lưới an toàn và cửa kiếng mới cho lò sưởi nhà rừng |
Ở Hà Nội, đi mấy đôi vớ soft cotton Doré Doré mà TA mua cho đối với tôi là một sự chiều chuộng tuyệt hảo dành cho đôi chân luôn luôn có vấn đề. Còn ở đây, trước cái lạnh mà tôi chỉ có duy nhất một phản ứng là nhăn nhó và nhăn nhó, thứ làm ấm chân không còn đồng thời nhẹ và nhã nữa.
Smartwool Hiking Socks đúng là vẫn có thể coi là nhẹ đấy, nhưng dáng vẻ bên ngoài thì thôi rồi, thô tháo, sù sụ hoá thành chứng chỉ đảm bảo cho việc "chúng tôi sẽ giữ ấm chân bạn".
Tôi đi nhà rừng với mấy đôi vớ mới tậu và thêm hai áo nhẹ chống gió và chống rét Patagonia phòng thân. Hiệu quả thật bất ngờ. Con giời không còn lý do gì để ỉ eo về chuyện thiếu đồ vải đắp phủ lên người nữa. Gió rít, giá lạnh trên núi, trong rừng thì đã sao, cứ mặc ấm người, cứ che kín thân, yên tâm đi, rồi sẽ ổn hết 😜😜😜
Lão Tiên sinh khoái chí vụ mua mới áo và vớ này lắm. Giống như là một sự chặn miệng mang tính phòng ngừa ngay từ nhà biển, hòng đập tan mọi cớ bao biện của tôi để ở lại đây mà không đi lên núi. Ván này, ông thắng!
(2)
Chuyến đi này của chúng tôi dài hơn bao giờ hết, gần trọn một tuần thời gian!
Có cái răng khôn trong miệng đột nhiên tỉnh thức, tôi đau trong khoang miệng chán thì quay sang nhức đầu, buốt óc. Trên núi thì kêu ca gì với ai được, con giời chịu đựng, đi ra đi vô, ngó nghiêng động đậy chân tay để quên những sự khó chịu dù trong óc vẫn nguyên si công thức ám ảnh, thứ nhất đau mắt thứ nhì nhức răng.
Tiên sinh tính toán gọi điện cho ông nha sĩ quen đã hơn 40 năm để đặt lịch hẹn khám răng lợi cho tôi. Tôi không ngại gặp ông lão hơn 90 tuổi và cụt một tay đó, nhưng tính tới tính lui mất vài tuần để có được cái hẹn và cả cái độ nặng của tờ hoá đơn thì đứa ki-bo vô đối tôi đây mau gạt phắt với phát biểu, chờ về lại nhà biển tính tiếp.
Hình như cái răng nó thương tôi, thay vì sôi động Gangnam style giờ nó giống ông lão Itzhak Perlman réo rắt, thánh thót, êm đềm.
(3)
Ngoài chuyện dọn dẹp trong nhà, tôi hăng hái vô rừng hỗ trợ lão Tiên sinh cưa cắt và chuyển củi.
hết hơi mình nhặt củi nhỏ |
Tôi có thể nghe rõ tiếng thình thịch trong lồng ngực khi hổn hển cả lên dốc lẫn xuống dốc. Tôi có thể cảm nhận rõ những cơn tê buốt ở hai cẳng chân và cẳng tay sau nửa buổi sắm vai kẻ giúp việc cho ông lão người thành phố học đòi làm nông dân. Rất thực thà mà nói, đó không phải là việc vui vẻ và dễ dàng gì!
(4)
Thành tựu to nhất của chuyến đi nhà rừng lần này là lò sưởi trong phòng khách chính sau gần một năm ông chủ nhà hóng chờ cuối cùng đã được lắp cửa kính và lưới ngăn.
Ở cái trấn hạt nhỏ này của tiểu bang Massachusetts, với đâu như hơn một ngàn dân thì phải, mọi dịch vụ không phải lúc nào cũng tiện lợi như chốn thị thành. Muốn làm gì, điều đầu tiên không phải là tìm trên mạng nhện mà là hỏi miệng.
Đó là một cơ chế thông tin và quảng bá tuyệt vời. Hỏi hàng xóm. Hỏi chủ mấy cửa tiệm ngũ kim hay đồ xây dựng. Kiểu gì cũng có kết quả là một tờ giấy xé vội từ cuốn tập với vài ba cái tên, vài ba số điện thoại.
Năm trước, lão Tiên sinh có được ba gợi ý khi muốn tìm người sửa hệ thống lò sưởi vốn đã xuống cấp trầm trọng sau vụ nhà rừng bị đạo chích đập phá. Hai người đầu nhận điện thoại của ông, vừa vặn nghe địa chỉ nhà thì từ chối ngay tắp lự vì đường xa việc [có vẻ] nhỏ, không bõ công di chuyển. Được ông thứ ba sống ở cách đó vài chục cây số bảo OK, ông trẻ này đến ngó nghiêng một hồi, rềnh rang mấy đầu việc nho nhỏ xong, nhận ứng trước một cái séc to vật để thửa riêng hệ thống lưới che và cửa kiếng cho lò sưởi rồi thì mất hút con mẹ hàng lươn.
Chủ nhà rướn cổ đợi, gọi điện tới lui hơn mười tháng trời, đúng lúc bắt đầu vặn dây cót tinh thần Thu Cúc đi kiện thì ông thầu trẻ xuất hiện. Trong vòng chưa đầy một tháng, mấy đầu việc chính trên mái nhà được hoàn tất. Lò sưởi được lắp lưới bảo vệ và cửa kiếng. Máy chuyên dụng được mang đến để làm sạch tường gạch khung lò sưởi. Ông chủ thầu định giải thích gì đó, ông chủ nhà nhìn thấy ông này thì coi như đã ngập tràn hạnh phúc nên gạt phắt đi, không sao, không sao, tốt rồi, tốt rồi.
Chủ nhà hỏi thiếu bao nhiêu tao gửi séc thanh toán nốt cho mày. Chủ thầu bảo bỏ đi, coi như xí xoá cho cái phần lỗi trễ hẹn gần năm qua. Xong rồi còn hẹn, chờ vài tuần tường gạch lò sưởi thật khô, ông cứ giấu chìa khoá ở đâu đó rồi tôi qua mở cửa vào đánh màu làm mới cho bức tường, cái này cũng miễn phí coi như tiếp túc bù đắp từ phía tôi.
Lão Tiên sinh áy náy thì thào với tôi, tiền công, tiền nguyên vật liệu thêm vào ít nhất là hơn hai ngàn đồng tiền mà nó lại không chịu nhận thì thật là không ổn. Con giời cười phớ lớ, ờ thì cứ chờ vài tuần, chờ tường gạch được đánh bóng làm mới. Lúc đó ông lấy cớ quà mừng Giáng sinh cho nhóc con ông thầu trẻ kia, gửi một tấm séc vài trăm đồng tiền quà thì đã sao. Ông lão vốn căn cơ ăn sâu trong máu gật gù, ờ nhỉ!
(5)
Tôi có một thời gian tuyệt hảo trong nhà rừng để ngắm nghía những đổi thay trong ngày, trong tuần của thời tiết.
Nắng ấm có. Lạnh lẽo có. Gió rít gào có. Sương mù ngập mặt có. Mưa to mưa nhỏ, có. Và ấn tượng to nhất là các sắc lá, quang cảnh rừng thay đổi mỗi ngày.
Lũ hummingbirds đã chính thức di cư. Giờ bọn chim chạy lại ăn hạt bên hiên nhà coi lạ hoắc lạ hươ. Mà hay nhất là chúng dạn người, cửa ra cửa vô kẽo kẹt chúng mặc. Cứ tưng tửng cúi đầu chọc chọc đều tắp lự tận hưởng nguồn thức ăn miễn phí.
(6)
Lần này do thời gian dài, chúng tôi có dịp đi loanh quanh ngó nghiêng, cả bên NY lẫn vùng Berkshire.
Không khí bầu cử có vẻ không mấy ồn ào, có lẽ là do ở xứ nhà quê dân cư thưa thớt.
Nhưng cũng cái vùng thôn quê này bất ngờ vào mùa cây thay lá đổi sắc, khách du lịch ở đâu ra mà lắm. Mấy chỗ công cộng trạt người đã đành. Mấy cung đường nơi có điểm dừng ngắm cảnh cũng tấp nập người xe.
Tôi nhìn thấy nhiều khuôn mặt Á Châu, chủ yếu người Nam Á đi cả gia đình lớn ngắm cảnh, tiếng nói chuyện réo rắt như chim. Còn dân Bắc Á, Đông Nam Á thì đặc trưng nổi bật là seo-phì, seo-phì, và seo-phì. Khác biệt rất ngộ!
(7)
Trong nhà rừng, tôi tiếp tục đọc Caro. Lần này là về ông uỷ viên hội đồng Moses và kiến tạo NYC của ông.
Đọc ngắt quãng, đọc nhảy cóc, nhưng tôi cũng coi như đọc kha khá để mà với máu xỏ xiên cố hữu thì tính toán so sánh và tự ra kết luận to, chuyện đường sắt trên cao, chuyện mấy cung đường cong mềm mại hay ngàn tỷ ở Hà Nội là cái đinh rỉ so với các đại công trình nối tứ tung các mảng NYC. Mấy ông quan chức làm đường xứ mình còn xa mới chạm tầm của ông cố Moses. Và nhất là đừng hòng có tay bút nào tên Việt có thể cho ra dù chỉ là một phóng sự điều tra chứ đừng nói chi đến sách dày hơn ngàn trang đập đầu gây án mạng như ông già Caro.
Mà bỏ qua cái chuyện đọc về Moses và giấc mơ NYC của ông, tôi còn bị thêm ám ảnh về luật nhân quả của cái sự sống ở đời.
(8)
Tôi tiếp tục khám phá kho đĩa nhạc trong nhà rừng.
Lần này, chúng tôi nghe không biết chán Bethovens qua bộ đôi màu nhiệm Anne-Sophie Mutter và Von Karajan.
Tôi bỗng nhớ cô bạn nghệ sĩ đóng bỉm, người có lần khinh khỉnh nói về "lũ đạo đức giả" nhân chuyện có mấy người tuyên bố không bao giờ nghe Von Karajan vì quá khứ dính líu Nazi của ông cầm đũa này. Không rõ giờ cô bạn đang ở đâu, đọc gì và nghe gì.
tiếp tục treo... |
đón lễ hội mùa cô-vít ở trại trượt tuyết |
Blueberry Hill - khách lấy đồ chui vào xe ăn |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét