Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

canh hai lửa - một món hầm hạt đậu tươi và rau củ

canh hạt đậu tươi hầm rau củ ngẫu hứng
(1)

Khách đến chơi nhà mang theo quà rau củ quả là ba loại hạt đậu đỗ: hạt đậu trắng và đỏ tươi cùng và đậu [hạt] Hà Lan - green pea xanh lì rì. Chủ nhà bày đặt làm món đãi khách, khách về rồi thấy mình với cái bụng tròn căng vì quá chén. Lúc đó, nhìn ba túi đậu thì thở dài biết tính sao đây. Cái biết tính sao đây đó đi thẳng vô tủ lạnh.

(2)

Bữa sau nhớ đến các hạt đậu, thế là lại tính toán. Rất mau, ơ-rê-ka xương thăn hay xương hom ninh hạt đậu, đơn giản vậy đi!

Xương được luộc rồi trụng rửa kỹ với dấm và muối. Sau đó cho xương vô nồi thả ngập nước bắt đầu ninh lấy ngọt. Các hạt đậu được rửa sạch và làm ráo cho vô nồi ninh. Lại một củ su hào non, một củ cà rốt nhỏ xinh xinh, cả hai được thái nhỏ hạt lựu cho vô tiếp nồi làm bạn với gia đình nhà đậu. 

Đường gia vị tạo thơm có hành hương và tỏi đập dập trong đó tỏi chỉ là một hai tép nhỏ gọi là. Và đặc biệt nhất, chủ đạo đường gia vị lần này là bạn lá nguyệt quế - liền tù tì tôi cho hẳn ba bốn lá khô.

Tạo mặn có muối hầm và một hai giọt mắm cốt - tôi thích thì cho mắm vậy, còn thực có thể bỏ qua bạn này vì vị mắm vốn mặn mòi, không khéo quá tay có thể làm hỏng phần hương vị của nồi canh hầm.

Món hầm cứ thong thả lửa liu riu cả giờ đồng hồ hay hơn thế. Đại loại là su hào và cà rốt trông nguyên dạng nhưng cho vào miệng thì su hào tan biến liền nơi đầu lưỡi, cà rốt chắc hơn chút nhưng đá đá hai hàm răng thì cũng chẳng khác chi bạn su hào. Các hạt đậu khá hơn, thuỷ chung trong hình hài ban đầu, và khi ăn thì cho cảm giác đồng thời nhuyễn mềm mà lại bở, đại loại là rất khó tả.

(3)

Mỗi thứ rau một ít, nồi hầm cộng lại hoá thành nhiều, thực phải gọi là một mẻ lớn. Vì thế đến bữa, tôi tính toán lượng đủ dùng cho một tô canh cho hai người mà chuẩn bị phần hành tây và bột mỳ tương ứng để bắt đầu công đoạn hoàn thành món canh hầm.

- Chảo làm nóng láng tý xíu dầu rồi phi hành tây thái lát hoặc xắt hạt lựu tuỳ ý
- Hành mềm và có xu hướng sắp ngả sém thì cho liền tay một thìa súp bột mỳ, xào tiếp ở lửa trung bình hoặc dưới trung bình tới khi bột sền sệt ôm ấp hành tây và chuyển sang sắc vàng nâu thì phần canh đã lượng lúc trước cho vô chảo đun tới sôi.
- Để nước canh sôi lớn trong một hai phút, sau đó hạ lửa liu riu thêm dăm bảy phút nữa, sau đó rắc hành tươi thái nhỏ hay xắt đoạn tuỳ ý, tắt bếp.

Canh có hỗ trợ của bột mỳ cho chút cảm giác sánh, rất hài hoà với kết cấu của các hạt đậu. Canh ngọt xương ninh, và thơm đặc trưng của bay leaves. Ai không quen có thể thấy là lạ và có chút gắt. Còn đã quen dùng bạn lá gia vị khô này rồi thì thực hài hoà mỗi miếng canh đưa vô miệng.

(4)

Có một chuyện rất hài thế này. 

Tôi ninh nồi canh tối hôm trước, coi như xong giai đoạn 1. Sáng hôm sau, con giời te te chạy đi tìm Tình già bò với ý định làm một dải thăn dẻ sườn để có tô canh thành phẩm béo ngậy thịt bò hầm. Tình già bò chẳng thấy đâu, tôi tiu ngỉu về nhà thì đồng loạt hàng xôi và hàng hoa quả bán nhờ trước cửa xin lỗi, rằng thì là mà quên không báo là hàng thịt bò đợt này nghỉ.

Chỉ lúc đó tôi - một kẻ tù mù tình hình thời sự nước nhà do cái tội không đọc báo, chẳng dõi mạng, tivi không coi, đài không nghe - mới biết chuyện từ vài bữa nay nhà mình có dịch ở bò!

(5)

Tôi chẳng có hảo cảm đặc biệt gì với các bạn hạt đậu tươi. Nếu có một ấn tượng mạnh thì là một chuyện hài hước liên quan đến phát biểu của cô bạn nghệ sĩ đóng bỉm về ẩm thực của người Pháp. Chuyện này bữa nào thong thả nhớ chi tiết và làm note riêng về hạt đậu đỗ tươi, tôi sẽ chép lại.

Còn giờ tập trung cho một công thức tạm chốt chét cho món canh hai lửa - hạt đậu tươi các loại hầm bà là với rau củ ngẫu hứng:

- Hạt đậu đỗ tươi các loại
- Rau củ quả khác: su hào, cà rốt và có thể thêm các bạn khác tuỳ tình hình bếp nhà :-)
- Hỗ trợ đạm ninh hầm: xương heo và/hoặc dẻ sườn bò (ninh xương heo không cho ngọt tôn vị thanh của rau củ quả; còn thêm thắt thịt bò thì nồi canh sẽ ngả ngọt béo, ngọt ngậy)
- Tạo mặn: tốt nhất chỉ là muối (mắm cốt ngay cả khi cho một hai giọt vẫn có thể bị coi là phá vị đối với nồi canh hầm ở miệng lưỡi của người tinh và kỹ tính trong đường nếm và thưởng vị)
- Gia vị tạo hương vị đặc trưng nồi hầm: tất cả nằm ở lá nguyệt quế khô - bay leaves (ngoài ra có thể thêm tỏi tây, cần tây "tây" và trong trường hợp này, vị đậm đặc trưng của lá nguyệt quế sẽ được làm dịu đi kha khá)
- Gia vị khác: hành hương/hành tây và tỏi (chỉ một hai tép thoang thoảng thôi)
- Tạo sánh dùng bột mỳ
- Trang trí tô canh thành phẩm: hành tươi và mùi

Đại loại là vậy cái đã!

Món canh này dễ nấu và ăn vui khi nhà đông người. Thêm nữa là canh ninh hầm hợp với tiết trời lạnh hơn là nóng ẩm phập phù như cuối tháng Tư này. 

Trong nhà Hà Nội lần này, ở tình huống hai cái miệng chèm chẹp trước một nồi ninh bự thì úi-chà, có chút khẩn trương hì :-)

canh hai lửa hạt đậu tươi cùng rau củ
nồi ninh hiệp thứ nhất

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

hoa ở đây, hoa ở kia

(1)

Chuyển đến căn hộ, chậm chạp khởi động một hành trình sống mới, tôi và bạn đời có niềm vui nhỏ là mỗi khi rời toà nhà thì sẽ ngó một chút đám cây bụi ở một góc tường. Chỗ đó có những cây thấp được cắt tỉa cẩn thận, na ná giống đám cây lão Tiên sinh trồng trong vườn Nhật Bản ở nhà biển.

Nếu có khác biệt to thì là cây ở kia mềm mại, thấp và bám đất; trong khi cây ở đây thân lá cứng cáp hơn và cần phải thường xuyên được tỉa ngọn để làm thành một thảm xanh mượt.

Ngoài ra, chúng tôi kiên nhẫn chờ gần năm trời mà vẫn không thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy các bạn cây Hà Nội sẽ cho hoa.

(2)

Cuối sáng qua, lúc rời toà nhà, theo thói quen tôi ngó xuống một cái chỗ đám cây quen thuộc.

Thật bất ngờ là có một bạn hoa vàng bé xíu giữa nền lá xanh.

(3)

Tôi chụp và gửi ảnh cho Tiên sinh.

Ông lão gửi lại tấm hình những "người họ hàng" của các bạn cây Hà Nội.

Tôi vẫn dốt nát không sao nhớ nổi tên của hoa nhà biển, còn ở đây mấy bác bảo vệ gọi là cây sài đất. Giữa hai sắc hoa, quả có chút xíu khác biệt!

hoa ở đây - nhà chung cư

hoa ở kia - nhà rừng, nhà biển
tên không nhớ :-(

một ngày - thứ tư

nhà rừng chiều xuống - ẩn dụ của sự già-đi
(1)

Thứ Tư - hôm qua - được tôi lên kế hoạch cho mở đầu chuỗi hành trình thăm hỏi ông vặn răng. Cái hẹn bạn nha sĩ nhắn nhủ tôi là sau nửa năm chị quay lại kéo dài một mạch gần năm rưỡi do tôi bị mắc kẹt ở Mỹ. Và vấn đề to tôi có trong miệng ngoài cái răng khả nghi - nguy cơ cao lần trước giờ còn thêm mấy cái lỗ thủng mới phát sinh. Khó chịu. Đau. Và tức cười nữa!

Hàng răng tầng 1 là nơi đón tiếp khách la liệt người. Trẻ con lốc nha lốc nhốc đứa ngồi đực mặt vì đau, đứa hò hét nhảy nhót loạn xạ. Người trưởng thành trẻ tuổi cả trai thanh lẫn gái lịch cắm mặt vào xì-mát-phôn. Mấy ông già bà già về hưu, hoặc đến làm răng hoặc đến với vai trò trông cháu, túm tụm bà tám. Lại có một hai ông bà siêu già và có siêu-vấn-đề huyết áp đang là đối tượng được kiểm tra, cân nhắc trước khi bác sĩ quyết định hôm nay làm tiếp hay mai làm. 

Tôi nhìn cái tiểu không gian xã hội chật hẹp đó đã ngán. Lại càng ngán hơn nữa khi mới sớm ra mà số xếp hàng của mình đã ở đâu đó bất định trong cái danh sách đợi dài lê thê. Vậy thôi, xin chào và tạm biệt. Ráng ôm ấp cơn đau qua kỳ nghỉ lễ. Cùng với chút mơ hồ lo sợ, sau đợt nghỉ dài này liệu con virus chết tiệt có "chơi" thêm một vố khiến mọi hoạt động xã hội ngừng trệ không (?!)

(2)

Nếu ngày mới bắt đầu với một sự "đổ bể" như vậy thì tiếp theo mình có thể làm gì?

Ngủ bù là một lời mời chào hấp dẫn sau khi tôi có cả đêm trắng. Nhưng tôi lại sợ nếu đo cái giường thì đêm tiếp theo sẽ còn kinh khủng đến mức nào.

Vậy thì ráng cơ thể vận động.

(3)

Bếp nhà Hà Nội tôi dọn dẹp kiểu chuột hamster xơi bánh sinh nhật. Nham nhở mỗi hôm một tý chút. Hiệu quả đến đâu chẳng rõ, nhưng hài hước thì có dư.

Như mọi khi, tôi chán ngán với bản thân khi phô bày ra trước mắt là cả tỷ thứ đồ dùng vật dụng bếp núc tôi đã tha lôi mua về trong suốt nhiều năm qua.

Chỉ một số ít là ở trong tình trạng còn nguyên tem, chưa bóc vỏ. Còn lại đều đã được dùng, ít hay nhiều.

Vấn đề to là cùng một đầu mục sản phẩm, lẽ ra TL và tôi chỉ cần số lượng một hoặc hai thì trên thực tế bếp nhà có đến cả đơn vị chục. Cái sự thừa đó, càng lúc tôi càng thấy sao mà lãng phí, đáng chê trách, và đặc biệt là vô trách nhiệm.

Nhận thức muộn mằn đó rất khó chịu. 

Đúng là mấy tuần qua tôi đã chào tạm biệt kha khá đồ bếp, chủ yếu là cho đi. Nhưng càng dọn dẹp thì tôi càng thấy bày ra trước mắt nhiều món cần xử lý, cũng như càng thấy rõ ràng hơn mức độ phóng túng, điên loạn, vô trách nhiệm của bản thân trong hành động mua và dùng đồ vật suốt nhiều năm qua.

Các sách vở bàn hay dạy về dọn dẹp, về lối sống tối giản bên cạnh việc đưa lại cho người đọc một thế giới tưởng thưởng đầy mộng mơ, lãng mạn thì trong các ví dụ hiện thực về quá trình dọn dẹp cũng khó có thể đem lại - ít nhất là với trường hợp của tôi - một cảm giác hiện thực vô cùng khó chịu như vậy! 

Tôi tiếp tục sống cái hiện thực, trải nghiệm cái cảm giác đó!

(4)

Tôi quyết định trèo xe máy lên chỗ cái hồ to. Để mua trà và tìm bạn bột chicory thần kỳ.

Lần trước mua kha khá trà ở nhà chè Chính Thái, tôi có chút ngỡ ngàng khi thấy vẻ già nua cùng chút mệt mỏi của bác chủ, và nhất là khi thấy bác tính tiền nhầm từ con số chục thành con số trăm. Sự nhầm nhịu đó, bản thân tôi là kẻ dốt toán vẫn hay mắc phải, nhưng trong trường hợp này tôi có chút gợn, phải chăng đó là do tác động của sự già-đi (?!)

Lần này, sau một hồi gọi với từ ngoài vỉa hè, tôi thấy bác gái - người lần trước tôi không gặp. Lại một vẻ già nua, chậm chạp. Bác kêu tôi chờ bác trai. Tôi mua cả túi to hơn chục món để làm quà, tiền tính ra một khoản kha khá. Lúc tính tiền, bác trai đưa ra một con số, tôi ngờ ngợ hỏi đi hỏi lại, bác chắc nịch đại ý là chuẩn chỉnh rồi.

Có lẽ do cả đêm mất ngủ, chưa kể là năng lực tính nhẩm của tôi gần như là zero, nên tôi lơ ma lơ mơ thấy có gì đó không ổn nhưng vẫn móc ví trả tiền. Chào tạm biệt hai bác chủ, quay đầu xe hướng về con đường nhỏ men hồ, đi được đoạn thì con giời ơ-rê-ka giòn giã. Bác trai lại tính nhầm, và vẫn là cùng một kiểu nhầm số chục lên thành số trăm.

Nếu là mua đồ ở cửa tiệm khác, hẳn tôi sẽ ngay tắp lự quay đầu xe để đòi lại chín chục ngàn đồng dư đó. Nhưng lần này tôi đi tiếp, với một tính toán rất đúng kiểu AQ của tôi, coi như bỏ đi một lần ngồi lê mông quán Chị Lan, rồi nữa là số đó còn chưa đủ ngồi taxi đi cơ quan một lượt (!)

(5)

Chicory TA gửi cho tôi công dụng quả thần kỳ. Lúc đầu dùng không quen tôi chỉ đơn giản uống là uống. Nhưng sau rồi thấy thích thú.

Giờ cần mua, lóng ngóng ngó mạng nhện, chỗ thì khả nghi bỏ qua, chỗ thì coi có vẻ đáng tin cậy lại hết hàng, tôi đành trông mong vào An Nam.

Trong cửa hàng, tôi hỏi một bạn nhỏ nhân viên. Sau một hồi giải thích, cô em ồ à, nhà em vừa mới hết hàng. 

Lúc đó, tôi thấy mình đứng trước một kệ hàng khổng lồ với đủ thứ hạt từ mấy năm nay đang à la mode.

Không, nhà cháu chỉ cần chicory, không hơn!

(6)

TL đi công tác Yên Bái, vác về cho tôi một hộp bự ghi thảo dược ngâm chân nhìn rất bắt mắt, rất ngon miệng.

Cô em dặn, nhớ cho thuốc đó vào một cái bao để không làm tắc máy.

Dù lười biếng là mấy, giờ tôi cố gắng cách nhật lại ngồi ôm cái máy ngâm-massage chân hàng Trung Quốc nội địa vô cùng lợi hại này. 

Tôi không có trải nghiệm đi tiệm nail hay foot massage nên không biết cảm giác được chăm sóc đôi chân tuỵệt vời thế nào. Nhưng chỉ ở trong nhà, tự mình chăm sóc mình, tôi đã thấy đủ tốt rồi.

Và hình như tối nào ôm cái máy đó non nửa giờ thì tối đó giấc ngủ của tôi cũng theo đà thuận lợi hơn!

(7)

Tối muộn, tôi căn giờ Tiên sinh thức dậy trễ để gọi điện báo cáo tình hình.

Ông lão sau một hai câu chào hỏi tức thì chuyển chiều camera khoe khoang cái mái hiên mới của mình. Có vẻ như từ ngày có bạn này, bữa sáng bên bàn bếp đã chuyển thành bữa sáng trên ghế dài ngoài hiên nhà biển.

Mỗi lần thấy vậy tôi lại nghĩ thầm, đúng là hí hửng kiểu trẻ con. Nhưng vui thế, hoan hỉ thế thực cũng thích mà. Khi ngoài kia, chúng ta phần lớn là chật vật với những xô đẩy chen chúc cả về hình lý lẫn toan tính trong đầu.

(8)

Tôi kể chuyện ở nhà chè Chính Thái, nói về cái cảm giác không mấy dễ chịu liên quan đến sức nặng của quá trình già-đi cho bạn đời. Rồi trịnh trọng kết luận, giờ đã đến lúc chính tôi cũng bước chân vào cuộc phiêu lưu này.

Lão Tiên sinh an ủi đó là tất yếu của cuộc sống.

Trước khi đưa ra lời khuyên sặc mùi xỏ xiên, lần sau nhớ mang theo cái máy tính!

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

đậu phụ ma bà bếp nhà hà nội - phiên bản chay làm từ đậu phụ chiên với nấm sò trắng

(1)

Tôi không ưng ý hai hũ gia vị Tứ Xuyên mua qua mạng nhện ở Hà Nội cho lắm khi đặt các bạn này trong liên hệ với những người họ hàng trong giỏ hàng của Mala Market

Nhưng mặt khác, trong hoàn cảnh ở Hà Nội, mù tịt món chữ vuông - nói trắng ra là không biết chữ, dốt nát về mạng nhện - tức là tôi rất "ngu", không biết gì về tìm thông tin, chọn và mua hàng trên internet, và nhất là do hoàn cảnh khách quan thực cầu ở người Việt làm sao phong phú, đa dạng và khó tính như ở cái cộng đồng người [gốc] Hoa khổng lồ xứ cờ-hoa để mà có một cung với nhiều món chất lượng cao được, nên tôi tự nhủ hãy vui vẻ hài lòng.

Và thật thà mà nói, sau mấy lần thử các bạn này thì tôi bắt đầu quen. Và đương nhiên là hài lòng.

 một phiên bản đậu phụ ma bà: đậu phụ chiên và nấm sò trắng
 


(2)

Cho bữa tối solo một miệng ăn nhất món hôm nay, tôi tùy tiện quyết định vào phút cuối, từ cảm hứng đậu phụ Tứ Xuyên - đậu phụ ma bà thì làm một món chay tương tự với hai nguyên liệu chính: đậu phụ chiên và nấm sò trắng.

- Một bìa đậu phụ được chia thành các miếng nhỏ, chiên vàng đều các mặt, không nhất thiết phải chiên giòn
- Nấm sò trắng một tay, tước sợi mỗi thân nấm thành 2-3 phần
- Gia vị để phi thơm - lần này đặc biệt là tôi không theo trật tự chi sất, cứ tùm lum chuẩn bị và ồn ào cho các bạn ý nhảy vô chảo dầu một lượt, có: tiêu xuyên giã rối + gừng bằm + hành hương bằm + tỏi bằm + tương đậu biện + tàu xì ngâm dầu
- Trang trí món có hành tươi xắt đoạn
 - Bữa nay tôi tranh thủ tận dụng nước dùng từ nồi ninh xương vốn được chuẩn bị cho món canh hầm đậu hạt các loại

Vì hai bạn tương đậu và tàu xì "hàng nội địa" Trung Quốc siêu mặn nên tôi bỏ qua cả muối lần nước tương. Dầu mè lấy thơm, do tranh thủ dấu chảo chiên đậu nên tôi cũng bỏ qua. Còn ớt khô Tứ Xuyên không có, tôi cũng chẳng thấy phiền.

(3)

Đậu phụ đã chiên, nấm sò đã làm sạch và xé sợi, gia vị nào cần bằm nhuyễn đã bằm nhuyễn, lại có nước ninh xương ngọt hỗ trợ, làm món xem ra thật là mau.

- Dấu chảo lúc trước chiên đậu phụ giờ được dùng phi thơm hỗn hợp gia vị đã kể ở trên - nhớ khéo canh chảo để không bị cháy - rồi sau đó cho đậu phụ và nấm vào xào tới ngấm
- Bổ túc phần nước dùng, chỉnh lửa lớn đợi chảo sôi rồi sau một hai phút thì đưa lửa về dưới trung bình, đun thêm khoảng 10-15 phút
- Rắc hành lên, tắt bếp, bày món ra đĩa sâu lòng

Tôi lười nấu cơm, ngồi ôm cái mâm trên bày đĩa đậu với một đôi đũa và một cái thìa. Đũa là để gắp nấm và đậu. Còn thìa là để xì xà xì xụp phần nước chẳng rõ nên gọi là nước xốt hay nước canh.

Khác với đậu tươi mềm mướt nơi đầu lưỡi, đậu phụ chiên hài hòa với các sợi nấm sò có mềm phần đầu mũ [nấm] nhưng lại có chút dai phần thân/cuống [nấm] tạo nên một vị giác khá đặc biệt.

Và dù thế nào thì món vẫn đảm bảo tê tê cho dù có thiếu phần cay cay vốn có của bếp Tứ Xuyên!

nấm sò trắng

black bean salsa - công thức lưu lại

Tờ bìa cũ hằn rõ vết gấp tư được đặt ở một góc tủ đồ gia vị trong bếp nhà biển. Nó giống như tấm card quà tặng ghi công thức món kèm một túi mua hàng (gia vị, đồ bếp) nào đó. Và ở góc nhỏ phía dưới có ghi tên ông trùm Graham Kerr. Tôi không rõ công thức có phải là của ông hay không. Nhưng chắc chắn là ông chủ nhà để tờ bìa đó - hẳn đã nhiều năm - ở góc tủ với ý định có ngày sẽ tham khảo.

Tủ được dọn. Tấm bìa có thể rất quý, nhưng sau khi đã được chụp hình và sao lưu công thức, xem như nó đã hoàn thành vai trò của mình.

1 cup sliced green onions (about 3 onions)
1/2 cup frozen corn kernels
1/2 cup canned black beans, rinsed and drained
1 cup chopped tomatoes
2 tbs chopped pickled jalapeños
15 cilantro leaves, chopped
2 tbs freshly squeeze lime juice
1/2 tsp ground cumin
1/2 tsp salt

Combine all the ingredients in a bowl and toss to mix.

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

blowin' in the wind - mắt thị dân tháng tư

thành phố thừa bụi mịn và không thiếu các giấc mơ
(1)

Đó không phải là lo âu, sợ hãi định hình, bất chấp việc tôi vẫn ở trong một phản ứng thường trực mang tên covid, lúc nào cũng lăm lăm trong tay cái khẩu trang khi rời nhà và cảnh giác cao độ trước bất cứ thân ảnh nào gần trong tầm mắt không có món trang bị này. 

Mà là một dạng mơ hồ khó chịu và bức bối mà tôi ở trong đó vừa biết lại vừa không biết nguồn cơn, trạng thái của nó, của chúng. 

Thêm nữa là tôi không có hứng thú cũng như năng lực để ngồi yên lại một chỗ và suy ngẫm về tất cả những câu hỏi này. Đơn giản là tôi sống với nó, với chúng. Theo một cách lộn xộn, mơ hồ.

(2)

Tháng Tư của tuổi trẻ rất đẹp. 

Có hoa loa kèn. Có nhịp chậm và buồn như thơ của Olga Berggoltz nhưng không vì thế mà thiếu gió mát dịu báo hiệu hè sắp về mỗi khi tối muộn cũng như nắng đổ bóng lao xao theo các tán lá phố nhỏ Hà Nội. Và không khí mới thực sạch làm sao. Và sự hiện diện mang tên con người mới vừa phải, mới khiêm tốn làm sao. 

Nhớ lại những năm tháng đó, tôi thấy mình ngông nghênh một thái độ chủ nhân ông trong/của thành phố, khoẻ mạnh, vô ưu, và cả vô ơn nữa. 

(3)

Còn giờ, lê la cái thân xác uể oải, phần psy thì tối om om ngấp nghé miệng hố đen, tôi thấy mình bất lực lọt thỏm trong một vũ trụ đô thị hỗn độn của đủ loại âm thanh và tầng tầng lớp lớp khói bụi ô nhiễm. 

Mà Ông Trời ở trên cao chẳng rõ do thói đỏng đảnh hay muốn hẩy tay trừng phạt loài người, tháng Tư giờ không ban cho nắng và gió lành, thay vào đó là bầu không khí dính nhớp nặng nề khiến cho các cơ thể người sáng ra rời nhà dù có thơm phức đủ mọi thứ mùi nhân tạo mang tên thời trang và sành điệu sang quý chi chi thì chỉ chốc lát thôi cũng thành nhớp nháp hoà nhịp môi trường.

(4)

Những ngày này có vài người hân hoan Hà Nội sắp có nhiều quận mới. 

Thái độ đó rất thật thà, từ cách biểu đạt tới các diễn giải nguyên cớ đi kèm: lên quận đồng nghĩa với đổi đời. Vì về căn bản, ruộng vườn chỉ đôi chục năm trước anh em họ hàng trong nhà có thể rộng rãi san sẻ cho nhau thì giờ đây tấc đấc tấc vàng hứa hẹn họ sẽ mau mau có thể xây nhà 5 lầu 1 tum và tậu con xe 4 bánh cho bằng anh bằng em. Vài vị có tinh thần phấn đấu vì thế hệ tương lai còn bắt đầu lẩm bẩm tính toán, sẽ cho con du học cho bằng chị bằng em - dĩ nhiên là từ tiền bán đất trong giả định.

(5)

Tiền, tiền, tiền.

Gần như là ở đâu tôi cũng nghe réo rắt một tên gọi này.

Có những câu chuyện được kể mà quy lại đều chỉ là theo vài mô-típ quen thuộc.

Hoặc là thằng cha/con mẹ đấy nhờ cả khôn lanh lẫn thủ đoạn, và cũng nhờ nhiều "đạn" đi lên theo đường hệ thống giờ thì giàu lắm, đang gặt hái các thành quả của sự đầu tư quan hệ lúc trước.

Hoặc là thành công chứng khoán, cô nào đấy vừa mất trắng 500 triệu nhưng may gặp được bà sếp thương chỉ bảo cho mấy câu thì kiếm liền một tỷ, nửa tỷ để lấp vào chỗ mất mát trước kia, nửa còn lại cô coi như tiền giời ơi nên lại hoan hỉ lao mình vào cơn bão cổ phiếu.

Hoặc là giỏi giang đầu tư đất cá nhân hay góp tiền dự án bất động sản này nọ. Chuyện một ông một bà nào đó bỏ ra đôi tỷ giờ đất và nhà có trong tay được định giá lên con số hàng chục [tỷ] nghe kể cứ nhẹ như một tay thất nghiệp thất chí ra đầu ngõ rít thuốc lào một phát rồi quay sang nhấp ngụm chè loãng toẹt và bắt đầu mở miệng tám em nói bác nghe.

(6)

Cái gọi là hiện đại và phát triển chốn thành thị ngày nay đối với tôi có mùi vị của một cái bẫy, của một sự thủ dâm tinh thần hơn là một tiến bộ đích thực mang khuôn mặt người, vì con người.

Lấy ví dụ một cô nàng tới thành phố học tập hay khởi nghiệp. Ra chợ đêm hay chợ tiểu khu, hơn trăm ngàn được quần bò rách phong cách. Nửa trăm ngàn được áo phông chói mắt J'adiore làm cho bọn xịn sò Dior luống cuống ơ thế này là sao đây. Gần hai trăm nữa thì được túi hộp màu phấn hồng với quai vàng choé sặc mùi sang chảnh. Dưới chân là dép Hermes phiên bản Tàu địa phương bán ở ven đường cả núi, giá mỗi đôi tuỳ gắn kim cương [giả] hay chỉ là [giả] da mà giá có thể xê dịch từ vài chục tới hơn trăm. Môi đỏ rực, mày xăm dài, lông mi cong vút, tóc nâu nhạt lọn sóng bồng bềnh. Lại thêm đôi kính không độ thơm ngát mùi chữ nghĩa. Và tay dứt khoát không thể rời con xì-mát-phôn Tàu hào nhoáng hơn tất cả các thế loại xuất xứ Mỹ hay Hàn. Có một bạn trai đèo xe chạy ngoằn nghèo dạo phố, có lúc bình dị trà chanh chém gió ngồi chường mặt ở chỗ vỉa hè đầy bụi, lại có lúc sang chảnh cứ phải là chui vô mấy tiệm cà-phê hay trà chiều phong cách Châu Âu từ nước Ý Phục Hưng tới xứ Anh Quốc hoàng gia. Nếu em nói "đi tiệc" thì gần như chắc là hẹn hò chúng bạn ở một quán nhậu dzô-dzô nào đó, tuổi trẻ dư thừa năng lượng hét hò từ đầu bữa tới cuối bữa. 

Cô nàng hư cấu này của tôi là một biểu hiện thực của một số đông đảo những con người hiện thực đang hân hoan nói về phát triển. Sự phát triển với những phù phiếm bề mặt, với những đà khai thác và tiêu dùng hoang phí, thiếu một mastermind đích thực. 

(7)

Tôi nghĩ vẩn vơ bậy bạ vậy nhưng quyết không để mình gia nhập một nhóm nhỏ thị dân mở miệng là véo von lý luận cùng chê trách [chính quyền]. 

Đối với tôi, quan trọng là vui vẻ sống cái đầu óc xỏ xiên bé mọn của mình. 

Tỷ như, đứng tê chân chờ bus gần nửa giờ giữa một vũng nước đọng và một đống rác lớn, nhìn con đường to trước mặt có ô tô hành xử như xe máy, xe máy hành xử như xe đạp và xe đạp thì ngoằn nghèo múa trên vỉa hè... và cố gắng sao để mình thật trống rỗng.

Lại tỷ như, trèo xe bus thấy liền bao thô tháo của cặp đôi anh tài - anh phụ nhưng cũng cố gắng sao phát hiện sau những thô lỗ cùng tục tằn đấy vẫn là sự tử tế nơi con người khi ông lái xe vừa hầm hè chửi "tiên sư thằng xe rác chắn đường bố mày" thì không quên chỉ dẫn cặn kẽ hai vị khách đứng tuổi mặt bạc phếch vừa chui ra khỏi một cái bệnh viện to và điểm đến tiếp theo là một cái bệnh viện to khác ở đầu kia thành phố, hay ông bán vé phát hiện có cặp đôi bệnh nhân khác nhầm chiều xe bus thì bảo thôi khỏi lấy tiền, điểm sau "ông bà xuống rồi mau sang bên kia đường đứng đợi cho tôi nhờ". 

(8)

Những ngày này cũng giống như nhiều tháng năm đã qua trước kia, tôi vẫn ở trong sự lộn xộn.

Khác chăng, tôi bắt đầu trang bị cho mình một thái độ.

Có thể còn lâu tôi mới bỏ thói cay độc hay bao đồng, quàng xiên ngó chuyện đời, chuyện người.

Nhưng thay vì phê phán, thay vì để mình cuốn theo các cảm xúc thị dân tiêu cực, tôi muốn nhìn các hiện thực đô thị đó rõ rành hơn, đầy đủ hơn.

Để biết rồi thì hiểu. Và hiểu rồi thì ngậm miệng, trong khi lúc nào rảnh rang rỗi hơi hay đồng bóng lên cơn thì thong thả nghĩ tiếp về chúng.

Đơn giản thế thôi! 

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

một chút ấm áp - ghế cũ chuyển nhà

ghế cũ mua ở YNot - phủ miếng ghép ăn ké
công trình Golden Rectangle của Tiên sinh
gần 10 năm nay chưa làm xong

(1)

Tôi dừng xe ở chỗ gầm cầu đầu đường Hoàng Quốc Việt hỏi vu vơ một ông bác xe lam về dịch vụ chuyển đồ.

Mặc cả tới lui một hồi, ông bác chốt cho cái giá ưu đãi nếu đi nhiều chuyến, rồi thong thả bảo, cháu cứ tính đi, nếu thấy hợp lý thì gọi chú.

(2)

Cái giá đó tôi chẳng tính toán gì. Mở miệng tám nhảm mấy câu cho vui hơn là tìm kiếm một mức giá hời vì thực thì tiền nào của nấy, thêm nữa tôi chuyển đồ lắt nha lắt nhắt, kêu dịch vụ xe tải chuyên nghiệp chẳng bõ bèn.

Tính toán của tôi là cái sự di chuyển các hộp đồ vải từ trong nhà ra hè, rồi từ sảnh toà nhà lên căn hộ, chỉ nghĩ thôi tôi đã đủ mệt rồi.

(3)

Cuối cùng, sau cả tuần tính toán, với sự trợ giúp của hai cô em nhỏ, tôi đã đủ dũng cảm để gọi một cú điện thoại và sau hồi chuyển đồ lên thùng xe thì tót một cái ngồi ghếch chân bên cạnh bác tài làm một hành trình chuyển nhà - chuyển đồ vào đúng lúc mưa chuyển sang nặng hạt.

Quần áo, đồ vải sẽ cần nhiều ngày và nhiều tuần để được thanh lọc, sắp xếp. Trong khi đó, tôi có thể tức thì hoan hỉ cảm giác thả mình trong cái ghế cũ mua từ nhà YNot để đọc sách. 

(4)

À mà quên, nhân chuyện này, do tình trạng mắt mũi toét nhèm, tôi còn cần mua thêm một cây đèn đọc sách nữa.

Hơi tốn kém chút. Nhưng ấm áp, vui vẻ làm ổ solo trong căn hộ thì đã trong tầm mắt, tầm tay rồi, hỉ!

ghế cũ mua từ YNot - với đệm ngồi sàn

ớt xiêm tuy hoà - ớt ngâm mắm, ớt ngâm dấm

ớt xiêm Tuy Hoà - ngâm dấm ăn liền
TL cùng bạn đi chơi Tuy Hoà. Lúc về đặc sản địa phương làm quà có một bịch nhỏ ớt xanh xanh đỏ đỏ.

So với ớt hiểm mua ở chợ Thái bên xứ cờ-hoa, các bạn ớt Xiêm/ớt hiểm này trái nhỏ hơn nhiều. Nhìn hình thức chẳng khác chi nhà "ớt gió" Hà Giang nghe nói được không ít người ca tụng. 

Ớt xanh đỏ trái nhỏ này không cay tức thì, không cay dữ dội. Cảm giác ban đầu là bạn ý lành, dịu, nếu không nói là ngòn ngọt. 

Nhưng cứ chủ quan phóng túng mồm miệng mà xem. Cắn đôi ba trái ớt, lát rồi nếu không toác miệng thè lưỡi thở phì phì thì là nhảy cẫng lên mà kêu cay cay liền à.

Ớt đó bữa rồi tôi làm thử hai món theo yêu cầu của TL. Một ngâm mắm chắt. Một ngâm dấm gạo.

Ớt bỏ cuống rửa sạch và để ráo, thật ráo - cẩn thận dùng giấy bếp thấm thêm một lượt trước khi làm món.

Ớt cho vô keo, đổ dấm gạo ngập, đậy nắp kín và để chỗ râm mát thoáng đãng. Bỏ quên bạn ý từ một tuần đến mươi ngày là có thể rón rén khều đũa lấy vài trái ăn chơi. Ớt lúc đó chưa thực dẻo, phần hăng có giảm nhưng cay kỹ cay sâu thì dường như tăng cấp độ. Còn phần dấm thì khỏi phải nói, thơm thật là thơm.

Ớt ngâm mắm cũng được làm theo cùng một cách, ớt vô keo, mắm đổ ngập rồi đậy nắp thật kỹ. Nước mắm ngâm ớt thơm. Còn ớt ngâm càng lâu càng dẻo, lại đậm đà hương vị biển cả, vô cùng hợp cho mấy món chấm lướt qua đầu đũa của vài bạn rau củ quả luộc hay xào.

ớt xiêm Tuy Hoà

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

một tấm lót ngồi sàn

tấm đệm lót mới cho căn hộ
Cái ruột bông cũ kỹ được tôi mò ra trong lúc dọn dẹp phòng gỗ. 

Bình thường tôi sẽ mạnh tay vứt bỏ. Nhưng giờ tôi lại tính toán, kiếm cho bạn ý manh áo mới và hoá phép bạn ý thành một tấm lót sàn để có thể thi thoảng ngồi ôm cái bàn gỗ hương trong căn hộ.

Qua tiệm thổ cẩm quen, tôi đặt đầu bài với cô chủ, Cô muốn làm gì với nó cũng được, miễn là cháu có cái đệm lót mông. Cô làm bận bịu tối tăm mặt mày, phẩy tay một cái chỉ chỗ cho tôi, tự cháu chọn vải và hoa văn rồi cô làm cho chứ bảo cô chọn thì mất thời gian lắm.

Các món vải chàm và thổ cẩm, chỉ một hai bạn thì còn thấy thích thú, chứ nếu cả bọc cả túi lớn chờ bới, chờ lọc thì tôi tức thì hoa mắt chóng mặt, sa sẩm mặt mày.

Thế là con giời bỏ qua luôn ý định tìm mấy miếng hoạ tiết thổ cẩm cũ xịn sò để may một cái đệm độc đáo. Tay quờ quờ đống vỏ đệm/gối may sẵn hàng loạt theo lối công nghiệp, chỉ sau vài phút thì thành, ơ kìa mình có miếng vỏ bọc vừa vặn hoàn hảo.

Từ hôm nay, bên bàn gỗ hương ngay ngắn một tấm đệm mời mọc, cho cảm giác vừa ấm cúng vừa vui vẻ!

bí ngô - pumpkin

"giải phẫu" một trái bí hồ lô
Bí ngô ~ bí đỏ

pumpkin
citrouille (F)
potiron (F)
potimarron (F)


* Khác: 

- bí [ngô] hồ lô 
- squash (E) & courge (F) (đôi khi chỉ trái bí ngô, đôi khi chỉ giống loại quả khác họ nhà mướp/bí ngồi)
- butternut squash
- kabocha squash / Japanese pumpkin (E) / bí ngô Nhật: vị ngọt hơn butternut squash và nhắc nhớ đồng thời vị của khoai tây.


(1)

Bí ngô thì là bí ngô. 

Trong tiếng Việt, dù giống quả ngày nay phong phú là mấy - từ quả tròn to nặng trịch rơi xuống chân có thể làm đau cả tuần đến trái bí ngô hồ lô hay bí ngô xanh bao tử, thì bí ngô vẫn cứ là bí ngô - như là một định danh chung, phổ biến, nói tới ai nghe cũng minh bạch.

Tiếng Anh có pumpkin nghe thực quen tai. Thi thoảng có thể gặp trái quả rõ ràng nhà mình hiểu là bí ngô nhưng các bác Tây gọi là squash, ừ thì squash.

Còn sang tiếng Pháp thì đúng là loạn xà ngầu! Trong tiếng Pháp phổ thông, citrouille (họ nhà Cucurbita pepo) ít nhiều đồng nghĩa với potiron (họ nhà Curcubita maxima); trong đó potiron được xem như là có vị ngọt hơn, đậm đà hơn so với citrouille. Còn nếu so sánh potiron potimarron thì xê dịch nằm ở hình dáng và kích cỡ; trong đó potimarron nhỏ hơn potiron. Đôi khi ở chợ ngoài trời Paris, cả một thùng/khay gỗ đựng lỏng chỏng các trái bí ngô nhỏ xinh xinh lại ghi nhãn courge. Đại loại thế!

(2)

TL trước khi đi học lớp Một được Bố Mẹ gửi đến nhà Bà Tin thay vì đến mẫu giáo/nhà trẻ của tập thể trường Kinh tế Kế hoạch. 

Bà Tin có răng nhuộm đen, suốt ngày móm mém nhai trầu, nói sang sảng và hay cười. Chuyện về Bà Tin kể cả ngày chẳng hết, nhưng đang trong chủ đề bí ngô - pumkin này thì tôi nhớ một chuyện - trải nghiệm đầu tiên của cái miệng kẻ tham ăn được biết đến món chè bí ngô. 

Vào cái thời nghèo khó xa lắc lơ ấy, đường là một thứ gì đó xa xỉ. Mà đã là món chè, không tính các bạn được nấu với mật, thì tất phải dùng đường, rất nhiều đường.

Bát chè bí ngô ở đâu đó giữa sắc vàng và sắc nghệ, chói chang con mắt, rộn ràng cái dạ. Đưa thìa xúc vô miệng, mềm, ngọt, thơm, mướt mượt trôi mau theo cuống họng.

Rất nghiêm túc, tôi chẳng nhớ được là rắc thả vô bát chè liệu có mè rang hay chi chi khác không. Tất cả những gì đọng lại: lần đầu ăn chè bí ngô, món chè ngọt và mềm trong cái thời bất luận thứ gì hảo hảo ngọt đêu là hiếm và quý, và cả hiếu kỳ chờ mong thời điểm chờ Bà Tin chia cho phần chè.

(3)

Vẫn là chuyện ký ức, bếp của Mẹ khi hai cụ già còn sống ở Hà Nội, gần như không nấu món liên quan trái bí ngô già - bí đỏ.

Tôi nhớ là Mẹ thi thoảng nấu canh và đặc biệt hơn cả là xào bí - trái bí ngô bao tử. Bí cả trong tô canh lẫn đĩa xào ngọt, giòn, đanh, ăn rất thích. Mà bí xào thường là xào chay với tỏi, thi thoảng "ăn tươi" thì dính tý vụn thăn bò hay diềm thăn bò.

Nhưng ngay cả vậy, bí ngô không phải loại rau củ quả quen thuộc trong bếp nhà. Nói đến nhà bí - bí ngô, món chúng tôi hay ăn và thích ăn là rau bí.

(4)

Bố Mẹ làm nông dân "tay mơ" ở Bắc Ninh thì các trái bí ngô non - bí bao tử hay xuất hiện trong làn rau tiếp tế cho các con ở Hà Nội.

Có hai kiểu bí non. Hoặc trái to quá nắm tay của ông thợ cả, có khi là to bằng cả trái bưởi Diễn đã bị bỏ quên lăn lóc nhiều tuần dưới gầm giường. Hoặc có khi chỉ là vài quả bí to cỡ nắm tay em bé ba bốn tuổi, xấp xỉ trái trứng gà. Riêng loại bí non sau này, do các bạn ý cực mềm và vị thực chưa đậm đà nổi rõ nên khi nấu món sẽ luôn đồng hành với bó rau bí.

Rau bí đã chế biến sẵn sàng, mấy trái bí bé xíu đó được bỏ núm rồi thái miếng hay lát tuỳ món luộc hay xào cùng rau, rất chi là hợp lý.

Tôi biết bí non vườn nhà Bắc Ninh đó, hai cụ già ở quê vốn nhiều năm nay có nhiều cẩn thận đường ăn uống hay dùng cho món luộc và hấp. Riêng tôi và TL thì thích xào tỏi hơn, do cái đậm đà vị của đĩa rau trên mâm.

Cả hai loại bí non này, do các bạn ý rất non nên ăn nguyên vỏ là đương nhiên rồi. 

(5)

Ở Mỹ tôi rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên gọi side dish ở tiệm Bayou chọn phần rau củ quả nướng thì thấy bày ra trước mặt đĩa đồ ăn với lổng chổng từ khoai lang qua bí ngô - tất nhiên chỗ này phải mở ngoặc là họ hàng nhà bí xứ cờ-hoa có chút khác với bí nhà mình - đều nguyên vỏ (hẳn là kabocha đi). Từ thoáng chốc e dè, tôi rất mau nhiệt tình đánh chén và sau này mỗi khi gọi món rau kèm thì không quên mấy bạn nướng này.

Hôm qua ở nhà Cô Chú quen "ăn chực" bữa trưa chay, tôi mới biết là ăn bí nguyên vỏ vậy hoá ra không phải chuyện hiếm, nhất là ở mấy vùng cao trong bếp nhà bà con người dân tộc. Cô kể trong bếp nhà mình, bí hay được để nguyên vỏ để hấp. Tôi nghe vậy thì gật gù, nhưng vẫn còn chút thắc mắc nhỏ, vỏ trái bí nhà mình nó cứng khốc à, nói là nướng thì tôi còn tưởng tượng được là vỏ mềm đi, chứ hấp thì khi vỏ ăn được ngó sang phần thịt quả liệu có nát không ta. Cái vụ này, tốt nhất là bữa nào tôi thử xem sao :-)

bí hồ lô nguyên trái

muối vừng, muối lạc không chỉ có lạc và vừng

hạt điều, hạt óc chó, hạt bí, hạnh nhân
chờ thêm vừng và lạc
TL và tôi qua nhà Cô Chú quen, nghĩ là ngồi chơi chốc lát hoá thành lê la mấy giờ liền và ăn chực một bữa trưa chay cơm lứt muối mè.

Cô khoe đã rang được mấy mẻ hạt với cái nồi chiên không dầu. Còn chú thì phải tự tay rang chảo mẻ vừng hạt bé xíu xíu lần đầu tiên tôi nhìn thấy - nghe nói là vừng đặt mua từ tận Hà Giang. 

Mấy mẻ hạt mà Cô nói tới có từ hạnh nhân qua óc chó tới nào hạt bí lẫn hạt điều. Thêm vừng và lạc nữa, tất cả được giã cối hoặc chạy xoẹt qua máy xay là thành món muối vừng/muối lạc phiên bản mở rộng.

Muối để trộn muối vừng lạc là do Chú đứng rang muối hạt chứ không dùng thẳng luôn muối hầm quen thuộc của bà con dưỡng sinh/ăn chay. Chú bảo, muối hạt đó rang lên thì được "dương hoá". Tôi dốt mấy món dưỡng sinh, âm dương đường nấu và ăn nên cứ nhe răng ra cười ra chiều hiểu biết.

Cũng theo giải thích của Cô Chú, theo thói quen thì giã/xay vừng chứ đúng lời khuyên thực dưỡng, nên ăn vừng rang để nguyên hạt mới là tốt.

Bữa trưa cơm lứt muối mè thật ngon. Tôi nói vui, ăn chay thế này xa xỉ quá. Cô phản bác, tiền mua hạt mà chuyển sang mua "đạm" thì cũng ngang ngửa nhau. 

Tôi lại cùn, Cô có cái nồi chiên không dầu chứ bình thường rang hạt lách cách mất thời giờ. Thế là được cô em dạy bảo một câu, vấn đề là quyết tâm, là ý thức của mình. Nếu đã muốn thì thời gian kiểu gì cũng thu xếp được.

Rời nhà Cô Chú, tôi hoan hỉ được bữa ngon, lại nữa là có chút dạt dào cảm hứng ăn thanh đạm. Nhưng sang cuối chiều thì cái dạ nó réo ầm ĩ. TL đang ngủ giấc muộn buổi chiều, tôi thấy mình rón rén giống đạo chích, lục tủ ăn sạch chỗ đồ thừa tối qua.

Đến giờ ăn tối, cô em nhắc lấy chỗ thức ăn tối qua ra giải quyết nốt, tôi tỉnh bơ, xơi hết rồi. Nói xong thì cảm thấy có chút mất mặt nên vớt vát câu chữa ngượng, tại ăn cơm khách ngon thật đấy nhưng mà chay nên mau đói à!

muối vừng/muối mè/muối lạc 
"phiên bản mở rộng"

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

nhân chuyện cái chổi rơm

chổi rơm Mẹ bện, con quét nhà
(1)

Bữa tôi còn ngồi rung đùi trong phòng cách ly tập trung ở Bình Dương, mấy lần gọi điện về cho u đều nghe cùng một ý, trời u ám doạ mưa hay đang mưa nên bà cụ già thay vì lọ mọ ngoài vườn thì ngồi hiên nhà bện chổi, chổi rơm.

Chổi Mẹ tự làm cẩn thận, chắc và rơm nhờ được xử lý kỹ càng nên không có chuyện quét một lượt thì rơi vãi từ vụn thóc lép tới những sợi nhánh rơm nho nhỏ như chổi mua chỗ mấy bà bán rong.

Tôi xin một cái chổi mang về căn hộ. 

Quét thích lắm. Phải tội động tác quét nhà có chút kỳ cục, kiểu ngồi xổm mà quét. 

Có lẽ bữa sau tôi phải nịnh nọt u nhà mình cho con thêm cái que làm thành cây chổi có cán 😀

(2)

Mà nhân chuyện chổi rơm tôi nhớ ra chuyện rổ rá tre và võng đay. 

Bác trai nhà Ngoại, anh ruột của Mẹ, là kỹ sư tốt nghiệp trường Bách Khoa, một thời danh tiếng lẫy lừng tỉnh Hà Bắc cũ. Nhưng cuộc đời kỳ lạ, phóng khoáng chút thời gian tuổi trẻ, sau lại hoá thành người có chút thất chí, bất mãn và rất mau nhận hưu non, về làng lúc thì làm đậu phụ bán, khá hơn chút thì ngâm nga uống rượu và đan chơi rổ rá. 

Bác khéo tay, các món tre đó chắc là một chuyện nhưng cái chính là đẹp. Mấy đồ từ kích cỡ mini bán cho khách du lịch tới đồ dùng gia đình bán ở chợ làng còn xa mới chạm được cái chắc và đẹp như đồ bác làm. Đặc biệt là đừng hòng dính chấp một mảy may sợi nhựa, sợi nylon trên những món đó. Bác mất rồi, chẳng mấy ai còn nói tới chuyện tự tay ngâm tre, chẻ lạt, đan rổ hay rá nữa. Trèo xe phi một phát lên chợ Đò hay chợ Kênh, bao nhiêu rổ nhiêu rá muốn là có liền.

Rồi nữa, ngày xửa ngày xưa, có thời gian quê Ngoại trồng đay, hình như là để phục vụ làm món này món nọ xuất khẩu. Lúc đó trong làng còn các bà già lưng còng, mặc váy đùm và yếm, răng đen sì. Rất nhiều phụ nữ tuổi bà tuổi bá đều biết đan võng, võng đay. 

Mẹ bện xong mấy cái chổi, có lúc lại buột miệng, kiếm được đay mà đan võng thì thích nhỉ.

(3)

Tôi chẳng đến mức hoài cổ hay phải thế này thế kia mới đúng kiểu [truyền thống].

Nhưng với trí nhớ có phần mảnh đoạn và chủ quan của mình cũng như nhân nhìn mấy món chổi hay rổ rá trong nhà, tôi thấy xét ở một phương diện nhất định, các món vật dụng gắn với sinh hoạt gia đình ngày trước quả là bền, chắc và đẹp hơn đồ mới làm mau, làm ẩu ngày nay. 

Mà với bạn chổi rơm còn khá. Chứ chổi đót/chổi chít thì đúng là kinh khủng! Tôi không ít lần chịu mua cái loại chổi được quảng cáo là "đặc biệt", là [để] "xuất khẩu" mà mua xong rồi vẫn mất công hì hụi vo tới vo lui sao cho hết lớp bụi chít. Mà ngay cả thế thì cứ phải sau chừng nửa tháng khó chịu mỗi lần quét nhà thì cái chổi mới thực sạch là sạch. Trong khi đó, cây chổi chít ngày xưa dù dư dả cái dáng vẻ thô tháo chứ không thanh nhã dáng hình như bây giờ thì lại được những người bện ra nó tỉ mẩn kỹ càng vo sạch bụi và tuyệt đối không lẫn chít non hay chít được xử lý ẩu tả như không ít bạn chổi tân thời bây giờ!

Nhớ lãng đãng, mơ màng chuyện cũ nhân chuyện mới, thi thoảng cũng ra khối suy nghĩ hay hay đâu à!

kim chi gặp bánh tráng cay - món cuốn thịt chân giò cuộn ngâm mắm

tất cả trên một cái khay: món cuốn thịt chân giò ngâm mắm
(1)

Thịt chân giò lọc xương được cuộn chặt tay, luộc chín chờ nguội thì làm món ngâm mắm, nương theo công thức thịt lợn ngâm mắm đã từng làm vài lần trong bếp nhà Hà Nội. Sau dăm ngày ngâm nga trong tủ lạnh, thịt đó lấy ra thấm giấy bếp sao cho thật ráo rồi thái lát mỏng thật mỏng.

Rau gia vị cuốn tuỳ ý, mua gì cuốn nấy, tuỳ tiện mỗi bữa. Cạnh rau gia vị dứt khoát cần trái xoài xanh chua chua. Rồi cũng là tuỳ hứng, tuỳ ý mà có thêm gừng và kim chi cải thảo nữa. 

Lá bánh đa cuốn lần này là bánh tráng cay Tây Ninh, loại dùng cho món cuốn và cũng rất hợp cho món bánh tráng trộn nữa.

(2) 

Cho bữa tối nay, ngoài bánh tráng cay, chúng tôi có:

- Dưa leo
- Xoài xanh chua chua
- Cà rốt - chủ yếu để lấy nhan sắc còn thực có cũng được mà không có cũng chẳng trăng sao chi sất
- Hành lá xanh cả phần thân củ trắng lẫn phần lá, được xắt đoạn và chẻ rối
- Rau gia vị khiêm tốn chỉ có kinh giới giữ vai trò chủ vị, thêm nữa là bạc hà và mùi tàu
- Lại thêm chút gừng thái sợi và một ít kim chi cải thảo để bên
- Và lẽ dĩ nhiên không thể thiếu thịt chân giò ngâm mắm được thái lát mỏng 

Về thức chấm (optional), thực rất đơn giản: nước tương chữ vuông [Quảng Châu] với mấy trái ớt nhỏ TL mua về từ Tuy Hoà được ngâm trong dấm gạo.

(3)

Hôm nay nếu nói thật theo ý thì thiếu trên khay rau bạn rau mùi và thơm Láng. 

Đó là chưa kể, còn có thể thêm cả đinh lăng và tía tô nữa - tất nhiên là phải nói thêm rằng, không phải cứ nháo nhào ăn liền lúc tất cả các loại rau gia vị mà sẽ có những kết hợp vị hài hoà khác nhau. 

Chẳng hạn, tôi không bao giờ nghĩ sẽ thử đinh lăng với kim chi, nhưng mấy rau còn lại mà thêm một miếng nhỏ bạn rau muối chua gốc gác xứ Hàn này thì rất chi là ổn :-)

(4)

Món cuốn linh hoạt kiểu này có thể thay thịt chân giò ngâm mắm bằng thịt chân giò cuốn rồi luộc bình thường.

Vị của thịt giữa hai cách chế biến có chút xíu khác biệt. Nếu thịt luộc ăn liền thì sẽ đanh từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong.

Còn với thịt ngâm mắm, phần bì cũng như chút xíu dính mỡ liền bì sẽ trở nên mềm và dẻo, cho kẻ ăn cảm giác hôm nay tui đây tha hồ nạp collagen.

Thêm nữa, thịt ngâm mắm kiếm được chút đậm đà thoang thoảng vị đặc trưng của nước mắm quốc hồn quốc tuý, và vì thế nếu bỏ qua bát nhỏ bày đặt nước chấm xì dầu - ớt cũng được. Còn với thịt chân giò luộc ăn liền thì sống chết không thể thiếu bên cạnh bạn ý một phần chấm nào đó - từ mắm cốt pha này nọ qua nước tương đến đủ loại mắm ngâm/ủ khác nữa - tôm chua Huế, ruốc Đà Nẵng, tép nhà làm...

thịt tưởng là chính hoá chỉ giữ vai đưa đẩy
thực vui lại là các bạn rau quả đồng hành

tả thực thịt chân giò lọc xương, cuộn, luộc và ngâm mắm

thêm thắt tuỳ hứng: kim chỉ cải thảo, gừng

món cuốn có kim chi cải thảo góp mặt

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

tuyết tháng tư ở nhà rừng

dấu tuyết la đà trên cành thông và nóc nhà kho nhỏ
Quen biết Tiên sinh nhiều năm, nhưng chỉ từ khi sống cạnh, sống cùng, sống chung với ông lão tôi mới nhận thức rõ tình cảm gắn bó của bạn đời với góc nhỏ rừng núi này ở Massachusetts.

Vừa chân ướt chân ráo trở về nhà biển lo vụ lắp đặt mái hiên và tiến độ dẫn đường gas mới vào nhà của thành phố, ông lão đã nôn nóng chờ mái hiên khô ráo sau cơn mưa bụi bất ngờ để có thể cuộn lại và bắt đầu hành trình lên núi.

Năm trước, nếu tôi nhớ không lầm, thì tuyết và giá tháng Tư không đáng kể. Còn năm nay, qua thông tin cập nhật của Tiên sinh, trời lạnh lạ lùng và trên núi luôn không thiếu những đốm trắng dấu vết của các đợt tuyết nhẹ.

tối điển hình yêu thích của ông lão

bao giờ bạc hà rừng quay trở lại đây ta

nhũ băng

ở đâu đó có cabine bất hợp pháp của ông hàng xóm "đỉnh núi"

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

những niềm vui mới của lão tiên sinh - mái hiên mới và hoa biến màu

sau hơn 20 năm, hoa từ đỏ thành hồng
(1)

Tiên sinh chạy sang nhà ông cha hàng xóm tám chuyện.

Hai ông cha ngồi ngoài hiên sau nhà, phì phèo xì gà, uống rượu ngon, thưởng thức mấy món đồ nguội ngon, vừa nhìn thẳng ra biển vừa bà tám. Nắng xế hắt vô nhưng không trúng mặt vì hai ông đã được mái hiên kéo di động bảo vệ.

Hàng xóm sau một hồi dông dài, trở về nhà tấm tắc, đúng là các cha. Tôi hỏi thế là thế nào. À hoá ra trừ cái vụ xì gà ông không quan tâm thì cả đồ uống lẫn đồ ngon ông đều hoan hỉ. Và điều ông thích hơn cả, có nguồn cảm hứng dạt dào hơn cả là cái mái hiên kia.

(2)

Tiên sinh bắt đầu công cuộc tìm kiếm thông tin về các dịch vụ làm mái hiên. Sau hồi, ông quyết định tìm một công ty không quá xa thành phố biển với đảm bảo 100% [sản phẩm] made in USA

Lúc ông gọi điện, thành phố biển nhỏ đang ở giữa mùa hè. Cái công ty kia hẳn là làm ăn tốt khi hồi đáp, nếu ông đủ kiên nhẫn chúng tôi sẽ liên lạc lại vào tháng 11.

Tất nhiên là ông lão chẳng có đủ kiên nhẫn. Thêm nữa, tháng 11 thì tay dở nào muốn mái hiên tránh nắng hè cơ chứ!

(3)

Năm nay ông lão nhớ chuyện, liên lạc lại dịch vụ mái hiên giữa các đợt bão tuyết.

Các lịch hẹn đến xem thực địa được dời lên dời xuống do thiếu người. Rồi khi trời bắt đầu có nắng và ông kỹ thuật đã qua nhà nhìn ngắm chán chê để chốt hạ với khách hàng về kiểu loại cũng như chất liệu mái hiên thì sau đó lại đỗi hẹn lắp đặt vì khủng hoảng nguồn cung [nguyên vật liệu].

Tôi cười khơ khơ, ai bảo các ông thích cứ phải là Mỹ. 

(4)

Cuối cùng thì ông chủ nhà cũng có mái hiên che nắng đúng ý.

Tôi ở Hà Nội ngó mấy tấm ảnh, gần như chắc nịch là hè này sẽ có một ông lão loay hoay phần lớn thời gian của ngày ngoài hiên nhà. 

Và trong khoảng thời gian đôi tuần này, ông còn có niềm vui nữa là ngắm đám hoa tulip được trồng từ hơn 20 năm trước. Nghe nói hoa ban đầu đỏ tươi rực rỡ. Giờ không rõ vì thiếu dinh dưỡng hay [tự] đột biến, góc vườn đó lại vui một lượt sắc hồng!



Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

nhà rừng tháng tư - chuyện cổ tích luôn có thời hạn

Sau một tháng Ba có nhiều ồn ào, cái xóm núi bé xíu hiện giờ xem ra đang hừng hực khí thế tranh chấp và đấu tranh!

nhà rừng cuối chiều tháng Tư
Con rể nhà Jacob đang kiện một gã-không-biết-là-ai về chuyện nhà của người này để rò rỉ dầu sang phần đất rừng của nhà ông. Vấn đề là cái người chẳng ma nào biết là ai này hưởng thừa kế nhà-đất-rừng từ ông hàng xóm đã quá cố, và người này từ trước đến giờ chưa bao giờ xuất hiện trong vùng. Lẽ dĩ nhiên là cái nhà bị xem là có vấn đề rò rỉ dầu hiện đang bị bỏ hoang.

Ông hàng xóm đòi lão Tiên sinh 4 mẫu đất - từ giờ tôi gọi là ông 4 mẫu - đang định mua lại phần đỉnh núi của một ông hiện có hai nhà to sụ, một ở NYC một ở trấn nhà giàu danh tiếng thuộc Massachusetts - tạm gọi là ông đỉnh núi. 

Ông đỉnh núi này rất "đỉnh". Ông sở hữu đất rừng kha khá nhưng về nguyên tắc là đất rừng trinh nguyên, không có đường sá hay công trình chi sất. Muốn mở đường hay xây nhà thì phải xin phép loằng ngoằng và tốn kém kha khá tiền.

Không rõ ông không chịu xin phép hay đã xin phép mà không được xã sở tại cho phép. Túm lại là ngày đẹp trời thòi lòi trên đỉnh núi một cái cabine nhỏ với hai cối xay gió tạo điện. Về nước thì mạch ngầm chẳng thiếu, hẳn ông đã cho đào giếng khoan rồi. Ông này cứ thế mà ung dung với cái nhà bất hợp pháp của mình.

Còn ông drone - vị hàng xóm được biết đến khắp vùng với tư cách con rể nhà điều chế hương nổi danh nước Mỹ, người đi cắm biển cảnh báo lung tung lên cây của các nhà láng giềng và cũng là tay soi mói chuyên cho chạy drones theo dõi khắp vùng đã tìm cách kiện đòi phá dỡ cái nhà bất hợp pháp kia mà bất thành.

Ông đỉnh núi thét giá 1 triệu đồng tiền Mỹ. Ông 4 mẫu trả giá 800 ngàn với cái cớ, 200 ngàn còn lại là để làm đường. Và có vẻ vụ giao dịch này sẽ tựu thành. 

Lại nghe nói ông 4 mẫu sẽ xây nhà trọ cao cấp trên đỉnh núi. Và cũng nghe nói là đã có hai nhà láng giềng sát nách - nói là sát nách nhưng thực là từ núi này trông sang núi kia - đã hừng hực khí thế kiện tụng phá đám. Lý do rất đơn giản, họ chỉ muốn nhà mình được bao bọc bởi rừng cây chứ không phải là mái nhà hay kính xe phản chiếu ánh sáng dưới nắng trời.

Lão Tiên sinh cũng lo ngay ngáy vụ xây dựng này. Tôi thì cười rũ vì ông lão hẳn phải sắm ống nhòm tầm xa thì mới có thể có được cảm giác ngứa mắt hay bị quấy rầy. Vì so với hai nhà đang định kiện tụng kia, ông ở cách xa ông đỉnh núi một đoạn đường chim bay kha khá dài.

Lại nữa quay lại chuyện ông 4 mẫu. Tiên sinh có bạn đến chơi nhà rừng. Ông bạn này có phần mềm đo đạc đất rừng, thế là hai ông rủ nhau đi xem cái chỗ đất "tranh chấp" kia. Kết quả là ông hàng xóm đòi không phải là 4 mẫu như miệng ông nói ra mà là hẳn 6 mẫu.

Lão Tiên sinh kể chuyện này với ông nhà ở dưới chân núi chỗ sát đường cái. Ông này là dân sở tại chuyện gì cũng biết ai cũng quen và có thói tám chuyện rất đặc trưng người Mỹ lao động ở vùng quê. Chẳng hiểu ông lan truyền tin tức thế nào mà chuyện này đến tay một ông có liên quan đến chuyện cấp phép xây dựng. Thế là cái ông trong ban cấp phép cho dù chẳng quen biết gì ông lão nhà mình nhưng lại tuyên bố đứng cùng "chiến tuyến" với lời hứa, nó [ông 4 mẫu] mà xin phép xem thì chết với tôi.

Cũng ở dưới chân núi có nhà giàu NYC với anh chồng là tay môi giới bất động sản còn chị vợ làm quản lý cấp cao một trong những ngân hàng khét tiếng nước Mỹ. Vào thời điểm covid đỉnh điểm và nhân dân NYC - ít nhất là đám có tiền - thoát tẩu khỏi thành phố, nhà đó phẩy tay một phát mua cái nhà kèm đất và rừng vốn được rao bán hơn triệu đô và ở tình trạng mốc meo trên thị trường bất động sản từ mấy năm nay vì bị xem là có cái giá không tưởng xét ở phương diện vị trí nhà cũng như diện tích đất rừng kèm theo - quá khiêm tốn nếu so với bọn trên núi. Giờ cứ đến cuối tuần thì xe lớn xe nhỏ lũ lượt kéo đến, đạn súng tự động ầm ầm khắp vùng. Hàng xóm mấy nhà gần đấy rủ nhau đi kiện nhưng xem ra thua thằng nhà giàu. Nghe nói bà con tức lắm mà chưa làm gì được ngoài cái việc chửi thầm, tiên sư thằng nhà giàu.

Có lẽ ông drone ở quá xa nên tiếng súng đoành đoành chẳng ảnh hưởng đến ông. Chứ ông này đi kiện thì có khi lại ra ngô ra khoai chẳng biết chừng. 

Chuyện hài cuối cùng là không chỉ có ông chặt rừng Bruce sưu tầm súng và đạn. Nhà nào cũng treo ít nhất một khẩu súng dài. Thậm chí nhóc Roe từ năm 10 tuổi đã có khẩu súng săn của riêng mình với giấy cấp phép to tướng. Có vẻ như chỉ có mỗi bà già mẹ kế già lụ khụ của hai chị em nhà Jacob cùng lão Tiên sinh là không có súng và đạn ở trong nhà.

xóm núi yên bình - tựa như mãi mãi là cổ tích
còn khi lòng người chộn rộn thì cổ tích hoá ra có thời hạn
Tôi nghe Tiên sinh cập nhật tình hình láng giềng nhà rừng xong thì hềnh hệch cười và bắt đầu màn đóng góp ý kiến với rất nhiều xỏ xiên. Thứ nhất, ông nên mua súng và đạn để đảm bảo giống như tất thảy mọi người, cái này gọi là hoà đồng, là có tinh thần tập thể. Thứ hai, ông cần nghiêm túc tự kiểm điểm vì xem ra nếu không bắt đầu từ việc ông già Bruce đem máy móc đến đốn cây tỉa rừng thì cái xóm núi nhỏ này đâu bỗng xốn xang và ồn ào tay này nhòm sang nhà tay kia rồi về lục tung hòm tủ tìm cho ra những tấm bản đồ rách nát nào đó để mà có cớ nảy sinh tranh chấp.

Tôi cũng hỏi lại ông lão, giờ khi biết diện tích ông 4 mẫu đòi hoá ra là những 6 mẫu thì ông có "xót ruột" không. Ông lão tỉnh queo, nó thích kiện thì đi mà thuê trọng tài. Hoá ra bản đồ mỗi nhà sở hữu chỉ để làm cảnh, bản đồ của xã chỉ để thu thuế, còn nghiêm túc phi thường rủ nhau ra toà thì phải quay lại đám khế ước cùng đủ kiếu giấy tờ pháp lý khác có nguồn gốc từ vài đời trước, với những chỉ dẫn rất li kỳ tỷ như con lạch nhỏ cạnh bãi tập kết gỗ của nhà Johnson hay hàng rào chuồng ngựa nhà Spencer và rồi nữa bao nhiêu thước tính từ nhà Goodrich.

Cái nhà Goodrich được nói tới giờ là bãi đất trống với không một dấu vết còn sót lại của nền móng. Nhà Johnson hay Spencer giờ hậu duệ ở nơi nảo nơi nao có ma nó biết. Và tên của một đống các con lạch, khe nước, hay cả các viên đá lớn, rồi những bãi tập kết gỗ, lò đốt than... tất cả đều chỉ đơn thuần là những cái tên. 

Mặc cho ông 4 mẫu nóng vội muốn đòi đất, ông nhà bên này lại rất tửng, đúng kiểu bác thích thì xin mời.

À mà xíu quên, theo luật mới của tiểu bang, nhà hàng xóm trên núi sẽ trồng cần. Cũng là theo luật, mỗi người lớn được định mức 6 cây. Nhà đó đông người nhưng tính ra trừ bà mẹ già cùng hai vợ chồng con trai thì đám trẻ con đều không trong diện được phép. 

Tiên sinh vui tính bảo ông hàng xóm, nhà tao có hai mống người lớn, cho mày 2 suất đó. Ông hàng xóm rất khoái chí vụ này.

Tiên sinh còn hỏi, thế vô tình trồng dư thêm có sao không. Âý không được, thanh tra của tiểu bang ngồi máy bay trực thăng với phần mềm đọc rõ ràng từng cái cây một. Vây nên nếu cần được trồng thì sẽ có tổng là 30 cây ở cái góc này của xóm núi.

Ôi cái nước Mỹ!

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2021

món uống hà nội - chanh ta, mật ong ta và gừng ta

"ta" từ đầu tới cuối
món chanh - mật ong - gừng ở căn hộ
Tôi nhớ các trái chanh vàng - lemon và chanh xanh - lime quen thuộc trong bếp nhà biển!

Sáng nay tôi quay lại routine chanh - mật ong - gừng để nhuận họng và thanh tẩy hệ thống đường ruột chạy loằng ngoằng.

- Chanh ta ngâm trong nước muối rồi sau đó được lau ráo, bổ dọc quả và thái lát mỏng, thái đến đâu để ý khều bỏ hạt đến đấy
- Gừng ta thái sợi
- Mật ong ta được đảm bảo là 100% nguyên chất - cứ cố gắng mà tin vậy đi 

Xong xuôi chuẩn bị chanh và gừng, lại có hũ mật ong sẵn sàng ở bên, thế thì ta ngâm chanh - mật ong - gừng.

So với chanh "tây", đặc biệt là các bạn lemon - chanh vàng, chanh ta có chút gắt đậm [của] tinh dầu. Vì thế, khi pha nước mỗi sáng mà lơ đễnh để lượng nước nóng quá nhiều thì dễ bị cảm giác nhằng nhặng đắng. 

Sau vài lần ẩu tả như vậy, tôi rút kinh nghiệm, rón rén cho một tầng nước lọc bình thường trước rồi sau đó mới châm thêm nước nóng.

Kết quả được cốc nước chanh -mật ong - gừng thơm phức. Thứ nước ấm dịu đó từ từ đi dạo qua cuống họng, chưa biết tốt lành lợi hại ra sao nhưng cảm giác khoan khoái thì là đích thực hiện diện :-)

ba trái chanh - một mẩu gừng

một lớp chanh, một lớp gừng
chờ phủ mật ong

nhà rừng cuối tháng 3 - các vị hàng xóm đặc biệt

Đây là note dang dở ghi lại chuyện tháng 3. Lẽ ra nó sẽ tiếp tục ở trong mục "notes nháp". Nhưng vì chuyện xóm núi mỗi ngày một hay [ho] nên giờ nó thành công khai :-)

(1)

Tôi cười lăn lóc với những mẩu chuyện nhỏ về các vị hàng xóm đặc biệt của Tiên sinh ở Massachusetts.

Có một tương phản lớn giữa những người bình dân, làm mấy nghề động tới chân tay, có gốc rễ và quen sống đời sống nhà quê với đám người thành phố nhớn hoặc chỉ về đây để nghỉ ngơi vui thú hoặc dù là về sống ổn định song vẫn giữ không ít nếp sinh hoạt cùng cái não trạng dân đô thị - cổ cồn - trung lưu.

(2)

Ông già Bruce chặt rừng léng phéng thế nào chạm vào ngưỡng 20m tính từ đường biên giới rừng giữa nhà Tiên sinh với nhà dưới núi của hai chị em Jacobs sống ở Boston. 

Chồng của một trong hai bà Jacob túm được lão Tiên sinh trên đường ông xuống núi, phàn nàn về cái sự vi phạm này. Ông lão chân thành tiếp thu, chân thành hứa hẹn sẽ nhắc nhở lão Bruce dọn dẹp hiện trường. 

Khi kể lại chuyện này cho tôi, ông cười khì khì bảo, ông rể nhà Jacob kia có lý của ông ý. Nhưng mà cái đường biên giới rừng giữa hai nhà nó ở tận đẩu tận đâu, ông ý có nhìn thấy gì đâu mà để vướng bận con ngươi kia chứ.

(3)

Lại một ông hàng xóm khác, hậu duệ của nhà Goodrich nổi danh trong lịch sử vùng này, người sống chính là ở NYC và đất nhà trên núi đã giảm kha khá diện tích sau không biết bao lần xẻ đất bán rừng, người mà trong suốt cuộc đời mình lão Tiên sinh chỉ gặp cả thấy bốn năm lần, giờ bỗng nhiên tìm đến gõ cửa nói chuyện với ông lão với quà gặp mặt là mấy cái bánh quy nhà làm.

Chuyện ban đầu là ông hậu duệ Goodrich muốn thuê ông Bruce chặt rừng và tiện thể xin đi nhờ đường của hai nhà trên núi thay vì để xe chở củi cày [nát] đường nhà ông. Nhưng khi ghé qua nhà với món quà là ba cái bánh cookies được giới thiệu là do bà vợ tự làm thì ông hậu duệ Goodrich chuyển sang chuyện khác, đại ý thông báo với lão Tiên sinh là theo bản đồ ông có từ 30 năm nay thì lão Tiên sinh hiện đang lấn 4 mẫu đất bên phần rừng nhà ông, và lão Bruce đã đốn không ít cây từ chỗ 4 mẫu đất đó. 

Tiên sinh kể xong đoạn này thì nói tiếp, vấn đề là tới giờ tui vẫn không hiểu ông hậu duệ Goodrich kia muốn gì. Ý là đòi chia phần tiền bán gỗ từ 4 mẫu đất kia, hay ý là nhân chuyện này thì tốt nhất là ông [Tiên sinh] phải cho tui [ông hậu duệ nhà Goodrich] để xe gỗ chạy qua đường nhà ông. 

Mà cũng theo lão Tiên sinh thì với bản đồ ông có trong tay, chuyện 4 mẫu đất rừng kia là chuyện vớ vẩn nhất trần đời. Ông lão cười khơ khơ bảo, thực thì mấy mẫu đất đó chẳng có nghĩa lý quái gì vì vấn đề là thuế đất thuế rừng hàng năm từ bấy lâu nay ai người nấy nộp, đất rừng kia trừ phi có biến cố đặc biệt thì đời đời sẽ là đất rừng để mặc tự nhiên vận hành, tranh giành nhau mà làm gì.

(4)

Chuyện có lẽ đặc sắc hơn cả là về ông hàng xóm con rể nhà giàu điều chế nước hoa nổi danh xứ cờ-hoa. Với ông này, "tranh chấp" không có màn đối thoại công khai mà là ngấm ngầm cù lần ăn người.

Có đến gần hai mươi năm trước, ông hàng xóm này vừa chân ướt chân ráo rời NYC về định cư ở lưng chừng núi đã cho người bắn lên từng gốc cây suốt một dọc đường dưới chân núi các tấm biển cảnh báo để xác định quyền sở hữu đất và rừng của ông... trên vùng đất của gia đình lão Tiên sinh và cả một vài hàng xóm khác nữa.

Thời ấy, ông lão không ra mặt mà nhắc phụ huynh nhắc nhở ông hàng xóm mới kia. Sau đó, các tấm biển cảnh báo được dỡ bỏ.

Từ năm trước sang năm nay, ông hàng xóm lại vui tính cho người bắn biển cảnh báo lên từng gốc cây. Lão Tiên sinh cười hắc hắc bảo, cứ để đấy, chờ tui nghiên cứu.

Tôi hỏi nghiên cứu gì, hoá ra là có cái luật rách nát từ đời cụ cố quy định rằng nếu đặt biển xác định quyền sở hữu trong 6 năm mà không có thằng cha con mẹ nào khiếu kiện thì cái đất cắm dùi đó đương nhiên sẽ thuộc về kẻ cho cắm biển chỉ quyền. 

Lão Tiên sinh xem ra còn mấy năm để tính toán là sẽ gọi điện hay viết thư trực tiếp nhắc nhở ông hàng xóm kia hay sẽ dùng biện pháp khác. 

Trong thời gian đó, ông lão gần như chắc chắn là chính ông hàng xóm kia đang có hàng rào trại ngựa lấn sang phần đất của mình. 

(5)

Mớ chuyện dở hơi là vậy. Giờ sang chuyện hài hước với nhà hàng xóm trên núi.

Ngày đẹp trời, ông hàng xóm xuống chơi tỉnh bơ thông báo, tao bán trang trại ở Vermont rồi.

Chúng tôi choáng váng, vì những người hàng xóm có bao yêu thích cùng tự hào về cái trang trại trồng cần của họ, cũng như vì cái trang trại đó có sức sinh lời lớn đến thế nào.

Giải thích về lý do bán trang trại từ ông hàng xóm hoá ra nghe thật thuận tai. 

Thứ nhất, con gái ông đã mua và khởi động một trang trại, cũng chuyên món cần, và giờ mọi hoạt động đã vào nề nếp. Trang trại mới này đúng là xa hơn nếu tính đường từ Massachusetts qua Vermont nhưng bù lại có diện tích gấp vài lần trang trại của ông bố, và quan trọng là bà con gái rủ ông bố canh ty cùng khai thác nó.

Thứ hai, một tối muộn thứ Sáu nào đó, vợ ông hàng xóm vui tính nảy ý tưởng tìm hiểu giá trị trang trại [cũ] của nhà mình trên thị trường. Hai vợ chồng trao đổi mấy câu thì bà vợ cho luôn thông tin rao bán lên mạng nhện.

Ông hàng xóm kể, cùng đêm đó, tin nhắn và email chạy tới rào rào. Sang ngày thứ Bảy thì hai vợ chồng ông bị oanh tạc bởi các cú điện thoại.

Và đêm thứ Bảy, thương vụ đã hoàn tất. Một tay chuyên gia tài chính người Dublin nào đó sống ở California, người không có bất cứ hiểu biết gì về ngành nghề trồng cần cũng như chế biến các sản phẩm CBD và cũng chưa từng đến Vermont đã đưa ra một mức giá hời đủ để vợ chồng nhà hàng xóm gật đầu tắp lự. 

Bình thường, tôi nghe kể chuyện mua và bán nhà ở xứ cờ-hoa lằng ngoằng và không ít bất định. Thế nhưng lần này, chuyện nghe được na ná giống mấy bà nhà giàu Hà Nội phất lên từ đất, ú ớ nhận điện thoại rồi bán ô này, miếng nọ qua điện thoại mà chẳng cần biết đất đó đích xác tròn méo dài rộng ra sao. Hoa ra ở đó và ở đây, vẫn có chuyện người ta mua và bán nhà đất giống như tôi ra chợ mua một mớ rau vậy, hì :-)

mong "bị ốm" & chuyện thềm nghỉ

(1)

Tôi ban đầu không mấy để ý, nhưng sau hơn tuần thì bắt đầu giật mình, và giờ là kiên trì nhắc nhở bản thân, chú ý chú ý.

Chuyện là gì?

Tôi luôn phàn nàn về sự ăn không ngồi rồi vô tích sự trong thời gian ở Mỹ, nhưng hoá ra chính thời gian đó lại là lúc tôi vận động cơ thể - thường là một cách tự nhiên chứ không phải chủ động ý thức gì - kha khá là tích cực. Thêm vào đó, có lẽ tôi cười nhạo bạn đánh chén về cái sự uống rượu bia cũng như ăn thịt cá cả tảng của ông đã đủ no nên tính đến cùng thì lượng thức ăn tôi nhét vô dạ mỗi ngày chẳng đáng là bao nhiêu.

Khi rời Mỹ số cân nặng của tôi xấp xỉ mức 62-63. Chẳng phải là thành tựu vẻ vang gì nếu so với con số mơ ước 59-60 mà tôi định cho bản thân từ nhiều năm nay. Nhưng dù gì cũng vẫn là con số tốt nếu so với mức 65-66 ở thời điểm Tết năm trước.

(2)

Hai tuần cách ly tập trung, ăn theo suất, xem ra tôi ổn.

Hai tuần tự cách ly, lọ mọ nấu và ăn có chút "phóng túng", tôi xem ra vẫn ổn.

Nhưng ngay khi "tự do" thì ôi thôi, mọi chuyện bắt đầu xấu.

Các bữa tối ăn chung với TL, lượng cơm luôn là nguyên bát, trong khi hơn năm qua tính tổng lượng cơm tôi xơi chắc chưa được chục cái đơn vị bát đó. Nếu tính cháo thì lượng gạo tiêu thụ sẽ nhiều hơn, nhưng với tôi cơm là cơm, cháo là cháo, tất không đồng nhất.

Nhưng ngay cả cơm trong bữa tối thực thì chúng tôi có ăn bao đâu. Vì bữa tối "ăn linh tinh" - tức là không có cơm, của tôi cũng thực là nhiều.

Vậy vấn đề là ở đâu?

(3)

Tôi nghĩ mãi thì giật mình ở hai điểm. 

Điểm thứ nhất là điểm nhỏ, song là thói quen cố hữu của con nhà nghèo từ trước đến nay, nên nó hoá thành tác nhân thầm lặng. Đó là thái độ bỏ thì phí mà đã thế thì ráng ăn nốt.

Chúng tôi hẳn sẽ phải tiếp tục để ý điều chỉnh khẩu phần cho/trong mỗi bữa. Nhất là các món canh do TL nấu, ngon rất ngon, nhưng bát tô lớn mà cứ cố ăn cho hết thì cái dạ chịu không thấu.

Điểm thứ hai cũng thầm lặng và quen thuộc chẳng kém: vấn đề cơ thể vận động. Ở nhà biển hay nhà rừng, tôi có không gian vườn và rừng rộng lớn để tha hồ lăn lê bò toài và làm đủ trò. Ngay cả giữa mùa đông, chạy đi chạy lại dọn dẹp giữa các phòng trong hai nhà cũng là một việc đòi hỏi nhiều năng lượng cơ thể. 

Còn ở đây, không gian sống nhà Hà Nội thực rất nhỏ. Ngoài vườn có tỷ việc để làm đấy nhưng hai tuần qua trời không ẩm thì mưa, loay hoay thêm vài việc phải đi ra ngoài nên thời gian sáng sủa của ngày dành cho lao động chân tay ngoài vườn coi như phá sản. 

Tôi ăn vui vẻ, ăn tích cực, ăn vô độ. Mà không hoạt động chân tay tiêu thực cũng như vận động các cơ và xương khớp, thế thì ù lì là đương nhiên.

(4)

Giờ tôi quay lại ngưỡng huy hoàng xấp xỉ 66. Thật là con số đáng ghét! Hay nói chính xác hơn là tôi từ cái cân bước xuống thì chán ghét tôi.

66 tuy vậy vẫn chỉ là vấn đề con số. Nghiêm trọng hơn là cảm giác vừa nặng nề lại vừa suy kiệt, từ bên trong. 

Sáng thứ Hai đầu tuần hôm qua tôi chạm thêm một mốc cán xấu xí, chưa bao giờ tôi cảm thấy mệt đến thế. Nó giống như toàn bộ cơ thể bị rút cạn sinh lực. Không ốm chẳng đau theo kiểu thông thường. Đơn giản là ủ rũ, quắt héo, kiệt quệ. Bạn biết điều đó, và bạn bất lực.

(5)

Tôi có đủ hiểu biết về cơ thể của bản thân để hóng nó - một đợt ốm "thanh tẩy" cho quãng thời gian dài sống trong hoàn cảnh không-bình-thường cũng như những di chuyển dài.

Điều lạ lùng là cho tới giờ,  nhất định chưa tới gõ cửa. Ngày hôm qua bê bết nằm nhà, lơ ma lơ mơ nửa tỉnh nửa mê, đến cuối chiều vì có việc gấp tôi vẫn phải lê lết rời khỏi căn hộ để về nhà để giải quyết. Lúc xong xuôi hết cả và trèo bus với cái túi to tướng đựng quần áo dơ mang về căn hộ để giặt sấy, tôi ngạc nhiên, sao mình vẫn đủ sức đi lại thế này.

Còn sau một giấc không quá dài, chẳng quá sâu nhưng vẫn là liền lạc gần 4-5 giờ đồng hồ đêm qua, giờ tôi cảm thấy khá hơn rất nhiều. Dù vẫn còn đó chút khó chịu, chút bức, chút bí trong người, nhất là cái rổ bụng to hơn bà bầu 4 tháng. 

(6)

Không có quá nhiều gạch đầu dòng để thực hiện, và tuyệt đối chẳng có nhận thức gì mới mẻ ở đây. Tôi đơn giản là cần quay lại thực hành kỷ luật.

- Tính toán nấu mẻ lớn và phân bổ các khẩu phần ăn solo sao cho hợp lý, ưu tiên rau củ quả, bỏ gần như tiệt hẳn cafe - úi à tôi vẫn uống chút chút, thường là cùng sữa tươi làm cho việc uống chicoré mỗi sáng trở nên dễ dàng thuận lợi hơn
- Tăng cường cơ thể vận động, các bài tập gần như tĩnh là một chuyện, nhưng cũng có thể là đến tối thì lọ mọ xuống tầng và đi một vòng khuôn viên khu chung cư, tha hồ ngắm nghía hai toà nhà cũng như các cư dân tích cực tinh thần thể dục thể thao với đủ kiểu thời trang chạy bộ của chúng

Đơn giản là vậy đi!

Trong khi tiếp tục chờ, cái đợt ốm thanh tẩy giống Godot này!

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

nhút thanh chương - nhút xào bacon rắc lá chanh

nhút Thanh Chương - Nghệ An
món xào với bacon
(1)

Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn.

Tôi nhớ vế đầu, vế sau quên. Lúc về Bắc Ninh thăm Bố Mẹ, tôi khoe khoang chuyện nhận được quà là hộp nhút từ em bạn đồng nghiệp, lẩm bẩm nhút Thanh Chương rồi ngắc ngứ không biết nói tiếp thế nào thì được ông cụ già nhắc. À nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn.

(2)

Nhiều năm trước tôi đã nhận được từ cô em đồng nghiệp này một hộp nhỏ món nhút đặc sản quê hương và gia đình. Ấn tượng tôi giữ từ đó tới giờ là thật ngon!

Hôm trước vô tình nói chuyện, tôi đeo bám dày mặt hỏi xin và lần này quà đến là một hộp kha khá to - món nhút muối do Bà Nội của bọn trẻ con tự tay làm.

(3)

Nghe em bạn đồng nghiệp kể, nhút này được làm từ mít non với măng và hoa chuối, thời gian ủ/ướp muối nghe đâu nhiều giờ đồng hồ, và quan trọng nhất là tỷ lệ ướp rau - muối là 7/1, điều này giải thích tại sao có nhắc nhở từ cô em là phải rửa kỹ nhút để tẩy mặn trước khi làm món xào.

Chiều qua TL nấu cơm với phần canh là rau muống luộc và nước rau vắt chanh tạo chua. Thức ăn mặn độc món: nhút xào.

Cô em hỏi làm thế nào. Tôi lơ ma lơ mơ, ơ thế nhà mình có tóp mỡ không. Bữa trước về Bắc Ninh chúng tôi lơ đễnh mà quên phần tóp mỡ xin Mẹ. Thế là rất mau tôi tính toán, thử làm với bacon hiệu ông già IKA xem.

TL cười nhạo tôi, nhưng rốt cuộc vẫn là chấp nhận cái ý đề xuất này.

(4)

- Nhút được rửa tẩy mặn và làm ráo
- Hành hương và tỏi bằm được phi thơm 
- Bacon được làm săn
- Xào nhút 
- Xong rồi rắc chút lá chanh

(5)

Trong nhút đã có sẵn ớt nhưng hôm qua cả TL và tôi đều nhất trí cao độ, giá nhà mình có trái ớt tươi thêm vào thì món đã ngon lại càng ngon [hơn].

Thêm nữa là TL có chút eo hẹp đường lá chanh, chắc do lần đầu xào nhút nên rón rén vậy. Bữa sau hẳn là chúng tôi nên cho thêm cái bạn lá gia vị thơm thơm này.

Củ hành muối kèm trong nhút ăn giòn giòn chua chua rất thích nhưng bản thân món nhút muối trong tổng thể lại thiếu cái phần chua quen thuộc của nhiều món muối [chua]. TL tính toán hồi thì tiện có nửa quả chanh dùng vắt nước cốt cho nước luộc rau muống cứ thế mà vắt qua một lượt đĩa nhút xào. Thế là yếu tố chua được giải quyết.

Cơm trắng, rau muống luộc, nhút xào, quả là một kết hợp hoàn hảo. Giờ tôi đã hiểu tại sao em bạn đồng nghiệp lại nói món này tốn cơm như thế nào :-)))

Bacon ông già IKA cho dù khá ổn trong đĩa nhút xào thì bữa sau dứt khoát chúng tôi sẽ tự thắng tóp mỡ để làm một đĩa nhút xào chuẩn chỉnh. 

nhút Thanh Chương - Nghệ An
có mít non, măng, hoa chuối, hành, ớt và dĩ nhiên là muối nữa