Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

nói không với sự "quay trở lại bình thường"

(1)

Chiều hôm trước bám đuôi Tiên sinh đi cửa hàng ngũ kim mua mấy món dụng cụ và sau đó là qua cửa tiệm-nông trại mua rau củ, lúc xe chạy ngang qua Stop&Shop, tôi chợt nhận ra rằng đã đến nửa năm nay không bước chân vào siêu thị, chúng tôi vẫn ổn.

Lẽ dĩ nhiên là chúng tôi có những lựa chọn thay thế, với thêm chút phí chi cho công nhặt đồ hay giao hàng, với thêm chút lích kích khi phải đặt lịch hẹn và những thời gian lấy hàng thường là cứng nhắc kiểu chúng tôi luôn là những kẻ chạy theo một cách bị động.

Nhưng có một chuyện khá lạ là tính đến cùng thì hình như chi phí đi chợ - mua thực phẩm và những món đồ cho sinh hoạt thường nhật - hoá ra lại không nhiều như trước khi có đại dịch. Trên thực tế, ngay cả khi chỉ là vô thức chứ không phải duy lý tính toán chặt chẽ thì rõ ràng là sự tiêu thụ thực phẩm trong bếp nhà có thể coi là hợp lý hơn, có chừng mực hơn, tiết kiệm hơn. 

Tôi nhớ hè năm trước có không ít lần phát ngán trước đống rau củ quả ông cha hàng xóm bữa mang sang đưa tận tay, bữa để ngay bậu cửa sau xuống sân vườn. Năm nay không có bất cứ hành động long trọng tiễn đưa nào đối với các trái squash từ vườn nhà hàng xóm. Rau củ quả bất luận to nhỏ, đúng sở thích hay không, đều quý tuốt!

Rồi nữa, mấy cái chậu rau hẻo, lắt nha lắt nhắt, lơ ma lơ mơ, thế nhưng lại vô cùng lợi hại. Hành lá xanh, bạc hà, răm trồng kiểu tái-chế, tức tận dụng cành rễ lẽ ra bỏ đi, cứ lừ lừ đáp ứng bàn ăn. Ớt tự ươm trồng, diếp mấy loại, cây đậu đỗ, và đặc biệt nhất là cà chua, mua chơi chơi về trồng cho tới giờ lúc nào cũng sẵn trong vườn. Mà tiền bỏ ra mua cây lúc đầu tưởng nhiều song tính theo thời gian của tuần của tháng với các mẻ thu hoạch thì hoá ra như quà tặng từ trên Trời vậy.

(2)

Thế giới ồn ào với nào là "quay trở lại bình thường", nào là "bình thường mới".

Tôi nghe loáng thoáng vụ một đại hội võ lâm - tất nhiên là ảo - các anh tài nghệ thuật cùng khoa học gia đã kêu gọi nói không với cái sự "quay trở lại bình thường", với tinh thần là nhân loại không thể tiếp tục lối sống, lối sinh hoạt, lối tiêu dùng như trước kia. Họ hướng tới một sự chuyển biến căn bản, cấp tiếp của toàn bộ xã hội, nhất là cái đám giữ cây trượng quyền lực, chống lại chủ nghĩa tiêu thụ quá đà và mang tính huỷ hoại.

Rồi nữa ông già Bruno Latour, người từ vài năm trở lại đây đặc biệt nhấn mạnh đến các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, thì nói đến việc chúng ta có thể ngưng mua sắm những thứ, những món mà chúng ta không muốn. Người tiêu dùng thay vì là những động-vật-mua-sắm bị động, bị giật dây bởi các chiêu trò makerting và các dòng chảy xu hướng phát ra từ các mạng truyền thông xã hội thực ra nắm giữ một quyền năng vô cùng lớn. Anh ta hay cô ta hoàn toàn có thể làm chủ các quyết định, hành động của mình, để từ đó mà biến đổi, cứu vãn thế giới này, nhân loại này.

(3)

Chuyện các mấy vị làm nghệ thuật, nghiên cứu vũ trụ hay triết gia nổi danh, gây ảnh hưởng ở tầm vĩ mô, toàn cầu là vậy. 

Nhưng ngồi ngẫm chút chút, ở trong giới hạn sống thường nhật của một kẻ phàm, ở mức cá nhân, vi mô, chúng ta cũng có thể líu lo ngâm nga một tý về chính lối sinh hoạt của bản thân, và quan trọng nữa là xắn tay áo, tự mình bắt đầu một công cuộc thay đổi nho nhỏ từ căn bếp nhà, từ ngôi nhà của mình.

Không phải là không khả thi. Và không phải là tệ, phải không nào :-)

rồi em đây sẽ nhớn :-)))

rau cỏ lơ thơ ấy mà lợi hại :-)))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét