con gái cái bòn xin rau sạch từ vườn nhà Bắc Ninh |
Gần ba năm trước, tôi nghe tin Bác L., bố của bạn phổ thông KL, qua đời thì rất ý tứ, nhất định không kể chuyện này với hai cụ già ở Bắc Ninh. Như thể trong tôi có một sự kiêng kị, không nên nói về những sự ra đi. Rồi thời gian tính từ đó đến nay, không biết tôi nghe thêm bao nhiêu tin về cái chết/sự chết cũng như những cơn bạo bệnh, những quá trình già đi.
Giờ đây, dù không thoải mái thì tôi bắt đầu có thể nói về những chuyện này.
Sau khi minh bạch với bản thân, đó là một tất yếu của đời người!
(2)
Chuyến đi về quê thăm Bố Mẹ lần này, chúng tôi bắt đầu tính thời gian nào thích hợp để đưa Mẹ ra Hà Nội đo và thay kính mắt mới. Bà cụ già than phiền giờ không thể khâu vá được vì kính cũ không còn tác dụng.
Với Bố, thị lực và thính lực giảm sút là điều không thể vãn hồi. Tôi có chút buồn khi nhìn ông cụ già chăm chú nghe TL giải thích về các đĩa bát bày món ăn trước mặt. Rồi lại có chút vừa buồn vừa buồn cười khi ông cụ già có chút chật vật đường ăn uống khi mấy cái răng vẫn luôn luôn trong quá trình được sửa chữa.
Nhìn và nghe mấy chuyện tai và mắt đó, tôi có thể cảm thấy bất lực và khó chịu. Nhưng thử nhìn khác đi một chút theo một lối suy nghĩ tích cực, tôi lại có thể mau trở nên bình tĩnh. Chúng ta biết về tiến trình già-đi và tôn trọng nó, như thế cuộc sống của chúng ta về căn bản sẽ dễ sống, dễ chịu hơn rất nhiều, tôi nghĩ thế!
(3)
Mẹ có người cháu họ bị vướng K, hiện giờ phải truyền hoá chất. Bà già lực bất tòng tâm, có thể cho cháu chút tiền, có khi lại là ít bột tam thất, nhưng giúp cũng chỉ được đến thế. Tôi an ủi, mỗi người có phúc phận của mình, giúp được bao nhiều hay bấy nhiêu.
Sang thăm anh họ gần gũi là con trai ông bác ruột, tôi nghe anh kể chuyện phát hiện ở góc bếp nhà anh họ có K kia có một cái thớt to đùng bằng gỗ pơ-mu chuyên để bằm rau lợn. Anh họ gần thấy phí thì vác thớt đó về nhà với tính toán sẽ đẽo gọt làm món trang trí nào đó; rồi anh lại vác trả đền bù anh họ xa một can chục lít rượu.
Chuyện nghe đến đây cả Mẹ lẫn TL và tôi cười ngất. Có đời thưở nào lại mang rượu cho cái ông đang đau đớn ung thu vòm họng kia chứ. Và cũng chẳng biết có bao người có thể cứ tưng tửng như ông anh họ xa, vẫn có thể nhăn nhở với thứ nước trong trong cay cay kia.
(4)
Chuyện quê Ngoại của TL và tôi luôn có hàng tá những chi tiết hài hước, li kỳ, đôi phi là pha trộn cả bi lẫn hài như vậy.
Và dù thế nào thì cuộc sống vẫn tiếp diễn!
(5)
Hai cụ già ở Bắc Ninh vẫn tiếp tục anh em xưng hô theo thói quen trong khi tranh luận về mấy chuyện hiểu sai ý của nhau do cái tình trạng ông nói gà bà nói vịt mà nguyên cớ ban đầu chính là cái tai nghễnh ngãng của ông già.
Anh họ xa tiếp tục chăm chỉ đi truyền hoá chất và đôi khi bốc đồng vẫn có thể chạm nhẹ vào thứ nước ma mị hảo hảo bằng hữu hàng chục năm nay của mình.
Anh họ gần vẫn chăm chỉ đẽo đẽo gọt gọt các mẩu gỗ cũng như giao lưu tích cực trên mạng nhện với đủ loại bạn bè không bao giờ gặp mặt trực tiếp nhưng có chung cái sở thích đẽo và gọt.
Còn tôi, tôi chậm rãi học cách chấp nhận các dòng chảy cuộc đời này và xác định cho mình một thái độ thay vì nóng nảy, bất lực và/hay phản kháng thì sống lựa theo chúng, chăm lo được bao nhiêu cho thân thể và tâm trí của mình thì tốt bấy nhiêu, đại loại thế!
món đồ cũ xin anh họ từ mấy năm trước nhưng lười chưa mang về Hà Nội - treo nhờ nhà ông anh |
anh họ với niềm vui đẽo gọt |
xin từ anh họ - gỗ thơm |
nhà anh họ có hai con mèo sinh đôi con này chạy rướn mình giống con hươu |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét