Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

nhật ký cách ly - ngày 7: các trạng thái tâm thần

tự trị liệu - đọc và viết nhảm cà ràm
(1)

Trong hai đứa trẻ con chung phòng cách ly, ngay từ đầu tôi đã láng máng nhận ra sự bất thường ở thằng cu anh 14 tuổi. Sang ngày thứ 3 thì bà nội của nó giải thích, thằng nhỏ bị loạn thần kinh. Tôi hỏi lại, tự kỷ ạ. À thì là tự kỷ.

Trong phòng tôi và thằng bé xem ra cùng một nhóm loại người xét về quan hệ với phương tiện điện tử (xì-mát-phôn và/hay ai-pát). 

Cả tôi và nó thời gian dành cho màn hình điện tử không ít, nhưng về căn bản là chúng tôi an tĩnh, mình ta với cái màn hình, đại loại thế. Không có rú lên như con em của thằng bé, trung bình mỗi ngày phải ba đến bốn giờ tám với bạn bên Cali. Cũng không hi hí cười "tám trai" kiểu "đĩ mồm" như cô bạn đồng hương quê Ngoại trong phòng với từ anh già qua anh trẻ mà chủ đề chủ yếu là vụ nhờ vả giành một suất nội bộ mua đất phân lô kiếm lời. Cũng chẳng thì thà thì thụt như mẹ hai đứa nhóc, người đàn bà ở đâu đó giữa hai mô tả "bất [bình] thường" và "phi thường" dành cho nữ phụ, xách hai đứa trẻ con về nước để xử lý "mấy con đĩ" chuyên bồi ngủ đức ông chồng kèm lời hăm doạ sẽ ly dị và đòi phần một triệu đô rồi chơi trai bét nhè trả thù. Và không nốt như bà bác - mẹ chồng quốc dân hết tám chuyện với các con gái ở Mỹ thì sang dông dài với các bà bạn hay họ hàng ở quê miền Trung.

Thằng bé cách ngày sẽ nói chuyện với bố nó qua điện thoại vài phút. Tôi dùng điện thoại nhiều hơn nó một tý, vì ngày nào cũng đều đặn một cú gọi về Bắc Ninh cập nhật tình hình để hai cụ già an tâm và hai cú điện thoại cho Tiên sinh để xem cái lưng đau do bị ngã của ông lão đã khá khẩm chưa, mũi chích ngừa thứ hai còn gây khó chịu không, và mấy đội bóng yêu thích của ông giờ thắng thua ra sao trên bảng thành tích quốc gia.

(2)

Về ý thức giữ vệ sinh chung, hai đứa trẻ con là trẻ con không tính, không [thèm] chấp. Sang bọn người lớn thì phân rõ khác biệt.

Bà bác và tôi nhìn bẩn thì ngứa mắt, ngứa mắt thì dọn. Tôi lười cái vụ đổ rác vì phải bước chân ra khỏi cửa phòng nên dù không nói thì nhịp nhàng ăn ý để bà bác phụ trách tiết mục đó.

Bù lại, cứ nghe gõ cửa sáng sáng thì con giời sẽ lon ton ra xách túi đồ ăn sáng, ì ạch đẩy thùng nước được phát vô phòng, hay trong thời gian của ngày hễ thấy kệ bếp bẩn là tự giác lau rồi giặt phơi giẻ. Đại loại là rất ngoan!

Cô con dâu của bà bác thì ôi thôi. Cô chuẩn bị cho con bát mỳ thì vụn mỳ rơi từ kệ bàn bếp xuống nền nhà, đũa dùng một lần lột lớp nylon ra không vứt vô thùng rác mà mặc kệ, được hồi mẩu nylon đó bay lượn vòng quanh cả đoạn hành lang. Cô rửa được cái bát xong thì giẻ rửa bát sũng nước cứ thế đặt bên kệ bồn rửa.

Cô đồng hương quê Ngoại rất ý tứ đúng việc của mình mà làm, kiểu đến giờ ăn thì ra lấy hộp cơm, ăn xong thì để lại hộp cơm vào túi, còn ai xử lý cái túi thì cóc phải việc của cô. Thành tích đáng kể nhất của cô là hai ba lần cầm cái chổi quét nhà. Tôi nghe cô tự hào hồi ở Mỹ làm trong xưởng được con ma-na-dờ người Mễ quý lắm vì chăm chỉ chịu khó thì cứ liên tưởng là cô đang nói về một người khác chứ chẳng phải cô.

Tôi nghĩ nếu không có một năm "tu luyện bất đắc dĩ" khi sống chung với lão Tiên sinh thì hẳn tôi đã "phát rồ". Còn giờ, tôi lại nghĩ, mình thật may khi có những bạn cùng phòng như vậy. Hết thảy tự nhiên con người tôi con người anh con người chị thế nào cứ thế mà phô bày, người thế này kẻ thế nọ nhưng trong tổng thể chẳng ai làm gì quá đáng cả, thế nên mọi chuyện vẫn cứ là theo tiết nhịp hài hoà, ai cũng vui cũng khoẻ. 

(3)

Ý niệm về thời gian của chúng tôi cũng thực khác biệt.

Tôi giống cái tàu lu, kệ cứ để ngày trôi qua và tích vào sổ. Chờ khi có lần xét nghiệm thứ hai kết quả lần hồi thế nào, nghe hướng dẫn của trung tâm cách ly ra sao thì tính tiếp đường về Hà Nội.

Cô đồng hương quê Ngoại thì nhảy tưng tưng, sáng nào, trưa nào, chiều nào cũng hỏi mọi người, hôm nay là ngày thứ mấy.

Cô cũng rất nhanh nhậy khi gạ tôi cùng mua chung vé bay về Hà Nội, để đi chung ô tô về Sài Gòn. Cô bảo, thế cho nó rẻ [tiền thuê xe], tội gì!

Nhà miền Trung kia có cô con dâu tính lỳ tưng tửng, xem ra đã có tính toán hết cả rồi.

(4)

Chúng tôi nói về hậu-cách ly. 

Cô đồng hương quê Ngoại xem chừng có cả đống áp-phe, phi-vụ thầu đất, mua chui giấy xác nhận này nọ cho hồ sơ công việc, vân vân và chi chi, hẹn hò hết người này đến người nọ khi nào "em ra trại" thì giải quyết.

Nhà bà bác ngút cao tinh thần thụ hưởng. Cô con dâu hẳn sẽ mua thật nhiều gà quay, bánh kẹp và khoai tây chiên cho bọn trẻ quen ăn đồ Mỹ khiếp sợ đồ Việt. Bà bác sẽ gặp đám bạn và người họ hàng. 

Còn với tôi, chặng kế tiếp sẽ là tự cách ly thêm hai tuần trong căn hộ. Câu chuyện chẳng phải là vì tôi hay chỉ thuần tuý do yêu cầu y tế quốc gia, mà quan trọng hơn hết thảy là sự giữ ý tứ với môi trường xung quanh, trong đó có các đồng nghiệp của TL.

Có rất nhiều người xuỵt miệng bảo, gớm sao phải cẩn thận vậy. Nhưng tôi cũng biết cũng có rất nhiều người nghe thấy người này người kia về từ "vùng dịch" thì phát khiếp. Vậy tôi cứ cẩn thận cho lành cái thân và làm an tâm người khác.

(5)

Thằng bé tự kỷ bị cuồng chân, nó đi đi lại lại trong phòng tính ra mỗi ngày cộng số bước chân ít nhất cũng phải được một hai cây số. 

Bà nó thương, sáng sớm hai bà cháu khẩu trang kỹ càng, rón rén xuống tầng đi dạo. Sang đến giữa sáng khi cán bộ y tế qua đo thân nhiệt thì nhắc nhở rồi cảnh báo đại ý, thứ nhất là chúng cháu có camera ghi lại hết, thứ hai là sơ sảy gì thì cả phòng sẽ liên luỵ, lại phải kéo dài thời gian cách ly. Tất nhiên là sau đó có thêm yêu cầu, tuyệt đối ở trong phòng.

Bà bác lúc đó như bị chạm nọc, tôi đã chích ngừa đủ hai mũi, tôi chỉ đi dạo có tý. Tôi chờ cán bộ đi rồi thì uyển chuyển xoa dịu, họ làm nhiệm vụ và cũng phải chịu nhiều áp lực Bác ơi. Cô đồng hương quê Ngoại cũng thêm câu đại ý mình kiêng kỵ cho lành. Lúc đó bà bác mới nguôi nguôi.

Tôi nghĩ, nếu mình trong hoàn cảnh bác gái thì chắc cũng sẽ chung một mẫu hành động và phản ứng, dù xét về lý thì chúng tôi sai là cái chắc. Dù thế nào, những cán bộ y tế kia đâu biết chuyện thằng cu có chút đặc biệt cơ chứ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét