Tôi đọc tài liệu ở đó, từ phông Toàn quyền tới phông Thống sứ Bắc Kỳ, có khi nhảy sang cả Đốc lý Hà Nội. Lúc đầu là giúp bạn thân thiết có tư liệu làm luận án về trường thi Hương Nam Định, sau là ngả ngốn tò mò đọc như đứa chết đói gặp được miếng bánh đúc, thích thú với đủ loại thông tin.
Kết quả của những sự rẽ ngang rẽ dọc đó là ngày đẹp trời hai đứa dở hơi phát hiện, chúng mình có kha khá tư liệu về nhân vật ông phố trưởng ở Hà Nội. Thêm một chặng tìm hiểu, sau một hai năm lê mông ở phố Tràng Thi, bạn và tôi hoan hỉ với bản thảo về nhân vật đặc biệt này trong lịch sử Hà Nội thời Pháp thuộc.
(2)
Bài viết đó được công bố, tiền nhuận bút đủ chén một bữa ra trò. Nhưng thích thú hơn cả không phải chuyện đăng tải hay đồng tiền, mà là sự vui thích của một thành tựu được bắt nguồn từ óc hiếu kỳ và cả thái độ vô tư.
Tôi thích cảm giác đó. Thuần tuý làm một điều gì đó vì yêu thích trước hết, vì tò mò trước hết chứ không phải do xô đẩy của cơm áo gạo tiền hay thúc lưng của rộn rã những tham vọng âm mưu thủ đoạn tính đếm trên con đường "học thật - học giả" của ao làng chữ nghĩa.
Sau này có một chuyện rất buồn cười là tôi phát hiện hai đại giáo sư kia bê nguyên bản thảo của chúng tôi cho vào sách của hai ông. Tôi không quá phẫn nộ cáu kỉnh chi mà cười hi hi ha ha, thế cũng tốt, hy vọng có thêm người đọc. Định quay sang trêu bạn, mình có nên làm mình làm mẩy tý không nhể, thì nhớ là một trong hai ông kia là thầy hướng đạo của bạn, chuyện vậy muốn sòng phẳng cũng chẳng thể thẳng tưng. Xuề xoà, ấy nhà mình nó thế.
một thời nghiêm túc |
Cơ quan lưu trữ chuyển đến địa chỉ mới, ở khu đô thị mới, bao quanh bởi nhà ống nhà hộp của bọn tiền mới, giàu xổi sực mùi kim tiền và phô trương loè loẹt.
Cán bộ phòng đọc không còn là mấy người lớn tuổi mặt quàu quạu hay cô bạn nhỏ điềm đạm nữa mà là các gái trẻ giọng nhừa nhựa bèn bẹt với khuôn mặt cùng váy xống phong cách hót-gơn trên ti-vi.
Ngày trước, ở Tràng Thi, từ phòng của bà sếp phụ trách phòng đọc thi thoảng khách đọc tài liệu không cố tình cũng cứ bị lọt lỗ nhĩ mấy thì thào kiểu, tội gì mình không thu tiền của chúng nó [tức độc giả] vì chúng nó có tiền đề tài. Câu đó là của sếp bà đứng đầu cái khoa chuyên môn ở trường đại học. Hồi đó tôi còn nhỏ, nghe thì sốc và xóc lắm. Sau kể loại chuyện này với một người lớn ở trường đại học, thấy người kia ồ à, câu ấy từ miệng bà ấy thì có gì khó hiểu. Cũng may là cơ quan lưu trữ không bị lãnh đạo bởi cái người tham tiền như bà chuyên gia lưu trữ kia, nên tôi ngồi Tràng Thi trừ tiền sao chép tài liệu ra thì chẳng bị gõ thêm khoản nào cả.
Sang phòng đọc mới, câu chuyện rót vào tai không phải là những lời thì thầm kiểu tận thu kia, mà là chuyện sinh hoạt đời thường của đám các em gái từ quê ra phố. Thiếu mỗi màu quần lót của các cô là gì, còn lại chỉ cần hơn nửa tháng chăm chỉ ngồi trong cái phòng to đùng với bàn ghế gỗ ép xấu mù là tôi làu làu đọc CV của từng cô và thậm chí còn đoán được cô nào là con cháu vị nào.
Tôi giúp em bạn đồng nghiệp vụ tư liệu cho vấn đề kiểm duyệt báo chí thời thực dân xong thì tự mình hô biến.
(4)
Bữa nay dọn sách vở tài liệu, tôi ngạc nhiên với đống mớ bản sao tài liệu lưu trữ khá khá nặng xét về đường cân ký.
Một phần không nhỏ về lịch sử Hải Phòng, không phải do tôi tìm mà là vì nằm trong bản thảo dịch cuốn sách về lịch sử thành phố này.
Không ít tài liệu về trường thi Hương Nam Định, từ tổ chức cơ sở vật chất, quy chế trường thi, đề thi tới cả các cáo buộc, thỉnh nguyện của các đồng chí sĩ tử.
Các tài liệu về tổ chức chính quyền toà Đốc lý, liên quan đến nhân vật ông phố trưởng.
Các lưu trữ bài báo bị coi là "có vấn đề" trong con mắt của chính quyền thuộc địa, các báo cáo về tình hình báo chí.
Các lịch sử mảnh đoạn đó giờ không ít đã mờ mực in. Và thế là, tôi trân trọng nói lời Tạm biệt!
xe cải tiến 700 ngàn mua ở Thái Nguyên của bà đồng nát |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét