Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

một tuần giãn cách

(1)

Chuyện của tuần trước. Sáng thứ Sáu, TL rời nhà căn hộ đi làm. Được chốc lát tôi nhận điện thoại, cô em kêu chị xuống chở em đi làm vì xe không nổ máy được. Sáng đó, tôi dính nước mưa, sau rồi ủ rũ mấy ngày liền. 

Tôi nhớ, Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội toàn thành phố từ 6 giờ sáng thứ Bảy. Tối hôm trước, Chị MA còn nhắn tin, mai cố mà dậy sớm làm một vòng trước giờ đó. TL và tôi ngủ lăn lóc quá nửa sáng, lúc tỉnh dậy bảo nhau, thôi rồi, mình đã bỏ lỡ cơ hội ra ngoài.

TL gọi điện thoại chơi chơi, túm được con bé bán nhờ hoa quả trước cửa nhà Hà Nội, vừa mua quả của nó lại vừa tiện nhờ nó đằng nào cũng mang đồ lên nhà căn hộ cho chúng tôi thì đi chợ tiểu khu một rẻo, mua giúp từ thịt heo qua rau ngải cứu. Sáng đó, tôi cười cợt, giãn cách quái gì mà hàng xôi hàng quả vẫn bán hàng này, đi lại vẫn được này. Sang chiều tôi mới nhận ra, đó là ngày cúng Cụ. Chắc ông chính quyền cũng thả lỏng chút ở đoạn đề-pa à.

Nhưng ngạc nhiên nhá, sáng Chủ nhật, bạn của TL vẫn có thể chạy xe qua đưa cho ít thực phẩm. Tôi hỏi thăm, đường phố đúng là vãn người nhưng đi lại không thấy ai gọi lại tra giấy tờ.

(2)

Chuyện sang tuần mới thì đã khác. 

Tin tức xấu về dịch bệnh dồn dập mỗi ngày. Chị MA chăm chỉ gửi cho tôi cả đống thông tin liên quan đến lệnh này, chỉ thị nọ, thông báo kia, càng đọc tôi càng sợ. 

Trong suốt thời gian của tuần làm việc vừa rồi, chỉ có hai lần tôi mò mẫm xuống siêu thị dưới toà nhà và một lần TL phải chạy ra tận cổng lớn khu chung cư để nhận rau củ quả đặt mua từ nông trại trên Mộc Châu. Còn lại, chúng tôi đúng là ở yên trong phạm vi tầng lầu của mình, thang máy cũng chẳng buồn bén mảng.

(3)

Thế giới bên ngoài đối với chúng tôi biểu đạt qua các cuộc điện thoại gọi về Bắc Ninh, gọi tới hay từ bạn bè, các tin nhắn, các cuộc trò chuyện ngắn của ông iu-tu-bơ có râu đen và bản tin của nhà đài trung ương.

Thế giới đó có nhiều chuyện gây lo lắng cùng sợ hãi, nhiều chuyện buồn [đau], nhưng cũng không thiếu cả những nực cười. 

Đó là một thế giới đã bị "chủ quan hoá", không đầy đủ, nhưng dù thế nào thì tiếp cận nó, nhìn thấy nó, nghe thấy nó, ngẫm nghĩ về nó, vẫn là một điều tốt. Bởi lẽ chúng tôi cảm nhận được rằng mình vẫn còn đang sống.

(4)

Lão Tiên sinh lo lắng cho tình hình ở Hà Nội, ở Việt Nam. 

Ông lão lầu bầu, nếu nhân dân đồng bào của ông không chịu chích ngừa thì tại sao chính phủ của ông không chuyển vắc-xin cho các nước khác, trong đó có Việt Nam. 

Tôi thì cười cười, bình tĩnh đi bạn già. Những sự chênh lệch luôn tồn tại trên thế giới này mà. Thay vì cáu kỉnh, thà rằng chúng ta tiếp tục kiên nhẫn, tiếp tục bấm nút u-mặc trong đầu và cám ơn Ông Giời cho đến giờ vẫn còn cho chúng ta sống trong một hoàn cảnh dù có hạn chế là bao đi nữa thì rốt cuộc vẫn còn là trong giới hạn an toàn. 

(5)

Tôi không muốn kể cho bạn đời chuyện về các chuyến "hồi hương" nội địa, chuyện về một em bé mới có đâu như mươi ngày tuổi đã dấn thân vào hành trình về quê cùng cha mẹ của nó và bất đắc dĩ trở thành "phượt thủ" nhỏ tuổi nhất Việt Nam.

Các mẩu chuyện đời, những đoạn hiện thực tối tăm, chúng luôn ở đó. Truyền thông quan phương lờ tịt đi thì vẫn luôn có những chân thật hình ảnh được lưu chuyển trong thế giới mạng nhện dân gian. 

(7)

Với hai cụ già ở Bắc Ninh, con gái là tôi đây quyết định thay đổi chiến thuật "ngừa covid".

Bình thường, TL và tôi sẽ luôn nhấn mạnh, Bố Mẹ nhớ ở trong nhà, ai đến cũng tạm thời không tiếp xúc, tội vạ đâu cứ đổ cho hai đứa con, rằng thì là mà chúng nó cấm chúng tôi. Nhưng rồi chúng tôi rất mau phát hiện ra chuyện này là không tưởng. Các cháu của Mẹ vẫn cứ ghé qua hỏi thăm hỏi nom, tám chuyện như thường. Hình như tạm ngưng chỉ có những màn ề à của mấy ông lão bạn tử vi lý số của Bố mà thôi. 

Chị họ bán hàng rong ở Sài Gòn, bữa trước tính sớm ngồi máy bay về Hà Nội rồi từ Hà Nội ngồi xe bốn bánh về quê. Rung đùi ngồi nhà được hai hôm thì bị hốt đi cách ly. Cách ly xong về cười hềnh hệch, chẳng sao cả. Mẹ kể, chị họ qua nhà, lăn sả vào giúp bê củi cho hai ông bà già. Giãn cách cái con khỉ, tôi nghĩ thế khi nghe điện thoại. Tất nhiên là tôi chẳng nói gì, sau chỉ ỏn ẻn nói vòng nói vo, chị ý với nhà mình thì không sao, chỉ sợ chị ý đi lung tung gặp nhiều người khác thì hoá thành nguy hiểm, thôi thì mình cũng cứ chủ động để ý giữ khoảng cách và đeo khẩu trang mỗi khi có ai ghé qua.

Tiếp cận kiểu này ở Hà Nội đối với tôi và TL là không thể chấp nhận nổi, nhưng cuộc sống ở làng quê một góc Bắc Ninh, chúng tôi không thể "quản". 

Trong cuộc trò chuyện với Mẹ tối qua, tôi nghe kể, làng bên - thuộc xã khác - phát loa ông ổng rằng thì là mà bên kia sông - là đất Hải Dương - vừa có ca mới [mắc covid] nên nhân dân cần cảnh giác. Mẹ kể xong lại chua thêm câu, đấy là đài làng bên nói vậy chứ trên ti-vi chưa thấy nói gì. Tôi đoán ti-vi đây chỉ nhà đài tỉnh ta, Bắc Ninh quê mình.

(8)

Tôi bối rối, không suy nghĩ rõ ràng rành mạch ra đầu ra cuối bất cứ chuyện gì. Giờ nếu được hỏi rốt cuộc đối với mày điều gì là quan trọng, là có ý nghĩa trong cuộc đời này, tôi sẽ phẩy tay, còn đâu sức mà nghĩ nữa. 

Ngồi yên trong nhà là yêu nước là công thức nghe quen tai những ngày này, cứ cho là thế đi. Nhưng quyền sống, quyền tự do trong đó có cả tự do chuẩn bị cho một sự trở về [quê nhà] hay nặng nề hơn là sự cáo chung, chúng cũng chính đáng mà. 

(9)

Đột nhiên, tôi nhớ đến hai chuyện. 

Thứ nhất là nhân vật lão Vương trong chuyện của Pearl Buck. Và thứ hai là đoạn viết ngắn của một cô văn sĩ hay nhà báo gì đó, tôi nghi là Việt kiều ở Pháp, tôi đọc được hồi thế giới bắt đầu cảnh giác với con corona virus chết tiệt này, với đại ý là trong hoàn cảnh bấp bênh, khủng hoảng thì con người ta có xu hướng quay trở về, tìm an trú nơi gia đình, quê hương. 

Những sự đọc của tôi trong quá khứ xa và gần, đọc rồi để đấy. Giờ thì chúng gõ cánh cửa tâm trí của tôi. Tôi vẫn lơ mơ, vẫn hồ đồ. Nhưng rất lạ là trong một vài tích tắc, tôi lại thấy mình tường minh, à chuyện là thế, mình đã hiểu!

ngồi yên trong nhà là yêu nước - phơi ngải cứu

ngồi yên trong nhà là yêu nước
lau cái hộp gỗ cũ phủ bụi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét