Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

tôi khám phá honjok (1) - tây đọc đông

(1)

Rất nhiều năm trước, tôi không nhớ rõ hoàn cảnh của cuộc trò chuyện, mang máng là thấy mình trong một đám người thuộc dạng có chữ, sính chữ và cuồng chữ, đọc hầm bà là từ triết Tàu qua triết Tây, nói chuyện cứ như đúng rồi, nói rất to, và theo phong cách cả vú lấp miệng em, bố mày đây duy nhất đúng.

Tôi nghe một bác là dân kỹ thuật, người khiêm tốn nhất trong số những kẻ mang vác chữ bữa đó, nói một câu mà tức thời tôi nghe không thủng. Đại ý của bác ý là, nhân chuyện bà con xôn xao bàn luận về bản dịch Những bóng ma của Mác, ông Derrida đó bọn đọc sách Pháp cóc hiểu nhưng sang Mỹ thì được "phong Thánh".

Vài năm sau đó, tôi dù có sách của Derrida nhưng cương quyết không chạm tay vào lại nghe một bác khác, lần này là một bác Tây, xì một cái vào bảo, có nhiều cách đọc, hiểu và diễn giải cái ông có râu kia lắm. Còn liên quan đến mấy ông học giả xứ cờ-hoa cuồng Derrida một dạo, bác này nói tiếp, chúng nọ [đám thầy bà Mỹ] hiểu Derrida theo kiểu và theo ý của chúng nó.

(2)

Hai năm trước, khi cả thế giới này còn chưa biết đến con coronavirus, đi tiệm Thái quen trong thành phố ăn tối, màn ôm hôn chào hỏi thắm thiết bà chủ quán là một hành động mang tính nghi lễ đối với chúng tôi. Và khách quen khác làm điều tương tự với bản tiệm không phải là ít. 

Không phải một lần mà có tới ba bốn bận, tôi chứng kiến một ông Mỹ tầm trung tuổi luôn có động tác chắp tay và nói Cam on, rat ngon!!! Lần nào cũng như lần nào, Poppy cậu chàng chạy bàn đều ân cần nói lời cám ơn bằng tiếng Anh kèm theo giải thích, tui là người Thái. Và lần nào cũng như lần nào, Poppy sau đó sẽ quay sang phàn nàn với chúng tôi, tui đã bảo ông đó là quán này của người Thái, nói tiếng Thái mà ông ý cứ nói cái tiếng gì tui không hiểu. 

Ông Mỹ này, sau tôi được nghe kể chuyện lại, hoá ra là một nhân vật nổi danh trong vùng. Ông làm nghề gì đó liên quan đến sáng tạo nghệ thuật, vẽ vời cùng viết lách, thời gian sống ở Việt Nam hàng năm tính ra cũng là kha khá. Ông viết các bài ngắn về Việt Nam và gửi qua thư điện tử cho mọi người. Ai dại dột trả lời ông một lần thì sẽ bị ông đeo bám, thả bom thư hàng ngày, đến độ nhiều bà con từ hiếu kỳ sau mau kinh hãi, thấy ông cả online hay offline đều chạy mất dạng.

(3)

Hai câu chuyện chữ nghĩa Derrida được "chuyển" phiên bản, ông Mỹ nói tiếng Việt với ông Thái, rồi những chuyện không phải là lạ tai như người Á coi dân Âu Mỹ đều là động vật ăn thịt, chuyên bơ sữa và nghiện đường hay dân Tây nhìn thấy ông bà da vàng mũi tẹt nào cũng nghĩ bọn này có thể công phu bay vút lên nóc nhà hay ai cũng thâm hậu Bụt tính, thiền tính... tôi dù ít giao tiếp, ít va chạm với người đời nhưng chứng kiến không phải là ít.

Vì thế mà tôi phát hiện đúng là có những "công thức" mang tính áp đặt [như vậy] của một nhóm người này đối với/về một nhóm người khác.

(4)

Với khái niệm honjok mà tôi đã đọc và nghe láng cháng từ lâu song không để tâm mà chỉ vài bữa nay mới bắt đầu thực sự tìm hiểu chút gọi là, tôi thấy y chang một tình trạng tương tự.

Honjok, người Hàn nói gì về nó, cảm nhận nó và thực hành nó thế nào, tôi phải nói ngay là tôi mù tịt.

Honjok sang đến báo mạng nhện Việt Nam thì có nhiều phiên bản cao thấp tốt xấu khác nhau. Đọc hồi con giời bị lạc trong chữ và trong ý, chẳng hiểu các bác honjok Hàn đích thực là ai, là những ai và các bác honjok Hàn qua câu chuyện kể của mấy tay bút Việt thì rốt cuộc là cái dạng người gì.

Mấy bài mạng nhện chữ Việt, tôi thấy có khi chỉ là mô tả thuần tuý, nó là thế. Có khi lại là ý chê bai, lũ người quái dị. Hay ở thế hoàn toàn đối lập thì lại là đây một lối sống mới [tích cực]. Đó là chưa kể mấy ông bà luận bút đấu tranh dân chủ chi chi thì tập trung vào ý nghĩa phản kháng xã hội của những honjok trẻ xứ kim chi. 

(5)

Bỏ hết chuyện tôi mò mạng nhện chữ Việt ngó lung tung, giờ sang chuyện chính của bà già tìm hiểu honjok như một lối sống, như một phương pháp dẫn dắt sinh hoạt thường nhật của chúng ta - cả theo nghĩa hành động lẫn suy nghĩ, nhận thức, tôi thấy thật rõ cái mô-típ chuyển dịch quen thuộc "Tây đọc Đông".

Người Hàn sống và thực hành honjok hay những honjok Hàn Quốc qua lăng kính của vài ông bà Tây thời đại dịch covid hoành xem ra có chút khác với thực tế ở chính xứ Hàn.

Tôi không phủ nhận là mình chỉ hiếu kỳ tò mò tìm hiểu kiểu cưỡi tên lửa xem hoa nên không có gì là chắc nịch kết luận ở đây. Nhưng nếu chỉ theo đúng mạch cuốn sách của Francie Healey và Crystal Tai - Honjok: Le secret des Coréens pour vivre heureux dans la solitude / Honjok: The Art of Living Alone thì tôi dám chắc là mình nghĩ không đến mức sai be bét, sai hoàn toàn.

Theo các bản tóm tắt và giới thiệu sách, chúng ta có thể gặp một thế giới honjok mời gọi, tốt và đẹp! Đặc biệt, honjok gợi ý chúng ta nhìn khác đi, theo một cách tích cực, về sự/trạng thái cô đơn. Honjok ở đây thậm chí có thể coi là một sự tụng ca và gợi ý phát huy các giá trị của sự/trạng thái cô đơn.

Và như vậy thì diễn giải phiên bản Tây về honjok khác đáng kể với những bận tâm lo lắng của chính người Hàn về đồng bào honjok của họ, hì!

(6)

Lại tiếp tục một lần bỏ qua. Tôi không nói tới chuyện Tây diễn giải Đông nữa. Mà tập trung vào chính sự diễn giải đó.

Hai tác giả của cuốn sách xếp vào nhóm "tổ chức và huấn luyện đời sống" nói trên, họ không phải là học giả đeo mắt kính dày hơn đít chai, ngồi lún trong ghế bành và dài dòng phân tích cũng như dự báo và khuyến nghị sặc mùi học thật học giả trí thức tinh bông.

Một là nhà báo chuyên viết về các phong trào và xu hướng thời cuộc trên thế giới, đặc biệt là về đời sống văn hoá xã hội Hàn Quốc. Một là chuyên gia huấn luyện lối sống, chuyên món trị liệu giúp nâng cao sự tự tin. 

Sách của họ dành cho độc giả không phải người Hàn. Sách của họ hướng định người đọc tới một hay một vài phương diện sống tích cực trên nền tảng honjok

Đến đây thì tôi chẳng quan tâm bản gốc honjok Hàn là gì nữa. 

Và câu chuyện khám phá honjok của tôi kể từ đây thực sự thú vị và kích thích, nhất là trong một hoàn cảnh sống với nhiều hạn chế, bó buộc cũng như cách ly bởi đại dịch!

2 nhận xét:

  1. Hi tác giả, mình đang tìm hiểu về văn hóa Honjok và tìm được bài viết của bạn quả là một điều may mắn đối với mình. Hầu hết các trang báo mạng đều chỉ đơn thuần nói về sự cô độc và tiêu cực của văn hóa Honjok mà không thực sự đào sâu về nó. Mình muốn tìm đọc phần 2 của bạn về bài viết nhưng không tìm thấy, không biết bạn đã viết tiếp chưa. Bạn có thể gửi cho mình phần 2 được không ạ, nếu chưa có bản hoàn thiện bạn có thể cung cấp cho mình một số thông tin về Honjok mà bạn tìm hiểu được không như: Văn hóa Honjok là gì, ảnh hưởng của nó và nguyên nhân. Mình chân thành cảm ơn bạn nhìu, mong nhận được phản hồi từ bạn.

    Trả lờiXóa
  2. Xin chào bạn đọc ẩn danh!
    Note nhỏ về honjok (1) được tôi viết khi bị mắc kẹt ở Hoa Kỳ do covid và có không ít thời gian sống cách biệt trên núi. Không lâu sau khi đăng note này, tôi về Việt Nam và chưa có điều kiện để tìm hiểu thêm về honjok. Tuy vậy, tôi đã đăng thêm note (2) về các từ ngữ liên quan; bạn có thể tìm đọc bài bằng cách gõ mục từ honjok trong ô tìm kiếm đầu trang blog này.
    Xin giới thiệu với bạn bản chuyển ngữ cuốn sách của Francie Healey mà tôi đã nói tới trong bài: Honjok: Yên bình sống một mình (Bùi Thu Vân dịch), Nxb Công thương (+ Thái Hà Books), 2021.
    Thêm nữa, nếu bạn rất quan tâm chủ đề này, tôi nghĩ bạn có thể tìm thêm thông tin ở các bạn sinh viên/học viên/NCS ngành Hàn quốc học thuộc Khoa Đông Phương học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Rất có thể có người đã nghiên cứu chủ đề này (qua diễn đàn, bài luận, bài báo công bố...).
    Chúc bạn có một hành trình tìm hiểu và khám phá vui!

    Trả lờiXóa