay cấu chí cả ông chồng lẫn ông khách như một con nhóc ba tuổi, chị giật đùng đùng vác tờ phiếu cùng cái thẻ ra tận bàn thủ quỹ để kết thúc màn thanh toán, rồi tiếp tục đùng đùng quay lại bàn rờ cái sắc tay của mình và chẳng nói chẳng rằng cứ thế mà tót ra ngoài vỉa hè. Tôi có lịch sử từng lên cơn điên đôi ba bận, hủy bỏ hoặc bỏ ngang một bữa ăn ngoài vì phẫn nộ này nọ, nhưng gặp tình huống chị tạo ra cũng phải kính cẩn vái cả nón.

Tôi từ chối ra ngoài lần này, bạn đánh chén áy náy ra ý lỗi hoàn toàn tại chị. Tôi nói không phải. Đầu tiên tôi có màn trịnh trọng nhận khuyết điểm, rằng thì là mà tôi đã cố nhưng giờ thì tôi đầu hàng, chịu không nổi cái màn lịch sự và khách sáo vớ vẩn bên bàn ăn kiểu này. Sau nữa, đúng là chị đỏng đảnh vô lối một cách vô ý vô tứ, nhưng đóng góp của hai ông cho cái vở kịch giao tiếp và ăn uống xã hội hài hước một cách thảm hại này xem ra cũng chẳng nhỏ. Nói ích kỷ và vô cảm thì xem ra nặng lời quá, thôi thì nhẹ nhàng chê trách hai ông có chút thiếu ý tứ, chỉ biết chúng mình nói chuyện chúng mình, mà khi đã làm vậy thì dễ khiến những kẻ ngồi cạnh ngộ ra, hóa ra chúng mày chẳng coi tụi tao ra cái cóc khô gì.

Chuyện này không ở trong phạm trù của những thứ có tên bé mọn, đố kị. Đơn giản, tôi gọi là cái xấu xí bên bàn ăn. Mà cái xấu xí này nếu cứ để nó toòng teng mãi trước mặt, ắt sẽ có ngày nó đưa đường dẫn lối tới sự nhận thức về những thứ còn xấu xí hơn nữa.

Đối với tôi, cuộc sống hai người dù thân mật đến mấy cũng cần chút dửng dưng khách sáo. Vậy nên, tốt nhất là tránh cái xấu xí nhỏ này để bớt đi một cơ hội lăn tòm vào hố đen của những khám phá tồi tệ khác. 

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

cơm lài rang mực ống vị lá húng tây

Mực ống nhỏ đánh bắt tự nhiên từ đảo Rhode đã được làm sạch sẽ, xếp gọn gàng trong hộp phần thân ống ra thân ống, phần râu ria ra râu ria. Cho bữa trưa solo, tôi nhặt ra sáu thân mực, ống to cỡ chừng ba ngón tay giữa chụm lại, ống nhỏ thì nhỉnh hơn hai ngón cộng gộp. Cơm rang làm từ phần cơm gạo lài mang về từ tiệm Thái tối qua.
làm lần 2 - có cả râu [mực] và rau [salad]

- Mực cắt khoanh ngang mỗi ống thành bốn phần, ướp với chút bột muối tỏi + ớt khô (ớt bột cayenne hoặc đơn giản là ớt khô xay rối) + tiêu chừng mươi phút
- Lá húng tây lấy từ hiên nhà, thái rối cộng với mấy lát hành tây trắng sẵn sàng cho phần rau gia vị xào
- Mùi xắt rối để trộn món sau khi tắt bếp
- Hành hương phi thơm, xài cả phần dầu lẫn phần cái hành cho món cơm rang lẫn mực xào
- Chút dầu olive cho món mực
- Một phần tám trái chanh xanh

Đấy là chuẩn bị. Đến làm món thật là mau.
- Chảo gang rộng rãi để lửa to, cho chút dầu ăn phi thơm hành hương vào làm nóng, tiếp là cho lượng cơm vào rang. Lửa chỉ để to lúc mới cho dầu và cơm vào, sau chuyển sang liu riu và không cần dùng tới vung chảo, cứ thể để các hạt cơm tự mềm đồng thời đạt chút độ săn. Món cơm này tôi chủ ý rang mềm chứ không phải rang giòn. Trước khi lấy cơm ra đĩa, bổ túc thêm chút sợi hành hương đã phi thơm, tác dụng trang trí không đáng kể mà chủ yếu là để tăng vị.
- Vẫn cái dấu chảo đó quay lại chế độ lửa to, lại thêm chút dầu đã phi thơm hành hương đảo mau tay hỗn hợp húng tây + hành tây trắng để dậy thơm rồi tiếp tục xào. Trong lúc xào mực, bổ sung dầu olive lấy thơm và ngậy. Mực chín thì tắt bếp, thả chỗ mùi đã xắt vào trộn nhẹ tay rồi lấy ra bày cạnh phần cơm đã rang.
- Vắt nước cốt chanh lên mực. Dùng đũa hay nĩa đảo nhẹ cho các miếng mực ngấm vị chua thanh thanh của trái lime. Rồi đương nhiên là đến tiết mục đánh chén.

Cơm rang mềm, thơm thoảng vị hành hương, vốn dĩ lạt vì không thêm bất cứ tạo mặn nào đến khi gặp mực xào coi như là một kết hợp hoàn chỉnh. Mực tôi chủ ý ướp thoang thoảng nên đích thực không đuổi kịp năng lực xơi mặn của đầu lưỡi thường ngày. Các lát mực đủ mềm đủ giòn, gặp được lá húng tây lúc mới gặp nhiệt chảo gang nức mùi lá hương nhu ta vốn ở nhà Mẹ vẫn hay dùng đun nước gội đầu nhưng rất mau khi đã sém nâu lại có tương trợ của hành tây thì lại thành thơm dìu dịu, rồi nữa là lá và cọng mùi xắt rối và cuối cùng là tạo chua từ nước cốt chanh làm nên món xào chủ hướng thanh cả về sắc lẫn vị.

Có thể coi tôi có bữa trưa nhẹ, lạt và đơn giản! Tinh thần này nếu khéo được phát huy và duy trì, hẳn sức khỏe cái dạ dày theo đó mà vọt đà tiến bộ :-)

* Note ghi thêm sau lần làm món thứ hai: nếu dùng khăn hoặc giấy thấm khô kỹ thân và râu mực, món xào đảm bảo theo đó khô chắc nịch; còn nếu phóng khoáng với thủ tục này thì chút nước xào tiết ra lấy luôn bạn đó rưới lên phần rau salad ăn kèm không phải là ý tồi.

** Note bổ sung 6/2020: phiên bản râu mực [tươi] xào vị lá húng tây siêu mau, siêu đơn giản xem ở đây :-)

trở thành một ai đó

Tôi có giấc ngủ không nông không sâu, ngắn cụt lủn và sáng nay đột nhiên thành người dậy sớm. Lúc lờ rờ châm nước pha cafe, qua hiên nhà phóng tầm mắt ra biển rồi nhìn sắc trời, tự dưng nghĩ đến AB. Vô duyên vô cớ vậy, nghĩ đến bạn rồi lại thơ thẩn vài ý nghĩ về thế giới xung quanh mình.

Ở lớp triết đại học, AB đặc biệt. Kết quả học bốn năm luôn ở tốp đầu. Không làm chính trị hay chính xác hơn là đã có lần thử đấu đá mà bất thành. Không rõ vì cái chuyện bất thành đó hay vì mức độ thông minh vượt trội so với bọn đồng học, AB còn có thêm đặc điểm là nghiệt trong lời nói và gần như lúc nào cũng mang vác cái mặt khinh khỉnh - bộ dạng mà sau này rất nhiều năm, khi tôi trưởng thành thêm một mẩu và bớt được một mẩu nữa của cái bệnh tự kỷ xã hội của mình thì không ngại ngần gì mà gọi đó là thói/bệnh của anh chàng ta đây nhà quê nhưng siêu việt, vừa chắc nịch mình thông thái hơn người, song cũng ẩn giấu nơi nào đó, thường là rất sâu và rất kín, chút tự ti về chính bản thân mình.

Tôi mải lang thang ngoài khuôn viên trường đại học, không tính việc ngồi mấy lớp học trong phố thì thời gian còn lại giúp Mẹ mấy việc lấy hàng thì ít mà lẽo đẽo theo Akent đi xem các ông già chơi cờ trong phố cổ, đám đàn anh đàn chị sát phạt nhau bên các sới gà vùng ven sông thì nhiều. Cuộc sống đại học của tôi thực chẳng có mấy mùi đại học theo khuôn mẫu quen thuộc. Không chơi bời thân thiết với bạn học. Không hiểu đầu cua tai nheo gì về mấy màn cạnh tranh công khai hay đố kị ngầm ẩn giữa nhóm này với nhóm kia trong cái lớp học vốn chỉ có hơn mười mống. Với AB, tôi giữ một thái độ vừa vặn gọi là vừa phải. Đủ để chúng tôi nhìn thấy nhau có thể ề à mấy câu không nặng không nhẹ. 

Mùa hè cuối cùng ở trường đại học, các bạn tíu tít kế hoạch trưởng thành. Non nửa lớp đã chắc nịch có cha mẹ họ hàng bảo lãnh cho một vị trí trong hệ thống. Số còn lại về căn bản cũng đã khôn ngoan tính toán sắp xếp kế hoạch cuộc đời. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì vì chỉ vài tháng sau đã lon ton ở trong mấy khu giảng đường của Sciences Po Paris kiểu điếc không sợ súng.

Trở về Hà Nội, tôi không nhớ gặp lại AB trong hoàn cảnh cụ thể như thế nào. Chỉ biết bạn hỏi có thích làm việc ở trong cái hộp gần nhà không. Tôi ú ớ, hay là thử xem sao. Thế là có màn xách túi quà hoa quả bánh kẹo gì đó đến nhà một anh. Chủ nhà, người sau này có vai có vế không nhỏ chút nào, đích thị đáng mặt tiền-bối, nói chuyện đủ mức thân tình và tin cậy, bảo tôi nếu thực sự nghiêm túc thì về nói chuyện với người lớn trong nhà. Kết quả là chính tôi chẳng nghiêm túc chút nào. Người lớn trong nhà không từ chối khả năng nhấc máy gọi vài ba cuộc điện thoại, nhưng chính bản thân tôi thì hết hứng thú khi bác họ biết chuyện nhắc nhẹ đúng một câu, cháu thích tự do - diễn đạt uyển chuyển cho "mày là đứa vô kỷ luật" - nên không hợp với cái hộp ấy đâu. 

Tôi cuối cùng cũng đi làm, trong một cái hộp khác nhìn bề ngoài thoáng đãng hơn nhiều, còn thực thì là một phiên bản thiết kế sân khấu khác dành cho tấn trò đời không ít bé mọn, giáo điều và theo đó là cả sự dốt nát và độc ác. Tôi gặp lại AB vài lần nữa. Lúc này, tôi đã trở nên gần gũi hơn, thậm chí còn chọc bạn về chuyện bạn là chuyên gia đọc sách dòng tự-cứu-mình bắt đầu thành hình ở Việt Nam. AB tưng tửng bảo tôi rồi cũng sẽ thay đổi, rằng ắt có ngày khi bạn không đọc chúng nữa thì sẽ đến lượt tôi. Chuyện nhiều năm sau quả y chang là vậy, có không ít lần khi tôi lần rờ các trang sách thì nghĩ đến AB và tự dziễu bản thân, ấy là mình trưởng thành muộn.

Tôi không gặp AB người thực nữa thì trong vài năm liền nhìn thấy bạn trên màn hình. Bạn trở thành ai đó trong đời, được bạn đại học - những người vì lý do này nọ tôi có gặp lại, không phải là ở các cuộc họp lớp mà là mặt đối mặt đơn lẻ - nói đến với vẻ ngưỡng mộ vô tư nhưng chỉ sau vài câu là thòi lòi cái đuôi đố kị tinh vi. Tôi không hiểu về thế giới mà AB phô diễn trong đó nên không để tâm là mấy. Sau đó nữa, nghe nói bạn lập nghiệp trời Nam, lại nghe nói bạn trở thành người đi trái đường với dòng chủ lưu của não trạng xã hội, vân vân và vân vân. 

Tôi có vài trải nghiệm tồi tệ về óc tưởng tượng cùng miệng lưỡi vô trách nhiệm và độc ác của người đời, đã từng là nạn nhân bất đắc dĩ của mấy cái chương hồi từ "nghe nói" chuyển thành chắc nịch "chuyện này tôi biết rõ" - kiểu như sau hai ba tháng làm việc với hai ba người ở một cái bảo tàng kia thì đến ngày đẹp trời ngã ngửa khi biết mình đã lập gia đình, kịp có hai đứa con và là người thế này thế nọ. Vì thế nghe chuyện của AB, không rõ thực hư thế nào, tôi chỉ giữ hình ảnh bạn mà tôi đã từng biết. 

Mấy tháng này tôi thấy mình trong một tiểu thế giới-xã hội vô cùng xa lạ, vô cùng khác biệt. Tôi không còn là đứa nhóc vừa bước qua tuổi 20 để háo hức tò mò khám phá hay đơn giản là hăm hở xông pha kiểu bố mày không sợ chết. Tôi cũng chẳng còn ở lưng chừng của tuổi 30 vắt sang 40, tậu cho mình chút khôn ngoan cùng khôn lỏi khi cố gắng bày đặt biểu tỏ sao cho thật nổi bật cái sự tốt và giấu thật kỹ cái sự tồi của bản thân. Tôi đã kịp làm cả đống chuyện ngốc, ngu và ác cũng như mấy việc được xem là thiện lành để rồi sau một độ dài đáng kể thời gian nhìn lại thì thấy từ xấu đến tốt thực ra tôi chẳng có nguyên tắc đạo đức nền tảng nào cả, tất cả xét đến cùng chỉ là những hành động nông choèn, tùy tiện. Cái thế giới mới này, cùng con người có chút mới này của tôi, tất cả cấu thành một trải nghiệm thường-nhật vô cùng đặc biệt.

Trong hành trình này, có nhiều câu hỏi được đặt ra. Trở thành ai đó đối với tôi không dứt khoát đòi hỏi một sự đào sâu suy nghĩ cùng những lắt léo lập luận chi chi. Đơn giản, tôi nghĩ về những con người cụ thể, người cũ đã từng quen biết trong một phần quá khứ nào đó, người mới vừa vặn gặp mặt thò tay ra lắc lắc chào hỏi, rồi nghĩ về bản thân. Không hoan hỉ cũng chẳng tiếc nuối. Điều tôi làm và xem ra là cố gắng làm, đơn giản là để các suy nghĩ đó vào trong một dòng chảy được đặt tên dưới dạng truy vấn. 

Không có câu trả lời rốt ráo nào ở đây. Tôi thấy mình thả lỏng, trôi theo dòng nước và mọi đích đến xem ra đều là có thể!

cá halibut hấp xì dầu, gừng và nấm

Đây là phiên bản món cá hấp đơn giản nhất tôi từng [tham gia] làm đến giờ.

Quầy hải sản ở Whole Foods rất phong phú và bắt mắt. Trên đường trở về từ Massachusetts, đã thành lệ, chúng tôi luôn mất chút thời gian ở siêu thị và khu vực quầy hàng  này. Lần này, trong số thực phẩm được thả túi đông mang về có halibut fish. Tra mạng nhện, tên Việt dành cho nó là cá bơn Thái Bình Dương. Nhìn phần fillet cá dày dặn trước mặt với hình ảnh con bơn tròn dẹt tôi có ở trong đầu, tôi thoạt thấy thực chẳng có mấy liên hệ. Sau tôi lại quay sang bảo mình ngốc vì con bơn tôi biết vốn là quen nhìn thấy ở chợ hải sản tiểu khu, có độ lớn chỉ là vừa khổ ngang dọc của một cái chảo rán thông thường, còn họ hàng của nó ở đây nếu đem ra so sánh hoàn toàn có thể xứng đáng tên gọi gã khổng lồ.

Bạn đánh chén bảo không thích rườm rà món hấp hơi hướng bếp Hoa, nhưng cũng không quên nhấn mạnh, cho nấm nhá.

Kết quả, cho món hấp, ngoài lát cá để nguyên da, nguyên liệu đi kèm chỉ có:
- Gừng miếng nhỏ thái sợi
- Hành hoa xắt khúc - phần thân trắng to có thể chẻ dọc đôi
- Soy sauce loại nhẹ
- Hành hương thái lát
- Và tất nhiên là có nấm - shitake khô

Không chỉ danh sách đầu nguyên liệu tối giản mà ngay cả phần cân lượng cũng rất khiêm tốn. Cá bày trong chảo hấp, ngoài phần nước tương nâu nhạt làm nền và nấm hương nguyên cái nổi bật thì gừng, hành hoa và hành hương chỉ là thoang thoảng.

Món hấp thành phẩm bày ra đĩa, tinh thần làm đã đơn giản thì đến tinh thần ăn cũng theo cùng một nguyên tắc mà phát huy. Không thêm bất cứ thức chấm hay gia vị nào bên cạnh, cá vừa kịp chạm tới độ đậm nhờ soy sauce, có cái ngọt đặc trưng của bản thân nó, thơm vị gừng, thơm ngọt của hành hương mềm trong nước sauce, thơm hăng của hành hoa nguyên khúc.

Thịt cá halibut không có độ chắc như monkfish, độ ngọt xem ra không bằng với cá tuyết song về cơ bản ở mọi phương diện có thể xem là vừa đủ: vừa đủ chắc để lấy nĩa xắt một miếng vừa ý đưa vô miệng mà không sợ dọc đường lã tã rơi rụng, vừa đủ ngọt để đủ cảm nhận và yêu thích hương vị của đại dương và không ngại ngần cho một lần thử nghiệm kế tiếp trong bếp.

Tôi thích giữ da cá trong lúc làm món. Còn ở bàn ăn lúc tàn cuộc, nếu còn có thứ sót lại thì chính xác là bạn này.

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

một note ghi lại cho ginger chicken soup

Ở quán Thái của Jenny, ginger chicken soup trong, hơi ngả sắc vàng mật ong do nước tương, lại có chút óng ánh ngậy béo đặc trưng của nước luộc gà. Độ mặn vừa đủ. Còn chủ vị đích thực là ngọt.

Tên gọi món là vậy nhưng cả hai bạn gừng lẫn gà đều đúng là siêu thoang thoảng. Hai ba lát thịt gà mỏng hơn cả lưỡi mèo, gừng lèo tèo vài ba sợi thái siêu mịn. Còn lại phong phú đầy đủ hơn cả là các bạn nấm shitake tươi lát thái siêu mỏng. 

Có lẽ là để trang trí nhiều hơn là lấy vị, trong bát súp mang ra bàn cho khách còn có sả, vừa khéo hai ba cọng phần thân củ non trắng chuyển sang lá xanh được thái vát vô cùng bắt mắt giữa các sắc nâu nâu trắng trắng của nấm cùng gà.

Tôi nếm ké một thìa nước súp của bạn ăn tối, tự dưng nghĩ mà thèm món gà hầm thuốc bắc của TL.

Ngày xửa ngày xưa, chỉ dịp đặc biệt mới được ăn gà. Nước luộc gà thường ở ba dạng món quen thuộc: mâm cỗ quê đông và vui có canh miến và/hoặc canh bí đao; mâm cỗ nhà của gia đình hạt nhân ở thành phố thì đơn giản hơn mà cũng là oách hơn vì bát canh chỉ thuần nước luộc gà, có điểm chút hành hoa cùng mùi thái rối hay thái mỏng và thoảng thơm vị của gừng tươi đập dập.

Ngày nay mức sống tốt hơn, nhiều khi chỉ cần dư chút cao hứng lăn vào bếp là có món gà hầm nhà làm. Từ đơn giản kèm ngải cứu tới cầu kỳ đủ vị này nọ mang tên thuốc bắc. Người lờ đờ gặp bát nước súp gà coi như tỉnh ra bảy tám phần.

Mà ngẫm nghĩ chút, xem ra cả Đông lẫn Tây đều có quan niệm nước súp gà thần thánh dành cho người ốm bệnh.

làm vườn và dọn nhà (4)

Có một câu hỏi rất tầm thường song cũng rất mơ hồ thế này: cái này đáng giá bao nhiêu (?)

Cho những thứ nằm ngoài khuôn khổ của các sự vật hữu hình, câu trả lời, thường là liên quan đến một quyết định cuộc đời, một lựa chọn sống, có vô khối biên độ và sắc màu. Còn về bản thân đồ vật-hàng hóa, tình hình xem ra cũng chẳng khác mấy.

Trước một quầy hàng, trước/cho một món hàng, người mua hỏi người bán cái này giá bao nhiêu, chuyện không có gì hiển nhiên hơn thế. Nhưng cũng là cái khung cảnh đó, hoàn toàn có thể có một vở kịch câm của các suy nghĩ, diễn ra trong óc của cả hai kẻ bán và mua. Tay đứng quầy có thể ước lượng về mức độ giàu có hay bốc đồng của khách mua mà đưa ra một đáp án. Còn người đối diện, rất có thể có tình huống y hay thị tự nhủ với mình, từ cái sự hiểu biết về nhu cầu cũng như dục vọng của bản thân, và thêm nữa là mức độ nặng nhẹ của cái ví tiền mang theo, chừng cái này giá sẽ là [...] để dựa vào đó mà đắc chí kiếm được món hời hay hung hăng một màn kì kèo mặc cả.

Cô nghệ sĩ đóng bỉm có bộ sưu tập đĩa và các thứ liên quan đến món phim người lớn xuất xứ Nhật Bản. Cô giải thích, đó là cho sáng tạo. Tôi lơ ma lơ mơ, mù tịt về hầu như mọi thứ có tên là nghệ thuật, chẳng rành mức độ nghiêm túc của cô đến đâu. Nhưng tôi rõ một điều là cách đây dăm bảy năm, cô chỉ bán một ý tưởng cũng đủ rong ruổi một kỳ nghỉ dài ở Santa Fe, kỳ nghỉ vốn ban đầu con nhà giàu như cô cũng phải vô cùng nghiêm túc lên kế hoạch trong suốt vài năm ròng. Giả định tôi đứng trước một kệ đồ cũ với một đống đĩa JAV và quyết định bỏ qua chúng vì chúng không đáng giá. Lý do của cái sự không đáng giá này có thể vì tôi không có hiếu kỳ đối với thể loại phim ảnh này. Nhưng lý do cũng có thể là tôi sợ cái nhìn của thằng cha đứng bên cạnh nên dù thích và biết chúng có giá trị nhưng lại không dám mua. Rồi nữa, có thể tôi có một ý niệm cụ thể về giá trị của chúng nhưng rồi tính thiệt hơn thì chẳng tội gì bỏ mớ tiền ra tích một đống đĩa chật nhà. Và có thể có nhiều lý do khác nữa. Lại tưởng tượng nếu không phải là tôi mà là cô bạn nghệ sĩ dị tính kia. Chắc sẽ có một thỏa thuận mua bán tức thì, trong đó cả kẻ mua lẫn người bán đều coi mình giành thế thắng. Bộ đĩa phim, tôi và cô nghệ sĩ đóng bỉm, cái tam giác tưởng tượng ấy có thể dẫn tới những kết chuyện hoàn toàn bất đồng, tùy thuộc điều gì nằm trong đầu của tôi và cô.

Hai bà già Tag Sales hôm nay tiếp tục hành trình định giá đồ vật. Chủ đề của ngày là dây rợ máy móc điện tử đủ loại, lại thêm quần áo giày vớ mớ năm mớ bảy và một đống tranh ảnh cùng các gạc đỡ xe đạp chuyên cho đủ loại ô tô khác nhau. Trong đám tivi chờ được giải phóng, có một màn hình to được phủ hai miếng vải dân tộc vô cùng đặc biệt, ít nhất là đối với tôi: một tấm thổ cẩm đính cườm của người Cơ Tu và một miếng thổ cẩm ghép của người Hmong. Hai tấm một còn tương đối mới và một cũ nát, tôi không quá rành nhưng lần đầu nhìn thấy chúng, phát huy tất cả mớ hiểu biết lộn xộn có được nhờ chạy đi chạy lại tiệm đồ của chị hàng xóm cũ và của Cô H, đủ biết chủ nhân ông của chúng đã phải bỏ ra mớ tiền kha khá để có thể vác chúng về nhà. Nhưng chuyện gì xảy ra khi hai cụ già kết thúc công việc của mình và rời đi? Do hiểu lầm những miếng vải này có chung điểm đến như cái màn hình tivi, hai cụ già vui tính đã tặng cho mỗi tấm thổ cẩm một cái giá lần lượt là ba và bốn đồng tiền. Trong khi đó, ở ngay bên cạnh là một tấm thêu hàng chợ hình Chùa Một Cột, loại quà lưu niệm một khách mua ghê gớm có thể chốt giá về chừng đôi ba trăm ngàn đồng, thì lại được hai cụ đặt giá những 35 đồng tiền.

Tất nhiên là hai miếng thổ cẩm sẽ không được đưa ra sân vườn cho món Tag Sales. Còn về tấm vải thêu kia, thành thật mà nói, chỉ cần tiền bán đủ mua một cốc ice cream soda ở quầy kem giữa phố đối với tôi đã là một món hời rồi.

sống mòn và chết một nửa

Tuần đầu tiên đến đây, tôi trực tiếp mắt nhìn tai nghe một cành cây to như bắp đùi đấu sĩ sumo rơi từ cây to ở lối đậu xe bên hông nhà. Gia chủ được phen hú vía, may mà không đậu xe ở đó.

Gặp nhà chủ cái cây thông báo, hàng xóm ú ớ, tôi tưởng đấy là cây nhà ông. Hết ú ớ thì thành ề à, để tôi về bàn với ông xã. Trong khi chờ hai ông bà hàng xóm bàn bạc, nhà bên này tiếp tục âu lo vì những cành nhỏ hơn cứ đều đặn cách nhật hạ cánh. Ảnh cành rơi được chụp, ý kiến chuyên gia bảo hiểm và luật sư được tham khảo, gia chủ thậm chí đã chuẩn bị nhờ luật sư gửi thư thông báo chính thức thay vì nói miệng. Tôi ngu ngơ không hiểu văn hóa và tập quán xứ này, thật thà hỏi chuyện gì xảy ra nếu một cành rơi phang trúng đầu hay xe. Câu trả lời nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi, phần cây nhà bên thòi sang nhà này phàm có chuyện thì cứ là mình chịu trận trước cái đã, vì nó là chuyện bên đất nhà mình. 

Đến bữa thêm một cành to khụ chổng chơ mép hè, ông không chịu được nữa, chạy tót sang bấm chuông cửa nhà bên. Nhà đó vốn đã có lần bị cướp tấn công - nghe nói lý do đích thực là do mâu thuẫn trong làm ăn chứ không phải cướp thật - nên như ông đoán trước, không có ai ra mở cửa cả. Vậy sang kế hoạch b, ông gọi điện thẳng đến công ty của ông chủ gia đình. Mọi chuyện trở nên hanh thông, đôi ba ngày sau có người đến đánh giá cái cây.

Muốn mau việc, có người còn tự tìm hiểu dịch vụ chặt cây có tín nhiệm cao, ở tận Rhode Island. Nhà dịch vụ đó cho người đến ngó rồi báo giá ước lượng bốn ngàn rưỡi. Giá này báo cho nhà hàng xóm, nhà hàng xóm bảo rẻ hơn báo giá của họ. Có lẽ vì người nhận thầu chính là người chuyên chăm vườn tỉa cành cho gia đình bên đó nên bất chấp tính không chuyên và sự phụ thuộc vào máy móc thuê mướn ngoài của ông người làm quen này, dịch vụ chuyên nghiệp bị bỏ lơ. Hệ quả mau thấy rõ, lịch chặt cây bị rời tới lui, lúc thì vì chờ cái máy tời chuyển từ Anh sang chơi mất ba tuần vận chuyển, lúc thì vì thiếu thợ, vân vân và vân vân. 

Trong lúc chờ đợi cái máy và ông thợ, nhà hàng xóm chả rõ nghe ông thầy dùi nào quyết định chỉ chặt nửa cái cây, với hy vọng to đùng nửa còn lại sẽ tiếp tục sống tốt. Nhà bên nghe chuyện phát huy triệt để óc tưởng tưởng cùng lý luận của thuyết âm mưu, chắc thằng cha chặt cây không có đủ năng lực từ máy đến người để kết liễu trọn vẹn cái cây nên bàn lùi vậy. Không rõ thực hư thế nào, nhưng ngày cái máy vĩ đại có mặt ở đầu phố và mấy ông thợ xuề xòa xuất hiện, xem ra giả thuyết này có cơ sở vô cùng vững chắc.

Chúng tôi trở về từ Massachusetts và thấy cái cây mất đi non nửa độ cao ban đầu của nó. Bước ra khỏi xe tức thì gặp mùi chua nồng của các thân gỗ đã được chặt thành khối bày cạnh gốc cây lẫn khu trữ gỗ đốt cho lò sưởi đông. Trước khi đi, gia chủ đã lót tay mấy ông thợ một khoản kha khá cho chỗ gỗ này. Chẳng hiểu các ông thợ vì nhiệt tình có dư hay lười, không chỉ để lại thân gỗ lớn mà cả bọn cành nhỏ. Ngay lập tức, có kẻ mơ màng, hay là mình mua thêm lò đốt nhỏ bày ngoài hiên để đến khi trời lạnh thì xử lý chỗ cành này. 

Tôi có mấy tháng trời theo dõi lên xuống đủ chuyện bi hài xung quanh cái cây. Nghe đến vụ xử lý mấy cái cành này thì cười không khép nổi miệng. Ông bảo mua cái lò mới vì mấy cái cành, thế chẳng thà mất công bỏ chúng vô thùng rác chờ đến sáng thứ Sáu có bà con môi trường đến dọn, vừa nhẹ tầm mắt vừa không tốn một khoản mua lò.   

Nhìn cái cây cụt đầu, tôi tự hỏi, đây là sống mòn hay đơn giản là chết một nửa (?) Dù gì hy vọng nó có thể sống tiếp!
cái cây mất đỉnh đầu

tiết kiệm tiền mua củi đốt lò

hancock 11

Chuyến đi này đặc biệt vì chúng tôi có khách mời-bạn đồng hành. Lịch trình diễn ra theo như dự kiến ban đầu, đồng thời có không ít phần bổ túc đầy ngẫu hứng.

trước buổi diễn
MASS MoCA có thêm nhiều phần trưng bày mới, có phần tạo nên sự thích thú, có phần tạo nên sự ngột ngạt vì người xem bất lực trong việc nắm bắt ngôn ngữ và biểu ý của những sự trình bày. Bảo tàng Norman Rockwell nhộn nhịp người đi lại, tôi nghe lảnh lót bên tai nào tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Hoa.

Còn ở Tanglewood cho buổi diễn đóng lại một mùa nhạc, vị trí ngồi tốt hơn lần trước cho phép chúng tôi dõi mắt trọn vẹn nhịp cơ thể sống động của ông nhạc trưởng Guerrero.

Trong chuyến đi này, cuối cùng tôi cũng đã hiểu ý nghĩa của diễn đạt "màu trời Berkshires" và có thêm một tầng nhận thức về các khoảng trống, về các độ dài dịch chuyển giữa các nơi chốn ở xứ này, vô cùng rộng rãi, vô cùng phóng khoáng!

Liên quan đến chuyện ăn và uống, tôi khoái chí có người cùng cánh hẩu khi bác bạn già Greg tuyên bố không phải fan hâm mộ bếp ăn Tex-Mex. Còn ở District, kết thúc phần tráng miệng của mình, tôi quay sang xỏ xiên hỏi hai bạn đánh chén, đâu là khác biệt giữa phần burger của họ với thứ cùng tên bán ở các tiệm McDonald's sau khi nghe không ít câu cảm thán, rằng thì là mà đây là một trong những chiếc bánh kẹp tuyệt hảo nhất mà họ từng có. Với một kẻ chuyên xơi mỳ miến phở được làm chủ yếu từ gạo như tôi, mấy món bánh kẹp này luôn là một thế giới đầy bí ẩn.

đường đến Tanglewood - hàm cá mập ở Lenox

trời Berkshires nhìn từ sân vườn bảo tàng Norman Rockwell

District Pittsfield - tráng miệng không mấy đẹp nhưng ngon nhất tháng

bữa tiệc âm thanh của những người già

sắc trời Berkshires nhìn từ bàn ăn trưa tại nhà

đi tìm cái ổ của mình

Khi tôi kể chuyện mở trang mới của kế hoạch cuộc đời vốn lộn xộn chẳng rõ đầu cuối của mình, cô nghệ sĩ đóng bỉm hỏi có phải tôi e ngại điều tiếng và chịu sức ép từ gia đình nên không dám chọn việc đơn giản là chung sống mà bỏ qua các chuyện giấy tờ. Tôi nhớ lúc đó đơ người một lúc, sau thì thủng thẳng, thực những chuyện đó còn chẳng bày đặt ra đối với tôi. Đơn giản là tôi không muốn phiền phức, có thủ tục cần làm thì làm thôi.

Giờ cái thứ mang tên thủ tục ấy giống như hố đen, rò mãi mà chẳng thấy đáy đâu. Tôi gần như là mếu máo, nào có ai ở trong hoàn cảnh khổ sở đến nực cười này như tôi (?)

Tất cả mọi người ở đây đều đương nhiên coi tôi một khi đã chạm chân mảnh đất này thì sẽ kiên cường bám trụ. Nhà hàng xóm đối diện có ông chồng chuyên chơi xe địa hình, từ đạp tới máy, vui thú không chỉ trong phạm vi các tiểu bang mà còn chu du đủ mọi miền Châu Âu. Ông kể trong đám bạn chơi của ông, có ông chát chít chi chi với cô người Khmer ở Phnom Penh, được hồi hơn năm thì cô kia đề nghị trả ông hai chục ngàn đồng tiền để cưới cô. Vấn đề là ông này giàu nứt đố đổ vách thì cần quái gì tiền. Sau chẳng hiểu loanh quanh thế nào mấy năm ông đều đếu qua xứ của cô thăm viếng, rồi thành tự nguyện cưới gả. Nghe nói tháng tới cô sẽ lần đầu tiên tới xứ sở của những giấc mơ. Ông hàng xóm theo chuyện thời sự và theo chuyện ông bạn, nghe sang chuyện của tôi trố mắt ngạc nhiên, người ta tìm cách vào, còn tôi tìm cách ra.

Tôi thi thoảng nghĩ về cô người Khmer kia thì phì cười. Tiền tích cóp từ dịch dọt bỏ ra mua tài liệu, sách vở cho bài giảng và luận án, lại phung phí linh ta linh tinh mấy năm rồi vào quần quần áo áo, giờ sau gần nửa năm không lương không bảo hiểm, chưa buồn tính đến mấy món nợ tồn, tôi đã đủ điều kiện xếp mình vào hạng vô sản triệt để. Thế nên không bao giờ có chuyện thòi ra một khoản to đùng để mua một ông xã. Còn nữa, tôi chẳng biết cái giấc mộng mang tên cờ hoa kia hay ho thế nào trong não trạng của những người khác, còn lại tôi với tôi hiện thực trần trụi không xám ngoét mà cũng chẳng rạng ngời.

Tôi không có điều kiện tốt như cô bạn, mỗi tháng có khoản chảy vào tài khoản cố định bằng hơn một năm lương thưởng của tôi, chưa kể lãi kết cuối năm, chưa kể bất động sản nằm ngủ một chỗ mang tên cô. Cô đi loanh quanh chán chê, đến khi về Hà Nội, thản nhiên bảo, mày biết không, thậm chí là hít sâu một phát để phổi căng đầy khói bụi cũng là một sự xa xỉ. Chuyện của tôi đơn giản hơn nhiều. Tôi thích cảm giác là kẻ ngoài cuộc, đến nơi, hít thở, ngó nghiêng, xài mấy câu tiếng Anh sứt mẻ gọi là cho giao tiếp xã hội, thế là đủ. Còn lại, cái ổ yêu thích của tôi cho tới giờ thực thà là Hà Nội - thành phố bụi bặm, ồn ào, lộn xộn nhưng quen thuộc và tiện lợi cho thói quen sinh hoạt tôi có từ hàng chục năm nay. 

Mà dù gì đi nữa, ngồi líu lo về cái nơi chốn sặc mùi Virginia Woolf xem ra cũng quá xa xỉ và thừa thãi đối với tôi lúc này. Theo thời gian, tôi mỗi ngày lại giảm bớt cái phần chứa nào thói bao đồng, hiếu kỳ hay cả sự không hài lòng dành cho thế giới xung quanh. Điều tôi học được là có rất nhiều thứ nằm ngoài tầm với và tầm kiểm soát của bản thân. Rằng cho một số chuyện, giống người gỡ sợi rối bên khung dệt, trước luôn cần một thái độ điềm đạm cùng kiên nhẫn.

Vậy nên, khái niệm "cái ổ của mình" thậm chí không còn mang hình hài vật lý nữa. Thay vì bồn chồn, lo lắng, sợ hãi, phẫn nộ - túm lại là một cái danh sách dài các cảm trạng tiêu cực kiểu này - tôi hoàn toàn có thể thong thả tự tạo ra một "nơi chốn" của mình, nơi chốn của hiện tại, uyển chuyển và linh hoạt, không chỉ là hình lý mà còn mang một ý nghĩa tinh thần, bao chứa những tình cảm thiện lành và chân thật. Như thế, cuộc sống của ngày bỗng trở nên dễ chịu hơn rất nhiều!

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

nhạt đi - bỏ các món muối chua

Đến tiệm Trung-Nhật ở Mystic, thành lệ chúng tôi luôn ngồi quầy sushi bar. Cũng thành lệ, dù bếp trưởng có đứng quầy hay không, chúng tôi vẫn có người tán gẫu rôm rả: cậu chàng tiểu-sư-phụ Chico có mặt tròn như cái nong, mắt lúc nào cũng cười híp tịt, là chuyên gia ăn humburger và chỉ thích kem ốc quế giá một đồng tiền ở McDonal's vì nó không quá ngọt.

Tối qua, chúng tôi thảo luận về các loại cá biển chán thì quay sang đồ ăn thức uống nói chung. Ở đâu đó giữa chừng của các mẩu trò chuyện, Chico bảo mỗi khi đi New York thăm bạn gái và tới Phố Tàu ăn uống, gọi món bao giờ cũng dặn dò không cần đồ muối chua, dù là kèm món mỳ hay món nướng.

Tôi thích mấy thứ đồ muối chua, nhưng ngẫm nghĩ chút thì đúng là cái lọ kim chi mua mới đây không còn quá ư hấp dẫn nữa. Quá đậm từ vị chua đến độ dậy và bám mùi. Bọn răng lợi của tôi xem ra cũng không thích ứng tốt cho lắm, lúc ăn có chút thỏa mãn đấy, nhưng đồng thời chân răng cũng kêu ken két báo động, chưa kể đôi khi quá đà mấy sêu rau củ muối thì bao tử cũng khẽ rinh chuông nhắc nhở.

Sau một đêm gần như là thức trắng và giấc ngủ vớt vát đầu sáng, việc đầu tiên tôi làm khi tỉnh giấc là lấy ra từ trong tủ lạnh hai lọ rau củ muối chua, chầm chậm chia tay chúng. Bếp đến cả giờ đồng hồ sau vẫn vương mùi kim chi. Còn tôi, cảm giác rất thành tựu. Thêm một sự giải phóng, tôi nghĩ thế!

chính thức cai cafe (8)

Sau hơn một tuần không dính dáng đến bạn nước nâu này, tôi đã kịp nếm vài vụn trải nghiệm:
- Cái bụng cồn cào.
- Trong da có "giòi bò".
- Cái đầu đu đưa giữa một bên là trạng thái ủ rũ và một bên là trạng thái bị kích động.
- Các cơn đau đầu thoảng hoặc.
- Thân người ngả rạp giữa chiều, và thực tế là hai ba ngày rồi tôi có màn ngủ ngày dài hai ba giờ.
- Cuối cùng, mỗi ngày có ít nhất đôi ba màn lên cơn, chực mò ra bàn bếp châm bình cafe hoặc khi đang ở ngoài thì gạ gẫm, hay là giờ làm một cốc nhỉ.

Theo mấy vị chuyên gia về nghiện và cai nghiện, mấy cái triệu chứng thảm kia kéo dài chừng một tuần. Với tôi, thời gian trải nghiệm khó khăn đó dài hơn.

Mới đầu, tôi tự nhủ rồi sẽ qua, theo kiểu gồng mình lạc quan. Nhưng đến đoạn có cảnh báo trường hợp người cai thế quái nào thành rối loạn psy thì tôi khiếp hãi. Rồi lại nghĩ, ừ mà cứ hết bần thần lại chuyển sang chực tưng tưng, chẳng phải psy có vấn đề thì là gì.

Rồi nữa, có màn bao biện, khi làm việc có chút cafeine hỗ trợ cũng không phải tồi. Thế là kế hoạch chính thức cai cafe sau hơn tuần dài hăm hở hóa thành cái bánh phồng gặp nước. Giờ tôi gọi nó là một dự định cai cafe bất thành.

Dù thế nào, cái quan hệ yêu-ghét tôi có với nước nâu giờ đã sang một cấp độ mới. Tôi uống đầu này cốc bự, pha lạt, có lúc thậm chí không cần sữa đi kèm. Các cơn đau đầu bay biến, cảm giác rung rinh thân người như chưa từng tồn tại. Tôi không thấy mình thèm mà là biết mình cần nó, ít nhất là cho thời gian này.

Tối qua Mẹ hỏi thăm về chương trình cai nghiện của tôi, tôi thật thà trả lời, coi như thành công một phần ba. Để xem đến lần cao hứng cai nghiện kế tiếp, tôi sẽ đi đến đâu!

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2019

giải ô chữ với từ mild

Có người chăm chỉ mỗi đầu ngày chơi một ván giải ô chữ với lời giải thích rất nghiêm túc, cái này để phòng bệnh Alzheimer's.

Người chơi về căn bản có thái độ phi thường nghiêm túc, song thi thoảng cũng có tý ăn gian. Kiểu như khi phải chỉ tên diễn viên nam chính trong Titanic thì một kẻ chẳng bao giờ ngó nghiêng dòng phim mang hương vị ngôn tình sẽ chạy sang nhà anh gúc-gù để tìm thông tin về phim.

Có một lần đang giữa màn ta đây chơi một mình, ông cười khoái trá, tự hào từ này tui biết chắc. Gợi ý cho hàng bốn ô chữ là Điều đầu tiên bất cứ ông chef bếp Thái nào ở Mỹ đều phải học [để có thể thành công].

Mà đúng là ông biết và biết đúng: mild.

Thêm nữa, cũng vì ông quá rõ cái logic này, ngồi quán Thái lần nào ông cũng ung dung phán, để món ở độ cay nhất. Vì ông thừa biết, cái gọi là siêu hot ở xứ cờ hoa hóa ra chỉ là chạy qua hàng ớt so với mồm miệng của một kẻ phàm ăn món Thái đích thực.

36 xu

Trên đường vào Peking-Tokyo ăn tối, chỉ cách chỗ đậu xe chưa đầy hai mét đường, tôi thấy lấp lánh dưới nắng chiều tà một hình kim loại tròn. Đã bước chân đi lại tò mò ngó lại lần nữa. Cúi xuống nhìn kỹ. Kết quả nhặt lên ba đồng xu, một đồng 25, một đồng 10 và một đồng một. Tổng cộng ba xèng 36 xu.

Các đồng xu được đặt ngay ngắn trên bàn quầy sushi bar. Cuối bữa, cô quản lý người Tạng chạy qua trò chuyện mấy câu. Tôi chỉ mấy đồng xu hỏi trong văn hóa của cô, nhặt được tiền thế này có được xem là điềm may mắn không. Rồi chẳng buồn đợi cô trả lời, tôi lại tiếp tục khua khoắng cái miệng, bảo tiếc là chỗ này không đủ mua một vé loto giá những hai đồng tiền. 

Chúng tôi nói chuyện tay ba tay tư, khách ăn, cô quản lý, và cả anh chàng phó bếp trúng ngày bếp trưởng đi vắng tự phong mình làm thủ lĩnh. Ai nấy đều phớ la phớ lớ nhưng rõ ràng có không ít mẩu trao đổi thực là ông nói gà bà nói vịt.

Được hồi cô quản lý phải quay trở lại công việc. Trước khi rời đi, cô nhẹ tay nhón ba đồng xèng, tiến tới chỗ cái bình thủy to tướng đựng tiền tip, cứ thế nhẹ tay thả tõm các miếng kim loại của tôi vào đó. 

Có đứa ngẩn ngơ. Không phải vì tiếc của. Mà là vì cảm giác thế là may mắn đã bỏ đi rồi :-)

tương đối luận cho cái miệng và cái dạ dày

Tôi kiếm được gói bột gạo Đại Hàn, nhà có bột năng, ngó công thức của cô chủ Savoury Days cho món bánh đúc thấy có tiết mục ngâm bột hay hay thì mần theo, làm ra mấy đĩa bánh xinh xinh. Hai bà già đến nhà xếp đồ cho Tag Sales việc nhiều nên ở lại lâu, tôi tiện miệng mời nếm thử. Hai bà già Mỹ chính tông cả đời chưa từng một lần xơi món Á, thử đôi thìa thì đầu hàng. Lý do là cả ba mức độ mặn, chua và cay của nước chấm chan bánh đúc đều vượt quá năng lực đầu lưỡi của hai bà. Nói uyển chuyển kiểu nhà mình là món "đậm đà" không phải lúc nào cũng được chuộng. Tôi đã biết chút chút về chuyện khẩu vị của người bản địa chưa từng có trải nghiệp bếp Á nên không bất ngờ cũng chẳng buồn phiền, nhe răng ra cười hì hì rồi hỏi các bà có cần nước không.

Chuyện này làm tôi nhớ đến không ít màn tranh luận mà trong đó có không ít tưởng có thể dẫn đến ẩu đả bên bàn ăn tôi đã từng chứng kiến khi những người tham gia vô tình hay cố ý tự phân chia theo hạng người Bắc-Trung-Nam, theo tỉnh thành địa phương nhỏ của cùng một vùng miền, người quốc nội và người kiều bào hay người ta và người tây.

Trong hình dung của tôi cho đến tận giờ này, so với bếp Bắc, bếp Trung đậm cay và bếp Nam đậm ngọt, chỉ vỏn vẹn có thế, không có chê bôi cao thấp rằng thì là mà bếp nào hay ho hơn bếp nào. Còn về vùng miền, địa phương cụ thể, tôi học được bài học to là không thích thì lẳng lặng giữ ý tứ trong lòng chứ đừng có dại mà nhệch cái miệng ra phê phán. Đi loanh quanh ra ngoài, thực cũng chẳng nhiều lắm, cộng với thi thoảng tiếp xúc với những người đến từ các truyền thống nấu và ăn khác với mình, cái nguyên lý tương đối luận và giữ mồm miệng lại càng trở nên quý giá. Tôi phát hiện mình hoàn toàn có thể nhăn nhở tám chuyện hài hòa với một tay không ăn như mình, không uống như mình khi cả hai chúng tôi tuân thủ luật chơi bên bàn ăn này (tất nhiên phải mở ngoặc ngay tắp lự là chuyện này vĩnh viễn không xảy ra nếu tôi gặm sườn bung bên cạnh một bác bạn người Do Thái).

Cô em kể chuyện có nhân viên ngoại quốc ở cơ quan chân ướt chân ráo đến Hà Nội nếm thử trái bơ dài mồm ra kêu kinh tởm. Trái quả này nếu cho nó một vị trí trong lịch sử ẩm thực Việt Nam tôi dám chắc tuổi đời của nó chẳng cao là mấy. Không rõ cô kia gặp nước mắm, mắm tôm nhà mình thì phản ứng ra sao, đoán không chừng có lẽ đùng đùng viết đơn từ nhiệm xách va-li hồi quốc.

Lại có chuyện hai ông cố đạo già người Pháp đi lòng vòng khắp mấy tỉnh Miền Bắc thăm thú các xứ đạo. Ông lái xe cho hai cụ cố này là con chiên Phú Thượng vốn hay đưa chúng tôi đi xứ Thanh kể chuyện có lần xuống Thái Bình, một ông trùm làm cơm mời hai ông cha, tiếng tăm chẳng thông thuận cho lắm nên giao tiếp chủ yếu là khua tay khua chân. Hai ông khách ăn dùng động tác khen ngon rối rít. Đến lúc ông trùm chỉ ra con cẩu nằm ngáp ngoài sân ra ý giải thích đấy các ông đang chén nó đấy thì hai ông cố mặt tái xanh. Nhưng rất mau hai ông bản lĩnh cao cường, đơn giản là dừng bữa bảo no rồi, rồi quay sang giải thích ở chỗ bọn tao, con này là bạn. Tôi hỏi người kể chuyện, thế hai cụ này có bày đặt bộ dạng ghê sợ không. Ông anh trả lời tắp lự, gớm, người ta là cha, khéo lắm.

Cuối cùng, có một chuyện nhiều năm về trước bữa nay tôi chợt nhớ lại. Ngày tôi nhăn nhở ngồi đánh chén ở tiệc mừng cặp đôi D và partner ở Sài Gòn, tôi bô lô ba la làm quen với cả đống người đến từ tứ xứ trong bộ sưu tầm họ hàng của hai ông anh mà chẳng thể nào để tâm nhớ ai với ai. Mấy năm sau, partner tự dưng nhắc tới một cô em họ nào đó, bảo cô này thích tôi vì không ra cái vẻ Bắc Kỳ coi bếp vùng miền mình là nhất. Tôi hỏi kỹ hơn chút, hóa ra trước dịp hôn lễ, cô du lịch đất Bắc, cái sự ăn khác lạ với một người nói chẳng mấy rành rẽ tiếng Việt và nếu trước đó có ăn món Việt thì đều là đồ đã được biến tấu theo gu Âu-Mỹ vốn đã là một trải nghiệm khó khăn với cô bỗng hóa thành sự khó chịu khi thi thoảng có người ra mặt chê bai cô là dân mất gốc và hoặc dạy bảo cô phải là phở Bắc mới đích thực là phở, đại loại thế.

Hai bà già xong việc đi về, bày tỏ chút áy náy về chuyện không quen món bánh đúc đậm đà của tôi. Tôi lại càng nhăn nhở bảo không sao không sao. Khách đã rời đi, không rõ có phải tôi bị ám ảnh bởi cái nhăn mặt duyên dáng của hai bà hay không, tự dưng thấy cổ họng nghèn nghẹn cái hậu-vị mằn mặn thậm chí là khăn khẳn của mắm cốt, chua lém sắc nhọn của nước cốt lime, nồng cay của tỏi tươi bằm và ớt khô xay rối.

Các quý thầy bà dạy môn có tên văn hóa học nói nào về giao thoa nào về bao dung nào về tương đối luận. Tôi lui cui dọn dẹp căn bếp nhỏ, nhìn các túi bột, chai mắm và các lát chanh, công nhận chẳng cần đi đâu xa, chỉ nội cho cái miệng và cái dạ dày, bạn tương đối luận này quan trọng thật :-)

một lẽ của việc rời bỏ đồ vật

Mỗi tuần nhà một lần đón khách là hai bà già chị em chuyên gia Tag Sales. Mỗi chuyến viếng thăm có một chủ đề-đích hướng riêng. Tuần cho đồ gốm sứ và tiện nghi nhà bếp. Tuần cho máy móc các loại. Tuần cho sách và tranh tượng cùng vật nhỏ trang trí. Tuần cho đồ vải, chăn đệm, giày dép cùng dụng cụ thể thao... Các món đồ được xem xét cẩn thận, thảo luận kỹ càng, và kết thúc là màn dán nhãn giá đề xuất. Sân cỏ và lối dẫn cho xe được dự kiến là nơi mở hàng. Tôi lăng xăng giúp việc làm sạch và sắp xếp đồ theo chủ đề chờ đón khách đến nhà. Càng làm càng choáng ngợp, càng chán ngán.

Choáng ngợp là vì sự thừa thãi và lãng phí cũng như phi lý của đồ vật. Tôi không thể nào tưởng tượng nổi một căn nhà nhỏ trong rừng có thể tích tụ đến trăm ly cốc thủy tinh và pha lê, hàng chục cốc sứ, gần chục bát trộn salad, hai ba chục món nồi chảo và hàng trăm món đồ trang trí bé vừa tay. Tôi càng không thể tin vào mắt mình khi nhìn cái tủ áo nhỏ ở hành lang của ngôi nhà nhìn ra biển chứa không ít hơn dăm chục áo khoác đông, gần chục đôi sandal hè mà về căn bản kiểu loại chẳng khác nhau là mấy. Chán ngán vì mỗi lần tưởng kết thúc một màn dọn dẹp và lôi móc đồ đạc thì y như rằng lại thòi ra một ngăn tủ hay góc gác mái chứa đầy những thứ chờ được giải phóng.  

Gia chủ kể chuyện ngôi nhà cổ ở New York bị một ông em họ xơi tái gần như toàn bộ đồ đạc, từ cây dương cầm cổ giá thị trường đủ cho tôi ung dung sống dăm bảy năm không cần đi làm việc tới bộ sưu tầm đĩa sứ giáng sinh có thể làm chảy nước miếng của không ít các ông bà già vương vấn nguồn cội nordic của mình, chưa kể bọn ghế gỗ của nhà mộc danh tiếng khắp New England chỉ riêng một set bốn món được xem là vintage bán tống tháo cho tay buôn đồ cổ tiền thu về đã đủ cho ông nộp thuế nhà đất cả năm. 
bao biện hay thỏa hiệp giữ đồ: có ngày mình sẽ chơi bóng
& set hai món Franciscan California là để bày kệ trong nhà ở Hancock   

Tôi nghe các mẩu chuyện rời rạc về ngôi nhà và căn hộ ở New York giờ đã được xếp vào phạm trù kí vãng, về nơi chốn nghỉ ngơi ở Massachusetts, lại nhìn tận mắt dòng chảy của đồ vật, thì thấm ngộ thêm vài điều. Không bàn chuyện đạo đức tốt xấu liên quan đến hành động đạo tặc giữa ngày của người họ hàng kia, những món đồ đã đi thì để chúng đi. Vương vấn chúng, dù là nhân danh kỷ niệm gia đình hay vì cái sự nóng giận phát sinh từ cảm giác bị cướp đoạt và bị mất đi một món tiền kha khá, chỉ làm cho con người ta phải trĩu vai thêm một tầng khổ sở. Còn về những thứ đồ đang chất tụ trong nhà và chờ được giải tán, thay vì giơ lên đặt xuống, tham luyến muốn giữ cái này cái nọ, tại sao không nghĩ chúng có thể hữu ích và/hoặc đem lại niềm vui cho một người xa lạ nào đó. 

Có dạo M có câu cửa miệng về tính thiện với đồ vật. Thoạt nghe tôi muốn chọc nó một cái, nhưng dần dần thấm thía cái đạo lý đó. Thiện không chỉ là nâng niu chăm dưỡng, xài một cách cẩn thận một món đồ. Thiện còn có nghĩa không để đồ vật bị quên lãng, lưu cữu bụi thời gian. Thiện là biết đã đến lúc phải để chúng ra đi. 

chuyện cái túi đi chợ

Ở lối vào mấy siêu thị trong vùng từ đâu khoảng hai tháng trở lại có trưng tấm biển to đùng nhắc nhở khách hàng mang theo túi đựng hàng. Tôi lạ lẫm nhìn mấy tấm biển, hiểu ra rồi thì cười khà khà, thế là vốn tiếng Anh sứt sẻo của mình giờ có thêm từ mới - reusable bags.

Từ làng này sang thành phố nọ trong vùng, các siêu thị có một điểm đồng dạng, đúng ngày đúng giờ theo quy định mới ban của tiểu bang, tuyệt đối không còn món túi nylon chứa đồ cho khách nữa. Còn lại, đối với túi giấy thay thế, mỗi siêu thị áp dụng một lịch biểu riêng. Có chỗ cho bà con một tuần dùng túi giấy miễn phí trước khi tính tiền túi, có chỗ rộng rãi kéo dài thời gian ra cả tháng và hơn thế.
không còn bạn này nữa
Điều thú vị tôi quan sát được là dù bọn túi giấy miễn phí, đa phần bà con bước chân vào siêu thị đều tòng teng trên tay đám túi vải gai, vải bố, vải nylon đủ kiểu dạng. Người đơn giản mua luôn túi đựng hàng được bày bán ở siêu thị, chất lượng vừa phải, giá mềm mại, có chút trang trí hoa văn màu mè và quan trọng nhất là có cái tên của chính siêu thị tranh thủ tự quảng bá. Còn lại, có những người mang túi kiểu nhặt đâu hay đấy hoặc không là túi vải bố đi chợ siêu sành điệu vốn chỉ có thể thấy bán ở mấy tiệm đồ bếp cao cấp. 

Ở mấy cửa hiệu Á châu, chuyện có chút khác. Chẳng có cái biển thông báo hoành tráng mang tinh thần chúng tôi yêu môi trường nào được đặt trước lối vào. Túi nylon đựng hàng vẫn có để cấp cứu tạm thời bà con tay không đi chợ, tất nhiên là không có chuyện miễn phí nữa, còn bọn túi giấy thay thế tuyệt nhiên chẳng thấy cái nào. Chỗ chúng tôi thi thoảng lui tới để mua rau và gạo, bữa rồi có cặp đôi nói tiếng Tàu lẻng xẻng, lúc đứng quầy thanh toán cương quyết không bỏ ra 10 xu mua túi nylon đựng hàng mà dùng luôn cái xắc tay giả da của phụ nữ đựng nào khô nấm, nào mỳ, nào củ cải. Hình ảnh trước mắt làm tôi chợt nhớ đến chuyện khôi hài nghe được mấy năm trước về anh cháu xứ Đài mua tặng nãi nãi yêu quý túi xách LV rồi sau được bà khen hết cỡ vì túi chắc đựng cá tươi vô cùng lợi hại. Lại ở tiệm khác của một ông chú người Hàn, chủ tiệm thậm chí chẳng buồn hỏi khách có muốn mua túi hay không, tính tiền xong khoanh tay nhìn khách ôm đồm một đống đồ khô cùng rau củ vác ra xe. Cuối cùng, bên quầy thu ngân của siêu thị Á Đông to đùng ở Hartford, nữ khách hàng mảnh mai liễu yếu đào tơ đứng trước tôi trong một tích tắc chẳng hiểu lôi đâu ra một cái hộp carton to đùng ngã ngửa, cứ thế cùng với trợ giúp của nhân viên tính tiền, xếp đồ vào đó thành đống ngộn ngộn, quẹt ký thẻ xong, nhận lấy hóa đơn xong thì thêm một tích tắc đã trở thành thậm chí không phải nữ cường nhân tầm tầm mà là nữ đại lực sĩ, thoăn thoắt bê cái hộp ra xe đậu cách cửa siêu thị đến cả đôi ba chục mét đường.

Ở Whole Foods có chút màu sắc phô trương của đám nhà giàu từ lâu hay dân "tiền mới" - tức nhà giàu mới nổi, túi giấy vẫn được cấp miễn phí, nhưng nhân viên xếp đồ giờ rất chú ý hỏi khách lần lượt hai câu. Thứ nhất là có cần túi giấy không. Và thứ hai, nếu có, thì có cần phải lồng hai túi không. Tôi đứng lơ vơ chờ đến lượt thanh toán, làm một quan sát xã hội học nho nhỏ, trừ đúng một ông dáng dấp quản lý văn phòng tầm tuổi 40 đẩy xe siêu thị chứa ba cái túi giấy đựng hàng to đùng, khách siêu thị còn lại từ mấy vị mang phong thái giáo sư cho tới mấy ông bà trung tuổi lem nhem kiểu hippy hoàn lương qua các nam thanh nữ tú mới thò chân vào thế giới văn phòng hay các cặp đôi ông già bà già thắm thiết tay trong tay, ai nấy đều có bọn túi riêng của mình. Thậm chí có một cô còn cấp tiến/cực đoan tới mức dùng túi vải chuyên dụng cho từng loại rau củ cô mua thay vì để chúng trong các túi nylon tự phân hủy dành cho rau quả do siêu thị cung cấp. 

Tôi đã từng hóng hớt xem mấy cái túi chuyên dụng đó, bày bán ngay trong Whole Foods. Hàng nhập từ Ấn Độ, được quảng cáo rất oách nào công nghệ cao nào hảo bằng hữu với môi trường, và giá thì không mềm mại cho lắm. Ý tưởng dùng đám túi đó không phải là tệ. Nhưng với kẻ nghĩ chậm và không theo kịp thời đại như tôi, tôi thích chủ động để bọn rau lá mấy món loại khác nhau vào chung một cái túi tự phân hủy, còn bọn củ quả thì để tự chúng tiếp tục khỏa thân từ kệ bày đến giỏ/xe đựng hàng trước khi ra quầy thanh toán và được chuyển sang đám túi vải của mình, thay vì như trước đây mỗi thứ rau nằm trong một cái túi nylon tự phân hủy. Dùng túi đựng rau chuyên dụng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, đối với tôi có chút màu nếu không phải là eco-friendly quá đà thì là trưởng giả. 

Nói vậy nhưng thực thì lúc gõ những dòng này, tôi nhớ lại chuyện từ hơn năm trước đã chủ động từ chối túi nylon bên siêu thị to gần nhà như thế nào, đã chủ động mang theo túi lưới đựng đồ ra sao và đã không ít lần nhận được những cái nhìn châm chọc từ đám người xếp hàng phía sau, thái độ sửng sốt của mấy cô thu ngân; song đôi khi ngược lại là vài câu chia sẻ hay tán thưởng của người bên cạnh. Tôi không nhớ đích xác lý do cụ thể của sự thay đổi hành vi này. Có lẽ nó là điểm nút của một quá trình chuyển hóa từ từ, sau khi tôi chủ động hay vô tình đọc tùm lum tùm la một đống viết lách này nọ về lối sống mới hướng về giảm bớt sự lãng phí và tinh giản hóa, sau khi tôi tự mình chứng kiến vài người không nói to và nói nhiều mà lặng lẽ ngày ngày thực hành nguyên lý sống xanh và tiết kiệm, và cũng là sau khi chính bản thân tôi trong căn bếp, trong ngôi nhà nhỏ của chúng tôi, thực đã có những khoảnh khắc choáng ngợp trước chính năng lực tích trữ đồ-rác vô biên của bản thân, về sự thừa mứa vô tích sự của không ít thứ mang tên đồ-vật bao quanh mình.

Ai mà biết được, có lẽ sang tuần, tôi lên cơn cao hứng hoặc tốt hơn nữa là ý thức thân thiện môi trường tăng vọt một nấc, sẽ chủ động sắm set túi chuyên đựng đồ rau. Nhưng dù thế nào, có một điều rõ ràng là tôi cương quyết không mất đồng xèng 10 xu để mua cái túi nylon đựng hàng và mỗi lần rời xe để đi vô siêu thị hay cửa hàng, đều chăm chỉ vác theo bộ túi được xếp gập gọn gàng, món có lớp độn cho đồ đông lạnh, món vải bố cỡ to cho rau củ và các thứ đồ khô khác. Chuyện cái túi đi chợ của tôi là vậy, thích coi là tầm thường thì là tầm thường, mà muốn nhìn nhận nó như là một dịch chuyển nhỏ trong nhận thức của cá nhân và xã hội về thế giới chúng ta đang sống, về lối sống chúng ta đang thực hành cũng chẳng sai chút nào.

phở trộn đuôi bò hầm ngũ vị

Cho bữa tối, Tiên sinh hỏi, có thích gà nướng không (?). Tôi chỉ cái chảo hầm trên bếp bảo tự ổn thỏa phần ăn của/cho mình. Cuối cùng gà nướng chẳng có, tôi thành người phụ trách bữa tối duo và được đề nghị làm thêm phần salad dưa leo rong biển.

Bữa tối gần như đã sẵn sàng thì có người sửng sốt. Hóa ra Tiên sinh nhà ta ngồi rung đùi đợi đĩa bò nướng. Lúc ở siêu thị, tôi làu bàu trong miệng không rõ ràng, có người nghe thấy từ bò thì cứ thế tự động chuyển thành hình ảnh miếng steak, mà không biết hai khay thịt tôi nhặt thả vô giỏ là oxtail :-)

Kết quả bữa duo hóa thành hai bữa solo ghép lại. Một bên là phần salad xanh cộng với chút nước súp đuôi bò hầm ngũ vị được tặng thêm hai sợi bánh phở cho người kiêng bột, kiêng béo, kiêng đường. Bên còn lại là tôi thì ung dung một bát phở trộn vô cùng hạp ý, tưng bừng chiều chuộng cái bụng trống cơm của mình.

- Rau gia vị cho món trộn có mùi nhưng thiếu mùi tàu, hành hoa khiêm tốn vì ở khay rau ngoài hiên chỉ còn phất phơ vài cọng, may là có mấy bạn lá bạc hà vốn là cây dại bứng về Massachusetts giữ vai chủ vị. Mùi được xắt rối, cọng hành xanh được chẻ sợi, còn lá bạc hà thì thái mịn chút. 
- Phần rau củ còn lại được huy động theo tinh thần bếp có gì chúng mình ăn nấy, có hai cọng xà lách xoăn xắt khúc, một củ cải đỏ thái lát mỏng, một khúc dưa leo bỏ ruột xắt lát, mấy sợi cà rốt và vài lát hành tây trắng.
- Chảo thành phẩm đuôi bò hầm ngũ vị lần 1 được lấy ra nửa phần nước hầm cộng thêm vài khúc xương đuôi bò, nước hầm trước khi trút sang chảo nấu khác được cho chạy qua cái vá lọc để không bị dính vụn hành tỏi hay mấy thứ hạt gia vị. Chảo hầm mới được đun sôi trở lại thì chuyển sang chế độ lửa liu riu chừng một phần tư giờ đồng hồ, nhớ cho thêm chút mắm lấy đậm.
- Chuẩn bị 250ml nước hòa với 2 thìa súp bột arrowrot, cho vào chảo hầm rồi chỉnh lửa to đun sôi, nêm nếm chốt độ mặn coi như xong.

Bánh phở đã được luộc/trụng chín và để ráo nước giờ được bày ra bát sâu lòng. Rải một lớp mặt rau củ rồi chan nước sauce sánh đậm lên, rắc chút ớt khô xay rối và tiêu xay, vắt một lát chanh xanh lấy phần nước cốt tạo chua, dùng đũa đảo nhẹ tay. Rồi đương nhiên là xì xà xì xụp lỗ mãng một màn có tên bữa tối.

Tôi có lọ thủy tinh thần kỳ chứa món dấm ngâm tỏi ớt, định mang ra dùng cho món phở trộn bù khuyết cho việc bếp nhà thiếu món tương ớt truyền thống. Nhưng rồi nghĩ tới lui chút chút thì quyết định dùng nước cốt lime cho nó tươi và lành. Hóa ra không tương ớt, chẳng dấm ngâm ớt tỏi, món trộn vẫn xem ra là ổn.

cọng hành hoa và bạc hà rừng từ vườn nhà
phần rau củ cho món phở trộn

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2019

đuôi bò ngũ vị chuẩn bị cho món hầm rau củ

Hành hương còn đúng một củ, muốn dành dụm cho món larb nên không dùng tới. Gừng củ nhà có nhưng vì đuôi bò hầm lần này được dự định làm nền cho món hầm rau củ tiếp theo với nhân vật chính là quả bí ngồi to đùng - quà của ông cha nhà bên cạnh nên bị bỏ qua. Công thức làm món chốt lại đơn giản vô cùng.
chuẩn bị gia vị

- Hai khay đuôi bò đã làm sạch, chừng 0.7kg
- Gia vị phi thơm có non nửa củ tỏi bóc vỏ rồi thái đôi tép + phần tư củ hành tây trắng bổ cau rồi xắt đôi theo chiều ngang
- Hỗn hợp gia vị (1) có một thanh quế nhỏ + mấy cái hoa hồi + 1 quả thảo quả + chút xíu hạt mùi, hạt tiêu trắng, hạt tiêu đen và vài lá nguyệt quế; nếu thích dậy vị thì trừ lá nguyệt quế có thể rang sơ các nguyên liệu còn lại
- Hỗn hợp gia vị (2) có rượu nấu + xì dầu + muối + nước mắm trong đó mắm làm chủ vị
- Và tất nhiên là cần chút xíu dầu ăn

Món hầm lần thứ nhất thời gian xê dịch một giờ đồng hồ. Sau có thể tiếp tục biến tấu, thêm bớt này nọ chuyển sang làm bạn với sốt vang, hoặc thêm rau củ làm thành món hầm chủ vị ngọt.

- Chảo sâu lòng làm nóng, láng xíu dầu phi thơm tỏi và hành tây
- Hỗn hợp phi dậy mùi, cho đuôi bò vào xào lửa lớn, lần lượt chêm hỗn hợp gia vị (1) và (2)
- Bổ sung 0.7 lít nước cùng muối đủ tạo mặn, đun lửa lớn chờ sôi đôi ba phút thì chuyển sang chế độ lửa liu riu, đậy vung chảo hầm.

Tôi dọn các ngăn tủ, lọc rửa đám bát đất nung Châu Phi cùng set đĩa bát nhà Hanoi Moment, thi thoảng hít hà nếm món. Nước hầm ngọt và đậm đà, hứa hẹn cho một dãy dài các ý tưởng nhất thời, từ bổ túc rau củ cho tới làm thành món sauce trộn với các sợi mỳ gạo chua chua cay cay.

Bài học nho nhỏ của ngày, như mọi khi, là từ tốn, kiên nhẫn và có chừng mực!

hancock ten

Không để mình tiếp tục lún sâu trong cái hố đen psy của quá trình tập chung sống, tôi quay sang thực hành một kiểu phản ứng buông xuôi, để cái đầu trống rỗng chẳng nghĩ gì mà đi Hancock. Chuyến đi lần này ngắn. Thời gian chạy máy cắt cỏ hết nửa ngày. Dọn dẹp trong bếp, cắt cắt thái thái trộn trộn tùm lum tùm la cho bữa tối hôm trước và bữa trưa hôm sau hết nửa ngày. Thu dọn đồ tới đồ đi hết nửa ngày.

So với mấy tháng trước, khi tôi lần đầu quay trở lại Hancock, nơi chốn vốn giống một đống lộn xộn và hoang tàn sau vụ trộm phá hoành tráng và một chuỗi những sửa sang của đủ nhóm thợ khác nhau giờ xem ra dần dần tìm lại được hương hình vị của một ngôi nhà theo nghĩa đen của từ. Đồng thời xét theo một nghĩa nhất định, đây đích thực là điểm trú ẩn lý tưởng cho những kẻ lánh đời. Lý do? Khách thăm viếng nói tiếng người vô cùng hiếm trong khi chỉ cần bước ra hiên nhà, chúng tôi đã có một danh sách dài bất tận hàng xóm hay bạn đồng hành là thú hoang, chim chóc và sâu bọ cùng côn trùng.

trở thành chuyên gia cắt cỏ ?!
Tôi đã quen với việc điều khiển máy cắt cỏ, thuộc làu những điểm có đá và rễ cây to cần tránh, khéo léo hơn trong việc để lưỡi cắt chạy đúng làn ranh để tiết kiệm cả xăng dầu lẫn thời gian chạy máy. Thành tựu cuối chiều ráng nắng là bãi cỏ rộng thoáng và gọn gàng, hút sâu tầm mắt. Tôi nghĩ lần này mình lại hiểu thêm tý nữa về một kiểu sống, về một lối sống của mấy vị tôn giáo hay viết lách chi chi ở gần như là trọn vẹn trong và/hoặc cùng với thiên nhiên.

Nó, cuộc sống ấy, tôi nghĩ khác xa với một điểm nghỉ dưỡng xa hoa nào đó ở miền Tây Texas, nơi bạn thò chân ra thiên nhiên mà không lo bị tấn công bởi bọn côn trùng vì toàn bộ trang viên đã được xử lý bằng các sản phẩm hóa học, nơi các phòng ngủ nghỉ thơm mát hương của các sản phẩm đến từ những nhà hương danh tiếng. Nó không thơ mộng, cũng chẳng trữ tình. Nó tự nhiên, thô ráp, trực tiếp và đẹp một cách trần trụi nếu không nói là nguyên sơ cho có chút vẻ màu mè. Và có một sự thật là chúng ta thậm chí chưa kịp nghĩ quá một câu hoàn chỉnh để diễn tả cho cái sự thi vị của việc hít hà hương cỏ cùng mấy thứ cây gia vị dại vừa mới được lưỡi máy cắt chạy xéo qua thì đã nhăn mặt kêu đau ầm ĩ vì bị vài ba mũi đốt của bọn ong kiến chi chi rồi :-)

bếp ngẫu hứng - salad mực

bàn mới ngoài hiên thay cho cái bàn cũ què một chân

hủ tiếu dai trộn ponzu sauce và nước cốt chanh xanh

Món làm ngẫu hứng, trong tình trạng dứt-khoát-phải-ăn-gì-đó và bếp-có-gì-xài-nấy. Kết quả gọi là hủ tiếu trộn nhưng thành phẩm khác xa cái bát hủ tiếu sợi mỳ gạo trộn với tôm, gan, thịt lợn bằm, lá hẹ, giá đỗ chần, hành hương phi thơm, lạc rang giã... cùng bát nước dùng đặt bên cạnh mà tôi thi thoảng gọi cho mình ở quán quen góc đường Điện Biên Phủ.

Ponzu sauce tôi thích tự làm vì cảm giác tươi mát của nước chấm đồng thời chút khoái trá trước thành tựu của chính bản thân. Nhưng cho một bữa trưa đại khái được quyết định tức thời thì chai làm sẵn hiệu Kikkoman coi như ổn.

- Hủ tiếu dai (tapioca noodles) luộc chín tới dùng cho bữa tối muộn hôm qua nay còn dư hơn một nắm, được chần qua nước sôi làm nóng và mềm, để ráo nước rồi trộn với ponzu sauce nhiều ít theo ý
- Thịt thăn một miếng nhỏ thái lát mỏng, rắc lên trên một chút bột muối tỏi, chút tiêu xay và ớt khô xay rối
- Phi hỗn hợp 1 tép tỏi thái lát + mấy lát hành tây trắng, đợi dậy vị thì cho chỗ thịt cùng gia vị kia vào đảo lửa lớn, chêm thêm chút nước tương
- Thịt chín, tắt bếp chờ mấy phút cho bớt nóng thì trộn hủ tiếu đã trộn với ponzu sauce vào đảo đều; tiếp là cho ra bát, rắc mấy cọng mùi xắt khúc, thêm chút ớt khô xay rối nếu muốn tăng vị cay, và quan trọng nhất là nước cốt từ nửa phần trái chanh xanh (lime)

Trộn nhẹ tay thêm lần nữa, thế là có thể đánh chén. Sợi hủ tiếu dai thấm vị chua dịu của ponzu sauce, được tăng vị đậm nhờ nước tương xào thịt, có chút chua nhờ bổ túc của nước cốt chanh, lại có cay cay của ớt và hăng ngọt của hành tây.

Sống hai mình ăn một mình luôn tạo ra đủ chuyện hài hước. Đồng thời cũng nhờ thế mà trong bếp tôi có thể táy máy nghịch vài món vốn trước kia ở xa lắc lơ cái khu vực phát huy trí tưởng tượng của mình. Món hủ tiếu trộn lần này do cái phần ponzu sauce của nó gợi nhắc bếp Nhật, nhưng lối xào xào, trộn trộn thì lại đi thẳng ra biến tấu phiên bản thứ n của miến trộn bếp Hàn. Mà thôi, a lô xô món đã làm vậy, ăn thấy vui là được, hỉ :-)

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

mọc viên mộc nhĩ nấm khô

Bình thường bếp nhà Hà Nội thi thoảng bày đặt làm mọc, ngoài phần thịt lợn tự băm/xay, tôi mua thêm chút giò sống trộn vào lấy độ quánh. Về phần mấy thứ bột - bột nở, bột bắp, bột năng - tôi không dùng.

Ở đây không có giò sống, tôi quay sang vời đến bạt bột. Nấm hương vì hết nên được thay bằng nấm khô bình thường, xem ra cũng rất ổn.

- Thịt dư từ phần sườn non làm món sườn hấp tàu xì, đảm bảo mềm và béo, được băm bằm kỹ, đủ độ quánh và nhuyễn; ướp thịt đã bằm với mắm, tiêu và chút bột năng, để sang bên 1-2 giờ đồng hồ
- Nấm khô và mộc nhĩ đã làm sạch, để ráo nước, bằm mịn
- Hành tây trắng + hành hương + lá mùi tàu + hành hoa thái/bằm mịn

Trộn thịt đã ướp với hỗn hợp nấm-mộc nhĩ cùng hành-rau, thêm chút dầu ăn rồi viên theo ý.

Chảo sâu lòng đun hỗn hợp 1/3 bát ăn cơm nước với 1-2 thìa súp mắm + hành hương + nấm khô, để liu riu lửa rồi thả các viên mọc vào, đậy vung chờ chín. Tôi đã thử hấp mọc, cũng đã thử luộc/chần mọc, nhưng thích nhất vẫn là rim mọc kiểu này. Các viên mọc có đủ độ mềm, dẻo lại có chút sần sật nhờ công của mộc nhĩ và bột năng, phần nước rim tiết ra có thể biến tấu thành nước chấm rau củ hoặc đơn giản là bổ túc cho bát canh mọc sau đó.

Bài học to cho món mọc tranh thủ lần này là kiên nhẫn - từ bằm thịt tới để đủ dài thời gian ướp cũng như canh lửa liu riu rim các viên thịt - và hài hòa phần thịt với lượng nấm và mộc nhĩ cũng như hành rau đi kèm. Tôi gần như chẳng bao giờ cân đong đo đếm chính xác, vì thế việc từ tốn và kiên nhẫn gia giảm thêm bớt trong bếp xem ra lại càng thêm quan trọng. Và tất nhiên, ý tưởng dùng bột năng không tồi chút nào, nhất là khi thiếu sự trợ giúp của bạn giò sống từ quầy giò chả trong chợ tiểu khu.

có mọc viên, có dọc mùng, có bột nghệ - có bát canh bạc hà làm mau

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019

một sự chán ghét

Tôi lười, chẳng buồn nghĩ nên gọi tên nó là gì, rằng liệu nó có mau qua hay sẽ quyến luyến ở bên mình một thời gian dài. Sự thực to đùng là cái psy tăm tối đã quay trở lại.

Tôi chán ghét sự thừa thãi và phí phạm ở nơi này. Tôi chán ghét nhưng món đồ, những sự sắp xếp không liên quan gì đến thẩm mỹ riêng, giả sử tôi thực sự có nó, hay nhu cầu của bản thân.

Ở trong phòng gỗ của mình, tôi có không ít thời gian, thường là giữa một đêm trắng mất ngủ, thực hiện cái nghi thức tự sỉ vả mình về sự dư thừa của các món đồ vải hay sách vở. Nhưng ở đây, tôi tuyệt đối không phải là nhà vô địch.

Tôi không muốn nghĩ tiêu cực về chuyện không phải của mình, về phương thức và nếp sinh hoạt của người khác nên im lặng chịu đựng. Nhưng xem ra cho tới lúc này, sức căng psy của tôi đã thực sự chạm tới giới hạn cuối cùng.

Tôi muốn mau chóng quay trở lại phòng gỗ của mình, yên tĩnh sắp, xếp, loại các áo áo quần quần cùng sách vở tích tụ từ nhiều năm. Tôi nhớ bậu cửa phía Bắc nhìn ra sân vườn nhỏ, nơi chỉ ngẩng đầu lên có thể thấy đồ lót phấp phơi trên các ban-công tòa nhà tập thể đối diện. Tôi nhớ cảm giác nhâm nhi cốc trà bự trong các dải nắng xiên xẹo chạy qua tán khế, đọc cuốn sách mình yêu thích. Tôi nhớ những màn urban hiking solo, mùi của xe bus, tiếng người đôi khi thô lỗ nhưng thực thà trên đường phố. 

Tôi muốn mau quay trở về cái góc của mình, thực có một lần, tự giải phóng bản thân khỏi thói lười cố hữu phải nghĩ, phải chịu trách nhiệm, thực sự sống tiện hay tiệm cũng được, nhưng là đích thực tôi-là-tôi. 

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

cuốn vịt quay - bắp cải và húng quế

Chúng tôi có hẹn cuối sáng gần Hartford cho việc giấy tờ. Nhờ vô tình hỏi han mà từ một thủ tục theo hẹn thành giải quyết hồ sơ kép. Xong việc, tôi như người đuối nước vừa được vớt lên bờ, chờ hết cảm giác nghẹt ở ngực thì dõng dạc trình bày ý kiến, muốn đi chợ Á Đông.

Đồ mua không nhiều, quan trọng nhất là con vịt quay, cầm hai cái hộp thịt chặt trong tay coi như mình đã đặt một chân vào cửa thiên đàng.

Cao tốc quá trưa sang đầu chiều thứ Sáu không hẳn là tắc mà là ùn. Chọn đường rẽ nhỏ dài hơn chút nhưng lại hóa vắng vẻ thong dong, cuối cùng về đến nhà bụng kêu la ầm ĩ.

Một phần xôi trắng được hấp nóng. Món salad bắp cải lấy vị lá húng quế được làm mau để ăn kèm thịt vịt quay. Trong lúc chờ xôi nóng mềm, tiện tay làm chơi hai cái nem cuốn tươi đơn điệu một màu xanh nhạt của mấy thứ rau làm salad, thế quái nào lại rất ổn, rất đáng ghi note cho lần làm món tiếp theo.

Rau làm salad/cuốn gỏi:
- Bắp cải thái sợi mỏng siêu mịn
- Dưa chuột thái lát mỏng
- Hành hoa chẻ dọc thân rồi xắt khúc
- Hành tây trắng thái lát mỏng siêu mịn
- Mấy cái lá xà lách xoăn

Trộn rau:
- Trừ lá xà lách để riêng một bên, cho bốn món còn lại lên đĩa lớn thành ba góc, bắp cải - dưa chuột - hai loại hành
- Chanh xanh vắt nước cốt nửa non quả, rưới lên phần hành xóc nhẹ tay, chờ sau chừng một phút thì trộn đều với bắp cải và dưa chuột
- Chuẩn bị nước trộn rau gồm mắm cốt + nước cốt chanh xanh + tỏi bằm + ớt khô xay rối + tý xíu nước (tôi không dùng đường) rồi rưới lên hỗn hợp rau trộn, chờ đôi ba phút cho ngấm. Tôi thích đậm nên tỷ lệ mắm-chanh-nước lần lượt là 1-1-0.5 tính theo đơn vị thìa súp
- Trước khi bày ra bàn ăn cho món salad hay bắt đầu cuốn gỏi, lá húng thái rối rắc vào đĩa rau rồi trộn nhẹ tay tiếp

Cuốn gỏi:
- Lá bánh cuốn gỏi tươi chạy qua vòi nước, vuốt hết nước rồi bày lên mặt đĩa/thớt
- Rải lá xà lách rồi sau đó là hỗn hợp rau salad (nếu cho nhiều nước chấm trộn thì nhớ chắt phần nước tiết) và cuối cùng là thịt vịt quay (bỏ da) rồi cuộn chặt tay
- Rau trộn đã đậm, vịt quay cũng đậm nên món gỏi cứ thế thỉnh hai ngón tay mà chén

Lần trước tôi làm thử cuốn vịt quay với lá bánh bếp Mễ, hay thì hay thật nhưng một lần ăn một lần mua gói lá bánh nhiều quá thành ra lãng phí. Lại thêm nữa là lá bánh bột mỳ ăn chặt bụng, trong khi lá đa nem bột gạo nhà mình nhẹ nhõm vô cùng, làm cái gỏi nào xài cái lá khô nấy, không sợ bị hư. Cuối cùng, không có rau mùi dùng theo thói quen, cũng chẳng cà rốt lấy thêm phần tươi sắc, món cuốn không hẳn là đẹp xét từ bảng màu, nhưng đảm bảo đủ thanh, đủ vị và thích nhất là món làm thực mau.