chuyển xuống nằm đất giường biến thành mặt bàn |
Thời điểm chúng tôi di chuyển trong Incheon để đến cửa lên tầu bay, tôi nghe một ông bác vờ-cờ oang oang điện thoại với đầu mối dịch vụ bên Việt Nam về vụ khách sạn [cách ly]. Đại ý là lúc đầu ông bác được hứa phòng đơn có cửa sổ thoáng đãng và giá đâu hơn 3 triệu/ngày nhưng đến lúc này bị bên kia báo hết chỗ và chỉ thu xếp được phòng với cửa sổ tầm nhìn không tốt lắm, bù lại là ông bác được ưu đãi giá, chỉ còn phải trả gần 2 triệu/ngày.
Ông bác gầm gào một trận, sau có vẻ như hai bên nhất trí sẽ ở tạm một đôi ngày rồi nâng cấp phòng. Xong cuộc điện thoại, ông quay sang nói với người kế bên, bay chuyến này còn khổ hơn hồi vượt biên.
Tôi không hiểu ý tứ của ông bác nhưng dù thế nào thì rất ấn tượng về sự so sánh này.
(2)
Làm xong các thủ tục và ra đến điểm chờ lên ô-tô về nơi cách ly, tôi lại có thêm một ấn tượng mới về sự phân biệt giữa những người trở về từ xứ cờ-hoa chuyến này.
Một thiểu số đã đăng ký được khách sạn từ trước giống như các quý ông quý bà VIP chỉ sau chừng một giờ báo danh và được xếp chỗ chờ VIP thì liền rời đi.
Một thiểu số khác không đăng ký trước được khách sạn hay không nắm được thông tin về khả năng đăng ký cách ly ở khách sạn, tranh thủ hỏi han và đăng ký ngay tại chỗ. Một vài người quan tâm giá cả, tính toán rồi quyết định. Một vài người khác cứ khách sạn là ta đi. Đám này kém VIP hơn chút, chờ đâu khoảng hơn một giờ đồng hồ thì mới tới lượt được đưa đi.
Còn lại là những người như tôi, mù mờ chẳng biết mình đi về đâu, hoặc vài người lanh hơn, đã dò được thông tin từ các diễn đàn trên phây thu hút bà con đang tìm đường "hồi quốc" thì chắc nình nịch, mình sẽ đi Bình Dương, sẽ ở trong ký túc của công nhân, sẽ yên tâm ở đó thoáng đãng, rộng rãi, có sân tập thể dục, ở lại vui, vân vân và mây mây. Chúng tôi đám không-VIP người lên xe ô tô sớm, kẻ lên xe ô tô muộn, nhóm cuối cùng rời sân bay là sau gần 5 giờ đồng hồ kể từ khi máy bay hạ cánh.
(3)
Mà chuyện đăng ký bổ sung khách sạn cũng lắm bi hài.
Có một cô nói giọng Bắc đánh tiếng gạ tôi chung phòng khách sạn với lập luận ở thế [tức ở khách sạn] cho có tý tiện nghi chứ ở cách ly tập trung thì chết mất.
Tôi phớ lớ bảo em đây không có điều kiện. Còn trong dạ thì cười ầm ầm, khổ thân cô gặp trúng đứa răng quặp.
Chẳng cần bàn tính mức độ ki-bo ăn vào máu của tôi thì thực sự là tôi thấy mình vô cùng thích hợp với mô tả "trên răng dưới [...]" khi trên người ngoài hơn 80 đồng tiền Mỹ mang vác sang xứ cờ-hoa hồi năm ngoái với thêm 50 đồng được lão Tiên sinh mừng tuổi hôm Tết thì chỉ có thêm nữa là vài triệu đồng tiền Việt Nam được ông lão dúi cho dự phòng.
Đến phí cách ly còn phải tính để con bé em chuyển khoản thì khách sạn vài chục triệu nói với tôi đây chẳng khác nào vạch ống quần sờ đầu gối tám nhảm chuyện một mình à.
Không rõ cô đó sau có tìm được bạn chung phòng không, hay là cô chỉ đơn giản là đăng ký rồi chờ được sắp xếp.
Lại có gia đình kia một mẹ hai con nhỏ, chẳng rõ do mệt mỏi không đủ sức chen lấn giành giật tờ đăng ký khách sạn hay là phải cần chút thời gian cân nhắc tính toán, đến lúc đi gặp anh phụ trách để xin đi khách sạn thì bị từ chối với lý do, đã hết phòng.
(4)
Thời gian những người-không-VIP chờ đến lượt được hốt đi tập trung là một khung cảnh xã hội học thú vị.
Một nửa bà con sẽ chúi mũi vào cái xì-mát-phôn. Và một nửa bà con sẽ tám chuyện tưng bừng. Đó là chưa tính vài đứa bé còn chưa nói sõi chạy, ngã, bò toài và cười, hét suốt thời gian chờ đợi.
Có một ông bác coi bộ dạng vẫn chưa đoạn tuyệt thời trai trẻ lưu manh bất chấp tóc đã bạc, bộ dạng đã đến hồi được gọi là ông, xoay người ngó tôi một cái rồi hỏi tại sao không đăng ký khách sạn. Tôi bảo cháu không có tiền. Ông bác chẳng hỏi gì nữa, lát sau tôi nghe giọng ông oang oang với mấy người ở hàng ghế kế bên, đại ý là ngu thì mới chui vào khách sạn.
Tôi mắt nhắm tịt nhưng vẫn ra sức dzỏng tai nghe lỏm cái lập luận của ông bác. Thì ra khá đơn giản. Ông bác có vài người quen bay về đợt trước, than phiền ầm ĩ là phòng khách sạn nhỏ và bí, trong khi vài người quen khác cũng theo chuyến đó về nhưng cách ly tập trung thì khổ tý vì không có nóng lạnh, điều hoà nhưng mà ở thoáng và vui.
Sau ông bác có một bà già tiếp lời với những so sánh tương tự, từ những người quen cũng là về nước đợt trước. Bà già còn bồi thêm một ý, có gia đình người quen than phiền, bọn khách sạn mất dạy, phục vụ mà cứ như là ban ơn. Có ai đó cười phá lên nói với bà già, chắc cái nhà kia ở khách sạn 3 sao rồi, chứ 4 thì hẳn khá hơn.
(5)
Phòng cách ly tôi ở là loại phòng lớn, được bố trí 8 giường cho 8 người và bình thường mà nói là cho cùng một giống, hoặc đàn ông hoặc đàn bà. Đối với gia đình thì đương nhiên sẽ có cả đàn ông và đàn bà rồi.
Tôi không hiểu lắm logic gia đình một bà mẹ và cậu con trai thanh niên trai tráng nhưng dù thế nào thì hai "bạn cùng phòng" đó ngay trong sáng đầu tiên tôi đặt chân vào phòng cách ly đã rời đi.
Chúng tôi còn lại 6 mống, một gia đình mẹ chồng, nàng dâu và hai đứa trẻ, một cô kém tôi gần một giáp và tôi. Tính về giới thì có 5 nữ 1 nam. Tính về độ tuổi thì có 4 người lớn và 2 trẻ con.
(6)
Trong khoảng hơn chục phút đầu mới đặt chân vô phòng, lúc cơ số người vẫn còn là 8, tôi thực đã có một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, tính toán hay mình chạy xuống tầng xin đổi phòng.
Đó giống như một phản ứng tâm lý tự nhiên, tức thời khi một ai đó đồng thời thấy mình choáng ngợp lẫn ngao ngán trước một hiện thực chẳng có chi dễ chịu: một cái giường bẩn đợi bạn, một lối vào phòng bẩn thỉu, hai cái nhà vệ sinh mở toang cửa cũng lem nhem bụi két lâu ngày giờ dính nước bết bát...
Nhưng may mắn là rất mau lời chú tuỳ duyên níu tôi lại. Và giờ tôi thực hài lòng vì chỉ sau có một ngày đồng lòng thu xếp, chúng tôi 6 người một phòng lớn cách ly thực có điều kiện sinh hoạt không tồi chút nào.
(7)
Không tính diện tích khu phụ - bàn bếp và hai nhà vệ sinh thì phòng ở áng chừng 70m2 với bốn cửa sổ lớn, một hiên nhỏ tiện cho phơi phóng áo quần, đồng thời lại còn giúp giảm bớt mức độ gay gắt của nắng xiên lúc chiều sang.
Trần nhà cao, có 4 quạt trần đủ tạo thoáng và mát bất chấp cái nóng đất Bình Dương ngoài kia.
Giường xếp của các chú bộ đội bẩn thì mình lau. Giường cũ bạt đệm trùng nằm đau lưng thì mình lăn xuống sàn. Còn định than phiền nữa thì ngay tắp lự tự nhắc, mình đang ở khu cách ly chứ có phải rì-zọt 7 sao đâu mà đòi này cầu nọ.
Tinh thần AQ muôn năm, cứ nhìn phòng thoáng, cứ hưởng gió ngày từ quạt trần và gió đêm dịu mát từ ngoài cửa sổ táp vô, đâu có chi tệ!
(8)
Các bạn cùng phòng người lớn nói chuyện với nhau, có người bảo ở thế này chẳng khác nào đi tù vì tính ra là bị bao bọc trong 4 bức tường, loanh quanh ăn ngủ rồi lại ngủ ăn qua ngày. Nhưng rồi cũng chính cô này bảo, nhưng mà tù ở quê em phải đi làm lò gạch, sống khổ lắm, mình đây được cơm bưng nước rót.
Một cô khác vui tính lại bảo, mình sướng quá còn gì, từ sân bay về đây được xe công an và quân cảnh hú còi dẫn đường, hàng ngày được bác sĩ đến đo thân nhiệt, đến bữa có người gõ cửa phát cơm.
Tôi không tham gia câu chuyện của họ, chỉ nghĩ thầm nếu được chọn thì tôi sẽ bỏ cái dấu huyền đi và ví von mình đang tu.
(9)
Trước khi rời Mỹ, tôi thực có nhiều lo lắng về thời gian cách ly. Có quá nhiều than phiền này nọ trên mạng nhện cùng những lời đồn thổi rỉ tai này kia chi nọ.
Thêm nữa là trong khi tôi còn rối bời thì sự quan tâm của mọi người càng làm tôi loạn hơn. Không rõ vì mọi người cho rằng tôi chịu khổ kém, hay vì chính mọi người cũng bị tác động bởi truyền thông xã hội.
Giờ, sau 5 ngày cách ly tập trung, tôi nghiệm ra một điều, hoàn cảnh nào thì hoàn cảnh, điều đáng kể hơn cả là mình phải giữ được cái đầu tỉnh táo.
Bẩn thì ta dọn. Không ổn chi thì tự mình nghĩ, nghĩ cùng bạn cùng phòng sao cho có được phương án tốt hơn. Vấn đề luôn có nhưng ngay từ xuất phát điểm giữ một thái độ tích cực thì việc rồi cũng được giải quyết.
Vậy nên cách ly tập trung coi là giống ở tù, hay đi tu thế nào là tuỳ ý. Quan trọng là tự tại mình đây!
Và một điều nữa, có thể chính tôi vài ngày trước sẽ tự cười nhạo mình là nói lời sáo rỗng nhưng giờ thực là suy nghĩ nghiêm túc, đó là giữ một thái độ biết ơn!
phòng cách ly có diện tích gấp rưỡi nhà Hà Nội |
hiên nhỏ phơi quần áo, đỡ nắng xiên giờ chiều |
cách ly - có rào dây kẽm và các điểm gác bên ngoài đừng nghĩ chuyện "thoát tẩu" nhá :-))) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét