Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

3.11 & tenbatsu - cứu trợ và tái dựng

(1)

Ngôn ngữ dân gian có những từ những ngữ nghe quen tai, dùng quen miệng như nợ nần kiếp trước, trả nghiệp, nghiệp báo, nghiệp quật, ...

Chữ Tây trong ngôn ngữ ngả màu thần học hay trong lý luận của mấy ông thầy bà, có theodicy, mở rộng từ đạo Thiên chúa sang cả những bình giải liên quan nhiều tôn giáo khác.

Tôi nhớ gắn liền với sự kiện 3.11, nước Nhật ầm ĩ với ông chính trị gia Ishihara và sau đó là thầy bà Sueki xung quanh khái niệm tenbatsu.

(2)

Nhưng cũng nước Nhật hậu thảm hoạ ba trong một hồi 2011 đó, ồn ào nghiệp báo chi chi cũng chỉ là ồn ào. 

Người Nhật rất mau dồn sức tập trung vào hành động thực tế, thực tiễn. Cứu trợ những nạn nhân sống sót. Và tập trung đóng góp cho dự án tái thiết dài lâu.

Không rõ có phải do tâm tính người dân xứ Phù Tang hay không, người Nhật, đặc biệt là những người, những tổ chức tôn giáo, khi làm việc phúc thiện, họ cứ lặng lẽ làm.

Lặng lẽ không phải là cắm cúi nhá. Họ có tổ chức, có điều phối đảm bảo hoạt động hiệu quả nhất có thể dành cho đối tượng là các nạn nhân thảm hoạ.

Hoạt động cứu trợ, hỗ trợ, trợ giúp... của họ tức thời có, dài hơi có.

Đóng góp của họ phủ rộng cả vật chất, y tế và tinh thần với phương châm đáp ứng những nhu cầu cụ thể của nạn nhân.

Gần mươi năm trôi qua, câu chuyện về những hoạt động phúc thiện này vẫn chỉ là các mảng lớn chứ chưa hoàn chỉnh, chờ những người kể chuyện.

(3)

Trong những mảnh đoạn lỗ mỗ tôi đọc về sự kiện 3.11 và các hoạt động nhân đạo của các tổ chức tôn giáo Nhật liên quan, tôi rất ấn tượng về sự hiện diện của người tình nguyện - với các con số trăm, ngàn tuỳ từng các tôn giáo, dòng tu, hệ phái, trên thực địa với những hoạt động làm sạch, sữa chữa xây lắp nhỏ, hỗ trợ tinh thần/tâm linh. 

Càng ấn tượng hơn nữa là tham gia vào các nhóm tình nguyện vốn tưởng là chỉ gắn với một tôn giáo hay một cơ sở tôn giáo cụ thể hoá ra không chỉ có những người tôn giáo mà cả những người tạm gọi là "vô thần".

Và có lẽ ấn tượng lớn nhất đối với tôi là đọc được không ít những chuyện kể ngắn về việc các cơ sở tu hành khi mở cửa làm nơi trú nạn cho các nạn nhân đồng thời cũng làm điểm tạm nghỉ cho các đoàn cứu hộ cứu nạn, họ không khua chiêng gõ mõ ồn ào ầm ĩ về hành động thiện của mình. Không phải hiếm chuyện một nhân viên cứu hộ thổ lộ, trước thảm hoạ tôi chẳng có cảm tình gì về đạo Bụt, nhưng sau hoạt động lần này tôi hiểu biết hơn và có lòng mến mộ tôn giáo này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét