Thứ Tư, 7 tháng 10, 2020

bầu cử

(1)

Cách đây nhiều tuần, đang ở trung tâm thành phố, Tiên sinh chợt bẻ lái rồi chạy lòng vòng ngó nghiêng xung quanh mấy toà nhà hành chính. Được hồi, ông dừng xe, nhìn chằm chằm vào cái thùng nuốt thư của bưu điện và cười phì.

Tôi lơ mơ chẳng hiểu gì cả. Ông lão bảo, nhìn đối diện cái thùng thư xem xem là gì. Một toà nhà to, đó là tất cả những gì tôi nhìn thấy.

Tiếp sau đó dĩ nhiên là có một màn giải thích. Trong toà nhà to mà tôi thấy có bộ phận - tôi chẳng biết gọi chính xác là gì - tổ chức bầu cử của thành phố. Trước đó mấy ngày, bạn đời phải gửi qua đường bưu điện đăng ký bỏ phiếu qua bưu điện. Ông lão nói, cứ tưởng tượng là tui ra chỗ thùng thư đó, thả cái thư đăng ký của mình vào đó. Đăng ký của tui cách cơ quan bầu cử đúng một con đường. Nhưng thư của tui sẽ đi một vòng loanh quanh trong tiểu bang trước khi đến nơi cần đến.

Tôi thật thà hỏi, thế sao không vô thẳng đó mà nộp đăng ký. Không, ông trả lời, theo quy định đăng ký dứt khoát phải gửi qua đường bưu điện.

(2)

Tiên sinh đi nhà rừng liền tù tì mấy ngày.

Tôi ôm cái chân đau, mặt nhăn mày nhó ngồi một mình ở nhà biển, thi thoảng nghe điện thoại đổ chuông và dài ngắn đủ kiểu tin nhắn.

Lúc ông lão quay trở về, con giời thì thào, có một tin thoại dài hàng cây số, nghe có vẻ doạ nạt lắm. Tất nhiên là tôi nói vậy trêu đùa ông chơi chơi. 

Ông già tin thật, ngay tắp lự bấm nút kiểm tra. Sau hai ba câu nghe được, tôi cười lăn lóc. Hoá ra là quảng cáo bầu cử của một quý ngài đảng con voi cho một cái ghế cấp tiểu bang. Sở dĩ tôi nhận ra điều này không phải vì đột nhiên tiếng Anh của tôi tốt. Mà đơn giản là từ hơn tháng nay, tên của ông đang muốn được bầu lại này hiện diện khắp chốn cùng nơi trong thành phố, và cái tên của ông thì vô cùng nổi bật, vô cùng dễ nhớ.

Ông lão giống đứa nhóc hờn cha mẹ, đừng hòng tui bỏ phiếu cho ông này. Tôi hỏi tại sao, vì ông ý là người của đảng con voi à. Câu trả lời từ ông lão là không phải vậy. 

Lý do hoá ra rất "củ chuối". Nhiều năm về trước, để cám ơn một bà giáo sư Nhân học đã tận tâm giúp đỡ ông trong quá trình làm phim tài liệu về nghề rèn truyền thống của người Tây Phi, ông đã long trọng mời bà đồng nghiệp đến nhà ăn tối với kế hoạch làm một món cá siêu đặc biệt. Tôi nghe tên cá loằng ngoằng không nhớ, chỉ biết là ông tốn mớ tiền to, gia vị kỳ công chuẩn bị, công thức của Julia Child siêu chuẩn, nhưng món làm ra khách gật gù vì lịch sự chứ không phải vì ngon. Lý do thất bại bếp núc của ông là cá nguyên liệu dở ngay từ đầu. Mà phần cá tươi ông mua chính là từ tiệm đồ hải sản được xem là trong top xa xỉ của cả vùng. Ông chủ của tiệm này chính là cái ông nghị cộng hoà kia.

Tôi đoán là ông lão lấy một cớ phụ ra bao biện chứ thực đâu vì con cá mà lá phiếu của ông lại bay lượn vậy. Nhưng nghe vậy biết vậy. Tôi lại hỏi tiếp, thế nếu vậy ông bầu cho ai, ứng viên đảng xanh à. Lão Tiên sinh như được nhắc, nói mới nhớ để tui xem đảng xanh lần này ai ứng cử mới được.

(3)

Bữa tối muộn hôm đó của chúng tôi bắt đầu sau 8 giờ. Gần 9 giờ tối thì có chuông điện thoại. Tôi hỏi Tiên sinh, có cần tui lấy giúp điện thoại không. Ông vừa tấn công đĩa thức ăn đòi hỏi lao động vất vả của hai bàn tay, bảo không tiện, rồi lại càu nhàu giờ này sao lại còn gọi.

Tôi phân vân, nhỡ có chuyện quan trọng thì sao. Ông lão chạy vào nhà ngó xuống cái điện thoại rồi tắp lự ba xoa hai đập lau qua loa hai bàn tay với mấy cái giấy rút từ hộp để cạnh đó để tiếp điện thoại. Hoá ra là nhân viên bầu cử của thành phố gọi điện kiểm tra thông tin liên quan những người bỏ phiếu qua bưu điện như ông.

Ở thành phố này, ở tiểu bang này, không có chuyện kiểm tra đối sánh chữ ký giống như vài nơi khác. Ông lão nói chuyện xong thì bảo, may quá, vì làm sao tui có thể ký như cách đây hàng chục năm cơ chứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét