Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2021

tiếu thầy bà

một thời chữ nghĩa nhà hàng xóm
hong xiao bing của Huang Jinzeng
(1)

Ở đám tang của vị thầy già được coi là thủ lĩnh ngành, có giáo sư lãnh đạo trường đại học than thở đại ý, tầm này lẽ ra là nhộn nhịp lắm

Trong không khí khẩn trương của tang lễ thời covid, tôi dù đã cố kềm mà vẫn phát tác tý chút cái máu xỏ xiên, nhộn nhạo trong dạ, hẳn "nhộn nhịp" này là ý chỉ không khí cánh học trò - mà chủ yếu sẽ là bọn ngờ-cờ-sờ có tiền - chạy tung tăng với nắm hoa-phong bì đi gặp đám thầy bà. 

(2)

Tôi cùng hai bạn đi qua chúc lễ ông thầy. 

Chuyện đông tây, cổ kim dài ngắn cứ cái này nối cái kia. Trong đám chuyện đấy, liên quan đến ông thầy già mới qua đời, tôi nghe ra không ít mùi "ai oán". Thiếu chút tôi phì cười mà nói linh tinh mấy câu. 

Một cuộc đời được tô vẽ qua một cái điếu văn dài vài gang tay đầy đủ các món phẩm chất đạo đức đỏ rực rỡ lẫn tài năng chuyên môn tổ sư khai phá/mở đường sang đến bàn trà nhà hậu bối bỗng xem ra có nhiều phần khác biệt.

(3)

Trước ngày lễ của các quý thầy bà, có thằng cu học trò cũ gọi điện hẹn qua chơi. Thằng bé nói em tiện có việc gần nhà cô thì muốn qua xin bữa cơm trưa. Nó đã bảo thế thì sao tôi có thể nói không. Bữa trưa định ăn bậy ăn bạ cho xong của tôi hoá thành ninh một nồi nước xương, kiếm một dải diềm thăn bò thái miếng ướp qua loa vị gừng, và một bó mỳ somen cùng cây xà lách ta.

Thằng bé qua nhà theo hẹn. Quà 20-11 tôi nhận được là một hộp bánh quy. Cái này tôi thấy hài hước, nhưng dứt khoát không thể nói không. Chỉ khách sáo một câu gọi là, mày biết tính tao rồi mà còn phải thế. Còn trong dạ thì cười khơ khơ, cười cả nó lẫn tôi. Cười là cười vậy, còn nghiêm túc mà nói tôi nhìn ra cái sự khéo của thằng học trò giờ khôn ranh xã hội phải gấp đến trăm vạn lần tôi. 

Chuyện câu đi câu lại, giữa chừng không biết bao lần thằng bé kia nhận tin nhắn cùng điện thoại. À, ngày hội thầy cô, nó được bằng hữu kéo đi nhậu với quý thầy. Rồi nó lại được quý thầy gọi đến, mày là thằng trò đặc biệt, dứt khoát phải đến bữa nhậu thân mật này.

Tôi làm cho nó bát mỳ lót dạ trước khi nó đến cái đám tụ tập kia. Trước và trong bữa mỳ đó, nó kể hôm trước qua nhà một ông thầy qua đời mấy năm trước để thắp hương. Tôi nghe giật mình, đàn anh này tôi không thân cận nhưng tôn trọng là có. Anh cầm chức đứng đầu cái viện nghiên cứu hàng đầu của cái ngành chuyên món lãnh tụ-học chưa được bao lăm thì dính K. Và như hầu hết các quý giáo sư đáng kính của cái ao làng chữ nghĩa xứ ta, chết là hết, tôi có thể dám chắc chẳng mấy người còn nhớ và nhắc tên đàn anh. Tôi hỏi thằng bé về tình hình chị vợ của đàn anh, nó bảo cô cảm động lắm vì đã lâu chẳng có ai qua nhà.

Trước khi rời đi, thằng bé học trò cũ nói, hôm nay em từ chối bốn lời mời nhậu, trong đó có cả của thủ trưởng cơ quan. Cô thì dứt khoát em phải qua. Còn thầy - quý thầy mà nó sẽ đến gặp bên bàn nhậu - là em trốn cũng không được. Người khác nghe hẳn phải phổng mũi. Tôi nghe xong, thấy có vẻ ngứa mũi thì đúng hơn.

(4)

Chị MA nằm viện, tối qua nhắn nhủ bảo có mấy bông sen ướp trà cùng bánh chả muốn đem lên cho con em nhân ngày nhà giáo nhưng giờ không được. Thằng bé con nhà Chị chưa tiêm, Chị không dám để nó ra ngoài.

Tôi định trêu, hay để em đến cửa nhà Chị gõ cửa rồi thằng cu mang đồ ăn uống ra cho em nhá. Nhưng đùa thế thì quá, thế là con giời thỏ thẻ, thôi cứ cẩn thận cho nó yên tâm Chị ạ.

Sang tối nay trúng ngày nhà giáo, bà chị nhắn cho cái tin, tôi đọc xong cười rụng rún.

Tin là, Chị vừa nôn một trận xong thì đọc còm [comment] của mọi người. Một đứa nó hỏi chị chi phí chìm làm ncs [nghiên cứu sinh] mà [chị] tỉnh cả người vì buồn cười.

Con em hi hi ha ha xong một trận thì nhắn lại bà chị, Bảo liên lạc với em khe khe.

(5)

Nhiều năm trước tôi có một con bé học trò đặc biệt. Người tròn tròn thấp thấp, đại khái nếu nói yêu thì là mũm mĩm. 

Nó khôn từ nét mặt. Nhưng cái phần ngây ngô cùng kiểu dương dương cái thái độ nghé con mới đẻ không sợ cọp của nó thì cũng không thua kém chút nào phần ranh kia. Sau vô tình tôi biết "gia thế" của nó, à hợp lý a.

Bình thường tôi máu lạnh và phũ, rất khó để thân cận với người cũng như để người xa lạ thân cận với tôi. Con bé loăng quăng bên cạnh, tôi cũng cứ là ừ à. Sau nó ra trường, trở thành nữ trí thức chân chính đúng kiểu "con nhà...", tôi thấy nó thì gật một cái coi như là chào hỏi bất chấp nó có nhiệt tình thế nào.

Sớm hôm trước nó đột nhiên gửi tin nhắn hỏi cách mua sách về gánh hàng rong. Tôi bảo bữa nào tiện gặp thì cho, xong rồi không để ý chuyện này.

Bữa nay nó chụp hình bánh ngọt trang trí đầy hoa lá với lời chúc thầy bà, tôi bỗng có chút linh cảm. Kiểm điểm lời nó nói về chuyện làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của một quý thầy bà, à có chút manh mối đây. Có thể đầu óc tôi quá đen tối nên nghĩ quàng xiên bậy bạ, mà cũng có thể tôi đúng. Nhưng cái sự bỗng nhiên xuất hiện này không có chút vẻ chân tình chi a :-)

(6)

Ngay từ ngày đầu đi làm kiếm đồng tiền, tôi đã thoải mái với suy nghĩ, nghề này nó chọn tôi chứ cóc phải tôi chọn nó. Thế nên tôi chẳng có tự hào chi, cũng chẳng kêu ca gì. Thi thoảng, dù đã quen nhưng tôi không tránh khỏi chút giật mình trước cái trạng thái lên đồng của không ít người ở trường đại học, nghề chúng ta là cao quý, nghề chúng ta là nhất. Đúng là có vài vị xét về góc độ nhân vị cá nhân tôi thực tôn trọng. Nhưng một công thức chung kiểu này với cái hiện thực tôi sống sờ sờ trong đó, thực chẳng mấy khớp a.

Chợt nghĩ, cám cảnh cái thời này. Làm nghề gì cũng bị nháo. Làm nghề gì cũng bị chửi. Và nhất là, cái nghề nào xem ra cũng không thiếu một góc bạc!

Nhưng mà cũng hay, bất luận xã hội đảo điên thế nào thì luôn không thiếu một đám tuồng chèo chữ nghĩa thừa năng lực "thẩm du" tinh thần, tích cực lải nhải ta là cao quý, ta là nhất. Ừ xin mời các bác cứ tự nhiên tiếp tục, nhà cháu biết phận đứng sang bên và... cười :-)

vẫn là chuyện hàng xóm - nguồn không nhớ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét