Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

miệng con trẻ, tik tok và anh họ sợ mắc nghiện

(1)

Hôm trước khi tôi đang loay hoay đẩy xe chở sách lên tầng, chạm mặt nhóc con sống ở căn hộ đối diện. Thằng cu chừng 4 tuổi, chạy theo trái bóng bay khổng lồ, nhìn thấy tôi thì khựng lại. Sau mấy giây thăm dò, nó quyết định mở lời trò chuyện.

Đầu tiên là nó hỏi bác đi đâu đấy. Sau đó là nó khoe nhà nó cũng có xe đẩy [hàng]. Và cuối cùng là nó hoan hỉ thông báo, cháu sắp được chuyển sang nhà mới rồi.

Năm kia khi chúng tôi chuyển vào căn hộ, nó còn bé tý và suốt ngày gào khóc làm mình làm mẩy. Giờ thì đã ra dáng một anh cu trưởng thành, bộ đồ bông mặc ở nhà mang hình biểu tượng lu-i-đờ-vu-tông, cử chỉ gọn ghẽ đâu ra đấy của đứa trẻ ý thức mình là ai.

(2)

Sau màn trò chuyện với thằng bé con, tôi quay vô nhà, lát sau có khách là anh họ nhà Nội qua chơi hỏi thăm tình hình và gửi quà cho hai cụ già ở Bắc Ninh.

Anh họ hơn tôi mấy tháng tuổi, gần như toàn bộ hành trạng sự nghiệp gắn với các cơ quan bộ to đùng, chín chắn chỉn chu đúng công thức cán bộ trung ương nhưng ở đâu đó vẫn còn phần tếu táo và vô tư của thế hệ con nhà cán bộ sống lành lành một thời Hà Nội xưa.

Anh kể bị con gái chặn phây-búc, phải thảo luận chán chê thì nó mới đồng ý cho kết bạn trở lại. Hai bố con nghe đâu thảo luận đi đến sự nhất trí này với tinh thần cởi mở và tôn trọng. Riêng món tik tok thì anh bảo anh chịu, chẳng hiểu là cái gì và chẳng còn thời gian hay sức lực để mà "theo dõi" bọn trẻ con nữa.

(3)

Tiếp lời anh, cả TL và cô khách hàng xóm cũ đều bảo cẩn thận đấy, rằng thì là mà cái món ấy [tik tok] chớ có nghĩ nó vô hại.

Cô hàng xóm cũ có kinh nghiệm giao tiếp với bọn trẻ con, nền tảng tik tok cô rành, cô bảo khiếp lắm. Còn TL thì kể chuyện của bạn, ngày đẹp trời phát hiện con gái ngoan của mình trước mặt cha mẹ và bạn bè cha mẹ nhẹ nhàng lễ phép biết bao nhiêu thì trên mạng nhện láo toét, bậy bạ với lời biết bao nhiêu. 

Mà điều đáng sợ hơn cả là khi các bố các mẹ lò rò chui vào tik tok để xem nó là gì hòng có đường uốn nắn con cái thì không khéo lại hoá nghiện. Tỷ như có ông bố chui vô đó, và thế là say sưa xem các em gái đu dây phong trào lột áo.

(4)

Tôi nghe chuyện cười khớ lớ. Ngày xưa khi còn trẻ, anh giai này hẳn tối tối thẫn thờ trước màn hình ngắm em Thuỷ Top đi :-)))

Quay lại anh họ, anh bảo lúc còn trẻ anh cũng xem bậy xem bạ trên mạng nên giờ đến tuổi làm cha thì chủ trương không ngăn cản, kiểu như vị phụ huynh kia sắm điện thoại cục gạch cho thằng con trai với đúng 10 số điện thoại của người nhà. 

Nhưng ngay cả khi thả thì vẫn cần có chút định hướng và kiểm soát. Ngoài vấn đề thời gian và năng lượng để làm cái việc đấy, nghe xong lời của cô khách kia, anh bắt đầu thêm một nỗi lo khác. Nhỡ mình vô đó, thấy trò chơi gì hay hay rồi nghiền rồi nghiện thì làm sao đâu :-)))

nấm kho chay nồi đất - nấm đùi gà tươi sắc 15 phút

nấm kho tươi sắc màu
(1)

Từ lúc quan tâm đến công thức sống "chi tiêu hạ cấp", tôi chạm vào cái gì cũng thấy sao mà đắt

Cho bữa tối nay, quyết định làm món nấm kho chay đến vào phút cuối. Vì thế, thay vì mua nấm ở hàng quen trên Tô Ngọc Vân hay ở ngay mẹt của cô tên Vui bán nhờ cửa phía Bắc, tôi chạy vô tiệm Vin nhỏ trong tiểu khu để tìm nấm đùi gà. Cầm tờ hoá đơn, nhìn giá bán nấm theo cân mà con giời mắt trợn ngược. Chưa kho nấm đã tính nhẩm thật nhanh, nấm đắt hơn thịt đâu :-)))

(2)

Bỏ qua cái chi tiết nhỡ đường đi chợ đó đi thì nồi nấm kho hôm nay quả thực vừa ý cả tôi lẫn TL. 

Nấm kho là món khá quen thuộc trong bếp nhà. Nhưng nồi nấm kho tối nay có chút phần đặc biệt.

* Cho nồi kho 15 phút đầu:

- Nấm đùi gà 4 cây cả to lẫn nhỏ vừa tròn 400gr
- Dứa 1/4 trái thái lát dày khoảng 0.7-1cm
- Cà rốt một đoạn thái lát dày ngang dứa (optional)
- Hành hương 1 củ - có thể thay thế bằng hành tây
- Tỏi 2 tép
- Gừng một miếng nhỏ nạo vỏ, thái lát mỏng
- Ớt tươi chừng 1/2 quả bỏ hạt bằm nhuyễn 
- Tiêu đen xay rối 1 thìa cafe
- Mấy mảnh tảo kombu
- Nửa muống súp dầu hào chay
- Một thìa cafe bột gia vị
- Già muỗng súp nước tương Lee Kum Kee
- Dầu mè non nửa thìa súp - lần này tôi dùng dầu Nhật sắc nâu vàng óng ả thơm lừng

* Cho phần rau gia vị bổ túc để tự chín tiếp

- Hai trái ớt có tên sweet snack pepper - tôi dứt khoát không hiểu là ớt giống loại gì, đại khái là thịt vỏ mỏng, giòn, ngọt nhiều hơn là cay
- Một cây nhỏ cần tây "ta" 
- Hai cây hành hoa
- Dứa 1/4 trái thái lát giống như phần cho vô nồi kho từ đầu

Trong đó, ớt bỏ hạt, thái lát dọc một quả chia 6 phần; hành xanh và cọng cần tây xắt khúc. Nếu cẩn thận thì có thể đập dập nhẹ cọng cần tây để mùi vị nổi bật hơn trong nồi kho sau này.

(3)

Trước nay khi kho nấm tươi, tôi loằng ngoằng thêm thắt từ nấm hương khô qua mộc nhĩ, rồi có khi cầu kỳ thêm chút nước ninh xương kiếm ngọt, rồi nữa là đặc biệt thích cho bạn boa-rô - tỏi tây "tây" vô nồi kho.

Đó là chưa kể, trước khi kho nấm thì mất công ướp gia vị đặng món nấm kho thành phẩm thật đậm đà.

Thêm nữa là thời gian kho thường là âm ỉ, lê thê dài. Chờ nồi kho sôi bùng thì lửa cho về liu riu, để cái nồi ngồi toạ bếp nóng cả nửa giờ là chuyện bình thường.

Đến bữa nay tôi làm khác đi: không có thời gian ướp; nấu [kho] vỏn vẹn chừng một góc tư giờ đồng hồ; và bỏ qua hết đám họ hàng nấm hương khô và mộc nhĩ!

(4)

- Nồi đất sẵn sàng, rải một lớp dứa, sau đó là nấm thái miếng dài như ý; rắc hành - gừng - tỏi cùng tiêu giã rối; nêm đậm bột gia vị, nước tương, dầu hào, dầu mè; hoà xíu nước với chỗ ớt đã bằm nhuyễn thả vô; vài miếng tảo kombu và dùng đũa đảo nhẹ
- Nồi đó đun lửa lớn tới sôi thì hạ xuống dưới mức trung bình, đậy vung tính toán thời gian từ 10-13 phút  tuỳ vào kích cỡ nồi, độ dày mỏng của các miếng nấm; xong rồi tắt bếp, để nồi im trên bếp cho nấm tiếp tục chín
- Tính toán thời gian ăn tối, chừng mươi mười lăm phút trước khi dọn mâm cơm thì bật bếp đun nồi nấm kho chừng 2 phút cho tới khi sôi trở lại, rắc/rải hỗn hợp dứa + ớt + cần tây + hành hoa, không trộn chi hết mà đậy vung, tắt bếp và đợi thêm dăm phút là có thể đánh chén

(5)

Làm vậy, nồi nấm kho mang ra bàn ăn tươi tắn sắc màu nguyên bản của ớt đỏ ớt vàng, của hành hoa và cần tây xanh tươi cùng sắc vàng của dứa thả lượt hai.

Dứa lót đáy nồi kho chín rục và ngọt lừ trong khi dứa thả vô nồi kho đoạn sau lại vẫn giữ chút phần đanh cùng chua dịu. Nấm sần sật, ngọt thơm đậm đà vô cùng tốn cơm. Ớt vừa tươi sắc lại không bị nát, ăn vã chơi chơi hay ăn cùng cơm trắng cũng rất thích. Hành hoa cùng cần tây "ta" hoàn thành nhiệm vụ chính là trang trí, nhưng cũng những bạn này cùng với các lát ớt và chút xíu nước kho, có thể cùng cơm làm thành một món trộn chay ý chừng không phải là tệ.

Kho nấm kiểu này không tốn tiền củi lửa là một lẽ, còn thích hơn cả chính là cái sự tươi tắn của nồi kho :-)))

đây bạn ớt sweet snack pepper đồng hành cùng nấm đùi gà

nhà rừng vui sắc đỏ

Bình thường lan can hiên nhà rừng chỉ có màu đỏ của các hộp/bình đựng nước đường phục vụ các bạn hummingbirds.

Hè này ông chủ nhà vui tính, mua thêm chậu hoa treo lên.

Nghe ông kể chuyện, có bạn nhỏ kia nước đường không thèm uống, chỉ vè vè bay lượn ngắm hoa. Ngắm chán chê thì lao thẳng vào bả vai ông lão. Tôi hỏi, ông mặc áo đỏ à? Trả lời, không đỏ mà là đen sì.


nóng

hóng chút xanh cho kệ bếp
(1)

Tôi lớn lên trong thế giới xanh.

Khu tập thể trường Kinh tế kế hoạch không tách biệt với khu hành chính, giảng đường hay ký túc xá, tất cả làm nên một tổng thể xanh với rất nhiều cây xà cừ lớn cùng các rặng nhãn bao xung quanh hai khu sân chơi chính. 

Đó là ở nhà. Đi học trường Nguyễn Phong Sắc 8 năm tù tì, chúng tôi rời cổng B, men theo phố Đại La để đến trường học ở đầu kia của con phố, hướng Chợ Mơ. Phố Đại La nhỏ, dài, rợp cây xanh. 

Trường học cũng xanh, từ xanh của bãi ruộng lớn lối vào, của bãi cỏ sân sau tới đám cây cao rải rác dọc theo toà nhà chính cũng như toà nhà hội đồng, mà trong đó tôi nhớ rõ nhất là các thân bạch đàn vì cái sắc trắng của thân cây thay lớp vỏ áo giống y chang làn da của Nam Thắng ngày chúng tôi qua tiễn biệt bạn.

(2)

Chuyển nhà lên nơi ở mới ở đầu khác của thành phố, tôi đi trường Yên Hoà với các dãy nhà cấp 4 lụp xụp và sân trường rợp bóng mát của cây to.

Đường Láng chúng tôi đạp xe hì hục xuống Nguyễn Trãi để học lớp luyện thi đại học mát vô cùng mát. Thời đó các ruộng rau thơm đất Láng vẫn còn đó, các dãy xe tải dài chở hoa quả từ miền Nam ra Hà Nội đậu đỗ với các bác tài thản nhiên sinh hoạt phô bày mọi sự riêng tư. 

Đường Nguyễn Trãi không như ngày nay bẩn, bụi, lộn xộn mà cũng dư dả bóng râm và sắc xanh của các thân xà cừ lớn.

(3)

Lần đầu tiên tôi ý thức về nắng, về nóng, về bức, về oi, về sự nghiệt ngã của tiết trời là khi thấy mình cùng TL trong căn gác nhà trọ dành cho sinh viên của hai mẹ con bác gái sống ngay gần Đại Nội, Huế. 

Các bạn viết thư ở Huế của tôi đã thu xếp cho chúng tôi ở trọ nhà bác gái trong chuyến đi tới đất thần kinh lần đầu tiên - và cũng là chuyến du lịch xa nhà tự đi lần đầu tiên thời sinh viên.

Nắng miền Trung, gió Lào, rồi chi chi nữa, các tên gọi đó chẳng có mấy ý nghĩa nếu ta không trực tiếp ở trong những hoàn cảnh cụ thể.

(4)

Hà Nội phát triển.

Mặt mày mọi người rạng ngời vì sự phát triển. Anh có đất của cha ông để lại xẻo một miếng bán, sướng. Anh làm khối ngành nghề đặc biệt nào đó hưởng lộc ngành nghề có nhiều lương cùng bổng, tỷ như bưu điện lương cao ngất ngây hay bộ đội được cấp đất mảnh to mảnh nhỏ, dư tiền xây nhà phong cách Nhà hát lớn, sướng. Anh quan để quên phần liêm sỉ, có cục tiền to từ trên trời rơi xuống đưa cho vợ con sắm sanh đầu tư vung tứ mẹt, sướng. Dân đen loi ngoi, luồn lách mỗi người theo một cách của mình, hầu hết ai cũng cảm thấy đời mình tươi tắn hơn trước, sướng.

Tất cả chìm trong niềm vui phát triển mà quên mất rằng chất lượng cuộc sống xét về mặt hình lý xem ra càng ngày càng kém đi. 

Không cần đi xa, nắng và nóng ở Hà Nội giờ đây tôi nghĩ có những lúc chẳng thua gì nơi đất miền Trung.

(5)

Bình thường tôi sẽ nhệch cái mỏ mà kêu ca ầm úm.

Giờ, tôi chẳng làm việc đó nữa.

Tất cả, giống như một sự chịu đựng.

(6)

Có việc phải đi lại trong thành phố, tôi sợ món covid nên bỏ qua hết từ xe bus vé tháng tới ngồi sau bác Grab hay chui đại vào một cái taxi.

Tôi tự chạy xe máy.

Loay hoay lục tìm, tôi thấy manh áo lụa trắng dài tay của nhà Tropical, thật là tốt. Áo đó lại thêm một lớp trợ là khoác nhẹ vải hemp của nhà Indigo, đảm bảo giữ cho cơ thể không bị nắng nóng thiêu đốt mà lại còn ổn định mức nhiệt - nói quá có khi lại là mát.

Ở không ít điểm dừng đèn đỏ, tôi dư thời gian nghĩ vẩn vơ, nghĩ chán thì phì cười. 

Vẫn là cái xe máy, khoảng ba thập kỷ chút sao mà đẹp, mà sang, mà lãng mạn. Giờ thì sao? 

Tôi đã gặp không ít quý chị quý anh gốc rễ bình dân vươn lên trong hệ thống, được mấy ngày có xe bốn bánh thì mặt vênh tợn khinh bỉ bọn chạy xe hai bánh. Lúc đầu tôi nghe thấy bực, sau thấy nực cười. Riêng hôm nay, tôi thực muốn giơ hai ngón tay lên tán dương các thủ trưởng này.

Trong nhà nhiệt trung bình ở mức 30-31 độ C. Ngoài đường theo dự báo thời tiết là cỡ 37-38. Nhưng bạn chạy xe máy giữa khung trời nóng và nắng mà xem, nhiệt từ trên dội xuống, nhiệt từ dưới bức lên, nhiệt từ các đồng chí hai bánh và bốn bánh xung quanh phả vô, có nói là 40 độ C cũng chẳng phải là ngoa ngôn.

(7)

Xong công việc tôi về căn hộ. 

Cất đồ, suy nghĩ nghiêm túc một hồi thì cầm ví chạy xuống siêu thị nhỏ dưới tầng.

Tôi đã bỏ cafe và cùng với đó là bái-bai luôn cả bạn sữa tươi. Nhưng hôm nay thực là ngoại lệ. Không có sữa tươi không đường loại quen dùng, tôi nhặt được bịch nhỏ sữa tươi Đà Lạt loại pha sô-cô-la chi chi cứ thế kéo bốn góc và làm đôi ba ngụm lớn giải cơn khát. 

(8)

Quay lại nhà, lại một hồi suy nghĩ nghiêm túc.

Cuối cùng thì kẻ không quen dùng máy điều hoà là tôi đây tiến về cây điều hoà bị bỏ lơ ở góc phòng từ lâu nay, ấn nút hòng kiếm chút mát lạnh. 

Các cửa kính được khép kỹ, ngăn trở bầu khí nóng từ ngoài kia xâm nhập. 

Tôi thấy mình trong một không khí nhân tạo kỳ lạ. Được già một góc giờ đồng hồ, con giời xót xa tiền điện một phần, phần nữa bi ai cho đám cây ngoài hiên phải chịu khí nóng từ cục máy điều hoà. Thế là tắt máy.

Mà lạ nhá, hơi mát lạnh quẩn quanh trong phòng, quạt cây nhỏ chạy từ tốn, vừa đủ mát lại yên tâm không xót cả túi tiền lẫn đám cây nữa.

(9)

Trong bữa tối TL phàn nàn về cái sự nóng.

Xong rồi cô em chuyển sang mơ màng đi đâu, sống đâu thì mát.

Nghe TL kêu ca như vậy, tự dưng tôi thấy mình thật là zen đi :-)))

sáng ra cây đã ủ rũ thế này :-(

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

đọc sách và dọn sách (4) - những cảm giác cũ

TL thích Paul Jennings, luôn đặt kế hoạch tìm mua đủ bộ sách của ông nhà văn này.

Đến lượt tôi, nếu được hỏi còn muốn tìm ai để đọc thì sẽ ngậm miệng hột thị. 

Thứ nhất là cùng với sự già đi, toàn bộ các giá trị, các kỳ vọng, các mơ ước... tất cả đều trở nên nhạt phếch. Tôi không muốn cũng không thèm khát điều gì, thứ gì một cách quá sôi nổi. Thoang thoáng nghĩ tới một điều gì, một thứ gì, rồi rất mau các suy nghĩ bị quẳng ra sau gáy.

Thứ hai là mắt tôi kém. Giờ tôi thích làm mấy việc chân tay và nghe radio hơn là đọc. Thật là buồn cười khi chỉ chừng mươi năm trước, tôi nghĩ mình không thể sống mà thiếu sách. Giờ tôi chưa đủ cái máu lạnh hay sự dũng cảm để cắc-bụp nói lời tạm biệt và buông bỏ hết thảy, nhưng sách trước mặt tôi không còn cái sự hấp dẫn và tươi mát tinh thần như ngày trước.

Nói vậy nhưng khi đóng gói những cuốn sách cuối cùng, tôi mơ hồ các cảm giác - các cảm giác xưa cũ gắn với những sách nhỏ, sách mỏng trên tay. Tôi nhớ cảm giác buồn buồn khi đọc Hồ Dzếnh, cảm giác được ăn ngon khi khám phá thơ Đường bởi vẻ đẹp của từ, của chữ dù gần như mù tịt món Hán văn. Tôi nhớ đã từng điên rồ tuyên bố trước mồ ma partner và D. rằng sẽ sống một đời xông xênh như nhân vật của Llosa.

Sau bao năm, tôi không còn nhớ đọc gì Hồ Dzếnh, thơ Đường chắc chỉ ngâm nga được đôi ba câu không đầu chẳng cuối, còn Llosa đúng là tôi đọc nhiều nhưng không phải là ông nhà văn mở ra một thế giới huyền ảo mà là một tay phê bình nghiệt ngã chạm vào những câu chuyện xã hội chính trị từ phạm vi Nam Mỹ tới toàn cầu thời coronavirus. Mà ngay cả khi đọc thì cũng là đọc thế thôi, rồi rất mau tất cả đều trôi tuột.

Thời gian thật hay ho. Nó làm chúng ta thay đổi cả trong hành động lẫn suy nghĩ. Tôi đã từng ngu ngốc và háo thắng nghĩ mình thuỷ chung là mình, dứt khoát không thay đổi theo dòng chảy thời gian.

Giờ, các cuốn sách, các bịch sách, các bao tải sách này, chúng nhắc tôi, mày thay đổi rồi!

bé tý đọc bản rút gọn giấy đen sì - lớn ăn chơi tập màu đầy minh hoạ

mỏng tang, giấy xấu nhưng sách làm tử tế

hỏi đọc Hồ Dzếnh thế nào, đáp em nhớ là rất buồn

ngày có người đến nhà lấy đi những bao tải này
tôi ắt thành người khác thứ n

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

đạo đức giả

(1)

Một bà Mỹ tầm tuổi 70 thuỷ chung không đeo khẩu trang, không phải vì vấn đề đức tin [tôn giáo] chi chi mà cũng chẳng phải vì cho rằng covid là một trò bịp. Đơn giản, bà tự tin con coronavirus không có gì là nguy hiểm. Mà đã thế thì không có gì là khó hiểu việc bà từ chối tiêm phòng covid.  

Nếu chuyện chỉ có vậy thì chẳng có chi đáng bàn. Nước Mỹ có nhiều người như bà Mỹ đó.

(2)

Chuyện là cách đây đôi ba hôm, bà từ giã cõi đời.

Vì covid!

(3)

Chuyện của bà được người anh trai của cô bạn thân của bà chia sẻ trong một bữa tụ tập bằng hữu. 

Trong khi mọi người ra sức xót thương cho một cuộc đời - dù đa phần chẳng biết bà này là ai thì một ông khách trong bữa tối đó lại phá đám với phát biểu đại ý là đáng đời.

Tức thì đám người bên bàn ăn tỏ ra bị sốc bởi lời của ông. Ông bị trách là thiếu lòng trắc ẩn, là độc ác...

(4)

Ông này không chịu bị mắng, bật lại ý rằng ông không phê phán việc bà kia tự quyết không đeo khẩu trang hay không chích ngừa nếu như bà ý sống tách biệt một mình.

Nhưng nếu bà ý đi lại lung tung thì nguy cơ nhiễm rồi truyền bệnh cho người khác đâu phải không có. Và trong trường hợp này thì rõ là quá vô trách nhiệm.

(5)

Đến cuối bữa tối bằng hữu, ông phá đám không còn đơn độc.

Một nhân vật bên bàn ăn gật gù, ừ mày nói vậy cũng có lý!

nắng tháng 5 vườn nhà hà nội (2)

Vẫn là nó, cái nắng đanh giòn. 

Có mấy chậu và thùng nhựa cũ bị TL và cả bên cửa hàng không để ý, nước tụ thành ổ nuôi bọ gậy, tôi hì hục lật úp chúng và tự nhủ, giờ thì đã biết tại sao hai cẳng chân mình dệt đầy hoa gấm.

Hồi tháng trước tôi tính toán đợi trời mát thì nhổ cỏ dại. Giờ trời mỗi ngày một oi nồng, oi nực, chỉ thò chân ra vườn đã ngại rồi thì làm ăn cái nỗi gì.

Niềm vui to lớn nhất từ vườn là thi thoảng chúng tôi có thể chạy tót ra kiếm vài bạn rau, từ rau quả gia vị như trái quất xanh pha nước chấm, nắm lá lốt thả nồi canh chua hay mớ hẹ làm nhân há cảo, cho tới rau nấu nguyên một tô canh như dọc mùng cùng mồng tơi. 

Thêm nữa là tranh thủ nắng, quần áo cùng giày được giặt và hong, khô rồi thơm phức mùi của nắng!

nắng quá hoá oải và lười, vườn hoá lem nhem

giày thơm mùi nắng

chuồn chuồn siêu lười... hẳn là vì nóng

thành phố biển có gì mới

Tiệm rượu cũ kỹ mở cửa trở lại. Không tính bác chủ, tôi nhận ra cặp đôi vui tính bà già chuyên gia đồng nát và ông chồng chuyên gia xỏ xiên. 

Ông hàng xóm bên kia đường sau hơn một năm chờ đợi giờ có thêm bạn Lotus đỏ chót cho bộ sưu tập. 

Còn ông lão nhà mình thì chuyện mới vẫn được đặt ở thì tương lai gần. Ông lão vẫn chưa dứt khoát được sẽ đi gặp Nancy để cạo đầu hay nhờ bà bạn xoẹt cho vài nhát miễn phí. Tôi chọc ông là ki-bo nhưng thực tôi biết là ông lão vẫn chưa hết tâm trạng e dè [vì] covid. Thêm nữa, rau ông trồng mỗi hôm vài cây, giờ mấy chậu rau giống vẫn ủ ê chờ đợi được dọn sang nhà mới là ô đất vườn được Brother Luke xới kỹ càng.

Edie bữa nay không câu cá, còn Jim thoả sức ngoa ngôn :-)))

góc phố hứa hẹn thêm chút ồn ào

cây hoa lối lên hiên nhà - năm trước bẽn lẽn, năm nay tưng bừng

góc tứ nguyệt sân trước

cây hoa từ đời bà cố

đọc sách và dọn sách (3) - niềm vui đi học

cho năm 2 hay năm 3 đại học - gợi ý đọc từ Cô Barbara

(1)

Tôi thấy mình hiện tại thật tội nghiệp!

Mệt mỏi, bối rối, chán chường... các mớ từ tiêu cực tôi có thể kể dài hàng cây số.

Tôi không tôn sùng bọn người có chữ [có bằng cấp] nhưng đi học đối với tôi luôn là một quá trình hay ho. 

Tôi nghĩ, nó làm cho con người trở nên bớt hung hăng, tử tế và khiêm cung hơn.

Cho tới khi, tôi phải đối diện với nhiều sự thật: không thể ăn bám mãi gia đình để đi học; đi học mà gặp phải đám thầy bà dở hơi - kiểu như một ông giáo sư Triết mở miệng là mạt sát "bọn đồng tính", hay một bà giáo sư Triết coi chủ nghĩa hiện sinh đồng nghĩa với băng hoại và suy đồi; đi học mà cứ bị câu thúc bởi thêm cái bằng này cấp nọ thì mày sẽ kiếm được nhiều lương và bổng hơn hay lắm lắm...

(2)

Có bạn tôi không thân quen lắm nói rằng, tự học muôn năm. 

Tôi nghe ý đó thấy hay hay.

Nhưng rồi tôi lại nghĩ, học hành hay tu tập chi chi, gì thì gì cũng cần có các bậc hướng đạo, có chúng bạn đồng hành.

Nếu không, cái sự tự-trau-dồi ấy không khéo thành đu dây phong trào.

Kiểu như, hơn mười năm trước anh ngồi rung đùi ở Berlin ăn giả cầy và đội ông [tác giả của] Thế giới phẳng lên đầu, rồi hơn mười năm sau anh ngồi giết thời gian covid [dãn cách xã hội] và say sưa về sức mạnh của truyền thông "mới". 

(3)

Dù thế nào, tôi thực hài lòng vì trên những đoạn đường đã đi, tôi đã gặp được nhiều người thật tốt, thật hay. 

Và quan trọng nhất là các mẩu niềm vui nho nhỏ cho tới giờ vẫn luôn sống động!

Dù chúng chẳng giúp tôi kiếm thêm được li lai tiền bạc hay danh tiếng gì 😀😀😀

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

hai tuần

Tôi ráng đợi chút là xong hai tuần "đề phòng" tính từ thời điểm có 4 cái răng mới leng keng âm thanh tiền bạc trong miệng. Gần hai tuần đi đi lại lại chỗ ông vặn răng, tôi trải qua đủ cung bậc của lo âu cùng đau đớn, từ hình lý qua phổ psy.

Đau thể chất là một lẽ, lo lắng gom tiền đặt răng mới là một lẽ, nhưng đáng sợ hơn cả là tôi không có lựa chọn nào khác khi các cơn đau lên tới cực điểm là đi gặp nha sĩ đúng vào thời điểm covid nhạy cảm. 

Giờ thì mọi chuyện xem chừng có vẻ ổn. Hoạt động của bộ gọng gặm nhấm chưa hẳn đã uyển chuyển nhuần nhuyễn nhưng ít nhất thì không còn cảm giác chúng ta và chúng nó giữa các bạn răng cũ và mới trong miệng nữa. Tôi cũng hết quàu quạu hay dài mặt vì tiếc tiền, nhất là sau khi được tài trợ một phần kha khá cho đám răng mới, giờ thậm chí còn nhăn nhở, trong mồm tao có một giấc mơ rưỡi - tiền răng đủ mua một và thêm một nửa cái xe Dream Việt Nam tôi đang có hiện tại. Còn lại chuyện lo lắng về dịch bệnh thì là tin tưởng vào các biện pháp an toàn ở phòng khám cùng trông cậy vào việc Ông Giời thương không để con virus chết tiệt kia nó rơi trúng mình.

Tôi thấy mình ở trong một trạng thái ỳ trệ lạ lùng. Không quẫn bách hay căng thẳng kiểu sắc nét mà cứ là mơ mơ hồ hồ dai dẳng chẳng nguyên cớ rõ rành. Nếu hiện diện minh bạch một đe doạ cùng nỗi sợ nó tạo ra thường trực thì đó là sự-già-đi

Những ngày này, tôi làm mọi việc chậm chạp và cách đoạn. 

Và suy nghĩ cũng là chậm chạp và cách đoạn!

tìm thấy sổ cũ - quà tặng từ một em gái
từ từ viết tiếp nhật ký

túi đi chợ Chị PN cho từ ngày chưa biết sống xanh là gì
làm mất cái bao, giờ khâu tay bao mới

lấy cảm hứng từ Indigo Store
tự tạo sắc xanh cho căn hộ

xếp gọn các miếng thổ cẩm

slow gardening - chuyện lão tiên sinh làm vườn

Tối qua ở Hà Nội, tôi nghe ông lão nhà mình khẩn trương, thôi tạm biệt nhé, tui phải bắt tay vào làm [vườn] thôi. Sáng nay ở Hà Nội, gọi điện chúc Tiên sinh ngủ ngon, hỏi thành tựu của ngày thì vỏn vẹn chỉ có hai bệ đặt chậu hoa ở cửa sổ trước nhà được xử lý, còn ô vườn mới thì mới được bao ba mặt lưới. 

Ông lão giải thích, mặt lưới thứ tư chỉ được đặt sau khi đã trồng rau. Ờ, chuyện này nghe có lý. Vì người ông to đùng, như vậy đỡ làm khó ông chứ không giống tôi, lách một cái là có thể chui tọt vào vườn, từ vườn bên nhà ông cha hàng xóm tới ô vườn cũ bé hin hin của mùa hè năm trước.

Danh sách cây trồng của lão Tiên sinh nghe rất oách: ớt, cà chua, đậu đỗ, xà lách và họ nhà bí/squash - mỗi loại cây vài giống khác nhau.

Hài hước nhất là ông lão thích cà chua campari nên mặc dù đã được ông cha hàng xóm mang sang cho ông liền mấy cây beefsteak tomatoes, ông vẫn mua thêm cho mình vài cây giống cà chua mình thích. Ông lão thì thào, tui sẽ trồng một hai cây để Father Mark nhìn thấy, còn lại ưu tiên cho campari.

Chưa rõ rau quả vườn nhà biển đợt tới thế nào, nhưng hai bệ cửa sổ bắt đầu thấp thoáng sắc đỏ của hoa coi đã đủ vui cái cảm giác mùa hè rồi.



broccolini - baby broccoli: rau lai giữa bông cải xanh và cải làn

Bông cải xanh bao tử

broccolini / baby broccoli - "bông cải xanh bao tử"
broccolini
baby broccoli
 

Trong cửa tiệm, tôi mắt toét nhìn tưởng cải làn, hi hi ha ha thò tay mở tủ mát lôi túi rau ra thả vô thúng để thanh toán. Đến lúc tính tiền, em bé thu ngân nói ra ý phân trần, bông cải xanh bao tử vì là organic nên giá hơi mắc ạ. Lúc đó con giời mới ngó kỹ, ơ lạ thật cái bạn rau này.

Phần bông cải, bạn nào mập mạp thì được chẻ đôi chẻ ba, còn lại bạn nhỏ được để nguyên dạng. Thân rau được tước bỏ lớp áo xơ bên ngoài, cho phần ống lõi xanh tươi mơn mởn, tôi cắt đoạn ngắn.

Phần thân rau cho vô món xào rau củ tổng hợp, làm bạn với ớt chuông, nấm đùi gà, hành tây, hẹ, và hỗn hợp gia vị phi thơm là gừng - hành hương - tỏi bằm. Những thân rau đó mọng mị, ngọt lừ, vô cùng ngon.

Bông cải cũng thích hợp cho món xào. Nhưng hay ho hơn cả là với vài món mỳ chan nước dùng đậm đà ngọt xương và rau củ quả, bông cải được chần qua, ăn vừa ngọt vừa giòn, siêu ngon.

Tôi đánh chén xong mới để ý kỹ về bạn rau này. Gọi là bông cải xanh bao tử xem ra không sai nhưng lại có điểm dở là bỏ qua thành phần phụ huynh làm nên bạn rau này: cải làn. 

Nói vậy vì broccolini hay baby broccoli là con lai giữa bông cải xanh - broccoli và cải làn - gai lan/Chinese broccoli.

broccolini - lai giữa broccoli và gai lan

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

lão tiên sinh vui đón hè

Bình thường lão Tiên sinh nghiện nhà rừng, cứ loanh quanh được hồi là kiếm cớ tót lên núi. Còn giờ thì tôi phát hiện ra một sự đảo chiều, có việc phải đi Massachusetts thì ông lão lại hấp ta hấp tấp mong mau xong chuyện để chạy xe về thành phố biển.

Bí mật cũng chẳng phải là bí mật. Đại loại là ông có mái hiên mới, thời gian ngồi ngoài nhà thoải mái ngắm biển, ngắm phà được nhiều hơn, ông khoái chí. Thêm nữa, bọn chim ở nhà biển xem ra ồn ào náo nhiệt và phong phú chủng loại hơn bọn chim trên rừng, ông càng có chủ đề để mà tám. Và cuối cùng, ông vừa có hoa nở vui mắt, lại có khuôn vườn mới vẫy gọi chào mừng ông lao động trồng cấy cho một vụ thu hoạch hè hoành tráng chia ở thì tương lai :-)))

Tôi ở Hà Nội, đầu óc bí rì rì vì cả đống vấn đề sức khoẻ, vì loay hoay ứng phó nóng nực bức bối, lại khiếp hãi trước đợt dịch mới lần này, được cập nhật tình hình ông lão nhà mình, vừa thấy mừng cho ông, lại vừa có chút cảm giác "ghen tị". Ông lão nhà mình thật hạnh phúc :-)))




rau bí xào chao - so sánh với rau muống

rau bí xào chao đỏ / chao béo Laoganma
(1)

Rau muống xào chao là món quen thuộc. Nhưng còn rau bí xanh xào chao?

Bữa trước tôi vui tính làm thử, kết quả có thể coi là thuận miệng. Rau bí, nhất là phần lá, đượm cái vị thơm ngậy đặc trưng của món chao, ăn rất thích. Riêng phần cọng bí thì không ngấm được như vậy, về điểm này thì cọng rau muống quả là hạp với chao hơn trong món xào.

Tôi nghĩ, nếu có thật nhiều rau và "xấu tính" chút, hoàn toàn có thể làm một đĩa rau bí xào chao ngon hết sảy với đặc điểm là chỉ thuần phần lá và ngọn bí [non] :-)))

(2)

Lần xào bí với chao này, tôi dùng chao đỏ/chao béo Laoganma. 

Có lẽ vì được quen mồm miệng mấy bạn chao xứ Đài hay xứ Cảng Thơm nên sang bạn chao này tôi chưa quen lắm, có cảm giác vừa dư dầu mỡ mà lại thiếu bùi bùi ngầy ngậy của bản thân nhà đậu phụ. 

Nhưng nói là vậy, Laoganma có điểm được hơn nhiều so với nhà chao gần như độc quyền ở Việt Nam vốn mặn đắng mặn chát :-)))

(3) 

Về đường nguyên liệu, chuẩn bị thế này:

- Rau bí lấy phần lá và đọt/ngọn non nhặt tước bỏ xơ, rửa sạch rồi đun nước sôi, thả vô xíu đường và chần rau đặng phần cọng nếm thử thấy chín tới là được; rau chần rồi dỡ ra rá, dùng đũa tãi để rau mau nguội
- Chao đỏ / chao béo Laoganma lấy một phần như ý cho ra bát nhỏ, dùng thìa dầm nhuyễn rồi chêm chút nước khuấy đều để cho một dạng nước sauce chuẩn bị thả vô chảo rau xào
- Tỏi bóc tép, đập dập, tuỳ người mà dùng nhiều hay ít - riêng tôi với món rau muống và rau bí xào, kể cả là xào trơn, luôn thích dùng nhiều tỏi
- Ớt sừng hay ớt cay thái vài lát vừa lấy vị vừa để trang trí (optional) - chú ý chỉ là thoang thoảng để vẫn đảm bảo vai trò phi thơm dậy mùi chủ đạo của nhà tỏi
- Bột gia vị hoặc muối hầm tạo mặn - tôi thích cho xíu gọi là để sau món rau xào ra đĩa có lạt thì còn có bát nước mắm nhỏ dầm ớt cay bên cạnh để chấm thêm
- Chút nước chần rau sẵn sàng để bên để trong quá trình xào rau cần thì bổ túc thêm tránh cho rau bị khô

(4)

Xong xuôi hết cả thì bắt tay làm món xào này rất đơn giản. 

- Bắc chảo sâu lòng phi tỏi thơm mềm như ý thì bổ túc tiếp ớt rồi cho rau đã chần vô xào ở lửa lớn mau tay, chêm gia vị/muối hầm vô
- Sau khoảng dăm phút thì cho tiếp phần nước chao đã dầm nhuyễn, đợi thêm ba bốn phút nữa là xong

(5)

Được mớ bí non từ lá tới cọng thì rau từ chần tới xào a-lô-xô lá lẫn cọng; còn tận dụng xơi bí "gái ế" thì tỷ mẩn chút từ công đoạn nhặt, rửa rau tới chần và xào, cứ là phải theo thứ tự cọng trước, lá sau, đại loại thế!

À xíu quên, nước chần rau bí đó ngọt lắm, thả một hai quả sấu non dầm lấy vị chua, uống vã cực kỳ vui vẻ :-)

bí non xin từ vườn nhà Bắc Ninh - a-lô-xô lẫn lộn cả lá và cọng

chao đỏ/chao béo Laoganma và tỏi 

dầm nhuyễn chao

12 giờ

Giữa sáng, bà con lao xao, từ 12 giờ [trưa] trở đi chỉ được bán hàng mang về.

Gần 11 giờ, đài phương oang oang nhạc hiệu rồi thông báo về mở và đóng cửa trong tình hình mới. Nôm na là bà con cafe và quán ăn giờ không được tiếp khách tại chỗ mà chỉ được bán mang đi, còn cắt tóc gội đầu thì tạm thời đóng cửa.

Đài phương im, tôi chạy xe ra chợ mua rau, qua hàng cafe ở góc toà nhà gần chợ thấy xe công an đậu, một ông áo xanh giơ tay chỉ đạo nhân viên cửa hàng dán tờ thông báo bán mang đi, một ông đồng nghiệp khác đứng giữa đường giơ điện thoại thông minh chụp ảnh làm bằng.

Kém khoảng một góc giờ thời điểm Bồ Tát xơi cơm, loa công an phường ông ổng ngay đầu toà nhà bên cạnh. Ông nói loa cáu loạn xà ngầu vì gần đến giờ quy định mà quán vẫn đông vui khách ngồi rung đùi. 

Kém 5 phút đến giờ quy định, xe công an chưa tới mà ông khu vực to béo mông đi lúc lắc đã hầm hổ tiến tới đầu hồi toà nhà. Ông chỉ con bé bán hoa quả, mai mày nghỉ bán đi chứ không tao đập chết. Miệng ông quát, chân ông vẫn phăm phăm tiến thẳng tiệm bánh xèo, tay xoạc ra một tờ giấy, bỏ găng tay ra rồi điền vào đi [hẳn là tờ cam kết].

Cả hàng quả lẫn hàng bánh đều cười nham nhở phô bày cái bộ dạng kiểu dạ vâng, chúng em đã rõ

Được hồi xe công an cùng các đồng chí công an béo múp míp đã lên tới đoạn phố giữa toà nhà. Lại ồn ào ầm ĩ một trận. Ông cán bộ cầm loa lại quát loạn xà ngầu, giọng lần này khẩu khí có phần tục và cục [súc] hơn lúc trước ở chỗ tiệm cafe kia. Hoá ra là nhân dân láo toét, được thông báo mười mươi rồi mà còn cố đấm ăn xôi để khách ngồi phởn phơ trong tiệm.

Bình thường mà thấy và nghe mấy màn như vậy tôi ghét lắm. Nhưng giờ thì là hài hước cùng chút cảm thông. Giờ đó người ta ngồi xơi cơm, mấy bác cán bộ nhà ta đi hò hét nhân dân, đa phần nhân dân hợp tác, nhưng thòi thụt cũng không phải là không có. Người ta nhắc nhở mãi hẳn cũng là mệt đi.

Đầu chiều con phố im ắng khác thường. Tôi mở cổng ngó ra thấy con bé bán hoa quả đứng lơ phơ cạnh gốc cây ngáp ruồi. Nó bảo bên chợ Xanh đã có ép-không rồi, sợ lắm.

Highlands ngày đầu tiên cấm ngồi ngoài

giờ thì trong cũng dừng nốt

ánh sáng mới

Đèn led Rạng Đông 370 ngàn đồng. Hỏng thì bỏ đi chứ không có thay bóng thay biếc chi sất!

Cậu nhân viên nói mã sản phẩm để cô thu ngân tra máy, cô gái trẻ móng tay sơn sặc sỡ, môi đỏ chót, tóc nhuộm chẳng rõ nâu hay đỏ, quần áo phong cách chuẩn hàng hiệu made in China đi qua biên giới xuống thủ đô, rờ rờ con chuột mất quá 5 phút đồng hồ vẫn không ra kết quả.

Bà chủ lớn ngồi ôm két tiền ngáp ngắn ngáp dài. Cậu nhân viên nhìn cô thu ngân ngán ngẩm nhưng thấy tôi chẳng nói gì thì cũng chẳng nói thêm câu nào. Một cô nhân viên khác đang in ấn món hoá đơn nào đó được hỏi thì ngoái đầu lại chỉ dẫn cô kia. Lại thêm gần 5 phút đồng hồ nữa mà vẫn không ra kết quả.

Tôi chẳng nói gì, tay ôm hộp đèn, bận tâm ngắm bọn đèn treo trạt trần nhà và ba mặt tường.

Ông chủ giải quyết xong vụ đóng hàng ngoài vỉa hè để chuyển đi, lừ lừ đi vào cửa hàng hỏi sao lâu thế. Cô thu ngân lúng búng trình bày. Bà chủ lớn đột nhiên mắt liên láo như chưa từng có màn đờ đẫn kia, nghển cổ ngó sang. Cậu nhân viên cũng chuẩn bị mở miệng giải thích.

Ông chủ nhìn cái hộp đèn tôi ôm khư khư trong tay, phẩy tay một cái, phán giá tiền.

Tôi trả tiền, cười khơ khơ, máy tính thua đầu ông chủ!

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

đọc sách và dọn sách (2) - lưu trữ tràng thi

(1)

Tôi không rõ toà nhà đó trước kia là cơ quan nào của chính quyền thuộc địa. Trần cao, phòng thoáng ngập sáng, bàn ghế chắc nặng nhưng không gây cảm giác nặng nề khó chịu. 

Tôi đọc tài liệu ở đó, từ phông Toàn quyền tới phông Thống sứ Bắc Kỳ, có khi nhảy sang cả Đốc lý Hà Nội. Lúc đầu là giúp bạn thân thiết có tư liệu làm luận án về trường thi Hương Nam Định, sau là ngả ngốn tò mò đọc như đứa chết đói gặp được miếng bánh đúc, thích thú với đủ loại thông tin.

Kết quả của những sự rẽ ngang rẽ dọc đó là ngày đẹp trời hai đứa dở hơi phát hiện, chúng mình có kha khá tư liệu về nhân vật ông phố trưởng ở Hà Nội. Thêm một chặng tìm hiểu, sau một hai năm lê mông ở phố Tràng Thi, bạn và tôi hoan hỉ với bản thảo về nhân vật đặc biệt này trong lịch sử Hà Nội thời Pháp thuộc.

(2)

Bài viết đó được công bố, tiền nhuận bút đủ chén một bữa ra trò. Nhưng thích thú hơn cả không phải chuyện đăng tải hay đồng tiền, mà là sự vui thích của một thành tựu được bắt nguồn từ óc hiếu kỳ và cả thái độ vô tư.

Tôi thích cảm giác đó. Thuần tuý làm một điều gì đó vì yêu thích trước hết, vì tò mò trước hết chứ không phải do xô đẩy của cơm áo gạo tiền hay thúc lưng của rộn rã những tham vọng âm mưu thủ đoạn tính đếm trên con đường "học thật - học giả" của ao làng chữ nghĩa.

Sau này có một chuyện rất buồn cười là tôi phát hiện hai đại giáo sư kia bê nguyên bản thảo của chúng tôi cho vào sách của hai ông. Tôi không quá phẫn nộ cáu kỉnh chi mà cười hi hi ha ha, thế cũng tốt, hy vọng có thêm người đọc. Định quay sang trêu bạn, mình có nên làm mình làm mẩy tý không nhể, thì nhớ là một trong hai ông kia là thầy hướng đạo của bạn, chuyện vậy muốn sòng phẳng cũng chẳng thể thẳng tưng. Xuề xoà, ấy nhà mình nó thế. 

một thời nghiêm túc
(3)

Cơ quan lưu trữ chuyển đến địa chỉ mới, ở khu đô thị mới, bao quanh bởi nhà ống nhà hộp của bọn tiền mới, giàu xổi sực mùi kim tiền và phô trương loè loẹt. 

Cán bộ phòng đọc không còn là mấy người lớn tuổi mặt quàu quạu hay cô bạn nhỏ điềm đạm nữa mà là các gái trẻ giọng nhừa nhựa bèn bẹt với khuôn mặt cùng váy xống phong cách hót-gơn trên ti-vi. 

Ngày trước, ở Tràng Thi, từ phòng của bà sếp phụ trách phòng đọc thi thoảng khách đọc tài liệu không cố tình cũng cứ bị lọt lỗ nhĩ mấy thì thào kiểu, tội gì mình không thu tiền của chúng nó [tức độc giả] vì chúng nó có tiền đề tài. Câu đó là của sếp bà đứng đầu cái khoa chuyên môn ở trường đại học. Hồi đó tôi còn nhỏ, nghe thì sốc và xóc lắm. Sau kể loại chuyện này với một người lớn ở trường đại học, thấy người kia ồ à, câu ấy từ miệng bà ấy thì có gì khó hiểu. Cũng may là cơ quan lưu trữ không bị lãnh đạo bởi cái người tham tiền như bà chuyên gia lưu trữ kia, nên tôi ngồi Tràng Thi trừ tiền sao chép tài liệu ra thì chẳng bị gõ thêm khoản nào cả.

Sang phòng đọc mới, câu chuyện rót vào tai không phải là những lời thì thầm kiểu tận thu kia, mà là chuyện sinh hoạt đời thường của đám các em gái từ quê ra phố. Thiếu mỗi màu quần lót của các cô là gì, còn lại chỉ cần hơn nửa tháng chăm chỉ ngồi trong cái phòng to đùng với bàn ghế gỗ ép xấu mù là tôi làu làu đọc CV của từng cô và thậm chí còn đoán được cô nào là con cháu vị nào. 

Tôi giúp em bạn đồng nghiệp vụ tư liệu cho vấn đề kiểm duyệt báo chí thời thực dân xong thì tự mình hô biến. 

(4)

Bữa nay dọn sách vở tài liệu, tôi ngạc nhiên với đống mớ bản sao tài liệu lưu trữ khá khá nặng xét về đường cân ký.

Một phần không nhỏ về lịch sử Hải Phòng, không phải do tôi tìm mà là vì nằm trong bản thảo dịch cuốn sách về lịch sử thành phố này.

Không ít tài liệu về trường thi Hương Nam Định, từ tổ chức cơ sở vật chất, quy chế trường thi, đề thi tới cả các cáo buộc, thỉnh nguyện của các đồng chí sĩ tử.

Các tài liệu về tổ chức chính quyền toà Đốc lý, liên quan đến nhân vật ông phố trưởng.

Các lưu trữ bài báo bị coi là "có vấn đề" trong con mắt của chính quyền thuộc địa, các báo cáo về tình hình báo chí.

Các lịch sử mảnh đoạn đó giờ không ít đã mờ mực in. Và thế là, tôi trân trọng nói lời Tạm biệt!

xe cải tiến 700 ngàn mua ở Thái Nguyên
của bà đồng nát

ngâm ớt chua ngọt trong bếp nhà hà nội

(1)

Tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú khi phát hiện ra cửa hàng rau củ quả và đồ khô trên đường Tô Ngọc Vân. Công lao ở đây là của TL, từ tám chuyện với bà sếp thì ra một đống địa chỉ mua bán tốt mấy món thực phẩm và gia vị vốn hơi khó tìm ở chợ tiểu khu hay siêu thị thông thường.

Đến mua món này thì xọ xiên sang món nọ. Kết quả của lần thứ hai hay lần thứ ba tôi qua đó là liền ba loại ớt: ớt chuông hai màu vàng và đỏ, ớt jalapeno và ớt sừng sweet palermo.

Để ngâm ớt, tôi dùng đường nâu Biên Hoà ghi chú organic, dấm gạo Ajinomoto, tỏi xin từ vườn nhà Bắc Ninh, hành tây tím và tiêu hạt đen. À quên, thêm hai ba trái ớt cay nữa. Tinh thần và cách thức vẫn như khi làm món ở bếp nhà biển, vẫn trung thành tỷ lệ dấm - đường - nước = 1 - 1 - 1.

(2)

TL rất háo hức với món ngâm này.

Thành quả bày ra đĩa nhỏ để ăn chơi ăn nếm, cô em phán, được. Rồi thêm nhận xét nhỏ, hơi ngọt.

Tôi quen dùng dấm gạo lứt Hàn Quốc và đường trắng bình thường ở trong bếp nhà biển nên nghĩ có thể tỷ lệ 1 - 1 - 1 kia với dấm và đường có trong bếp nhà Hà Nội sẽ cần điều chỉnh chút xíu. Tất nhiên là cho lần sau.

(3)

Không tính bạn ớt cay bình thường vô tình cho vô miệng cay đến chảy nước mắt thì jalapeno cay cay đặc trưng, trong khi chuông cùng sừng ngả ngọt. Chua và giòn thì đương nhiên rồi :-) 

Món ngâm ăn kèm đồ nướng, ngon! Lại ăn với mấy bạn mỳ bún phở xào chi chi, cũng ngon!

Và điều hay ho nhất là, giờ tôi có thể thoải mái tự mần một hũ ớt ngâm chua ngọt ngay tại Hà Nội :-)))

ớt ngâm chua ngọt - ăn kèm mỳ udon xào


trời mát xơi giả cầy - chân giò, giềng, mẻ, mắm tôm và húng chó

chân giò nấu giả cầy - ăn vào hôm mát trời
Sau cả tuần nắng oang oang vỡ đầu, Ông Giời chọn đúng ngày sau-bầu cử mà cho cái sự mát mẻ. Sáng ngày mát vừa phải, sang chiều gió hây hây thực làm người ta buồn ngủ. TL làm việc ở nhà, thời gian linh hoạt thuận lợi cho việc làm bếp, ngay từ sáng đã phán một câu, chiều nay trời mát cho Chị chén giả cầy.

Nhà người ta làm món linh đình, nấu mẻ lớn đãi khách ngồi chiếu chén chú chén anh. Nhà mình nhõn hai mống, ăn gọi là vui theo thời tiết. Một cái chân giò bé xíu, được hàng thịt làm sạch, lại khò cho vài phát nên khỏi cảnh bếp nhà lích kích quạt than nướng/hun sơ lớp bì như trước kia. Hàng thịt cũng tiện tay chặt cho vài nhát, đỡ bếp nhà có người lúng ta lúng túng xương chặt chưa thấy đoạn miếng ra sao thì dao đã chực mẻ. Mỗi tội hàng thịt sơ chế giúp thì miệng kẻ ăn đến bữa có khi không thực vừa ý, đó là khi tự dưng trong tô bày món thòi ra một miếng tướng cỡ cho ông Đùng.

Công thức chân giò [lợn] nấu giả cầy phong phú lắm. Củ giềng đương nhiên phải có. Nhưng dùng sả hay không là tuỳ mỗi nhà. Rồi mẻ cũng là đương nhiên, nhưng có người bụng dạ kém thì thèm món quá có khi cũng bỏ qua mà thay bằng xíu dấm gạo bổ túc khi chuẩn bị cho món ra mâm - tôi không rõ như thế thì vị giả cầy không mẻ sẽ ra sao. Rồi nữa là bạn mắm tôm, có người chắc nịch phải có, lại có kẻ nặng nề lắm nên tui bỏ qua. 

Rau ăn kèm có nhà bếp khăng khăng cứ phải là có rau răm. Rồi nhiều người có thói quen thả hành hoa thái nhỏ cho món đẹp mắt. TL nhà mình thì đơn giản theo phong cách húng chó là rau gia vị độc tôn ăn kèm.

Đường rau gia vị là vậy, ngoài ra còn có chuyện rau nấu cùng chân giò là măng. Có cô kia nhiều năm trước khăng khăng với tôi, phải là măng củ thái miếng con chì. Lại có bạn bĩu môi, có măng gì xơi măng nấy, từ tươi qua khô đều được tất, nứa vầu Bát Độ loại nào cũng hay. Riêng tôi trộm nghĩ, không măng cũng vẫn là món ngon mà, nhất là khi lại đúng tinh thần nguyên bản vị :-)

Nấu giả cầy có người dùng nồi áp suất, lại có kẻ cứ nồi gang bếp than, gọi là mỗi người một tính, mỗi người một hoàn cảnh. Có người nói món nhà tôi làm cứ phải là sền sệt, lại có người thích phần nước nhỉnh chút chút còn chan húp bún xì xà xì xụp. Chưa kể, cái texture của các miếng chân giò chặt nó mềm rục hay mềm mà lại vẫn đanh chắc ra sao cũng là do mồm miệng mỗi kẻ ăn quyết định. 

Món TL làm tối nay có nước ninh vừa phải, đậm đà chua của mẻ, thơm vị giềng cùng mắm tôm. Nước ninh đó không loãng toẹt mà cũng chẳng sệt quánh, chan bún ăn thêm vài lá húng ngon thật là ngon. TL nhắc nhở tôi, chớ có tiếc nước đó, chan chút ăn chơi gọi là thôi, còn thì bỏ. Lý do là để tính đường cho cái dạ được êm khi đêm về. Bụng dạ người khoẻ xơi món nhiều mẻ chẳng nhằm nhò gì, riêng chúng tôi cơ địa yếu nên cứ cảnh giác là trên hết.

Thịt chân giò mềm đanh, cho vào bát lúc đầu còn rón rén đũa gắp lên hạ xuống, sau thì lỗ mãng sai năm quân phối hợp nhịp nhàng bộ gọng gặm nhấm. Tôi nghĩ, thiếu đúng chén rượu gạo bên canh thì vừa xinh trời mát, giả cầy và mễ tửu, còn chi thú hơn cơ chứ :-)))

Nói vui vậy, còn chốt chét thì món giả cầy - chân giò này tôi một năm xơi một hai bữa hẳn là ổn. Còn hơn nữa thì chắc có chút ngại. Tôi chẳng bài xích chi mẻ và mắm tôm theo kiểu eo ôi, nặng mùi thế như nhiều chị em thành viên chuyên nghiệp của các trường phái yoga - thiền - chay - thực dưỡng... vân vân chi chi. Nhưng đúng là mấy bạn gia vị này đối với tôi ở tuổi này, khi cơ thể cùng các chi tiết của nó đã mệt mỏi và chậm chạp đường hoạt động, thì có phần hơi quá

bán hàng thời covid - kính thưa bà lười

Sáng tôi từ căn hộ về nhà. Hàng xôi đang loay hoay dọn dẹp. TL tuần này theo ca làm việc tại nhà, quần cộc áo cộc ngả ngốn ngồi trước cửa ngắm phố và vẫn đảm bảo đeo khẩu trang đàng hoàng. Hàng hoa quả thì mới bắt đầu ngày buôn bán của mình với mấy tải dứa to đùng.

Mọi chuyển hẳn là bình thường trừ chuyện có TL ngồi trước cổng nhà.

Rồi tôi thấy tấm biển Hết xôi rồi ạ

Hỏi ra, hàng xôi bữa nay hết sớm. Dọn hàng cộng với buôn dưa lê thong thả mất đến cả giờ đồng hồ. Trong thời gian đó, khách vẫn dừng xe hỏi mua xôi. Trả lời mãi thì mỏi miệng, thế là đám này nghĩ ra cái trò thêm vào mặt sau của lốc lịch cũ thông báo hết hàng.

Còn cái mặt kia của tấm bìa, hẳn nhiên là Bán xôi mang về rồi :-)

Mấy hôm nay, tin covid thực gây sợ hãi. Thi thoảng có một mẩu cười vui như vậy, cảm thấy cuộc đời vẫn chuyển động, chúng ta vẫn sống!