"giải phẫu" một trái bí hồ lô |
* Khác:
- squash (E) & courge (F) (đôi khi chỉ trái bí ngô, đôi khi chỉ giống loại quả khác họ nhà mướp/bí ngồi)
(1)
Bí ngô thì là bí ngô.
Trong tiếng Việt, dù giống quả ngày nay phong phú là mấy - từ quả tròn to nặng trịch rơi xuống chân có thể làm đau cả tuần đến trái bí ngô hồ lô hay bí ngô xanh bao tử, thì bí ngô vẫn cứ là bí ngô - như là một định danh chung, phổ biến, nói tới ai nghe cũng minh bạch.
Tiếng Anh có pumpkin nghe thực quen tai. Thi thoảng có thể gặp trái quả rõ ràng nhà mình hiểu là bí ngô nhưng các bác Tây gọi là squash, ừ thì squash.
Còn sang tiếng Pháp thì đúng là loạn xà ngầu! Trong tiếng Pháp phổ thông, citrouille (họ nhà Cucurbita pepo) ít nhiều đồng nghĩa với potiron (họ nhà Curcubita maxima); trong đó potiron được xem như là có vị ngọt hơn, đậm đà hơn so với citrouille. Còn nếu so sánh potiron và potimarron thì xê dịch nằm ở hình dáng và kích cỡ; trong đó potimarron nhỏ hơn potiron. Đôi khi ở chợ ngoài trời Paris, cả một thùng/khay gỗ đựng lỏng chỏng các trái bí ngô nhỏ xinh xinh lại ghi nhãn courge. Đại loại thế!
(2)
TL trước khi đi học lớp Một được Bố Mẹ gửi đến nhà Bà Tin thay vì đến mẫu giáo/nhà trẻ của tập thể trường Kinh tế Kế hoạch.
Bà Tin có răng nhuộm đen, suốt ngày móm mém nhai trầu, nói sang sảng và hay cười. Chuyện về Bà Tin kể cả ngày chẳng hết, nhưng đang trong chủ đề bí ngô - pumkin này thì tôi nhớ một chuyện - trải nghiệm đầu tiên của cái miệng kẻ tham ăn được biết đến món chè bí ngô.
Vào cái thời nghèo khó xa lắc lơ ấy, đường là một thứ gì đó xa xỉ. Mà đã là món chè, không tính các bạn được nấu với mật, thì tất phải dùng đường, rất nhiều đường.
Bát chè bí ngô ở đâu đó giữa sắc vàng và sắc nghệ, chói chang con mắt, rộn ràng cái dạ. Đưa thìa xúc vô miệng, mềm, ngọt, thơm, mướt mượt trôi mau theo cuống họng.
Rất nghiêm túc, tôi chẳng nhớ được là rắc thả vô bát chè liệu có mè rang hay chi chi khác không. Tất cả những gì đọng lại: lần đầu ăn chè bí ngô, món chè ngọt và mềm trong cái thời bất luận thứ gì hảo hảo ngọt đêu là hiếm và quý, và cả hiếu kỳ chờ mong thời điểm chờ Bà Tin chia cho phần chè.
(3)
Vẫn là chuyện ký ức, bếp của Mẹ khi hai cụ già còn sống ở Hà Nội, gần như không nấu món liên quan trái bí ngô già - bí đỏ.
Tôi nhớ là Mẹ thi thoảng nấu canh và đặc biệt hơn cả là xào bí - trái bí ngô bao tử. Bí cả trong tô canh lẫn đĩa xào ngọt, giòn, đanh, ăn rất thích. Mà bí xào thường là xào chay với tỏi, thi thoảng "ăn tươi" thì dính tý vụn thăn bò hay diềm thăn bò.
Nhưng ngay cả vậy, bí ngô không phải loại rau củ quả quen thuộc trong bếp nhà. Nói đến nhà bí - bí ngô, món chúng tôi hay ăn và thích ăn là rau bí.
(4)
Bố Mẹ làm nông dân "tay mơ" ở Bắc Ninh thì các trái bí ngô non - bí bao tử hay xuất hiện trong làn rau tiếp tế cho các con ở Hà Nội.
Có hai kiểu bí non. Hoặc trái to quá nắm tay của ông thợ cả, có khi là to bằng cả trái bưởi Diễn đã bị bỏ quên lăn lóc nhiều tuần dưới gầm giường. Hoặc có khi chỉ là vài quả bí to cỡ nắm tay em bé ba bốn tuổi, xấp xỉ trái trứng gà. Riêng loại bí non sau này, do các bạn ý cực mềm và vị thực chưa đậm đà nổi rõ nên khi nấu món sẽ luôn đồng hành với bó rau bí.
Rau bí đã chế biến sẵn sàng, mấy trái bí bé xíu đó được bỏ núm rồi thái miếng hay lát tuỳ món luộc hay xào cùng rau, rất chi là hợp lý.
Tôi biết bí non vườn nhà Bắc Ninh đó, hai cụ già ở quê vốn nhiều năm nay có nhiều cẩn thận đường ăn uống hay dùng cho món luộc và hấp. Riêng tôi và TL thì thích xào tỏi hơn, do cái đậm đà vị của đĩa rau trên mâm.
Cả hai loại bí non này, do các bạn ý rất non nên ăn nguyên vỏ là đương nhiên rồi.
(5)
Ở Mỹ tôi rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên gọi side dish ở tiệm Bayou chọn phần rau củ quả nướng thì thấy bày ra trước mặt đĩa đồ ăn với lổng chổng từ khoai lang qua bí ngô - tất nhiên chỗ này phải mở ngoặc là họ hàng nhà bí xứ cờ-hoa có chút khác với bí nhà mình - đều nguyên vỏ (hẳn là kabocha đi). Từ thoáng chốc e dè, tôi rất mau nhiệt tình đánh chén và sau này mỗi khi gọi món rau kèm thì không quên mấy bạn nướng này.
Hôm qua ở nhà Cô Chú quen "ăn chực" bữa trưa chay, tôi mới biết là ăn bí nguyên vỏ vậy hoá ra không phải chuyện hiếm, nhất là ở mấy vùng cao trong bếp nhà bà con người dân tộc. Cô kể trong bếp nhà mình, bí hay được để nguyên vỏ để hấp. Tôi nghe vậy thì gật gù, nhưng vẫn còn chút thắc mắc nhỏ, vỏ trái bí nhà mình nó cứng khốc à, nói là nướng thì tôi còn tưởng tượng được là vỏ mềm đi, chứ hấp thì khi vỏ ăn được ngó sang phần thịt quả liệu có nát không ta. Cái vụ này, tốt nhất là bữa nào tôi thử xem sao :-)
bí hồ lô nguyên trái |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét