màu cũ |
(1)
Qua An Nam, tôi mất cả gần một góc tư giờ đồng hồ phân vân chọn loại mật ong nào đây ta. Giá xê dịch theo loại [hoa], xuất xứ và nhất là nhãn mác. Tôi thấy bộ đôi hàng Việt Long Quân và Âu Cơ kèm chữ Anh Moutains và Seaside thì đực mặt ra nghĩ có phải là bọn ong chúng lượn lờ ven biển hay trên núi cao rồi cho mật mang phong vị địa phương tương ứng hay đơn thuần tên là tên, càng kêu càng gây kích thích (?).
Cuối cùng, được mang ra quầy thanh toán là một hũ 100% mật ong chín với miêu tả hoa rừng phương nam mơ hồ chẳng kém gì mẹ Âu bố Long kia. Dù thế nào tôi cần mật ong cho món nước ấm pha với chanh và gừng uống chút mỗi ngày, cứ chọn loại bình dân hợp túi tiền vậy thôi.
Cũng ở An Nam có một chuyện thú vị liên quan đến công cuộc tìm kiếm xuyên tiêu của tôi. Tôi hỏi hú hoạ một bạn nhỏ nhân viên rằng thì là mà nhà mình có bán đồ gia vị bếp Hoa không. Cô bé ngắc ngứ một hồi mới hiểu bếp Hoa chỉ cái gì. Hiểu rồi thì cô thánh thót, nhà em bán chủ yếu là đồ Tây chứ đồ Trung Quốc thì không có. Hóng bếp Tứ Xuyên tôi sẽ phải đi gõ cửa con bé hàng xóm cũ vậy!
(2)
Đi bộ từ An Nam ra St. Honoré để mua mấy phần bánh táo và bánh dứa cho tráng miệng bữa tối ở nhà Hà Nội, tôi phát hiện Yuki đã đóng cửa.
Sáng hôm sau tôi kể chuyện này cho Tiên sinh, ông lão bảo, thật đáng tiếc.
Cửa hàng nhỏ đó đã từng là nơi tôi may mắn tìm được vài loại gia vị một thời quý và hiếm. Còn ngày nay, siêu thị nhỏ to cung cấp các chủng loại hàng hoá kiểu như Yuki mọc lên như nấm, xem ra mấy cô gái giọng Nam dễ thương không thuận lợi cạnh tranh cùng các ông bà chủ mới.
(3)
Tôi mua 5 lượt vé xe bus cho hơn nửa ngày đầu tiên "sổ lồng" lêu lổng trong thành phố của mình. Ngồi xe 55 đi Xuân Diệu, khi qua chỗ các con đường lớn giao nhau trong đó có một trục chĩa thẳng ra cái hồ to chỗ có hai con rồng siêu xấu xí, tôi thấy một cảnh tức cười. Xe 09 dừng nghỉ, hai anh tài và phụ mỗi anh úp mặt ôm một cây cọ trong góc vườn hoa ôm một mặt cái chùa nổi tiếng Hà Nội. Tất nhiên là để giải quyết những nỗi niềm riêng tư.
Ngoài một bác tài xe 14 tôi quen mặt thì ba tuyến xe tôi đi hôm nay cả lái lẫn phụ ai nấy đều lạ hoắc. Nhưng lạ thì lạ, văn hoá xe bus - của cả nhà xe lẫn hành khách - vẫn cứ là thế. Cô nào xinh xinh trèo xe cũng có khả năng cao là nghe vo ve bên tai mấy lời tán tỉnh vui vẻ từ bác lái. Và cuối chiều khi xe bị cấm đi vào con đường quan chức nơi các đại biểu nhân dân họp việc quốc gia đại sự thì đám khách già cả đàn ông lẫn đàn bà trên xe sẽ đồng loạt hoá thành "phản động" với những câu đại ý, chúng nó họp gì mà họp lắm thế, chúng nó họp để quyết định xẻ đất làm sân golf chứ có ra việc gì ích nước lợi dân đâu...
Tôi đã vài lần chứng kiến màn tương tự với cái kết là hoặc tài xế hoặc phụ lái sẽ nhắc nhở bà con, các bác nói nhỏ đi ạ hay các ông bà ai lại nói thế, phản động chết đi được. Bữa nay ông lái thì gồng mình tránh bọn xe hai bánh lượn lách láo lếu bậy bạ, còn đồng chí phụ mà tôi không rõ rốt cuộc là anh hay chị thì chỉ chăm chăm tập trung vào cuốc điện thoại báo cáo bộ phận điều hành lý do tại sao xe chúng em phải đổi hướng và bỏ điểm. Nhưng mà hay nhá, xe bus đi qua cái địa phương "thiêng" đó thì tức thì đám nhân dân phản động im tịt. Tôi tự hỏi hay là phong thuỷ cái góc thành cổ này nó đặc biệt, làm cho ai đi qua cũng loạn xạ nghĩ và nói nhảm đâu.
(4)
Tôi ngồi xe bus thấy đến cả tỷ chuyện hài hước.
Tỷ như, góc Phan Đình Phùng cắt Cửa Bắc có bà bác bán nước chè tiện lợi dùng luôn điểm canh phòng của tổ dân phố hay phường sở tại chi đó làm kho chứa đồ.
Tỷ như có chị gái đứng chếch cửa cái trường học đang túa rua bọn nhóc như ong vỡ tổ để bán quà vặt. Chị gái không đeo khẩu trang, mặt tươi như hoa, tay thoăn thoặt nạo dừa để nướng bánh tráng. Thùng rác là trực tiếp vỉa hè. Cái xe đạp cũ rích được gá thêm cái này, nối thêm cái nọ hoá thành một sạp hàng lưu động vô cùng lợi hại, trong đó ấn tượng hơn cả là phần gác-ba-ga được hoá phép thành giá đỡ cho hẳn một cái bếp gas nhỏ để nướng bánh tráng.
Bọn nhóc con mười đứa thì có tới năm sáu đứa, trai cũng như gái, có dáng vẻ cùng động tác cơ thể như đám anh chị trưởng thành. Con gái tóc rõ dấu nhuộm nâu hạt dẻ, xoăn lọn lúng lẩy cùng môi đỏ chót và cái vẻ nói chuyện điện thoại mắt mũi đảo điên gợi nhắc phong thái của mấy cô nàng làm ở tiệm tẩm quất mát-xa với rèm che cửa kín mít hay hót-gơn lần đầu tiên ra phố cùng đại-gia tiền mới. Con trai thì hùng hổ cưỡi xe [đạp] mặt cứ vênh lên, cằm cứ hất cao với những động tác tay như thể chuẩn bị chém người.
Đời thật vui, ngồi xe bus tôi thấy có vài thím tầm tuổi tôi nhưng ăn mặc và cử chỉ đúng là [...] cưa sừng làm nghé. Trong khi đó, qua cửa sổ bẩn bụi của xe bus thi thoảng còn lượn lờ mấy con muỗi, tôi lại thấy những đứa trẻ tập tành làm người nhớn.
Ở cái khách sạn to của quân đội, có một đám cưới xem ra rất to. Váy xống phấp phới của đàn bà. Và đàn ông không ít người còn nguyên quân phục nhìn từ xa có thể thấy trật tự vai vế sao mà chặt chẽ, sao mà có dáng dấp của quan trường xưa kia. Muốn một quan sát xã hội học câm về dấu vết của xã hội gia trưởng, cứ nhìn cái sảnh tiệc cưới này xem ra là đủ!
(5)
Mà cả ở trên xe bus lẫn ở các tiệm cafe phố, không tính khẩu trang bắt buộc phải đeo trên xe bus cũng như chai nước sát khuẩn được gá ở một cái cọc nào đó trong xe thì nhìn sự lân cận / thân cận giữa các thân người xa lạ hay bằng hữu rõ ràng là không cho tôi bất cứ cảm giác nào về covid. Nhất là trong các quán cafe. Bà con ngồi chân tay khua loạn xạ, bắn nước miếng tung toé. Bàn này sát cạnh bàn kia. Người này sát cạnh người kia.
Tôi đến chỗ Chị Lan. Bà chủ không có ở đấy, cô em quen mặt vui vẻ chào mừng. Tôi có một phần sinh tố bơ với rất nhiều cafe phủ mặt cốc và một cốc chanh tuyết thơm nức hương thơm mát nhờ tinh dầu vỏ chanh xay.
Tôi hỏi thăm chuyện buôn bán của em bé con dâu bà chủ, người có mấy tủ kính bày hàng "xách tay" trên căn gác xép của quán. Em người làm bảo, nó thôi rồi. Vì giờ đổi sang việc mới lương 20 củ. Tôi ớ ra mất mấy giây rồi phá lên cười, tôi chào mừng tôi, quay trở lại thế giới của ngôn từ thị dân thường nhật!
(6)
Bình thường tôi chỉ có thuỷ chung một ấn tượng về đám học trò của trường nghệ thuật đầu phố Hai Bà Trưng là rất ồn ào, rất sặc sỡ.
Nhưng hôm qua, ở quán cafe quen, tôi thấy một nhóm các bạn trẻ, tất cả đều là nam, ăn mặc không quá nổi bật, đứa nào cũng vác túi đàn, bước vô trong nhà gọi đồ uống. Không một lời to nào, cả theo nghĩa âm lượng lẫn tính [dung] tục.
Ở trong phòng nhỏ có hai đám khách, những nghệ sĩ tương lai cư xử chẳng khác nào các ông lão an tĩnh thưởng trà. Và một nhóm năm ông bà già lụ khụ nhưng mồm miệng lau chau, oang oang bàn chuyện đất cát. Lại một tương phản kỳ lạ!
mỗi người một kiểu "đói khát tinh thần" |
Tôi tự cho phép mình điên rồ khi bước vô tiệm Lâm và sau gần nửa giờ nghển cổ ngó nghiêng thì đi ra quầy thanh toán với một chồng sách, tất cả nếu không về ăn uống thì là về lối sống xanh.
Tôi đã qua cái tuổi háo hức khám phá cái mới này cái mới kia. Mua sách giống như một hành động theo quán tính. Mớ sách mới này cho tôi một niềm vui đọc nhẩn nha và thêm nữa những khám phá bất ngờ nho nhỏ, tôi hy vọng thế!
Ở tiệm Lâm tôi vẫn nguyên thói xỏ xiên mà chứng kiến nguyên một màn hài hước trước mặt trong khi trong dạ lại thầm thì tự mình tám chuyện với mình. Chuyện là có một đoàn cán bộ tỉnh nào đó, tôi đồ rằng là đám giúp việc cho các thủ trưởng đang trong kỳ cuộc [họp hành] ở thủ đô tranh thủ tót đi chơi Hồ Gươm và tiện thể mua sách nâng cao dân trí.
Nhóm bốn năm anh chị cán bộ này mua một đống sách bự, đóng vô cái thùng bánh kẹo rách nát nào đó. Hoá đơn ông chủ cầm trong tay dài cả cây số. Khách muốn thanh toán là tôi kiên nhẫn chờ ông chủ réo tên từng cuốn cùng giá tiền để xác minh với một ông khách đang ngồi xổm xếp từng cuốn vô thùng.
Cái thùng sách to bổ chảng đó thuỷ chung hai chủ đề, làm thế nào để trở nên giàu có và đối nhân xử thế nơi công sở đầy mưu hèn kế bẩn sao ta. Chúc các đồng chí cán bộ nhà ta mau giàu có, mau thành ông nọ bà kia!
Tôi thanh toán xong mớ sách cảm hứng đu dây phong trào sống xanh và lan man chuyện ăn chuyện uống xong thì đến lượt một cặp đôi ngôn tình với một chồng ngôn tình bước lên trả tiền.
Cuộc đời ngoài kia phong phú đa dạng thế nào tôi không biết rõ, nhưng hơn nửa giờ đồng hồ trong tiệm sách ít nhất tôi thấy, với cả mình trong đó, ba loại đói khát tinh thần khác nhau. Cũng có thể coi phong phú và đa dạng đi, hỉ!
(8)
Hôm qua trên đường, cả lúc rảo bộ lẫn ngồi xe bus hay khi nốc nước vối đợi bạn nhỏ HĐ ở quán Chị Lan, tôi tiếp tục gom nhặt những vụn vặt vui vui hài hước khác nữa.
Ngã tư Hai Bà Trưng - Nguyễn Khắc Cần có anh may-bắc [Maybach] sáng loáng màu cafe quay vòng vòng như thể đường chỉ là của riêng anh.
Bên hè Hàng Bài, trước các cửa kiếng lớn bày vòng nhẫn cạc-chi-ê [Cartier] có mấy nữ sinh một lèo phong cách y dạng với xì-nếch-cơ trắng lốp, váy ngắn cùng ti-sớt với nhiều chữ tiếng Anh bày tỏ nếu không phải là tình yêu thì là kun cùng ngầu [cool] say sưa seo-phì [selfie]. Các cô gái nhỏ chiếm dụng vỉa hè nhưng vẫn còn đường nét đáng yêu khi biết đường bảo nhau tạm dừng để nhường lối cho mấy khách bộ hành đang dừng lại chờ các cô tác nghiệp xong có thể đi qua.
Ở đâu đó trên đường Thuỵ Khê, trước một cái đình cổ, sân rộng là nơi cánh đàn ông của làng chơi đá cầu. Cổng đình cổ kính trông ra con phố dài ngoằn nghèo bẩn bụi là nơi tập kết rác tái chế của mấy cô vệ sinh môi trường. Ở mép sân giáp với con đường làng giờ đã được đổ bê tông, mấy nhóc tỳ đạp xe tanh tách.
Đi xa hơn một đoạn, lại một cổng làng cổ khác tôi thấy một tấm biển cũ nát chữ đã mờ nhưng vẫn đọc ra được, ai biết chữ sẽ không vứt rác ở đây. Dĩ nhiên là có nhắm mắt tôi cũng chắc chắn một hình ảnh đống rác bự ngay bên lối cổng vào làng. Và đúng là như vậy.
(9)
Bình thường tôi đã thuộc dạng zero-tech hay low-tech, ở Mỹ hơn một năm ngoài cái ipad thi thoảng mượn của Tiên sinh để chụp ảnh linh tinh này nọ và gọi điện về nhà cùng máy tính cũ dùng ké cũng là của ông lão thì tôi chẳng có bất cứ món đồ công nghệ cao thấp nào trong tay.
Rục rịch thời gian tính theo ngày trước khi bay được về Việt Nam lần đầu tiên trong đời tôi mới cầm trong tay một cái smartphone. Rồi thế mới khám phá món viber, face time và loay hoay tìm hiểu cách sử dụng cái máy điện thoại mỏng tang đó.
Về Hà Nội bị ai đó nhắc, phải thêm Zalo. Thôi cám ơn bác, với nhà cháu thế là quá tải roài!
Ngồi ở chỗ Chị Lan hay bên Highlands, mười người xung quanh tôi thì có đến bảy hay tám đang chúi đầu vào cái điện thoại. Còn lại thì văng nước bọt tám thằng đối diện để nó mua sản phẩm của mình hay thì thụt âm mưu đánh đồng nghiệp.
Tôi không đến mức cực đoan bố mày đây không cần kết nối. Nhưng đúng là tôi thích cái ngu-phôn giá đâu đó bốn hay năm trăm ngàn đồng tiền Việt Nam hơn. Không có tin nhắn hay cuộc gọi viber. Cũng chẳng có những yêu cầu, mày gửi ngay cho tao file này ảnh nọ. Đơn giản, em điện thoại cục gạch thì sao mà đáp ứng bác được 😀
(10)
Chỉ trong ngày đầu tiên đấy, tôi còn đồng thời vừa là diễn viên vừa là khán giả trong vài món tiểu phẩm hài tự chế.
Tôi thấy mình đứng trước cây rút tiền đánh vật với cái thẻ. Nhớ mấy con số thì bấm. Kết quả là không hợp lệ. Trong bụng thầm thì sỉ vả cái máy, đến lúc rời đi trong thất bại thì hoá thành tự dziễu mình. PIN sáu chữ số, con giời bấm bốn số thì có mà máy thần tiên may ra nó mới phục vụ. Đó là chưa kể hơn một năm cái thẻ bị bỏ mốc, ngân hàng tự động khoá giao dịch. Điều này chỉ đôi hôm sau, khi gặp cô giao dịch viên trình bày ý kiến tôi mới biết. Đóng 11.000 đồng lệ phí lấy PIN mới với cái hẹn 10 ngày sau mời chị quay lại, tôi bắt đầu nghĩ, mình học văn minh điện thoại rồi thì có lẽ tranh thủ thêm tý văn minh thẻ ngân hàng, hỉ!
Lần đầu xuống xe bus, tôi nghiêm chỉnh tìm đến chỗ ngã tư to có vạch kẻ sang đường cho người đi bộ để tìm đường về nhà. Nhưng rất mau sau đó, tôi lại thấy mình nhâng nháo bám đuôi cả một đống anh tài công sở, tranh thủ nhịp đèn đỏ chặn dòng xe khiến cả một con đường to gần như không một bóng người thì cứ thế bỏ hết sau lưng mọi lề luật văn minh mà băng qua để sang mấy tiệm cafe quen ở phía đường bên kia tụ tập bà tám.
Xem ra tôi chỉ thiếu mỗi nước nói to và thi thoảng là chêm vài từ to thì vừa xinh tao đây người Hà Nội!
ở chỗ Chị Lan - sinh tố bơ thêm cafe |
ở chỗ Chị Lan - hiệp hai: chanh tuyết xay |
ngày "sổ lồng" bắt đầu "như lày" chờ bus |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét