Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

bánh mỳ việt nam - từ phố đại la đến phòng cách ly tập trung

bánh mỳ bác gái cùng phòng cách ly đặt mua và cho một ổ
bánh xốp xồm xộp như có như không, nhưng giờ sao ngon hỉ

Bánh mỳ ba-tê ngon nhất tôi đã từng ăn, hay chính xác hơn là nhớ ở trong dạ, là ổ bánh mua ở nhà bác gái cuối phố Đại La, chếch cổng phụ khu tập thể Đài tiếng nói Việt Nam.

Tôi không nhớ lúc đó mình học lớp mấy, đại khái là ở trường cấp II Nguyễn Phong Sắc. Phố Đại La nhỏ, hẹp, dài, nhiều cây, yên ắng và thanh bình. Có đến non nửa phố là nhà chuyên ở, hàng ngày đóng cửa im lìm, số còn lại là cửa hàng hay xưởng nhỏ, không mấy ồn ào, cứ lặng lẽ hoạt động kinh doanh, giống như  không khí chung của con phố.

Tiệm của bác gái giống như một quán nước chè, được mở trong phần trước của ngôi nhà một tầng lợp mái ngói hẳn được xây từ thời Pháp. Nhà nói cổ thì không chính xác, nhưng kiểu kiến trúc tý cái này xíu cái kia mang dấu ấn thuộc địa thì chính xác luôn. Nhà dài, tối, đằng sau phòng trước nhìn ra hè phố tất sẽ có một sân lớn ngập nắng, đại loại thế.

Bác gái người nhỏ, nói năng dịu dàng, mặt mũi hiền hoà. Ba-tê bác tự làm, ngon. Món nữa trong quán của Bác làm tôi thích mê mệt và chỉ thi thoảng lắm mới có tiền để mua là bánh đậu xanh thủ công. Bánh hình vuông, bọc giấy nến, mặt trên đóng triện hoa lá cầu kỳ. Bánh không mềm dính nhớp dầu mỡ như đặc sản Hải Dương ngày nay, cũng không đanh như mấy phần bánh quà Hội An. Bột bánh thơm phức hương vị đặc trưng của đậu xanh, ngọt vừa phải, cắn miếng nhỏ mau hoà tan trong khoang miệng, lại thêm một chữ ngon.

Quay trở lại ổ bánh mỳ phố Đại La. Tôi không nghĩ là hồi đó đã có tiết mục tương ớt hay bơ này ma-ga-rin nọ cũng như tá lả các kiểu nhân bánh cầu kỳ. Rất đơn giản là vài lát ba-tê, và hình như có đôi ba cọng rau mùi, thơm thoảng chút hạt tiêu xay. Thế thôi. 

Bánh mỳ ngày xưa thật thà, không phải kiểu baguette Pháp đặc ruột chắc nịch mà cũng chẳng phải bánh xốp Như Lan ăn cứ như không ăn. Bánh thơm và ngọt vị bột ủ men, tôi vụng về đường tả chân, chỉ biết nói vậy. 

Trong hoàn cảnh nghèo bao trùm ở buổi giao thời của kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa - nói theo công thức quan phương - một phần bánh mỳ ba-tê đó thực là một bữa sang, một cuộc vui lớn với mấy đứa học trò con nhà cán bộ công nhân viên hưởng lương Nhà nước.

Phố Đại La chừng ba năm trước tôi vô tình trèo nhầm xe bus mà cứ thế đi qua. Chẳng còn đâu cây nhỏ rợp mát, phố giờ giống như một ngõ nhỏ, chật hẹp bụi bặm và bẩn thỉu. Tôi căng mắt nhìn muốn định vị nhà của bác gái cũng như nhà của Tuấn Béo - cậu bạn thân thiết một thời mà không ra lấy một dấu vết nhỏ gợi nhắc. 

Nhưng kỷ niệm về con phố, về những người sống ở đó, về mấy món quà ăn vặt thì tôi vẫn giữ nguyên một góc trong lòng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét