Đến lượt tôi, nếu được hỏi còn muốn tìm ai để đọc thì sẽ ngậm miệng hột thị.
Thứ nhất là cùng với sự già đi, toàn bộ các giá trị, các kỳ vọng, các mơ ước... tất cả đều trở nên nhạt phếch. Tôi không muốn cũng không thèm khát điều gì, thứ gì một cách quá sôi nổi. Thoang thoáng nghĩ tới một điều gì, một thứ gì, rồi rất mau các suy nghĩ bị quẳng ra sau gáy.
Thứ hai là mắt tôi kém. Giờ tôi thích làm mấy việc chân tay và nghe radio hơn là đọc. Thật là buồn cười khi chỉ chừng mươi năm trước, tôi nghĩ mình không thể sống mà thiếu sách. Giờ tôi chưa đủ cái máu lạnh hay sự dũng cảm để cắc-bụp nói lời tạm biệt và buông bỏ hết thảy, nhưng sách trước mặt tôi không còn cái sự hấp dẫn và tươi mát tinh thần như ngày trước.
Nói vậy nhưng khi đóng gói những cuốn sách cuối cùng, tôi mơ hồ các cảm giác - các cảm giác xưa cũ gắn với những sách nhỏ, sách mỏng trên tay. Tôi nhớ cảm giác buồn buồn khi đọc Hồ Dzếnh, cảm giác được ăn ngon khi khám phá thơ Đường bởi vẻ đẹp của từ, của chữ dù gần như mù tịt món Hán văn. Tôi nhớ đã từng điên rồ tuyên bố trước mồ ma partner và D. rằng sẽ sống một đời xông xênh như nhân vật của Llosa.
Sau bao năm, tôi không còn nhớ đọc gì Hồ Dzếnh, thơ Đường chắc chỉ ngâm nga được đôi ba câu không đầu chẳng cuối, còn Llosa đúng là tôi đọc nhiều nhưng không phải là ông nhà văn mở ra một thế giới huyền ảo mà là một tay phê bình nghiệt ngã chạm vào những câu chuyện xã hội chính trị từ phạm vi Nam Mỹ tới toàn cầu thời coronavirus. Mà ngay cả khi đọc thì cũng là đọc thế thôi, rồi rất mau tất cả đều trôi tuột.
Thời gian thật hay ho. Nó làm chúng ta thay đổi cả trong hành động lẫn suy nghĩ. Tôi đã từng ngu ngốc và háo thắng nghĩ mình thuỷ chung là mình, dứt khoát không thay đổi theo dòng chảy thời gian.
Giờ, các cuốn sách, các bịch sách, các bao tải sách này, chúng nhắc tôi, mày thay đổi rồi!
bé tý đọc bản rút gọn giấy đen sì - lớn ăn chơi tập màu đầy minh hoạ |
mỏng tang, giấy xấu nhưng sách làm tử tế |
hỏi đọc Hồ Dzếnh thế nào, đáp em nhớ là rất buồn |
ngày có người đến nhà lấy đi những bao tải này tôi ắt thành người khác thứ n |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét