Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

trạch lão bà đi học

(1)

Nói "đi học" cho oách, chứ thực thì tôi ru rú trong nhà, ngoác cái miệng ra tập phát âm hoặc không là lui cui tra từ điển học từ mới.

Vào đại học, tiếng Nga là môn ngoại ngữ bắt buộc trong hai năm đầu ngồi lê mông giảng đường. Tôi không thích cũng chẳng ghét, tưng tửng học và trả bài, kết quả không tệ.

Lúc đó, người lớn trong nhà nhắc phải học thêm ít nhất là một ngoại ngữ khác. 

Đầu những năm 1990, các phong trào học tiếng này tiếng nọ thực chưa quá rầm rộ. Tiếng Anh tôi ghét vô cớ, bỏ. Tiếng Tàu tôi ngại chữ vuông, bỏ.

Cuối cùng là lóc cóc đi học tiếng Pháp và tiếng Đức. 

(2)

Thời gian học Sciences Po, tôi còn hoành tráng mấy tháng trời cứ mỗi tuần một lần trèo lên gác mái của một khu nhà giàu ngay gần Saint-Germain-des-Prés để theo một cô sinh viên Đức cũng đang học ở IEP Paris nhưng là trong một chương trình trao đổi Đức-Pháp hòng cải thiện món Đức ngữ của mình. 

Thằng em họ mang dáng vóc nghiện ngập của Alex nhạo tôi mãi về chuyện đó. Có bữa nó đi cùng tôi qua chỗ cô Đức kia, nói vài câu chào hỏi bằng tiếng mẹ đẻ của cô này xong rồi trong lần gặp sau thì thào xui tôi bỏ ngang. 

Lý do của nó rất hài, mày điên đủ rồi giờ gặp thêm một con điên, tao đảm bảo tiếng Đức mày chưa biết tốt đến đâu thì mày đã điên thêm một cấp. Hồi đó trúng dịp tôi theo chân mọi người đi chơi loanh quanh, thế là bỏ thật. Giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười.

(3)

Tính đi tính lại, tôi còn thử tiếng Ả-rập, thử tiếng Hoa, học đòi nắn nót Hán-Nôm. Thất bại toàn tập! 

Chú T., một hàng xóm cũ, là giảng viên tiếng Trung ở một cơ sở đào tạo danh tiếng xứ mình nhìn tôi bảo, cháu không có duyên với mấy món chữ tượng hình. 

May quá, thế là tôi có lý do chính đáng bao biện cho cái sự chưa bắt đầu mà đã cáo chung với mấy món tiếng tăm của mình.

(4)

Tôi học tiếng Anh kiểu lộn xộn, được chăng hay chớ. Không tính 11 tuần ở Language Link, trong một lớp học với một lũ nhóc tỳ thì thực tôi chẳng theo trường lớp chính thống nào.

Xoay sở tàm tạm với món chị em và câu chuyện nhà nước thế tục, còn lại, tôi ngô ngô ngọng ngọng, nhe răng ra cười nhiều hơn là mở miệng phát biểu câu này ý nọ bằng cái ngôn ngữ này.

(5)

Nhưng đời trớ trêu. Không biết chữ ở Hà Nội, tôi còn an toàn.

Còn ở đây, mù chữ mà lại không phải là sống trong một đại gia đình người Việt nói tiếng Việt, trong một cộng đồng Việt thì đúng là tự mình trói mình. 

Tôi vẫn nhớ có bữa vô tình lang thang trên mạng nhện, thấy một cô gái Miền Tây lấy chồng Việt kiều sống đã vài năm xứ này. Cô này bình đông bình tây từ thời sự xứ cờ hoa qua tám chuyện thế giới Việt kiều như đúng rồi, mỗi lần gặp từ/chữ tiếng Tây nào thì nhọc nhằn phát âm tới lui, đến lúc không phát âm nổi - tỷ như tên của ông Mỹ đen trong vụ Minneapolis - thì cô dứt khoát bảo bỏ đi, không cần nói mọi người - tức khán giả của cô - đều đã biết. Cô còn tự nhận Anh ngữ của mình kém, song xem ra điều này chẳng phiền gì đến cuộc đời của cô vì hầu hết mọi sinh hoạt giao tiếp đều trong vòng tương tác có dính líu người Việt và tiếng Việt.

(6)

Ở thành phố biển này không có cộng đồng người Việt, cũng chẳng có ngành nghề hay chợ búa Việt. 

Cộng thêm con virus chết tiệt chi phối toàn bộ đời sống xã hội, tôi ru rú trong nhà, và bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ học tiếng Anh thế nào để nói lời người đối diện nghe mà "thủng".

Phần mềm phát âm OK. Từ điển giấy hay trực tuyến OK. Nhưng thế thì chưa đủ, tôi cần đi xa hơn nữa.

(7)

Mấy bữa rồi tôi đọc Caro, nghe Ballerini đọc Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, thi thoảng nữa là hóng tin trên radio về thời sự địa phương.

Nhưng nếu chỉ thế thì là tôi hoặc đang học một thứ Anh ngữ tĩnh hoặc đang học ở trạng thái bị động

Tôi cần tự mình xoay sở với thứ tiếng Anh sống động của sinh hoạt thường nhật, từ trong bếp qua mấy món trao đổi đơn giản về thao tác máy móc, trồng vườn hay có khi là nói về thời tiết hôm nay xấu đẹp ra sao.

Đó là một quá trình cùng những cảm giác đi kèm vô cùng kỳ cục. Một chuyện mà bọn nhóc con tự nhiên thoải mái thực hành gặp vào trường hợp của tôi, bắt đầu thấm thía sự già-đi và cùng với đó là trở-nên-chậm-chạp, thực không phải là một hành trình dễ chịu!

(8)

Cuộc đời là vậy! 

Luôn có những chuyện ngoài mọi hình dung hay lộ trình định sẵn!

Nào, tôi sống tiếp, nhệch cái miệng cố phát âm sao cho rõ, không nuốt âm, không bỏ sót các đuôi số nhiều -s hay xuyên tạc cái kết thúc -ed 😓😓😓

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét