Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

một tuần giãn cách

(1)

Chuyện của tuần trước. Sáng thứ Sáu, TL rời nhà căn hộ đi làm. Được chốc lát tôi nhận điện thoại, cô em kêu chị xuống chở em đi làm vì xe không nổ máy được. Sáng đó, tôi dính nước mưa, sau rồi ủ rũ mấy ngày liền. 

Tôi nhớ, Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội toàn thành phố từ 6 giờ sáng thứ Bảy. Tối hôm trước, Chị MA còn nhắn tin, mai cố mà dậy sớm làm một vòng trước giờ đó. TL và tôi ngủ lăn lóc quá nửa sáng, lúc tỉnh dậy bảo nhau, thôi rồi, mình đã bỏ lỡ cơ hội ra ngoài.

TL gọi điện thoại chơi chơi, túm được con bé bán nhờ hoa quả trước cửa nhà Hà Nội, vừa mua quả của nó lại vừa tiện nhờ nó đằng nào cũng mang đồ lên nhà căn hộ cho chúng tôi thì đi chợ tiểu khu một rẻo, mua giúp từ thịt heo qua rau ngải cứu. Sáng đó, tôi cười cợt, giãn cách quái gì mà hàng xôi hàng quả vẫn bán hàng này, đi lại vẫn được này. Sang chiều tôi mới nhận ra, đó là ngày cúng Cụ. Chắc ông chính quyền cũng thả lỏng chút ở đoạn đề-pa à.

Nhưng ngạc nhiên nhá, sáng Chủ nhật, bạn của TL vẫn có thể chạy xe qua đưa cho ít thực phẩm. Tôi hỏi thăm, đường phố đúng là vãn người nhưng đi lại không thấy ai gọi lại tra giấy tờ.

(2)

Chuyện sang tuần mới thì đã khác. 

Tin tức xấu về dịch bệnh dồn dập mỗi ngày. Chị MA chăm chỉ gửi cho tôi cả đống thông tin liên quan đến lệnh này, chỉ thị nọ, thông báo kia, càng đọc tôi càng sợ. 

Trong suốt thời gian của tuần làm việc vừa rồi, chỉ có hai lần tôi mò mẫm xuống siêu thị dưới toà nhà và một lần TL phải chạy ra tận cổng lớn khu chung cư để nhận rau củ quả đặt mua từ nông trại trên Mộc Châu. Còn lại, chúng tôi đúng là ở yên trong phạm vi tầng lầu của mình, thang máy cũng chẳng buồn bén mảng.

(3)

Thế giới bên ngoài đối với chúng tôi biểu đạt qua các cuộc điện thoại gọi về Bắc Ninh, gọi tới hay từ bạn bè, các tin nhắn, các cuộc trò chuyện ngắn của ông iu-tu-bơ có râu đen và bản tin của nhà đài trung ương.

Thế giới đó có nhiều chuyện gây lo lắng cùng sợ hãi, nhiều chuyện buồn [đau], nhưng cũng không thiếu cả những nực cười. 

Đó là một thế giới đã bị "chủ quan hoá", không đầy đủ, nhưng dù thế nào thì tiếp cận nó, nhìn thấy nó, nghe thấy nó, ngẫm nghĩ về nó, vẫn là một điều tốt. Bởi lẽ chúng tôi cảm nhận được rằng mình vẫn còn đang sống.

(4)

Lão Tiên sinh lo lắng cho tình hình ở Hà Nội, ở Việt Nam. 

Ông lão lầu bầu, nếu nhân dân đồng bào của ông không chịu chích ngừa thì tại sao chính phủ của ông không chuyển vắc-xin cho các nước khác, trong đó có Việt Nam. 

Tôi thì cười cười, bình tĩnh đi bạn già. Những sự chênh lệch luôn tồn tại trên thế giới này mà. Thay vì cáu kỉnh, thà rằng chúng ta tiếp tục kiên nhẫn, tiếp tục bấm nút u-mặc trong đầu và cám ơn Ông Giời cho đến giờ vẫn còn cho chúng ta sống trong một hoàn cảnh dù có hạn chế là bao đi nữa thì rốt cuộc vẫn còn là trong giới hạn an toàn. 

(5)

Tôi không muốn kể cho bạn đời chuyện về các chuyến "hồi hương" nội địa, chuyện về một em bé mới có đâu như mươi ngày tuổi đã dấn thân vào hành trình về quê cùng cha mẹ của nó và bất đắc dĩ trở thành "phượt thủ" nhỏ tuổi nhất Việt Nam.

Các mẩu chuyện đời, những đoạn hiện thực tối tăm, chúng luôn ở đó. Truyền thông quan phương lờ tịt đi thì vẫn luôn có những chân thật hình ảnh được lưu chuyển trong thế giới mạng nhện dân gian. 

(7)

Với hai cụ già ở Bắc Ninh, con gái là tôi đây quyết định thay đổi chiến thuật "ngừa covid".

Bình thường, TL và tôi sẽ luôn nhấn mạnh, Bố Mẹ nhớ ở trong nhà, ai đến cũng tạm thời không tiếp xúc, tội vạ đâu cứ đổ cho hai đứa con, rằng thì là mà chúng nó cấm chúng tôi. Nhưng rồi chúng tôi rất mau phát hiện ra chuyện này là không tưởng. Các cháu của Mẹ vẫn cứ ghé qua hỏi thăm hỏi nom, tám chuyện như thường. Hình như tạm ngưng chỉ có những màn ề à của mấy ông lão bạn tử vi lý số của Bố mà thôi. 

Chị họ bán hàng rong ở Sài Gòn, bữa trước tính sớm ngồi máy bay về Hà Nội rồi từ Hà Nội ngồi xe bốn bánh về quê. Rung đùi ngồi nhà được hai hôm thì bị hốt đi cách ly. Cách ly xong về cười hềnh hệch, chẳng sao cả. Mẹ kể, chị họ qua nhà, lăn sả vào giúp bê củi cho hai ông bà già. Giãn cách cái con khỉ, tôi nghĩ thế khi nghe điện thoại. Tất nhiên là tôi chẳng nói gì, sau chỉ ỏn ẻn nói vòng nói vo, chị ý với nhà mình thì không sao, chỉ sợ chị ý đi lung tung gặp nhiều người khác thì hoá thành nguy hiểm, thôi thì mình cũng cứ chủ động để ý giữ khoảng cách và đeo khẩu trang mỗi khi có ai ghé qua.

Tiếp cận kiểu này ở Hà Nội đối với tôi và TL là không thể chấp nhận nổi, nhưng cuộc sống ở làng quê một góc Bắc Ninh, chúng tôi không thể "quản". 

Trong cuộc trò chuyện với Mẹ tối qua, tôi nghe kể, làng bên - thuộc xã khác - phát loa ông ổng rằng thì là mà bên kia sông - là đất Hải Dương - vừa có ca mới [mắc covid] nên nhân dân cần cảnh giác. Mẹ kể xong lại chua thêm câu, đấy là đài làng bên nói vậy chứ trên ti-vi chưa thấy nói gì. Tôi đoán ti-vi đây chỉ nhà đài tỉnh ta, Bắc Ninh quê mình.

(8)

Tôi bối rối, không suy nghĩ rõ ràng rành mạch ra đầu ra cuối bất cứ chuyện gì. Giờ nếu được hỏi rốt cuộc đối với mày điều gì là quan trọng, là có ý nghĩa trong cuộc đời này, tôi sẽ phẩy tay, còn đâu sức mà nghĩ nữa. 

Ngồi yên trong nhà là yêu nước là công thức nghe quen tai những ngày này, cứ cho là thế đi. Nhưng quyền sống, quyền tự do trong đó có cả tự do chuẩn bị cho một sự trở về [quê nhà] hay nặng nề hơn là sự cáo chung, chúng cũng chính đáng mà. 

(9)

Đột nhiên, tôi nhớ đến hai chuyện. 

Thứ nhất là nhân vật lão Vương trong chuyện của Pearl Buck. Và thứ hai là đoạn viết ngắn của một cô văn sĩ hay nhà báo gì đó, tôi nghi là Việt kiều ở Pháp, tôi đọc được hồi thế giới bắt đầu cảnh giác với con corona virus chết tiệt này, với đại ý là trong hoàn cảnh bấp bênh, khủng hoảng thì con người ta có xu hướng quay trở về, tìm an trú nơi gia đình, quê hương. 

Những sự đọc của tôi trong quá khứ xa và gần, đọc rồi để đấy. Giờ thì chúng gõ cánh cửa tâm trí của tôi. Tôi vẫn lơ mơ, vẫn hồ đồ. Nhưng rất lạ là trong một vài tích tắc, tôi lại thấy mình tường minh, à chuyện là thế, mình đã hiểu!

ngồi yên trong nhà là yêu nước - phơi ngải cứu

ngồi yên trong nhà là yêu nước
lau cái hộp gỗ cũ phủ bụi

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

nộm rau muống chay chay bếp hiệp hai

(1)

Gọi là bếp hiệp hai vì tất cả nguyên liệu đều là phần dư của nguyên liệu cho lần làm món trước: một dúm nhỏ rau muống, một nắm giá đỗ, một góc củ hành tây, một đoạn cà rốt.

- Rau muống không được loại xanh thân dài và mềm như ý, tôi tặc lưỡi chẳng sao. Rau lần này thân xanh đậm, có chỗ ngả nâu nâu, nhắc nhớ tôi rau muống ngày xửa ngày xưa. Rau được nhặt bỏ gần như hết lá, rồi chẻ sợi nhỏ, đại khái thân mập có thể chia tới 6 phần. Tất nhiên là chẻ rau sau khi đã rửa và làm ráo rau sạch sẽ.
- Hành tây cứ thế thái lát mỏng mịn. Tôi chủ ý không tẩy hăng bạn này vì trong tổng thể đĩa nộm thành phẩm, hành tây hiện diện rất chi khiêm tốn. Nguyên bản vị hăng của hành bình thường ở món trộn khác có thể bị coi là gây nồng, ở đây hoá lại là điểm tốt.
- Cà rốt thái sợi rồi xóc với xíu đường, để bên chờ ngấm ngọt và cũng là để tự chắc giòn.
- Giá đỗ được rửa sạch, làm ráo.
- Thêm gia vị khác cho món nộm chay nữa là chất tạo chua với dấm vang trắng của Ý và nước cốt chanh xanh Limca; tỏi bằm nhuyễn và bột tỏi; ớt thái lát mỏng cùng xíu muối hầm.
- Rau gia vị có kinh giới.

(2)

Mọi thứ đã sẵn sàng, hoàn thành món thực là mau.

- Đun nước sôi cho rau vào chần mau tay, rồi vớt ra xả nước cho nguội, tãi rau trên cái vá để rau nguội tiếp. Bình thường tôi cầu kỳ còn ngâm nước đá, lần này vì món làm tranh thủ và rau lại ít nên tôi bỏ qua điều này.
- Rau nguội rồi cho vô thố lớn, cho muối hầm, tỏi cả tươi lẫn khô, ớt vô rồi rưới thêm dấm cùng nước cốt chanh, dùng tay đi găng làm bếp với hỗ trợ của đôi đũa nấu dài khéo trộn đều cho rau ngấm mặn và thơm gia vị. 
- Lại cho tiếp hành tây, cà rốt, giá đỗ trộn thêm một lượt.
- Ra hiên hái trộm hai ngọn kinh giới, rửa vẩy sạch rồi thái đoạn nhỏ thả vô, trộn lần cuối rồi bày món ra đĩa.

Món nộm rau này về hình thức hẳn dưới điểm trung bình. Màu rau muống thiếu cái sắc xanh tươi mơn mởn mướt mắt phần nhiều vì giống rau, phần ít vì cái cách thức tôi sơ chế rau. 

Nhưng cho vô miệng mà xem, điểm trên trung bình là cái chắc :-) Muống giòn, cà rốt sần sật, giá đỗ ngọt, hành hăng hăng dịu. Lại không thiếu chua nhờ dấm và cốt chanh, cay cay hăng hăng của ớt cùng tỏi. 

(3)

Có một chuyện rất hay với món nộm rau muống chay chay bếp hiệp hai này, cũng như với không ít món nấu khác trong bếp nhà căn hộ của TL và tôi những ngày giãn cách, đó là nấu và ăn hoá ra không còn đơn thuần là nấu và ăn. 

Ở trong nhà, đối diện với hoàn cảnh thực tế là hạn chế thực phẩm cùng gia vị, chúng tôi có cơ hội "ứng tác", học cách thích nghi và hài lòng với hoàn cảnh, đồng thời cũng trở nên nhẫn nại, đơn giản hơn. Với đồ vật xung quanh mình, với việc mình làm, và với chính cả bản thân. Đại loại là thế!

chuyện nhà rừng: vườn nhật bản (2)

vườn Nhật Bản nhà rừng
(1)

Căn bản xong!

Rẻo đất sườn dốc đó bé hin hin. Cái vườn thành hình rồi nhìn không có gì quá đặc biệt. Nhưng công sức bỏ ra cho nó chẳng nhỏ chút nào.

Ở trong rừng, ở trên núi, hoà mình với/vào thiên nhiên, thơ mộng đâu không biết nhưng các nguy cơ rình rập, nhỏ to, thấy được hay vô hình, luôn có kha khá.

Nhà gấu hẳn ở đâu đó sâu trong rừng hay trên đỉnh núi, khả năng ông chủ nhà đang lúi cúi làm vườn bị gấu tát cho một phát gần như là zero. Bọn nhím hay chồn hôi nhiều vô kể nhưng chúng cũng chẳng ra đến tận đó để mà bắn vài mũi giáo gai nhọn hay tặng ít hương thơm cho cái vị mang tên loài người kia. Có một dạng phân chia lãnh thổ vô hình, được ngầm thừa nhận và tôn trọng giữa người và [con] vật. Đường đất, sân vườn, trảng cỏ, đấy là cho người. Còn rừng, còn núi, đấy là cho cộng đồng loài vật.

Ấy thế nhưng bọn côn trùng bé tí xíu chúng "đếch ke". Rồi poison ivy. Rồi tá lả chi chi những vấn đề rất chi là nhỏ nhưng chẳng may mắc dính thì tốn thời gian và tiền bạc đi thăm ông bà đốc-tờ. 

Mà vườn thành hình rồi, không tính công tưới tắm thì còn phải chằm chằm để ý sự xâm lấn của bọn cây và cỏ dại. Làm vườn, không tính thời gian mùa đông tuyết phủ, liên tục đòi hỏi hành động làm vườn. 

(2)

Tôi nói với ông chủ nhà, thiếu một cái fountain. Ông lão bảo lấy đâu ra nước. Rồi khi nhận ra là tôi đang trêu đùa thì ông tằng tằng kế hoạch, tui đây sẽ mua tượng Bụt về đặt vô. 

Hic, may mà ông ở xứ của ông, việc đặt cái tượng Bụt to tướng ngoài vườn là chuyện thường ở huyện. Chứ ở đây ông làm thế, bị bà con tự tin mình là Phật tử chân chính nhảy vô đánh hội đồng phiền lắm ông ơi!

Mà rồi hoá ra chuyện tượng Bụt cũng là nói dzóc giữa hai kẻ lẩm cẩm chúng tôi đây.

Những mẩu chuyện chẳng đầu chẳng cuối giữa hai chúng tôi, những dự án và thành tựu nhỏ của ngày, ý nghĩa lớn lao nhất của chúng xét đến cùng chính là một sợi dây tinh thần chúng tôi nương vào, để biết mình vẫn đang sống, giữa các làn sóng dịch!

Dù thế nào, chúc mừng lão Tiên sinh nhà mình đã xong một dự án vườn trên núi 👨‍🌾✂️🌳​

bánh củ cải

lần đầu làm bánh củ cải :-)
bánh củ cải
lo bak go
turnip cake / radish cake

(1)

Bánh làm xong, tôi bày ra đĩa hai phần cho TL và bản thân. TL bảo điểm trừ lớn nhất là hơi mặn, còn về tổng thể bánh xơi được. Xong rồi còn nói vui thêm một câu, chụp ảnh gửi cho TA.

TA là bạn trọ cùng nhà với TL ở Úc. TL học về phát triển, còn TA là dạng cử tuyển đi tậu bằng thạc sĩ về y tế cộng đồng với chuyên môn gốc là vặn răng. Hai chị em này thân thân thiết thiết, tôi lơ mơ hưởng lộc, đi mấy chuyến xuôi Nam cùng TL lần là qua nhà Bố Mẹ của TA ở Sóc Trăng ghé chơi rồi cùng nhau đi tiếp đến Cà Mau mấy chị em, lần lại là vô Nha Trang rồi hẹn hò qua nhà mới của TA lúc này đã làm dâu thành phố biển.

Chính là ở Sóc Trăng mà tôi và TL được TA đưa đi ăn quà vặt, trong đó có món bánh hẹ, bánh củ cải.

(2)

Đi thám thính siêu thị dưới tầng trệt của toà nhà, tôi hoá thành đi chợ.

Trong túi đồ mua ngoài kế hoạch có củ cải. 

Vấn đề là cùng ngày TL ăn may kêu được rau từ nông trại Mộc Châu. Tôi nhắn tin cho Chị MA hỏi có cần rau không thì bà chị kêu vẫn ổn.

Vậy là phải tính toán thứ tự rau ăn, ưu tiên rau lá đương nhiên rồi, nhưng kể cả đám rau củ cũng không thể ôm trữ mãi được.

À, tại sao không làm bánh củ cải hì.

(3)

Coi mấy hướng dẫn làm bánh, tôi tẩu hoả nhập ma.

Củ cải bào sợi hay thái sợi, khác biệt chỉ là chuyện nhỏ. Tạo vị, cường vị cho bánh củ cải, bên cạnh phổ biến tôm nõn khô và lạp sưởng có người cho thêm nấm, tí ti khác biệt này cũng chỉ là chuyện nhỏ. Bột làm bánh gạo tẻ là chính, còn lại người cho bột năng, kẻ thêm bột mỳ, ừ xê dịch vậy cũng chỉ là chuyện nhỏ.

Nhưng đến đoạn xào nhân và phối trộn nguyên liệu chuẩn bị cho công đoạn hấp bánh thì bắt đầu có kha khá chi tiết làm tôi bối rối. Có người phi thơm tỏi bằm rồi xào tôm với lạp sưởng, sau đó thả rụp củ cải vô xào tiếp. Lại có người cầu kỳ chia tách rõ ràng tôm-lạp sưởng đậm đà một bên, củ cải xào một bên. Có người chêm muối, đường và tiêu vào món xào. Lại có người tương cả thìa bự nước tương vô. Rồi có người hoà bột riêng, sau trộn úm ba la với củ cải xào và phần nhân xào tôm-lạp sưởng. Lại có người chảo xào còn đang nóng cứ thế rây bột vào đảo cật lực.

Bỏ qua nội dung công thức, xem kiểu nhảy cóc mấy video hướng dẫn làm món, tôi lại càng rối. Vì thi thoảng ngó nghiêng cô chủ Hot Thai Kitchen nên tôi quen với phong cách của cô chủ bếp, cảm thấy cực ổn và cực tin tưởng vào những gì cô trình bày. Bữa nay khám phá ra một gia đình gốc gác Quảng Đông giờ là người Mỹ, tôi thấy cách làm bánh công thức gia truyền quả không tệ, nhưng nhịp trình bày của họ thì tôi theo không nổi, lại chưa kể là nhà đó lạm dụng món quảng cáo, xem một đoạn clip mà chẳng rõ thực mình đang học làm món hay đang coi quảng cáo nữa.

(4)

Thôi, mơ mơ màng màng thế là đủ rồi.

Tôi thuỷ chung lấy công thức của cô chủ Pailin làm điểm tựa. Còn lại là tuỳ tiện chút căn theo hoàn cảnh trong bếp nhà căn hộ cũng như cái psy lộn xộn ở thời điểm đứng bếp của tôi.

- Nhà không có lạp sưởng, sò điệp khô lại càng không, nhân mặn cho bánh củ cải tôi làm lần đầu có tôm nõn khô và nấm hương rừng bộ dạng không mấy đẹp nhưng thơm thật là thơm
- Vì muốn có sắc xanh, tôi chuẩn bị chút hành hoa thái nhỏ
- Gia vị phi thơm để xào nhân mặn tôm-nấm, tôi dùng hỗn hợp tỏi và hành hương bằm
- Tạo vị đậm đà cho món bánh thành phẩm có tiêu xay giã rối cùng muối hầm, và thêm chút bột cá Nhật
- Bột làm bánh chủ đạo là bột gạo, ngoài ra có đá chút tinh bột bắp + bột mỳ + arrowroot starch (thay cho bột năng)
- Và lẽ dĩ nhiên là phải có thành phần chính là củ cải cũng như cần thêm chút dầu ăn nữa.

(5)

Bánh lần đầu rón rén làm mang tính thử nghiệm. Lượng làm ra không lớn, dụng cụ nhà có gì xài nấy nên lớp bánh hấp lấy ra khỏi khuôn hình chữ nhật mỏng tang tang. Nhưng đảm bảo bánh hấp nguội rồi đem chiên, vị bánh củ cải trong trí nhớ cộng với tưởng tượng của tôi coi như ổn, rất ổn :-)

- Phi thơm hỗn hợp hành hương và tỏi đã bằm nhuyễn, cho nấm hương và tôm nõn đã xắt nhỏ vào xào, chêm muối hầm, bột cá, tiêu xay; xào tới khi được phần nhân mặn săn và dậy thơm đậm đà
- Dấu chảo đó láng xíu dầu ăn làm nóng rồi cho củ cải đã được bào/thái sợi mịn và đều vào xào ở lửa trên trung bình trong khoảng 7-9 phút; trong thời gian xào từ từ chêm nước - tốt nhất là tận dụng phần nước ngâm tôm và nấm lúc trước, dĩ nhiên là đã được lọc kỹ - để củ cải đảm bảo chín mềm
- Dùng nước ngâm tôm và nấm còn dư, nếu cần thì bổ sung thêm nước lã, để hoà bột rồi sau đó bật bếp xào mau tay một lượt củ cải trộn nhân mặn là tôm-nấm trước khi trút bột pha vào đảo cho tới khi được hỗn hợp quánh dẻo
- Tắt bếp, chờ món trong chảo nguội bớt thì cho hành hoa đã thái nhỏ vào trộn đều rồi dồn vào khuôn - nhớ lót giấy nến ở đáy khuôn cũng như quét lớp dầu ở các cạnh bên của khuôn; hấp bánh trong chừng 45 phút 
- Bánh hấp dỡ ra chờ thật nguội thì có thể cắt miếng theo ý rồi chiên

Các miếng bánh chiên hơi sem sém bề mặt, có lớp vỏ chắc ngả giòn trong khi phần ruột lại mềm dẻo đậm đà hương vị, thực là món bánh mặn ăn chơi ăn bời không tệ chút nào.

Lần này tôi chưa có kinh nghiệm, làm bánh đậm đà ngay từ đầu nên không cần dùng đến món chấm này nọ bên cạnh. Nhưng nếu có lần sau, tôi nghĩ có thể dùng cả nước tương lẫn món chấm chua ngọt pha từ nước mắm hẳn không phải là một ý tồi.

* Note bổ sung 8/8: mẻ bánh thứ hai, nhân mặn có thêm bacon - tạm dùng thay cho lạp sưởng; và phát hiện mới là bánh ăn kèm kim chi cải thảo rất ngon :-)))

bánh củ cải - nguyên liệu tùng tiệm

xào củ cải bào sợi

xào nhân mặn: tôm nõn khô + nấm hương

bánh qua công đoạn hấp, chờ nguội rồi chiên

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

lốc-đao ký: các cấp độ tâm thần

(1)

Cuộc họp trực tuyến kết thúc, TL tám chuyện mấy câu với cô đồng nghiệp.

Cô kia nói gì đó, cô này hic hic rồi bảo, đây cửa sổ phòng chị luôn sẵn sàng, đứng trên giường hơn nửa người nghiêng khẽ một cái là đi đời. Trạng thái bất an, trầm cảm xem ra giờ không còn là chủ đề kiêng kị nữa, ai ai cũng có thể thoải mái nói lời về nó.

Hết cuộc chuyện, TL kể nhà cô kia thuê trọ trong một khu chung cư. Trong điều kiện bình thường, chỉ biết hàng xóm thân cận tối tối về karaoke, khó chịu chốc lát buổi tối mãi rồi quen. 

Vấn đề là giờ hàng xóm cũng giãn cách ở nhà như mình, thời gian ca hát là vô biên.

Mà giờ này, đố ai đủ điên và đủ điều kiện tính chuyển chuyển nhà đâu.

chính trị, tình dục và tôn giáo... đủ cả
(2)

Tôi không tham gia các mạng nhện xã hội nên tin tức đồn đại gì ngoài kia chẳng biết. 

Tìm nghe radio qua mạng nhện, chập chờn nên mau bỏ.

Còn lại đến giờ cơm tối chăm chỉ nghe thời sự quan phương, cũng là qua mạng nhện.

Với nhà đài trung ương, chập chờn không đến nỗi, nhưng có điều là xem thời sự cột bên này, cột bên kia muốn hay không cứ đập vào mắt đủ kiểu nhảm ý kiến của công chúng - nhân dân.

Có vẻ như đồng chí nhân dân nào nói câu nhạy cảm sẽ bị xoá bình luận sạch sẽ tức thì. Còn lại chủ yếu là các biểu tượng mà phần lớn tôi không hiểu nghĩa, là mấy công thức "cố lên". 

Giữa các dòng "bình luận", tôi thấy một sự lặp lại liên tục. Tôi nhìn. Có chút ngờ ngợ. Rồi buột miệng, hình như cái này là quảng cáo cho gái gọi. Rồi tôi lại lục lọi trí nhớ, ở đâu đó tôi đọc được các công thức - tín hiệu trên mạng nhện, cái nào cho "gái", cái nào cho [cờ] "bạc", cái nào cho "thuốc". Nghĩ mãi mà không ra.

Được hồi, cả TL và tôi, đang ở giữa bữa tối, cười phá lên. Có anh hay chị kia hỏi, "... là gái gọi à" (?)

Phía cột to bên này, nhà đài sau màn hừng hực lời "hiệu triệu" phiên bản thời covid đang say sưa không khí lạc quan diệt giặc [covid] và chích ngừa toàn dân.

(3)

Không ra khỏi nhà căn hộ, TL và tôi thi thoảng lại mở hé cánh cửa nhà để kiếm chút lưu khí và cũng là để nghe rõ hơn tiếng chân người qua lại, cùng tiếng hò hét của hai đứa trẻ nhà hàng xóm chênh chếch đối diện.

Ở tầng lầu này vốn ít người đi lại nên âm thanh của bước chân người cũng theo vậy mà hiếm hoi. Còn hai đứa trẻ đặc biệt kia, có lúc chúng bát nháo loạn xà ngầu, có lúc chúng lại im lặng đến lạ.

Giữa các màn trình diễn âm thanh đó, chúng tôi có niềm vui hơi mang màu sắc tâm thần chút là thưởng thức và cùng nhau đoán định các tầng hương bếp núc. Đây là món gì (?) Mùi này là từ hướng [căn hộ] nào (?)

Xem ra tầng lầu này bà con nấu ăn rất chi là theo phong cách dân gian dân dã. Chúng tôi ngửi và đoán ra kha khá mùi vị của rau ngót luộc, cá kho măng. Còn sáng nay mới đầu ngày đã ồn ào củ cải kho cạn đáy nồi và bắt đầu ra tín hiệu cháy rồi cháy rồi.

(4)

Có chị người quen, sáng nào cũng nhắn một cái tin chào mừng ngày mới.

TL hôm đầu nhận được thấy hay hay. Ngày thứ hai, ngày thứ ba rồi đến ngày thứ sáu của kỳ giãn cách thì phát rồ.

Tôi bảo, có chặn được không. Bỏ ngoài tầm mắt thì coi như là hết chuyện để bực.

Xong rồi, tôi còn định nói, thế thì sáng nào cũng có thể chăm chỉ hồi đáp một cái tin nhắn chào ngày mới đi.

Ờ nhưng mà đây không phải là phong cách của cô em nhà mình.

(5)

TL gọi điện thoại hỏi thăm bạn nhỏ TA ở Nha Trang.

Chúng tôi nghe tiếng nói tiếng cười của ba mẹ con, tình hình vậy coi là vẫn ổn.

Bà mẹ trẻ kể chuyện bọn trẻ con trong thời kỳ giãn cách phát hiện sao đường lại to thế. Chúng chơi vui vẻ được mấy hôm rồi giờ bắt đầu chuyển sang trạng thái gầm ghè chực "uýnh" nhau. Tôi nhớ là nhà TA ở Nha Trang cũng tính là rộng rãi, không hiểu nếu hai người lớn và hai đứa nhóc sống trong một cái hộp bé tý xú thì căng thẳng sẽ lớn đến mức nào

Hai chị em bạn gái cười khơ khơ tính chuyện đi du lịch ở thì tương lai, từ Ấn Độ qua Trung Quốc.

Cuộc trò chuyện này ai không rõ nghe tưởng hai đứa dư lạc quan. 

Còn tôi, chẳng rõ có phải do cái phần tâm thần cố hữu trong tôi nó lên tiếng hay không, tôi thấy cuộc trò chuyện này giống như một trò tự lừa phỉnh bản thân, tự an ủi mình trong thời đại dịch!

gạch lỗ và tấm ván bỏ đi: câu chuyện về một cái kệ

(1)

TL nhìn "công trình" của tôi rồi [bĩu môi] chê bôi, nhà có bao đồ gỗ đẹp sao không bày ra mà khổ sở thế này.

Còn tôi, tác giả của cái kệ mới thì hoan hoan hỉ hỉ, thế mới hay.

(2)

Cho chuyến xe chuyển đồ cuối cùng lên nhà căn hộ, tôi rủ rê được con bé bán hoa quả nhờ trước cửa nhà Hà Nội cùng bao bọc từng viên gạch rồi xếp vô bao tải chờ được chuyển nhà.

Mọi người thấy cảnh này ngạc nhiên lắm, hỏi tại sao. Tôi cười hi hi ha ha, tưởng tượng thế này nhá, đột nhiên cần một viên gạch để kê cái gì đó, cứ thử ra điểm bán vật liệu xây dựng mà xem, chưa kết thúc câu hỏi thăm đã bị người ta cầm lá chuối lót tay tống khứ ra đường rồi.

Thế nên mình có gạch thì cố mà giữ. Phòng lúc cần tới rờ tay có liền bên cạnh à.

(3)

Lúc đến xem căn hộ, một trong những mặc cả đầu tiên của lão Tiên sinh với chủ nhà là mày phải cho tao dỡ bỏ cái giá gỗ ép này đi.

Chủ nhà tiếc lắm nhưng vì gặp ông khách sộp nên cuối cùng cái gì cũng gật ráo. 

Cái giá được dỡ vào phút cuối, lúc đó thợ thuyền chẳng có ai để chuyển đi, tôi tặc lưỡi, thôi thì xếp đống ra hiên.

Tôi tính đồng nát gặp bạn đời là một tay hoarder thượng hạng, thế là có hai kẻ gật gù, với chỗ ván này mình sẽ làm cái này cái nọ.

Vấn đề là vì covid, cuộc sống của chúng tôi chẳng có kế hoạch nào, hoặc nếu có thì hỏng toe hỏng toét. Tôi ở một mình nhà căn hộ, đi ra đi vô nhìn đống ván, rồi lại nhìn đống dụng cụ đồ nghề của ông lão - những món đồ tôi không dám chạm tay vào vì sợ tự mình cắt xẻo da thịt mình, nhìn mãi rồi cũng hết sạch sức lực để ngao ngán.

(4)

Lai rai ốm từ hôm thứ Sáu tuần trước do dính nước mưa, tôi đi ra đi vô trong nhà căn hộ, việc nghiêm túc muốn làm thì chẳng có sức, việc vui tay vui chân là khâu vá thì mắt tèm nhèm, thế là bắt đầu tính toán, làm cái việc thủ công gì không phải tinh mắt mà cũng chẳng nặng tay nặng chân.

Nhìn gạch, nhìn gỗ, ô-kê-la, mình đây làm cái kệ rồi bày đặt chút sắc xanh.

(5)

Và nó đây rồi, tạm thời một góc tường cạnh cửa ra vào vui vui con mắt!

Trong khi bao nhiêu kệ gỗ, tủ gỗ đàng hoàng lại bị bỏ xó ở tầng trên không người ở :-)))

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

cá chạch chấu

Hôm đầu tháng, nhân có xe từ Bắc Ninh ra chở đồ, chúng tôi được tiếp tế chút thực phẩm trong đó có túi cá chạch chấu đã được Mẹ sơ chế và cấp đông.

Cuối tuần trước [nữa], TL quyết định nấu cơm tối "tử tế" đúng điệu cơm nhà, ngay từ đầu sáng đã dỡ cá để từ từ giã đông. Khách đến chơi nhà được giao nhiệm vụ phụ trách tiết mục chiên/rán cá kèm lời "đe doạ", mày làm hỏng món cá đồng nghĩa với làm hỏng cả bữa tối ngon.

Cá rán phần đuôi giòn rụm, tôi nhai rau ráu, vây đuôi cứ thế tôi xơi tuốt mà không cảm thấy chút phiền nào. Thịt cá ngọt, mềm, mọng mà lại đảm bảo độ chắc, độ dẻo, độ dai. Món nhắc nhớ các bạn lươn mà lại không bị "tanh". Vốn là phần thức ăn kèm cơm, mấy chị em chẳng ai bảo ai im im xơi vã cá trước khi thực sự ăn cơm. 

Tôi hỏi cô em khách bất đắc dĩ bị giao nhiệm vụ rán/chiên cá, mày làm thế nào mà giòn vậy. Hỏi vậy vì ấn tượng của tôi về cái sự rán/chiên cá luôn luôn là hai chữ "nhọc nhằn". Nhà không chuộng kiểu nấu chiên ngập [dầu], rán/chiên cá luôn rón rén khiêm tốn phần dầu mỡ nên cá thành phẩm không khéo là nát, rách như chơi. Đằng này, cá khúc nào khúc nấy chắc nguyên dạng, giòn thơm phần da và vây mềm, thịt lại mọng mị ngọt mềm. 

Cô đầu bếp giải thích, quan trọng nhất là lửa lớn. Và kiên nhẫn chằm chằm theo dõi cái chảo rán!

Tôi nghe vậy thì khâm phục lắm lắm. Tối muộn rửa bát, dọn bếp, nhìn chảo chiên/rán cá mà tôi ngỡ ngàng. Chỗ dầu mỡ đó đủ cho TL và tôi dùng trong ít nhất là nửa tháng đi :-)))

vườn hiên nhà căn hộ

gừng và ớt
Đây thực sự là một sự phóng đại, nhưng trong quãng thời gian điên rồ này, và với tính điên cố hữu có trong tôi, thì gọi  là gì mà chẳng được. Vậy, cứ vườn hiên căn hộ đi :-)

Sáu hộp nhỏ trồng rau gia vị, năm kiên cường trụ vững, còn tía tô tưởng là khoẻ nhất hoá thành rụng tóc hói mỗi ngày, giờ chỉ còn chỉn chu một đầu ngọn nhỏ.

Các cọng răm hứa hẹn cho chậu rau gia vị hoành tráng cuối cùng đã bỏ cuộc chơi, rủ nhau cùng lìa đời.

Chậu hẹ hững hờ nguyên trạng. Lá lốt xem ra cũng vậy.

Cây rau chua được tôi chuyển lên tầng trên, nơi trong ngày tôi chỉ thò mặt lên ngó một đôi lần. Mỗi lần nhìn nó, chẳng biết nên có cảm giác gì, ngao ngán hay thờ ơ kiểu đã thế tao kệ mày sống chết mặc bay.

Gừng cũ khô cằn, có chút tưng tửng, có chút kiêu ngạo, kiểu không cho nước ông đây vẫn sống tốt.

Đám mẩu gừng mới được vùi vào đất đã cho kha khá mầm xanh khoẻ khoắn. Cả hạt ớt rơi vãi cũng cho kha khá mầm, nhìn rất vui con mắt.

Lần cuối qua dọn nhà, S đã chuyển cây trúc Nhật từ chậu nhỏ chật hẹp sang chậu lớn thênh thang, đồng thời cũng tranh thủ tỉa tót cho cây trong nhà mới. Có vẻ mọi chuyện ổn với bạn cây suýt bị tôi bỏ mặc ở vườn nhà Hà Nội này.

Cây lựu đã kiên cường nhiều ngày trong nhà Hà Nội bị bỏ trống, giờ lên hiên nhà căn hộ đón nắng thì xem ra chạm ngưỡng của mệt mỏi, khiến tôi có chút lo. 

Mỗi sáng tỉnh giấc, tôi có hành động nhỏ mang tính nghi lễ là ra ngó một cái vườn hiên nhà mình. Mọi thứ dường như ngưng trệ. Riêng đám cây, mau hay chậm lớn, rụng lá hay vươn mầm, ít nhất thì chúng cho tôi một chút cảm giác về sự chuyển động. Thật tốt là vậy!

trúc Nhật bình thản sống
bất luận ở đâu, như thế nào

hơi tâm thần,
cứ nhìn cành lựu tôi lại nghĩ tới tiết xuân

miếng chặn cửa

đường khâu cuối cùng :-)
Rui, mè, vì kèo, đòn tay... tá lả từ ngữ liên quan đến cái khung mái nhà truyền thống tôi coi như là zero biết.

Nhiều năm trước, trong làng có nhà nào đó đập cũ xây mới. Ông cụ già lọ mọ xin về một mớ lớn các miếng gỗ dỡ ra từ khung mái nhà. Tôi thấy mấy món hay hay thì xin về Hà Nội. Cái được sơn rồi làm thành giá đỡ mũ vải. Lại có cái lăn lóc hết từ góc nhà này sang xó nhà khác.

Lúc bắt đầu chuyển vào nhà căn hộ, tôi xách một miếng gỗ từ nhà Hà Nội lên trên tầng cao để làm cái chặn cửa. Chưa ở quen nhà mới thì có việc phải rời Hà Nội, kế hoạch đôi tuần hoá thành hơn mười hai tháng. Quay lại nhà căn hộ, tôi từ từ tập làm quen lại từ đầu không gian sống mới. Chỉ lúc đó mới phát hiện miếng gỗ trần như nhộng giữ làm cái chặn cửa không ổn chút nào.

Lý do là sàn gỗ vốn cũ trở nên siêu nhạy cảm. Vô ý vô tứ di cái chặn thì sau đó mặt sàn ở lối ra vào chẳng khác gì mặt thớt mủn vừa được dùng băm thịt. Tôi dùng tạm miếng nylon dày bao gói, nhưng xem ra vẫn là không ổn.

Hôm nay thong thả có đứa dở hơi tìm được mẩu dây thép, đoạn đường ống nước nhựa trong và hai cái đinh nhỏ. Thêm cây búa đồ nghề, gõ vài nhát, mím môi mím lợi ghè mấy cái, thế là được hình hài cái chặn cửa có tay cầm, vừa đủ để hết lý do lười rê rê cái chân đẩy nó. 

Lại tỉ mẩn dán thêm hai tầng miếng dạ lót phần đáy, đủ đảm bảo trong trường hợp lười dùng chân điều khiển thì tuyệt đối không tạo lực ma sát tổn hại nhan sắc bạn mặt sàn. 

TL nhìn bảo được, rồi lui cui bới bới móc móc giỏ đồ vải, lôi ra miếng ghép nhỏ bảo nên trang trí cho vui mắt.

Kết quả cuối ngày là hoàn hảo cửa nhà căn hộ có cái chặn gọn gàng, tiện lợi. Chỉ tội nghiệp phần mặt sàn nhà ở lối ra vào, sau bao hồi dọn chuyển đồ cùng chủ quan ẩu tả của tôi trong việc dùng đồ vật chặn cửa, bạn ý giờ chi chi các vết xước khó lành.

Đôi ba tuần trước, H. qua nhà căn hộ giúp mấy việc cần tay đàn ông đàn ang, nó khinh khỉnh nhìn cửa vào nhà và cửa hiên được chặn tạm bợ bởi cái này cái kia rồi bảo, lần sau em mua cho mấy cái chặn chuyên dụng. Giờ xem ra tôi không phải nghĩ đến món chuyên nghiệp kia nữa rồi.

miếng gỗ bỏ đi, giờ tha hồ lợi hại nhá :-)))

thẻ vào chợ

về chợ tiểu khu quen thuộc thì không dám
vì sợ dính chưởng "tại sao đi chợ xa vậy"
còn Chợ Bưởi gần nhà căn hộ thì phiếu đâu?
(1)

Chiều nay tôi nhắn tin hỏi Chị MA xem kế hoạch đi chợ của bà chị đã thực hiện ra sao.

Chị nhắn tin lại, không vào được Chợ Bưởi vì không có phiếu, sau đành phải mua linh tinh ở chợ cóc giữa hai đường Hoàng Hoa Thám và Thuỵ Khuê. 

Hôm qua tôi ngắm kỹ mấy ô phiếu vào chợ đó mà tới giờ vẫn cứ có chút mơ hồ. Phiếu vào chợ Bưởi chỉ phát cho người phường Bưởi thuộc quận Tây Hồ?

(2)

Cho tới giờ, hóng hớt tin thời sự quan phương thì tôi tóm được ý là ông thủ lĩnh lý luận tối cao của đô thành khẳng định việc phát phiếu đi chợ đang triển khai ở [quận] Tây Hồ là cần thiết... và ông này đã giao ngành công thương [Hà Nội] nghiên cứu ban hành một mẫu phiếu thống nhất áp dụng chung trên toàn thành phố.

Tôi nghe tin này, có chút hãi với mấy từ "giao", "nghiên cứu" và "thống nhất".

Chưa biết từ giao đến nghiên cứu ra thống nhất thế nào, hết ngày thứ Tư, chúng tôi chưa thấy tăm hơi đâu cái phiếu đi chợ, bất chấp mở ti-vi thấy oang oang Hà Nội áp dụng chế độ phiếu đi chợ toàn thành phố, nghe cứ như đúng rồi, thành hiện thực trăm phần trăm rồi.

(3)

TL và tôi sợ rúm ró ngồi im trong nhà căn hộ, chẳng rõ ngoài đường kia đi lại chợ búa thế nào. Nghe thông tin phiếu đi chợ, thoạt tiên tôi thấy hợp lý. 

Nhưng rồi con giời nghĩ chuyện Chị MA thì lại có xíu băn khoăn. Lời từ miệng ông cán bộ to đến nhịp sinh hoạt thường nhật của dân đen, khoảng cách gần xa thế nào thật khó nói.

Phước đức cho Hà Nội là đến giờ này không có ông kễnh nào bảo băng vệ sinh cùng bỉm tã không phải là mặt hàng thiết yếu. Lãnh đạo ra chỉ thị áp dụng rộng rãi mô hình phát phiếu đi chợ, đi siêu thị có làm nhân dân chật vật chút đường thu xếp để thích ứng nhưng là điều đúng đắn, chẳng có lý do gì để bà con nhệch mồm ra chửi.

Nhưng ông tính làm đồng phục cho tờ giấy đi chợ thì mong ông nói lời xong nhớ quán lời, quản lời. Kẻo không khéo đến lúc chờ thuộc cấp của ông ra được một mẫu giấy có hình thức tốt thì bụng dạ một bộ phận nhân dân kêu bùng bục chực bung ha.

đi chợ thời giãn cách: gạo, nước giặt và giấy vệ sinh

thiên hạ khuân cả thùng, nhà cháu nhõn hai gói
Chuyện này rất chi là hài!

(1)

Tối qua, rất muộn, Chị MA nhắn tin than phiền bà con có phiếu đi chợ mà nhà mình [nhà Chị] không nhận được, giờ biết làm sao khi kế hoạch là ngày mai [tức hôm nay] phải đi chợ rồi. Tôi nhìn đi nhìn lại ảnh chụp cái phiếu đi chợ, ơ kìa, của phường hàng xóm chứ đâu phường nhà mình. 

Tin nhắn đi nhắn lại, thông tin hoá ra thật mơ hồ. Túm lại là chính bà chị cũng chẳng rõ phường nhà ta đã áp dụng chế độ phiếu đi chợ này chưa. Thêm nữa, con giời hỏi đi hỏi lại thì té ngửa là bà chị sống ở toà nhà có đến trên dưới chục năm mà mặt mũi cán bộ tổ dân phố ra sao không biết, mà không biết thì hỏi sao được chuyện cái phiếu đi chợ đây.

Trước khi kết thúc cuộc trao đổi tin nhắn, tôi xui bà chị, mai hỏi cô ở phòng quản lý toà nhà, kiểu gì cũng ra thông tin. Sau đó chính tôi lọ mọ đi tìm thông tin trên mạng nhện, phường này phường nọ ở Hà Nội phát phiếu, nào là phiếu đi chợ, nào là phiếu ra đường nhưng tuyệt không thấy tên cái phường có toà nhà trong đó có căn hộ tôi đang sống. 

(2)

TL và tôi có chút lo lắng về hai món thực phẩm, rau củ quả tươi và gạo.

Hoa quả tươi thôi thì bỏ. Giờ này ai mà ưỡn ẹo em đây ép cải kale kèm táo xanh, cà rốt phải đủ này đủ nọ chi chi. Rau gia vị nhớ và thèm ráng chịu. Nhưng rau xanh mà thiếu, quả có chút phiền.

Thêm nữa là gạo. Bình thường cả tháng hai chị em chẳng dùng hết túi 2 cân mua lẻ ở tiệm gạo trong tiểu khu. Nhưng giờ ai cũng ở nhà, lại cố gắng nấu cơm [nhà] ăn cho nó tử tế đặng giữ sức khoẻ trong mùa dịch, thế thì tốn gạo tốn cơm rồi còn gì. Bữa trước tôi mua bịch gạo 3 ký, còn khanh khách cười đùa với TL thế này có mà ăn bét nhè. Nhưng giờ giãn cách được non nửa tuần thì đã lo hết gạo.

(3)

Vừa rồi, tôi quyết định "xông pha" chui vào thang máy xuống siêu thị dưới tầng trệt của toà nhà. 

Có đo thân nhiệt, có khai báo thông tin khách hàng, coi như đủ lệ bộ.

Cái siêu thị nói là trống rỗng thì không đúng. Nhưng đúng là nó tơi tả, nó thê thảm nghèo, nghèo hàng hoá.

Ơ thế nhưng mà lại có điều bất ngờ. Không ngồn ngộn nhưng xem ra hoa quả vẫn có, cho dù táo là táo nhập khẩu, cam là cam héo, chuối là chuối nẫu. Không chất đống nhưng rau vẫn phong phú này, đôi ba túi muống, một túi dền, chục cái bắp cải, một khay bự củ cải trắng, rồi hành tây giấu mình ở một góc khuất cũng đủ lập một tiểu đội.

Rồi lạ nữa là thịt vẫn còn chục khay, bò lợn đủ cả, lại có cả khay gan heo mà tôi sém chút thò tay ra nhặt cho vô giỏ.

(4)

Tôi đứng im một lúc, phi thường nghiêm túc suy nghĩ tại sao mình ở đây.

Từ ý tưởng rất dở hơi là mò mẫm thăm dò [xem siêu thị có mở không], giờ tôi đi chợ này!

Lẩm bẩm tính toán, nhà hết dấm gạo, tôi nhặt được hai gói hủ tiếu ăn liền cùng một gói bột nếp. Lại nhớ mang máng nước giặt hình như sắp hết, rồi tự nhủ giấy vệ sinh cứ nên thủ thân, thế là ngoài kế hoạch giỏ đi chợ có hai bạn này.

Thêm chút này thêm chút nọ, giỏ đồ đặt lên bàn quầy thanh toán nặng trĩu. 

Xong xuôi một màn trả tiền, khách hàng được phát tờ giấy kèm lời căn dặn ân cần, nhớ quét mã QR ngay trong ngày kẻo ngày mai không còn giá trị. 

Rời siêu thị, tôi nhìn qua tấm kính lớn của toà nhà, nhận thấy cổng vào đã bị chặn, một anh đưa nước thùng La Vie đang vung tay giải thích gì đó với ông bảo vệ toà nhà. 

(5)

Về nhà thong thả dỡ đồ xong, tôi ngó tờ giấy. Giời ạ, quảng cáo bán bảo hiểm mùa dịch. 

Rồi tôi ớ người, ơ kìa thế còn bạn dấm gạo?

khám phá những nhãn hàng mới tinh

rau siêu thị - giờ cái gì cũng quý

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

hà nội có bao trong trẻo

thành phố ngày giãn cách thứ 4
(1)

Tôi nhìn qua cửa sổ, ngạc nhiên. 

Gọi TL ra ngó, cô em chẳng có vẻ gì hào hứng quan tâm, tưng tửng bảo đương nhiên.

Ấy tại sao lạ vậy?

Thì giãn cách còn mấy ai ngoài đường. Không khói xe ô nhiễm, thành phố sáng, trời trong xanh là đương nhiên rồi còn gì.

(2)

Những ngày này, không rõ tôi thần hồn nát thần tính thì thành ra nghĩ vậy hay sự thực là vậy. Từ nhà căn hộ trên cao trong ngày tôi, chúng tôi nghe thấy không ít lượt còi xe cứu thương. 

Quay lại nhìn bầu trời cao và xanh ngoài kia, tôi bối rối không biết nó biểu thị cho một điều tốt hay xấu nữa!

(3)

Tối nói chuyện với lão Tiên sinh. Trước khi cúp máy, tôi bảo sẽ gửi ông cái ảnh Hà Nội đặc biệt rõ nét ngày hôm nay.

Lát sao ông lão hẳn đã nhận và xem ảnh, nhắn tin lại ý bảo ảnh này không thật.

thành phố quen mắt

khay bánh nướng không tên

bánh nướng không tên
Tôi tiếp tục nỗ lực "giải quyết" sao cho hết túi phô-mai Emmental bào sợi cũng như các túi bột lẻ được chuyển nhà từ bếp nhà Hà Nội lên bếp căn hộ.

Mấy bạn quiche hay tarte mặn có nhân thường là ma mị ngậy dậy thơm bơ sữa. Bánh nhà làm bất quy tắc, vỏ bánh hẳn do tác động của bột gạo và tinh bột bắp cho độ giòn lạ, còn nhân dù có kha khá phô-mai cùng dầu olive quét trên mặt lá bột thì vẫn cứ là vị hao hao gầy. 

Nhưng nói gì thì nói, tôi thích vậy! Vốn dĩ mấy năm gần đây tôi càng ngày càng trở nên nhạy cảm với các sản phẩm bơ sữa, mười lần ăn món Mễ và/hay pizza thì cả mười lần đều có chút phản ứng bài trừ sau đó. Mà hay là nướng bánh nghèo đường dầu mỡ thế này, chén xong miếng bánh bự, cái dạ [của] tôi dứt khoát không mảy may bày ra một thái độ.

- Vỏ bánh: bột mỳ + bột gạo [tẻ] + tinh bột bắp trộn theo tỷ lệ (áng chừng) lần lượt là 3 + 1 + 1; ủ với men organic và để bột nghỉ, nở trong tủ mát ít nhất nửa ngày; vỏ bánh cán hai lá, một lá lớn lót khuôn, một lá nhỏ phủ phía trên, lá bánh cán xong rồi thì nhớ phết kha khá dầu olive
- Nhân bánh: hành tây thái hạt lựu + bacon thái hạt lựu + trứng đánh sơ
- Đặt lá bánh lớn vô khuôn, lần lượt rắc nhân hành tây, bacon thành mấy lớp kế tiếp nhau, rưới trứng đã đánh sơ lên, rắc thật nhiều tiêu xay rối, nhẹ tay phủ lá bánh nhỏ lên mặt rồi viền mép hai phần lá bánh lại
- Quét chút bơ vừa được làm tan chảy lên mặt trên của bánh, lại dùng dĩa nhỏ chọc nhẹ tay mấy cái, nướng bánh ở mức nhiệt 180-200 độ C trong khoảng 40 phút

bột bánh nghỉ qua đêm, mũm mĩm mượt mà

đây nhân bánh nướng không tên

có kẻ ăn tham chốc lát chạy ra lom rom người ngó coi bánh nở

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

bún chả giãn cách & một món rau ghém hoàn cảnh

Sáng Chủ nhật, bạn của TL chạy xe qua toà nhà gửi cho túi thực phẩm là mấy miếng ba rọi. Nghe nói mẹ đẻ nhà đấy chủ quan không đi chợ, mới sau một ngày giãn cách đã bí bách đường thức ăn. Lại thêm ông con trai tuổi đang nhớn nhưng đã tự lập sống một mình cần tiếp tế. Thế là có cảnh túi túi bọc bọc được cô kia chạy xe một vòng thành phố tiếp tế cho người nhà. TL và tôi nhân thế mà hưởng lộc.

TL lấy ra một rẻo thịt, lầm bầm ba chỉ sao nhìn như chỉ có hai. Nhưng rồi lại thêm câu, cô bạn nói đây là thịt tươi và sạch. Thịt được thái miếng dài, ướp với bột gia vị, nước tương và xíu dầu hào cùng hành khô và tỏi bằm bao bọc kỹ, nằm chơi tủ mát qua đêm.

Cho bữa trưa nay, TL chịu trách nhiệm chần bún [khô] và nướng thịt, còn tôi được giao nhiệm vụ làm rau trong hoàn cảnh không thể đi chợ và sáu chậu rau thơm chậm rãi lớn, chưa đủ tuổi thu hoạch. 

Thịt được nướng trong lò, sau cắt miếng rồi áp chảo gốm để trên bếp ở mức nhiệt cực cao để bén, sém dậy thơm. Làm vậy còn có tác dụng quan trọng là làm mềm phần thịt mỡ cũng như tạo độ dẻo cho phần bì. Nước chấm pha chua ngọt dìu dịu, đảm bảo độ đậm thích hợp cho kẻ lỗ mãng có thể dùng chan húp rụp với bún.

Riêng món rau ăn kèm thì rất kỳ. Tôi nói vui với TL, cứ tưởng chỉ làm salad kiểu này trong hoàn cảnh nhà xa chợ Á thời covid ở Mỹ, giờ thì ở ngay Hà Nội cũng vậy à. Tôi hài lòng dựa vào tất cả những gì hiện có trong bếp nhà căn hộ:

- một gốc tư, góc sáu củ hành tây, thái lát thật mịn, cho vào một góc đĩa sâu lòng và rưới dấm vang trắng Maille lên rồi nhẹ tay xóc đều
- một đoạn cần tây - tây được tước vỏ xơ rồi thái lát mỏng, thả ngâm nước đá lạnh
- cà rốt khúc nhỏ thái sợi, sau đó để vào một góc khác của đĩa đang đựng hành tây, trộn đều tay với xíu đường

Hành tây, cà rốt và cần tây được để nghỉ cho ngấm gia vị và/hay đáo lạnh của nước đá trong dăm bảy phút. Trong thời gian đó, chuẩn bị thêm:

- hỗn hợp tỏi và ớt bằm nhuyễn
- nửa trái dưa leo cuối cùng, được nạo cách đoạn lớp vỏ dài rồi bổ đôi thân quả và thái lát chéo
- táo xanh một góc tư, gọt bỏ vỏ rồi thái lát mỏng

Món rau củ quả trộn khác thường dành cho bún chả này được làm rất mau. Vắt nhẹ tay cho cần tây ráo khô nước, đặt vào đĩa sâu lòng có sẵn cà rốt và hành tây, rắc hỗn hợp tỏi và ớt bằm cùng xíu bột gia vị lên rồi xóc một lượt trước khi cho tiếp táo, dưa leo vào rồi trộn đều cùng hành tây, cà rốt.

Phần nước tiết ra từ hành xóc dấm và cà rốt trộn đường có thể nói là không đáng kể, cần tây ngâm nước đá lại đã được vắt ráo trước khi trộn salad. Vì thế lần này tôi không phải mất công vắt phần nước rau củ tiết ra.

Chạy ra hiên kiếm một ngọn húng, rửa sạch, vẩy nhẹ tay, đặt vào giữa cái đĩa đựng rau củ quả trộn cho có xíu sắc xanh. Xong rồi thì là một, hai, ba phó nháy ghi lại các món thành phần làm nên bữa bún chả thời Hà Nội giãn cách chẳng giống ai. 

Và sau đó đương nhiên là đánh chén rồi :-)))

giãn cách không tía tô chẳng kinh giới,
nhà cháu hài lòng với rau ghém hoàn cảnh :-)))

chả miếng dài nướng lò,
chờ cắt rồi nướng lửa hai áp chảo gốm trên bếp

nước chấm pha lạt, tha hồ chan bún lỗ mãng xì xụp

Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

tim heo khìa om và rán áp chảo vị xì dầu

tim heo khìa om và rán áp chảo vị xì dầu
Món TL làm cho bữa tối ngày đầu Hà Nội giãn cách. Món này rất chi là ngoài kế hoạch vì nhân tiện buổi sáng TL gọi điện túm được con bé bán nhờ hoa quả trước cửa nhà Hà Nội nhờ nó mua chút sườn thì loàng quàng thế nào lại nhắc nó nhặt thêm được một quả tim heo.

- Tim heo, bổ đôi, rửa sạch bằng dấm, rồi chần trong nước sôi khoảng 7 phút, rửa sạch và lau ráo.
- Khìa mặt và ướp với tỏi bằm cùng xì dầu, thời gian ướp ít nhất là 6 giờ, hơn càng ngấm.

Món này được nấu hai lửa, từ om - braise qua rán áp chảo:

- Chảo lớn sâu lòng làm nóng, đặt tim heo vô, lại trút phần xì dầu ướp lúc trước cùng xíu nước tráng hộp ướp vô, đậy vung om ỏm trong khoảng 20 phút ở lửa thật nhỏ
- Chảo mới phi dậy thơm gừng tỏi, gạt các bạn ý sang một bên mép chảo hay bỏ ra ngoài rồi áp chảo tim heo mau mau ở lửa lớn, khéo sao cho sem sém hai mặt 

Chờ món nguội, thái lát đều, còn dày mỏng là tuỳ sở ý mỗi người. Có đĩa chấm cạnh, có thể là bột gia vị vắt nước cốt chanh với chút ớt cay và tiêu xay, hoặc có khi là nước tương điểm ớt cùng tiêu. Nhà chẳng có rau sống ăn kèm nên tôi không có mấy hứng thú ăn vã chơi chơi. Tim heo khìa vị xì dầu nấu hai lửa này cứ vậy mà thật thà giữ vai thức mặn trên mâm cơm, bên cạnh bạn tốt là bát canh cải xanh.

Món này TL học từ Em H., là bạn cùng nhà trong thời gian học ở Úc. Bạn nhỏ đến từ Sóc Trăng, có Bà Nội là người Tiều, món này được giới thiệu là món của Bà Nội. 

Em H. kể cho TL về xì dầu ngon của người Tiều, không rõ làm tại chỗ hay mua từ Sài Gòn. TL và tôi qua Sóc Trăng chơi, đã kịp đến tiệm vằn thắn ngon của người Tiều ở Sóc Trăng, nhưng nước tương thì chưa có cơ hội nếm. 

Món tim heo khìa om rồi áp chảo rán này rất hay được TL nhắc tới, lần nào cũng là với câu kết luận, dứt khoát bữa nào em sẽ làm cho ăn. Cái gọi là lúc nào ấy, cho tới hôm rồi mới là lần thứ hai. Mà thời gian TL học ở Úc thì tính ra đã mười mấy năm rồi :-)))

Ghi thêm: nếu thích có thể ướp thêm bột ngũ vị hương. Nhưng món Tiều chân chính từ Bà Nội của Em H. chỉ có tỏi và xì dầu!

Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

bánh nướng giòn ba lớp bacon và emmental bào sợi

bánh nướng giòn ba lớp
với bacon và Emmental bào sợi
(1)

Tôi dùng nước ấm pha men nở, cho nước men nghỉ ngơi mấy phút thì nhào bột. Bột được nhào là một hỗn hợp với phần chính là bột mỳ, thêm tinh bột bắp cùng bột gạo [tẻ] tỷ lệ xàm xàm. Thêm xíu đường, xíu muối, xíu dầu olive và dầu hạnh nhân. TL nhăn mũi kêu mùi bột ghê thế. Tôi cười hi hi, đấy là do men organic, chứ men thường thì đâu chua thế này.

Tại sao có almond oil? Đơn giản là tôi thấy chai dầu trước mặt thì nghịch lấy xíu chơi. Tỷ lệ bột và nước cũng như men nở thế nào? Câu trả lời của tôi là làm theo cảm giác. Nói tôi ẩu tả cũng được. Còn không, lý do mạnh nhất của tôi là, món bánh tôi định làm vào thời điểm chuẩn bị bột bánh thậm chí là gì tôi còn chẳng rõ, làm bột thì cứ làm thôi. Theo cảm giác :-)

Bột sau gần 4 giờ đồng hồ được ủ thì được lấy một phần làm bánh. Tôi chung thuỷ theo cảm hứng món bánh hành của người Hoa, dàn, cuốn, cuộn, cán tuần tự không biết bao lần.

(2)

- Bột được vắt thành các phần nhỏ bằng nhau. Mỗi phần được cán thành các lá bánh mỏng cỡ tương tự nhau.
- Nhân bánh có phô-mai Emmental bào sợi, bacon thái miếng nhỏ thành lát mỏng, tiêu đen xay rối. Trong đó tiêu là gia vị đi kèm phô-mai và bacon, còn bản thân hai bạn cuối cùng đứng độc lập ta với mình chứ không được trộn với nhau như trong nhiều công thức bánh nướng bacon vị phô-mai.

Tạo hình bánh rất đơn giản: Rải một lá bánh, phết chút dầu olive và rắc phô-mai bào lên. Xếp đè lên đó một lá bánh mới rồi rắc các vụn bacon, thêm xíu tiêu nữa. Rồi lại một lá bánh phủ lên, rắc một lượt phô-mai. Thêm lá bánh thứ tư phủ  lên. Dùng tay miết và viền các mép lá bánh. Quét dầu olive phủ ngoài. 

Bánh đó nướng ở nhiệt khoảng 200 độ C trong hơn 20 phút với chế độ nhiệt toả cả hai chiều trên và dưới. 

(3)

Bánh ra lò, đợi nguội chút là có thể đánh chén. Lá bột mỏng, giòn rụm trong miệng. Nhân ba rọi xông khói mềm, beo béo. Ngậy và mượt lại là phô-mai lúc này đã tan chảy. Bánh có vị thơm của dầu olive và thoảng cay của các vụn tiêu xay rối. 

Làm không theo công thức chuẩn nào nhưng với tôi thế là ổn. Hai điều tôi thích hơn cả về trò nghịch với thức ăn trong bếp hôm nay là tôi tiếp tục "giải quyết" gói phô-mai sợi bào mua nhầm bữa trước. Và bánh nướng nhà làm không bị béo dầu bơ.

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

smoked sea bass salad - salad cá chẽm xông khói

Cá chẽm fillet xông khói, da thi thoảng vẫn dính vài cái vảy trắng trong cứng ráp, thích để nguyên hay lạng bỏ da là tuỳ ý mỗi người, tất nhiên là sau khi đã bỏ mấy cái vảy đi. Cá cắt miếng kích cỡ cũng là tuỳ ý. Các miếng cá đã cắt được rưới chút dầu olive, thêm xíu hạt tiêu giã rối - bữa nay ăn chơi, tôi dùng White Kampot Pepper vị cay dịu và rất thơm, rất thích.

Không tính olive ngâm quả đen đã bỏ hạt và chút sốt nấm truffle đen, rau củ quả tươi nhà còn gì tôi xài nấy:

- dưa leo giống Nhật
- cà rốt
- cà chua bi
- cải cay rocket
- chanh vàng - lemon

Rau củ quả được chẻ, cắt, thái tuỳ ý, quan trọng là lúc các bạn ý ở cùng nhau thì tạo sự hài hoà chứ không lủng củng anh to em bé. Riêng chanh vàng thái lát thật mỏng. Nhẹ tay trộn các bạn ý với nhau.

Rưới xíu dầu nấm truffle trắng lên rồi trộn nhẹ tay một lượt tất cả các thành phần nguyên liệu.

Chanh vàng ngoài chút the, có người còn thấy gắt dìu dịu, do tác động của tinh dầu trong lớp vỏ có vai trò chủ yếu ở đây là thay dấm balsamic. Bản thân cá và trái olive có vị đậm muối nên trong món salad này không cần thêm chút ỷ mặn bên ngoài nào nữa.

smoked sea bass salad - nghịch với thức ăn

salad cá chẽm xông khói - nháo nhào thực thà :-)

chuyện nhà rừng: vườn nhật bản

Chúng tôi đùa vui, gọi đó là vườn Nhật Bản. Mãi rồi thành quen, nói và nghe định danh này thấy hết sức đương nhiên, dù cái rẻo đất dốc đó chẳng có bất cứ dấu hiệu gì liên quan đến tính chất Nhật Bản cả!

Hôm qua ông chủ nhà đã hoàn thành giai đoạn đầu của việc lát các phiến đá nhỏ cho vườn. Quyết định lát bậc đá này là do ông lão đã mấy lần sém ngã khi trèo lên trèo xuống cái sườn dốc nhỏ.

Tôi nhìn ảnh chụp, cười ha ha ha, coi như đáng cái công bữa trước mua đá ở dưới nhà biển bị người xa lạ "tấn công" vì tội đeo khẩu trang.

Lão Tiên sinh có vẻ rất hài lòng, còn hoan hỉ tính mua và lát thêm một vài phiến nữa. Rồi nữa là trồng thêm hoa bên cạnh lối đi mới này.

Ơ mà, nhìn kỹ thì yếu tố đá mới mẻ này xem ra tạo chút ếp-phê Nhựt-bổn rồi a :-)))

sau

trước

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2021

bàn thuốc phiện và ghế mẫu giáo

(1)

Cái bàn này là của một ông cụ già gốc Phúc Kiến. 

Tôi không rõ ông cụ mất năm nào. Mơ màng biết là sau sự kiện 1979, dù không muốn thì gia đình ông đã phải đi lòng vòng Thượng Hải - Hongkong trước khi những người con của ông cụ định cư ở xứ cờ-hoa.

Riêng nhà con trai út thì ở lại Việt Nam. Vợ goá của ông chú này cho tôi cái bàn.

Khi TL và tôi chưa có đến nửa xu để tính chuyện sưu tầm đồ gỗ Đông Dương, cái bàn này thực lợi hại, ít nhất là với tôi, cho tôi. Tôi ngồi rung đùi trên giường, ôm cái bàn, học bài. 

Hai ba năm trước, khi nhà Hà Nội chật ních đồ gỗ, khi mình tôi có đến hai cái bàn học sĩ gỗ hương, bàn hút thuốc phiện cũ kỹ này hoá thành thừa. Tôi còn đang băn khoăn làm gì với nó thì cửa hàng hỏi xin.

Tôi ki-bo, chỉ cho mượn chứ không cho. Kèm theo lời dặn dò, nhớ giữ gìn cẩn thận nhá, vì cái bàn này có tính lịch sử.

Cửa hàng chuyển đi, bà chủ im im mang luôn đi bàn sắt to, cũng là nhà chúng tôi cho mượn. TL hơi bực mình, không phải vì mất món đồ mà vì không được hỏi ý kiến. Còn tôi thì hốt hoảng, ấy cái bàn đèn của tui. Vội vàng dặn dò cửa hàng, làm gì thì làm, dứt khoát phải để lại cái bàn.

Bàn không được chăm nom, vốn đã cũ kỳ giờ thành xô lệch.

Sáng nay tôi tính chuyện tìm đồ nghề sửa chữa. Nhưng rất mau đã bỏ cuộc. Thứ nhất là đinh nhỏ tôi không có. Thứ hai là nẹp gỗ để đỡ và cố định hai mảnh ván nứt, tôi cũng không sẵn nốt.

(2)

Ghế của bọn nhóc lít nhít ở nhà trẻ hai tầng đầu làng quê Ngoại ở Bắc Ninh.

Ngày đẹp giời, bọn trẻ có ghế mới, bằng nhựa dẻo, xanh đỏ vàng tím sặc sỡ sắc màu.

Bà cụ già thấy bọn ghế cũ bằng gỗ hay hay, nhặt mấy cái từ đống đồ vốn được vứt bỏ. Con về thăm Bố Mẹ, thấy mấy cái ghế thì mắt sáng, xin liền.

Ghế này đã được đánh lại một lớp véc-ni trước khi được chuyển lên nhà căn hộ.

Tôi vô ý trong suốt mấy tuần rồi, dùng cái ghế mà không phát hiện ra các vết xước nhỏ trên mặt sàn gỗ mà bốn cái chân ghế chính là thủ phạm.

Sáng nay, các miếng dạ chuyên dụng đã được gán vào đáy chân ghế. Và giờ tôi có thể thoải mái di chuyển, xê dịch cái ghế nhỏ này.

Tất nhiên là các vết xước trên mặt sàn gỗ thì vẫn luôn ở đó.

(3)

Tôi nghĩ về các món đồ.

Thật kỳ lạ là đôi khi, mất một khoản tiền to thì tôi sẽ thuỗn mặt ra một hồi rồi chuyện mau được quẳng ra sau gáy với công thức tự an ủi kinh điển, của đi thay người.

Nhưng các món đồ, đôi khi rất cũ kỹ, thì tôi thực khó mà bỏ sang bên. 

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

tin đồn và tích cốc phòng cơ: cà muối mắm thính, gừng củ và nước tương

cà muối mắm thính đặc sản Nghệ An
mua về chuyển từ lọ nhựa sang keo thuỷ tinh liền
(1)

Tôi thậm chí chẳng buồn theo dõi tin thời sự của nhà đài trung ương nữa. Các thông báo hiển thị trên màn hình điện thoại về covid ở Việt Nam, kết quả của việc con giời dư ý thức công dân cài đặt bạn Bluezone, đều đặn trong thời gian của ngày đã đủ làm cho cái psy của tôi vặn vẹo méo mó rồi.

Tối qua TL đi làm về kể chuyện thiên hạ đồn thổi này nọ và đồng nghiệp đã bắt đầu cặm cụi tích cốc phòng cơ. Muộn hơn, nhân Chị MA nhắn tin hỏi thăm, tôi gọi lại kể về vụ tin đồn kia rồi trêu bà chị, nhà Chị có tủ đông thì có khi tranh thủ mua thêm đồ cho chắc ăn hì. Nào ngờ, tin này bà chị đã nghe nói rồi. 

Nếu chỉ có thế thì chuyện với tôi mang màu sắc bông lơn nhiều hơn là bồn chồn âu lo. Vấn đề là Chị MA gửi cho cả đống thông báo về tình hình F1 trong toà nhà, kèm theo hai thông tin. Thứ nhất, có F1 được công khai trên bản tin, để nhân dân biết mà giám sát; nhưng cũng có F1 chả thấy quản lý toà nhà hay tổ dân phố nói tới mà chỉ hiện thông tin trên bản tin zalo của quận. Thứ hai, cái nhân vật F1 nửa kín nửa hở ấy theo phản ánh của nhân dân đâu có ngồi im trong nhà mà đi lại tứ tung trong khu. Chị MA bảo, giờ không dám xuống siêu thị nhỏ dưới tầng nữa vì ai mà biết được là nó an toàn hay không.

Tối muộn tôi kể chuyện này cho lão Tiên sinh, ông già lại tiếp tục gào lên, cẩn thận, thận trọng. Ông dặn đi dặn lại hạn chế ra ngoài, che chụp kỹ càng khi vô thang máy. Rồi ông than thở, nhà căn hộ cao quá nên đúng là khó tính chuyện đi cầu thang bộ nhỉ. Tôi đây chỉ có một đoạn cầu thang tầng dưới lên tầng trên đã phì phò như lợn bị chọc tiết, giờ nghe ông đi bộ gần hai chục tầng lầu có mà hết ngày mới mò được xuống đường đâu.

(2)

Ờ mà đúng là tôi sợ! Sợ léng phéng rồi ốm thì khổ mình khổ người!

Rồi tôi lại nghĩ tới cái tin đồn kia. Rồi lại tính toán tình hình lương thực thực phẩm hiện có trong nhà căn hộ.

Cuối cùng, hai chị em trịnh trọng quyết định, mình dứt khoát cũng nên bổ sung vài món.

Và địa chỉ để mua đồ dứt khoát không có cái siêu thị nhỏ dưới tầng trệt toà nhà.

(3)

Nhà không có tủ đông, tủ lạnh thì bé hin hin, nên cái gọi là bổ sung, gọi là tích cốc phòng cơ của chúng tôi xem ra chẳng mấy giống người thiên hạ vốn khuân thịt không phải là cả chục khay thì là tảng bự, gạo không phải bao to thì là bao nhỡ, mỳ tôm cứ tính đơn vị vài thùng.

Cho tới giờ, chúng tôi có, đề phòng một cuộc lốc-cờ-đao, chỉ vỏn vẹn bốn chai nước tương, một lọ cà muối mắm thính đặc sản Nghệ An - vừa mua về được chuyển ngay từ lọ nhựa sang lọ thuỷ tinh, và một mớ gừng có giá đắt gấp đôi gừng mua chợ tiểu khu vì được mang danh việt-gáp.

Tôi hay cười nhạo đám bà con vội vã nhảy tưng tưng vơ vét tích trữ lương thực, thực phẩm. Giờ thì sao? Dù tôi chỉ mua mấy món này, thì cũng là hết sức khẩn trương, và với một tinh thần vun vén tích trữ còn gì nữa a :-)))

tích trữ được hẳn ba củ gừng :-)))

Thứ Ba, 20 tháng 7, 2021

covid, nike và maui jim

Giữa hai chúng tôi, bạn đời thường thở than về khoảng cách hiện thời, còn tôi thì cố lờ nó đi. Vì tôi biết, động tới chuyện này, tôi sẽ rất dễ hoặc là phát rồ, cáu loạn xạ, hoặc không sẽ là chìm đắm trong hố đen psy, thấy đời xám ngoét và có xu hướng tìm dây thừng thắt cổ chân tự tử.

Trong một tình thế kỳ quặc như vậy, câu chuyện hàng ngày của chúng tôi cũng cứ thế mà trở nên khác thường, kỳ quặc. Ông nói gà, bà nói vịt. Lẩn thẩn, tỉ mẩn kể chuyện củ tỉ củ ti, trên giời dưới bể, chuyện mình chuyện người, chuyện gì nhớ là nhắc. 

Tôi vô tâm vô tính, bữa trước nghe loáng thoáng rằng thì là mà ông lão nhà mình lo lắng việc Bruce cùng bạn gái và con trai của bạn gái mắc cúm. Ông thợ rừng đó là một tay cuồng Chăm, cương quyết không chích ngừa, bạn gái và con trai của bạn gái ông cũng vậy. Lão Tiên sinh bảo, mùa này không phải mùa cúm, không khéo nhà này dính covid. Rồi ông lão bắt đầu run, vì lần cuối gặp Bruce, ông ở cạnh ông thợ rừng đến cả nửa giờ đồng hồ, lọ mọ cùng nhau trèo lên đỉnh núi.

Rồi hôm rồi Tiên sinh kể chuyện dính cú lừa của tay nào đó ăn trộm danh tính của bác bạn Greg. Tôi nghe chuyện ông có nguy cơ mất khoản tiền 300 đồng tiền Mỹ thì cười khơ khơ bảo, thứ nhất là đáng đời ông vì ông là người rất cẩn thận, rất căn cơ, rất chi li, khả năng cao là chính vì thế mà lần này ông chủ quan, và có bài học thế thật tốt; thứ hai, ông cứ thử gọi một cú điện thoại chặn đường vận chuyển của món đồ được mua với tín dụng của ông đi. Ơ mà hay, sau một cú điện thoại, ông lão nhà mình không mất tiền, chỉ phải tội là cũng không được hoàn tín dụng mà mang theo một thẻ mua hàng 300 đồng sản phẩm của Nike. Ông phàn nàn, tui nào có cần gì từ Nike cơ chứ. Tôi lại cười khơ khơ, chúc mừng ông!

Hôm nay tôi thấy Tiên sinh mặt mày vui vẻ khác thường. Hoá ra ông lão đã xét nghiệm, không dính covid. Chỉ lúc đó tôi mới giật mình, mình thật vô ý, không nhận ra đầy đủ cái sự lo lắng của bạn đời.

Rồi ông lão trên đà hoan hỉ khoe, giờ tui có đôi kính chống nắng mới, của Maui Jim. Kính này được chọn là theo tư vấn của nhà hàng xóm bên kia đường, đã từng có chuỗi cửa hàng chuyên kính đình đám khắp vùng New England.

Chà, cái ông lão chặt chẽ từng li lai mình biết đâu rồi nhỉ. Hay là sau vụ thần hồn nát thần tính với nhà Bruce và cả cú lừa thiếu chút thành thì lão Tiên sinh đã ngộ ra được là đời rất chi vô thường, mình cứ phải sống sao cho thật sảng khoái, hì :-)

Ở Hà Nội, nếu tôi muốn lập tức có thể thấy cuộc sống ngày thường của mình sao mà tăm tối. Nhưng tôi chẳng dại mà làm vậy vì như thế tôi sẽ chết vì u sầu trước khi có nguy cơ dính phải con virus chết tiệt. 

Vậy là tôi nghĩ chuyện của lão Tiên sinh mấy ngày qua, rồi khúc khích cười, rồi thấy đời vẫn cứ chuyển động :-)))

làm quen lò nướng mới: bánh nướng vị phô-mai

bánh nướng phỏng flat bread - pizza ở District
(1)

Nói lò nướng mới là mới đối với tôi. 

Khi tôi bị kẹt ở Mỹ, TL ở nhà Hà Nội sắm một lò nướng nhỏ chuyên dùng cho mấy món nướng/quay gà và chim. Cô em có vẻ rất khoái chí, trong các cuộc nói chuyện điện thoại hay kể cho tôi chuyện làm món này món nọ với cái lò.

(2)

Hôm rồi, tôi rón rén học cách sử dụng nó. 

Cái lò bé xinh xinh, mức nhiệt cũng thật khiêm tốn, max là 230 độ C. 

Món thử đầu tiên là bánh mỳ cuộn phô-mai để giải quyết chỗ Emmental bào sợi có sẵn trong tủ lạnh. Bột bánh được chuẩn bị từ bột mỳ và tinh bột bắp với hỗ trợ của chút men nở, xíu muối, xíu đường. Sau thời gian ủ, cục bột được vần vò, cán, cuộn rồi lại cán như thể cho món bánh hành trong bếp Hoa.

Bột dàn thành một mặt rộng, phô-mai bào được phóng tay rắc một góc rồi sau đó lá bột được gấp, viền mép và cuộn lại. Nướng bánh gần giờ đồng hồ, thành phẩm ra coi chẳng đẹp nhưng bánh ăn thật vui, giòn vỏ ngoài, mềm mềm dẻo dẻo ngậy ngậy ruột. 

Và hẳn do bột được cán cuộn giống như bột làm bánh hành của người Trung Quốc nên bánh mỳ phô-mai ngẫu hứng này có kha khá lỗ khí, với nhiều tầng xốp.

(3)

Hôm sau, còn cục bột nhỏ, tôi nướng thêm mẻ bánh, lần này là phong cách flat bread - pizza ở tiệm District.

Trên mặt bánh phủ phô-mai cùng chút thịt nạc lấy từ phần xá xíu kiểu Nhật được dần vụn. 

Bánh giòn, na ná bánh nhà District mà tôi vô cùng yêu thích. Và tôi bắt đầu nghĩ, nếu nhân bánh được phi thường nghiêm túc chuẩn bị thì hẳn mình coi như biết làm bánh pizza dẹt cạnh vuông rồi nhể :-)))

Dù thế nào, tôi rất khoái chí cái vụ làm quen với lò nướng mới này :-)))

xấu thê thảm...

nhưng vui cái miệng

làm chơi món nộm rau muống tai heo

nộm rau muống tai heo
(1)

Chuyện này nguyên lai rất hài.

Mẹ mua được phần thịt ngon làm món giò thủ, còn dư chút thì cấp đông cho con mang ra Hà Nội. Tôi chẳng biết gọi chính xác là gì, tai heo, mũi heo, hay thịt má. Đại loại là cái phần thịt có giòn, có béo nhưng không phải béo mềm mà là béo đanh, chuyên dùng cho món giò thủ :-)

TL thấy tôi kho cá basa với măng chua vị hạt dổi, lại nghe tôi giải thích vì không thấy hạt dổi nên đành dùng muối dổi, thì chỉ chỗ cái keo có hạt de và hạt dổi cho tôi biết. Rồi nhân vụ hạt dổi này thì cô em quyết định rã đông túi thịt gà đã chặt miếng sẵn, cũng là quà từ bếp nhà Bắc Ninh, để làm món gà rim vị hạt dổi.

Túi thực phẩm được để xuống tủ mát rã đông. Đến giờ nấu bếp, cô em mới phát hiện mình bé cái nhầm, gà đâu mà gà, tai heo à!

(2)

Chúng tôi nghiêm túc suy nghĩ sẽ làm món gì.

Nhà đang có thính, ờ tại sao không làm món nem tai thính. Nhưng giờ còn đâu cây chanh ngoài vườn nhà Hà Nội để có thể mở cửa phía Bắc và nhảy phắt ra sân bứt vài lá. TL bàn, hay nhân vụ này mình mua luôn cây chanh con. Tôi vừa ngại tốn chỗ hiên nhà căn hộ vừa tiếc tiền, dẹp luôn ý này, ý đợi đến mùa đến vụ Mẹ sẽ chiết cho một cây chanh nhỏ. Thế là bỏ vụ nem tai thính!

Nghĩ tiếp. À đây rồi. Mớ rau muống tôi mua hôm qua định bữa tối luộc ăn kèm món cá basa kho măng vẫn còn nguyên vì TL vác về một bịch bự quà rau láo nháo từ Hà Nam và chúng tôi tranh thủ ăn đay, mồng tơi cùng dền trước. Mình vậy sẽ làm nộm rau muống tai heo!

Nhà có sẵn chanh xanh rồi, trong ngày tôi mua thêm mớ kinh giới và túi ớt hiểm, thế là đủ thong dong cho việc làm bữa tối.

(3)

- Rau muống nhặt bỏ kha khá lá, ưu tiên lấy cuống; sau khi rửa sạch và làm ráo thì chẻ dọc thân thành sợi ba sợi tư. Rau đó trụng nước sôi mau tay rồi vớt ra rá, dùng đũa khều mau cho ráo nước và thật mau thả rau vô chậu nước đá để rau đạt được độ đanh giòn. Ngoài hàng người ta khéo làm rau xanh tươi mơn mởn, rau nhà mình đây lúc vô nồi trụng còn xuân sắc, lúc rời thau nước đá hoá sạm màu. Nhưng độ giòn đanh thì đảm bảo rất ổn :-)
- Thịt tai, má, mũi lợn luộc rồi để nguội, thái lát mỏng mịn (để sau trộn gỏi/nộm dễ ngấm gia vị).
- Chanh xanh - Limca lấy nước cốt hai trái, một nửa dành trộn rau, một nửa dành trộn thịt.
- Tỏi dùng dụng cụ ép nhuyễn
- Ớt cay thái lát mỏng
- Mắm cốt 
- Đường một xíu

Đại loại chuẩn bị vậy. Lúc làm món, trộn món tính ra thật là mau. 

- Thố lớn, rau muống lấy khỏi chậu nước đá và đã được nhẹ tay vắt kiệt nước thả vô. Chuẩn bị hỗn hợp mắm cốt + cốt chanh + tỏi ép nhuyễn + ớt thái lát rồi dùng trộn rau. Để bên khoảng 3-5 phút.
- Thịt luộc thái lát mỏng mịn xong rồi thì được xóc với bột gia vị + bột tỏi và cho nghỉ đôi ba phút. Chuẩn bị hỗn hợp mắm cốt + cốt chanh + tỏi ép nhuyễn + ớt thái lát + đường và trộn với thịt, lại để nghỉ đôi ba phút.
- Sau đó chắt nước tiết ra ở thố trộn rau muống, xắt rối lá kinh giới vô, thả tiếp phần thịt đã ngấm đậm đà vị, nhẹ tay trộn đều một lượt, bày món ra đĩa sẵn sàng cho một món ăn chơi.

(4)

Nhà có lạc viên nhưng chúng tôi lười rang. Lạc rang húng lìu sẵn có nhưng chúng tôi sợ phá vị. Vì thế món nộm rau này không có góp mặt của lạc rang.

Tỏi phi giòn cũng không nốt vì tôi không thực sự cảm thấy đây là nguyên liệu bắt buộc, khi so với vài món salad/gỏi khác.

(5)

Rau muống giòn, đanh, ngấm gia vị, đủ đáo mặn, chua chua, cay cay. Thịt ăn không sợ ngấy hay béo, có giòn giòn, có sần sật, có béo kiểu béo đanh. 

Rau kinh giới hợp với thịt luộc không nói làm gì, hợp với rau muống cũng là điều nhiều người biết. Đến lượt kết hợp nộm/gỏi rau muống tai heo này, thật có thể nói dứt khoát không thể thiếu mấy lá rau gia vị này. Vị kinh giới cay cay hăng hăng đặc trưng càng làm tăng tông vị cho cả các cọng muống lẫn những lát thịt thái mỏng như lưỡi mèo.

Và điều hay ho hơn cả của đĩa rau trộn tối nay đối với tôi là, bỏ qua vụ mua kinh giới cùng ớt, tôi tiếp tục phép thực hành bếp giản dị, có gì mình xài nấy, luyện tập không ỷ lại vào các món phải mua ngoài, mua thêm.

Nói vậy không có nghĩa là tôi chủ trương làm khổ bản thân. Món gì cần nghiêm cẩn đường phối nguyên liệu thì vẫn cứ là phải tuân thủ. Nhưng trong bếp nấu ngày thường, nhất là cái thời cô-vít cô-veo này thì bỏ đi được mấy phần cầu kỳ và rườm rà thực là tốt đi.