Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

blowin' in the wind - mắt thị dân tháng tư

thành phố thừa bụi mịn và không thiếu các giấc mơ
(1)

Đó không phải là lo âu, sợ hãi định hình, bất chấp việc tôi vẫn ở trong một phản ứng thường trực mang tên covid, lúc nào cũng lăm lăm trong tay cái khẩu trang khi rời nhà và cảnh giác cao độ trước bất cứ thân ảnh nào gần trong tầm mắt không có món trang bị này. 

Mà là một dạng mơ hồ khó chịu và bức bối mà tôi ở trong đó vừa biết lại vừa không biết nguồn cơn, trạng thái của nó, của chúng. 

Thêm nữa là tôi không có hứng thú cũng như năng lực để ngồi yên lại một chỗ và suy ngẫm về tất cả những câu hỏi này. Đơn giản là tôi sống với nó, với chúng. Theo một cách lộn xộn, mơ hồ.

(2)

Tháng Tư của tuổi trẻ rất đẹp. 

Có hoa loa kèn. Có nhịp chậm và buồn như thơ của Olga Berggoltz nhưng không vì thế mà thiếu gió mát dịu báo hiệu hè sắp về mỗi khi tối muộn cũng như nắng đổ bóng lao xao theo các tán lá phố nhỏ Hà Nội. Và không khí mới thực sạch làm sao. Và sự hiện diện mang tên con người mới vừa phải, mới khiêm tốn làm sao. 

Nhớ lại những năm tháng đó, tôi thấy mình ngông nghênh một thái độ chủ nhân ông trong/của thành phố, khoẻ mạnh, vô ưu, và cả vô ơn nữa. 

(3)

Còn giờ, lê la cái thân xác uể oải, phần psy thì tối om om ngấp nghé miệng hố đen, tôi thấy mình bất lực lọt thỏm trong một vũ trụ đô thị hỗn độn của đủ loại âm thanh và tầng tầng lớp lớp khói bụi ô nhiễm. 

Mà Ông Trời ở trên cao chẳng rõ do thói đỏng đảnh hay muốn hẩy tay trừng phạt loài người, tháng Tư giờ không ban cho nắng và gió lành, thay vào đó là bầu không khí dính nhớp nặng nề khiến cho các cơ thể người sáng ra rời nhà dù có thơm phức đủ mọi thứ mùi nhân tạo mang tên thời trang và sành điệu sang quý chi chi thì chỉ chốc lát thôi cũng thành nhớp nháp hoà nhịp môi trường.

(4)

Những ngày này có vài người hân hoan Hà Nội sắp có nhiều quận mới. 

Thái độ đó rất thật thà, từ cách biểu đạt tới các diễn giải nguyên cớ đi kèm: lên quận đồng nghĩa với đổi đời. Vì về căn bản, ruộng vườn chỉ đôi chục năm trước anh em họ hàng trong nhà có thể rộng rãi san sẻ cho nhau thì giờ đây tấc đấc tấc vàng hứa hẹn họ sẽ mau mau có thể xây nhà 5 lầu 1 tum và tậu con xe 4 bánh cho bằng anh bằng em. Vài vị có tinh thần phấn đấu vì thế hệ tương lai còn bắt đầu lẩm bẩm tính toán, sẽ cho con du học cho bằng chị bằng em - dĩ nhiên là từ tiền bán đất trong giả định.

(5)

Tiền, tiền, tiền.

Gần như là ở đâu tôi cũng nghe réo rắt một tên gọi này.

Có những câu chuyện được kể mà quy lại đều chỉ là theo vài mô-típ quen thuộc.

Hoặc là thằng cha/con mẹ đấy nhờ cả khôn lanh lẫn thủ đoạn, và cũng nhờ nhiều "đạn" đi lên theo đường hệ thống giờ thì giàu lắm, đang gặt hái các thành quả của sự đầu tư quan hệ lúc trước.

Hoặc là thành công chứng khoán, cô nào đấy vừa mất trắng 500 triệu nhưng may gặp được bà sếp thương chỉ bảo cho mấy câu thì kiếm liền một tỷ, nửa tỷ để lấp vào chỗ mất mát trước kia, nửa còn lại cô coi như tiền giời ơi nên lại hoan hỉ lao mình vào cơn bão cổ phiếu.

Hoặc là giỏi giang đầu tư đất cá nhân hay góp tiền dự án bất động sản này nọ. Chuyện một ông một bà nào đó bỏ ra đôi tỷ giờ đất và nhà có trong tay được định giá lên con số hàng chục [tỷ] nghe kể cứ nhẹ như một tay thất nghiệp thất chí ra đầu ngõ rít thuốc lào một phát rồi quay sang nhấp ngụm chè loãng toẹt và bắt đầu mở miệng tám em nói bác nghe.

(6)

Cái gọi là hiện đại và phát triển chốn thành thị ngày nay đối với tôi có mùi vị của một cái bẫy, của một sự thủ dâm tinh thần hơn là một tiến bộ đích thực mang khuôn mặt người, vì con người.

Lấy ví dụ một cô nàng tới thành phố học tập hay khởi nghiệp. Ra chợ đêm hay chợ tiểu khu, hơn trăm ngàn được quần bò rách phong cách. Nửa trăm ngàn được áo phông chói mắt J'adiore làm cho bọn xịn sò Dior luống cuống ơ thế này là sao đây. Gần hai trăm nữa thì được túi hộp màu phấn hồng với quai vàng choé sặc mùi sang chảnh. Dưới chân là dép Hermes phiên bản Tàu địa phương bán ở ven đường cả núi, giá mỗi đôi tuỳ gắn kim cương [giả] hay chỉ là [giả] da mà giá có thể xê dịch từ vài chục tới hơn trăm. Môi đỏ rực, mày xăm dài, lông mi cong vút, tóc nâu nhạt lọn sóng bồng bềnh. Lại thêm đôi kính không độ thơm ngát mùi chữ nghĩa. Và tay dứt khoát không thể rời con xì-mát-phôn Tàu hào nhoáng hơn tất cả các thế loại xuất xứ Mỹ hay Hàn. Có một bạn trai đèo xe chạy ngoằn nghèo dạo phố, có lúc bình dị trà chanh chém gió ngồi chường mặt ở chỗ vỉa hè đầy bụi, lại có lúc sang chảnh cứ phải là chui vô mấy tiệm cà-phê hay trà chiều phong cách Châu Âu từ nước Ý Phục Hưng tới xứ Anh Quốc hoàng gia. Nếu em nói "đi tiệc" thì gần như chắc là hẹn hò chúng bạn ở một quán nhậu dzô-dzô nào đó, tuổi trẻ dư thừa năng lượng hét hò từ đầu bữa tới cuối bữa. 

Cô nàng hư cấu này của tôi là một biểu hiện thực của một số đông đảo những con người hiện thực đang hân hoan nói về phát triển. Sự phát triển với những phù phiếm bề mặt, với những đà khai thác và tiêu dùng hoang phí, thiếu một mastermind đích thực. 

(7)

Tôi nghĩ vẩn vơ bậy bạ vậy nhưng quyết không để mình gia nhập một nhóm nhỏ thị dân mở miệng là véo von lý luận cùng chê trách [chính quyền]. 

Đối với tôi, quan trọng là vui vẻ sống cái đầu óc xỏ xiên bé mọn của mình. 

Tỷ như, đứng tê chân chờ bus gần nửa giờ giữa một vũng nước đọng và một đống rác lớn, nhìn con đường to trước mặt có ô tô hành xử như xe máy, xe máy hành xử như xe đạp và xe đạp thì ngoằn nghèo múa trên vỉa hè... và cố gắng sao để mình thật trống rỗng.

Lại tỷ như, trèo xe bus thấy liền bao thô tháo của cặp đôi anh tài - anh phụ nhưng cũng cố gắng sao phát hiện sau những thô lỗ cùng tục tằn đấy vẫn là sự tử tế nơi con người khi ông lái xe vừa hầm hè chửi "tiên sư thằng xe rác chắn đường bố mày" thì không quên chỉ dẫn cặn kẽ hai vị khách đứng tuổi mặt bạc phếch vừa chui ra khỏi một cái bệnh viện to và điểm đến tiếp theo là một cái bệnh viện to khác ở đầu kia thành phố, hay ông bán vé phát hiện có cặp đôi bệnh nhân khác nhầm chiều xe bus thì bảo thôi khỏi lấy tiền, điểm sau "ông bà xuống rồi mau sang bên kia đường đứng đợi cho tôi nhờ". 

(8)

Những ngày này cũng giống như nhiều tháng năm đã qua trước kia, tôi vẫn ở trong sự lộn xộn.

Khác chăng, tôi bắt đầu trang bị cho mình một thái độ.

Có thể còn lâu tôi mới bỏ thói cay độc hay bao đồng, quàng xiên ngó chuyện đời, chuyện người.

Nhưng thay vì phê phán, thay vì để mình cuốn theo các cảm xúc thị dân tiêu cực, tôi muốn nhìn các hiện thực đô thị đó rõ rành hơn, đầy đủ hơn.

Để biết rồi thì hiểu. Và hiểu rồi thì ngậm miệng, trong khi lúc nào rảnh rang rỗi hơi hay đồng bóng lên cơn thì thong thả nghĩ tiếp về chúng.

Đơn giản thế thôi! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét