may là không có quy định về màu sơn tường nhà :-))) |
Với nhà hàng xóm trên núi, lão Tiên sinh có quan hệ hữu hảo vô cùng tốt, ít nhất là ở bề mặt. Mà ngó xung quanh, nhà trên núi với mấy nhà dưới núi cũng có quan hệ lân cận vô cùng tốt, ít nhất là ở bề mặt.
Tất nhiên là sau khi bỏ qua cái gai cay cú về chuyện bà lão nhà trên can tội thích nói và nói nhiều, để lộ thông tin về nhà dưới không có người sống thường trực để mà từ đó trong đám thợ làm cho nhà bà có tay tuồn tiếp thông tin này cho tiểu đội đạo chích và hậu quả cuối cùng là trận đập phá tơi bời căn nhà với đích chính là dỡ toàn bộ hệ thống ống dẫn cổ bằng đồng. Sau vụ trộm đó, bà lão ân hận lắm. Còn hàng xóm bực thì bực đấy nhưng cũng chỉ biết cười xoà.
Mà dù thế nào đi nữa, trong rừng, trên núi, yêu ghét thế nào thì tốt hơn cả vẫn là nương tựa vào nhau. Đường xuống núi chẳng may có cây đổ vắt ngang chắn lối, lúc đó không gọi hàng xóm thì gọi ai.
(2)
Mà hàng xóm láng giếng với nhau vui lắm nhá. Thì thà thì thào tám chuyện nhau tưng bừng ra phết.
Lần đi nhà rừng trước của tôi, đang ở trong nhà tôi thấy bạn đồng hành xồng xộc bước vô với vẻ mặt rất khoái chí kiểu như chú nhóc năm tuổi nhặt được đồng xèng đủ mua một cây cà-rem.
Tôi hỏi có phát hiện gì mới lạ. Thì ra ông lão vừa biết được tin "hót" từ một láng giềng dưới chân núi về việc nhà hàng xóm trên núi đã "mờ-phia" như thế nào trong vụ mua đất dựng nhà ở vùng này.
Mảnh đất chiếm trọn một phần đỉnh núi đó thuộc về một tay nhà giàu ở NYC. Ông này nghe nói đâu chỉ ghé qua vùng này đôi ba bận ngó một cái, không có ý định phát triển gì. Ngày nọ ông qua đời, di chúc để lại tặng nguyên mảnh đất cho một quỹ từ thiện ở NYC với những ràng buộc cụ thể và rõ ràng là để bảo tồn rừng chứ không được phát triển nhà cửa.
Lại đến ngày kia, quỹ đó kêu kẹt tiền, hội đồng quản trị họp và thông qua quyết định bán đất. Với điều kiện ràng buộc là trên nền cái diện tích đất rừng khổng lồ đó chỉ được phép xây hai căn nhà.
(3)
Khi nhà trên núi bắt đầu xuất hiện, bắt đầu phát quang rừng và xây cất căn nhà đầu tiên, cả vùng sững sờ. Sau đó là căn nhà thứ hai.
Rất mau, các quan hệ láng giềng hữu hảo được thiết lập. Gia đình to nhỏ trên núi chân chính trở thành thành viên của cái tổ hợp hàng xóm láng giềng bé ti hi sống rải rác trên mấy ngọn núi giáp ranh NY.
Nghe nói nhiều năm trước, con gái của bà cụ trên núi có ý muốn về sống cùng Mẹ, nên đánh tiếng hỏi nhà dưới có thể chăng xẻo một miếng đất nho nhỏ bán lại cho bà. Để có cớ xin giấy phép xây căn nhà thứ ba.
(4)
Ông dưới núi mách lẻo chuyện nhà hàng xóm trên đỉnh núi kể khi họ bắt đầu xây cất thì ông cú lắm, vì sự yên tĩnh vốn có của vùng bị náo động bởi công trình xây dựng, bởi sự có mặt của những người xa lạ.
Lại thêm nữa là vì theo luật, tổ chức từ thiện kia trước khi bán đất cho bất cứ ai phải có thông báo rộng rãi đến dân quanh vùng và cho họ quyền ưu tiên mua đất.
(5)
Thực tế là chẳng ai biết chuyện gì xảy ra cho tới khi có máy xúc máy ủi máy san nền xuất hiện gây náo nhiệt.
Và thêm nữa, mãi tới gần đây, ông mới phát hiện ra một chuyện, ông chồng quá cố của bà lão trên đỉnh núi chính là một uỷ viên hội đồng quản trị của cái tổ chức từ thiện kia.
Ông bảo, đúng là một "cú" hay!
(6)
Lão Tiên sinh kể lại chuyện cho tôi xong, cười khì khì bảo, tui nghe chuyện mà cứ nhớ tới mặt của bà hàng xóm trên núi khi kể về những dây nối tâm linh trỗi dậy lần đầu tới xem đất.
Tôi cũng cười khì khì, cái này gọi là "lách" kiểu Mỹ!
(7)
Thêm một chuyện nhà khác trong vùng, "lách" cũng vui chẳng kém.
Phía dưới chân núi có căn nhà to của hai chị em gái sống ở Boston và chỉ đến cuối tuần mới về nghỉ ngơi. Hàng xóm đi qua thấy máy to máy nhỏ đậu đầy trước và sau nhà thì sau màn chào hỏi thông thường hỏi thăm hỏi nom một câu gọi là. Trả lời từ ông chồng của một bà là có vấn đề về bể phốt.
Hàng xóm này về tới nhà mình thì ngẩn người ra nghĩ rồi bảo hình như lâu lắm rồi nhà này không được kiểm tra. Thế là ông bắt đầu hỏi han thông tin xin tư vấn. Sau một hồi nghe thầy bà các kiểu cho ý kiến, ông điện thoại cho một dịch vụ to của vùng New England.
Hẹn đặt xong đâu vào đó thì thòi lòi ra một chi tiết. Theo luật mới đây tiểu bang có nhà của ông, vụ kiểm tra này cũng phải cần báo cáo trước. Ông già tinh quái bảo, thế thì tôi nói lại thế này nhá, địa chỉ nhà tôi là đi đường Massachussetts, còn nhà tôi ở ranh giới với NY. Bà nhận điện vui tính, ờ theo thông tin do khách hàng cung cấp, khách đã nói là ở NY thì chúng tôi tới liền.
Tôi nghe chuyện này thắc mắc, làm vậy không sợ ư. Lão Tiên sinh cười trả lời, nếu sửa chữa xây mới gì thì tất phải tuân thủ phép tắc, còn chuyện vặt vãnh mở ra ngó một cái này thì bỏ qua. Lý do là cán bộ town rặt các đồng chí tuổi cao sức yếu, gửi được cho họ cái đơn đến lúc có hồi đáp từ phía họ thì hẳn đã là xuân sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét