Thứ Tư, 3 tháng 11, 2021

vô thường và hiện sinh

cốc nước đầu tiên uống ở tiệm sau giãn-cách
(1)

Bữa đó, tôi có việc phải đi gặp ông thầy để xin ký tá. Con giời từ hôm trước đã hóng hớt rằng thì là mà ông cụ rảnh rỗi ngồi nhà làm việc nên rất tự tin, vừa xong việc này rời đi thì hướng thẳng theo đường to đến nhà ông thầy. Tính non nửa đường thì dừng xe gọi điện báo một câu. Ai dè, mình đang trên đường về, chừng 40 phút nữa nhá. May mà hàng nước đã được mở, tôi tính rất nhanh sau hồi vâng dạ, cứ đến chỗ nhà thầy, ngồi chơi chơi ở một tiệm cafe nào đó là được mà.

Hai tiệm cafe đối diện nhau, một tiệm long lanh đầy sửu nhi cặp đôi ngồi áp sát nhau như thể lạnh âm và chúng đang thiếu vải khoác người, một tiệm uể oải với mấy nam thanh niên một góc ba phong thái thi sĩ, một góc ba bí ẩn đạo sư và một góc ba còn lại cứ lồ lộ rõ rành hình vị của tay buôn đa cấp. Tất cả các nam nhân đó đều ngồi trong nhà, dĩ nhiên là với đồ uống trước mặt thì chẳng có cái khẩu trang nào che miệng cả.

Tôi chọn cái quán cũ vì ít người, và cũng vì có thể một mình ngồi rung chân ngoài bờ hiên thoáng đãng vốn là vỉa hè bị chiếm dụng, với tầm mắt bị hạn chế ở khoảng cách chừng 2 mét đường do cửa nhà hàng xóm và thêm nữa là cũng chừng ấy khoảng cách chếch góc chừng 30 độ là một cái miệng cống to đùng. May mà cái cống đó vào sáng ngày hôm đó không bốc mùi.

(2)

Ông thầy về đến nơi, rất mau nhìn ra con học trò láo toét.

Hoá ra thầy đi đám Ngài Pháp chủ. Lúc đó tôi mới ú ớ, hoá ra có chuyện này.

Thầy đi theo đoàn thể, tháp tùng ông cốp với một đám các ông bà côm-cốp, đại khái là cán bộ chưa to nhất thì cũng là to.

(3)

Ông thầy là người vừa bận việc vừa quan trọng trong cái ao làng chữ nghĩa nên bình thường hẳn chẳng có chuyện hai thầy trò ngồi ở cái hiên quán cũ kỹ kia. Vấn đề là người nhà thầy chạy đi đâu mất tiêu mà thầy lại quên chìa khoá nhà, à vậy thì thầy trò mình thong thả uống miếng nước, nói dăm ba câu chuyện.

Tôi hỏi mấy câu ngớ ngẩn về vị mới viên tịch, ông thầy khen hết lời, đại ý là một tu sĩ chân chính, có đạo đức và tri thức uyên thâm. 

Rồi chuyện nọ xiên sang chuyện kia, chủ đề lại là năng lực tính của các ông bà lãnh đạo. Tôi thiếu chút thì phì ngụm nước ra khỏi miệng khi nghe ông thầy mô tả cái hành động cầm tờ giấy do thư ký soạn sẵn của ông cốp để nắn nót ghi vào sổ tang. Sau đó thì tôi cười hi hi ha ha thành tiếng khi nghe một câu chốt của ông thầy già, đấy ở quốc hội ấy, mỗi kỳ họp mà thấy được một vị có thể phát biểu rõ ràng rành mạch đâu ra đấy mà không phải ỷ vào tờ giấy trong tay thực sự là hiếm gặp, là đáng quý a.

(4)

Hết chuyện vị đã qua đời, ông cốp đi viếng và năng lực tính của các quan phụ mẫu hiện đại, chuyện của hai thầy trò quay sang tinh thần sống ở đời.

Tôi lầu bầu, vô-thường quả là một khái niệm hay.

Lập tức ông thầy phạt ngang, thời hiện tại nếu sống vô-thường thì sẽ không trụ được. Vẫn phải có phần hiện-sinh.

Tôi lơ mơ cùng nghi hoặc, hẳn là tôi và thầy của mình đang nói hai chuyện khác nhau đây.

(5)

Ông thầy giải thích chút chút. À thì ra là vậy.

Trong khi tôi đang nghĩ vô-thường với cái ý là chúng ta ồn ào, hoành tráng ghanh đua và vẻ vang gõ trống khua chiêng khoe mẽ đến đâu đi nữa thì sớm muộn cũng có ngày chúng ta cáo chung cái sự sống trần gian này thì ông thầy xem ra lại hiểu ý con học trò của mình định buông bỏ, buông xuôi tuốt tuột.

Và vì thế, hiện-sinh mà thầy nói đến là chúng ta vẫn phải sống, vẫn phải giao tiếp, bất luận có không hài lòng hay thậm chí là "ghê tởm" trước những xấu xí ở đời thì vẫn cứ phải tiếp tục hít thở, nói cười, tương tác với ngoại vật và tha nhân.

Hiện-sinh ý đó, dạ thưa Thầy, con về căn bản là đồng ý a :-)))

Về căn bản thôi nhá, vì còn chút phần tôi để dành chỗ cho một câu hỏi, đâu là giới hạn cho các sự thoả hiệp, im lặng với/trước cái ác, cái xấu trong đời này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét