Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

nhật ký cách ly - ngày 15: life is cruel, life is fruitful

điểm cách ly tập trung
(1)

Vế sau là tên một phim tài liệu Nhật Bản, nhân vật chính là cặp đôi hai cụ già sống trong ngôi nhà nhỏ với vườn cây trái rau cỏ trong mơ.

Vế đầu là từ câu tổng kết của bà cụ có vẻ mặt buồn buồn trong The Mole Agent, một phim tài liệu về người già khác, những ông cụ bà cụ lụ khụ sống trong một cơ sở dưỡng lão nào đó ở đất nước Nam Mỹ xa xôi - Chile. Bà cụ có mấy người con nhưng những chuyến viếng thăm của họ dành cho bà tính ra thật hiếm hoi. Câu nói hoàn chỉnh của bà, giữa các khoảng thinh lặng mắt nhìn xa xăm cạnh ông "gián điệp" thâm nhập khu dưỡng lão để làm phim là Life is cruel, after all!

(2)

Hai tuần qua, hai công thức này liên tục trở đi trở lại trong đầu tôi, như một sự ám ảnh, như một sự nhắc nhở.

Nói là ám ảnh vì sâu xa trong tôi, thực thà mà nói là tôi sợ chết khiếp cái hiện thực tôi-đang-già-đi, giờ này xem ra vẫn còn theo một tiết nhịp chậm và trong vòng kiểm soát nhưng đồng thời cũng không thể dám chắc rằng chỉ ngày mai sẽ thành đầy sức ép và tàn khốc như thế nào.

Nói là nhắc nhở là theo nghĩa gần đây càng ngày tôi càng khẩn trương trong việc xác định minh bạch hơn, sòng phẳng hơn với chính bản thân mình, rốt cuộc cuộc sống tôi muốn có có hình dạng ra sao.

(3)

Phòng cách ly sáu người trong hai tuần qua giống như một court métrage, rất chậm, nhưng rất thực, rất sống động, với đầy đủ những tầm thường lẫn tinh tế của các tính người, của các tương tác xã hội.

Tôi thấy mình vừa là diễn viên - cả chính lẫn phụ - vừa là khán giả của màn diễn xướng đó. 

Các chi tiết vụn vặt quan sát được - cả nhìn lẫn nghe, phần nhiều là không phải với chủ ý thọc mạch bao đồng mà đơn giản là do hoàn cảnh không gian cách ly hạn chế thì cứ vậy mà đập vô mắt, chui vô tai, các chuyện kể trực tiếp trong các hồi tám chuyện nhỏ to, tựu lại giúp tôi có một hình dung có chút mùi vị lẫn lộn giữa một kịch bản và một tự sự về các nhân vật trong phòng cách ly, trong đó có cả tôi - vừa quen thuộc lại vừa lạ hoắc với chính tôi!

(4)

Hai đứa trẻ. Thằng anh tự kỷ tuổi 14, chân tay dài ngoằng khẳng khiu lúc nào cũng đỏ ráp vì nó liên tục chui vào phòng vệ sinh kỳ cọ. Con em kém 4 tuổi, người chưa tới mức phổng phao thiếu nữ nhưng dài thì hẳn còn trên tầm vóc trung bình của mấy cô sinh viên năm nhất trường đại học xứ ta.

Chúng sống trong thế giới riêng của chúng. Giao tiếp nhiều nhất với người khác trong phòng cách ly, không tính đám bạn chát chít của con bé em, hẳn là bà nội, người chỉ thiếu nước xúc cơm đưa tận miệng cho chúng, người sẽ giúp con bé em gội đầu, người sẽ đứng kiên nhẫn lau khô tóc cho cả thằng anh lẫn con em. 

Hai đứa bé này thật khó có thể nói là ích kỷ hay láo toét. Ăn xong chúng biết đường bê khay cơm ra kệ bếp, bữa nhớ cho vô thùng rác, bữa quên thì đặt phịch trên mặt kệ bếp. Chúng biết đường tự lấy sữa để hút, và thường xuyên lơ đễnh quên không để bọc nylon ống hút vô thùng rác mà vứt bừa trên kệ bàn bếp hay trên mặt ghế nhựa đặt đầu giường xếp. Kết quả là ngày nào cũng như ngày nào, cùng với tóc rụng của đám người lớn, rác nylon bọc ống hút và bọc đũa xài một lần là phần đóng góp của bọn trẻ, giúp cho phòng cách ly lúc nào cũng có cái gì đó trên mặt sàn để quét, để thu.

Tôi tính xã hội kém. Có bữa dở hơi lên cơn, sáng ra nghe cửa đập uỳnh một cái liền biết bữa sáng được mang tới. Tôi đưa mắt rồi chỉ tay cười cười ra hiệu thằng cu anh. Bât ngờ là nó ra mở cửa, mang túi đồ ăn vào phòng. Tôi lại cười cười chỉ cái góc quen thuộc chuyên đặt túi đồ ăn. Nó lại ngoan ngoãn đặt túi đúng vị trí. Tôi cười phá lên kể lại chuyện cho bà bác, thằng bé này được. Sau bữa đó, thêm vài lần anh chàng hết sức tự giác nghe tiếng động mở cửa lấy đồ. Thậm chí có buổi sáng nó còn bê nguyên cả thùng nước được phát từ cửa vào trong phòng, để ở góc tập kết nước của phòng.

Tôi không rõ bọn trẻ con sẽ lớn lên như thế nào. Sau khi nghe những mẩu chuyện vụn vặt từ bà nội của chúng nó. Sau khi chứng kiến quan hệ xa cách có chút dị giữa mẹ và con gái và cái quan hệ nhiều dưỡng - nuông chiều mà thiếu giáo - dạy bảo của mẹ dành cho con trai. 

Thằng anh bị tự kỷ mà không được phát hiện sớm. Mẹ nó không chăm con theo lối nhiều bà mẹ Việt Nam truyền thống, cho con từ bé ăn đồ fast food và lập luận rằng thì là mà bố mẹ có nhiều tiền, nhiều triệu đô tiền không khai sở thuế ở kia và nhiều bất động sản ở đây, nên tương lai chẳng phải lo gì. Thích gì mua nấy, sau có khi còn mua cho nó một con vợ. Cần gì đã có mẹ đây lo.

Con em ghét mẹ, thù mẹ không phải là vô cớ. Mẹ mắng con gái, điên tiết cầm đồ quăng trúng nó. Hôm sau đến lớp nó méc cô giáo. Tức thì cả bố lẫn mẹ bị triệu đến trường nhắc nhở một trận với lời doạ, nếu có lần sau thì sẽ là cán bộ công tác xã hội, sẽ là cảnh sát. Bà nó kể sau cả gần năm trời tính tình âm u, giờ con bé mới vui vẻ hơn chút. Nhưng ngay cả thế nó vẫn bảo lưu quan điểm rằng thì bố mẹ nó là những con rối. Tôi không hiểu ý nghĩa của sự so sánh này. Nghe chuyện mảnh đoạn từ bà nội của chúng thì biết bố chúng có xưởng làm ăn phát đạt bên kia, chán mẹ nó xồ xuề vụng về thì hay chạy về bên đây chơi gái, đại loại là một cặp đôi bố mẹ không mấy chuyên nghiệp trong vai trò bố mẹ, hẳn con rối là theo nghĩa đó đi. Lại nghe bà nó nói, lần này về Việt Nam, nếu không phải là có bà nội thì đừng hòng có chuyện con bé chấp nhận đi cùng mẹ.

Thằng anh học trường đặc biệt dành cho trẻ em có vấn đề về thần kinh, không thấy bà nó nhắc đến ưu điểm trí tuệ nào - kiểu như vài nhóc tự kỷ sẽ là thiên tài toán học. Còn về phần con bé em, bà bác tự hào rằng nó học giỏi, vẽ đẹp. Vẽ ở đây là trên ipad. Tôi đã gặp cả đống thiên tài tiềm năng từ các bậc phụ huynh, gia trưởng của các thiên tài tiềm năng nên mấy lời khen bà dành cho cháu đó đối với tôi có chút đáng ngờ. 

Không rõ dăm năm, mười năm nữa, hai đứa trẻ sang tuổi trưởng thành sẽ trờ thành những người Mỹ, người Việt kiều Mỹ bộ dạng gì.

(5)

Mẹ của hai đứa trẻ mấy ngày đầu tiên trong phòng cách ly đối với tôi quả là "không thể mê nổi".

Nhưng sau chừng một tuần, tiếp xúc thân cận hơn thì xem ra cô con dâu miền Trung cũng nhiều phần cởi mở và chủ động, ý tứ hơn. Ít nhất cô cũng cầm cái chổi quét nhà đôi ba lượt, đại loại thế.

Mẹ chồng cô kể, lúc nó mới gả [sang Mỹ], xinh xắn lắm, da trắng mịn như hạt mít. Nhưng nó thiếu tự tin, vụng về, thấy người ta trét thì nó cũng trét [son phấn] mà không chú ý đường chăm dưỡng vệ sinh da dẻ, lại ăn uống vô độ nên giờ mới thành thế này - béo, xệ, nám - khiến chồng chê mà về nước chơi bời bậy bạ. 

Cô con dâu này không quản được chồng thì quay sang dư tự tin, vì có tên đứng chung tài khoản, tài sản cũng như biết mọi ngóc ngách tiền ngoài sổ sách của chồng nên cô doạ, cùng lắm là ly hôn. Mà hoà ly đồng nghĩa với cô có ít nhất là một triệu đô lậu, chưa tính tiền và bất động sản hợp pháp ở Mỹ, chưa tính vốn riêng cô đầu tư ở Việt Nam tiền nở ra tiền.

Tôi nghe chuyện cười khanh khách, ở xứ mình cháu không biết, nhưng ở Mỹ có một triệu đô thì đâu có chi chắc, với người không nghề nghiệp và quàng thêm đứa con tự kỷ đâu có thể ăn mãi tiền phúc lợi của Nhà nước. Bác gái gật gù đại ý thì thế.

Bác bảo tôi khuyên nó không bỏ chồng, thay đổi đường dạy bảo con cái nhưng nó bướng lắm. Nói bà thông gia để bà ý khuyên bảo con gái thì bà ý bảo nó còn chửi tôi đây này. À hoá ra con dâu có tiền bảo lãnh cha mẹ sang Mỹ, chu cấp cho cả hệ thống đại gia đình nhà đẻ từ bên đó sang bên đây, giờ thì gia trưởng trong nhà cũng không dám ho he gì cả. Đồng tiền quả có sức mạnh đảo lộn tùng phèo các trật tự, vĩ đại làm sao!

Cô con dâu cả ngày trong phòng một phần ba thời gian thức dành cho các cuộc điện thoại, một phần ba thời gian thức khác dành cho chơi điện tử, ăn ăn uống uống và tám chuyện với em gái cùng phòng - cô đồng hương quê Ngoại, một phần ba cuối cùng là dành cho việc chăm sóc cậu con quý tử cũng như tắm rửa giặt giũ. 

Cô nói đợt này về [Việt Nam] sẽ dành cho ăn, chơi và làm thẩm mỹ mặt cùng chăm dưỡng cơ thể, từ đốt nám qua bóc mỡ chỗ này, phun đắp chỗ kia. Cô đã có cả một võ công bí kíp với các chỉ dẫn và chia sẻ thông tin từ chị em bằng hữu vờ-cờ bên Mỹ, trong đó cô có vẻ tín nhiệm mấy bệnh viện to ở Hà Nội. Gặp được người nói chuyện hợp cạ là cô đồng hương quê Ngoại, giờ cô có thêm địa chỉ nặng ký nữa: bệnh viện Thu Cúc.

Có một chuyện khá là thú vị về cô con dâu này là ít nhất khi ngồi ngay trong phòng điện thoại, cô không bao giờ nói những từ bậy bạ hay nói xấu người thứ ba. Và ngay cả khi cô thân thân ái ái nhỏ to chuyện trò với em gái bạn cùng phòng thì cô rõ ràng là nói mà như không nói, lời kín không một kẽ hở.

Tôi nghĩ bác gái không hài lòng chi về cô thì cứ không hài lòng, nhưng phần khôn khéo này thì cũng có thể coi là một điểm cộng to tướng bác không thể không rộng rãi dành cho con dâu của mình.

(6)

Cô đồng hương quê Ngoại nói điện thoại chẳng thua kém gì cô con dâu miền Trung. Khác chăng là cô nói to, oang oang đùng đùng như muốn xé nát lỗ nhĩ của tôi, người có giường xếp ở góc kia của phòng cách ly.

Mấy ngày đầu không rõ vô tình hay còn giữ ý tứ, lời của cô còn chưa có từ to. Sau rồi xem ra cô thả lỏng, văng từ m[ẹ] đến đ[éo] tưng bừng. Rồi nữa là mức độ cợt nhả, đong đưa qua điện thoại của cô cũng theo độ dài của số ngày cách ly mà trở nên mỗi lúc một cởi mở. Tôi đã quen tai lối nói này sau một đôi năm đi phòng tập, nơi luôn dư thừa đám phụ nữ sặc mùi "dâm" trong lời ở phòng thay đồ nhưng lại dư mùi "nhã" ở ngoài khu tập công cộng nơi có đủ loại đàn ông lượn lờ, nên nghe cô nói, từ cô dùng, cách cô biểu đạt thì không có gì là lạ. Có lạ chăng là tôi không ngờ lại chứng kiến điều này trong cái không gian xã hội-phòng cách ly.

Chuyện cô tôi chẳng tọc mạch nhưng các cuộc điện thoại loanh quanh mấy chủ đề lặp đi lặp lại, ngu mấy thì tôi cũng mau thuộc bài.

Cô có vẻ là con, là chị, là em gái có trách nhiệm. Nhưng sau các cú điện thoại của cô thì hoá ra là có chút phần nhất khoảnh lợi ích chứ chẳng phải vô tư phóng khoáng dốc lòng dốc ruột hay thẳng tưng nói ra quan điểm của mình.

Cô phóng khoáng với bằng hữu đồng nghiệp, nhưng vừa dứt điện thoại thì cô lẩm bẩm một mình hay lại alô cho một người khác than phiền "con đó" - người cô vừa ngọt ngào xưng em kêu chị - cứ nhờ vả thế này thế nọ làm phiền, vân vân chi chi.

Và điều làm tôi thấy hài hước nhất, và cũng là nực cười nhất, là cái vẻ tự đắc không giới hạn của cô về tư cách Việt kiều Mỹ. Định nghĩa vờ-cờ của cô khá đơn giản, có thẻ xanh tức là vờ-cờ. Và cô là vờ-cờ từ hơn nửa năm nay.

Tôi im lìm trong phòng, được hỏi gì thì thong thả trả lời đấy, về căn bản là vẫn đảm bảo thật thà song cũng tròn vo thông tin vì không muốn dấn sâu vào mấy trò tám thấm tình hữu nghị chị em không cần thiết. Có lẽ vì cái mặt tôi và cách tôi trả lời biểu tỏ quá nhiều sự ngu ngốc nên mấy ngày đầu tôi được cô nàng giảng giải liên hồi rằng thì ở Mỹ thì nó là thế này, nó phải là thế kia.

Sau có lẽ vì tôi chẳng mặn mà nên câu chuyện giữa tôi và cô cũng như giữa tôi và cô con dâu miền Trung trở thành khách sáo, vừa vặn đủ phép tắc, đủ lễ nghi tối thiểu, đủ làm hài lòng cả kẻ nói lẫn người nghe.

Có hai chuyện cô vờ-cờ mới này tỏ ra đặc biệt xởi lởi. Đó là cô nhiệt tình móc nối bà con trong phòng với bạn làm phòng vé để mua vé bay về nhà. Và đến ngày cận cuối, cô búng tay chiêu đãi bà con một chầu quà tối muộn tưng bừng. 

Sự ồn ào, cởi mở, nhiệt tình của cô đối với tôi là một kết hợp tuyệt hảo đại diện cho mẫu hình nữ cán bộ nhà nước thành đạt. Luôn cứ phải là ồn ào phóng khoáng, luôn cứ phải là có tý "tục" tý "dâm", luôn cứ phải là có những thì thầm to nhỏ cùng canh me hay hứa hẹn. Không cần biết độ chân thật tình cảm dài ngắn nông sâu thế nào nhưng tấm vải dệt quan hệ xã hội óng ánh sặc sỡ sắc màu, vui thật là vui!

Tôi mất rất nhiều năm ở trường đại học mới ngộ ra được bài học rằng thì là mà tuỳ mỗi người mà cái sự kết giao chơi bời sẽ theo những chiều kích tình cảm, lợi ích, hợp tác cũng như mức độ cận - viễn khác nhau. Tôi nghĩ cô đồng hương quê Ngoại hẳn là một đối tác, bằng hữu tốt nếu người giao dịch và/hay kết giao thân cận với cô quen với sự ồn ào, "phóng khoáng" nữ cường nhân nhà nước của cô, và giao thiệp với cô ở những chuyện lớn chứ không phải căn vào mớ tiểu tiết vụn vặt của nếp sinh hoạt đời thường.

(7)

Bác gái - mẹ chồng quốc dân là người tôi có nhiều phần quý mến, và cũng là nhân vật thú vị nhất trong màn diễn xướng - phòng cách ly này.

Tôi không có hứng thú hay hiếu kỳ đến mức đặt một đống câu hỏi phong cách nghiên cứu life story với bà bác, nhưng qua những mẩu trò chuyện ngày qua ngày, tôi có được một hình dung chủ quan về một mạch chuyện cuộc đời của Bác.

Tỷ như, ở tầm tuổi 20 bác đi làm cho sở Mỹ và có được cuộc sống vô cùng dễ chịu trước khi đất nước thống nhất. Tỷ như ở tuổi 51 bác đặt chân tới Mỹ, làm đủ nghề, không quản cực nhọc, tích cóp tiền và luyện chưởng kiên nhẫn bảo lãnh hai đợt được hai con gái cùng ba đứa cháu, mỗi hồ sơ bảo lãnh chi phí trên dưới trăm ngàn đồng tiền Mỹ. Tỷ như giờ đây bác coi nhiệm vụ bao bọc con cái đã hoàn thành, yên tâm về Việt Nam hưởng niềm vui tuổi già cùng bác trai ở thành phố biển quê nhà.

Tôi là phải phép hàng con cháu, lại có chút tính toán cậy nhờ vào bác gái - thủ lĩnh của phòng để cho hai tuần sống cách ly của mình được yên, được trật tự nhưng rồi nói chuyện nhiều thì chẳng rõ từ lúc nào phát hiện chính mình cũng cởi mở hơn thay vì chỉ khách sáo nơi đầu lưỡi. 

Mà như vậy tôi mới phát hiện ra một chuyện bà bác cứ vui vui xuề xoà nhưng thực là người quan sát kỹ và tinh, nếu không nói là ghê gớm. Cái sự ghê gớm của người trải đời khác với thói hung hăng sửu nhi hay của đàn bà có lớn mà chẳng có khôn cứ phải lời to tung toé, đó là nhìn vậy biết vậy, rồi mà ứng xử tương ứng. 

Hôm mua đồ tiếp tế, tôi phẩy tay kêu bác gái không phải hoàn tiền mấy món ghi danh, lúc đó cũng chỉ là đơn giản tôi nghĩ thực không đáng và đặc biệt là rất biết ơn bác gái về gói cafe G7 ngay tối đầu tiên đã rộng tay chia sẻ miễn phí. Tôi khởi xướng việc dọn dẹp không gian chung chẳng phải để thể hiện ta đây chi mà đơn giản là tôi chẳng tội gì phải sống trong một điều kiện bẩn thỉu hai tuần liền. Lúc bác gái cùng tham gia, tôi vui lắm, cám ơn rối rít và còn có chút con trẻ ỷ lại, cháu lười cái vụ đổ rác thì bác làm mama đại tổng quản nhá. Ăn cơm xong phần bát và thìa dzếch hoặc bác hoặc tôi thấy tiện thì rửa sạch giúp cả phần người khác. Cứ tự nhiên vô tư vậy hoá ra tất cả không lọt một mảnh qua mắt nhìn của bà bác.

Hôm trước, bác gái nói đại ý sau này có dịp mời cô qua chỗ tôi chơi. Rồi rằng thì là mà các cô cùng là người Bắc nhưng cô biết đường ăn ở. Úi, tôi mặt mày lúc nào cũng càu cạu nhấm nhẳng, đường giao tiếp kém nay được khen xem ra mũi sắp nổ.

Nhưng ngẫm nghĩ thì có cô kia làm nền, con giời xem ra ghi điểm cũng là khách quan. Vì chí ít, tôi không hỏi xin từ dầu gội đến sữa tắm ngay trong ngày đầu tiên bước vô phòng, khi chúng tôi còn chưa được cấp phát đồ xà bông và dầu gội trong túi nhỏ. Vì chí ít, thấy hết giấy vệ sinh thì tôi chủ động đặt mua lốc mới và không thủ sẵn một cuộn giấu gầm giường trong khi giấy ở hai phòng vệ sinh đều gần hết. Vì chí ít, cái sảnh bếp đi ra đi vô thấy bừa là tôi dọn, túi rác ngoài vài lần trực tiếp đổ thì cũng biết được gói buộc kỹ càng chứ không như ai, ăn xong bỏ hộp vô thùng rồi cắp đít về giường coi việc vệ sinh chung cóc phải là của mình. Và nhất là tôi không nói to, nói liên hồi đến mức đinh tai nhức óc trong không ít thời gian của ngày.

(8)

Nhiều người trưởng thành từ ký túc xá trường đại học. Tôi không có trải nghiệm đó. 

Một năm sống ở foyer phố Beccaria, gặp đúng chị thủ lĩnh Fatima người Palestine sống lâu lên lão làng trong khu nhà trọ và được chị này rèn rũa thì tôi tự giác biết tối thiểu ở chung thì phải cư xử thế nào.

Nhưng về lại Việt Nam tôi cũng chẳng có đợt thực tập nào cả. Cho tới lần này, với hai tuần cách ly tập trung chung phòng với những người không quen biết. 

Nghe bác gái so sánh mình với cô đồng hương quê Ngoại, tôi thực chỉ muốn ôm bụng cười. Và trong đầu thế quái nào chỉ rặt một hình ảnh của cô y tá Fatima mỗi khi ra khỏi foyer người kín mít đúng chuẩn phụ nữ Hồi giáo nhưng sau cánh cửa nhà trọ thì tưng bừng sexy hơn cả gái Pháp phóng khoáng. 

Thực cám ơn Fatima!

(9)

Tôi thấy mình trong sân khấu - phòng cách ly với đầy rẫy tính xấu, nhỏ nhen vốn trong một thời gian dài hẳn đã ngủ quên đâu đó trong các nếp não của tôi nhưng giờ lại muốn phóng túng vùng vẫy. Tất nhiên là cuối cùng thì chúng vẫn chỉ là ngấm ngầm.

Cảm giác phân tâm đó có mùi vị của bệnh hoạn psy nhưng cũng là một trải nghiệm tâm lý thú vị. 

Nó giống như các lớp sóng không dứt của một sự phản-tư. Tối thấy mình xấu xí trong các suy nghĩ nhằm vào người khác. Tôi ăn năn. Tôi quyết tâm sửa đổi. Và tôi lại thấy mình xấu xí trong các suy nghĩ của mình về người khác.

Tôi nghĩ mình biết ơn những "bạn cùng phòng" ngẫu nhiên, tình cờ này! Cái hay cái dở của họ thực không phản ánh con người họ. Mà chính xác thì đó là đoán định, hình dung của tôi về họ. Và cách tôi nhìn thấy họ như thế nào cho thấy chính tôi là người như thế nào. 

Các "cái tôi" của tôi - được phản ánh qua các cái nhìn của tôi về họ - ít nhiều bi quan và nhỏ mọn! Điều đó quả rất tệ. Nhưng mặt khác, tôi thực cũng rât hài lòng vì nhờ hoàn cảnh cách ly mà tôi trung thực với bản thân mình hơn, nhìn rõ hơn những phần xấu xa đó của bản thân, để từ đó còn có cơ may từ từ chỉnh sửa!

(10)

Dù thế nào thì cái vòng quay tâm lý kỳ quặc này sẽ kết thúc sau tối mai, khi tôi chào tạm biệt bạn cùng phòng và cũng là bạn đường của chuyến bay quay trở về Hà Nội.

Và dù thế nào thì hành trình về nước và cách ly đặc biệt này đối với tôi thực quý giá. Nó đánh dấu những nhận thức mới trong tôi. Nó cho tôi thêm chút niềm tin vào sự tử tế nơi con người - những người xa lạ, ngay cả khi tôi chung thuỷ khư khư cái nguyên lý, sự tử tế là điều chúng ta phải học ở trên đời. Nó dạy tôi, thêm một lần nữa, đừng lấy mình làm trung tâm để mà soi mói nhìn nhận tha nhân qua tầm ngắm hạn hẹp của bản thân.

Cuộc đời này hình hài tròn méo ra sao, xấu đẹp thế nào nhiều khi nằm ngoài năng lực chủ thể của chúng ta. Nhưng giữ một thái độ sống, vừa đảm bảo sống hạnh phúc nhưng cũng đồng thời sống tốt - hiểu theo nghĩa không chỉ bo bo mưu cầu lợi ích và thoả mãn những dục vọng của bản thân mà còn hướng ra tha nhân, cộng đồng; cũng như sống hài hoà với người khác đó là điều chúng ta nếu muốn vẫn có thể làm được, dù ít dù nhiều, hỉ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét