(1)
Tôi nấu ăn lơ mơ, phần nhiều là bất quy tắc. Còn đi chợ thì không có cơ hội hồ đồ vì gần như mọi đầu mối mua bán đều đã được "lập trình" sẵn, giống như một dạng cố chấp, dính chấp.
Tôi nghĩ có lẽ mình giống Mẹ, luôn có hàng quen ở chợ. Giá cả chỗ này chỗ khác có thể mềm mại hơn, nhưng cũng có thể "thì vẫn là thế" [đắt ngang các hàng khác].
Nhưng mối lợi vô hình thì kha khá nhiều. Quên tiền, thiếu tiền, hay vướng tờ tiền to ư; mặt em đây Bác nhớ nhá, mai mốt trả đổi liền một cái gật đầu hay bật cười cùng khua tay, ối dào có mấy đồng bạc, cô cứ đi đi. Cần mua gì đặc biệt hay số lượng lớn cho một dịp đặc biệt, yêu cầu / đặt trước luôn được đáp ứng như ý. Giáp Tết hay một kỳ cuộc đặc biệt nào đó của năm, có khi tôi sẽ được nhắc trước, mày cần gì thì mua luôn giờ đi [để sau không phải cuống quýt]. Lại có bữa rờ tay định nhặt một món, Chị đừng lấy cái này, để em vào nhà lấy cái tươi/mới cho Chị hay hôm nay không ngon, đừng mua. Và có lẽ hay ho hơn cả là tôi không chỉ đơn giản lấy hàng và trả tiền. Tôi không bao giờ trở thành bằng hữu của những bà bác, chị gái hay em gái bán hàng đó. Nhưng chúng tôi nói chuyện, chúng tôi có những chia sẻ nhỏ thân tình và ấm áp.
Ở Pháp theo chân bà thím người Bồ [Đào Nha] giúp việc cho Alex và bản thân ông anh hay gã em họ mang dáng dấp thằng nghiện vài lần, tôi thấm thía cái công thức "cửa tiệm góc phố" - nơi khách hàng và ông chủ/bà chủ giống như có quan hệ họ hàng ruột rà có lịch sử dài đến vài cây số trong "cây phả hệ đô thị". Ở đây, nhà Hà Nội, tôi thích thú với sạp hàng quen, quầy hàng quen ở chợ tiểu khu hay quanh đó. Chúng tôi, TL và tôi, có chung những tên gọi Tình già bò, chị hàng khô, hai chị gái, chị đậu phụ, bà giò chả, cô cá Nam Định/cô cá B6... người này nói ra người kia nghe thủng liền.
(2)
Riêng với thịt - bò và heo - không tính vài ngoại lệ, tỷ như mua một phần bò Úc để làm món steak hay có khi là tiện thể nhặt một khay thịt CP bên siêu thị, hay nữa là muốn ăn chân giò hay đế thăn thì dứt khoát phải nhờ hàng xôi hay hàng gạo mua giúp từ phản thịt bán ở cái chợ cóc trước toà nhà bên cạnh, thì về căn bản chúng tôi thuỷ chung với Tình già bò và em gái Đức Việt, trong đó chỉ cái tên Đức Việt cũng đủ gợi ý là "em gái" này bán thịt heo!
Nguyên lai, quầy thịt nhỏ ghi biển to Đức Việt đặt trong một diện tích nhỏ kết nối với một cửa hàng thực phẩm chín to đùng cạnh lối vào chợ tiểu khu nhà Hà Nội đúng là bán thịt của cái công ty rầm rang tên tuổi một thời đó. Sau rồi không rõ lý do chi, nhà đại lý chuyển sang bán thịt - thịt sạch theo quảng cáo - từ một nguồn cung cấp khác. Biển Đức Việt đã phôi pha mưa nắng và trở nên cũ kỹ vẫn được giữ nguyên trong khi cái thông tin về nhà cung cấp mới chỉ khách nào dư thời gian hay tính tò mò thì ngó nghiêng một hồi mới nhìn ra.
Tôi không rõ có vị khách nào phản ứng, coi đây là một sự nhập nhằng, đánh lận con đen không. Riêng tôi thì thấy hài hước hơn là đáng ngờ. Thịt nhà đó bán vẫn ngon, vẫn thơm. Em gái bán hàng dễ mến, phục vụ tốt vẫn ở đấy. Tôi chẳng có chi phàn nàn. Và tôi nhớ là khách chỉ có đông hơn chứ chẳng hề ít đi, bất chấp các chủng loại thịt cắt/pha/chặt bày trong tủ kính nhỏ vẫn cứ là nghèo nàn và đơn điệu khi so với các phản thịt ngồn ngộn với các bà thím cũng ngồn ngồn chỉ cách đó đôi ba chục mét đường, ngay giữa chợ tiểu khu.
(3)
Lượn lờ ở siêu thị, chủ yếu là mua giấy vệ sinh và vài loại rau, tôi khám phá "thịt mát" khay đen màng bọc đỏ. Thời điểm đó, cái hộp đen - tivi quảng cáo ầm ầm. Báo chí cũng quảng bá ầm ầm. Cho "thịt mát" - gắn với công nghệ tân tiến, [ngầm hiểu như là] biểu tượng của sự lựa chọn thông thái/thông minh của bà nội trợ thị dân hiện đại, và có khi thậm chí là cho một lối sống mới, "sạch" và "sang" (?!)
Tôi ghét mấy cái trò đó. Lại quen với nào Tình bò già, nào em gái Đức Việt. Đó là chưa kể nếu mua "cấp cứu" khay thịt bên Vinmart to gần nhà thì đã luôn có sẵn CP hay một nhãn mác nào đó mà giờ tôi quên tên và thấy coi như tạm ổn. Thế nên thấy Meat Deli, tôi dửng dưng, cóc liên quan [tới mình].
Cũng khoảng thời gian đó, tôi gặp một chuyện vô cùng ấn tượng. Với chút hài pha màu lố bịch trong đó.
Ở quầy thịt bên Vinmart, có mấy thím tuổi chừng chạm đầu 5, váy xống đầu tóc y chang một kiểu 101 con chó đốm, nói năng giọng không đến mức n cao l thấp nhưng tôi ngửi thấy mùi quê hương châu thổ Sông Hồng phong phú đa dạng sắc giọng đặc trưng địa phương vùng miền. Các bà thím này được cái hay là không nói to hay nói bậy, như một số bà thím - thị dân tiền mới khác. Nhưng cái ngạo đàn bà ăn vào chi tiết của kẻ [mới có] nhiều tiền thì y dạng. Các thím thì thầm khe khẽ trao đổi mà cũng là tiện thể khoe [khoang], nhà mình chỉ ăn thịt sạch, nhà mình chỉ ăn thịt mát, nhà mình chỉ ăn Meat Deli. Mịa kiếp [không có gỗ chạm tay để thứ lỗi cho cái lời to này của tôi], món này vừa mới xuất hiện, thế trước đó các thím xơi gì nhỉ (?)
Thời gian đó, tôi thực có mua Meat Deli hai ba lần, tôi nhớ là một khay xương cục để ninh canh và một phần thịt chân giò hay chính cái chân giò gì đó. Không ấn tượng nào to hơn một cảm thán, đẹp mắt, dưng mà đắt đắt là. Trước khi quay sang tự mình ám thị mình, không gì bằng em gái Đức Việt, không gì bằng phản thịt chợ cóc nơi có thể tìm ra phần đế thăn hay đầu rồng như ý.
thịt xay sẵn bày khay, nhồi đậu tươi con mắt món làm xong, ăn vào sao mà "bã" |
Sau một tuần trói mình trong căn hộ, tôi bắt đầu thả lỏng chút cái sự "tự-cách ly" của mình khi chen kín mặt mũi mò mẫm xuống siêu thị nhỏ Vinmart dưới tầng để "đi chợ", giảm bớt phiền hà TL đã đi làm bận lại phải tong tả chạy qua tiếp tế.
Ở quầy lạnh của siêu thị, thịt heo nhìn từ phải sang trái, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên gần như là độc quyền Meat Deli.
Tôi mua cả thảy ba lần. Một khay ba rọi mua về già nửa luộc, nửa non rang moi biển khô, không có gì để phàn nàn nếu không nói là ăn rất được. Một lần xương heo cục để ninh canh bí đỏ hồ lô thả nấm ngọc châm và giá đỗ, rất ô-kê-la. Nhưng đến lần mua thứ ba, hăm hở với mường tượng trong đầu về một phần đậu phụ nhồi thịt sốt cà chua làm theo hướng dẫn của anh bếp quốc dân Nguyễn Phương Hải, thì tôi thất vọng toàn tập.
Chưa bao giờ trong đời tôi gặp một phần thịt xay cứng đến thế.
Thịt chạm tay vào, dĩ nhiên là qua lớp màng của găng tay chế biển thực phẩm, cho cảm giác mát, mềm, mượt. Ướp gia vị này nọ xong một hồi. Làm món nhìn bộ dạng đầy hứa hẹn. Thức ăn cho vô miệng. Sao mà xác, sao mà bã, sao mà cứng.
Lúc đầu tôi nghĩ, chắc tại gia vị ướp của mình không ổn, chắc là tại thịt bị xay kỹ quá, vân vân và chi chi.
Đến lúc em H. qua chơi, mang cho tôi rẻo thịt lợn mua ở phản thịt ngoài chợ truyền thống gần nhà, nghe tôi cám ơn cùng lời than về cái bạn thịt xay đóng sẵn trong khay làm ra món thực thiếu mềm mại thì cô em tức thì chia sẻ, em không bao giờ mua [lại] thịt xay của bọn đấy. Hoá ra than phiền này chẳng phải là của chủ quan riêng tôi. Cũng như nhận xét ba rọi thì ăn được của tôi, bạn nhỏ đến chơi nhà hoàn toàn đồng ý.
(5)
Tôi có một bài học nhỏ về "đi chợ trong siêu thị" là vậy.
Dù thế nào thì hôm nay tôi bắt đầu rời thoát hoàn cảnh "tự cách ly", sẽ không phải phụ thuộc vào siêu thị nhỏ dưới nhà cùng cái quầy mát lạnh bày các khay thịt cá của nó nữa.
Tôi nghĩ vẩn vơ từ tối hôm qua tới giờ, đã đến lúc giảm bớt hơn nữa mức độ tiêu thụ thịt.
Chuyện này với tôi giờ không quá khó. Nhưng thay vào đấy chả lẽ rặt đậu phụ?
Mà giờ, ma mới biết có bao nhiêu xô chậu đậu phụ "nhà làm" ở các chợ tiểu khu hay hộp đóng bắt mắt nhãn hiệu đủ sắc màu với đủ tên gọi kêu tanh tách trong các siêu thị có đảm bảo chắc chắn rằng thì là mà, chúng tôi đây không dùng hạt đậu [tương] biến đổi gen và/hay lạm dụng các sản phẩm phân bón/thuốc kích thích tăng trưởng cùng thuốc trừ sâu?
Tôi không thích để cái suy nghĩ méo mó giờ [ăn] gì cũng bẩn hết đeo bám mình. Nhưng nghĩ một chút thì rất dễ thành lảm nhảm cà ràm sặc mùi tiêu cực như vậy đó!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét