Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

sống đời giản dị (8)

"Sống vào thời buổi nhiều nhu cầu quá, kết cục hạnh phúc bị sút kém, tình tương thân tương trợ bị thương tổn. Ngoài ra, lại còn bao nhiêu tai hại khác trong xã hội [...]

Những xã hội có nhiều nhu cầu quá chỉ mải miết về hiện tại, quên bẵng mất những chiến công của quá khứ và giết chết mất tương lai. Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi! Đẵn cây rừng để bán, lúa chưa chín đã cắt ngọn, kiếm củi ba năm thiêu một giờ, đốt đồ đạc để lấy gỗ sưởi, vay công lĩnh nợ để ăn chơi sung sướng bây giờ, sống ròng bằng mưu thuật và gieo rắc khó khăn, bệnh tật, chết chóc, tàn phá, thèm muốn, thù hằn cho ngày mai... ngồi mà kể hết những nguy hại của chính thể tàn khốc đó, không thể nào xuể được.

Trái lại, nếu chúng ta chỉ bó buộc mình vào trong khuôn khổ của những nhu cầu giản dị, không những ta đã tránh được những nguy hại đó mà lại còn có muôn ngàn lợi ích khác. Ai lại còn không biết rằng sự tiết độ bảo tồn sức khoẻ cho ta. Kẻ nào giữ tiết độ thì tránh được nhiều nỗi khổ đau; không những đã mạnh khoẻ, lại ham hoạt động và trí óc được điều hoà nữa. Ăn uống, ăn mặc, ăn ở mà giản dị thì lại còn là nguồn tự lập và an toàn nữa. Càng sống giản dị, càng bảo vệ được tương lai. Ít khi ta gặp phải những sự tình cờ, những sự xui xẻo. Ta cù bơ cù bất không phải vì bệnh tật hay thất nghiệp. Cảnh ngộ mà thay đổi thế nào chăng nữa cũng không làm ta bối rối. Càng giản dị bao nhiêu thì lúc gặp chuyện chẳng may, ta càng dễ sống vì đã quen rồi. Mất hết của cải hay là mất chỗ làm ăn thì ta vẫn cứ là người, bởi vì căn bản của đời ta không phải vì cơm ngon, rượu tốt, dê béo, nhà sang, của lắm. Ta mạnh hơn, ta càng đặng chuẩn bị để đối phó với cuộc đời hơn. Ta cũng như anh hủi trọc, kẻ thù túm được tóc ta còn khó. Mà ta lại giúp ích được cho những người chung quanh. Những người chung quanh sẽ không ghen ghét ta, thèm muốn số phận ta, chửi rủa ta vì thấy ta sung sướng quá độ, vì ta ăn tiêu xa xỉ vô lý, vì thấy ta sống vô ích cho xã hội một cách đáng thương.

Không chú tâm về hạnh phúc bản thân nhiều quá, sẽ có phương tiện làm việc cho hạnh phúc của những người xung quanh".

                     Charles Wagner  - Đọc nương theo bản dịch của Vũ Bằng được Lục Phong gõ lại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét