Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

thư paris (1)

Chuyện tám cách tuần giữa hai con mẹ giề. Cảm nhận cá nhân đầy ắp chủ quan tính, không ám chỉ bài xích chi chi.

Mạn phép thủ trưởng bạn, tôi làm cái "lưu trữ" này để sau, nếu sống sót qua cơn đại dịch, nhìn lại rồi móm mém cười, hi hi ha ha chuyện đã từng là dzậy.

Mà nghĩ cũng hài, người mình có vài vị mở miệng lúc nào cũng "Tây nó thế" rồi quay sang bài xích chê bôi xứ sở, đồng bào mình; lại có vài vị khác kiêu hùng dân tộc tính đội trên đầu "Việt Nam mình là nhất", ếch ngồi đáy giếng cái gì xứ người ta cũng vẩy mông ngoạc miệng chê bôi tuốt tuột. 

Cả hai loại người này, cứ ai mở miệng định nói ngược lại là bị ăn chửi tức thì, nếu không phải te tua kiểu bố mày đây đại trí thức đi nhiều biết nhiều chứ [chúng] mày [chỉ ở Việt Nam] thì biết gì, thì lại là bọn mày cái lũ "vong quốc", "sùng ngoại", không có tinh thần yêu nước.

Xa nhà, nhớ nhà, tôi có tiết mục hóng tin nhà. Đọc báo điện tử lề phải nếu không phải là khô khan giọng điệu rập khuôn tin đưa mười nhà giống nhau mười nhà cả lượt thì là bọn báo giải trí ra vẻ ta đây đứng ở giữa với quảng cáo nhảy choi choi bốn góc màn hình; hoặc tệ hơn là anh chị em theo hơi hướng "activists" tin đưa lúc nào cũng một chiều u ám. Tôi thử kiên nhẫn đôi ba bữa sau rồi bỏ hết. 

Mạng xã hội tôi không có tài khoản phổ biến chi chi, thi thoảng cà rớm coi mấy kênh youtube, điều ở Việt Nam tôi không bao giờ làm, thì cũng mau ngán vì hầu hết nếu không phải thù hằn, chống phá thì là nhảm nhí và vớ vẩn.

Thôi thì tôi bỏ qua vụ tin nhà, thi thoảng cà chớn ngó nghiêng chuyện thiên hạ, đỡ bị rối não bởi dòng trái lề phải loằng ngoằng. Mà nói chơi chơi vậy chứ tin người chuyện mình liên hệ với nhau ra khối chi tiết hay hay hì.

(1)

Lỗ mỗ nghe tin biểu tình ở Paris, viết thư hỏi thăm tình hình bạn đến khi đọc email bạn thì hoá ra là tôi bé cái nhầm về chủ đề [nguyên nhân] biểu tình, không phải là liên quan đến covid mà là luật an ninh.

Cái vụ biểu tình vừa xong là chống lại luật an ninh của Macron, trong đó có điều khoản cấm quay phim chụp ảnh trong đó có điều khoản cấm quay phim chụp ảnh cảnh sát [police], kể cả [đối với] phóng viên. Thậm chí, có điều khoản còn yêu cầu phóng viên muốn tham gia đưa tin biểu tình phải đăng ký và xin phép chính quyền [préf.], tức là phóng viên sẽ bị lên danh sách.

(2)

Chuyện phong toả và mềm hoá phong toả kiểu Pháp.

Pháp từ một tuần nay tình hình dịch bệnh có vẻ không tồi tệ hơn [?]. Ngày mai thằng ma cà rồng [Macron] sẽ thông báo cho bà con biết chương trình hành động để "mềm hoá" phong toả.

Từ déconfinement [mở cửa trở lại] bây giờ là từ cấm kỵ của chính phủ. Không ai được nói đến. Theo tin rò rỉ (một cách cố ý) thì chương trình mềm hoá sẽ bao gồm ba giai đoạn: cuối tuần tới có thể các cửa hàng sẽ được mở cửa trở lại, đi lại không bị giới hạn trong vòng một giờ nhưng ra ngoài vẫn phải có giấy phép. Khoảng 21/12 sẽ có chương trình hành động cho lễ tết và sang tháng 1 [năm sau] các nhà hàng, bar, cafe sẽ được mở cửa trở lại.

(3)

Bonnus chuyện ngoài lề, về phân biệt vùng miền và chống phân biệt vùng miền kiểu Pháp.

Hôm rồi tôi ngồi zapper télé [chuyển/đảo kênh TV] buổi sáng, nghe chuyện này cười răng trên va răng dưới: chính phủ đang thảo luận luật cấm phân biệt giọng nói (vùng miền) - discrimination par accent. Cái này mà bàn ở Việt Nam thì bà con tha hồ được xả!!!

(4)

Quay lại chuyện phong toả và vấn đề kỷ luật xã hội.

Hê hê, cái vụ kỷ luật với phong toả í, nhiều lúc các bác Tây trên tivi phải thốt lên đầy nuối tiếc: điều này chính phủ Trung Quốc làm rất tốt, rằng thì là chính quyền chuyên chế nhiều khi rất hữu dụng, nhất là trong tình hình dịch bệnh như covid!

Tôi kể với bà con [Pháp] là ở Việt Nam á, ai nhiễm á, không cần cảnh sát phải cấm, có bà con sát cạnh canh cửa luôn, bố bảo không dám ra khỏi nhà. Bà con [Pháp] tròn mắt xong cười ha hả!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét