Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

ngày cá tháng tư đọc ba gã say luận đàm thế sự

(1)

Tôi từ từ phát hiện ở căn hộ có kha khá sách được tha lôi từ bên nhà. 

Ba gã say luận đàm thế sự của Naka Chomin - Võ Vương Ngọc Chân và Nguyễn Mạnh Sơn dịch, Nhã Nam và Thế giới xuất bản năm 2019, bìa phụ có chữ của tôi nắn nót ghi một ngày đầu tháng Giêng năm 2020,  không xa ngày tôi có việc đi xa rồi mắc kẹt nơi xứ người, với ghi chú quà từ em H. - đồng nghiệp và cũng là bạn nhỏ thân thiết.

Tôi quen đọc ba nhóm tác giả Nhật, các nhà văn mở toang cánh cửa hiện đại và vài người tiếp nối họ mà trong đó người tôi cho đến giờ vẫn không hết yêu thích là ông già dùng khí gas tự sát vào đúng 3 năm trước ngày tôi chào đời; sau đó là Murakami người tôi cực kỳ ghét lúc ban đầu nhưng dần dà lại thấy thú vị; và cuối cùng là một đống các tác giả đương đại mà số đông là tay bút trinh thám nam hay mấy quý bà thầm thì kể chuyện đời đơn điệu. 

Đọc Chomin mới tinh thế này trong khi tự cách ly ở căn hộ thực cho tôi cảm giác kỳ quặc. 

Tôi đọc ngắt quãng, nhảy cóc đoạn và trang tuỳ tiện.

(2)

Hôm trước dọn dẹp một hồi phòng coi tivi của Tiên sinh, tôi ngả ngốn đo cái ghế dài và rờ tay tìm sách.

Đọc trúng đoạn này, cười hi hi ha ha một mình.

Và tự nhủ, đã hiểu tại sao sách này đáng giá! Và tự nhủ, mẫu hình này sao thấy quen quen!

[...] Nói những gì mình muốn nói, làm những gì mình muốn làm, hành xử tuỳ ý, vô tư thoải mái, đó mới là bản tính của một đấng trượng phu đích thực. Thế nhưng, những kẻ kia ngay từ đầu đã đè nén tính cách, kiềm chế cảm xúc, cố gắng khắc chế bản thân, không dám biểu lộ điều gì ra bên ngoài. Lâu dần trở nên khéo nịnh, nói lời tâng bốc, hoa ngôn xảo ngữ một cách không ý thức, dù vậy bản tính suy đến cùng cũng không vì thế mà bị tiêu biến. Do đó, một khi gặp cơ hội nếu nhận thấy việc thể hiện cảm xúc ra bên ngoài không gây ra hậu quả xấu nào thì trái lại sẽ có thái độ ngạm mạn kiêu căng, như một cách bù đắp cho những lúc khom lưng quỳ gối thường ngày. Đây là xu hướng tâm lý tự nhiên của con người. Vì thế, người phương Tây có nói rằng, nhân sĩ ở đất nước tự do thì tính tình ôn hoà, không tranh chấp với người, còn nhân sĩ ở đất nước chuyên chế thì ngạo mạn, kiêu căng [...]

tôi khám phá honjok (2) - từ ngữ

sân bay Dallas - đường về nhà một mình
Vụ honjok tôi bắt đầu vui vui tìm hiểu trong chuyến đi nhà rừng lần cuối

Vui vui chơi chơi hoá thành nghiêm túc suy ngẫm. Tất nhiên là vẫn theo kiểu lơ mơ hồ đồ, thi thoảng bỗng mặt mày nghiêm túc phi rồi chốc lát đầu óc lại nhảy nhót loạn xạ xiên lệch sang những chuyện vặt vãnh khác của ngày!

Dù thế nào thì tôi khoái chí lắm. Vì cái sự nghĩ này, tôi nghĩ, nó vô tư. Cứ nhẩn nha nghĩ, nhẩn nha tìm hiểu, nhẩn nha soi vào chính đời sống của mình. 

Rồi bất ngờ tôi phát hiện, hoá ra bao năm nay lang thang trong thành phố, mình cũng honjok ra phết 😀

Note này là cóp nhặt từ ngữ, và chưa đầy đủ.

(1)

Honjok trong tiếng Hàn được cấu thành từ honja jok.

Honja = một mình
Jok = bộ lạc, tộc người, chủng tộc, dòng giống, nhóm người, cộng đồng

(2)

Từ ngữ "họ hàng" trong tiếng Hàn hay các hoạt động cụ thể thể hiện honjok:

honbap = ăn một mình
honsul = nhậu một mình
honnol = vui chơi giải trí một mình (hát karaoke, xem phim, ăn quà vặt/bữa nhẹ bên ngoài một mình...)
honyong = xem phim một mình
honkha = đi cafe một mình
honsyo = đi mua sắm một mình

(3)

Những từ tiếng Hàn khác có liên quan:

- [lối sống] YOLO = you only live once = đời nay ta chỉ sống một lần, đời chỉ có một lần, "Thượng đế độc hành" [thẻ YOLO cho khách hàng thân thiết - dĩ nhiên là khách hàng solo]
- singgeuljok được ghép từ single tiếng Anh với jok
- naholojok = người yêu thích việc tiêu thời gian một mình mà không bận tâm kẻ khác nhìn mình ra sao (làm kén); việc ở một mình không có nghĩa là họ không có bằng hữu mà đơn giản là họ thấy việc sinh hoạt và tiêu khiển một mình có giá trị hơn 
- shibai biyong = "tiêu xài không quan tâm ngày mai" (shibai = một từ chửi thề + biyong = chi tiêu) *xuất hiện năm 2016 trong một dòng tweet và lan rộng, được coi là từ mới của năm
- nền kinh tế độc thân [single economy / solo economy / économie solo] chỉ sự tiêu dùng của giới trẻ với đặc điểm là các hoạt động (sinh hoạt, ăn uống, giải trí...) đều là làm một mình

(4)

Tiếng Việt - từ các bài báo trên mạng nhện:

- bộ lạc cô đơn
- văn hoá cô đơn
- văn hoá cô độc
- văn hoá honjok
- lối sống honjok
- thế hệ honjok
- thế hệ thích độc thân
- thế hệ thích một mình và độc lập
- thế hệ trẻ theo đuổi lối sống cô đơn và độc lập
- những người với lối sống cô độc
- [những người] "ăn một mình, ngủ một mình"
- vấn nạn cô độc
- xu hướng cô độc [trong giới trẻ]
- xu hướng sống một mình
- trào lưu giới trẻ thích sống một mình, cưới đơn thân
- sống đơn chiếc
- thế hệ từ bỏ mọi thứ và sẵn sàng sống độc thân chỉ cần là vui
- làn sóng độc thân [honjok]
- trào lưu sống một mình trong giới trẻ
- thành phần trẻ thích sống độc lập và khép kín

(5)

Những từ khác

- nesting = làm ổ, ru rú ở trong nhà
- độc vãng độc lai = một mình đến, một mình đi (cf. Trang Tử)
- đơn thân độc mã
- cô độc
- cô liêu
- vắng vẻ
- cô đơn
- một mình

vì răm nên phải luỵ xoài - bánh tráng trộn cay cay chủ vị moi biển khô

tất cả trong một cái khay
bánh tráng trộn vị moi biển khô
(1)

Tôi chưa từng ăn bánh tráng trộn bên ngoài, tự làm mấy lần khi ở nhà biển đều là theo kiểu tuỳ hứng và xuyên tạc do tình trạng không có đủ thành phần nguyên liệu phổ biến như được giới thiệu trong các công thức và hướng dẫn trên mạng nhện.

Bữa nay, món bánh tráng trộn cay cay chủ vị moi biển khô này được làm vì một lý do hết sức tầm phào: tôi tiếc rẻ mấy cọng răm đã được rửa sạch ráo và trữ trong tủ mát. Răm đó là do TL chuẩn bị cho tôi để nấu miến lươn, cô em mua liền mấy mớ nên rau còn dư tính ra kha khá.

Món gọi là leftovers xem ra chẳng sai mấy vì không chỉ do rau răm thừa mà đến moi biển khô rang mỡ hành cũng là nguyên liệu ăn theo/ăn ké. 

(2)

Đĩa bánh tráng trộn thành phẩm của tôi vắng bóng không ít thành phần được điểm danh trong các công thức phổ biến trên mạng nhện:

- không có vị chua me
- không có trứng cút
- không có khô bò
- không nốt đậu phụng rang

Tôi lấy cớ trước giờ nhà cháu nào có biết bánh tráng trộn - quà vặt đường phố "là dư lào", thế nên cứ thoải mái mà tự mình đề ra công thức căn theo hoàn cảnh cụ thể:

- xoài keo giòn chua rôn rốt chừng 1/3 trái được thái sợi 
- moi biển khô rang mỡ hành
- rau răm như là rau gia vị chính, ngoài ra có thêm mùi và thơm Láng - tất cả đều được xắt rối
- sa tế tôm Cholimex - lần đầu tôi dùng, thấy ổn
- nửa trái chanh vắt lấy nước cốt
- và dĩ nhiên không thể thiếu bánh tráng - lần đầu tiên tôi khám phá bánh tráng ớt Tinh Nguyên - đặc sản Tây Ninh, dăm bảy lá bánh được chia đôi rồi sau đó được chập lại với nhau và được cắt thành các sợi bề ngang chừng 1.5-2cm 

(3)

Không tính moi biển khô rang mỡ hành có sẵn thì làm món chỉ tốn hai đoạn công sức: thái sợi xoài và cắt sợi bánh tráng.

Về trộn cứ thong thả tuần tự từng bước, mất dăm bảy phút là sẵn sàng một phần bánh tráng trộn vị moi biển khô cay cay chua chua vui cái miệng.

- Trộn bánh tráng với sa tế - lần này tôi ẩu tả, lẽ ra phải rã tơi các sợi bánh thì quên béng mất nên được hồi bánh tráng vốn được chập các lá với nhau để cắt cho nhanh hoá thành dính chấp, làm tôi mất công tỉ mỉ gỡ; bữa sau hẳn tôi sẽ học theo cách của Cô Vành Khuyên, cho bánh vô túi zip rồi xóc với sa tế, đảm bảo sẽ ngấm đều mà sợi bánh không tụ mảng
- Tiếp đó trộn bánh tráng với xoài và rau - cầu kỳ thì rau trộn muộn hơn để đỡ nát, tôi háu ăn nên bỏ qua tình tiết này
- Cuối cùng là vắt nước cốt chanh vô phần moi biển rang để bên, rồi chỗ moi ngấm vị chanh chua đó được trộn tiếp với hỗn hợp bánh tráng - xoài - rau

Thế là xong!

(4)

Ở Mỹ tôi ỷ lại việc có keo sa tế bự nhà làm thì thường là quá tay sa tế, làm cho phần bánh tráng trộn thường nặng nề dầu mỡ. Thêm nữa, bánh đa mua xứ người không ngon như bánh mua ở nhà mình.

Đĩa bánh tráng trộn hôm nay đối với tôi thực hảo hảo vừa ý.

Tôi thích sự kết hợp hài hoà này: giòn chua dịu của xoài, mềm dẻo thoáng ngậy và cay của bánh đa, moi biển khô như ẩn như hiện trêu chọc đầu lưỡi với cấp vị riêng rất khó tả, và nhất là rau gia vị từ răm qua mùi tới thơm Láng. 

Nói là bánh tráng trộn nhưng rốt cuộc nếu ai hỏi đâu là thành phần chính trên đĩa thì tôi thực lúng túng không biết chỉ đâu đây :-)))



cà chua, giá đỗ, cần tây - tô canh chua chào hè

(1)

Không tính chút vụn thịt ba chỉ luộc được tôi lợi dụng để phi thơm quếnh quáng hành tỏi thì món canh này đúng là chay và thanh :-)))

Tôi khoái chí vụ 2 tuần xơi cơm cách ly tập trung lắm, vì mỗi bữa ngó canh đi kèm hộp cơm là một lần tôi lại rì rào xúc động, "ra trại" dứt khoát mình sẽ "trả thù đời", nấu một tô canh "nâng cấp" phiên bản gốc cho thật ra trò!

Món canh ở Bình Dương lõng bõng dấu vết cà chua và cần tây "ta". Nước có vị ngọt của xương ninh, và có thể là cả rất nhiều mỳ chính nữa. Tôi không nhớ là có giá đỗ hay không nữa.

(2)

Chuẩn bị cho tô canh bự bữa trưa solo tự cách ly hôm nay, tôi có:

- hai trái cà chua nhỏ, bỏ núm, bỏ lõi ruột, bổ cau một trái 6 phần
- nửa củ hành tây nhỏ cỡ quả trứng vịt, thái lát mỏng theo chiều dọc
- mấy cọng cần tây "ta", xắt đoạn chừng 3-4cm 
- một nắm giá đỗ - chừng đầy bát con đựng cơm
- hành tươi thái nhỏ
- 1 tép tỏi và 1 củ hành hương nhỏ, thái lát mỏng
- tạo mặn là bột gia vị cùng một hai giọt mắm cốt
- tạo chua là dấm nho trắng Maille
- thay vì dùng xíu dầu ăn để phi thơm hành tỏi, tôi dùng phần đầu mẩu của miếng ba rọi luộc thái  thành các vụn nhỏ xáo xào lấy chút ngậy làm thơm hành tỏi

(3)

Nguyên liệu đã chuẩn bị xong, nấu mau mau mất vài phút là có tô canh tươi sắc và thanh mát đón cái nóng báo hiệu hè sắp về!

- Nồi làm nóng, đảo vụn thịt ba chỉ cùng hành tỏi sao cho dậy thơm
- Cho tiếp cà chua vào xào, chêm bột gia vị cùng một hai giọt mắm cốt
- Tuỳ ý thích cà chua mềm hay nguyên miếng thì lựa thời gian cho lượng nước vừa đủ tô canh vô nồi
- Canh sôi thì chêm chút dấm kiếm chua và cho đồng thời cần tây "ta" và hành tây vào nồi, đợi 1-2 phút thì cho giá đỗ cùng hành hoa thái nhỏ vào nồi và liền tay tắt bếp

Vừa là vấn đề sở thích mềm chắc cũng như đậm lạt rau gia vị - ở đây là cần tây "ta" - mà có thể tính toán đun canh dài hay ngắn thời gian hơn ở mỗi công đoạn.

Với tôi làm món như miêu tả ở trên là vừa đủ thích hợp. Giá đỗ không bị mềm nát, vẫn còn nguyên vị giòn giòn và tươi mát tự nhiên. Hành tây đảm bảo vừa ngọt mà lại không mất đi hoàn toàn cái vị thoang thoảng hăng đặc trưng. Cần tây không ở lâu trong nước canh nóng nên không phát tác vị đậm gắt của nó, vừa đủ đảm bảo tạo nét thơm riêng cho tô canh.

Nếu có me hay dứa thì tôi sẽ không phải vời đến dấm. Dù thế nào, dấm nho cho vô nồi canh thực rất ổn. Nước canh ngọt, mát, chua dịu, làm vui cái miệng, cái dạ lẫn cái tinh thần!

nguyên liệu cho một tô canh - cà chua, giá đỗ, cần tây "ta" +

nguyên liệu nấu canh: đã thái, đã xắt

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

dọn nhà - ngoài hiên căn hộ có gì

cây đinh lăng phong thuỷ của tôi
đang hao hao gầy giờ muốn thành mũm mĩm
Đám cây được em S. chăm sóc chu đáo, xem ra tôi chẳng có gì để phàn nàn. Nhưng còn lại, hiên tầng dưới thực là một đống hỗn tạp.

Tôi thấy hai áo đi mưa, một cái khô ráo sạch sẽ bị gấp ẩu tả, cái còn lại nhìn thoáng tưởng ổn, ngó gần hoá ra phần mũ trùm đầu còn ướt nhép. Cái đầu được gấp lại gọn ghẽ, cái sau cho vô thùng rác chờ chuyển đi.

Tôi lại thấy một miếng lớn nylon loại tốt, nhìn thật kỹ thì ra là màng bọc cho xe đạp Bianchi của lão Tiên sinh khi xe được chuyển sang Việt Nam hai năm trước. Tôi ngồi im, suy nghĩ tại sao mình lại giữ tấm bọc này. Sau chừng năm phút tập trung thì từ phi thường nghiêm túc tôi hoá thành con dở, cười ha ha trong dạ, chắc là mình định cắt nhỏ để làm miếng bao phủ đồ này vật nọ. Giờ tấm nylon đó được vo viên thành một quả cầu sáng lấp lánh dưới ánh đèn vàng.

Tiên sinh uống rượu nhưng không chịu vứt bỏ vỏ chai. Ông lão rất khoái chí vụ tích nước làm thành một dãy chai để có thể bất cứ lúc nào cũng tiện tay tưới cây. Vấn đề là có hơn chục chậu cây mà có tới gần hai chục chai nước, lại chưa tính cả hơn chục cái vỏ khác nằm lăn lóc rỗng không ngoài hiên nhà, thì đúng là ở đây chúng tôi có vấn đề to cả về tâm lý lẫn hình lý. Hôm nay, tôi bỏ đi lượt thứ nhất. Nói là lượt thứ nhất vì liền lúc vứt cả chỗ vỏ chai rượu đó đi đối với tôi là quá tải.

Nhiều món đồ nhỏ được tháo dỡ lớp bọc bảo vệ. Nhiều món khác được lau chùi sạch sẽ sau khi bị vứt lăn lóc dưới gầm thang hay ngoài hiên nhà. Vài món khác được sửa chữa.

Hôm nay giá treo tấm vải chàm đã được thay dây mới, là dây thép thay cho sợi nylon dzởm dzít chả biết đứt từ lúc nảo lúc nao mà hậu quả là một góc miếng gỗ nhỏ gá liền cái giá đã bị tróc mảng, làm mất đi tính nguyên bản và nguyên vẹn của cái giá có gốc gác từ nhà của một bác người Hmong nào đó. 

Thời đại dịch, việc dùng cồn khô rửa tay thành thường trực. Tôi lấy kệ nhỏ mua từ YNot năm kia đặt dưới tấm gương ngay cạnh cửa ra vào, đặt lên đó giá tre nhỏ hôm nay vừa vặn được buộc mấy lần chỉ cố định chân đỡ để làm cái đựng lọ cồn khô cùng lọ lotion nhỏ giúp làm mềm da. Lại thêm bát gáo dừa đựng mấy túi khăn cồn lau tay và giấy khô, sẵn sàng nhặt mang theo người khi rời nhà.

Kệ YNot đó nhắc tôi nhớ Anh K., người đã ra đi bất ngờ tầm tháng 9 năm ngoái. Khi đó, TL gọi điện và kể lại chuyện vô tình coi facebook thì biết tin. Không rõ cửa tiệm giờ thế nào. Chúng tôi không mua nhiều đồ ở đó, nếu có chủ yếu là đồ đồng, nhưng qua lại thì khá thường xuyên. Mọi người từ ông chủ đến bạn nhỏ bán hàng và mấy bác thợ, ai nấy đều dễ mến. Ở Hà Nội giờ không còn nhiều cửa tiệm cho tôi cảm giác thân quen và ấm áp như thế.

Cây đinh lăng phong thuỷ yêu quý của tôi dài loằng ngoằng, hai cành lớn oặt ẹo. Tôi tiếc lắm nhưng vẫn phải tay kéo mồm lẩm bẩm nói lời xin lỗi cái cây rồi cắt phăng hai bạn cành lớn đó. Cây dài giờ hoá thành cây tròn, coi rất ngộ. Lúc nói chuyện điện thoại với Mẹ, tôi than phiền vụ chặt tỉa này. Bà cụ già bảo với thời tiết này thì đừng mong cây cỏ khoẻ khoắn, đủ nắng vững chắc vươn lên. Nghe lời Mẹ, coi như con gái bớt được chút phần áy náy với cái cây.

Tôi chậm rãi làm quen với căn hộ. Việc này không dễ vì thực thì tôi ỷ lại quá nhiều vào thói quen, vào tình cảm luyến thuộc với cái phòng gỗ - ổ heo quen thuộc của mình. Thêm nữa là căn hộ mang trong mình nó cả một đống vấn đề cần giải quyết: từ những mảng tường ẩm loang lổ ngoài hiên, các mặt gỗ dzởm lót sàn xấu mù cần thay tới mấy đường ống chưa được xử lý cho mùi hôi hôi vô cùng khó chịu. 

Ơn Trời, với công cuộc dọn dẹp rón rén từng bước một thế này coi như tôi thêm một chút tương tác, một chút gần gũi hơn với không gian sống kỳ lạ này.

buộc chỉ cố định lại chân cho giá tre nhỏ
ngàn vạn lần tôi nói, bỏ đi cho đỡ rác nhà
giờ bạn ý lại hữu ích rồi :-)))

thay dây cho giá treo tấm vải chàm

kệ nhỏ YNot trước đỡ cây giờ có nhiệm vụ mới

ˆgiấy khô, giấy cồn, cồn rửa tay, lotion dưỡng ẩm - luôn sẵn sàng

giá tre lồng giỏ cói = thùng rác nhỏ di động

moi biển khô rang mỡ hành

moi biển khô rang mỡ hành
(1)

Tiêu đề là vậy, nhưng phải nói rõ ngay là mỡ hành ở đây chỉ có hành vẫn cứ là hành, còn mỡ thực là dầu ăn - dầu thực vật. 

Tôi không phải là người cuồng bài-mỡ và vẫn tin rằng với một số món nấu - từ canh qua xào, nếu dùng mỡ thì thực là thơm hơn, ngon hơn, đậm đà hơn. Moi biển khô rang mỡ hành nếu có mỡ thay vì dầu, đảm bảo vị cũng hảo hảo ngậy và thơm hơn.

Không có bạn mỡ này, tên món tôi vẫn cứ gọi nguyên vậy, như là một sự nhắc nhớ, như là một sự nhấn mạnh. Vậy đi!

(2)

Món làm cực đơn giản. Và ra bữa thì thực lại cơm, được cơm hay như có người còn nói trực tiếp hơn là tốn cơm- tức là kẻ ngồi bên mâm sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn, nhỉnh hơn phần cơm đơm bát so với ngày thường. Vì cái sự ngon miệng, khéo đưa đẩy của phần thức ăn mặn là moi biển khô rang mỡ hành.

- Moi được rửa mau tay tẩy sạn, cho ra vá lọc để chừng dăm bảy phút, vừa là để moi ráo nước, vừa là để trong mấy phút đó moi tiếp tục tự làm mềm
- Hành hương một củ nhỏ thái lát mỏng
- Hành lá cả phần thân củ trắng lẫn lá xanh thái nhỏ - chỗ này nói thêm là tuỳ sở thích, có người thái nhỏ nhưng cũng có người xắt đoạn dài chừng một đầu đốt ngón tay, làm vậy có lẽ coi đẹp mắt và vị lá hành trong miệng cũng nhiều phần rõ rệt hơn chăng :-)
- Muối hay bột gia vị 
- Ớt tươi một trái, cầu kỳ thì bỏ hạt, còn lười thì chỉ bỏ đầu đuôi rồi thái lát nhỏ
- Đường (optional) - bạn này tôi bỏ qua
- Mắm (optional) - tôi không dùng vì chỉ làm một phần nhỏ thức ăn mặn, nhưng nếu rang mẻ lớn thì có lẽ là tôi sẽ phải cậy nhờ đôi ba giọt mắm cốt cũng như xíu đường hảo ngọt
- Tiêu xay (optional)
- Nước (optional) - tuỳ độ mềm của moi, mức nhiệt của bếp và mẻ rang nhiều ít ra sao
- Và lẽ dĩ nhiên là cần dầu ăn rồi

Bắc chảo đợi nóng thì cho dầu vô rồi phi thơm hành hương. Chú ý để lửa vừa và phi hành vừa dậy thơm, tức là hành hãy còn mềm. Sau đó cho tép vào và rang.

Trong quá trình rang thong thả chêm muối/bột gia vị và cũng canh chừng nếu moi có dấu hiệu khô thì có thể bổ túc chút nước để đảm bảo mềm, mọng.

Chừng đôi ba phút trước khi tắt bếp bắc chảo thì cho tiếp ớt và hành tươi.

Thế là xong!

(3)

Moi biển rang mỡ hành như là phần thức ăn mặn trong mâm cơm sẽ rất hạp với mấy món rau luộc/hấp hay canh rau suông và/hay thanh nhẹ: rau muống luộc, bầu bí luộc hay nấu canh với miếng gừng đập dập, canh rau láo nháo đầu tôm...

Thêm nữa, đây cũng là bạn đồng hành tuyệt hảo cho một phần cơm leftovers - gọi tên vậy cho vui vui cái lỗ nhĩ chứ thực chính là cơm nguội rang chay rồi cơm còn đang nóng cứ thế vui vui đánh chén với bạn moi biển rang mỡ hành này. 

Và một chi tiết nữa tôi không quên ghi lại ở đây. Moi biển rang khô mỡ hành phiên bản gốc chân thực và giản dị cả ở đường nấu lẫn đường ăn là vậy. Nhưng còn một cách nấu và ăn khác khá là thú vị, đó là nương chút vị chua, trực tiếp trong quá trình rang hay sau này bổ túc cho đĩa moi đã bày ra mâm.

Khi rang moi, có thể thêm mấy lát sấu thái mỏng hay muỗm thái sợi. Hoặc giả, trước lúc ăn cơm thì kiếm chút nước cốt chanh hay nước trái quất [tắc] rưới lên đĩa moi và đảo một lượt. Chú ý là ăn bao nhiêu thì dùng chua bấy nhiêu, cho vừa vặn một bữa chứ không để dư thức ăn sang bữa sau.

* Lần làm món này, tôi chẳng có cơm nhưng đời vẫn phơi phới tươi với bát cháo hoa nấu đặc. Ơ vậy là có thêm một gợi ý moi biển khô rang mỡ hành ăn cùng cháo trắng này 😃

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

tea pet - đồ chơi bàn trà

cá nhỏ - tea pet
Tôi thích nhìn chúng, các món gốm hay đá nhỏ trang trí cho khay trà/bàn trà. Cả vạn lần nhìn ngắm, cả vạn lần tôi thành công trong việc nhắc nhủ bản thân, chớ mua chớ mua.

Tối hôm kia, khi dọn một trong số các hộp đồ chưa được khui dỡ, tôi thấy con cá nhỏ mua bên Bát Tràng nhiều năm trước.

Có nó ngần ấy thời gian, giờ tôi mới nhìn ra ở phần đáy ghi tên người làm, trùng tên trùng họ với tôi, chữ thẳng chắc mạch lạc.

Con cá trước đây thường được bày trên mấy tủ gỗ Đông Dương, có lúc lại là trên bàn làm việc với vai trò cái giá cắm bút.

Giờ tôi gọi nó là tea pet của tôi, cho một khay trà chẳng ấm chẳng tách mà là nhõn hai cốc Bodum một để uống, một để đựng túi lọc trà lài sặc mùi công nghiệp.

trà lài túi lọc cũng có bạn đồng hành tea pet

canh bầu nấu moi biển khô

canh bầu nấu moi biển khô
coi bộ nhạt nhoà nhưng ăn ngọt lừ
(1)

Râu tôm nấu với ruột bầu...

Thi thoảng nghĩ về câu này, với cả vế sau quen thuộc của nó, tôi ngộ ra là ngoài cái ý tình vợ tình chồng thì hiểu toạch nghĩa đen cũng có lý, dù là cái lý mang tư vị nhà nghèo :-)

Râu tôm hay nói chính xác là phần đầu tôm cắt vát cho cối giã sau đó lọc rồi nấu lên sẽ được phần nước ngọt lừ - nếu có kha khá râu/đầu tôm - cùng chút phần cái kết tụ cũng ngọt lừ. Bầu non ăn liền cả ruột không phải là chuyện hiếm lạ. Thế nên râu tôm nấu với ruột bầu, chẳng cần có một lão chồng cùng một mụ vợ, canh nấu lên ai không khó tính hay cảnh vẻ đều xơi được.

(2)

Rau cỏ TL chuẩn bị cho tôi để tự cách ly ở căn hộ có hai trái bầu dài ngoẵng, gầy hơn cả hoa hậu hoàn vũ. TL bảo, em thấy còn bột cá Nhật, nếu không luộc thì nấu canh suông với bột cá.

Ý đó không tệ. Nhưng tôi còn có ý hay hơn: nấu canh bầu với moi biển khô, tại sao không.

(3)

Bầu thái miếng như ý, dày mỏng to nhỏ tuỳ mỗi người, quan trọng là đều.

Moi khô rửa qua một lượt tẩy sạn rồi để ráo chừng dăm bảy phút, đảm bảo moi tiếp tục mềm.

Nồi nấu canh đong lượng nước như ý, một củ hành hương nhỏ thái lát thả vô cùng với lượng moi tính khéo đủ ngọt canh. Đun tới sôi bùng thì thả bầu vô, chêm thêm chút xíu bột gia vị, nếu thích thì cho thêm bột cá Nhật tăng mức đậm đà.

Nồi sôi trở lại thì tắt bếp liền tay. Hành tươi đã thái nhỏ giờ cho vô. Đậy nắp nồi chờ 1-2 phút thì có thể múc canh ra bát.

Bầu sôi trong nồi thực mới chỉ là chạm ngưỡng chín, nếu ăn liền thì sẽ có cảm giác sượng ép. Nhưng chỉ thêm 1-2 phút đậy vung thần kỳ kia, rồi sau đó là canh bầu nguội từ từ trong tô, các miếng bầu có ngọt, có mềm mà vẫn đảm bảo chút phần đanh chắc. 

Nước canh hưởng vị ngọt của moi biển khô, hóng chút thơm ngọt của cả hành khô lẫn hành tươi, húp chơi không cũng đủ mỹ mãn. 

hai trái bầu cho công cuộc tự cách ly
chúng em hao gầy nhưng lợi hại: đủ 4 bữa solo

moi biển khô chờ rửa
đủ nấu một tô canh và một đĩa moi rang mỡ hành

dưa góp làm mau xơi liền - với giá đỗ và dưa leo

dưa góp từ giá đỗ và dưa leo
(1)

Món này bình thường ở nhà Hà Nội chúng tôi hiếm khi làm. Giá đỗ ăn sống thường là trong rổ rau ghém kèm canh riêu cua cá nấu chua, hoặc có khi là điểm danh gọi là trong phần rau sống ăn kèm mấy món bún chả, bún nem. Còn dưa leo đứng một mình ta với ta đã đủ để làm mấy món muối xổi này nọ rồi. 

Dưa góp từ giá đỗ với dưa leo đậm chua vị dấm gạo với hăng hăng cay cay từ tỏi và ớt bằm cùng ngọt của đường tôi đã từng ăn qua thì đều là trong hoàn cảnh ăn cơm bên ngoài. Và về căn bản, đối với tôi, món dưa góp này có cũng như không.

Lần này túi giá đỗ có trong tay là để góp vui cho tiết mục miến lươn mà TL đã chu đáo chuẩn bị sẵn cho tôi ở căn hộ. Túi rau coi nhỏ, mở ra thì hoá lại thành nhiều. Tôi tính toán hồi, mình có dưa leo, lại có tỏi, lại có trái ớt tươi, ờ thì mần một phần dưa góp làm mau xơi liền.

(2)

- Giá đỗ đầy một bát nhỏ ăn cơm, rửa sạch, làm ráo
- Dưa leo, giống dưa nếp giòn và mọng mị nhưng lõi hạt cũng kha khá, được bỏ gần hết phần vỏ cứng đi - hoặc giả thích thì để lại vài đường trang trí, chẻ dọc đôi trái rồi nạo bỏ ruột, sau đó thái lát chéo tương đối dày - cỡ chừng 1cm
- Tỏi 2-3 tép lột vỏ lớp áo, đập dập
- Ớt một trái thái lát mỏng
- Dấm vang nho trắng Maille chua dịu và đặc biệt thơm chừng non thìa súp
- Muối tinh bếp căn hộ không còn, tôi dùng bột canh Hải Châu chừng một thìa cafe
- Rau thơm gia vị để trộn đĩa dưa góp thành phẩm có hành tươi cả phần thân củ trắng lẫn lá xanh chẻ sợi, mùi và thơm Láng thái rối

(3)

Nguyên liệu là vậy. Trộn món mau. Riêng thời gian đợi dưa ngấm là từ 30 phút đến một giờ đồng hồ.

- Xóc dưa leo với bột gia vị, đợi sau 5 phút thì trộn tiếp giá đỗ với dấm, tỏi và ớt, xóc nhẹ đều tay, bọc màng nylon thố trộn và để sang bên từ 30 phút đến một giờ
- Đến giờ ăn, tháo bỏ màng bọc, đi găng tay chế biến thức ăn bóp nhẹ một lượt hỗn hợp dưa - giá với phần hành tươi chẻ sợi, sau đó vẫn nhẹ tay vắt ráo bỏ dưa - giá - hành sang tô hay thố khác
- Trộn tiếp với hỗn hợp mùi và thơm Láng thái rối rồi bày ra đĩa

Giá đỗ giòn, ngọt, thanh mát, thoang thoảng vị chua của dấm. Dưa leo chắc giòn vừa đáo đậm muối. Hành tươi vẫn còn rõ vị hăng nhưng khi ở cạnh giá đỗ và dưa leo thì bao nhiêu hăng đó xem ra đã được làm dịu đi nhiều. Và hai bạn rau gia vị mùi cùng thơm kia không chỉ làm tăng thêm phần hương sắc cho đĩa dưa góp mà còn làm món rau trộn càng thêm thanh thêm mát.

Dưa góp giá đỗ - dưa leo ăn ngoài hàng rõ vị ngọt của đường và chua dấm gạo có chút gắt gỏng. Tôi chịu ảnh hưởng của bạn đánh chén cả năm qua nên bỏ qua ngọt đường. Còn về dấm, Maille quả là tuyệt vời! Thêm nữa, cũng phải nhắc tới bạn tỏi ta mang lớp áo ngả tía với vị thơm đậm thực giúp đào sâu tầng vị giác của đĩa dưa ghép bày ra bàn ăn.

maccaca durian coffee - cà phê sầu riêng với hạt mắc ca

cà phê sầu riêng với hạt mắc ca
hàng Việt Nam yêu nước :-)
(1)

Mấy năm trước, nhân Chị TM ra Hà Nội có việc, tôi ghé qua chào hỏi. Lúc về được Chị cho mấy gói cafe vị sầu riêng hiệu My Cafe.

Uống hết chỗ quà cafe đó, tôi bắt đầu công cuộc tìm kiếm. Tôi nhớ mang máng là phải đặt mua từ Sài Gòn. Tính tôi lười, lại chẳng có công nghệ cao công nghệ thấp gì nên bỏ.

Sau có bữa nhìn thấy ở Lotte có cafe vị sầu riêng sản phẩm thương hiệu Việt, mua chơi một hai hộp, tôi thấy không tệ nhưng dù thế nào vẫn cứ là thua đứt bạn My Cafe đậm đà kia.

(2)

Ngồi ở khu cách ly tập trung, con giời rảnh rỗi bắt đầu nghĩ đến chuyện chuẩn bị đồ cho tự cách ly ở Hà Nội

Tôi nghĩ ra đủ trò, từ baking soda cứ nhất thiết phải là của nhà Bob Red Mill đến chao đỏ Hongkong và Đài Loan, rồi gia vị bếp Tứ Xuyên, rồi rượu nấu và dấm đen Trung Quốc... cho tới cafe vị sầu riêng vẫn nhớ nhung từ cái ngày xa lí lắc kia.

Gõ cửa nhà bác gúc-gù, à hoá ra mấy năm nay mình bé cái nhầm. Cafe này là sản phẩm của Mã-lai chứ không phải từ xứ Thái. Và muốn đặt mua về căn bản vẫn cứ là từ Sài Gòn.

Sau hồi điên điên phấn khích với cái mạng nhện, tôi chỉ nhờ TL tìm đúng baking soda. Những ý tưởng còn lại đều dẹp hết.

(3)

Ấy thế mà hay. Giờ tôi có một hộp cafe vị sầu riêng này!

Không phải My Cafe nhưng đích thực ngon không kém cạnh. Sản phẩm Việt Nam, có lòng thòng thêm vị mắc-ca theo như ghi trên bao bì.

Tôi chưa bao giờ theo mấy trào lưu hạt này bột nọ thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng nên mấy sự thêm thắt này thực chẳng có nghĩa lý gì cả. Bỏ qua chuyện đó, món uống này xem ra rất vui vẻ, rất được. 

Tất nhiên là ấn tượng đầu tiên về phần cafe vị sầu riêng lần đầu tiên nếm và uống bao giờ cũng là to nhất, sâu nhất, nổi bật nhất.

Nhưng trong khi chờ đợi một ngày vui tính đặt cho mình một bịch My Cafe thì cái hộp xanh quốc nội này đối với tôi hẳn là một lựa chọn không tồi :-)

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

một bữa no - ngu ngốc không có tuổi

(1)

Đầu tiên là nhớ vài chuyện cũ mảnh đoạn.

Nếu tôi không nhầm thì các nhân vật ăn no, no tới nghẹn tức chết là của Nam Cao, và cái món khiến người ta no chết mất là bánh đúc - không phải bánh đúc thịt chan nước chấm và ăn kèm với rau thơm gia vị mà là bánh đúc lạc - đổ thành tấm trên cái mẹt lớn, đợi nguội thì cắt hay bẻ miếng, có thể là chấm tương hoặc chan canh riêu cua làm thành món quà ăn chơi vui vui cái miệng.

Tôi lại nhớ chuyện cách đây nhiều năm, buổi tối ngồi taxi chạy dọc đường Láng dài hun hút, cậu chàng lái xe vui tính nhân chuyện chúng tôi ngồi xe vừa "uýnh" xong một bữa hoành tráng cơm khách ở khu nhà giàu Park Hill đầu kia thành phố và đang tám chuyện ầm ĩ về cái sự ăn quá đà thì thành bội thực thì cũng hóng hớt góp lời. Cậu kể biết chuyện hai chú bộ đội - lính nghĩa vụ chứ không phải chuyên nghiệp. Hai chú này ngày ra quân mang tâm trạng của kẻ đói khát được sổ lồng rủ nhau đi ăn vịt luộc vịt quay, ăn nhiều quá hoá đà, đến mức một chú được chuyển thẳng tới phòng cấp cứu.

(2)

Tôi không đến mức vì đói mà hoá thành tham, tham ăn.

Nhưng tôi có tính xấu là ham ăn quên cỡ bao tử cũng như quên tình trạng cái túi mật của mình. 

Thêm nữa là thói ki-bo cố hữu, nhiều khi món còn dư chút trên đĩa bát thì cố. Mà cố ăn cho hết vì để dư thừa thì phải tội nên rất dễ hoá thành cận-quá-cố với cái màn bi thống ôm và xoa bụng trống cơm, lẩm bẩm, lầm rầm xin lỗi cái túi mật. 

(3)

Cho ngày Chủ nhật cuối tuần, TL hỏi tôi muốn món gì đặc biệt. Tôi bảo, gì cũng được. Câu tiếp theo tôi nghe được là để nấu cho chị món ngon.

Trưa Chủ nhật, TL gọi điện hỏi tôi thích cháo ngao hay cháo sò huyết. Tôi lại bảo, gì cũng được. Câu tiếp theo tôi nghe được là phải đợi cho bữa tối. Lý do là có cậu em họ bên nhà Ngoại đợt này ở miền Nam ra và ghé qua nhà nói chuyện lâu nên quá thời gian chuẩn bị bữa trưa.

Buổi tối TL qua căn hộ, để trước cửa túi lớn túi nhỏ với rất nhiều hoa quả, một hộp cháo trắng và đặc biệt là bình giữ nhiệt cho món cháo hải sản. Tôi trêu đùa, có dám vào nhà không. Câu trả lời tôi nhận được là đã cách ly thì phải cách ly nghiêm túc.

Khoảng cách 6 feet được đảm bảo, cả tôi và TL ai nấy đều đeo khẩu trang. Nói xong câu đó thì cô em giơ tay ra hiệu chào tạm biệt. Còn lại tôi với cháo, bưởi, cam và xoài. Tha hồ đánh chén.

(4)

Cháo TL làm cho tôi là cháo sò huyết. Đã lâu không ăn bạn này, tôi thực thà quên béng mất là sò huyết bổ, rất bổ.

Tôi cũng không để ý là cháo lần này phần sò huyết quả có nhiều. 

Mọi chú tâm của tôi tối qua chỉ là phần cháo này ăn một bữa thì nhiều, mà hai bữa thì thiếu.

Kết quả là loay hoay trong buổi tối, con giời xơi sạch cái hộp cháo kia.

Và tối muộn cùng buổi đầu của đêm trong nhà có kẻ đi đi lại lại xoa xoa cái bụng, vừa đi vừa xoa vừa tự sỉ vả, sao mình ngu ngốc thế!

(5)

Sáng nay tôi kể chuyện này cho Tiên sinh. Xong rồi nói sang vài chuyện khác.

Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, tôi không quên khoe khoang giờ trong nhà có rất nhiều hoa quả, sẽ tha hồ mà bổ sung vitamin.

Ông lão chẳng rõ là vô tư chân tình hay xỏ xiên, nghiêm túc dặn dò, nhớ giữ chừng mực😀

đây từ từ bổ sung vitamin :-)
cốc nước cam tự mình làm cho mình

tàu hũ chiên rưới nước tương nam dương

tàu hũ chiên rưới nước tương Nam Dương
kèm rau răm và ớt cay
(1)

Hộp đậu phụ nhãn mác lần đầu tôi thấy với cái hình nhìn như miếng đậu lăn qua bột chiên giòn ngoài trong mềm. Tôi đoán vậy còn thực thế nào phải hỏi ông phó nháy và bà làm ra miếng đậu chiên đó. Dù thế nào, vỏ hộp đã ghi tàu hũ chiên thì tôi sẽ làm món đậu phụ rán/chiên.

Nửa bìa đậu được cắt miếng mỏng, thấm giấy bếp cho ráo nước rồi rán trong chảo inox. Đã lâu tôi không dùng chảo loại này, lại thêm vụ đánh vật với cái bếp điện nên công cuộc rán/chiên đậu của tôi có chút khó khăn. May là các miếng đậu thành phẩm không đến nỗi tan nát, chúng vẫn miếng này ra miếng nọ nghiêm chỉnh, đàng hoàng. 

Và có lẽ do bị cắt quá mỏng nên phần giòn vỏ thì rõ nhưng mềm ruột chẳng còn mấy ruột để mềm. Cái này, tôi tự nhủ, lần làm sau sẽ rút kinh nghiệm :-)

(2)

Món có thể coi là chay - chay toàn tập!

Đậu chiên xong được thấm qua giấy bếp cho bớt dầu mỡ rồi đặt vô đĩa. Nước tương Nam Dương đậm đặc rưới một vòng, nhiều ít là do sở thích mỗi người - mồm miệng ưa đậm nhạt ra sao, hay có khi là do yêu cầu tính nhã nữa, sau đó thêm đôi ba lát ớt thái mỏng.

Sau đôi ba phút, nhẹ tay lật một lượt các miếng đậu, đảm bảo nước tương ôm ấp trọn vẹn đám bạn đồng hành của chúng. Thêm mấy lá răm bày lên. Thế là xong phần bày món.

(3)

Đậu phụ giòn, gặp nước tương đậm đà ngọt ngào, có thoảng cay của ớt, có hăng và thơm đặc trưng của rau răm.

Món này tôi ăn vã chơi chơi với nhiều thích thú.

Tôi cũng nghĩ, trong mâm cơm bên cạnh hai món canh và mặn có thêm bạn tàu hũ chiên chấm nước tương vị răm này như là trung gian kết nối cũng không phải là một ý tệ!

tàu hũ nhãn mới lần đầu chế biến

làm ráo các miếng đậu trước khi chiên

cháo thịt bằm kim chỉ củ cải

nguyên bản cháo trắng - kim chi củ cải
tuỳ ý thêm thịt bằm rang khô, hành rau gia vị
(1)

Bữa tối hôm qua của tôi. Một sự kết hợp kỳ lạ, ngẫu hứng. Và kết quả tính ra không phải là quá tệ!

Cháo trắng/cháo hoa được nấu/ninh trong gần một giờ đồng hồ.

Thịt bằm rang khô TL làm sẵn cho tôi, chỉ chừng 5 phút cuối cùng tôi mới cho vô nồi cháo, vừa xinh thịt mềm và đem lại chút ngọt cho cháo trắng.

Kim chỉ củ cải hiệu Cô Hường, tôi rất muốn làm người khiêm tốn nhưng chủ quan mà nói tôi thích kim chi củ cải do chính tay mình làm hơn - từ củ cải giống Hàn Quốc xin từ Bắc Ninh. Các miếng kim chi có giòn đấy nhưng thiếu cái phần đanh chắc như tôi hình dung, thêm nữa là có chút phần thiếu đậm muối đối với cái miệng chưa quen ăn lạt của tôi. Nhưng nói gì thì nói, có hơn không hì :-)

Rau gia vị thêm thắt có một hai cọng hành được thái nhỏ cả phần thân củ trắng lẫn lá xanh. Lại thêm mấy cọng mùi và thơm Láng, cũng được thái nhỏ.

(2)

TL chuẩn bị cho tôi nguyên liệu đã chế biến sẵn cho phở bò và miến lươn, bên cạnh rau củ và thịt cá xếp sẵn trong tủ mát và tủ đông. 

Sau hai ngày tôi tự bảo, thế là đủ. Giờ là lúc ăn cháo hoa, cháo trắng. Cho nó thanh!

Bếp ở căn hộ là bếp điện, tôi dùng chưa quen, lại cộng thêm nồi nấu thấp nên lóng ngóng chỉ sợ cháo sôi bùng rồi trào ra tứ tung. May là công cuộc nấu cháo cả giờ đồng hồ cuối cùng thành công rực rỡ. Cháo mềm, ngọt như ý.

(3)

Cháo chín, tôi múc ra kha khá để dành bữa sau. Phần còn lại trong nồi tính đủ cho bữa tối cháo thịt bằm kim chi củ cải.

Lửa để trung bình, cho thịt vào đun thêm 5 phút. Sau đó cho hành vào đảo nhẹ tay một lượt và tắt bếp. 

Cháo múc ra bát, điểm thêm chút rau gia vị mùi - thơm, thêm mấy miếng kim chi.

Tôi háu ăn nên bát cháo nóng cứ thế mà tấn công. Còn thực đợi cháo nguội chút, chỉ còn âm ấm, hẳn là sẽ thú vị hơn.

Còn nếu là cháo hoa/cháo trắng thuần tuý ăn với kim chi củ cải, không có hành mùi thơm chi chi, tôi thậm chí còn thích ăn cháo nguội hẳn. Vị ngọt của cháo và đậm đà của kim chi, một kết hợp giản dị mà ngon!

vo gạo đợi ráo 15-20 phút

một giờ ninh cháo
làm quen với bếp điện trong căn hộ

bữa tối solo - tự cách ly ở Hà Nội
ngay ngắn hơn cơm hộp cách ly Bình Dương :-)))

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2021

dọn nhà - hà nội qua ô cửa sổ

hong giá tre
(1)

Tối hôm về căn hộ, vừa đóng xong cửa việc tôi làm đầu tiên là mở cửa hiên và cửa sổ bếp để kiếm chút thoáng cho nhà. Ngoài một biển ánh sáng trong tầm mắt, tôi còn được hưởng quà âm thanh thành phố lúc tối muộn là những tràng "dzô  dzô" từ dưới quán nhậu trong khuôn viên của toà nhà vọng lên.

Hai ngày ở yên trong nhà, mỗi khi nhìn qua các cửa sổ trong thời gian của ngày, tôi thuỷ chung chỉ thấy một sắc xám với không ít mù mịt. Nếu để cửa hiên hay cửa sổ bếp hé chút thì âm thanh của ngày không chỉ là tiếng xe, tiếng còi mà còn có thêm bọn gà gáy ầm ĩ.

Thật khác xa sự yên ắng của thành phố biển, nơi âm thanh nổi bật nhất của cả một năm qua đối với tôi là tiếng của lũ chim, nơi phần lớn thời gian các ngày của năm đều ngập trong nắng với nền trời cao và xanh.

Đối với tôi mấy chuyện xấu đẹp so sánh ở đây chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng không tính đến diễn hoá tự nhiên của khí tiết thì đúng là Hà Nội ô nhiễm, nặng nề thì vẫn cứ là vậy, và tình hình hẳn sẽ chỉ có tệ hơn. 

Tôi sẽ phải học cách thích ứng với hoàn cảnh này. Không phải vì một năm xa cách kia. Mà vì cơ thể của tôi đang già đi, hai lá phổi của tôi không còn khoẻ như trước. Đi ra ngoài, cơ thể sẽ cần che chắn kỹ càng hơn. Còn ở trong nhà, tôi sẽ cần chú ý hơn đến sự di chuyển và điều hoà của các dòng khí, cả tự nhiên lẫn nhân tạo. 

(2)

Tôi không hẳn là ốm, nhưng mệt mỏi tích tụ cho tới giờ vẫn chưa tán hết. 

Thân người đau, nhức và mỏi giống như người phải cảm khiến tôi gần như chẳng làm được việc gì liền mạch. 

Mỗi khi cảm thấy người khá hơn một chút thì tôi bắt đầu dọn dẹp chút chút. Bếp của căn hộ là ưu tiên hàng đầu. 

(3)

Rất nhiều đồ ăn thức uống đã được bỏ đi, từ trà và cafe cùng bánh mứt tới tá lả các loại mỳ miến phở bún ăn liền và gia vị khô này nọ. Kha khá thùng carton và chai lọ rỗng được cho vô túi lớn tái chế và chuyển đi. Rất nhiều món đồ, vật dụng bếp được rửa ráy và lau chùi. 

Chỉ tới lúc này tôi mới thấy nhớ nắng của thành phố biển. Rổ, giá tre được cọ rửa và hong. Nhưng không có đâu niềm vui chạy tót ra hiên tràn ngập nắng để mà phơi phóng. 

Tôi để cửa sổ bếp he hé với hy vọng gió làm mau ráo khô mấy cái giá tre. Nhưng đồng thời lại có chút phiền muộn vì gió đi liền với ẩm, đem lại cảm giác nham nhám ướt ít nhiều khó chịu.

bỏ đi cafe bột và hạt

đĩa to hình con cá - sẽ làm gì với bạn này?

hai cuốn sách tìm thấy trong kệ tủ phòng làm việc

giữa giờ nghỉ ngơi, uống trà lài Phượng Hoàng
mang về từ khu cách ly - lần này cốc chuẩn :-)))

Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

sáng đầu tiên ở căn hộ - when we are old

túi lọc Tazo cuối cùng
cho sáng đầu tiên ở căn hộ
Sáng đầu tiên ở căn hộ sau một năm dài vắng mặt.

Tôi dỡ tung các gói hộp cafe, cả bột lẫn hạt, để bỏ đi.

Tôi uống trà đen pha với sữa, sữa nhiều hơn trà.

Tôi nghe Zhao Zhao - When You Are Old và nghĩ You cũng có thể là We.

Có tiếng gõ cửa, tôi mất nửa phút đồng hồ lọ mọ tìm khẩu trang đeo trước khi mở cửa và thấy cô thu tiền điện cầm tờ thông báo cắt điện. 

Cô nói, may quá, em đỡ phải cắt. Gửi cô bốn chục ngàn đồng xong, tôi nghe thêm lời nhắc, nhớ ngày 15 mỗi tháng thì nộp tiền.

Không tính anh bạn lái xe tối qua thì giao tiếp xã hội đầu tiên của tôi sau khi quay trở lại cuộc sống [ở] Hà Nội như vậy là một tờ thông báo và một khoản tiền chưa đủ mua nửa ấm trà ở sân bay Saigon 😁

cảm giác "về nhà" - căn hộ

Bình thường tôi luôn kiếm cớ để không ở căn hộ vì chỉ phòng gỗ - ổ "heo" nhà Hà Nội mới cho tôi cảm giác an toàn quen thuộc. Nhưng lần này tôi không có lựa chọn khi cần chủ động tự cách ly, nhất là với TL và các đồng nghiệp [gián tiếp] của cô em.

Căn hộ sau một năm được em S. chăm sóc chu đáo, mở cửa bước vô tức thì cho cảm giác như thể bạn đồng hành và tôi mới chỉ rời đi vài ngày trước đó. 

Cảm giác có chút lạ!

tối đầu tiên quay trở lại - giày dép nguyên đây
như thể ông lão nhà mình đang ở trên lầu lọ mọ làm gì đó

Phật Bà bảo hộ & ấm trà thừa kế từ Ông Ngoại

áo xống mũ túi giống như lão Tiên sinh
vừa kết thúc một vòng xe đạp quanh cái hồ to

góc coi tivi yêu thích của ông lão
nhưng chủ nhân ông đang ngồi đốt lò sưởi ngoài hiên nhà rừng

sáng hôm sau, thành phố mịt mù ô nhiễm
cây em S chăm sóc tốt cho hoa chào mừng

nhật ký cách ly - ngày 16: "tốt nghiệp" và chia tay

xe bus về thành phố với bác tài siêu tài :-)))
(1)

Đoàn cách ly tập trung có hơn 200 người, trừ hai bác đầu tiên dương tính và được chuyển đi điều trị tức thì, những người còn lại đồng loạt âm tính sau hai lượt xét nghiệm đầu cuối và đều được "tốt nghiệp".

Có rất nhiều thiếu thốn và cả vài điều "dở hơi" vụn vặt ở trung tâm cách ly tập trung nhưng trong hoàn cảnh Việt Nam, tôi nghĩ thật là rất tốt tử tế, từ phía "ông Nhà nước" vốn luôn là đối tượng dễ bị chê bôi bởi nhân dân "bầu" ra "ông" đến những lực lượng, đội ngũ "quản lý" và "phục vụ" trực tiếp những người về nước - quân đội, y tế, công an...

Chúng tôi có một lễ "tốt nghiệp" vui vẻ, gây xúc động trước khi trèo bus bắt đầu hành trình ra sân bay cho một chuyến bay nội địa kế tiếp, với thêm một lần khai báo y tế điện tử.

(2)

Ở sân bay, nơi trừ sự kiện ai cũng đeo khẩu trang ra và thi thoảng bắt gặp những thông báo hay nghe tiếng loa nhắc nhở tinh thần phòng ngừa covid ra thì rõ ràng là tôi chẳng còn chút cảm giác cũng như sự cảnh giác nào như khi ở Mỹ trước con virus chết tiệt này. Và cùng với các "bạn cùng phòng cách ly", tôi ngay lập tức bắt đầu công cuộc "trả thù đời" - qua hành động ăn và uống

Cô đồng hương quê Ngoại không có biểu đạt gì đặc biệt về nhu cầu ăn cái này, uống cái nọ để bù đắp cho hai tuần cơm hộp. Bọn trẻ con không nói gì nhưng mẹ của chúng đã kịp kể ra một lô xích xông những thứ chúng yêu thích, tất cả đều là đồ chiên dầu mỡ fast food. Bác gái cùng con dâu đều nói tới chuyện sẽ ăn gì, ăn ở đâu - ăn chơi bét nhè thụ hưởng sau những ngày bị hạn chế. Còn tôi, vừa mới bước vô quán trong sân bay, mắt đã hấp ha hấp háy, phở bò và cà phê sữa đá.

Chúng tôi có một bữa ngon, vui vẻ, ấm áp trước khi vô nhà ga làm thủ tục, và chờ đợi giờ vô khu kiểm tra an ninh để vào khu chờ lên tàu bay.

(3)

Gia đình miền Trung bay sớm hơn cô đồng hương quê Ngoại và tôi gần hai giờ đồng hồ. Vì thế, khi đã ngồi trong khu chờ, cả hai chúng tôi dư thừa thời gian thì thành cao hứng điên rồ, rủ rê nhau thêm một chặp phở bò và cà phê sữa đá.

Thêm với nước lạnh, cả hai đều nhăn nhó mặt mày vì bị cái dạ tẩy chay phản đối. Thật may là chúng tôi đã "sống sót" qua hành trình bay về Hà Nội

(4)

Tôi nghĩ sự khó chịu của cơ thể đó là phản ứng trước một tổng hợp những yếu tố, từ mệt mỏi tích tuỹ sau hành trình bay dài về Việt Nam, một cơ chế sinh hoạt có chút không bình thường trong không gian cách ly tập trung, kết hợp ăn và uống nóng - lạnh uýnh nhau ầm ầm, tham lam dùng nhiều ớt - trong và cho tô phở, và nhất là cafe Việt ngon đấy nhưng quá đậm, quá mạnh để làm cho mấy người không quen rơi vào tình trạng say lướt khướt.

Và điều ngớ ngẩn nhất của cái màn ôm bụng, người lạnh run bần bật trong tàu bay của tôi hôm qua là đột nhiên tôi phát hiện, thêm một lần nữa, sao mình có thể vừa điên lại vừa ngu đến mức độ đó!

Cả năm qua, tôi đã rất chú ý thương cái dạ và cái mật, tránh đồ đá lạnh, cafe khi uống ké Tiên sinh vốn đã "nhạt" hơn rất nhiều so với cafe xứ mình bao giờ tôi cũng pha cữ khiêm tốn hơn, thế nhưng chiều qua tôi lại vứt hết ra sau gáy những nhắc nhở kiêng cữ đó mà nốc liền hai ly nước nâu sữa đá đậm đà.

Về đến căn hộ, biết mình đã an toàn, tôi nhìn lại những việc mình làm trước đó ở sân bay Sài Gòn mà người vẫn rung rinh. Vì buồn cười chính cái bản thân tôi đây. Và cả vì còn dư chút cảm giác hãi hùng trước cái "tai nạn" do chính mình gây ra chống lại cơ thể mình!

(5)

Với một ngày kéo dài tại khu cách ly tập trung, cuối cùng thì tôi đã hoàn tất "khoá luyện tập" 16 ngày thời gian và chính thức "tốt nghiệp" :-)))

Tôi không còn nhỏ để hồ hởi to mồm phong cách bọn sửu nhi áo xanh, nhờ đây [cách ly] mà em đã trưởng thành.

Nhưng đúng là thật thà mà nói, tôi nghĩ mình đã "trưởng thành" thêm một chút, sau cái chương hồi hai tuần lễ đặc biệt này. 

Và những điều đọng lại, những điều tôi nhớ không phải là tầm thường vụn vặt của những thô tháo này nọ mà là sự đa dạng đáng yêu của các tính người, sự tử tế từ những người xa lạ, và cả một thái độ lạc quan và tự trọng mà tôi nhìn thấy như một nguồn cảm hứng từ vài người ngẫu nhiên tôi ngồi cạnh và trò chuyện trong khoảng thời gian này!

Rất dễ để buông toạch một câu "hành trình địa ngục" khi nói về chuyến đi vừa rồi. Và rất khó để minh bạch với bản thân vô vàn những điều đáng quý và tích cực trong chính hành trình đó. Vì bản chất con người là chê dễ hơn khen, chủ quan nhiều hơn [nỗ lực] khách quan hì!

ly cà phê sữa đá đầu tiên sau khi "ra trại"

trà ấm hương lài với một nhõn một túi lọc

tô phở bò thứ hai trong cùng một buổi chiều
to tô như cái chậu

bài học về cái sự "ngu" - ly cà phê sữa đá thứ hai
cùng nước lạnh và ớt trong phở là thủ phạm
gây ra màn tưng bừng lạnh người thống dạ trên tàu bay

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

beurre thương thầm nhớ trộm của không ít các cụ

Nguyên văn câu này là của bạn. Ảnh là bạn chụp và gửi. Và hộp bơ cũng là của bạn nốt.

Nguyên lai là chúng tôi có một lúc nào đó lảm nhảm với nhau về những món "ngoại" được "dân tộc hoá" trong các truyền thống ẩm thực khác nhau.

Tôi khoái chí với phát hiện về thái độ của người Hàn đối với Spam và người Phi-luật-tân với Campbell.

TA kể tiếp câu chuyện phiên bản Spam-Campbell Việt với bơ Bretel.

Và hôm nay, tôi có thêm một bổ sung nhỏ từ bạn:

Hôm rồi đi chợ Á, bắt gặp hộp beurre thần thánh của các cụ. Mua về ăn thử xem nó ra làm sao. Ấn tượng đầu tiên: mặn thấy bà cố luôn😜

Ngoài ra thì nó nhạt phèo phèo, chả có vị gì, hơi có kiểu ngai ngái của margarine.

Bây giờ đang nghĩ làm gì cho hết hộp beurre.

nhật ký cách ly - ngày 15: life is cruel, life is fruitful

điểm cách ly tập trung
(1)

Vế sau là tên một phim tài liệu Nhật Bản, nhân vật chính là cặp đôi hai cụ già sống trong ngôi nhà nhỏ với vườn cây trái rau cỏ trong mơ.

Vế đầu là từ câu tổng kết của bà cụ có vẻ mặt buồn buồn trong The Mole Agent, một phim tài liệu về người già khác, những ông cụ bà cụ lụ khụ sống trong một cơ sở dưỡng lão nào đó ở đất nước Nam Mỹ xa xôi - Chile. Bà cụ có mấy người con nhưng những chuyến viếng thăm của họ dành cho bà tính ra thật hiếm hoi. Câu nói hoàn chỉnh của bà, giữa các khoảng thinh lặng mắt nhìn xa xăm cạnh ông "gián điệp" thâm nhập khu dưỡng lão để làm phim là Life is cruel, after all!

(2)

Hai tuần qua, hai công thức này liên tục trở đi trở lại trong đầu tôi, như một sự ám ảnh, như một sự nhắc nhở.

Nói là ám ảnh vì sâu xa trong tôi, thực thà mà nói là tôi sợ chết khiếp cái hiện thực tôi-đang-già-đi, giờ này xem ra vẫn còn theo một tiết nhịp chậm và trong vòng kiểm soát nhưng đồng thời cũng không thể dám chắc rằng chỉ ngày mai sẽ thành đầy sức ép và tàn khốc như thế nào.

Nói là nhắc nhở là theo nghĩa gần đây càng ngày tôi càng khẩn trương trong việc xác định minh bạch hơn, sòng phẳng hơn với chính bản thân mình, rốt cuộc cuộc sống tôi muốn có có hình dạng ra sao.

(3)

Phòng cách ly sáu người trong hai tuần qua giống như một court métrage, rất chậm, nhưng rất thực, rất sống động, với đầy đủ những tầm thường lẫn tinh tế của các tính người, của các tương tác xã hội.

Tôi thấy mình vừa là diễn viên - cả chính lẫn phụ - vừa là khán giả của màn diễn xướng đó. 

Các chi tiết vụn vặt quan sát được - cả nhìn lẫn nghe, phần nhiều là không phải với chủ ý thọc mạch bao đồng mà đơn giản là do hoàn cảnh không gian cách ly hạn chế thì cứ vậy mà đập vô mắt, chui vô tai, các chuyện kể trực tiếp trong các hồi tám chuyện nhỏ to, tựu lại giúp tôi có một hình dung có chút mùi vị lẫn lộn giữa một kịch bản và một tự sự về các nhân vật trong phòng cách ly, trong đó có cả tôi - vừa quen thuộc lại vừa lạ hoắc với chính tôi!

(4)

Hai đứa trẻ. Thằng anh tự kỷ tuổi 14, chân tay dài ngoằng khẳng khiu lúc nào cũng đỏ ráp vì nó liên tục chui vào phòng vệ sinh kỳ cọ. Con em kém 4 tuổi, người chưa tới mức phổng phao thiếu nữ nhưng dài thì hẳn còn trên tầm vóc trung bình của mấy cô sinh viên năm nhất trường đại học xứ ta.

Chúng sống trong thế giới riêng của chúng. Giao tiếp nhiều nhất với người khác trong phòng cách ly, không tính đám bạn chát chít của con bé em, hẳn là bà nội, người chỉ thiếu nước xúc cơm đưa tận miệng cho chúng, người sẽ giúp con bé em gội đầu, người sẽ đứng kiên nhẫn lau khô tóc cho cả thằng anh lẫn con em. 

Hai đứa bé này thật khó có thể nói là ích kỷ hay láo toét. Ăn xong chúng biết đường bê khay cơm ra kệ bếp, bữa nhớ cho vô thùng rác, bữa quên thì đặt phịch trên mặt kệ bếp. Chúng biết đường tự lấy sữa để hút, và thường xuyên lơ đễnh quên không để bọc nylon ống hút vô thùng rác mà vứt bừa trên kệ bàn bếp hay trên mặt ghế nhựa đặt đầu giường xếp. Kết quả là ngày nào cũng như ngày nào, cùng với tóc rụng của đám người lớn, rác nylon bọc ống hút và bọc đũa xài một lần là phần đóng góp của bọn trẻ, giúp cho phòng cách ly lúc nào cũng có cái gì đó trên mặt sàn để quét, để thu.

Tôi tính xã hội kém. Có bữa dở hơi lên cơn, sáng ra nghe cửa đập uỳnh một cái liền biết bữa sáng được mang tới. Tôi đưa mắt rồi chỉ tay cười cười ra hiệu thằng cu anh. Bât ngờ là nó ra mở cửa, mang túi đồ ăn vào phòng. Tôi lại cười cười chỉ cái góc quen thuộc chuyên đặt túi đồ ăn. Nó lại ngoan ngoãn đặt túi đúng vị trí. Tôi cười phá lên kể lại chuyện cho bà bác, thằng bé này được. Sau bữa đó, thêm vài lần anh chàng hết sức tự giác nghe tiếng động mở cửa lấy đồ. Thậm chí có buổi sáng nó còn bê nguyên cả thùng nước được phát từ cửa vào trong phòng, để ở góc tập kết nước của phòng.

Tôi không rõ bọn trẻ con sẽ lớn lên như thế nào. Sau khi nghe những mẩu chuyện vụn vặt từ bà nội của chúng nó. Sau khi chứng kiến quan hệ xa cách có chút dị giữa mẹ và con gái và cái quan hệ nhiều dưỡng - nuông chiều mà thiếu giáo - dạy bảo của mẹ dành cho con trai. 

Thằng anh bị tự kỷ mà không được phát hiện sớm. Mẹ nó không chăm con theo lối nhiều bà mẹ Việt Nam truyền thống, cho con từ bé ăn đồ fast food và lập luận rằng thì là mà bố mẹ có nhiều tiền, nhiều triệu đô tiền không khai sở thuế ở kia và nhiều bất động sản ở đây, nên tương lai chẳng phải lo gì. Thích gì mua nấy, sau có khi còn mua cho nó một con vợ. Cần gì đã có mẹ đây lo.

Con em ghét mẹ, thù mẹ không phải là vô cớ. Mẹ mắng con gái, điên tiết cầm đồ quăng trúng nó. Hôm sau đến lớp nó méc cô giáo. Tức thì cả bố lẫn mẹ bị triệu đến trường nhắc nhở một trận với lời doạ, nếu có lần sau thì sẽ là cán bộ công tác xã hội, sẽ là cảnh sát. Bà nó kể sau cả gần năm trời tính tình âm u, giờ con bé mới vui vẻ hơn chút. Nhưng ngay cả thế nó vẫn bảo lưu quan điểm rằng thì bố mẹ nó là những con rối. Tôi không hiểu ý nghĩa của sự so sánh này. Nghe chuyện mảnh đoạn từ bà nội của chúng thì biết bố chúng có xưởng làm ăn phát đạt bên kia, chán mẹ nó xồ xuề vụng về thì hay chạy về bên đây chơi gái, đại loại là một cặp đôi bố mẹ không mấy chuyên nghiệp trong vai trò bố mẹ, hẳn con rối là theo nghĩa đó đi. Lại nghe bà nó nói, lần này về Việt Nam, nếu không phải là có bà nội thì đừng hòng có chuyện con bé chấp nhận đi cùng mẹ.

Thằng anh học trường đặc biệt dành cho trẻ em có vấn đề về thần kinh, không thấy bà nó nhắc đến ưu điểm trí tuệ nào - kiểu như vài nhóc tự kỷ sẽ là thiên tài toán học. Còn về phần con bé em, bà bác tự hào rằng nó học giỏi, vẽ đẹp. Vẽ ở đây là trên ipad. Tôi đã gặp cả đống thiên tài tiềm năng từ các bậc phụ huynh, gia trưởng của các thiên tài tiềm năng nên mấy lời khen bà dành cho cháu đó đối với tôi có chút đáng ngờ. 

Không rõ dăm năm, mười năm nữa, hai đứa trẻ sang tuổi trưởng thành sẽ trờ thành những người Mỹ, người Việt kiều Mỹ bộ dạng gì.

(5)

Mẹ của hai đứa trẻ mấy ngày đầu tiên trong phòng cách ly đối với tôi quả là "không thể mê nổi".

Nhưng sau chừng một tuần, tiếp xúc thân cận hơn thì xem ra cô con dâu miền Trung cũng nhiều phần cởi mở và chủ động, ý tứ hơn. Ít nhất cô cũng cầm cái chổi quét nhà đôi ba lượt, đại loại thế.

Mẹ chồng cô kể, lúc nó mới gả [sang Mỹ], xinh xắn lắm, da trắng mịn như hạt mít. Nhưng nó thiếu tự tin, vụng về, thấy người ta trét thì nó cũng trét [son phấn] mà không chú ý đường chăm dưỡng vệ sinh da dẻ, lại ăn uống vô độ nên giờ mới thành thế này - béo, xệ, nám - khiến chồng chê mà về nước chơi bời bậy bạ. 

Cô con dâu này không quản được chồng thì quay sang dư tự tin, vì có tên đứng chung tài khoản, tài sản cũng như biết mọi ngóc ngách tiền ngoài sổ sách của chồng nên cô doạ, cùng lắm là ly hôn. Mà hoà ly đồng nghĩa với cô có ít nhất là một triệu đô lậu, chưa tính tiền và bất động sản hợp pháp ở Mỹ, chưa tính vốn riêng cô đầu tư ở Việt Nam tiền nở ra tiền.

Tôi nghe chuyện cười khanh khách, ở xứ mình cháu không biết, nhưng ở Mỹ có một triệu đô thì đâu có chi chắc, với người không nghề nghiệp và quàng thêm đứa con tự kỷ đâu có thể ăn mãi tiền phúc lợi của Nhà nước. Bác gái gật gù đại ý thì thế.

Bác bảo tôi khuyên nó không bỏ chồng, thay đổi đường dạy bảo con cái nhưng nó bướng lắm. Nói bà thông gia để bà ý khuyên bảo con gái thì bà ý bảo nó còn chửi tôi đây này. À hoá ra con dâu có tiền bảo lãnh cha mẹ sang Mỹ, chu cấp cho cả hệ thống đại gia đình nhà đẻ từ bên đó sang bên đây, giờ thì gia trưởng trong nhà cũng không dám ho he gì cả. Đồng tiền quả có sức mạnh đảo lộn tùng phèo các trật tự, vĩ đại làm sao!

Cô con dâu cả ngày trong phòng một phần ba thời gian thức dành cho các cuộc điện thoại, một phần ba thời gian thức khác dành cho chơi điện tử, ăn ăn uống uống và tám chuyện với em gái cùng phòng - cô đồng hương quê Ngoại, một phần ba cuối cùng là dành cho việc chăm sóc cậu con quý tử cũng như tắm rửa giặt giũ. 

Cô nói đợt này về [Việt Nam] sẽ dành cho ăn, chơi và làm thẩm mỹ mặt cùng chăm dưỡng cơ thể, từ đốt nám qua bóc mỡ chỗ này, phun đắp chỗ kia. Cô đã có cả một võ công bí kíp với các chỉ dẫn và chia sẻ thông tin từ chị em bằng hữu vờ-cờ bên Mỹ, trong đó cô có vẻ tín nhiệm mấy bệnh viện to ở Hà Nội. Gặp được người nói chuyện hợp cạ là cô đồng hương quê Ngoại, giờ cô có thêm địa chỉ nặng ký nữa: bệnh viện Thu Cúc.

Có một chuyện khá là thú vị về cô con dâu này là ít nhất khi ngồi ngay trong phòng điện thoại, cô không bao giờ nói những từ bậy bạ hay nói xấu người thứ ba. Và ngay cả khi cô thân thân ái ái nhỏ to chuyện trò với em gái bạn cùng phòng thì cô rõ ràng là nói mà như không nói, lời kín không một kẽ hở.

Tôi nghĩ bác gái không hài lòng chi về cô thì cứ không hài lòng, nhưng phần khôn khéo này thì cũng có thể coi là một điểm cộng to tướng bác không thể không rộng rãi dành cho con dâu của mình.

(6)

Cô đồng hương quê Ngoại nói điện thoại chẳng thua kém gì cô con dâu miền Trung. Khác chăng là cô nói to, oang oang đùng đùng như muốn xé nát lỗ nhĩ của tôi, người có giường xếp ở góc kia của phòng cách ly.

Mấy ngày đầu không rõ vô tình hay còn giữ ý tứ, lời của cô còn chưa có từ to. Sau rồi xem ra cô thả lỏng, văng từ m[ẹ] đến đ[éo] tưng bừng. Rồi nữa là mức độ cợt nhả, đong đưa qua điện thoại của cô cũng theo độ dài của số ngày cách ly mà trở nên mỗi lúc một cởi mở. Tôi đã quen tai lối nói này sau một đôi năm đi phòng tập, nơi luôn dư thừa đám phụ nữ sặc mùi "dâm" trong lời ở phòng thay đồ nhưng lại dư mùi "nhã" ở ngoài khu tập công cộng nơi có đủ loại đàn ông lượn lờ, nên nghe cô nói, từ cô dùng, cách cô biểu đạt thì không có gì là lạ. Có lạ chăng là tôi không ngờ lại chứng kiến điều này trong cái không gian xã hội-phòng cách ly.

Chuyện cô tôi chẳng tọc mạch nhưng các cuộc điện thoại loanh quanh mấy chủ đề lặp đi lặp lại, ngu mấy thì tôi cũng mau thuộc bài.

Cô có vẻ là con, là chị, là em gái có trách nhiệm. Nhưng sau các cú điện thoại của cô thì hoá ra là có chút phần nhất khoảnh lợi ích chứ chẳng phải vô tư phóng khoáng dốc lòng dốc ruột hay thẳng tưng nói ra quan điểm của mình.

Cô phóng khoáng với bằng hữu đồng nghiệp, nhưng vừa dứt điện thoại thì cô lẩm bẩm một mình hay lại alô cho một người khác than phiền "con đó" - người cô vừa ngọt ngào xưng em kêu chị - cứ nhờ vả thế này thế nọ làm phiền, vân vân chi chi.

Và điều làm tôi thấy hài hước nhất, và cũng là nực cười nhất, là cái vẻ tự đắc không giới hạn của cô về tư cách Việt kiều Mỹ. Định nghĩa vờ-cờ của cô khá đơn giản, có thẻ xanh tức là vờ-cờ. Và cô là vờ-cờ từ hơn nửa năm nay.

Tôi im lìm trong phòng, được hỏi gì thì thong thả trả lời đấy, về căn bản là vẫn đảm bảo thật thà song cũng tròn vo thông tin vì không muốn dấn sâu vào mấy trò tám thấm tình hữu nghị chị em không cần thiết. Có lẽ vì cái mặt tôi và cách tôi trả lời biểu tỏ quá nhiều sự ngu ngốc nên mấy ngày đầu tôi được cô nàng giảng giải liên hồi rằng thì ở Mỹ thì nó là thế này, nó phải là thế kia.

Sau có lẽ vì tôi chẳng mặn mà nên câu chuyện giữa tôi và cô cũng như giữa tôi và cô con dâu miền Trung trở thành khách sáo, vừa vặn đủ phép tắc, đủ lễ nghi tối thiểu, đủ làm hài lòng cả kẻ nói lẫn người nghe.

Có hai chuyện cô vờ-cờ mới này tỏ ra đặc biệt xởi lởi. Đó là cô nhiệt tình móc nối bà con trong phòng với bạn làm phòng vé để mua vé bay về nhà. Và đến ngày cận cuối, cô búng tay chiêu đãi bà con một chầu quà tối muộn tưng bừng. 

Sự ồn ào, cởi mở, nhiệt tình của cô đối với tôi là một kết hợp tuyệt hảo đại diện cho mẫu hình nữ cán bộ nhà nước thành đạt. Luôn cứ phải là ồn ào phóng khoáng, luôn cứ phải là có tý "tục" tý "dâm", luôn cứ phải là có những thì thầm to nhỏ cùng canh me hay hứa hẹn. Không cần biết độ chân thật tình cảm dài ngắn nông sâu thế nào nhưng tấm vải dệt quan hệ xã hội óng ánh sặc sỡ sắc màu, vui thật là vui!

Tôi mất rất nhiều năm ở trường đại học mới ngộ ra được bài học rằng thì là mà tuỳ mỗi người mà cái sự kết giao chơi bời sẽ theo những chiều kích tình cảm, lợi ích, hợp tác cũng như mức độ cận - viễn khác nhau. Tôi nghĩ cô đồng hương quê Ngoại hẳn là một đối tác, bằng hữu tốt nếu người giao dịch và/hay kết giao thân cận với cô quen với sự ồn ào, "phóng khoáng" nữ cường nhân nhà nước của cô, và giao thiệp với cô ở những chuyện lớn chứ không phải căn vào mớ tiểu tiết vụn vặt của nếp sinh hoạt đời thường.

(7)

Bác gái - mẹ chồng quốc dân là người tôi có nhiều phần quý mến, và cũng là nhân vật thú vị nhất trong màn diễn xướng - phòng cách ly này.

Tôi không có hứng thú hay hiếu kỳ đến mức đặt một đống câu hỏi phong cách nghiên cứu life story với bà bác, nhưng qua những mẩu trò chuyện ngày qua ngày, tôi có được một hình dung chủ quan về một mạch chuyện cuộc đời của Bác.

Tỷ như, ở tầm tuổi 20 bác đi làm cho sở Mỹ và có được cuộc sống vô cùng dễ chịu trước khi đất nước thống nhất. Tỷ như ở tuổi 51 bác đặt chân tới Mỹ, làm đủ nghề, không quản cực nhọc, tích cóp tiền và luyện chưởng kiên nhẫn bảo lãnh hai đợt được hai con gái cùng ba đứa cháu, mỗi hồ sơ bảo lãnh chi phí trên dưới trăm ngàn đồng tiền Mỹ. Tỷ như giờ đây bác coi nhiệm vụ bao bọc con cái đã hoàn thành, yên tâm về Việt Nam hưởng niềm vui tuổi già cùng bác trai ở thành phố biển quê nhà.

Tôi là phải phép hàng con cháu, lại có chút tính toán cậy nhờ vào bác gái - thủ lĩnh của phòng để cho hai tuần sống cách ly của mình được yên, được trật tự nhưng rồi nói chuyện nhiều thì chẳng rõ từ lúc nào phát hiện chính mình cũng cởi mở hơn thay vì chỉ khách sáo nơi đầu lưỡi. 

Mà như vậy tôi mới phát hiện ra một chuyện bà bác cứ vui vui xuề xoà nhưng thực là người quan sát kỹ và tinh, nếu không nói là ghê gớm. Cái sự ghê gớm của người trải đời khác với thói hung hăng sửu nhi hay của đàn bà có lớn mà chẳng có khôn cứ phải lời to tung toé, đó là nhìn vậy biết vậy, rồi mà ứng xử tương ứng. 

Hôm mua đồ tiếp tế, tôi phẩy tay kêu bác gái không phải hoàn tiền mấy món ghi danh, lúc đó cũng chỉ là đơn giản tôi nghĩ thực không đáng và đặc biệt là rất biết ơn bác gái về gói cafe G7 ngay tối đầu tiên đã rộng tay chia sẻ miễn phí. Tôi khởi xướng việc dọn dẹp không gian chung chẳng phải để thể hiện ta đây chi mà đơn giản là tôi chẳng tội gì phải sống trong một điều kiện bẩn thỉu hai tuần liền. Lúc bác gái cùng tham gia, tôi vui lắm, cám ơn rối rít và còn có chút con trẻ ỷ lại, cháu lười cái vụ đổ rác thì bác làm mama đại tổng quản nhá. Ăn cơm xong phần bát và thìa dzếch hoặc bác hoặc tôi thấy tiện thì rửa sạch giúp cả phần người khác. Cứ tự nhiên vô tư vậy hoá ra tất cả không lọt một mảnh qua mắt nhìn của bà bác.

Hôm trước, bác gái nói đại ý sau này có dịp mời cô qua chỗ tôi chơi. Rồi rằng thì là mà các cô cùng là người Bắc nhưng cô biết đường ăn ở. Úi, tôi mặt mày lúc nào cũng càu cạu nhấm nhẳng, đường giao tiếp kém nay được khen xem ra mũi sắp nổ.

Nhưng ngẫm nghĩ thì có cô kia làm nền, con giời xem ra ghi điểm cũng là khách quan. Vì chí ít, tôi không hỏi xin từ dầu gội đến sữa tắm ngay trong ngày đầu tiên bước vô phòng, khi chúng tôi còn chưa được cấp phát đồ xà bông và dầu gội trong túi nhỏ. Vì chí ít, thấy hết giấy vệ sinh thì tôi chủ động đặt mua lốc mới và không thủ sẵn một cuộn giấu gầm giường trong khi giấy ở hai phòng vệ sinh đều gần hết. Vì chí ít, cái sảnh bếp đi ra đi vô thấy bừa là tôi dọn, túi rác ngoài vài lần trực tiếp đổ thì cũng biết được gói buộc kỹ càng chứ không như ai, ăn xong bỏ hộp vô thùng rồi cắp đít về giường coi việc vệ sinh chung cóc phải là của mình. Và nhất là tôi không nói to, nói liên hồi đến mức đinh tai nhức óc trong không ít thời gian của ngày.

(8)

Nhiều người trưởng thành từ ký túc xá trường đại học. Tôi không có trải nghiệm đó. 

Một năm sống ở foyer phố Beccaria, gặp đúng chị thủ lĩnh Fatima người Palestine sống lâu lên lão làng trong khu nhà trọ và được chị này rèn rũa thì tôi tự giác biết tối thiểu ở chung thì phải cư xử thế nào.

Nhưng về lại Việt Nam tôi cũng chẳng có đợt thực tập nào cả. Cho tới lần này, với hai tuần cách ly tập trung chung phòng với những người không quen biết. 

Nghe bác gái so sánh mình với cô đồng hương quê Ngoại, tôi thực chỉ muốn ôm bụng cười. Và trong đầu thế quái nào chỉ rặt một hình ảnh của cô y tá Fatima mỗi khi ra khỏi foyer người kín mít đúng chuẩn phụ nữ Hồi giáo nhưng sau cánh cửa nhà trọ thì tưng bừng sexy hơn cả gái Pháp phóng khoáng. 

Thực cám ơn Fatima!

(9)

Tôi thấy mình trong sân khấu - phòng cách ly với đầy rẫy tính xấu, nhỏ nhen vốn trong một thời gian dài hẳn đã ngủ quên đâu đó trong các nếp não của tôi nhưng giờ lại muốn phóng túng vùng vẫy. Tất nhiên là cuối cùng thì chúng vẫn chỉ là ngấm ngầm.

Cảm giác phân tâm đó có mùi vị của bệnh hoạn psy nhưng cũng là một trải nghiệm tâm lý thú vị. 

Nó giống như các lớp sóng không dứt của một sự phản-tư. Tối thấy mình xấu xí trong các suy nghĩ nhằm vào người khác. Tôi ăn năn. Tôi quyết tâm sửa đổi. Và tôi lại thấy mình xấu xí trong các suy nghĩ của mình về người khác.

Tôi nghĩ mình biết ơn những "bạn cùng phòng" ngẫu nhiên, tình cờ này! Cái hay cái dở của họ thực không phản ánh con người họ. Mà chính xác thì đó là đoán định, hình dung của tôi về họ. Và cách tôi nhìn thấy họ như thế nào cho thấy chính tôi là người như thế nào. 

Các "cái tôi" của tôi - được phản ánh qua các cái nhìn của tôi về họ - ít nhiều bi quan và nhỏ mọn! Điều đó quả rất tệ. Nhưng mặt khác, tôi thực cũng rât hài lòng vì nhờ hoàn cảnh cách ly mà tôi trung thực với bản thân mình hơn, nhìn rõ hơn những phần xấu xa đó của bản thân, để từ đó còn có cơ may từ từ chỉnh sửa!

(10)

Dù thế nào thì cái vòng quay tâm lý kỳ quặc này sẽ kết thúc sau tối mai, khi tôi chào tạm biệt bạn cùng phòng và cũng là bạn đường của chuyến bay quay trở về Hà Nội.

Và dù thế nào thì hành trình về nước và cách ly đặc biệt này đối với tôi thực quý giá. Nó đánh dấu những nhận thức mới trong tôi. Nó cho tôi thêm chút niềm tin vào sự tử tế nơi con người - những người xa lạ, ngay cả khi tôi chung thuỷ khư khư cái nguyên lý, sự tử tế là điều chúng ta phải học ở trên đời. Nó dạy tôi, thêm một lần nữa, đừng lấy mình làm trung tâm để mà soi mói nhìn nhận tha nhân qua tầm ngắm hạn hẹp của bản thân.

Cuộc đời này hình hài tròn méo ra sao, xấu đẹp thế nào nhiều khi nằm ngoài năng lực chủ thể của chúng ta. Nhưng giữ một thái độ sống, vừa đảm bảo sống hạnh phúc nhưng cũng đồng thời sống tốt - hiểu theo nghĩa không chỉ bo bo mưu cầu lợi ích và thoả mãn những dục vọng của bản thân mà còn hướng ra tha nhân, cộng đồng; cũng như sống hài hoà với người khác đó là điều chúng ta nếu muốn vẫn có thể làm được, dù ít dù nhiều, hỉ!