Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

giỗ cụ - úi nhầm, từ cửa bắc xuôi xuống hàm long

(1)

Bữa trước tôi đã ngờ ngợ chuyện nhà Nội hay nhà Ngoại, giữa Cụ Ngọc và Cụ Chút thì cụ bà nào ở phố nào. Sau nghĩ là anh họ yêu quý mà đứng ra tổ chức võ lâm đại hội giỗ cụ thì hà cớ chi lại có có chuyện chắt bên Ngoại làm việc ấy. Lúc đó, tôi cũng nghĩ đến cả chuyện các Ông Trẻ, con trai của cụ bà phố Hàm Long người ở Việt Nam đã qua đời từ lâu, còn người xa xứ thì một đi không trở lại, nhưng dòng Nội không phải vì thế mà ở Việt Nam không có nổi một người đại diện. Vì thế, tôi quyết định Cụ Chút mà TL kể ắt phải là cụ bà sống ở trại Châu Long.

Sáng nay con bé em gọi điện, tôi hỏi thăm nó tình hình giỗ cụ. Giời ạ, hoá ra tôi nhầm. Giỗ cụ là Cụ Ngoại tính theo đằng Bố nhá - Cụ Chút phố Hàm Long!

Đã xác định được cây phả hệ, tôi bắt đầu lẩm nhẩm tính. Thực Cụ vẫn còn một con gái sống ở Việt Nam, chính là Bà Trẻ yêu quý của tôi ở Sài Gòn. Bà đi Nam từ ngày xa xưa, sau năm 1975 không bao giờ quay lại đất Bắc. Chú Trẻ của tôi, con trai của Bà, trúng tháng năm đất nước biến lớn, đang thênh thang rộng mở con đường sự nghiệp dành cho một cử nhân ngành Hành chính bị cú sốc lớn, cộng thêm một hồi được "giáo dục, cải tạo" và bị bà vợ đầu, sau đó là vợ hai người cướp tiền, người lợi dụng thân nhân làm hồ sơ đi Mỹ thì cuối cùng thành người lơ ma lơ mơ suốt phần đời còn lại. Bà Trẻ theo đạo Bụt, viết thư cho tôi chữ Pháp chữ Anh phang ầm ầm, thơ văn lai láng, triết lý Phật giáo ngập tràn. Thi thoảng gặp chuyện gì đó không thoải mái, Bà luôn luôn là một trong những người đầu tiên tôi nghĩ đến với những câu chuyện, những đúc kết đời sống của mình.

Con trai của Cụ Chút phố Hàm Long những ai đã định cư ở nước ngoài, tất cả đều một đi không trở lại. Có người nghe chuyện trách cứ con bất hiếu, không lo cái phần hương khói tổ tiên. Hồi nhỏ tôi không để ý chuyện này. Sau lớn chút, thi thoảng nghe vài mẩu vụn vặt trong chuyện kể lại của Bố, và nhất là càng-già-đi, tôi nghĩ mình có thể hiểu hơn thái độ, phản ứng đó của các Ông Trẻ. Kỷ niệm sống động tôi nhớ nhất về một trong các Ông Trẻ của mình là ngày cuối cấp II, người họ hàng nào đó mang về, không rõ là từ Bỉ hay Canada, bịch quà bự phát đến tận đám cháu xa lắc lơ là chúng tôi. Cái thời nghèo khốn đó, đến một đôi xăng-đan tử tế còn chẳng có mà xỏ chân, tôi có kẹp tóc nơ xinh xinh cùng cây bút máy vỏ lấp la lấp lánh, lúc đó cứ nghĩ mình là cô công chúa nhỏ!

Năm 2002, lúc bộ sưu tầm các Bà Trẻ bên đằng phố Hàm Long của tôi còn kha khá, tôi qua Mỹ, vui vẻ viết thư chào hỏi Bà Trẻ Liên, hình như là út ít trong số các con gái của Cụ Ngoại. Bà ghi thư lại rất dịu dàng, tình cảm. Sau này mấy lần xuôi Nam tôi đến thăm Bà Trẻ yêu quý, thấy giữa hai Bà Trẻ có chút gì đó giống nhau, hỏi cụ thể là gì tôi không giải thích nổi, song tôi biết là khác với các Bà còn lại ở Hà Nội. Sau này nữa, tôi nghĩ, có thể thời đoạn lịch sử miền Nam miền Bắc đã làm cho não trạng, tâm tính con người có khác biệt. Những cô con gái phố Hàm Long xưa kia trải qua bao biến động lịch sử đất Bắc đã trở thành những người đàn bà chuyên sức "vun vén" trong vòng đời bé mọn, chẳng còn đâu nét phóng khoáng, kiêu sa của một thời.

(2)

Cụ Ngoại Chút phố Hàm Long tôi hình dung qua các chuyển kể trong gia đình hẳn phải là một người phụ nữ đặc biệt.

Cụ đúng là điển hình của "nữ tướng - nội tướng", kinh doanh buôn bán nuôi chồng cùng mười mấy người con, dựng gả đâu vào đấy, qua đủ thăng trầm lịch sử, được hướng dẫn tự nguyện hiến tài sản, gia nhập hợp tác chi chi, Cụ Bà sống ung dung đến phút cuối đời, chuẩn bị chu đáo sự ra đi của mình bằng hành động chia quyền mua lại đồ gỗ nhà Hàm Long cho các người con. 

Con trai duy nhất của Cụ ở lại Việt Nam lấy vợ là người Công giáo. Nhà phố Hàm Long bị cắt xén cắt xẻo tùng phèo, sau lại bị bán từng phần, còn lại căn nhỏ vốn dùng làm nơi thờ tự lại để không. Những năm trước, tôi hay vui miệng, cứ chia thừa kế, kiểu gì mình cũng được chừng 20cm vuông. Giờ cái phòng đó còn không tôi cũng chẳng rõ. Chỉ biết đến ngày giỗ của Hai Cụ - Ông Bà Ngoại của Bố, nhà ai người nấy lo.

(3)

Mà hay lắm nhá. Phần mộ Hai Cụ ở trên Bất Bạt. Hàng năm tôi theo Bố đi thăm mộ mỗi dịp Tiết Thanh Minh, ông cụ già bảo, tuổi đã cao nên chỉ có thể thăm và thắp hương bốn Cụ Ông Bà Nội và Ngoại cùng Cha Mẹ của mình. Thêm nữa là có một Ông Trẻ bên đằng nhà Ngoại phố Hàm Long chết trẻ cô quạnh thì cũng cố thu xếp qua thắp hương.

Trong khi đó, lại có ông chú trong nhà bỏ qua luôn Hai Cụ phố Hàm Long hay Ông Trẻ mất sớm mà lúc nào cũng chăm chăm hương khói cho một Ông Trẻ khác là con nuôi của Cụ. Với lý do rất thực tiễn: đi coi bói được thầy phán Ông Trẻ này phù, vậy nên ra sức cúng.

Tôi đứa cháu mất nết, nghe chuyện xong cười sằng sặc, trong lúc chờ hương tàn, quay sang chọc ông cụ già, nhà mình dứt khoát phải xem lại chuyện này, coi xem Cụ nào phù còn biết đường tế bái.

(4)

Tôi hỏi TL, đoán nhá, tập hợp gặp mặt chắc cũng cỡ một trăm người nhể. Con bé em bảo, cũng khoảng đó. Mà đó mới chỉ là hàng cháu và chắt của Cụ bà đang có mặt ở Hà Nội và có thể thu xếp đến dự thôi nhá.

Cao tuổi nhất là Bác Mai, con gái Bà Cả, 93 tuổi được TL mô tả tóc vẫn đen, lưng vẫn thẳng, đi lại ngay ngắn, đi lại nói năng giống dáng vẻ bà già mới tuổi 80. Còn trong đám các chắt, tức anh chị em họ của chúng tôi, người cao tuổi nhất đã hơn bảy chục. Tôi nghe xong thì cười khì khì.

(5)

Nhân vụ giỗ này tôi biết đến một anh họ có tên Phi Long, chính là chắt bên Nội mà theo vai vế chính là người lo hương hoả cho Các Cụ phố Hàm Long.

Nhưng vấn đề là ông anh họ này sống ở Sài Gòn. Và là người theo đạo Công Giáo. 

Trong lần gặp mặt này, anh họ Phi Long không xuất hiện.

(6)

Hội ngộ võ lâm hôm rồi theo lời thuật của TL có cả mớ chuyện hài đến mức cười ra nước mắt.

Hai chị em họ trong nhà đều là dân có máu mặt có vai có vế bên ngành ngân hàng-tài chính, nhìn thấy một ông anh họ khác thì bảo nhau, mặt ông này trông quen quen. Được hồi, Giời ạ, ông kia từng là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hai người kia đi họp hành này kia chi nọ nhìn thấy mặt, quen là phải còn gì nữa.

Rồi lại có các vị anh chị em họ đụng mặt nhau thì ú ớ, ồ à. Hoá ra cùng sinh hoạt với nhau bao năm mà không biết mình là anh chị em họ!

(7)

Chuyện giỗ cụ và những người anh chị em họ còn có nhiều.

TL có chút mỉa mai mai mỉa khi nói về cuốn gia phả tạm thời được anh họ yêu quý tổ chức biên soạn và ấn loát rồi phát cho mọi người, rằng thì là mà, túm lại Cụ nhà mình là dân Hà Nội. Tôi hiểu được cái giọng điệu đó của nó, vì trong nhà khi còn nhỏ, tôi thấm kha khá sự phân biệt giữa người Hà Nội và người "nhà quê", thấm kha khá cái sự thích nghi thích ứng đầy khó khăn nhọc nhằn của Mẹ đến từ đất Bắc Ninh với xuất phát điểm nhà nông chứ đâu có phải con cháu cụ bà buôn bán, cái họ cự phách khắp một vùng với nhà rải rác từ Hàm Long qua Phố Huế, Nguyễn Du xuống Chợ Trời hay mèng mèng khiêm tốn thì cũng là nhà bên Cửa Bắc nói tiếng Tây lèo lèo. 

Nhưng bỏ qua những chuyện đó, nghĩ chút chuyện võ lâm đại hội này cũng có điều hay. Tỷ như, TL đọc được trong lời dạy của Cụ Ông phố Hàm Long dành cho con cháu, coi như bao đủ ba tư cách con trong gia đình, công dân với đất nước, và người đồng bào trước/với tha nhân.

Theo lời Cụ, trong gia đình con cái phải hiếu kính Cha Mẹ, với Tổ quốc phải làm tròn phận sự, và với người phải có lòng trắc ẩn.

(8)

Hồi mới vô chân trường đại học, ở Việt Nam rộng lớn tôi không rõ nhưng cái góc Hà Nội còn chưa kịp phình nở phát triển mà hãy giống cái ao làng con con, tôi khó chịu lắm trước cái trào lưu "nhà em là nhà có gốc". Sau bao năm sống khổ, sống hèn bỗng vụt sáng gia đình này, dòng họ nọ gốc nho nhã, con cháu ông Tổng đốc, bà chủ buôn tiếng tăm khắp các kỳ này kia kia nọ.

Lâu lâu sau hơn chút, có bữa nói chuyện với D và partner yêu quý, tôi bảo, có lẽ em có cái mặc cảm tự ti là con gái của Mẹ - người nhà quê. Nói xong lại cười khì khì, mà cũng chẳng phải, lịch sử gia đình nhà Nội của em thực rất hay, không cồng kềnh, không nặng nề, cũng chẳng đạo đức giả đến mức tô vẽ làm màu chi chi.

Lúc đó là nói vui vậy, giờ nghĩ đến chủ đề này, tôi vẫn giữ quan điểm đó. Các quan hệ họ hàng mang tính cá nhân hoá, nhóm này chơi nhóm kia, chứ không theo tổ chức đại gia đình tông tộc hò nhau đóng góp tôn vinh nặng nề. Nhà có chuyện, người trong họ ai quan tâm biết tin đều có lời hỏi thăm ân cần, xa hơn còn nhiệt tình giúp đỡ đầu việc cụ thể, giúp vô tư chứ không phải kiểu ban ơn rồi khua chiêng gõ trống kể cho bốn họ ba làng nghe biết. 

Mà quay lại lời răn của Cụ Ngoại phố Hàm Long, tôi nghĩ, cứ làm được ba điều đó thì xã hội quả là tốt kha khá rồi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét