Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

ề à những câu chuyện nhà

(1)

Tôi sốt ruột vì không về Bắc Ninh thăm hai cụ già được. Còn Bố Mẹ thì lại lo con ở Hà Nội khó khăn trong đường xoay sở việc nhà này nọ. Lo mãi thì chuyển sang ề à chuyện của ngày trong mỗi cuộc điện thoại.

Chiều tối nay con gọi điện, chưa đến giờ bản tin thời sự chính thống mà Bố Mẹ đã ăn xong cơm tối. Cuộc điện thoại tưởng vắn hoá thành dài dòng chuyện vặt nhà ở đây và ở kia.

Mẹ kể bữa nay bán gà. Cho các bà chị họ. Gà nhà đảm bảo sạch và lành. Cô bán cho cháu giá hữu nghị tám chục một cân. 

Ngoài Hà Nội có cô người quen kể mua giá trăm hai. Còn TL thì chắc nịch, người quen khác của cô em sẵn sàng trả giá trăm rưỡi sau khi đã quen mồm miệng xơi gà quà từ Bắc Ninh. 

Tôi cười khơ khơ, trượt một phi vụ to rồi U ơi!

(2)

Một cháu họ của Mẹ bị K từ hơn năm nay. Hồi mới nghe tin, Mẹ và TL gửi chút tiền mặt. Sau rồi bà cụ già chú tâm, bữa gửi cho phần đồ ăn bổ dưỡng, bữa lại tiện tao xay tam thất thì cho mày một ít, bữa nữa lại là nửa con gà đã sơ chế. Tôi nghe chuyện hiểu được nhiều ý tứ trong đó. 

Bản thân hai cụ già chỉ sống dựa lương hưu của một người thực chẳng giàu có phong lưu chi. Mà ngay cả khi có khá giả hơn thì cũng không thể cho tiền mãi được. Thế thì chiếu cố chút bằng hiện vật. 

Được cái anh họ tính vô tư, chừng nào còn sức thì cừ hề hề cười. Mọi người coi như chấp nhận chặng hành trình này, tiếp tục sống, tiếp tục cảm thông quan tâm tới nhau theo cách của riêng mình.

(3)

Một cháu gọi Mẹ là bà làm việc ở khu công nghiệp trong tỉnh. Thời gian vừa rồi tôi nghe tin cả nhà nó bị cách ly. Nghe vậy thì cũng chỉ biết vậy.

Bữa nay nghe tin nó "đói". Lương lậu công nhân tháng nào xào tháng nấy. Việc dãn, việc dừng thì hai vợ chồng "treo mõm" - nói theo lối dân gian. Mẹ không quá thân thiết thằng bé cháu này, nhưng thương con của nó. Bà cụ bảo mai sẽ gửi cho nó một triệu đồng tiền.

TL nghe vậy bảo đưa gấp đôi, cứ nói quàng thêm là quà của con. Phản ứng từ bà cụ già có vẻ như có chút ngập ngừng, mà lý do tôi đoán là ngại vác cái tiếng ông bà đó nhiều tiền, cho thằng đó hẳn hai triệu. TL thủng thẳng, có phải mẹ cho nó [thằng cháu] đâu. Đây là cho thằng bé con nó. Để chúng nó còn có tiền mua sữa. Mà mình cho đi cũng là thêm chút phước đức.

Trong gia đình từ trước đến nay tôi biết Bố Mẹ vẫn làm nhiều việc không tên không tuổi giúp đỡ người khác với quan điểm nợ đồng lần, mình nhận ơn từ người này chưa chắc đã có dịp báo đáp, bù lại thì khi đỡ đần cho người khác chớ có ngại ngần và cũng chớ có mong người ta báo ân. Lần này nghe công thức tạo phước tạo đức từ miệng TL, tôi có chút ngạc nhiên. Sau thì hiểu, cô em nói vậy để bà cụ già thoải mái cho đi.

(4)

Tôi mồm miệng hay xỏ xiên bậy bạ, thi thoảng nghe thời sự chuyện không tốt của xã hội thì cũng nói vài câu chê bôi ông chính quyền. 

Nhưng chuyện gì ra chuyện nấy, thời covid này tôi nghĩ phải sòng phẳng về cái hoàn cảnh xứ mình. Nước nghèo thì Nhà nước phải căn cơ tính toán. Dân được kêu gọi đóng góp chung tay giải quyết dịch bệnh là chuyện hết đỗi bình thường. Sao cứ phải chọc ngoáy lung tung cơ chứ!

Tôi nợ nần ngập đầu và đang cần chi khoản lớn cho công việc trước mắt, chỉ rón rén đóng góp một khoản nhỏ qua kênh công đoàn trường đại học. Hai cụ già chẳng cần ai vận động mà tự nhiên chi một khoản kha khá trong phần lương hưu của ông già. Còn TL chuyển khoản số tiền xem ra rất có dáng "đại gia" trong nhà.

(5)

Cuộc sống những ngày quay vòng covid đợt mới này nếu soi kính lúp việc mỗi ngày thực có nhiều mỏi mệt. Nhưng buồn lo chút vậy thôi, còn lại tôi nghĩ, Ơn Trời, mình và mọi người xung quanh về căn bản sống ổn.

Vậy nên việc tốt làm được thì cố mà làm. Thứ nhất là ngậm cái miệng chớ có hùa theo cái đám láo lếu cất lời là chỉ trích ông có tên Nhà nước. Thứ hai là chẳng góp được khoản to khoản lớn chi thì gửi gom khoản nhỏ. Và nhìn ngay xung quanh người gặp khó mình giúp được chi thì giúp trong phạm vi sức lực và tài nguyên của mình. Cứ vậy đi có thể xem là sống đời tử tế, hỉ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét