Tôi nhìn thấy mấy cái giật tít về chuyện Tổng thống Trump và Phu nhân nhiễm covid, mới đầu tưởng là trò đùa, giật gân chi chi. Sau hoá ra thật.
Thực thà mà nói, tôi chẳng có gì yêu thích hay sùng bái chi ông Chăm, nhưng điều đó không có nghĩa là khi ở trong những cuộc trò chuyện với những người theo tư tưởng tự do phóng khoáng xứ cờ hoa thì tôi dứt khoát sẽ bày tỏ thiện cảm với ông Đen. Nếu xem một cuốn phim câm, tôi sẽ thích ông diễn viên có điệu bộ đầu gấu hơn là một ông lão nhìn như đang ngủ gật.
Bốn năm trước, tôi nhớ đã có cuộc tranh luận với Tiên sinh. Lúc đó tôi nào có quan tâm hay hiểu biết chi về chính trị và bầu cứ xứ cờ hoa. Đơn giản, chỉ coi qua mấy cái phát biểu của quý bà Tơn, mà tôi dốt nát vốn xem tin chủ yếu phải qua kênh Pháp ngữ, thì lúc đó đã cười khơ khơ mà trêu tức ông lão trước mặt, tui đảm bảo với ông là ông kia thắng.
Lý do của tôi rất thiển cận, cù nhày và đơn giản. Tui là đàn bà, lại ngâm nga chút món chị em, thì dám chắc nước Mỹ của ông còn lâu mới là ngọn cờ tiên phong nữ quyền này nọ để có thể dễ bỏ phiếu cho một bà thủ lĩnh. Nhất lại là khi nữ ứng cử viên này lại có dư cao ngạo, từ tư cách đệ nhất quý bà qua tư cách quyền uy trong nội các.
Thói tâm lý của con người lạ lắm nhá, giữa hai con đực và cái hung hăng cho một vị trí đầu đàn, tôi cá chắc là phần đông chúng ta dù có mở miệng tự do, tiến bộ, vị nữ, vân vân và vân vân này nọ đến đâu thì khi chỉ còn mình ta với ta sau tấm màn của ngăn bỏ phiếu sẽ có xu hướng bấm nút hay khoanh tên ông ứng viên hơn bà ứng viên. Tôi gọi đó là cái phần hậu vị tâm lý gia trưởng trốn sâu trong các nếp não của con người. Trước cái mớ lập luận sặc mùi anh Chí chẳng giống ai của tôi, bạn già tức lắm. Dưng mà hay nhá, kết quả cuối cùng là tôi thắng :-)
Bốn năm qua, tôi vẫn lơ mơ về nước Mỹ và vị lãnh đạo của xứ sở này. Năm trước và năm nay, ở đây, tôi không ít lần phát mệt và thậm chí là phát cáu mỗi khi thấy vài người xung quanh nhảy tưng tưng bức xúc này nọ về vị lãnh đạo quốc gia của họ. Không phải chuyện phải trái đúng sai, vì kỳ thật tôi nào có biết quái gì về những hồ sơ cụ thể mà họ thảo luận. Nhưng có một điểm tôi nghĩ trong không ít trường hợp, những người phê phán ông Chăm đã bỏ qua hay bỏ quên, đó là bản thân cái xã hội Mỹ, hệ thống chính trị Mỹ và bộ máy chính trị đảng phái cũng có vấn đề tè le. Chẳng phải vô cớ mà mấy bộ não bự của đảng con voi ngao ngán thốt lên, các giá trị cộng hoà giờ đang khủng hoảng. Rồi nữa, cứ nhìn nội bộ các bác đảng lừa choảng nhau, có mà thúi hoắc à.
Mỗi lần nhân một cuộc gặp mặt nào đó, khi một ông hay một bà ra chiều thiện ý giải thích cho tôi về một "điều không thể chấp nhận được" ở vị tổng thống của họ, tôi giở quẻ mang cái bộ mặt ù ù cạc cạc hỏi, thế xét về mặt pháp lý ông Chăm ông ý có sai không. Tất nhiên câu trả lời là không, và luôn kèm theo một cố gắng giải thích, biện hộ kiểu nhưng mà [theo lệ thì không ai làm thế].
Mà tôi, vì đã trót xỏ xiên thì phải xỏ xiên đến cùng, lại thong thong thả thả, thế thì theo ngu ý của cháu, các bác trước khi chửi ông ý thì phải hét thật to mả cha cái thằng nào chấp bút viết ra hiến pháp, ra các bộ luật chứ. Mà nữa, cháu phải xin lỗi trước là cháu ngu, cháu đồng ý với các bác là ông ý đáng ghét, nhưng mà mấy ông bà bên kia đạo đức giả chết đi được.
Sau vài bận bất đắc dĩ góp mặt kiểu trò chuyện đó, tôi chắc hẳn bị ghét lắm. Nhưng cũng nhờ vậy, và cả vụ covid này nữa, mà tôi được giải thoát khỏi những màn giao tiếp xã hội - trò chuyện chính trị chính em kiểu đó. Nhẹ cả người!
Hồi covid-19 mới ập đến xứ Phù Tang và nước Mỹ bắt đầu gánh chịu cú tấn công đầu tiên của con virus chết tiệt, tôi nhớ trên mạng nhện lưu truyền hình ảnh một tiệm quán nào đó ở nước Tàu trưng ra cái biển to tướng bày tỏ sự sung sướng trước hoàn cảnh đó. Tôi quên tiệt món chữ vuông để có thể nhìn và hiểu những gì ghi trên cái băng-rôn đó, nhưng cảm giác thì là có thật, sốc và nghẹn.
Không phải tôi chưa từng nhìn thấy, nghe thấy và trải nghiệm trực tiếp bản thân mình cái sự ác độc nơi con người, nhưng nếu có thì thường là chuyện của quan hệ cá nhân với cá nhân. Còn đây, nó thật xấu, cái trạng thái khoái trá, hưng phấn của một đám đông, một cộng đồng - tôi không có ý khái quát cả nước Trung Quốc - trước nỗi đau của một cộng đồng, một dân tộc khác. Nó xấu xí, vô cùng xấu xí!
Hai ngày nay, không cố tình tìm kiếm thì đập vào mắt tôi mỗi lúc ngó nghiêng mạng nhện lại có chút mẩu xấu xí của nhiều tháng trước. Tôi đồng ý với những ý kiến như chuyện ông Chăm cho thấy không có ngoại lệ nào trước nguy cơ dính chưởng, hay đây là bài học dù có muộn nhưng vẫn là tốt cho nhiều bà con xứ cờ-hoa trong việc nghiêm túc phòng ngừa, đặc biệt là đeo cái món khẩu trang. Nhưng hả hê sung sướng trước tin người ốm bệnh thì tôi thấy thật kỳ, thật đáng tiếc!
Tôi nghĩ một ông lão chén đồ ăn nhanh, đi lại phâm phâm, bấm thờ-uýt-tơ nhoanh nhoách như ông Chăm - tức là ông ý rất khoẻ - và lại được chăm sóc y tế kỹ càng thì chuyện ốm đau sẽ mau qua. Và kết quả của cuộc đối đầu giữa hai ông lão mấy tuần tới dù là thế nào đi nữa thì những chuyện dở hơi không phải cứ như thế sẽ bốc hơi sạch sẽ.
Tôi đọc Caro viết về LBJ nhảy cóc lung tung beng, nhưng riêng The Sad Irons thì nghiêm túc từ chữ đầu tới chữ cuối và đọc đi đọc lại hai ba lượt. Đành rằng mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng chẳng hiểu sao nhân chuyện ông Chăm, tôi cứ nghĩ mãi về câu chuyện hàng chục thập kỷ trước người dân ở một góc xa xôi nào đó xứ Texas đã hy vọng rồi chuyển sang tin tưởng và sùng bái "người con xứ sở" của họ.
Nói theo lời của mồ ma ông Krueger thì nước Mỹ ngày nay có không ít "góc khuất bị quên lãng" và ở đó, những người Mỹ lao động bình thường, họ có quyền hy vọng, kỳ vọng vào những phép nhiệm màu mà cuộc ganh đua bốn năm một lần hứa hẹn hiện thực hoá chúng. Bốn năm trước, và cả lúc này, không cần biết đúng sai thật giả thế nào thì ông già vừa mắc cúm Tàu kia rõ ràng là một diễn viên xuất sắc, lấp lánh trên sân khấu chính trị với những hứa hẹn về một tương lai tươi sáng hơn.
Nước Mỹ đối với tôi ở ngay đây mà lại không ở đâu cả, gần mà xa. Tôi vẫn tiếp tục mù tịt về nó, vẫn tiếp tục mỗi ngày ồ, à thêm một xíu nhận thức mới và có khi là rẽ hướng quan điểm. Không khen cũng chẳng chê, không coi là thiên đường cũng chẳng xem như là địa ngục. Tôi nghĩ, tìm được một nơi thực an yên trên trái đất này, sống lành mạnh, sống an toàn, sống trong phẩm giá trọn vẹn thực khó lắm. Không phải vấn đề này thì ắt sẽ có bất trắc khác chúng ta phải đối mặt.
Cái gì xấu xí qua rồi hay nằm ngoài phạm vi can thiệp của mình thì để nó sang bên. Chúng ta sống tiếp, dưỡng cái sự bình thản nội tâm, nhìn ra cái ác-khẩu chực phát tác thì biết ngưng nó lại. Càng nhảy chồm chồm hoan hoan hỉ hỉ trước ốm đau tật bệnh của tha nhân, thực chính chúng ta mới là những kẻ bệnh cần trị nhất trần đời này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét