Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

I can't go on, I'll go on

Highlands Xuân Diệu ngày ồn ào tin covid
không phải lúc nhẩn nha Beckett
mà là phi thường nghiêm túc Baubérot :-)))
(1)

Hôm qua cô em đồng nghiệp có việc cần gặp ông thầy hướng dẫn, rủ rê tôi đi cùng. Bữa trước gặp Thầy, tôi hứa hươu hứa vượn sẽ chăm chỉ đọc tài liệu Thầy cho và cho mượn nhưng gần hai tuần mắt toét nhèm cộng với mệt lả lơi, tôi đọc nhảy cóc chữ nghĩa cứ gọi là quay mòng mọng, thế nên lần này tôi bám càng đồng nghiệp coi như để xin một tách trà hơn là học hỏi.

Trước qua nhà Thầy còn có thể gửi xe máy ở cơ quan đối diện, giờ người ta không nhận, tài sản tôi giá trị nhất là cái xe mà thành phố trộm cướp như rươi nên con giời tặc lưỡi, bỏ vụ xe máy.

Qua Highlands tự tặng mình cốc latte sau cả mươi ngày im ắng cai cafe, và về căn bản là thành công, tôi tự tặng mình chút thời gian "quỷ dị" trong cái sảnh rộng vốn bình thường chật ních người nhưng chiều qua lơ thơ vài mống với cả đống bàn ghi chú nhắc nhở khẩu trang hoặc không là có tấm ngăn trong suốt. Giời ạ, bàn đơn cho hai người mà anh ả nói chuyện với nhau qua cái màn nhựa trong kia thì còn chi lãng mạn!

Không khí covid trong quán cafe là vậy, ra ngoài đường với vụ tìm xe của tôi xem chừng còn khẩn trương hơn. Tôi định tìm đại một ông xe máy Grab nhưng ông nhìn thấy thì điệu bộ không đáng tin, ông trông có vẻ gọn gàng ngay ngắn thì nhìn gần hoá ra Grab giao hàng. Chuyển sang ngó taxi, thấy một ông tôi ra sức khua tay cả hồi, chỉ đến khi lấy tay gõ đầu xe thì ông tài mới nhấc mí mắt.

Hoá ra ông mấy giờ đồng hồ không có khách, rảnh rỗi ngả ngốn ghế lái nằm dzuỗi coi [phim] Bao Công trên mạng nhện. Tôi đùa vui, giờ có Bao Công này, mà lại có tiền nữa, vui hơn là xem cái ông mặt đen sì kia.

(2)

Trên đường đi, bác tài cập nhật tình hình covid cho khách là tôi xong thì nói thêm, mai em nghỉ vì ngồi mãi chẳng có khách. Sang chuyện "thế này thì chết đói mất", tôi cố gắng lạc quan, thôi thì ai cũng gắng vun vén chịu đựng chút cho hết cái đận này, câu còn chưa dứt bị dội ngay gáo nước lạnh. Rằng thì là mà, các chị ở thành phố không biết đâu, quê ra như chúng em có người cả nhà mấy người ở quê chỉ trông vào đúng nguồn thu nhập này, giờ không có việc thì "chết đói" thật chứ chẳng phải nói chơi.

Chuyển sang chuyện có cho người về/nhập cảnh nữa không, tôi lầm bầm, đọc đâu đó ý kiến giờ đóng tuốt, đóng chặt, đóng hoàn toàn nhưng mà nếu vậy thì đâu có được vì người Việt Nam có quyền về nước mà. Bác tài góp chuyện, em chỉ là thằng lái taxi nhưng em cũng biết cái "kiểu" nhà mình. 

Tôi nghe câu đó vểnh tai hóng. Lời giải thích và bình luận là, bố bảo ông nào [chính quyền] dám nói không cho bà con [người mình] nhập cảnh đấy. Nhưng mà các bố ấy khôn lắm, chúng mày cứ đăng ký đi chờ Nhà nước sắp xếp. Thế nên không quan hệ, không quyền chức thì đố chúng mày về được đấy. Thế nên cứ mắc kẹt ở nước ngoài một năm hai năm cũng là chuyện bình thường.

(3)

Nghe chuyện dân gian luôn có nhiều ý tứ kiểu như vậy. Tôi chẳng bình phẩm thêm thắt gì vào mạch chuyện, im im ngẫm nghĩ chuyện mình hồi tháng Ba, thật đúng là hú hồn hú vía, thật đúng là may mắn!

Bữa đó chờ bay đi Dallas để bắt đầu hành trình "thoát tẩu hồi hương", tôi nghe phong phanh ý ai đó quen biết bình luận rằng thì là mà con này [tôi] số nhọ, số khổ. Rõ ràng là vừa được xếp lịch bay thì chính phủ bắt đầu xem xét mở rộng việc tổ chức bay về nước, nếu chỉ chậm hơn chút thì hẳn đỡ tốn kém hơn. 

Ấy thế mà giờ thì chẳng biết ai tốn hơn ai. Nếu tôi cứ khư khư bám chấp chuyện đồng tiền thì hẳn sẽ còn tiếp tục cái routine mắc kẹt ở xứ sở cờ-hoa.

(4)

Các tin tức dồn dập mấy hôm nay về covid ở nhà mình quả là xấu xí. 

TL luôn. miệng dặn dò tôi, nhớ nhá không được đi gội đầu ở tiệm bên kia đường, đừng mua rau ở chỗ Hai Chị - thực là một nhóm ba bốn chị và cô bán rau ở cổng sau chợ tiểu khu - vì các chị ấy tiếp xúc nhiều người lắm, đừng đi bus nữa, vân vân và chi chi.

Hai cụ già ở Bắc Ninh quay lại nhịp "tự bế", về căn bản là suốt ngày ở trong nhà. Tin mới nhất là huyện bên cạnh đã có người dính con virus. Ở quê chẳng cần nói chuyện tụ tập bia bọt hay cỗ bàn, chỉ cần mỗi vụ đi chợ thôi đã thấy no con mắt cảnh bà con đi lại thân cận tay đập vai nhau, miệng ghé sát tai người thì thào chuyện nhà chuyện xóm chuyện làng... lấy đâu ra mà giữ khoảng cách hai mét, thế nên thôi thì mình tự giữ khoảng cách cho nó lành.

(5)

Nhưng mà lạ nhá!

Quán xá cạnh và gần nhà Hà Nội vẫn tấp nập đông vui nhân dân xơi bánh xèo, ăn miến ngan và phở gà cũng như dzô dzô một hai ba ở quán nhậu mỗi khi trời ngả bóng. 

Ở toà nhà bên cạnh vẫn vui vẻ cảnh ông về hưu khẩu trang che được đúng nửa cái miệng tám chuyện bét nhè với bà goá ngồi nhếch mông ở mép hiên nhà tầng một và không đeo khẩu trang.

Hàng nước chè của ông hàng xóm cách mấy nhà vốn là địa điểm ghi lô đề cấp thấp kiêm cơ sở nắm bắt thông tin phục vụ công tác an ninh trật tự tổ khu phố vẫn đông vui nhộn nhịp anh tài rít thuốc lào long sòng sọc và chị em từ trên tầng xuống tụ tập buôn dưa lê định kỳ.

(6)

Chiều qua, trong những câu chuyên quanh bàn trà nhà ông thầy, tôi nghe cô em đồng nghiệp khoe, giờ cô đã có một chỗ cho mình khi hạn hai năm mươi gõ cửa. 

Tôi nghe quen tai chuyện các bậc gia trưởng trong nhà mua sẵn đất cho mình, rồi cũng quen cả chuyện đàn anh đàn chị có vị trí đẹp ở công viên vĩnh hằng này nọ toạ núi ngó sông phong thuỷ hữu tình chi chi đủ kiểu. 

Nhưng nghe chuyện cô em nhỏ tuổi hơn mình, úi chà có chút kỳ! Mà rồi tôi mau phát hiện, cô này khá! Trong khi tôi mới chỉ loay hoay suy nghĩ về death cleaning, tìm cách chuyển giao, tống khứ đồ đạc thì cô em đã có cái ô đất riêng cho mình.

(7) 

Tôi tiếc tiền nên quyết định ngồi bus để về nhà sau khi tạm biệt ông thầy và cô em đồng nghiệp.

Điểm đón bus không có một bóng người, sực nức mùi rác và nước rác được nắng chiều tưng bừng chiếu cố. Xe bus ngoài bác tài và bác phụ thì có đôi ba vị khách, dãn cách xã hội coi như không cần nhắc cũng cứ thế tự động được tôn trọng.

Lúc xuống xe ở trước cổng cái bảo tàng to rồi băng qua đường đi theo mép tường công viên lớn để về nhà, tôi thấy một cô đi dạo trong dòng người già trẻ lớn bé phởn phơ đi dạo, đi tập giờ chiều trong và men tường ngoài công viên. Cô này khẩu trang che miệng không che mũi hợp chuẩn hững hờ gái phố, cái bụng bầu chắc cũng cỡ qua hai phần ba thai kỳ lặc lè dưới lớp áo t-shirt với dòng chữ to uỳnh đỏ chót Born to Kill.

Tôi cứ vẩn vơ nghĩ từ chiều hôm qua tới giờ về cái hình ảnh bà mẹ trẻ tương lai đó. Vẩn vơ chán rồi thì ồ à, tôi đã hiểu. Khác với hơn một năm sống thường trực trong nỗi sợ ở xứ người, tôi ở đây bất chấp đủ mọi cảnh báo thì vẫn có chút buông lỏng vì những dòng vận động xã hội hết sức bình thường quan sát cả từ các vị láng giềng đến những người xa lạ trên đường.

Thêm nữa là song song với thái độ có chút thả lỏng, buông xuôi đó, tôi có lẽ đã mất đi nhiều năng lực suy nghĩ và hành động nghiêm chỉnh. Những ngày này, tôi sống có lẽ là theo quán tính hơn là thực sự sống.

Những từ ngữ tái sinh, bình phục, hồi phục bỗng hoá thành xa xỉ, nếu không nói là xa lạ!

chi tiêu hạ tiện vs. covid - đợi bus

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét