Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

trời mát xơi giả cầy - chân giò, giềng, mẻ, mắm tôm và húng chó

chân giò nấu giả cầy - ăn vào hôm mát trời
Sau cả tuần nắng oang oang vỡ đầu, Ông Giời chọn đúng ngày sau-bầu cử mà cho cái sự mát mẻ. Sáng ngày mát vừa phải, sang chiều gió hây hây thực làm người ta buồn ngủ. TL làm việc ở nhà, thời gian linh hoạt thuận lợi cho việc làm bếp, ngay từ sáng đã phán một câu, chiều nay trời mát cho Chị chén giả cầy.

Nhà người ta làm món linh đình, nấu mẻ lớn đãi khách ngồi chiếu chén chú chén anh. Nhà mình nhõn hai mống, ăn gọi là vui theo thời tiết. Một cái chân giò bé xíu, được hàng thịt làm sạch, lại khò cho vài phát nên khỏi cảnh bếp nhà lích kích quạt than nướng/hun sơ lớp bì như trước kia. Hàng thịt cũng tiện tay chặt cho vài nhát, đỡ bếp nhà có người lúng ta lúng túng xương chặt chưa thấy đoạn miếng ra sao thì dao đã chực mẻ. Mỗi tội hàng thịt sơ chế giúp thì miệng kẻ ăn đến bữa có khi không thực vừa ý, đó là khi tự dưng trong tô bày món thòi ra một miếng tướng cỡ cho ông Đùng.

Công thức chân giò [lợn] nấu giả cầy phong phú lắm. Củ giềng đương nhiên phải có. Nhưng dùng sả hay không là tuỳ mỗi nhà. Rồi mẻ cũng là đương nhiên, nhưng có người bụng dạ kém thì thèm món quá có khi cũng bỏ qua mà thay bằng xíu dấm gạo bổ túc khi chuẩn bị cho món ra mâm - tôi không rõ như thế thì vị giả cầy không mẻ sẽ ra sao. Rồi nữa là bạn mắm tôm, có người chắc nịch phải có, lại có kẻ nặng nề lắm nên tui bỏ qua. 

Rau ăn kèm có nhà bếp khăng khăng cứ phải là có rau răm. Rồi nhiều người có thói quen thả hành hoa thái nhỏ cho món đẹp mắt. TL nhà mình thì đơn giản theo phong cách húng chó là rau gia vị độc tôn ăn kèm.

Đường rau gia vị là vậy, ngoài ra còn có chuyện rau nấu cùng chân giò là măng. Có cô kia nhiều năm trước khăng khăng với tôi, phải là măng củ thái miếng con chì. Lại có bạn bĩu môi, có măng gì xơi măng nấy, từ tươi qua khô đều được tất, nứa vầu Bát Độ loại nào cũng hay. Riêng tôi trộm nghĩ, không măng cũng vẫn là món ngon mà, nhất là khi lại đúng tinh thần nguyên bản vị :-)

Nấu giả cầy có người dùng nồi áp suất, lại có kẻ cứ nồi gang bếp than, gọi là mỗi người một tính, mỗi người một hoàn cảnh. Có người nói món nhà tôi làm cứ phải là sền sệt, lại có người thích phần nước nhỉnh chút chút còn chan húp bún xì xà xì xụp. Chưa kể, cái texture của các miếng chân giò chặt nó mềm rục hay mềm mà lại vẫn đanh chắc ra sao cũng là do mồm miệng mỗi kẻ ăn quyết định. 

Món TL làm tối nay có nước ninh vừa phải, đậm đà chua của mẻ, thơm vị giềng cùng mắm tôm. Nước ninh đó không loãng toẹt mà cũng chẳng sệt quánh, chan bún ăn thêm vài lá húng ngon thật là ngon. TL nhắc nhở tôi, chớ có tiếc nước đó, chan chút ăn chơi gọi là thôi, còn thì bỏ. Lý do là để tính đường cho cái dạ được êm khi đêm về. Bụng dạ người khoẻ xơi món nhiều mẻ chẳng nhằm nhò gì, riêng chúng tôi cơ địa yếu nên cứ cảnh giác là trên hết.

Thịt chân giò mềm đanh, cho vào bát lúc đầu còn rón rén đũa gắp lên hạ xuống, sau thì lỗ mãng sai năm quân phối hợp nhịp nhàng bộ gọng gặm nhấm. Tôi nghĩ, thiếu đúng chén rượu gạo bên canh thì vừa xinh trời mát, giả cầy và mễ tửu, còn chi thú hơn cơ chứ :-)))

Nói vui vậy, còn chốt chét thì món giả cầy - chân giò này tôi một năm xơi một hai bữa hẳn là ổn. Còn hơn nữa thì chắc có chút ngại. Tôi chẳng bài xích chi mẻ và mắm tôm theo kiểu eo ôi, nặng mùi thế như nhiều chị em thành viên chuyên nghiệp của các trường phái yoga - thiền - chay - thực dưỡng... vân vân chi chi. Nhưng đúng là mấy bạn gia vị này đối với tôi ở tuổi này, khi cơ thể cùng các chi tiết của nó đã mệt mỏi và chậm chạp đường hoạt động, thì có phần hơi quá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét