Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

ông vặn răng một tay

(1)

Một trong những chủ đề trò chuyện yêu thích của một đôi vợ chồng bằng hữu của Tiên sinh mỗi dịp họ qua nhà ăn tối ngoài hiên là hỏi thăm về tình hình ông nha sĩ có một tay mà ông chủ nhà là khách hàng trung thành với thâm niên kha khá trên dưới 40 năm.

Và mỗi lần như vậy, ông khách sẽ châm chọc, tại sao mày có thể chấp nhận để ông 93 tuổi - ngầm ý là rất già và như thế thì sẽ thiếu khéo léo hay thậm chí là thiếu minh mẫn -, và lại còn chỉ có một tay nữa chăm lo cho sức khoẻ răng lợi của mày.

(2)

Đâu khoảng ngày 3 tháng Chín, lão Tiên sinh đi lắp cái răng mới sau hơn cả tháng trời đi đi lại lại đo lắp chỉnh sửa mấy lượt ở phòng khám của ông lão vặn răng 93 tuổi và chỉ còn có một tay kia. 

Tôi ngạc nhiên bảo, ở Hà Nội tui đo khuôn răng xong thì chỉ cần đợi đôi ba ngày là có răng mới nhét miệng. Đến lúc bạn đánh chén giải thích thì tôi mới ồ à. Hoá ra cái thằng cha đúc răng nó lại ở tận California, chả trách cái răng nó còn phải đi du lịch lòng vòng, chứ đâu phải từ Đống Đa chạy qua Cầu Giấy như mấy cái răng sứ rẻ tiền của tôi. 

(3)

Cái răng khôn chết tiệt bên má phải của tôi vào ngày đẹp trời dở quẻ, quyết định em muốn làm người nhớn. 

Ở nhà rừng, tôi ôm miệng mặt méo xệch. Bạn đời nhìn vậy áy náy rờ cái điện thoại bảo gọi cho nha sĩ của tui, tôi ngăn.

Về nhà biển, ông lại tiếp tục ý định gọi điện hoặc email đặt hẹn. Tôi lại tiếp tục bảo không cần.

(4)

Hôm nay nếu không phải vì một thủ tục thanh toán bảo hiểm cần thêm thông tin bổ sung thì lão Tiên sinh hẳn sẽ chẳng có cớ gì gọi điện đến phòng khám răng quen thuộc.

Và như vậy, ông sẽ không bần thần, rầu rĩ suốt cả một ngày dài trước tin ông nha sĩ 93 tuổi và chỉ còn có một tay đã qua đời chỉ đôi ba ngày sau khi lắp răng mới cho ông.

(5)

Hàng năm, ông nha sĩ tổ chức một hai chuyến đi biển tập hợp những bằng hữu cựu chiến binh của mình và nếu không ở Việt Nam thì bạn đồng hành luôn có mặt tham gia náo nhiệt. Trong những cuộc tụ tập đó, Tiên sinh là người duy nhất không phải là veteran. 

Và ông cũng biết thân biết phận im tịt chuyện hồi những năm 1960 đã đi gặp ông cha cố đòi thư tuyên bố không đi lính vì vấn đề đức tin và sau đó ông quậy tưng bừng ở không biết bao nhiêu đám biểu tình phản chiến nổi tiếng nhất thời kỳ đó như thế nào.

(6)

Hè năm trước, ông nha sĩ bày tỏ ý muốn gặp tôi nhân một dịp ăn trưa để có thể hỏi chuyện về thời bao cấp và Việt Nam đổi mới như thế nào. Có lẽ vì duyên không đủ đặng, mấy lần sắp xếp năm trước cuối cùng đổ bể. Còn năm nay vì covid thì chuyện coi như để vắt sang bên.

Tôi thắc mắc hỏi Tiên sinh tại sao có sự quan tâm này.

Hoá ra ông nha sĩ đã từng đồn trú ở Miền Nam Việt Nam hai năm. Và ông cũng là độc giả - bất đắc dĩ hay tự nguyện tôi không rõ - sách về những phụ nữ di cư của chúng tôi cũng như một sách về thời bao cấp mà Tiên sinh mang cho ông từ Hà Nội.

(7)

Trang mạng nhện của nhà tang lễ vẫn để ngỏ khả năng viết lời chia buồn dành cho người quá cố. Nhưng thời gian Tiên sinh biết tin xấu này xem ra có chút trễ nên ông tính đi tính lại thì muốn viết thư trực tiếp cho gia đình ông cụ nha sĩ. 

Tôi đọc lướt mấy lời chia buồn online. Hoá ra lịch sử "khách hàng" của bạn đời chẳng là gì so với nhiều vị khác. Có một cô ngày bé tới chỗ ông nha sĩ sướng suốt cả tuổi thiếu nữ vì được khen răng đẹp, giờ thì cô đã là mẹ trẻ con. Và còn nữa, không ít người coi ông cụ nha sĩ không chỉ là nha sĩ mà còn như bạn tâm tình, thầy hướng đạo.

(8)

Tối muộn, lão Tiên sinh xem chừng đỡ nhiều phần chuếch choáng trước tin buồn biết muộn.

Tôi muốn làm ông vui, cười khơ khơ bảo, nhìn hình thì ông cụ nha sĩ giống giáo sư đại học phiên bản cổ điển.

Ông lão bỗng giống như một đứa nhóc đang hưng phấn khoe khoang, giương giương cái mặt đầy tự hào, tự đắc mà nói với tôi, đương nhiên rồi.

Ông bảo, đấy là vị nha sĩ độc nhất vô nhị ở trên thế gian này.

Không chỉ vì ở tuổi 93 và chỉ còn một tay mà ông vẫn làm việc. 

Mà còn vì trong suốt lịch sử hành nghề của mình, ông luôn say sưa và nghiêm túc với các vấn đề chuyên môn.

Ví dụ minh hoạ bạn đời đưa ra sống động chẳng khác nào khuôn mặt của ông lúc đó. Hãy tưởng tượng một khách sạn lớn ở Boston tổ chức đồng thời hai võ lâm đại hội chuyên các ông bà vặn răng với hai sảnh lớn chuyên đề, một về các kỹ thuật mới trong tác nghiệp của nha sĩ, và một về các chiến lược makerting, quản trị phòng nha sĩ. Ở cái sảnh thứ hai có hai ba trăm ông bà nha sĩ đến từ khắp vùng New England cùng NY. Còn ở cái sảnh thứ nhất thì chỉ nhõn vài mống, và trong đó đương nhiên là có ông cụ một tay kia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét