Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

nhật ký cách ly - ngày 14: khách sạn hay tập trung

tôi nhặt đại hai kẹp áo bằng gỗ từ ngăn kéo bếp nhà biển
cho vô hành lý, đến khu cách ly hoá thành hữu ích :-)))
(1)

Tôi ngồi im ở một góc sân bay Tân Sơn Nhất láo nháo lộn xộn tiếng người và các thân ảnh di chuyển tới lui. 

Cũng như trên chặng bay từ Seoul về Sài Gòn, tôi phát hiện trong những người chọn cách ly khách sạn, một số kha khá hẳn thuộc nhóm vờ-cờ "đỏ", giọng Bắc lanh lảnh và sặc mùi tiền mới cùng gốc rễ quan quyền. 

Trong những cuộc trò chuyện rớt vào tai tôi cả trên máy bay lẫn ở sân bay, có một sự phân chia trong nội bộ những người cách ly khách sạn, từ loại phòng nào họ sẽ ở cho tới các mức giá và các quan hệ đảm bảo nếu họ cần gì thêm thì sẽ có tiếp tế xịn sò liền tay.

(2)

Trên máy bay về Sài Gòn, tôi nghe một bác gái ngồi sau lưng tám chuyện với bạn đồng hành, rằng thì là mà bác chủ động chọn cách ly tập trung. 

Không phải vì chuyện đồng tiền nhiều ít mà đơn giản là bà bác thích thoáng và vui, mà từ trải nghiệm của mấy gia đình người quen bác về đợt trước, phòng khách sạn không đảm bảo điều đó.

Lúc đó tôi nghe lỏm, ù ù cạc cạc. Giờ thì tôi hiểu nghĩa của từ thoáng và vui.

(3)

Ở Tân Sơn Nhất, một cô giọng Bắc gạ gẫm tôi cùng chung phòng khách sạn.

Tôi nghe thấy mùi lo lắng của Cô trước cái viễn cảnh cách ly tập trung khổ sở ra sao.

Tôi cũng sợ khổ, nhưng khi trên người chẳng có mấy đồng tiền mà lại không muốn tiếp tục làm phiền người nhà thì tôi dù có sợ vẫn nhắm mắt dấn thân trải nghiệm cách ly tập trung.

(4)

Sau gần hai tuần cách ly tập trung, tôi thấy mình không chỉ sống sót mà còn sống ổn.

Nghe nói có nhiều điểm/địa bàn cách ly tập trung, với nhiều điều kiện sinh hoạt có chút đỉnh cao thấp, được kém khác nhau.

Tôi không phủ nhận cái ấn tượng đầu tiên khi bước chân vô phòng cách ly, sững sờ, choáng ngợp, thất vọng, và cả chút ý đồ tìm cách thoát tẩu - xin đổi phòng.

Nhưng khi đã chấp nhận thực tế, chủ động quan tâm, chiếu cố, coi cái phòng như cái nhà của chính mình thì hai tuần cách ly không quá cực nhọc và hãi hùng như tôi có thể tưởng tượng trước đó.

(5)

Từ trải nghiệm ở góc nhỏ này của Bình Dương, tôi nghĩ quan trọng hơn cả cho cách ly tập trung là vài chuẩn bị dự phòng căn bản - một dạng "quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy" thời covid.

Căn bản thuốc men, từ băng dính y tế qua dầu gió hay thuốc tiêu hoá. Căn bản chăm dưỡng cho những người có vấn đề da nhạy cảm và đề phòng vấn đề bất tiện về vệ sinh cá nhân phụ nữ. Còn lại, ở trung tâm cách ly bạn sẽ được cấp phát từ xà phòng giặt, xà bông tắm, qua dầu gội tới bàn chải và kem đánh răng. Đó là chưa kể nếu có vấn đề y tế khẩn thiết, luôn có cán bộ y tế để yêu cầu giúp đỡ.

Phòng cách ly chúng tôi ở có đến cả chục cái chậu và xô cùng gáo. Lại có bình đun nước siêu tốc do những người ở trước để lại. Ai đó đã chăng mấy dây thép ngoài hiên để phơi quần áo. Mà không chỉ có thế, còn có cả một đoạn dây thép được chăng ngoằn nghèo nối bờ ban-công phòng này sang phòng khác bên cạnh. Dây phơi có, mắc áo nhôm cũng sẵn sàng nguyên một tá. Vậy là tắm gội và giặt giũ phơi phóng coi như điều kiện căn bản đã được thoả mãn.

Ở chỗ cách ly tập trung, sau một hai ngày đầu ổn định thì việc nhờ tiếp tế không có khó khăn gì. Chỉ có điều với người thật thà thì thông tin không hoa quả, không đồ ăn tươi [sống] đem lại chút thất vọng. Vấn đề là sau vài ngày tôi nghe nói, với người nhanh nhẹn [và cả ranh ma hay có quan hệ nữa] thì mấy hạn chế kia chẳng là gì. Thế nên mới có những lời thì thào rằng ở phòng nào có cô nào ăn từ gà quay qua mít và dưa hấu nguyên quả. Mà tôi từ cửa sổ phòng cách ly đã tận mắt chứng kiến có xe hơi bốn chỗ chầu chực ngay lối cổng vào khu cách ly, rồi rất mau lẹ túi lớn bịch to được chuyền tay từ bác tài qua xe chở bữa sáng của dịch vụ cung cấp đồ ăn. Với chút tinh thần AQ, tôi cười ha ha ha động viên bác gái thất vọng tràn trề vì không thể mua fast food cho mấy đứa cháu vỏ Á ruột Mỹ của mình, rằng thì là mà hai tuần này cho bọn trẻ con thanh lọc cơ thể.

(6)

Trong phòng cách ly tôi biết được mỗi người chọn cách ly tập trung với một tính toán riêng. 

Trừ tôi vì rất nghèo ra thì gia đình bốn người miền Trung và cô đồng hương quê Ngoại chủ động cách ly tập trung sau khi đã có trải nghiệm trực tiếp hay gián tiếp từ các đợt "hồi hương" và ở khách sạn trước đó.

Cô con dâu miền Trung về Việt Nam mùa dịch bệnh như đi chợ, chuyến này là lần về thứ 3. Cô đã ở khách sạn đợt trước, cộng với việc nghe thông tin về cách ly tập trung cũng như lần này tha lôi một nhà bốn người thì cô tính chẳng tội gì bị gò bó trong phòng khách sạn chật hẹp, bị tách thành hai phòng không thuận lợi chăm hai đứa nhỏ, ăn thì dở òm, mà phí lại lên tới gần 200 triệu. Cô bảo khoản dư đó cô dùng để đốt nám và cho bọn trẻ con ăn uống đập phá bét nhè một khi "ra trại" [rời khu cách ly]. Với một người có thể nhẹ bẫng buông tay nhiều ngàn đồng tiền Mỹ làm "dịch vụ" bay về Việt Nam, chuyện không chọn cách ly khách sạn không phải vì thiếu tiền, mà đơn giản là tính toán dùng tiền sao cho hiệu quả.

Cô đồng hương quê Ngoại, người không ngừng khoe khoang từ hai ba hôm nay về nhiều nhà và nhiều tiền tỷ cô sở hữu thì chọn lựa cách ly tập trung xem ra còn thực dụng hơn nữa. Cô có người nhà đã từng ở khách sạn, đã được "chăn" và bị "moi" như thế nào cộng với cái căn cơ dứt khoát không bỏ ra một đồng hay thậm chí là một lời cho đóng góp mua đồ chung làm vệ sinh phòng ốc cách ly thì chọn lựa ngu gì mà ở khách sạn của cô coi như là điều đương nhiên.

Mà thêm nữa, tôi còn chủ quan nghĩ, cô dâu kia có mẹ chồng quốc dân chăm lo tới tận kẽ răng nên lo gì khổ cách ly tập trung. Còn cô người lớn còn lại, tiền có bọc kín người và bất chấp mở lời luôn sặc mùi cảnh vẻ thanh tao thì cái phần sang quý kiêu kỳ tay không dính nước mùa xuân còn cần phải sang đời con gái cháu gái đặng mới đạt. Cô cười khặc khặc trong điện thoại báo cáo với ông cậu, khoe khoang với chị gái và anh rể cùng tám với một đống các chị em bạn bè và đồng nghiệp rằng thì là mà ở cách ly sướng như tiên, sạch sẽ lắm, cơm ngon lắm.

(7)

Lảm nhảm thế là đủ. Giờ so sánh khách sạn với tập trung, từ những gì tôi trải nghiệm và nghe kể thì chuyện đại loại sẽ là thế này:

- Tiền nộp cho cả đợt cách ly tập trung (ăn và phí phục vụ sinh hoạt + tiền ra sân bay) chỉ nhỉnh hơn chút nửa phần tiền một ngày khách sạn; hay như tôi nói vui với lão Tiên sinh, tiền tôi phải chi một ngày vừa xinh một ly cafe mua ở tiệm Vault bên Mystic cộng với chút tiền xu leng keng thả vô cốc Tips, còn nếu tính tổng thì thậm chí còn chưa bằng một góc tiền boa dành cho nhân viên phục vụ trong bữa tối ở tiệm Pháp của chúng tôi với cặp đôi hai quý bà lesbo.
- Ở đây chúng tôi không có nước nóng lạnh cũng như máy điều hoà nhiệt độ. Nhưng cái nóng nắng ngoài kia chẳng mấy phiền chúng tôi khi ông Trời rộng rãi cho gió mát qua các ô cửa sổ lớn cùng trần nhà cao trang bị bốn quạt trần phân bổ gió nhân tạo làm thoáng và mát mọi ngóc ngách. Trời nóng nên tắm và gội với nước vòi tự nhiên xem ra chẳng hề hấn chi, từ con trẻ tới bà già không có đến nửa lời phàn nàn.
- Ở đây chúng tôi không có dịch vụ giặt là quần áo (nghe nói tuỳ khách sạn cách ly mà dịch vụ này miễn phí hay phải trả phí). Ơ nhưng mà đôi ba bộ quần áo trên người vòng đi vòng lại, giặt đánh vèo một cái rồi phơi phóng sau mỗi lần tắm gội, thực có nhọc chi. Đó là chưa kể làm cho mình bận bịu chút cũng tốt mà.
- Ở đây chúng tôi không thể tự do thoải mái kêu mỳ bún miến phở chan hay gà quay vịt nướng chi chi. Đồ tiếp tế nhờ mua chủ yếu là mỳ tôm úp, sữa các loại và cafe cùng trà. Nhưng đời vẫn tươi mà, hai tuần thực hiện chế độ diet bất đắc dĩ, vừa rèn luyện cái dạ vừa trui rèn cái tâm tính, cứ AQ tinh thần mà phát huy chuyển điều đở thành điều tốt, thực tốt à. Và nếu may mắn xin được một số điện thoại nào đó từ ai đó, vài món ngon trong mơ hoá ra vẫn có thể ở ngay trước mặt bạn, tỷ như sáng nay tôi được bác gái cho ăn ké một ổ bánh mỳ đích thực phong cách Như Lan, ngon hơn nhiều bánh mỳ phần ăn sáng được phát hôm Chủ nhật vừa rồi :-)
- Ở đây chúng tôi được xét nghiệm miễn phí, còn bà con khách sạn vui lòng móc hầu bao và tiền hai lượt test này gần bằng tiền phí cách ly cả đợt của chúng tôi đó.
- Ở đây phí đổi tiền của chúng tôi xem ra chỉ hẹp hơn chút chút với giá chợ đen, tính mỗi trăm đồng là đôi ba chục Việt Nam đồng. Còn nghe hóng chuyện khu cách ly, giá cứ ụp một phát tròn hai mươi, bà con vờ-cờ không họ hàng người thân bên cạnh hỗ trợ thuận lợi cắn rằng mà xoẹt tiền, đám vờ-cờ mới ranh ma hay bà con có người nhà thuận lợi giúp đỡ thì có thể kêu chuyển khoản nộp cả cục nửa trăm triệu đồng tại khách sạn.
- Ở đây cơm hộp của chúng tôi ngày qua ngày đúng là có chút gây ngán nhưng vẫn là ăn được trong tổng thể. Còn nghe hóng chuyện khu cách ly, người thật việc thật, thì là cơm không phải nuốt không trôi mà là đắt vô lý, tính tiền bạc trăm cho một suất chỉ giá một phần tư một phần ba ở khu cách ly, điều dễ làm người ta liên tưởng bà con chui khách sạn cách ly tự nguyện hoá thành bầy vịt béo được "chăn" tới nơi tới chốn.
- Ở khách sạn về nguyên tắc bạn xài wife bét nhè. Wifi công cộng nơi cách ly chập chờn, nhưng đó cũng chẳng phải vấn đề to vì với một cái sim 4G bắn sóng từ xì-mát-phôn bạn có thể ung dung gõ laptop.
- Ở đây chúng tôi không có tivi như ở khách sạn, nhưng điều này chẳng mấy hồi nặng nhẹ với tôi người từ lâu đâu có coi cái hộp truyền hình, và theo ý kiến của nhiều người trong đợt về lần này là giờ ai còn coi tivi, bởi vì phần lớn thời gian mọi người cắm mặt vào xì-mát-phôn rồi đâu.
- Ở đây chúng tôi có phòng to tha hồ dãn cách xã hội, tha hồ lẹt xẹt dép xốp đi trong nhà cùng khua khoắng chân tay tập thể dục thể thao - chuyện này phải nói thêm là chúng tôi may mắn vì nhà một mẹ một con ngay trong sáng đầu tiên đã chuyển đi nên phòng cho 8 người hoá chỉ còn 6 khẩu. Nghe nói phòng khách sạn diện tích thường là khiêm tốn, nhìn đi nhìn lại đều là đồ đạc, không gian thoáng đãng là điều không tưởng - trừ phi bạn ở suite tiêu chuẩn Tổng thống. 
- Ở khách sạn bạn ở cùng người nhà, người thương có vẻ tốt hơn vô tình bị xếp với một người lạ chia sẻ phòng. Nhưng dù thế nào, trong một không gian hẹp hai người xem ra hai tuần liền dễ gây nên sự đơn điệu. Ở phòng cách ly luôn có hàng tỷ chuyện khó chịu, bi hài vụn vặt nhưng sự phong phú đa dạng của tính người, của phương thức giao tiếp xã hội làm cho bạn trở nên tích cực hơn. Cả ở vai trò diễn viên lẫn vai trò khán-thính giả của cái tiểu sân khấu xã hội mang tên phòng cách ly tập trung. Cả trong tương tác với với người lạ cũng như trong một cuộc trò chuyện nội tâm ta với ta. 

(8)

Túm lại, luyên thuyên chút chút là vậy.

Tự nguyện khách sạn hay tự nguyện tập trung, đó là do cơ chế mỗi chuyến hồi hương, là do túi tiền của bạn quyết định, là do tính toán tài chính của mỗi người. Chẳng ai có thể mạnh mồm nói trước được.

Và dù thế nào thì sự chênh lệnh quả là đáng kể! Tôi không thể tưởng tượng trong hoàn cảnh nhẵn túi nhiều năm nay do phải chi phí quá nhiều cho luận án cũng như những phút đồng bóng ngông nghênh mua sắm linh tinh lang tang này nọ, giờ phải gánh thêm một khoản nợ bằng hơn nửa năm lương ở trường đại học thì tương lai của tôi sẽ còn đen tối đến nhường nào 😀😀😀

* Thông tin thêm về cách ly tâp trung: 

- Văn bản mới nhất liên quan đến chi phí cách ly: Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ.
- Chi phí tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày
- Chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt 40.000 đồng/người/ngày.

bồn rửa kệ bếp đã được cọ sạch, mua thêm nước và giẻ rửa bát

bồn rửa nhà vệ sinh thứ hai
kỳ cọ một chập thì dùng tốt

phòng tắm lớn
có vòi sen không nước nóng và xô-gáo-chậu đủ bộ

đồ vệ sinh cá nhân được cấp phát
nước súc miệng và cồn rửa tay không nhãn mác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét