CHÍNH SÁCH THỜI COVID
Lần đầu tiên phong toả, nhân dân chỉ biết là phải ngồi nhà. Hình như chưa ai đặt ra câu hỏi: rồi lấy gì ăn, lấy gì sống? Lãnh đạo chắc cũng mới chỉ tuyên bố phong toả là phong toả mà thôi.
Tôi không rõ sau một hai hai tuần, bộ trưởng Lao động, Công thương và Kinh-Tài bắt đầu thông báo các chính sách:
- Bộ Lao động: tất cả các doanh nghiệp ngừng sản xuất, các công sở ngừng hoạt động sẽ được Nhà nước trợ giúp lương nhân viên. Lương cơ bản sẽ được Nhà nước chi trả 100%. Các bậc lương cao hơn sẽ chia theo tỷ lệ phần trăm Nhà nước-doanh nghiệp.
- Bộ Kinh-Tài: tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa sẽ được hỗ trợ bằng một gói tiền ngang nhau. Các doanh nghiệp lớn thì tính theo các chi phí phải chi trả của doanh nghiệp và được hỗ trợ tuỳ doanh nghiệp. Một quỹ mang tên "Quỹ cố kết" được lập ra với đóng góp của Nhà nước, chính quyền vùng-miền và các hãng bảo hiểm để chi trả cho khoản trợ giúp này.
Ngay đợt đầu tiên, các doanh nghiệp-tập đoàn như hãng bay, chế tạo cơ khí, chế tạo xe ô tô... được hỗ trợ một cục to tổ chảng với điều kiện không được sa thải công-nhân viên.
Nhà nước đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn với lãi suất 0 đồng trong năm đầu tiên với khoản tiền thưởng tương đương 3 tháng doanh thu.
Các phương thức hỗ trợ được thay đổi và định mức tăng dần theo mỗi đợt phong toả-giới nghiêm.
Chính phủ kêu gọi các thành phần kinh tế tư nhân chung tay. Chẳng hạn: những tập đoàn địa ốc có thể hoãn hoặc cho tiền thuê mặt bằng. Các ông chủ bà chủ tư nhân thì tuỳ tâm. Nếu giúp được các tiểu thương tiền thuê mặt bằng thì Nhà nước sẽ tính vào thuế để miễn giảm.
Các hãng điện-nước được kêu gọi cho doanh nghiệp nợ tiền.
Ngân hàng được kêu gọi và cho phép các doanh nghiệp được hoãn trả nợ hàng thàng.
Tất cả các thủ tục đều thực hiện từ xa qua mail hoặc hệ thống quản lý điện tử. Tivi thường xuyên giải thích, hướng dẫn các thủ tục thiết yếu cho doanh nghiệp để hưởng các gọi trợ cấp.
Chính phủ tạo mẫu đơn, thủ tục hành chính điện tử. Doanh nghiệp tự làm từ xa. Tất cả đều dựa trên niềm tin là chính. Không dấu đỏ, không chữ ký [của] vị nọ vị kia. Dĩ nhiên, nhân dân ăn gian nói dối cũng có. Sau một vài tháng thì Bộ Kinh-Tài bắt đầu kiểm tra ngược và tìm cách lấy lại tiền đã bị nhân dân anh hùng qua mặt.
Thế còn cho đại thể nhân dân cần lao thì sao?
Dần dà, nhân dân thông qua các hội đoàn và chính quyền sở tại phản ánh với chính phủ tình hình kiệt quệ tài chính do phong toả gây ra. Chính quyền quyết định hỗ trợ những người nghèo-thất nghiệp đang nhận trợ cấp xã hội một khoản nhỏ. Khoản tiền này được tăng lên theo đầu trẻ con. Tôi được biết, khoản tiền này không thấm vào đâu. Quỹ lương thực của các hội đoàn cứ cạn kiệt dần. Gần nhà có một nhà xứ nhỏ, tôi hay lò dò lại gần mỗi khi tranh thủ ra ngoài và phát hiện, bên cổng nhà thờ có dán một tờ thông báo nhỏ: ai cần bữa ăn thì cứ ghé vào.
Một lần, tôi chăm chú nhìn một chú không già cũng không trẻ đang ngồi với hộp đồ ăn trên tay gần nhà thờ. Tôi nhớ hôm đó nắng đẹp! Tôi không hiểu sao mình nhìn họ [người ta]. Chú người lạ hình như mỉm cười với tôi, chìa hộp đồ ăn ra rồi hỏi: Cô muốn ăn không? Tôi chia? Tôi vội vã cười khuất sau khẩu trang và rối rít xua tay từ chối như một lời xin lỗi.
Sau này, sinh viên của các trường đại học bắt đầu được chú ý vì các em đã bị mất bữa. Có nhiều bạn đã phải xin đồ bỏ đi ở siêu thị. Lúc này, chính phủ bắt đầu có gói hỗ trợ sinh viên. Một khoản nhỏ và hình như cùng phiếu ăn ở nhà ăn sinh viên. Tôi không còn nhớ thật chính xác: hình như đảm bảo cho sinh viên một bữa ăn/ngày với giá 1€! Sau này, sinh viên còn được cho thẻ đi bác sĩ tâm lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét