Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2021

nhớ đỗ phủ

(1)

Gần ba mươi năm trước, tôi nghe Chị Q kể một bạn học, hình như là từ hồi trường Ams, có xuất thân thị dân thường thường và hừng hừng khí thế vươn lên, sau khi ổn định công việc ở một cơ quan bộ ngành trung ương nào đấy, kiếm được một ông chồng cũng xềm-xềm như mình thì quyết chí một chân thuỷ chung cán bộ-đảng viên tốt, một chân kia thò ra ngoài làm giàu.

Chị này kinh doanh quán ăn.

Tình hình ăn uống ở Hà Nội thời ấy khác xa bây giờ. Chưa có cái cảnh trà sữa hay pizza quán nướng theo chuỗi để đại chúng cuồn cuộn đến vừa là ăn vừa là seo-phì trong hân hoan phấn khích của một thứ tinh thần dân chủ ăn uống toàn dân toàn diện ai cũng có quyền vỗ ngực "bố mày đây cũng như ai". Chưa phổ biến những góc khách sạn cao cấp nườm nượp các thân ảnh đại gia tiền mới cùng hót-gơn chân dài. Cũng chưa đông đảo phong phú đa dạng đầu đường cuối phố các bãi bia trăm phần trăm hay các tiệm bia sang với gái prô [promotion] mặc váy ngắn tơ hơ cả viền quần lót, áo lót ngực như có như không và khu vệ sinh nam có gương đặc biệt để anh em tha hồ ngắm chị em quệt son, quét mắt và kéo hạ áo cổ rộng cổ trễ sao cho việc khoe khe rãnh hiệu quả hơn nữa. 

Hà Nội lúc đó phân định rõ nét giữa các tiệm quán nhỏ - gọi vậy cho lịch sự chứ thực thì đa phần là quán di động tạm bợ ở các phố xá và khu dân cư - và một vài quán có qui mô vừa phải được coi là "sang", là "tây". Bên cạnh phong trào xây nhà "cho Tây thuê" trên chỗ cái hồ to, ông bà "nhà đầu tư" nào thò chân vào lĩnh vực ăn uống tạm gọi là cao cấp hầu như đều nhìn chằm chằm vào đám dân expat tinh bông nổi bần bật mỗi cõi thủ đô.

Ấy thế mà chị gái này có tầm nhìn xa. Chị bảo, Tây thì đã là gì. Ngu! Kiếm tiền từ ta, ta-giàu-có, ta-quan-chức mới dễ. Đó là chưa kể phục vụ bọn Tây ý mà, mệt bỏ mịa, khó tính, đòi hỏi lắm điều này kia chi nọ. 

Vợ chồng chị mở quán, đồ ăn Việt chính đá đấm màu sắc món Tây. Khách hàng nhắm tới được định nghĩa rõ ràng: quan chức địa phương - thường là hàng tỉnh - về thủ đô công tác. Và còn rõ hơn nữa, cóc cần tính bọn ở tỉnh xa phương Nam nhá, cứ cái bọn gần gần ngồi xe hơi máy lạnh về thủ đô.

Với một sự xác định rõ ràng như vậy, nhà đầu tư chẳng phải toát mồ hôi cân trí não để tìm địa điểm đẹp nào trong khu phố cổ, nào giữa lòng phố Pháp hay tít tắp trên mạn cái hồ to. Chị chọn một nơi rộng, thoáng, ven ven chút, đặc biệt là phải rộng để chứa bọn xe bốn bánh của đám khách hàng.

Chị Q kể chuyện cho tôi, mắt sáng lấp lánh cứ như đang đếm tiền trong chính túi của mình. Tôi tò mò, sao bà này giỏi thế nhể, nhìn ra được thế nhể. À, hoá ra bà chị này làm ở một đầu mối cơ quan cấp bộ chuyên giải quyết giấy tờ với bọn quan hàng tỉnh chẳng biết vênh váo nơi nao nhưng trước mặt chị đây thì cứ là lom rom nhất lượt. 

Không rõ đám khách ăn quán chị có biết là quán [của] chị không. Nhưng rõ một điều là chị nhìn trúng cái nhu cầu của các quan tỉnh đó. Thích sang được sang. Thích tiện được tiện. Thích thế rồi còn gì nữa!

(2)

Từ hôm qua qua hôm nay nghe nói mạng xã hội "dậy sóng". Tôi nghe cái từ "dậy sóng" này thì tò mò, lóc cóc trèo tường nhà bác gúc-gù gõ một phát. 

Các ngài phụ mẫu dáng đứng hiên ngang sừng sững cạnh tượng ông cụ có nhiều râu. Ồ, đây chẳng đúng truyền thống quan chức nhà ta mỗi khi tới thành Luân-đôn đó sao. Chuyện này tôi nghe TL kể một lần sau thời gian cô em học ở King College. Rồi lại một lần là một bé em là chuyên viên chuyên món phục vụ đối ngoại cho một cơ quan đầu não to, than phiền, lần nào tháp tùng đoàn nhà ta tới thủ đô Anh quốc luôn dứt khoát phải có tiết mục đi thăm đại sư phụ tên Kan họ Mác. Vậy chuyện các quý phụ mẫu của nhân dân, các đồng chí cần kiệm liêm chính chí công vô tư đứng sừng sừng hiên ngang cạnh tượng của tổ sư món chuyên chính vô sản coi như cũng là điều dễ hiểu đi.

Giờ quay lại chuyện cái bữa ăn gây ồn ào từ trong nước tới nước ngoài. Công nhận nhìn nó chẳng đẹp tý nào, xét từ một chuẩn mực thông thường của một đứa trẻ được học lễ-nghi theo tinh thần của các cụ nhà ta ngày xưa, xét từ chuẩn mực đạo đức của "đảng ta", và xét cả từ nhạy cảm chính trị của bất cứ tay chính trị gia đích thực nào ở một xứ mang tên dân chủ.

(3)

Nhân chuyện bữa ăn bò dát vàng này, tôi nhớ đến một chuyện hài do cô em bạn học cfitaire kể sau chuyến tháp tùng đoàn cao cấp líu-lo sang Pháp quốc để trao đổi về lý luận.

Đoàn ta toàn các giáo sư tiến sĩ được mời đến cái sa-tô nổi danh món rượu vang ở xứ Pháp quốc. Và đã đến đó thì đương nhiên là được mời rượu rồi.

Chuyện là ở dưới cái hầm rượu, người ta đưa ra một khay nước đỏ chiêu miệng, các cụ nhà ta a-lô-xô nốc thật lực. Sau rượu ngon ra thì bụng lưng lưng xừ mất rồi.

Cô em bạn tôi chả hiểu thật thà hay xỏ xiên, kể xong chuyện này thì nói câu đại ý là em nghiêm khắc tự kiểm điểm bản thân là làm nghề thiếu chuyên nghiệp, rằng thì là mà lẽ ra em phải dặn trước các giáo sư về cái sự rượu ván đầu là để súc miệng chứ không phải là để uống. 

Tôi nghe chuyện cười phì. Rồi phi thường nghiêm túc gật gù, đúng là muốn sang cũng cần phải mấy đời đi a :-)))

(4)

Vẫn nhân chuyện bữa ăn bò dát vàng này, tôi lại nhớ thêm một chuyện nữa, cũng cùng một mô-típ là được kể lại bởi bọn điếu đóm.

Đó là anh cán bộ của cái đại sứ quán kia ở Hà Nội có nhiệm vụ tháp tùng đoàn do một ông bộ trưởng dẫn đầu sang tham quan nước có cái đại sứ quán anh ta làm việc.

Ông bộ trưởng có tật nói ngọng và mang một phong thái chân quê thật thà chất phác rất hợp với cái bộ ông lãnh đạo nhân chuyến công du thì tiện thể kéo theo cả bà bộ trưởng [phu nhân]. Kinh phí do bên ta trả, chẳng rõ là "ta" nào. Đối với dân Tây ở đại sứ quán, chỉ cần biết thế là đủ; chừng nào họ mời ông bộ trưởng mà không phải trả tiền cho bà bộ trưởng [phu nhân] thì chừng ấy họ vẫn đảm bảo minh bạch với nhân dân đóng thuế nước mình. Thế là đủ, họ cóc thèm quan tâm, visa cứ gọi là đóng cộp phát ăn liền cho bà bộ trưởng [phu nhân].

Đoàn sang thủ đô nước người, được Tây chiêu đãi xem chừng không mấy hài lòng. Ăn uống chi mà giữ kẽ, miếng chẳng bõ dính mép. Đoàn ta quyết định tự ta mời ta.

Đến một quán nghe đâu thuộc dạng đình đám, đoàn ta xả hơi đúng phong cách dân ta em ơi cứ gọi là ời ời ồn cả một góc quán làm cho bọn Tây phục vụ mắt cứ gọi là trợn ngược. Mà đã đâu hết, ngoài thành tích gây ồn thì các quý ông da vàng mũi tẹt tóc đen nhà ta còn làm bọn tóc vàng mắt xanh mũi lõ tiếp tục sốc khi gọi nhất loạt các món tú hụ một bàn chứ chẳng theo thứ tự cuốc này cuốc nọ kiểu Tây loằng ngoằng. 

Tôi nghe chuyện này cười ha ha, mấy anh chị Tây phục vụ quán đó mà đã từng du lịch Việt Nam nếm bia bờ phở bụi rồi thì chắc sẽ thấy rất ổn đâu a :-)

(5)

Rồi vẫn nhân vụ bò dát vàng này, tôi còn nhớ thêm một chuyện nữa, vẫn là do cô bạn cfitaire kể, vẫn là chuyện tháp tùng đoàn ta đi Pháp quốc, nhưng lần này miếng ăn không phải là miếng thô lỗ, miếng kệch cỡm, miếng nhày nhụa mà là miếng chân phương thật thà.

Số là đoàn do ông cốp dẫn đầu, trong đoàn ngoài các cán bộ cấp cao và rất cao thì không thiếu nhân viên phục vụ. Và có lẽ vì cái truyền thống của khối cơ quan đầu não quan tâm cán bộ công nhân viên - mà theo lời ông sếp to trực tiếp của tôi đã có lần tự hào tuyên bố, trong [các] nhiệm kỳ của tôi cố gắng để tất cả anh chị em, từ dọn vệ sinh tới bảo vệ, ai cũng phải có một lần được đi nước ngoài theo các đoàn công tác -, đoàn ông cốp lần đó có nhân viên phục vụ là một cô lần đầu tiên được đi Tây, chuyến đi "quà thưởng" trước khi về hưu. 

Ở sân bay cô này lỉnh kỉnh bầu bí mắm muối làm cho cô bạn tôi hoảng hốt, sợ có vấn đề với hải quan. Cô này chắc nịch, đoàn ta to thế này sợ gì mà sợ. Mà Tây nó hỏi thì cô bảo đây là quà biếu bác tổng bí thư đảng bạn - chắc là PCF đi. Nghe xong thì cô bạn tôi cạn lời. Mà hẳn do vía ông cốp, bầu bí mắm muối nhà ta sang xứ người chẳng bị ai rạch ròi hỏi han cả.

Tôi nghe chuyện này xong rưng rưng xúc động một hồi, rồi gật gù chia sẻ với cô bạn, người chưa bao giờ và sẽ hẳn chẳng bao giờ là thành viên của "đảng ta". Mày không thấy à, các bác nhà mình rất nhân văn, đảm bảo bà cô nhân viên phục vụ cũng được một lần đi Tây; và quan trọng nhất là các bác vừa thật là yêu nước tôn phò thức ăn ta vừa là nêu gương nếp sống giản dị dưa cà mắm muối như Bác của ta xưa. 

(6)

Sau một ngày hình như vụ bò dát vàng này vẫn còn nóng sốt.

Nghe nói "bọn-phản-động" đang say sưa xoáy mũi dùi phê phán.

Nghe nói không có ai cãi đây là ảnh/video cắt ghép, tạo dựng - tức là đây là chuyện người thật việc thật luôn.

Nghe nói nhiều nhân dân ta lên tiếng bảo vệ cho cái quyền được ăn ngon hay giải thích hộ hệ thống rằng thì là mà đây là tiệc chiêu đãi do "người ta" mời - với "người ta" được phiên dịch khi thì là doanh nghiệp khi thì là chính phủ Pháp.

Quyền được là người, được làm người và được ăn ngon, nghe thật có lý, thật đúng phẩm nhân quyền nên tôi chẳng dám bàn chi ở đây. Hic!

Nhưng sang đến chuyện tiệc chiêu đãi thì tôi cười kẹt ruột và trong dạ cứ thế mà tự nhiên thánh thót vài dòng xỏ xiên.

Nếu là doanh nghiệp mời, ấy a, nghe có mùi tham nhũng quyền lực. Còn chuyện chính phủ Pháp mời trong khi bữa tối ở Anh (?), thì có gì đó sai sai. Đó là chưa kể, bố bảo chẳng có thằng đồng cấp nào dám mời cái kiểu đó. Dân Tây họ đóng thuế tiền mồ hôi nước mắt của họ thì họ cũng soi giỏi lắm, các ông chính quyền xơi một miếng không khéo thì thành miếng "nhục". Lại càng chẳng có cái kiểu ăn khoe khoang sặc mùi nhà giàu mới nổi như thế a :-)

Bênh kiểu bao biện cùn và ngu thế, thật đúng là không chỉ vả vào mặt mấy ông xơi bò dát vàng mà còn vả vào nhân dân cần lao trong nước đâu :-)))

(7)

Đến đây tôi nhớ hai câu thơ của Cụ Đỗ Phủ nước Tàu xưa:

Nơi cửa son rượu thịt ê hề
Ngoài đường cái xương người chết buốt

Ngày đầu tháng 11 năm 2021 mà tâm sự Trường An xưa sao lại thấy có chút mùi vị của sự quen thuộc!

(8)

Mà thôi, nhớ nghĩ vẩn vơ và lảm nhảm cà ràm vậy thôi.

Tôi đồng ý trăm phần trăm với cổ nhân, rằng thì là mà miếng ăn miếng tồi tàn.

Tồi tàn không chỉ với kẻ nếm, ăn, xơi, chén, xực... gọi gì cũng được. Mà còn tồi tàn cho cả những kẻ "chõ mõm" vào "miệng mồm" người thiên hạ đang thưởng thức món ngon.

Thế nên dứt khoát tôi chạm tay vào gỗ.

Và quay sang nghĩ chuyện mai ngày Chúa Nhật thì mình mần và chén gì đây a :-)))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét