Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2020

mùi chợ tàu tiệm á

(1)

Năm 1996, tôi ngơ ngơ ở Tang Frères quận 13 trong lần đầu đến nơi này.

Choáng ngợp vì sự phong phú của hàng hoá, thực phẩm bày bán trong siêu thị.

Choáng ngợp vì bản giao hưởng âm thanh á-âu loảng xoảng, thánh thót thâm trầm tông gì cũng có. 

Và nhất là, choáng ngợp vì cái sự bẩn và mùi đôi chỗ thực nồng, thực khó chịu của cái chợ Tàu được coi là điểm đến tấp nập nhất "quận Tàu" thành Paris.

(2)

Sau vài lần, mọi thứ trở nên quen thuộc.

Mắt mở mắt nhắm, coi đích chính là mua thứ mình cần mua, mấy chuyện sạch bẩn chi chi tôi quẳng sạch sau gáy.

Trở về Hà Nội một năm sau đó, ấn tượng về chợ Tàu, chợ Á xứ người của tôi mỗi ngày một mờ nhạt. Nếu ai hỏi thì tôi về những địa phương này, tôi sẽ tỉnh queo trả lời, thứ nhất là có nhiều món ở Hà Nội khó thấy sang đây luôn sẵn và nhiều; thứ hai chợ Tàu có mùi thú vị lắm. 

Ở cái vế sau này, bà con nghe xong muốn hiểu thế nào cũng được. Còn con giời thì nham nhở, cứ phải đến tận nơi mới biết. Chợ quê, chợ tiểu khu nhà mình cũng có chỗ bẩn chết đi được. Nhưng cái bẩn, cái mùi của chợ Tàu đất Tây ý mà, khác lắm!

(3)

Năm 2002, lần đầu bước vô Á Đông ở Hartford, điều đầu tiên tôi nghĩ tới là Tang Frères. Mùi đã khiếp, lộn xộn lệch xệch còn khiếp hơn.

Nhưng mà hay nhá, chỉ sau dăm phút đồng hồ, cơn giời như cá gặp nước, sướng rơn vì "cái gì cũng có".

Bẩn thì đã sao. Mùi thì đã sao. Cười toe toét, đặc trưng chợ Á, chắc thế đi!

(4)

Năm ngoái vô tình qua các bạn làm ở tiệm Nhật-Trung bên Mystic, chúng tôi biết đến Good Fortune bên đảo Rhode. Sạch và ngay ngắn hơn Á Đông rất nhiều!

Qua đó mấy lần, trên đường gần siêu thị chúng tôi còn phát hiện ra một tiệm Á nho nhỏ chủ là người Thái-Lào. Tôi mua ở đó được một cái tô sắt tráng men toe toét nhắc nhớ thời bao cấp, đem về làm cái đựng rác rau chờ mang ra đổ thùng compost ngoài vườn, và hai cái chổi đót made in Vietnam. Còn về đồ ăn thức uống thì con giời chạy mất dạng. Mùi măng chua ngâm nồng nặc, rau cỏ thì đại khổng lồ chứ không phải là khổng lồ, bột Vĩnh Thuận hết hạn sử dụng từ năm 2013 đủ loại chất nghẹt cả một giá hàng.

Tôi lại nghe nói chợ Đại Hàn ở đất Mỹ này đáng đến lắm. Nhưng biết bao giờ có dịp đi mấy thành lớn như Houston để vô chợ đó đây. Có qua lại Texas thì từ đầu đến cuối chỉ là trung thành Austin để từ đó đi tiếp West Texas, cơ hội biết chợ Đại Hàn xanh-sạch-đẹp coi như là zero.

Thời covid-19, thông tin rỉ rả truyền tai về các chợ nhỏ Á Châu trong vùng có không ít. Tôi nghe nói đến chỗ này chỗ nọ tiệm do người Thái làm chủ, khách vào được phát từ khẩu trang qua găng tay, hàng họ không nhiều nhưng sạch sẽ, thậm chí còn sạch hơn cả một vài chuỗi siêu thị Mỹ. Chỗ đó lão Tiên sinh nghe nói bảo thú vị đấy nhưng ông sợ đụng phải người nên dứt khoát không đi, tôi nghe vậy coi như biết gọi là.

Còn hai chợ Á nhỏ, hay đúng hơn là cửa tiệm, trong vùng, một chủ người Hàn nhân viên người Phi-luật-tân, một chủ Hàn và người bán chính là ông chủ và bà vợ ông chủ, chúng tôi thi thoảng chạy qua mua chai nước tương hay chai dấm gạo lứt, sạch sẽ tương đối, mùi gần như không có, coi như là dễ chịu.

À quên, còn có cửa tiệm của lão bà lưng còng ở gần sòng bạc của người Mỹ bản địa nữa. Nó không bốc mùi một cách hệ thống mà là rất có trật tự, phân khu rõ ràng: chỗ mấy giá đựng rau có mùi chua của lá úa; chỗ đồ khô có lẫn khắm khú của tôm cá và nồng nồng gia vị ninh canh; thêm nữa là tiệm siêu bẩn, siêu lộn xộn. Bà già chừng ngoài 70, nhìn thấy tôi bắn tiếng Tàu lèo lèo. Tôi cười khì khì giải thích tui đây là Việt Nam. Bà chuyển sang ngôn ngữ cơ thể, bảo tu-đay có lốt-đắc từ NY. Tôi lắc đầu ra hiệu không hiểu, bà nắm tay con giời chỉ tận nơi, úi chà hoá ra là khay vịt quay chặt miếng. Năm trước tôi qua đó mấy lần, năm nay vì đại dịch thì quên luôn nải-nai.

(5)

Sau quá nửa năm không đi Á Đông, bữa rồi nhân có việc gần đấy chúng tôi chơi bài "ù-té-quyền" vào thật mau, lượm thật nhanh, ra thật lẹ, tự tặng mình một con vịt quay cùng ít cá tôm khô và mấy khay rau gia vị.

Tôi cười toác miệng vì sướng. Lúc ra xe, hỉ hả kể lể với bạn đồng hành lúc này mím môi mím lợi ra sức chà sát hai tay với hand sanitizer, lúc nãy nhá, tui định nhặt đôi ba bịch bún tươi nữa cơ đấy, dưng mà sờ vào nó cứ nhơm nhớp, mà giá bún lại cạnh quầy cá nước chảy lênh láng tanh ngòm nên tui bỏ, chờ bữa nào vẫn là nhãn bún tươi đó bên Good Fortune có dịp quay lại dứt khoát tôi sẽ mua.

Trên đường về nhà, cơn hưng phấn của tôi chưa đến hồi dứt, con giời bô lô ba la làm một bài về mùi chợ Tàu. Ông lão lái xe bên cạnh nghe xong thủng thẳng, mùi tui nhớ là mùi bát miến vịt năm 2002 ở tiệm ăn cạnh Á Đông

Tôi nghe câu bình sặc mùi xỏ xiên đó tức lắm. Nhưng mà ông lão này nói đúng. Nó khiếp thật, thum thủm cái vị của măng chua ngâm lâu ngày không được luộc xả kỹ, rồi cả hoi lẫn béo của thịt vịt. Năm đó, lần đầu vào Á Đông xong, lúc ra tôi đòi bằng được vô tiệm Việt Nam bên cạnh kêu bán miến vịt này. Đâu như được non nửa bát thì tôi bỏ cuộc. Đó là bát miến vịt tệ nhất trên đời tôi đã từng biết đến!

(6)

Sau nhiều tháng bị hạn chế đi lại và hầu hết thời gian làm trạch-lão-bà, mùi vị của những nơi chốn bên ngoài chúng tôi đi qua bỗng trở nên vô cùng sống động, rõ rành.

Tôi ở trong nhà mơ mơ màng màng hình sắc vị của Á Đông, viết thư kể cho TA. Bạn vui tính viết lại, "cái vụ mùi chợ Á Đông thì đúng là đặc trưng". Xong rồi bạn bình tiếp rằng chợ của người Ả-rập "cũng có mùi đặc trưng của họ".

TA xem ra cũng mơ màng chẳng kém tôi, về chợ của bà con Hồi giáo, "thích nhất là các loại gia vị quyện đặc vào nhau. Hãi nhất là mùi hoi hoi của các loại thịt". 

Ấy, đến đoạn này thì tôi nhớ ngay tắp lự đến tiệm của người Ấn. Lần thứ hai đến xứ cờ-hoa, tôi đòi vô tiệm Ấn tìm mua nhị hoa nghệ tây để nấu món cơm theo công thức của bà bá người Pondychérie mà tôi quen biết khi thực tập ở EFEO-Paris, vừa thò chân trước thì chân sau đã chuệch choạc mau lẹ rút khỏi cửa hàng. Đó không phải là sự "quyện đặc vào nhau" mà còn hơn thế, đối với tôi là "nghẹt thở". Bữa đó, lão Tiên sinh là người đưa tôi đi, lúc ra xe nghe tôi than phiền, ông cười ầm ầm. 

Nhiều năm sau đó, ở Sài Gòn, tôi kể chuyện này cho D và mồ ma partner nghe. Hai ông anh cũng cười ngất. Xong rồi D nhắc tôi, chuyện này kể ra cần chút ý tứ, chẳng khéo lại thành "racist". Ngẫm thì ông anh cũng có lý.

(7)

Mà tiếp chuyện Tang Frères, nhận xét tiếp theo của cô bạn làm tôi được cười no thêm một trận. 

Bạn kể, "Tangfreres nó vẫn càng ngày càng phình ra. Nhưng thà nó để nguyên mùi. Chứ cứ lần nào nó dọn sạch sẽ lại thấy hãi. Có lần tôi đi, thấy họ kê các quầy thoáng đãng, sàn láng bóng, cả chợ toàn một mùi javel. Kinh lắm. Chắc lần đó dọn dẹp để đón đoàn kiểm tra hoặc là vừa bị kiểm tra xong".

(8)

Chuyện chẳng liên quan nhưng đang trong mạch mùi chợ Tàu, mùi tiệm Á, tôi lại liên hệ ra thêm hai chuyện nhỏ ti ti nữa.

Một chị người Pháp tôi từng quen ở Hà Nội có bữa kể, hồi còn làm tư vấn giáo dục cho chính phủ Campuchia và sống ở Phnompenh mấy năm liền, chị lần đầu đi chợ địa phương thiếu chút ngất. Sạp thịt sạch bong sáng loáng, và nguyên do nằm ngoài mọi năng lực tưởng tượng của một trí óc Tây Phương bình thường quen với các chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm: bà bá bán hàng tay cầm bình xịt chống côn trùng bấm nút quậy tưng bừng. Cái này ruồi muỗi chết mà người không chết thì cũng hỏng chỗ này chỗ nọ là cái chắc. Chuyện còn hay hơn nữa là khi chị kể lại trải nghiệm đầu tiên này với bà con expat thì có bà tỉnh bơ bảo, mấy bữa nữa mày quen thôi. Đoạn sau của chuyện tôi không dám hỏi, liệu mấy năm đó bà chị Pháp này có ăn thịt ngoài chợ Khmer không.

Chuyện nữa có niên đại xa lắc lơ được Cô Barbara kể, người thật việc thật của thành Basel luôn. Chuyện là có tiệm ăn Tàu rất được ưa chuộng trong vùng. Ngày đẹp trời thanh tra qua nhắc nhở chuyện vệ sinh, cho cái cảnh báo với lịch hẹn bữa sau quay lại, nếu không ổn sẽ bị phạt và đóng tiệm một thời gian.

Đến hẹn lại lên, các ông bà da trắng mắt xanh mũi lõ làm một đoàn đến bản tiệm. Bếp của các ông Tàu sạch như lau như li đúng chuẩn Thuỵ Sĩ. 

Chuyện tưởng cứ thế mà xong. Nào ngờ có lão thanh tra lắm chuyện hay tinh quái chẳng rõ, lão nghi ngờ. Mấy bữa sau lão quay lại thì thấy cái bếp sạch sẽ bữa trước người nấu người cắt đông vui nay lạnh tanh trong khi bản tiệm vẫn mở cửa. 

Hoá ra là ông chủ Tàu bảo bếp Tàu phải có tinh thần Tàu. Nấu sạch kiểu Tây ông cóc theo được. Vậy ông làm hai cái bếp, một cái chỉ cho Tây xem, một cái Tàu đứng nấu. 

Tôi hỏi Cô Barbara, thế sau thế nào. Nghe nói tiệm bị phạt một cú hoành, sau đó có tư vấn đến hướng dẫn rồi đâu vào đó, lại tiếp tục danh tiếng lẫy lừng khắp một xứ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét