Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

nhật ký cách ly - ngày 13: sau cơn mưa

sáng ngày mới sau cơn mưa tối qua
(1)

Nếu không vì cách ly tập trung, tôi hẳn sẽ còn lâu mới có nguyên cớ để đến Bình Dương.

Và ngay cả hai tuần này, Bình Dương vẫn là một cái tên, một nơi chốn lạ lẫm đối với tôi.

Vì tất cả những gì nhắc nhở tôi về địa phương này là thông tin định vị gắn với mấy tấm hình chụp bằng smartphone, một hai tờ thông báo từ Ban quản lý cơ sở cách ly tập trung, con đường lớn và ngã tư to đùng trước khu nhà có phòng trọ-cách ly của tôi/chúng tôi, và đặc biệt là nắng nóng ngập tràn nhưng không nghẹt thở vì ô nhiễm - so với mùa hè Hà Nội.

(2)

Tôi cứ nghĩ hai tuần của mình sẽ trôi qua như vậy với dấu ấn của nắng và nóng Bình Dương.

Nhưng tối muộn hôm qua đã có một điều thần kỳ xảy ra, rất ngắn nhưng thực.

Nửa cuối buổi chiều, tiết trời bỗng trở nên oi đặc biệt. Tôi nhìn qua khung cửa dẫn ra hiên, trời vẫn cao và xanh.

Muộn hơn, vào lúc chạng vạng, nền trời không theo tiết nhịp ngả tối từ từ mà là sầm sập xám đen, báo hiệu cơn giông đang đến. Sự thông báo đó càng hiển nhiên hơn khi ngồi trong phòng tôi có cảm giác đang đứng trên con đường biển trước nhà Tiên sinh hưởng những làn gió nhẹ từ đại dương.

(3)

Mưa.

Tôi băn khoăn tự hỏi, gọi nó là cơn giông hay cơn mưa.

Rồi nữa mưa nhỏ hay mưa ngắn.

Dù thế nào, nó diễn ra mau lẹ. Các hạt mưa lớn xiên đều tăm tắp. Với gió lớn. Trong chừng dăm bảy phút.

Và sau đó, nếu không có sự mát mẻ bao trùm cả trong lẫn ngoài phòng cách ly cũng như dấu nước đọng lại trên mấy tấm kiếng lớn và nền hiên thì hẳn không ai có thể nghĩ đã từng có một cơn mưa nãy rồi.

(4)

Tôi ngủ khó, trằn trọc suốt đêm.

Rạng sáng đang say giấc thì bị đánh thức bởi chuông điện thoại.

Bạn của Tiên sinh qua nhà ăn tối, ông lão gọi điện cho tôi để nói mấy câu chào hỏi.

Đối phương bên kia mặt mày vui vẻ trong nắng chiều với nền biển sau lưng, còn tôi phô ra là một góc màn hình đen kịt do đứng ngoài hiên vẫn còn nhập nhoạng chưa bắt sáng sớm mai.

Hai bên gật gù thôi thì tý nữa gọi lại.

Trời rõ ràng minh bạch, đến lượt tôi gọi điện thì xem ra bà con đang mải bù khú chè chén nên chẳng ma nào nhấc máy.

Cứ thế tôi bắt đầu ngày mới của mình theo một cách có chút khác thường.

(5)

Trong thời gian của buổi sáng hôm nay, tôi kiểm điểm chút cái thái độ của bản thân đôi ba ngày qua, về chút hung hăng trong lòng khi ngưỡng-chịu-đựng của tôi tự động bật ở chế độ cảnh báo. Trước sự lắm lời và to mồm của bạn cùng phòng.

Thật là may mắn là sau chút nhấp nhô, gờn gợn đó, tôi đã quay lại chế độ im lặng

Tôi hiểu là trong một hoàn cảnh đặc biệt của cách ly, việc sống với/cạnh người xa lạ tạo nên một hoàn cảnh xã hội bất thường. Và nếu đã là bất thường rồi thì chẳng có lý gì mà tôi để mình xao động.

Chỉ còn đôi ba ngày nữa thôi, tôi sẽ được tự do, khỏi những lời về gia sản hàng chục tỷ, về sự khôn ngoan có những nhân mạch dồi dào phong phú và hiệu quả thế nào trong hệ thống quan phương của một tỉnh, về sự kiêu hãnh giỏi giang ta-đây-sắp-trở-thành-công-dân-Mỹ-quốc và những chắc nịch nước-Mỹ-nó-là-thế.

(6)

Năm 1996 tôi đi Pháp học, được không phải chỉ một người dặn dò, thấy vờ-cờ thì tránh xa, phiền.

Tôi không tránh và cũng chẳng có phiền, mấy bà con gốc Việt tôi gặp đều là người bám rễ sâu trong lòng xã hội Pháp, dư tinh tế cũng như bao dung để con nhóc nửa ngu ngơ nửa ếch ngồi đáy giếng như tôi không cảm thấy có chút chi là thiếu tự nhiên hay e dè. 

Sang đến câu chuyện xứ cờ-hoa, chẳng có ai dặn dò tôi cả. Nhưng tôi đủ ngán ngẩm khi nhìn và nghe thấy một đống chuyện bi hài và lố bịch.

Không tính bà con vờ-cờ có những gốc rễ căn cơ tình cảm chính trị dẫn tới thái độ chán ghét và bài xích người trong nước, tôi bắt đầu biết một loại vờ-cờ mới, liều lĩnh và tự tin bê nguyên cái ranh ma lươn lẹo và năng lực làm bậy được trui rèn trong hệ thống ở đây để bắt đầu đời định cư ở kia.

Họ nói tiếng Anh cực kém, nhìn một góc nhỏ nào đó của cái tiểu bang Cali to đùng và phán định đây nước Mỹ chỗ nào mà chẳng thế. Các dòng tiền từ quan lộc của cá nhân hay dòng họ - quan hàng tỉnh hay lãnh đạo ban ngành trung ương -, đôi khi đơn giản là tiền của đám giàu mới nhờ bán đất hay buôn lậu, được đổ sang Mỹ để mua nhà làm mối cho thuê kiếm bộn tiền. Họ tự tin tao đây hai chữ vờ-cờ viết hoa thật to với nhiều khua chiêng gõ mõ cho cả làng cùng biết. 

Đúng là trong đám vờ-cờ "đỏ" này, không ít mang đầy mình ý thức, tham vọng và kế hoạch cùng lộ trình chi tiết đầu tư để vươn lên, vươn cao, vươn xa trong lòng xã hội bản địa, chạm tay vào các đám tinh vân xã hội mang màu sắc elite và cosmopolitain. Đám đó, nhất là bọn con trẻ, tiếng Anh bắn lèo lèo, hồ sơ cá nhân đầy tên các viện đại học tư thục hàng đầu của xứ sở. Tôi biết họ từ xa, quen thuộc trực tiếp thì không. 

Còn ở đây, sống động ngay trong phòng trọ-cách ly, là cái tiếng Việt còn mang hơi bèn bèn, nhừa nhựa miền đồng bằng Bắc Bộ, là cả đống những con này, thằng nọ, những đ[éo] này, m[ẹ] nọ vắt từ Việt Nam sang nước Mỹ. Là những toan tính toang toang qua điện thoại, gây áp lực ra sao với gia trưởng trong nhà để "bà ấy xuỳ ra cái sổ đỏ", cái iphone đời mới nào nói là mua hộ cho ông giám đốc sở này ông trưởng ban tỉnh nọ nhưng thực là một đoạn lót tay để làm giàu thêm quan hệ xã hội, mua bao nhiêu hoá chất này chế phẩm sinh học nọ với bao nhiêu chênh giá để chia dư với nhau. 

Tôi biết việc ai người đấy làm, lộc ai người đấy hưởng. Nhưng vẫn cứ là có chút khó chịu khi dồn dập thời gian của ngày liên tục bị tra tấn lỗ nhĩ bởi những mạch chuyện và lời to như vậy.

(7)

Giờ sau cơn mưa ngoài kia và cả một cơn giông nhỏ trong lòng, tôi tự dziễu bản thân, đúng là vớ vẩn.

Tôi đâu có chọn quan hệ xã hội này. Đang đi trên đường, vô tình một chốc lát có bạn đường bất đắc dĩ thế. Xã hội phong phú đa dạng đủ kiểu loại người. Hoan nghênh sự phong phú đa dạng. Coi như có thêm chút nhận thức mới mẻ. 

Đơn giản thế thôi!

(8)

Cuối cùng tôi đã có thể nham nhở nói cười mấy câu với bạn đánh chén và những người bạn của ông.

Mấy ông bà già hôm nay có bữa ngon, gà bỏ lò với công thức tẩm ướt mang phong vị bếp Á với gừng, nước tương và chi chi nữa.

Tôi không hỏi nhưng đoán chắc là mấy bác này hôm nay sẽ say sưa bét nhè ngoài hiên ấm áp nơi thành phố biển nhỏ 😀

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét