Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

đọc sách và dọn sách (6): chuyện của ông ngoại

(1)

Trong bộ tứ Ông Bà Nội và Ông Bà Ngoại, người tôi gần gũi hơn cả là Bà Nội. Lý do: Bà sống lâu hơn cả và tôi kịp lớn để hiểu chuyện, ề à bên cạnh Bà nhiều hơn.

Bà Nội là con gái nhà khá giả Hà Nội xưa, lối sinh hoạt trải qua bao thăng trầm xem ra cho đến ngày đi gặp Ông Nội vẫn có nét "cảnh vẻ". Ngày trước, tôi hoặc không để ý, hoặc có chút ý cười thầm, phức tạp quá. Giờ chính tôi đang-già-đi thì hiểu chuyện hơn, nghĩ lại và gật gù, hay ra phết nhể!

Bà Nội có ghi chép dạng nhật ký, lại có cả những đoạn chép tay lời của các danh nhân hay triết lý cuộc đời từ các Cụ ngày xưa. Tôi thi thoảng ngó nghiêng đọc thích lắm. Và tôi luôn nghĩ, đó là chuyện đương nhiên vì xuất thân của Bà Nội cũng như truyền thống chị em gái trong gia đình Bà Nội - ít nhất tôi đã thư từ qua lại với hai Bà Trẻ - em gái của Bà Nội.

Nhưng đến khi biết tới sự tồn tại của tập vở nhỏ đã ngả màu từ giấy qua mực được nói là ghi chép [tiểu sử] của Ông Ngoại thì tôi bất ngờ lắm. Lý do tôi nghĩ vậy sặc mùi chủ quan. Ông Ngoại xuất thân nông dân, biết đọc biết viết rồi cuộc sống cũng như công tác tốt hơn là nhờ Cách mạng, rồi nghề nghiệp của Ông đặc biệt, làm gì có chuyện ông cụ khề khà kể chuyện cuộc đời. 

(2)

Từ khi nhận được cuốn vở ghi chép của Ông Ngoại từ anh họ nhà Ngoại, TL đã lên kế hoạch gõ máy lại. Coi như có một kỷ niệm được lưu giữ về Ông.

Nhưng rồi tập vở nằm im lìm ở một đáy ngăn kéo. Cuộc sống mỗi ngày của chúng tôi có dư các xao động để chúng tôi ngồi im lại và thực hiện kế hoạch này.

Bữa nay, tôi lại nhìn thấy nó, cuốn "hồi ký" ghi lại một đoạn cuộc đời của Ông Ngoại. Đọc một đoạn, con cháu mất dạy cười khì khì, chuyện buồn nhưng cũng có phần hài hước và mang hơi hướng chưởng Tàu a :-)))

Được Bố mẹ nói lại cho biết là đẻ vào ngày 29 tháng Chạp năm 1914 (tuổi Mão). Lúc hơn 5 tuổi còn nhớ là bố bắt đun nước suốt ngày vì trong nhà lúc nào cũng có vài ông khách đến hút thuốc phiện, như đã nói ở phần trên (về Bố), mỗi ngày bố bắt lên Kênh một lần, có ngày đi hai lần vào nhà cụ Bá phù mua thuốc phiện. Lúc này 5 tuổi nhưng đói ăn gầy gò, nói thì ngọng líu ngọng lo, chẳng ai nghe ra cái gì, mỗi lần đến nhà cụ Bá phù, trên lưng khoác một manh chiếu rách, hoặc một mảnh áo gạo (bao tải), đóng khố không có quần, có lần cụ Bá trông thảm hại quá thương gọi lại cho vực cơm nguội hay củ khoai luộc, xong đong thuốc cho mang về. Trên đường về bị bọn trẻ trâu bắt lại đánh, chậm về nhà bố lại đánh, nhiều trận tê mê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét