cây đinh lăng phong thuỷ của tôi đang hao hao gầy giờ muốn thành mũm mĩm |
Tôi thấy hai áo đi mưa, một cái khô ráo sạch sẽ bị gấp ẩu tả, cái còn lại nhìn thoáng tưởng ổn, ngó gần hoá ra phần mũ trùm đầu còn ướt nhép. Cái đầu được gấp lại gọn ghẽ, cái sau cho vô thùng rác chờ chuyển đi.
Tôi lại thấy một miếng lớn nylon loại tốt, nhìn thật kỹ thì ra là màng bọc cho xe đạp Bianchi của lão Tiên sinh khi xe được chuyển sang Việt Nam hai năm trước. Tôi ngồi im, suy nghĩ tại sao mình lại giữ tấm bọc này. Sau chừng năm phút tập trung thì từ phi thường nghiêm túc tôi hoá thành con dở, cười ha ha trong dạ, chắc là mình định cắt nhỏ để làm miếng bao phủ đồ này vật nọ. Giờ tấm nylon đó được vo viên thành một quả cầu sáng lấp lánh dưới ánh đèn vàng.
Tiên sinh uống rượu nhưng không chịu vứt bỏ vỏ chai. Ông lão rất khoái chí vụ tích nước làm thành một dãy chai để có thể bất cứ lúc nào cũng tiện tay tưới cây. Vấn đề là có hơn chục chậu cây mà có tới gần hai chục chai nước, lại chưa tính cả hơn chục cái vỏ khác nằm lăn lóc rỗng không ngoài hiên nhà, thì đúng là ở đây chúng tôi có vấn đề to cả về tâm lý lẫn hình lý. Hôm nay, tôi bỏ đi lượt thứ nhất. Nói là lượt thứ nhất vì liền lúc vứt cả chỗ vỏ chai rượu đó đi đối với tôi là quá tải.
Nhiều món đồ nhỏ được tháo dỡ lớp bọc bảo vệ. Nhiều món khác được lau chùi sạch sẽ sau khi bị vứt lăn lóc dưới gầm thang hay ngoài hiên nhà. Vài món khác được sửa chữa.
Hôm nay giá treo tấm vải chàm đã được thay dây mới, là dây thép thay cho sợi nylon dzởm dzít chả biết đứt từ lúc nảo lúc nao mà hậu quả là một góc miếng gỗ nhỏ gá liền cái giá đã bị tróc mảng, làm mất đi tính nguyên bản và nguyên vẹn của cái giá có gốc gác từ nhà của một bác người Hmong nào đó.
Thời đại dịch, việc dùng cồn khô rửa tay thành thường trực. Tôi lấy kệ nhỏ mua từ YNot năm kia đặt dưới tấm gương ngay cạnh cửa ra vào, đặt lên đó giá tre nhỏ hôm nay vừa vặn được buộc mấy lần chỉ cố định chân đỡ để làm cái đựng lọ cồn khô cùng lọ lotion nhỏ giúp làm mềm da. Lại thêm bát gáo dừa đựng mấy túi khăn cồn lau tay và giấy khô, sẵn sàng nhặt mang theo người khi rời nhà.
Kệ YNot đó nhắc tôi nhớ Anh K., người đã ra đi bất ngờ tầm tháng 9 năm ngoái. Khi đó, TL gọi điện và kể lại chuyện vô tình coi facebook thì biết tin. Không rõ cửa tiệm giờ thế nào. Chúng tôi không mua nhiều đồ ở đó, nếu có chủ yếu là đồ đồng, nhưng qua lại thì khá thường xuyên. Mọi người từ ông chủ đến bạn nhỏ bán hàng và mấy bác thợ, ai nấy đều dễ mến. Ở Hà Nội giờ không còn nhiều cửa tiệm cho tôi cảm giác thân quen và ấm áp như thế.
Cây đinh lăng phong thuỷ yêu quý của tôi dài loằng ngoằng, hai cành lớn oặt ẹo. Tôi tiếc lắm nhưng vẫn phải tay kéo mồm lẩm bẩm nói lời xin lỗi cái cây rồi cắt phăng hai bạn cành lớn đó. Cây dài giờ hoá thành cây tròn, coi rất ngộ. Lúc nói chuyện điện thoại với Mẹ, tôi than phiền vụ chặt tỉa này. Bà cụ già bảo với thời tiết này thì đừng mong cây cỏ khoẻ khoắn, đủ nắng vững chắc vươn lên. Nghe lời Mẹ, coi như con gái bớt được chút phần áy náy với cái cây.
Tôi chậm rãi làm quen với căn hộ. Việc này không dễ vì thực thì tôi ỷ lại quá nhiều vào thói quen, vào tình cảm luyến thuộc với cái phòng gỗ - ổ heo quen thuộc của mình. Thêm nữa là căn hộ mang trong mình nó cả một đống vấn đề cần giải quyết: từ những mảng tường ẩm loang lổ ngoài hiên, các mặt gỗ dzởm lót sàn xấu mù cần thay tới mấy đường ống chưa được xử lý cho mùi hôi hôi vô cùng khó chịu.
Ơn Trời, với công cuộc dọn dẹp rón rén từng bước một thế này coi như tôi thêm một chút tương tác, một chút gần gũi hơn với không gian sống kỳ lạ này.
buộc chỉ cố định lại chân cho giá tre nhỏ ngàn vạn lần tôi nói, bỏ đi cho đỡ rác nhà giờ bạn ý lại hữu ích rồi :-))) |
thay dây cho giá treo tấm vải chàm |
kệ nhỏ YNot trước đỡ cây giờ có nhiệm vụ mới |
ˆgiấy khô, giấy cồn, cồn rửa tay, lotion dưỡng ẩm - luôn sẵn sàng |
giá tre lồng giỏ cói = thùng rác nhỏ di động |
Về TH tha hồ mà dọn
Trả lờiXóaSẵn sàng :-)))
Xóa