Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

đi thăm lão béo, mình thấy gì dưới phố

một ngã tư phố cổ - nhìn lên thấy gì
Đàn anh bị ốm viện này viện nọ các kiểu từ đôi ba năm nay, Thảo Sử và tôi thu xếp lịch mãi không khớp, rồi tôi mắc kẹt xứ người, rồi Hà Nội giãn cách, mãi trưa nay hai đứa cùng một cô em đồng nghiệp mới lò rò đi thăm được Lão Béo.

Nhờ có vụ thăm nom này mà tôi thấy mình lóc cóc chạy xe từ đầu này tới đầu kia thành phố, rồi thấy mình đi qua những con phố, con đường mà thậm xưng chút thì có đến cả vạn năm con giời chưa từng bén chân.

Qua công viên to tôi nhìn sang bên đường bên này nơi có hồ Ba Mẫu nhưng giờ đích xác như một cái ao làng ở một cái làng cũ kỹ bị lãng quên. Gần hồ có nhà ngày xưa treo biển Trĩ - Tổ đỉa, giờ biển vẫn to thù lù nhưng cái hồn nhà nơi có người sinh sống xem ra giảm bớt nhiều, lướt qua ngó cái, giống như nhà bỏ hoang và biển không ai thèm dỡ. 

Đường Đại Cồ Việt có một nhà kia mặt đường cửa đóng im ỉm. Tầng trên biển xanh lá và vàng chanh chói chang clean and organic, tầng dưới biển béo mập mập thông báo đập vô mắt đây, bún riêu cua tóp mỡ.

Đến cổng ngõ vào nhà đàn anh, tôi dụi mắt. Có một bộ sưu tập các ông bà trung tuổi xúng xính com-lê, áo dài và một đám thanh niên phong cách hót này hót nọ rập khuôn xứ Hàn. Mép vỉa hè chạy một dãy xích lô ghế nhung đỏ chon chót với các bác tài quần thẫm màu và sơ mi trắng, bác béo bác gầy và phần đông là quần áo dù là lượt vẫn không che giấu được vẻ lam lũ và/hay lem nhem. À, một đám hỏi.

Rời nhà đàn anh tôi chạy xe dọc phố Lò Đúc. Hàng quán mở cái đông cái te he không khách. Vỉa hè đoạn kia có hai thiếu nữ một váy tầng loè xoè với áo khoác nhẹ vạt dài bay trong gió, vừa vặn như vừa chui ra khỏi một ngôn tình tiểu thuyết. Đồng hành với cô nàng là một cô phong cách tuyệt đối khác, tựa các thiếu nữ từ tận đẩu tận đâu xứ đồng bằng Cửu Long ra thủ đô làm trong mấy tiệm nhỏ chuyên đề tẩm quất. Cô gái đó quần đùi lụa là đen óng ánh ngắn cụt lủn ôm sát bờ mông, trên là áo lót một thân đen được khoác hững hờ áo chui đầu cũng là màu đen, chất vải voan trong suốt với một đường xẻ rãnh lưng cứ như vừa gặp tên cướp háo sắc. 

Hết Lò Đúc đến Ngô Quyền sang Trần Hưng Đạo, tôi tự nhắc, tìm mua tờ báo đọc chơi. Cửa hàng đóng im ỉm. Đi vài bước chân thì tóm được chị gái chuyên mấy món bánh trái quà Hà Nội, gọi một lèo bánh gio sang bánh giầy đến bánh rán và tám nhảm vài câu. À, hoá ra sạp báo giờ cứ đến 11 giờ trưa là đóng cửa. Người ta không cho bán [sau giờ đó] là lời giải thích của chị hàng quà.

Tiếp tục hành trình, ở góc cửa sau khách sạn Metropole, tôi thấy Hà Nội giàu có từ người đến xe. Không phải thứ giàu gần như trăm phần trăm của mấy nhà tiền mới sống ở các căn hộ trên Xuân Diệu mà là bọn giàu tinh vi hợp thành một tiểu vũ trụ trong phạm vi chắc chỉ hơn cây số vuông ở cái góc này của thành phố.

Lối rẽ phố nhỏ ra Đinh Tiên Hoàng, chỗ công viên có ông tổ sư lập đô một thân đồng sừng sững, có một đội già trẻ lớn bé tập Pháp Luân Công. Bên này đường là tiệm cafe vườn với nhiều đàn ông và đàn bà công sở mặt mũi đầy âm mưu. 

Chạy xe ra Hàng Đồng ăn phở bò, tôi lại thấy một phố cổ Hà Nội buồn ro, chẳng đâu cái sinh hoạt thân ảnh người tới lui cùng các tầng âm thanh phố thị. Muốn biết cúm Tàu tai hại thế nào, chả cần coi truyền hình mậu dịch phán hay hơn thánh hay các mạng dân gian trình chửi được phong thánh, cứ chui tọt vào cái Hà Nội ba mươi sáu phố phường này là biết liền a.

Vòng vèo một hồi, về đến nhà căn hộ, ờ nhà mình vẫn cứ là nhất :-)))

trong là miếu thờ, ngoài sạp thịt heo cùng mấy món chiên rán

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét