bất thiện với đồ vật (1) cái bàn và con rồng - giờ là ở góc chứa đồ |
Bà Ngoại qua đời khi tôi chừng 4-5 tuổi gì đó. Tôi không nhớ mặt Bà. Nhưng nhớ là người Bà nhỏ, tóc dài, và Bà hay ngồi ở tràng kỷ tre nhà dưới với khuôn mặt tươi cười hết mực hiền từ.
Nhiều năm sau này, có lúc tôi tự hỏi, liệu mình có xuyên tạc những sự-nhớ đó không. Bà Ngoại thực vóc người cao như bác trai và bá - bác gái trong nhà chứ không nhỏ như Mẹ? Tóc của Bà không dài mà là cắt ngắn cụt lủn giống Bà Hảo - chị họ của Ông Ngoại, theo phong cách các nải-nai nông thôn nước Tàu? Bà không thực sự là người an tĩnh mà nói rất nhiều?
Đúng sai thế nào muốn rõ tôi hẳn phải hỏi con gái của Bà Ngoại. Mà điều này thì tôi lại luôn nhớ nhớ quên quên, mỗi lần về Bắc Ninh mải chọc ghẹo Mẹ nên đến cuối ngày hoá ra là vẫn chẳng hỏi câu nào cả.
Dù thế nào, cái trường kỷ tre luôn là một đồ vật thú vị ở nhà Ông Bà Ngoại. Và tôi luôn thích sau này mình có một bộ trường kỷ, bằng gỗ thì càng tốt!
Và đó chính là lý do một ngày đẹp trời vài năm trước, tôi nhận được điện thoại của Mẹ báo tin anh thợ mộc làng trên có thể giúp mua một bộ trường kỷ gỗ gụ thì vội vội vàng vàng nhờ cậy bà cụ mua mau, mua mau.
(2)
Cái ngày tôi nhìn tận mắt hai ghế dài cùng bàn cao đó, thực có chút thất vọng.
Gỗ tốt khỏi bàn. Hoa lá trang trí đẹp xấu không phải là vấn đề.
Phải mỗi tội anh thợ mộc kia vui tính, thuỷ chung thẩm mỹ phổ thông, đánh lại véc-ni bóng loáng cho bộ bàn ghế.
(3)
Mấy năm qua, hai ghế một bàn đó bị xé lẻ, mỗi bạn nằm ở một góc nhà Bắc Ninh. Bàn kê gì tôi không nhớ chi tiết. Còn hai ghế dài, một đựng đồ khâu và báo lá cải chúng tôi thu thập từ Hà Nội mang về cho U đọc chơi, một nằm ở phòng nhỏ cạnh bếp và biến thành mặt phẳng đựng từ đủ thứ hằm bà là.
Thời gian cùng bụi bặm làm cho lớp mặt sáng loáng ngày nào giờ cũng có phần thu liễm. Những món gỗ đó đối với tôi càng ngày càng trở nên thuận mắt, ưa nhìn hơn.
Tôi bắt đầu mơ màng, nếu có ngày Bố Mẹ sang sửa nhà Bắc Ninh, dứt khoát phải cho các bạn này một vị trí xứng đáng, kiểu như vững vàng ở một sảnh hiên ngập sáng, hỉ!
(4)
Tôi mơ thì cứ mơ.
Còn hiện thực chạy theo logic riêng của nó thì cứ chạy.
Nhà Hà Nội đột nhiên đối diện tình trạng khủng hoảng thừa đồ đạc. Có một số món cần gửi về Bắc Ninh tá túc. Và như vậy một số đồ gỗ ở Bắc Ninh hoá thành dư thừa.
Tôi quyết định nhờ Mẹ bán lại bộ trường kỷ.
(5)
Tối qua Mẹ thông báo với TL việc đã hoàn tất.
Chúng tôi không nhớ rõ giá mua vào ngày trước, còn nếu nhìn chằm chằm vào giá bán ra lần này thì rõ ràng là tôi không đến mức bán cắt lỗ nhưng cũng gần như là vậy.
Nhưng ngay cả vậy, cảm giác thống trị vẫn là vui mừng, may quá đẩy đi được rồi, vậy là có chỗ cho đồ từ Hà Nội!
(6)
Từ vài năm nay không tính mấy món nhỏ lặt vặt đặt đóng riêng cho bếp thì TL và tôi đã dừng cơn say mua-đồ-gỗ.
Nhưng xem ra, hậu quả của cơn say trong nhiều năm qua của chúng tôi vẫn còn khá nguyên vẹn.
Chúng tôi thực sự bị ngợp không chỉ trong các món đồ mà cả cái cảm giác bất lực làm-gì-với-chúng!
(7)
Thế đấy, muốn sống đơn giản thì đầu tiên tôi phải tập trải nghiệm cơn kinh hãi do chính mình gây ra trước đã!
Ít nhất lúc này tôi có thể hài lòng là đã khởi động song song hai biện pháp dừng-mua và chuyển-giao các món đồ.
Nhà hy vọng như thế sẽ trở nên gọn gàng hơn, dù chúng tôi sống ở nơi đâu!
bất thiện với đồ vật (2) bàn mặt đá Lai Châu nhắc nhớ A. Kiên YNot góc coi tivi của lão Tiên sinh giờ bị bỏ quên |
bất thiện với đồ vật (3) tủ thuốc nhìn vui mắt thật đấy nhưng giờ sao tội nghiệp nơi góc bếp |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét