Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

thao's nobody dies & cô-vít loạn cào cào

(1)

Tôi có đủ một đống vấn đề cá nhân để suy sụp, thành ra chuyện covid-19 từ từ hoá ra là chuyện ở đâu đó ngoài kia. 

Đúng là lão Tiên sinh là một thành phần "nguy hiểm" do cái tính thích nhảy tót ra đường mua cái này sắm cái nọ. Nhưng sống cùng ông lão này, tôi vẫn có thể an ủi và trấn an bản thân là ông già sợ chết nên chắc nguy cơ có thì có nhưng không quá cao.

Nói là vậy, nghĩ là vậy, song thực tế diễn ra ngay trước mắt, ở bên tai, qua đọc tin tức, từ email của bạn ở Paris, tổng hợp lại cuối ngày thì cái bi kịch trần gian này không phải vì thế mà không phải là một hiện thực sống mà tôi tham dự.

(2)

Trên bản đồ xứ cờ-hoa tôi mới được chỉ cho xem cuối chiều hôm qua, tiểu bang nơi chúng tôi sống vẫn còn may mắn không có mặt trong cái mảng đỏ toe đỏ toét. Nhưng vấn đề là thành phố biển có nhà của chúng tôi lại đang giữ vương miện nữ hoàng covid. 

Trưa thứ Bảy, tôi cùng bạn đánh chén qua Bayou giải quyết cái dạ và cũng là để ủng hộ bản tiệm. Bác chủ giữ đúng khoảng cách 6 feet khi đặt ghế ngồi cách bàn ăn ngoài trời của chúng tôi, bắt đầu một màn than vãn dài không hồi kết. 

Bác nói rất không hài lòng với một cô phục vụ trong quán vì cái tội chồng và bạn của chồng cô qua ăn, cô đứng sát sàn sạt bàn ăn của họ buôn dưa lê hơn 20 chục phút. Bác bảo, bác nhắc cô thì cô vặc lại tao vẫn đeo khẩu trang này, mà đấy là chồng tao thì tao kiêng cái gì. 

Vấn đề là đây là chỗ làm ăn chứ không phải nhà riêng của cô và chồng cô. Thêm nữa, khách lạ không biết chồng cô thì người yếu bóng vía nhìn vậy sợ chết khiếp sao còn dám quay lại tiệm nữa. Tôi nghe xong chuyện của bác chủ, ừ thì cũng có lý ra phết.

(3)

Tuần rồi có bang ở lơ lửng giữa xứ sở bỗng chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt. Lý do giải thích có nhiều. Nhưng dù là gì thì có một sự thật là từ nhiều tháng, thống đốc bang là người của đảng con lừa bị bó chân bó tay toàn tập bởi các vị legislatures chiếm số đông đến từ đảng con voi, không làm sao áp đặt được các quy định về khoảng cách xã hội và đeo khẩu trang. 

Tự do muôn năm, Chúa bảo vệ chúng ta [khỏi coronavirus], cúm Tàu sao đáng sợ bằng cúm thường... bờ-la bờ la chán rồi thì rụp một phát, nhân dân méo xệch mặt. Tôi nghe chuyện này xong, nghĩ thầm trong bụng, các vị cứ kêu chúng tôi là dân ngu sống trong chế độ độc đoán độc tài chi nọ, ấy thế nhưng cái kỷ luật xã hội nó giúp chúng tôi không bị đánh gục bởi những nhảy nhót đơn vị hàng chục ngàn ca nhiễm mới như các vị đây, vậy ai và chỗ nào "tốt" hơn đây (?!)

(4)

Chuyện các campus mở cửa trở lại, sinh viên quay lại trường nhảy nhót ăn chơi tưng bừng làm bà con địa phương cũng bất đắc dĩ theo nhịp nhảy của con virus chết tiệt cũng đặt ra một thế lưỡng nan.

Nhiều nơi, dân địa phương sống dựa vào cơ sở đại học, từ nghề nghiệp trực tiếp làm cho nhà trường tới các ngành nghề kinh doanh trong trấn thị xung quanh. Giờ cánh sửu nhi quay lại, công việc và làm ăn của không ít người được đảm bảo, và mối nguy - nhất là với người già - cũng được "đảm bảo" nốt!

Có con nhóc sinh viên đến từ cái trang trại gia đình ở cái bang miền Trung Tây cuồng Chum nào đó tỉnh bơ, cả nhà tao đây sống sót khỏi covid, thế nên chúng mày - ý là bà con ở cái thành phố có campus đại học của nó - sợ cái đếch gì. Nó trẻ, nó khoẻ, nó phơi phới, nó sống sốt, thì là tốt và mừng cho nó. Nhưng những ông bà già lụ khụ, vốn đã sầu não đủ khi ru rú trong nhà, vốn đã đủ cả đống âu lo vì bưu điện hoạt động ề à thời bầu cử thì không rõ có chuyển thuốc điều trị kịp thời tới nhà cho họ không, giờ sốt vó trước tốc độ phi mã của số đồng bào mang con cồ-rô-na, họ cũng là người mà!

(5)

Tôi để ý tin từ Châu Âu, thấy hình như cái bản đồ có nhiều sắc đậm lạt khác nhau. Đặc biệt là tôi ấn tượng về chuyện nước Ý trước quằn quại trong đỉnh dịch đợt đầu giờ xem ra có vẻ yên ắng.

Từ Paris, TA giải thích "lý do được cho là chính phủ khá thận trọng và dân tình rất tự giác và nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp được chính phủ đưa ra. Ngay cả khai giảng năm học mới, họ cũng làm chậm hơn các nước 2 tuần. Thành ra hầu như không có các cluster ở các trường học".

Còn chuyện nước Pháp, vốn những ngày này làm tôi chú ý nhiều không hẳn là covid-19 mà nhiều hơn là câu chuyện "ensauvagement" thì giờ TA thông tin "7 thành phố trong đó có Paris sẽ có giới nghiêm từ 21h đến 6 giờ sáng trong vòng 4 tuần, sau đó tính tiếp. Biện pháp này được đưa ra sau khi đã cấm nhà hàng, bar mở cửa và Pháp đạt số lây nhiễm kỷ lục Châu Âu [với] trên 30.000 ca nhiễm mới/ngày".

Bình thường, ngoài khung cảnh y tế-xã hội đặc biệt mang dấu triện covid, người Mỹ và người Pháp đã khác nhau rất căn bản về thái độ khi trả lời câu hỏi How Are You / Comment ça va (?!), một hớn ha hớn hở chi chi cũng GREAT còn một thì ậm ừ dư thừa màu bi quan. Giờ trong bối cảnh nhân loại đặc biệt này, khác biệt não trạng xem ra vẫn còn nguyên đó. 

Bạn viết "Dân Pháp càng ngày càng xuống tinh thần, các ông các bà đã suốt ngày "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", lại được thêm các "cậu mợ" experts [chuyên gia] thầy dùi ăn theo nói leo, tại sao chúng ta lại phải chịu mất tự do của chúng ta nọ kia... tôi e rằng tình hình này mà cứ kéo dài thì không lâu nữa lại sẽ có bạo loạn".

Chưa biết loạn đến đâu nhưng chuyện một thằng cu Chetchen mới rồi ra tay với ông thầy của nó đủ làm cho màu tăm tối chả riêng gì xứ hình lục lăng càng thêm đậm sắc.

nhà quê New York

nhà quê Connecticut

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét