Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

hai đám cưới và một đám ma - ngày cuối tháng 11

rũ rượi ư? chút đắng này sẽ làm bạn phấn chấn
Tôi gần như kiệt sức. Lý do cụ thể xem ra khó xác định. Mệt mỏi cứ tích tụ rồi bùm một phát, người rũ ra thôi.

Vì nhốt mình trong nhà mấy ngày liền, chiều nay tôi quyết định đi ra ngoài chút chút. Vừa trèo lên con phố chuyên hàng hoa và gỗ, tôi đếm được hai dãy xe dài của đám cưới. Xe rước dâu trắng lớ phớ, hoa hồng hồng xanh xanh điệu đà. Xe nhiều vướng đường, mà người chẳng thấy mống nào. Hẳn là nhà trai nhà gái đều ở sâu trong ngõ đi a :-)

Được nửa phố thì thêm một dãy xe nữa, hầu hết là xe hầm hố đại gia biển Lào Cai và Hải Phòng, đứng đầu hàng lối là xe rước tượng Phật trong/cho tang lễ, cũng hết sức hoành tráng khác người. 

Theo thói quen tôi đi chậm khi qua xe hòm. Mọi chuyện hẳn sẽ cứ tự nhiên mà trôi qua vậy. Nhưng bất chợt tôi bị giật mình bởi tiếng còi xe inh ỏi. Chà, một chú bộ đội biển đỏ muốn đi mau xuyên qua đám xe bốn bánh và hai bánh đang lưu thông chậm chạp trên con đường nhỏ. 

Lẽ dĩ nhiên là phố nhỏ, xe nhiều, chú bộ đội kia dứt khoát phải đợi đến chỗ vườn Bách Thảo mới có thể xông pha vượt tuyến. Làm bạn với chú còn có một bác biển xanh 80 hẳn là liên quan gì đó đến văn phòng chính phủ vì điểm đến của bác này chính là cái khu cơ quan to đoành cạnh vườn cây. Tôi không bực mình như mọi khi vì bị giật mình, chỉ cười phì một cái. Rõ là, ở đâu trên cái đất nước này tôi chẳng rõ, nhưng Hà Nội của chúng ta đây thì luôn có ba dạng nguy hiểm chạy xe ngoài đường: hống hách nghênh ngang công quyền; tiền mới mày biết tao là ai đây - "đại gia"; và cuối cùng là hỗn hợp/tổ hợp nhân dân trẻ trâu không biết sợ là gì cộng với các nữ phụ điệu đà chạy xe phong cách người mẫu cùng vài ông bà già tay run nhưng vẫn cứ nghĩ mình còn trẻ. Xó xiên nghĩ vậy, tôi bỗng nhận ra, mình xem ra đã thò một chân vào cái câu lạc bộ nhóm thứ ba rồi. Không phải ở tiểu nhóm đàn bà, mà dứt khoát là tiểu nhóm "già còn máu" đi a :-)))

Qua nhà chè Chính Thái, tôi làm một túi lớn. Đã đến mùa gửi trà biếu người này người nọ nên dứt khoát tiện đường mua một thể. Bác trai chậm chạp lấy trà tính tiền. Bác gái từ nhà trong đi ra, đứng bên bàn rót nước. Tôi hét toáng lên chào hỏi, thấy bác gái lơ ngơ một lúc rồi cười chào lại. Bác trai giải thích, già rồi lẫn lắm. Tôi cười cười, dạ, tuổi các bác thế này cứ khoẻ thế này là tốt; mới cả mình làm gì cứ nên chậm rãi từ từ. Rồi lại bồi thêm câu, Bố Mẹ cháu ở Bắc Ninh giờ cháu cũng luôn nhắc nhở như vậy. Bác trai gật gù. Còn con giời thì giật mình, sao mình đây nói năng lưu loát thế hỉ.

Có người cảm thán rằng thì là mà trời [Thu] đẹp thế này mà vì con cúm Tàu chết tiệt thì không thể xông xênh ngồi cà phê cà pháo với bạn bè. Với tôi, cái đẹp này là cái đẹp độc địa. Nhưng có vẻ tôi lạc loài trong biển thị dân. Vì ngoài đường, bà con xem ra phấn chấn dập dìu lắp. Cúc hoạ mi, tạo dáng từ áo dài đến áo voan xuyên thấu, lại qua lông lá lùm xùm măng-tô-san coi như đủ cả từ Phan Đình Phùng đến đường nhỏ ven Hồ Tây. Tôi nhìn những khuôn mặt có đơ đơ người sáp nhưng cũng có rạng ngời phấn chấn đích thực đó thấy tựa hồ covid chưa bao giờ là một sự thật.

Khu ta là thế còn khu Tây/expat thì khe khẽ không khí Giáng sinh. Có anh chạy xe ôm lục cà lục cục đằng trước tôi với một ngọn thông to tướng. Rồi lại có bà Tây già phong cách Missoni với hai sắc chủ đạo đỏ và xanh lá, thế chẳng nhắc mùa lễ hội là gì. 

Sau một màn lêu lổng ngoài phố, tôi về nhà căn hộ, cảm thấy thật an yên. Chạy xuống gửi biếu bà chị một gói trà ướp hoa sói, đổi lại con giời hoan hoan hỉ hỉ với nào trà sen ướp bao hoa cấp đông nào bánh chả. Cái sự don contre-don liên quan đến ăn ăn uống uống này đúng thật là vui :-)))

rệ hoa trồng bữa nào giờ khẽ nhắc không khí mùa Giáng sinh

một bữa trưa cơm chiên hiệp hai: gạo lứt trộn lundberg & cá hồi xông khói nhà làm

(1)

Về gạo lứt trộn Lundberg - tôi gọi tắt vậy cho cái tên gốc loằng ngoằng Lundberg Wild Blend Rice, tôi không quá thích nhưng cũng chẳng bài trừ. Trong nhà có gạo này, cũng giống như mấy giống gạo đỏ gạo đen thần thánh, hay basmati rồi chi chi lạ đều có nguyên cớ là từ cái sở thích của bạn đánh chén. 

Với các giống gạo không mấy quen thuộc trong bếp nhà, tôi không mấy tin vào hướng dẫn trên bao bì. Lý do nghe ra có thể là kỳ cục với người, nhưng cứ với con giời tôi đây thì mười lần cả mười lần đều cùng một kết quả vô duyên nếu làm đúng hướng dẫn. Vì thế, với hỗn hợp gạo Lundberg, tôi nấu cơm theo cách của riêng mình.

- Gạo vo rửa một lượt rồi ngâm trong nước lạnh chừng nửa giờ, sau đó vớt ra rá để gạo tự khô ráo trong khoảng nửa giờ nữa
- Nấu cơm, cơm chín để nguội sẵn sàng cho món cơm chiên

(2)

Trong hoàn cảnh bình thường, tôi không nghĩ mình sẽ thèm thuồng hay tính chuyện làm món cơm chiên cá hồi xông khói. Nhưng trong hoàn cảnh bếp nhà hiện tại, giải pháp cơm chiên cá hồi này lại vừa vặn hợp lý!

Từ ngày chị em trong nhà phải chú ý cái sự nấu và ăn, tôi li khai sạch sẽ cửa tiệm chuyên mấy món xông khói quen thuộc. Muốn làm chút salad cá hồi xông khói với trái bơ ư? Tốt nhất là tự mình hun khói cá hồi đi a!

Vấn đề là đã mất công nhóm lò xông thì lượng cá làm phải kha khá chút. Thế nên mới có chuyện bếp hiệp hai, hiệp ba, hiệp n.

Để làm cơm chiên cá hồi xông khói, phần cá nhà đã hun được chế qua rất đơn giản: dùng dao hay nĩa chia filet cá hun thành các miếng nhỏ. Phần da cá dai thì dùng dao hay kéo cắt. Đơn giản thế thôi.

(3)

Nói cơm chiên cá nhưng tính ra phần rau củ ăn kèm xét về lượng có khi còn nhiều hơn nhân vật chính.

Bữa nay tôi xào sém hỗn hợp súp lơ trắng và xanh cùng cà rốt.

cơm chiên gạo trộn Lundberg và cá hồi xông khói nhà làm
(4)

Tuần tự làm món trên một cái chảo là xào sơ rau củ một lượt, rang cơm, xào sém rau cả lửa hai. Đơn giản chỉ vậy!

- Chảo làm nóng, thật nóng thì chêm xíu dầu olive và mau tay cho rau củ vào đảo - dầu olive không được khuyến khích dùng để chiên nên không những thả rau củ vào tức thì mà tôi còn bổ túc thêm chút dầu hạnh nhân, tạo thêm một tầng hương cho món xào. Rau củ đó xào qua dậy thơm thì lấy ra khỏi chảo.
- Dấu chảo đó hoặc cứ để nguyên vậy hoặc có thể thêm xíu dầu mà trút cơm và cá vào chiên. Sở dĩ tôi nói dầu có thể cho thêm hay không cho thêm vì bản thân cá hồi xông khói rất béo. Chỉ cần chút kiên nhẫn đợi chờ là sẽ thấy tác dụng tức thì của phần mỡ béo từ cá động tới các hạt cơm. Lửa chỉnh nhỏ, thi thoảng đảo cơm và cá cho tới khi cơm mềm, ôm ấp cá béo và dậy hương món hun thì coi là được. Cơm đó lấy ra, dấu chảo lại được dùng tiếp. Vì cá nhà tự hun đã được ướp mặn kỹ càng nên công đoạn chiên cơm này không cần thêm thắt mảy may muối mặn nào.
- Lần này, chảo nóng chào đón sự quay trở lại của đám rau củ đã xào sơ kia. Chêm chút nước dùng, lửa chỉnh to, đảo đều tay rau củ thật mau lẹ để kịp nước cạn thì rau củ vừa đủ mềm ngoài sần sật trong. Trước khi tắt bếp, thêm xíu dầu olive hòng tăng vị và hương cho món. Thích đậm đà nữa thì có thể rắc xíu tiêu xay cùng bột nêm nấm. Còn không thì cứ thế mà ăn rau củ ngọt tự nhiên.

(5)

Cơm gạo trộn Lundberg mềm là mềm không cứng, còn lại phần đanh chắc rõ ràng vẫn cứ là chủ đạo. Vì thế mà có chuyện ăn cơm chiên này thực cần thong thả. Tôi thích cảm giác nhai kỹ một miệng cơm, giống bà con thực dưỡng dưỡng sinh ngồi nhai cơm gạo lứt muối mè vậy. Cơm chiên này cùng chút mặn chút ngậy của cá hồi xông khói sao mà ngọt, mà ngon!

Mà nói ăn cơm chiên thì nói vậy, còn thành công hơn cả với tôi lại là hảo cảm cùng hoan hỉ trước đám rau củ chiên/xào kia. Tôi chẳng mấy mặn mà mấy bạn rau củ nói chung, súp lơ trắng xanh chi chi lại càng không. Ấy vậy mà bữa nay con giời ăn thun thút phần rau củ vui mắt bày đĩa trước mặt.

Bữa trưa solo của tôi vậy coi là thành công. Vừa giải quyết được đồ ăn trong tủ lạnh. Lại vừa nâng một trình mình đây theo đuổi sự nghiệp chay vẻ vang a :-)))

Lundberg Wild Blend Rice - gạo lứt trộn Lundberg
gạo vo rồi để ráo nghỉ ngơi

cơm nấu nồi nồi cơm điện Cuckoo, thơm rần nhà

thưởng trà, bạn cần bao nhiêu nhã

uống trà thế này thực có bao phần nhã :-)
trà ướp hương hoa sói trong cốc bia mậu dịch
(1)

Đâu đó năm hai năm ba đại học, một ngày đẹp trời, tôi nhớ là vào mùa Thu, Akent mặt mày nghiêm túc bảo tôi, mặc tử tế [lịch sự] rồi anh dẫn em đến chỗ này hay lắm. 

Đó là một buổi "trình diễn" trà đạo Nhật Bản. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là người thật trong bộ kimono. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là thanh lịch, trang nhã, thậm chí là quý phái ở những người Nhật ngay trong tầm mắt, khác xa với ông anh lúc nào cũng mặt mày sầm sì, quần áo xô lệch lem nhem ngồi xổm hay bò toài ra chụp ảnh các ông bác đấu gà chọi hay các cụ già chơi cờ tướng ở mấy quán nước chè trong phố cổ mà người bán là các bà già kẻ răng đen nói năng uyển chuyển lối xưa, người đanh đá vàng đeo đầy mình. Lần đầu tiên, rất nhiều lần đầu tiên tôi có ngày hôm đó. Và cũng là lần đầu tiên, tôi biết thế nào là sức mạnh của tâm lý đối với cái bao tử

Tôi đau bụng một trận chí chết. Không phải do bánh, càng chẳng phải tại trà. Đơn giản là tôi quá hồi hộp, quá căng thẳng khi thấy mình lạc trong một bầu không khí hình thức và trang trọng đến thế. May mà mọi chuyện không quá tệ. Tôi không tự làm xấu mặt mình, cũng chẳng gây bất tiện gì cho Akent người đã thu xếp để cho tôi có cơ hội khám phá một nét văn hoá Nhật.

Về sau này khi có người thắc mắc tại sao tôi không giống đa phần mọi người thích tất cả những gì liên quan đến trà xanh Nhật Bản, đến matcha thì tôi đều kiên nhẫn giải thích, rằng thì là mà không phải tôi không thích, nhưng ám ảnh về cái trải nghiệm thanh nhã ngày đó quá to, quá lớn cho tới tận bây giờ. Và vì thế, cái sự thích thú của tôi luôn ở mức vừa phải. Tiện có trong tầm mắt, được ai đó cho, ừ thì mình hưởng thụ. Còn điên rồ đến mức phải đặt một đơn hàng, phải mua cho kỳ được, nước mắt chực rơi trước một hộp trà ư? Đừng hòng!

(2)

Có bữa kia, lần này là chuyện của dăm bảy năm về trước, tôi được mời ăn trưa. Người mời là tiền bối của bạn thân thiết. Tôi giúp việc biên tập sách cho tiền bối này nên khi việc xong, Cô mời hai đứa tôi một bữa ra trò.

Xong xuôi màn ăn thì đến màn uống. Nhà hàng Hàn Quốc có bao nhiêu lấp lánh thì đến bộ ấm chén pha trà mạn Việt Nam yêu nước lại có bấy lôi thôi ẩu tả. Tôi loay hoay kêu em phục vụ cho mượn cái khăn để đỡ vòi ấm mỗi khi rót nước. 

Bậc tiền bối tinh tế, nhìn ra sự ngượng ngùng của tôi thì đợi nước rót xong xuôi rồi mới bảo, cái này là do ấm thiết kế không tốt thì nước mới rơi vãi vậy. Nghe xong tôi nhẹ cả người. Rồi lại nhủ thầm trong dạ, cái cảnh này mà cứ là con dâu tương lai ra mắt bố mẹ chồng tương lai xem, đúng là chơi bài khó.

Thực tế là chẳng bao lâu sau tôi phát hiện ra cái mô phỏng con dâu ra mắt bố mẹ chồng tương lai kia của mình là sai toét. Chẳng những bọn trẻ con mà ngay cả bọn người lớn uống trà cứ gọi là phi thường đuểnh đoảng. Nhã trong thưởng trà không phải là một tiêu chí, cũng chẳng phải là một vấn đề a :-)

(3)

Mùa sen năm nay, vào đúng thời gian Hà Nội dập dìu "giãn cách", tôi dư dả thời gian có đợt suốt ngày ngó màn hình tivi. Bữa nọ có phóng sự về thú uống trà sen của người Hà Nội. Nhân vật có hai tuyến. Một nhà kia tự nhận mấy đời chuyên ướp trà trên chỗ cái hồ to. Nhà đúng kiểu dân tiền mới nhờ bán đất, to ngồn ngộn và sáng choang. Hoa sen trắng bày khắp phòng khách rộng thênh thang, bình này lọ kia chỗ nào cũng là sen bị gập cánh tạo hình, nhìn chẳng còn chi là tự nhiên nữa. Anh ả nhân vật của chuyện kể ra sức giải thích người Hà Nội là phải dư lày dư lọ, nghe mà sốt ruột. Tôi nghĩ, may mà chưa lôi ra cái công thức bố mày đây đích thực người Tràng An

Nhà sản xuất, nghệ nhân làm trà thì là vậy. Đến khách hàng, người thưởng trà thì ống kính chĩa vào một căn hộ ở một cái chung cư cao cấp dưới Hà Đông. Cô chủ nhà đâu đó tuổi 30, xinh đẹp như bước ra từ một ngôn tình tiểu thuyết với hiên căn hộ to hơn cả phòng gỗ tôi gắn bó mấy chục năm ở nhà Hà Nội. Cô này uống trà sen thì đương nhiên là phải có sen đỏ sen trắng bày chi chít xung quanh rồi. Nhưng chi tiết mà tôi chú ý hơn cả là cái ấm pha trà.

À, thì ra phải thế. Truyền thống của gia đình từ đời cụ qua đời cháu chắt là cứ đến mùa sen thì phải uống trà sen Tây Hồ là đây. Trà đó pha trong một cái ấm tetsubin Nhựt-bổn :-)))

(4)

Ngày lễ thầy bà năm nay tôi cùng hai bạn đồng nghiệp đi lễ ông thầy. Cô em nhận mua hoa cùng quả. Tôi xung phong thế thì tao mang trà và đồ ngọt tới. Đến nơi, đám kia nhõn một bình hoa với lập luận biết chị mua cả trà lẫn bánh kẹo thì không cần quả nữa. Nghe cũng có lý a.

Trà tôi mang đến lần này kính Thầy là trà ướp hoa sói. Ông thầy không dỡ đồ ngọt ra cho bọn học trò chén nhân vụ thưởng trà, nhưng với chính trà thì không eo hẹp, khoát tay một cái bảo con bé học trò đi pha một ấm thưởng thức.

Cô em trà chơi một vốc, tôi nhìn tỷ lệ nghịch trà nhiều - ấm nhỏ thì đã thoáng giật mình nhưng im miệng không nói gì vì ông thầy ở bên đã kịp thời nhắc nhở. Sau đó đến tiết mục cô em định tráng trà, tôi vội can ngăn, ấy cái vụ này thì không thể. 

Trà dù đã giảm đi kha khá lượng cho vào ấm nhưng vẫn là đặc. Ông thầy già tinh tế nói khéo, từ sáng giờ học trò qua liên tục, trà uống liên tục nên giờ uống lạt lạt chơi coi là để biết vị. Thế nên chén trà của Thầy rót ra chừng nửa, còn lại là để chêm thêm nước sôi. Ba đứa học trò thì nguyên cái trà nước đầu cho vô chén. 

Tôi nhấp một ngụm, úi chà. Không tiện với cái phích để chêm nước sôi, con giời cắn răng thưởng trà trong niềm hy vọng nước hai, nước ba, nước bốn, nước n thì tách trà của mình sẽ khá hơn. Cho tới lúc chúng tôi chào tạm biệt ông thầy già, nước trà ướp hương hoa sói kia vẫn thuỷ chung nồng nhiệt nồng nàn. 

Chuyện này sau đó tôi kể lại cho mấy con bé em, vừa kể vừa cười ngặt nghẽo. Ông thầy mình nghĩ sao mình cóc dám đoán mò. Nhưng với hai bạn trẻ kia, tôi tưởng tượng một màn thế này. Đó là vừa uống vừa oán trách sao bà này mua trà tệ đến vậy. Hoặc không thì là, úi Giời, cứ tưởng hoa sói hoa hoè là sao, sao mà tệ a :-)

(5)

Trưa nay tôi pha một ấm trà ướp hương hoa sói.

Ấm hai trăm ngàn đồng tiền mua ở chỗ ông chủ bên Bát Tràng nhà có hàng chục bộ tràng kỷ, hàng ngàn cái ấm và mấy chục cái lồng chim. Ấm lâu ngày thân ấm vẫn còn, riêng nắp ấm đã tiêu đời thì được thay bằng một cái nắp inox xấu mù.

Cốc uống là cốc thuỷ tinh gia công bắt chước cốc bia hơi ngày bao cấp, mua ở chỗ gầm cầu [Long Biên] giá đổ buôn sau một hồi vung vãi nước bọt mặc cả với hai ông bà già chủ tiệm thì bớt từ 7.800 đồng tiền xuống còn 7.200 đồng tiền.

Trà pha đậm đà được chế non nửa cốc, sau đó là nước sôi rót ra từ phích chêm vào.

Trà này, mình ta uống với ta, ở ngoài mọi con mắt nhìn của tha nhân, đối với tôi thực đủ ngon, đủ nhã a :-)))

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

món sữa hạt nhà làm đầu tiên: đậu đỏ đồng nai & mè đen bắc ninh

nước sữa hạt đậu đỏ - mè đen
(1)

Kế hoạch mua máy trong bếp của TL đã được loại bớt một gạch đầu dòng là máy làm sữa hạt.

Thử nghiệm đầu tiên của cô em là làm sữa từ hạt đậu đỏ với xíu mè đen lấy thơm.

(2)

Đậu đỏ có xuất xứ Đồng Nai, được giải thích là đồ sạch. Đây là quà chúng tôi nhận được từ cô chú người quen. 

Còn vừng đen là xin từ nhà Bắc Ninh, lại càng đảm bảo an toàn.

(3)

Sữa đậu đỏ vừng đen này có chút vị ngái đối với tôi sau khi nhấp ngụm đầu tiên. Sau đó là cảm giác mượt, ngậy và thơm. 

Chỉ lần đầu uống sữa hạt nhà làm, tôi không thể nói mình phải lòng cái món này. Nhưng ý tưởng uống sữa hạt coi ra không phải là tệ hỉ :-)

nỗi sợ - phiên bản 2021

Shiko Munakata - Gautama & Bodhisattvas (1951)
ông lão nhà ta quay lại Williamstown
Tôi gọi tên nó, nỗi sợ, vào một ngày cuối tháng Ba năm trước.

Giờ, sau hơn một năm rưỡi trời, tôi đặt cho nó cái tên mới, nỗi sợ - phiên bản 2021 của tôi!

Tôi nghĩ thật chính xác thì nó không còn là nỗi sợ nữa. Mà là một thái độ sống có nhiều phần buông xuôi. Do bất lực. Do không nhìn thấy mảy may hy vọng

Hôm trước tôi nghe cô em buông một câu, covid này làm tan nát bao gia đình, phá huỷ bao mơ ước. Nghe thật tàn khốc! Còn nhẹ hơn thì là, hai năm rồi, giờ [chúng] tôi không còn sức nữa. Tưởng nhẹ, nhưng rồi suy xét hồi thì tàn khốc cũng chẳng kém.

Từ đôi ba hôm nay đâu đâu cũng là chuyện biến chủng mới. Chưa kịp hết hồi tiêm chích ngừa mũi một mũi hai, giờ mối lo âu đã thành sao mau đến lượt cho mũi bổ sung, liệu bao giờ có thể có vắc-xin phòng được con cúm Tàu trong bộ quần áo mới kia. 

Tôi không quan tâm đến mấy chuyện nhảm nhí kiểu ngày thế giới [bị] huỷ diệt. Nhưng ngẫm nghĩ về ẩn dụ cánh chung, về sự cần thiết của một nương tựa tinh thần trong bối cảnh đời sống mỗi ngày xem ra một tối tăm bế tắc thế này đối với tôi thực là một chuyện khẩn trương và nghiêm túc!

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

lần đầu trồng rau mùi

thật xin lỗi các bạn hạt mùi
Chuyện trồng rau cỏ ở hiên nhà căn hộ có đến cả ngàn vạn mẩu hài hước, phản ánh cái sự dốt nát của tôi về công việc này.

Bữa trước ở chỗ bà bán rau giống đầu chợ Bưởi, tôi đang ngó nghiêng và bàn bạc với TL nên chọn rau gì về trồng thì nghe một ông bác ời ời kêu mua rau mùi. Bà bán hàng nhìn theo tay chỉ của ông khách, đấy là cần tây; còn về giống rau mùi thì hoá ra lại là một mớ vụn đen sì trong một cái túi nylon hồng lem nhem.

Ông kia theo gợi ý của bà bán hàng mua 5 ngàn đồng tiền hạt giống kèm lời dặn dò miễn phí, cứ thế rắc ra đất, tưới ẩm chi chi la la. Tôi dặn TL nghe kỹ mà nhớ lấy và cũng kêu mua 5 ngàn đồng giống mùi.

Về đến nhà cô em quên tiệt chuyện rắc ra đất là cứ thế rắc trên bề mặt hay sau đó còn cái ý tứ xới qua một lượt, rồi tưới ẩm thì là ít nhiều ra sao. Tôi nhắm mắt làm bừa, lại thêm hoàn cảnh đất và chậu đã hết thì cả vốc hạt mùi đó cho nháo nhào vào một cái chậu nhựa bé hin hin.

Giờ xem ra đám mùi con khốn khổ vì phải chen chúc trong chậu nhỏ. Tôi áy náy với chúng lắm nhưng chẳng biết làm sao. Tặc lưỡi, thôi thì lần trồng sau sẽ đàng hoàng kiếm một chậu lớn a. Chứ kêu cháu mua 2 ngàn đồng tiền hạt giống, không khéo bị bà bán hàng lấy lá chuối lót tay tống khứ ý a :-)))

rang vừng, rang lạc: làm ẩm trước khi rang

vừng đen từ nhà Bắc Ninh
bộ dạng thô tháo nhưng sạch lành
(1)

Mấy vụ rang vừng rang lạc này tôi ít khi làm nên về căn bản là ít để ý đến cách thức. 

Nhớ chăng là chảo đế dày chút, tôi thích chảo gang, và lửa thì chú ý đừng quá lớn mà vừng lạc chưa chín đã cháy. 

Đơn giản chỉ có vậy.

(2)

Giờ tôi học và ghi lại một hai mẹo nhỏ thế này để sau nhớ thực hành mỗi khi đứng bếp làm nhiệm vụ rang vừng, rang lạc:

- Vừng [đen] trước khi rang chừng 2-3 giờ đồng hồ thì vẩy xíu nước làm ẩm
- Lạc trước khi rang rửa mau bằng nước sôi, rồi để ráo khô 

Làm vậy khi rang vừng lạc vừa được độ giòn lẫn dậy vị thơm nhiều hơn. 

Đại loại thế!

móng giò vị bếp tứ xuyên - om/ninh/hầm gọi là chi cũng được

 móng giò vị bếp Tứ Xuyên thoảng tê thoảng cay
(1)

Con bé hàng xóm cũ kể chuyện dân Đài [Loan] chịu khó ăn rong biển và móng giò nên da dẻ hồng mịn, tóc tai mượt mà. Tôi ấn tượng về cái vụ nấu và ăn móng giò lắm - nguồn cấp collagen đấy :-)

Tôi thích vị cay cay tê tê trong món Tứ Xuyên. Thường làm món hơn cả là đậu phụ Tứ Xuyên, thêm nữa là món bò trụng, cá trụng. 

Giờ có một câu hỏi, thế thì móng giò hầm vị bếp Tứ Xuyên có được không hỉ?

(2)

Tôi lười tìm hiểu công thức đó đây, cứ làm phiên phiên theo kinh nghiệm thôi.

Thứ nhất là về kết hợp gia vị, thì cứ như khi làm sauce/nước dùng cho mấy món đậu phụ hay trụng bò trụng cá.

Thứ hai là về bạn móng giò, cứ là phải đảm bảo thời gian ninh/hầm đủ dài, đủ lâu. Thế thôi!

(3)

- Móng giò đã được chặt miếng, rửa sạch lau ráo thì áp chảo gốm tới sém - cái này gọi là thay cho việc hun/đốt rơm sém bề mặt theo lối dân gian, hay nhanh và tiện hơn nữa là hun bằng đèn khò, đều là những cách thức bất khả đối với tôi trong bếp nhà căn hộ.
- Chảo rang sơ cho dậy thơm hỗn hợp gia vị khô có quế chi, thảo quả, đại hồi, tiêu trắng, tiêu đen, lá nguyệt quế, ớt khô và tiêu xuyên đỏ. Bình thường, cho món vị Tứ Xuyên đậm đà, tôi giã rối tiêu xuyên. Nhưng bữa nay làm món tôi chủ trương chỉ gọi là lướt vị nên bỏ qua công đoạn này.
- Chảo nêm xíu mỡ [heo] đun nóng thì phi dậy thơm hỗn hợp gừng và hành hương, cho chỗ gia vị khô vừa rang thơm lúc trước trở lại chảo, đảo một lượt rồi thêm tương đậu biện, xào mau tay.
- Cho móng giò vào chảo, nêm tiếp rượu - lẽ ra là dùng rượu vàng thì tôi lơ mơ xài Mai Quế Lộ, đến lúc biết thì đã muộn, cái này gọi là chết vì ngu dốt - học bao nhiêu chữ vuông mà giờ quên sạch sẽ -, lại thêm xì dầu thường [Quảng Châu] và hắc xì dầu, rồi thích ngọt thì một dúm nhỏ đường phèn. Vì không dùng tỏi củ nên khi xào móng giò, tôi nêm chút bột tỏi khô. Chú ý xào mau tay ở lửa vừa phải để các thành phần trong chảo không bị cháy khô.
- Chêm nước ngập, thêm vào chảo hành tây thái lát, đun chảo tới sôi thì hạ lửa về liu riu, đậy vung chảo và bắt đầu quá trình hầm/ninh/om - gọi là gì cũng được - kéo dài từ 2-3 giờ đồng hồ. Trong quá trình đó, tôi chăm chỉ cứ mỗi phần tư giờ đồng hồ trôi qua thì lại một lần mở vung lật mặt cũng như dùng muôi lấy nước ninh/hầm/om đó rưới phủ bề mặt các miếng móng giò.

Món thành phẩm là móng giò mềm, thơm, ngon và tươi sắc nâu đỏ. 

Tôi hài lòng về thử nghiệm lần này. Món ăn vã chơi, tôi thích! 

Còn về chút phần nước dư từ chảo nấu lúc này đã cô về sền sệt và óng ánh béo ngậy, thêm chút vị đậm muối tôi hoá phép bạn này thành nước sauce ôm ấp các sợi miến làm từ khoai lang. Miến ngấm sauce đó cho ra đĩa, rưới xíu dấm đen, điệu thì rắc chút hạt mè hay lạc rang gì đó, lại thêm xíu ớt chưng bếp Hoa, đảm bảo ăn cũng được quá nửa phần giống món miến chua cay Trùng Khánh a :-)))

đây gia vị khô rang sơ dậy thơm

đảo/xào móng giò với gia vị khô, tương đậu biện,
xì dầu hai loại và rượu nấu

chêm nước để bắt đầu quá trình ninh/hầm/om
màu lợt lạt nhưng không sao, sau vài giờ sẽ đậm sắc

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

cuối năm nghe chuyện rằm tháng bảy ăn vịt

Chuyện ở không ít địa phương, nhân dân ăn Rằm tháng Giêng còn to hơn Tết [nguyên đán], tôi nghe nhiều thành quen tai. Nhưng ăn Rằm tháng Bảy còn to hơn cả Tết, hôm nay tôi mới lần đầu tiên nghe ra chuyện này.

Nghe kỹ, à hoá ra là ở vài nhóm bà con dân tộc, nơi có chung chia sẻ quan niệm với người sống ở đồng bằng châu thổ rằng thì là mà tháng Bảy thì rất chi là dở hơi. Và hay hơn nữa là ở những nơi chốn, cộng đồng đó, món chính được làm, được cúng, được ăn là vịt.

Một bạn chúng tôi gặp hôm nay giải thích, con vịt nó biết đi bộ, biết bay, và biết bơi. Ba kiểu cách đi lại đó giúp nó linh hoạt trong việc mang theo người những cái xấu, cái dở hơi đi thật xa khỏi con người. Chuyện này cho thấy một "giải pháp" thật khác với các mâm cúng hoành tráng dành cho cô hồn ở thành phố.

Tôi nghe xong cười khơ khơ, nghe có lý a.

Rồi lại nghe một chú ngồi bên kể, cách đây đến cả hai chục năm, khi đóng quân ở tỉnh núi phía Bắc thì được ăn Rằm tháng Bảy ở vùng đồng bào dân tộc và được chén món vịt hai năm tuổi. Nghe chuyện cụ vịt hai tuổi này, con giời lại thêm một trận cười khơ khơ. Vịt trưởng lão sống trong không khí trong sạch lành này hẳn là dẻo dai sức, kinh nghiệm nhiều, cơ trí lắm nên ắt sẽ đi mau, bay cao và bơi giỏi hơn bọn vịt thường. Và một khi đã vậy thì xơi lão vịt này xong, đảm bảo bao nhiêu mờ ám, đen đủi của tháng cô hồn sẽ biến mau sạch sẽ hì :-)))

Mà trong câu chuyện ăn chực nhà cô chú người quen tối nay, TL nhớ ra một chuyện là khi đi công tác Quảng Trị, thấy bà con [người Việt] ở cái thị xã to nơi đó cũng ăn cỗ thịt vịt ngày Rằm tháng Bảy.

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

lễ tạ ơn năm nay của lão tiên sinh

Ông lão rất khoái chí với vụ ẵm một đống đùi gà tây về loay hoay ba lửa xông khói - nấu chậm - nấu mau để làm cơm đãi khách ở nhà trên núi. 

Tôi hỏi khách của ông sau bữa tối Lễ Tạ Ơn, bác ăn ngon không. Ông khách bảo ngon nhưng nó [ông lão tham ăn nhà mình] chưa thực sự hài lòng. Hỏi thêm xíu nữa, à hoá ra đùi gà tây không được mềm như ý :-)

Năm trước dịp này tôi được chén một bữa ra trò do một tay bạn đánh chén thân chinh vào bếp. Năm nay, ngồi Hà Nội tôi nhìn ảnh chụp nhà rừng từ hôm trước qua hôm sau như lột xác. 





cơm rang lách chách: gạo giống nhật với hỗn hợp hakubaku-16 loại hạt

cơm rang lách chách nhìn vui mắt ăn ngọt miệng
gạo giống Nhật nấu với hỗn hợp hakubaku 16 loại hạt 
(1)

Tôi chưa bao giờ là người thích, lại càng không là người nghiền ăn các loại hạt.

Từ cái năm một ngàn chín trăm lâu quá, xung quanh tôi không ít người hạt lanh, hạt chia, rồi óc chó, hạnh nhân, chi chi vô thiên lủng coi như là lành, sạch, xanh, mạnh mẽ ồn ào lắm. Con giời tôi đây vẫn cứ tằng tằng cơm với thịt.

Thế rồi trong bếp nhà có vài thay đổi nhỏ, tôi lục tìm công thức nấu cơm gạo lứt của Mây Trắng ngày nào, và cứ tự nhiên mà bắt đầu quen với từ hạt.

(2)

Hôm rồi vô tình nhìn thấy gói hạt đề Hakubaku 16 mixed grains để nấu cơm, nhìn hay hay thì tôi nhặt thả vô giỏ hàng. Về nhà hăm hở nấu cơm gạo Nhật, trịnh trọng thêm hai miếng nhỏ phổ tai và một trái mơ muối. Cơm đó nấu lên, tôi ăn thích lắm. Còn TL thì bảo sao cứ có cảm giác một vài hạt chưa chín. Tôi nghĩ hẳn đây là cảm giác đi, vì cái mồm miệng kẻ tham ăn là tôi chẳng thấy chi bất thường.

Nhưng vụ cơm nóng đó chưa phải là chuyện hay nhất. Hay nhất là phần cơm dư bữa sau rang lên, cho vị sao mà ngon. Tôi không biết mô tả thế nào, không rõ là do giống gạo Nhật hay do kết hợp gạo này với 16 hạt kia, đại để là cơm rang đó có phần giòn giòn, vị thơm lại như được đẩy lên vài tầng mới. 

Vì lúc cơm nằm trong chảo cho tiếng lách chách vui tai nên tôi gọi cơm này là cơm rang lách chách :-)

(3)

Về hakubaku hạt trộn để nấu cơm hôm nay tôi mới biết có cả một trang mạng nhện tiếng Việt giới thiệu sản phẩm này.

Tôi vốn xấu tính, hay nghi ngờ các chiêu trò quảng bá bán hàng nên nếu chỉ nhìn và đọc các hình ảnh cùng thông tin về sản phẩm hẳn sẽ nhệch cái mồm ra mà tự mình nói với mình, bỏ qua.

Nhưng quả tình, đã tự tay mình nấu và đánh chén rồi thì tôi thích cái bạn hakubaku 16 loại hạt này a :-)))

ngày đặc biệt: gỡ chỉ rối, fan ho, những giấc mơ cũ và chút niềm vui mới

người ta "đập hộp" hàng hiệu
tôi đây run run mở bọc sách Fan Ho
Ngày đặc biệt!

Hồ sơ bổ sung được nộp chiều nay. Trong lúc chờ lấy quyển in, tôi trò chuyện với một em ở khoa bạn. Em này băn khoăn không biết có nên đi hội thảo ở Mỹ thời gian tới không. Tôi còn đang ngạc nhiên tại sao vậy thì nghe tiếp câu giải thích, đi được nhưng sợ không về được chị ơi. À, thì ra là vậy!

Nộp hồ sơ giấy tờ, cô chức việc vui vẻ. Tôi vui vẻ tám nhảm mấy câu đại ý chuyện này em vất vả, còn lại chị cũng đã có lời với cốp của Em. Tức thì tôi nhận được một cái bĩu môi, ý tứ là thằng cha kia thì liên quan "đếch" gì. Con giời nghe vậy thì nham nhở cười cho qua chuyện. Trong dạ nhớ như in cuộc điện thoại hôm trước, khi tôi buột miệng bảo ừ để xem em ý [cô chức việc] hướng dẫn làm gì thì làm theo, ông cốp kia lại bảo một câu đại ý, con bé đấy thì là cái "đếch" gì. Ở giữa, biết nghe, biết tin và biết sợ ai đây ta? Một hệ thống thiếu minh bạch và đầy rẫy những moi móc ban phát "ơn trên" thì sẩy bước chân thành tham nhũng giáo dục là đương nhiên a. May là tôi chẳng xoắn quẩy chi chi vì chuyện phát sinh này đã được dự báo từ trước.

Tôi khám phá ra một cách thức "luyện tập" mới thay cho việc rảo bộ và ngồi bus. Toà nhà cũ kỹ liên thông với khu biệt thự nhà giàu, vì quan hệ họ hàng giữa chúng mà cư dân sống ở các tầng cao được hưởng cái thẻ đi lại siêu lợi hại. Tôi nghe nói về cái thẻ này từ lâu nhưng lười không hỏi. Mới gần đây mới đòi quyền lợi. Thực là hay, đi ra chợ dân sinh trong khu phải mất dăm bảy phút cưỡi xe máy mỗi chiều. Giờ cứ thong thả xe căng-hải, tức là đi bộ, mất năm phút là tới chợ liền. Vừa đỡ tốn công sức lấy xe máy ra lích kích, lại được cái khoản mình đây chăm lo sức khoẻ a.

Và chuyện hay nhất của ngày là tôi có liền hai món quà sách. Một là chuyên khảo phi thường nghiêm túc tinh thần học thuật. Một là giấc mơ Fan Ho tôi ấp ủ từ hồi Tết hai năm trước. Món quà thứ nhất nhắc nhớ tôi rằng thì là mà mình đây đã từng vô tư yêu thích sự học hành, đã từng có đủ loại giấc mơ. Còn món quà thứ hai thì như một món đồ ngon thần kỳ nhấm nháp mãi không bao giờ hết ngán. 

Bạn nhỏ tặng sách nghiên cứu cho tôi là người tử tế, đàng hoàng với chữ nghĩa. Sách tôi nhận được đẹp cả hình thức lẫn nội dung, khác xa mớ giấy giống bản photocopie chất lượng tồi được dính nham nhở với nhau để làm thành công trình học thuật cho hồ sơ phờ-giờ-sờ mà thi thoảng tôi vẫn được gửi tặng từ đồng nghiệp, cũng khác xa nốt sách giải thưởng quốc gia này chi chi nọ của cây cao bóng cả làng chữ nghĩa mà nội dung vốn hay nhưng bị làm xấu đi rất nhiều do cái màn phóng to cỡ chữ và dàn trang lưa thưa hòng đếm trang ăn tiền của cái nhà xuất bản quốc doanh tốp đầu xứ sở. 

Còn Fan Ho, tôi lần giở các trang sách ảnh quà tặng của TL nhân dịp kết thúc ác mộng bài vở mà có chút cảm giác nghẹn [ngào]. Đối với tôi, Fan Ho  không chỉ là một nhiếp ảnh gia. Ông là một người nhiều-trong-một, có nhân vị và phẩm vị của nhà xã hội học, nhà thơ, triết gia, sử gia. Tôi không thích chí gì mấy cái sự di chuyển mang tên du lịch, nhưng có một lần được đến Hong Kong thong thả làm một ngụm trà, cắn một miếng điểm-sấm và đi qua một địa phương để tự khoái chí nơi đây đã từng nằm trong tầm ngắm của Fan Ho, đó không phải là một ý tồi a :-)))


cây bút lấy từ tiệm Thái ở thành phố biển giờ cạn mực
nhìn nó chợt nhớ những năm dài tưng bừng bút mực viết tay

quà sách từ L. - minh chứng cho việc
ao làng chữ nghĩa vẫn còn sự vô tư và tử tế

ngồi chờ lấy bản in cho hồ sơ bổ sung
nhiều giấc mơ xem ra đã vỡ vụn vì con cúm Tàu

dọn dẹp chút chuẩn bị ta đây đi học
hoá ra vẫn còn đây món nợ Tocqueville

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

canh ninh/hầm hai lửa: dưa củ cải chua chua

dưa củ cải thu hoạch từ vườn nhà Bắc Ninh
lửa một nấu với chút dính dắt diềm thăn bò
lửa hai thêm xương heo, canh ngọt lừ :-)))
rau gia vị chỉ có hành hoa vì quên mua thì là
(1)

Có một số món canh ninh/hầm dứt khoát ngon hơn khi được nấu hai lần. 

Hồi trước tôi ngô nghê, hồ đồ cứ rung đùi khoái chí đây là một điểm riêng của món Việt [Nam]. Sau rồi rón rén ngó đông ngó tây, bếp nhà người ta cũng vậy a :-) Đúng là trong chuyện đời chung hay trong chuyện bếp riêng, cái tổng kết càng biết càng thấy mình dốt chẳng sai tẹo nào.

Dưa ta - tôi thấy Mẹ hay nói dưa Đông Dư - muối chua rồi nấu canh, phần bẹ dày chắc cần hai lửa ninh là cái chắc. Nhưng dưa củ cải cọng bé hin hin, phần củ thái lát mỏng, thì hai kích cỡ đó đâu cần phải nấu kỹ nhỉ. Ấy thế mà ở đây hai lửa ninh vẫn cứ là nhất!

(2)

Canh dưa củ cải nấu chay không xương chẳng thịt, rau gia vị căn bản nhất là hành hoa, được thả vào tô canh mang ra mâm. Kẻ kỹ tính cũng như biết yêu cái mồm miệng của mình thì mười người ắt cả mười sẽ gật gù, thêm thì/thìa là đi. 

Cà chua cho vào canh là tuỳ ý. Có người bảo, dưa muối chua chua thế đủ rồi, đâu cần cà chua. Lại có người nói, cà chua vào canh đó chua ăn thua gì, cho vô chỉ là thêm màu sắc, thêm ý vị thôi. Rồi lại có người nói, hai cái chua đó khác nhau, dứt khoát cần [cả hai]. Mà cà chua cho vào canh cũng là theo hai lối, có người bổ cau trái cà cho nguyên vậy vô nồi hầm. Lại có người xào cà chua với dưa. Đại khái mỗi nhà một ý đi.

Canh ra mâm, nếu có phần rau ghém thì cứ nên bắt đầu với vài cọng xà-lách, rồi sang hơn là mấy bạn rau mùi ta. Canh nấu đã đủ đậm đà thì không có mắm muối gì bày đặt bên, nhưng nếu được thì cứ là một bát nhỏ sẵn mấy lát ớt cay chí tử. Nước canh lấy ra xíu thả vô bát ớt đó, sau tay đũa gắp một miếng dưa, khẽ lướt qua bát chấm cay, úi chà, mỹ mãn!

(3)

Sang đoạn nhà cháu đây không thịt không vui thì căn bản nhất là vời tới xương heo. Nước canh tha hồ ngọt.

Còn sang hơn thì là thịt bò. Không phải mấy bạn sang sang đắt đắt như thuần thăn đâu nhá. Cứ dẻ sườn bò, diềm thăn bò thêm thắt vào. Vừa có mềm, vừa có chút phần giòn và ngậy, ngon lắm!

(4)

Canh ninh lửa đầu ăn ngon nhưng đầu lưỡi khó tính rất mau nhận biết rằng thì là mà thịt xương vẫn cứ chắc nình nịch, thịt bò chưa mềm như ý, và nhất là cọng dưa sao mà vẫn đanh đanh thế nào ý.

Nồi canh đó thêm một lần ninh, tức qua lửa thứ hai, thì độ hài hoà của tổng thể dưa - thịt - xương có thể nói là trọn vẹn, và mỗi thành phần trong đó tự nó cũng đạt cái độ mềm mượt như mong đợi. Dưa ngọt, phần lá đượm ngậy thơm của thịt bò, phần cọng mềm mà không nát. Miếng thịt bò mềm. Xương kia kẻ lỗ mãng khều khều ăn chơi vừa xơi vừa nhớ những màn miêu tả của mấy ông văn sĩ từ đầu thế kỷ trước về bữa xí-quách của cánh phu xe ở một góc nào đó của Hà Nội xưa, thịt xương thoang thoáng hồng và mềm rục gặp được vị cay của lát ớt cho một cảm vị con nhà nghèo hạnh phúc. 

(5)

Nồi nấu canh đơn giản cứ là cái xoong inox. Cầu kỳ dùng nồi sứ. Còn muốn nhanh, muốn chắc thì ta đây chơi bạn áp-suất.

Tôi sợ cái bạn cuối cùng này lắm. Nhưng may là người ra tay xử lý món canh ninh hầm hai lửa này là cô em trong nhà.

Con chị chỉ mỗi việc gật gù đánh chén và mơ màng nhớ vài chuyện của cái thời nghèo khó bao cấp xa xưa mà thôi :-)

(6)

Làm món canh hầm/ninh hai lửa dưa củ cải muối chua không mau nhưng vui:

- Dưa tuỳ chua ít chua nhiều mà rửa kỹ hay sơ, nhẹ tay bóp ráo
- Hành hương phi thơm với xíu mỡ heo - ai sợ mỡ dùng dầu thực vật, nhưng canh này ưa ngậy béo, mỡ heo là nhất :-), sau có thể xào cà chua chút rồi cho tiếp dưa vào, nêm muối đậm đà
- Nước chêm vô, đóng vung và nấu thì là phiên bản chay. Còn với phiên bản mặn, có thể xào thịt ngấm muối mặn và/hay thả xương đã sơ chế vào cùng dưa, bổ túc nước và bắt đầu công đoạn ninh/hầm

Lửa một xong rồi, bữa sau mình sang lửa hai. Thế thôi!

bạn ý là đây, dưa củ cải vườn nhà Bắc Ninh, đảm bảo sạch

ớt jalapeno nhồi & chiên dầu olive

jalapeno từ Đà Lạt & dao nhỏ tiệm Vạn Thắng 40 Sinh Từ
Một số nguyên liệu nhân làm nem gồm thịt xay, nấm hương và mộc nhĩ cùng hành tây xắt nhỏ được trộn nháo nhào với gia vị là bột tỏi, bột hành, tiêu xay và bột rong biển. Ớt jalapeno xuất xứ Đà Lạt sau khi được rửa sạch, lau ráo, moi bỏ ruột thì nhồi cái hỗn hợp nhân trộn đó vô. Đó là công đoạn nhồi!

Sang đoạn chiên, chuyện vốn là tôi mơ màng một món nướng, nướng trong lò cũng được mà nướng vỉ than cũng xong. Nhưng nướng kiểu gì con giời cũng lười nên cuối cùng nướng chuyển thành chiên. Chảo làm nóng, thật nóng thì láng xíu dầu olive và đặt các trái ớt vô, đậy vung đếm 123, áng chừng đôi ba phút, rồi mở vung lật mặt. Đến đoạn cuối, ào ào dầu olive láng các trái ớt nhồi, rồi điệu đà thêm vài sợi cà rốt thái mịn. Tắt bếp nhưng chảo vẫn ngự trên đó, tay đũa đảo một lượt vừa đủ làm cà rốt giòn vẫn giòn mà mềm cũng đáo mềm. 

Thế là xong. Ớt gặp nhiệt nóng, bao công ôm ấp nhân thịt thà với nấm, lại được láng dầu olive, chẳng rõ có phải vậy không mà cái phần cay nồng, cay ấm xem ra đã giảm đi kha khá. Riêng cay thơm thì vẫn nguyên đó.

TL hỏi tôi học món này từ ai. Tôi cười hi hi, thì bếp Tây người ta vẫn làm món ớt nướng, nhưng mình thì cứ phiên phiên gọi là tuỳ ý, tuỳ thời. Đơn giản thế thôi. Và may mà lần này món làm ra không tệ. Bữa nào vui vẻ, tôi lại chiên/nướng ớt jalapne nhồi tiếp a :-)))

dao nhỏ vẫn là to để khều ruột trái ớt
à, mình dùng dụng cụ ăn cua ghẹ :-)))

và đây, ớt jalapeno nhồi thịt - nấm hương - mộc nhĩ - hành tây
chiên mau chiên sém với hỗ trợ của dầu olive

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

vị đông nhà căn hộ

món đồ không thể thiếu của TL khi đông về - TA gửi về
(1)

Ở nhà Hà Nội, tôi có thể cảm nhận dễ dàng vị của tiết trời đông. 

Mở cửa hiên phía Bắc, gió lạnh cùng hương ẩm và nồng của đất sau một đêm thấm sương. Ra cửa cổng, hàng xôi lô nhôn một đám người đứng người, mươi người thì phải có đến một nửa là nai nịt cẩn thận phòng chống rét, đó là chưa kể hơi nóng toả lên từ thúng xôi sáng. 

(2)

Sang nhà căn hộ, gió lạnh khi mở khẽ cửa sổ bếp và cửa ra hiên, đúng là có nhưng dứt khoát không cùng một mùi vị. Đặc biệt là cái cảm giác khó tả có được khi hít hà không khí đầu ngày - thường gọi là khí địa âm - từ vườn đất như ở nhà Hà Nội. Khói và hương xôi nóng thì lại càng không rồi.

(3)

Nhưng dù thế nào, tôi có cách khác để cảm nhận, để sống vị đông trong nhà căn hộ, theo cách riêng của mình, trong một hoàn cảnh covid kéo dài và hạn chế sự đi ra ngoài. 

Qua các món đồ nhỏ. Qua các việc lặt vặt. Qua những sự dọn dẹp và sắp xếp lại nhà cửa. Và nhất là qua việc nấu và ăn, không hẳn là cho cái dạ mà quý hơn là quá trình nhẩn nha với một đống triết lý nhảm thay đổi theo thời gian của ngày. 

trời lạnh nấu và ăn canh cà bung không phải là ý tệ
dùng lá lốt có sẵn ngoài hiên, rau gia vị khác bỏ qua

hộp vải dù đựng mỹ phẩm Clarin
giờ được khoác áo mới - vải hemp của người Hmong

cơm 16 loại hạt cùng mơ muối và phổ tai

canh/soup khoai tây và cải kale: một caldo verde phiên bản việt và việt plus

(1)

Trong trí nhớ của tôi, cải kale chỉ được nói tới và đánh chén nhiều ở xứ mình - hay chính xác là ở Hà Nội, và chính xác hơn nữa là bắt đầu từ cộng đồng expat + dân nhà giàu thành phố quyết định sống xanh là từ khoảng 4-5 năm trở lại đây.

Tôi vẫn luôn nhớ những màn hài hước ở Saint Honoré đầu phố Xuân Diệu, nơi tôi tạt vội qua gặp bạn đánh chén vào giờ Bồ Tát đi tuần. Ông lão chén bữa trưa của mình, còn tôi thì vục mặt vào đĩa bánh ngọt cùng với nhâm nhi cốc trà nóng đặt bên. 

Cánh chị em expat từ già tới trẻ, lại cộng vài cô người Việt long lanh lóng lánh, cứ mười người đặt mông xuống ghế thì có đến hai phần ba số đó sẽ gọi một món gì đó liên quan đến kale, từ nước ép qua salad. Tôi chẳng có chút mảy may hiểu biết về bạn rau này, hẳn sẽ chẳng chú ý gì. Song vấn đề là ông lão đối diện lại không thiếu một màn biểu tỏ sinh động, đấy chúng nó gọi kale đấy, chúng nó giỏi thật đấy.

Tôi ngạc nhiên lắm, tại sao họ giỏi.

Thì cái rau đó khó ăn chết đi được mà! Giời ạ, rau đó hình thù thế nào nhà cháu còn chưa biết, nói chi mùi vị!

(2)

Lần thứ ba quay lại States, tôi chân chính biết bộ dạng của cái bạn mang tên kale. Đó là ở nông trại gần nhà biển. Và dĩ nhiên, tôi không biết về rau này thì bỏ qua luôn đoạn mua; còn lão Tiên sinh chê bôi nó thì lại càng bỏ qua đoạn mua.

Chỉ đến khi về lại Hà Nội năm nay, tôi mới thực sự biết vị của cải kale. Tất cả là nhờ cái máy ép trứ danh của TL cũng như quyết tâm uống nước ép của cô em.

Lần đầu uống cải kale ép, bụng dạ tôi nó phản ứng tưng bừng. Nhưng chỉ đúng một lần, sau đó tôi thấy rất chi là o-kê-la. Nhất là khi cải kale được ép cùng táo xanh, cà rốt và vài loại trái quả tươi khác.

Nhưng đó là cải kale ép uống tươi. Còn kale làm bánh, kale nấu canh, kale nấu súp ấy à... tôi nghe nói thì nghe nói vậy, không quan tâm cũng chẳng hiếu kỳ.

Trong thời gian đó, mỗi lần biết chuyện chúng tôi ngồi rung đùi nhà căn hộ những ngày giãn cách và uống nước ép cải kale đặt từ trang trại trên Mộc Châu là một lần lão Tiên sinh chun chun cái mũi, sao mà giỏi thế, hăng chết đi được!

(3)

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu sáng nay đột nhiên ông lão rất chi là phởn chí, khoe khoang chuyện tui vừa được nếm món soup cải kale với khoai tây do Madeline nấu, ngon lắm!

Úi chà, Trời sụp này, ông lão nhà mình xơi cải kale!

(4)

Tôi tò mò, hỏi về món soup. Và thế là sau khi một bài dài diễn giải về món đã thực ăn thì tôi nhận tiếp qua email đường link hướng dẫn nấu món - caldo verde - Portugese Potato and Kale Soup with Sausage.

Bạn đánh chén trong cuộc điện thoại nhấn mạnh, phải có một loại khoai tây đặc biệt tạo độ sánh cho soup, tôi coi cái video kia thì ồ à, russet potatoes.

Cái tên khoai tây này thực mơ hồ, hỏi bác gúc-gù thì ra là khoai tây nâu (Mỹ). Đến đây vẫn cứ là mơ hồ.

Tôi ngó hai củ khoai tây "ta" xinh xinh nằm lăn lóc ở một góc rổ rau củ thì gật gù, khoai nào mà chả là khoai, nấu món lấy cái tinh thần, lấy cái ý là chính chứ sao mà trăm phần trăm y dạng được.

Có cái lý luận AQ đó, nhân có việc phải lên chỗ cái hồ to thì chiều nay con giời hăm hở mua rau - cải kale và xúc xích để về nấu thử món mới này xem sao.

(5)

Thành công rực rỡ, cái phiên bản Việt tôi làm hôm nay của món caldo verde xứ Bồ :-)

- Khoai tây thái/cắt miếng vuông nhỏ (chừng 1cm)
- Hành tây xắt hạt lựu
- Cải kale xắt nhỏ cũng như hành tây
- Xúc xích - Italian sausage trên bao bì, và là loại sống - được thái lát mỏng (dày chừng 0.5cm)
- Bơ lạt một miếng nhỏ (trong video vị đầu bếp dùng kha khá bơ, tôi ngại sản phẩm sữa nên chỉ rón rén gọi là)
- Dầu olive phóng tay 
- Và chút tiêu xay, chút muối hầm
- Hướng dẫn nhấn mạnh dùng nước ninh gà, nhà không có bạn này, tôi chèo kéo một chút gia vị súp gà của Nhật
- À, xíu quên, hai ba tép tỏi bằm nhỏ nữa

Nồi sứ được làm nóng, thả bơ vào chờ tan chảy thì cho tiếp hành tây phi đến dậy thơm, bắt đầu có hiện tượng đường hoá. Lại cho tiếp tỏi vào đảo mau, rồi khoai tây cùng xíu muối hầm và gia vị súp gà đảo vài phút. Thêm cải kale, thêm dầu olive, lại vài phút đảo tiếp.

Rồi chêm nước, đậy vung đun tới sôi thì hạ lửa về liu riu trong khoảng mươi phút. Cho tiếp xúc xích vô, chỉnh lửa chờ sôi trở lại thì lại liu riu ta thong thả chờ. Sau khoảng 15 phút nữa thì món có thể đánh chén.

(6)

Món làm vậy đối với tôi thực ngon rồi. Nhưng vì tôi băn khoăn cái vụ khoai tây "ta" nhà mình thiếu độ bột bột, không làm nên vị sánh của món soup thì nghĩ hồi, con giời quyết định thả vô nồi nấu mấy bạn mù Ý nhồi - lần này là prosciutto tortellini. Tôi lập luận cùn thế này, kiểu gì thì thành phần bột mỳ trong cái món nhồi kia cũng làm cho nước soup có chút độ sánh đi :-)

Thực tế xa vô cùng với tưởng tượng của tôi. Nhưng bù lại, sau gần 15 phút đắm mình trong nồi soup nóng trên bếp, các viên "sủi cảo" Ý này thực hài hoà với môi trường của mình.

Thế là caldo verde phiên bản Việt của tôi giờ thành caldo verde phiên bản Việt plus a :-)))

(7)

Tôi nghĩ nếu không biết gì về món này mà được bày ra trước mặt và được mời nếm thử thì tôi không thể nào có thể liên hệ các lá cải kale xoăn tít thò lò với bạn rau xanh xanh trong bát soup. Kale đó nấu lên nếu có chút vị đặc biệt với tôi thì là khe khẽ chua, phải rất để ý mới nhận thấy.

Khoai tây mềm tan trong miệng. Hành thơm. Xúc xích ngon. Viên nhồi cũng ngon.

Và không thể bỏ qua vị thơm ngậy mà không ngán của món nhờ xíu bơ và kha khá dầu olive. 

Thực tuyệt cho một ngày mát lạnh mà có tô canh súp nóng thế này :-)))

(8)

Tôi khoe lão Tiên sinh thành tích nấu món.

Ông lão tức thì dặn dò, viết email cho Madeline đi, bà cụ sẽ rất vui đấy.

Tôi sẽ viết thư và gửi ảnh, nhưng hẳn không phải hôm nay. Vì con giời cần ề à tra từ điển để có thể viết đôi câu ba điều mà bà cụ già hàng xóm trên núi đọc xong còn biết, đây là tiếng Anh đấy!






rồng bao tử và kế hoạch mở góc lạc-xoong

đây em bé thế này nên có tên rồng bao tử :-)))
Tình cờ chúng tôi thấy nó, một con rồng gỗ kha khá to, được dùng làm xa quay sợi của người Thái sống bên một bờ biên giới với nước Lào - tôi tạm gọi là xa quay sợi vì thực không biết gì về từ ngữ kỹ thuật ngành dệt. 

Tiên sinh giống thằng nhóc đi dạo biển khoái chí tìm ra một vỏ sò có sắc màu lạ, nằng nặc đòi mua. Thế là chúng tôi có con rồng gỗ đầu tiên cho nhà căn hộ. Và để bày đặt nó một cách trang trọng, con giời trong một cơn cao hứng tậu luôn một cái kệ cũ có giá gấp hơn hai lần số tiền bỏ ra mua con rồng. Cả cái kệ và con rồng cụ đó nằm im một góc sảnh tầng trên, gần như bị quên lãng.

Sau rồng cụ, ngày đẹp giời thì chẳng riêng bạn già mà đến cả tôi cũng hấp ha hấp háy khi nhìn thấy một anh chị rồng ý chừng là con của rồng cụ. Bạn này cỡ vừa vặn, đặt trên kệ gỗ hương dài có từ năm một ngàn chín trăm lâu quá, lại đặt vào cái khe của bức tường nhà căn hộ được thiết kế theo một cách siêu quái gở thì hoá thành hài hoà. Rồng đời con này đặt dưới một giá dệt đồ của người Hmong, coi như có chút phần được tôn trọng.

Trong cơn say rồng và tất cả những gì liên quan đến dệt vải truyền thống, bạn đời thiếu chút còn mua luôn một cái máy dệt giả cổ của người Thái ở Nghệ An. May là do con cúm Tàu nó ngăn chặn ông lão nhà ta di chuyển, cả ông bán lẫn ông mua không làm sao gặp mặt mà xem và định giá hàng. Kế hoạch mua máy dệt về bày chềnh ềnh ở nhà căn hộ coi như phá sản.

Tôi trở về Hà Nội sau một thời gian dài chật vật thu xếp tìm cách "thoát tẩu hồi quốc" và hơn hai tuần cách ly tập trung ở Bình Dương. Tự cách ly thêm một đận nữa cho chắc ăn, tôi sau đó bắt đầu rón rén thám hiểm thành phố. Lại nhìn thấy rồng. Lần này là rồng con, rồng baby, rồng bao tử. Lại thích. Lại mua. Rồng cháu chắt đó chẳng biết bày đặt ở đâu, cuối cùng là được thượng nóc tủ vốn là tủ sách sau lại được hoá phép thành tủ chạn. 

Bữa nay, rồng bao tử nhà ta có nhà mới. Nằm phè phỡn trên hai tấm đá đen Lai Châu gợi nhắc Anh Kiên YNot đã quá cố. Mà hai tấm đá đen này lại nằm trên một cái giá ọp ép đóng từ các miếng cốp-pha cũ và đã được tôi dùng sơn bôi quệt trang trí chẳng giống ai.

Tôi nhìn bạn nhỏ rồng bao tử thì phì cười! Chuyện đồ vật trong nhà hoá ra đâu phải là về đồ vật. Nó/chúng gợi nhắc về những gì tôi đã làm, những người tôi đã gặp, những cơn dục vọng bục ra tung toé, những hoan hỉ nhất thời trước cái sự ta đây có thêm một món đồ. Và cuối cùng, trong cái hoàn cảnh covid kéo dài chưa có hồi kết, tôi phát hiện gần như là tất cả những chương hồi ầm ĩ này khép lại, người còn kẻ mất, thực tôi chẳng cần chi nhiều.

Ba con rồng từ cụ qua con tới cháu, có lẽ tôi có thể bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc việc mở một góc lạc-xoong để mại đi một số đồ vật a :-)))

rồng baby - rồng bao tử trong gia đình rồng cụ-con-cháu :-)))

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

sukiyaki sauce phiên bản lào trong bếp việt

võ lâm đại hội gia vị bếp Á
(1)

Trời mát và se se lạnh làm tôi tương tư cái bạn sauce sắc hồng Pantai soya bean curd sauce for sukiyaki mà theo một cách hết sức tình cờ tôi biết đến.

Ở nhà biển tôi đã một lần làm thử món sauce này theo công thức bếp Lào. Thành tựu tính ra không tệ nhưng vì bạn đánh chén không quan tâm mấy kiểu loại sauce như thế này nên tôi thiếu cạ ăn kém vui, làm một lần biết vậy là đủ.

Giờ tương tư dài ngắn thì nhớ lại chuyện mình đã từng làm món. À thì lục lọi công thức. Và làm một món sauce mang tên sukiyaki ra vẻ ta đây chất Nhật song thực là thuộc hệ Thái-Lào và với nguyên liệu Việt-Hoa và cả Ấn, Nhật nữa:-)))

(2)

Tôi không đo đếm chính xác, cứ tằng tằng "theo trái tim mách bảo":

- Một góc tư củ hành tím bự thái lát mỏng
- Ba tép tỏi và vì sợ tỏi nhà mình bé quá thì thêm xíu bột tỏi khô
- Ớt tươi cùng vụn ớt khô bếp Ấn (ớt này coi rất bình thường nhưng chẳng hiểu sao tôi đặc biệt thích vì cái cảm giác vị rất riêng của nó)
- Hạt mè trắng đã rang thơm
- Bơ lạc sản phẩm hàng Việt Nam yêu nước
- Và cuối cùng là tinh thần của món: 5 miếng đậu phụ nhự lấy từ cái lọ hay được dân gian gọi là chao béo / chao đỏ béo Laogama
- Ý quên, vì không dùng hoisin sauce tôi kiếm chút ngọt nhờ xíu bột rong biển Nhật

(3)

Nguyên liệu sẵn sàng, thêm một cặp chày và cối giã cùng vài động tác làm món là xong:

- Giã nhuyễn trước hành và tỏi
- Cho tiếp ớt cả khô lẫn tươi, rồi sau đó là mè cùng bột rong biển và bột tỏi khô vào giã và trộn nhuyễn tiếp
- Cuối cùng là chao đỏ cùng bơ lạc, chú ý bơ lạc đặc chắc nên phải phết đều sao cho hỗn hợp sauce thành phẩm không bị lổn nhổn 

Có nước ninh xương, có rau xà lách ta, nấu tô nhỏ bún gạo hay miến rồi nêm sauce này là một ý không tệ chút nào. Tô bún miến có ngọt xương, ngọt rau và cả ngọt bùi ngầy ngậy thơm thơm của hỗn hợp từ bơ lạc qua hạt mè tới chao đỏ. Và xét về nhan sắc thì điểm thú vị không phải là không có, nước canh bún miến đó có sắc sữa trăng trắng hồng hồng nhìn rất hay.

lần thứ hai làm sukiyaki sauce
trong bếp nhà căn hộ

đây bơ lạc - hàng Việt Nam yêu nước

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021

cơm rang chay mềm mềm: với hạt mắc-ca tươi, dứa, ớt ngọt và nấm hải sản

cơm trong chảo: hạt mắc-ca tươi, nấm hải sản,
dứa và ớt ngọt cùng cơm nguội nấu gạo sushi
Đây đích thực là bếp leftovers: không tính dứa miếng và hạt mắc-ca một túi nhỏ được lấy khỏi tủ cấp đông thì cơm gạo Nhật là từ bữa trước - giờ gọi là cơm nguội; nấm hải sản dư từ khay rau của nồi lẩu gà tối qua; và ớt ngọt vốn định để làm món xào mà cứ lay lắt giờ phải giải quyết mau lẹ. Và note ghi lại là để nhớ cái ý thành phần tạo món.

Hành tím phi thơm, hạt mắc-ca tươi được cắt nhỏ - đại khái một hạt chia hai nửa, sau đó mỗi nữa là lấy dao làm vụn thành hai ba miếng nhỏ cho vào xào một lượt. Sau đó là a-lô-xô dứa xắt hạt lựu, nấm hải sản xắt đoạn nhỏ cũng cỡ hạt lựu hay to hơn chút tuỳ thân nấm mập hay ốm, và ớt ngọt miếng vuông nhỏ cỡ xêm-xêm dứa và nấm. 

Dứa và nấm tiết nước nên chảo xào đó ươn ướt là đương nhiên. Không phải lo nghĩ chi, cứ lửa lớn chút, xào dậy thơm. Trong quá trình xào, thêm thắt xíu tiêu xay, xíu bột tỏi và xíu muối hầm, và đặc biệt nữa là một dúm nhỏ ớt khô giã rối xuất xứ bếp Ấn với vị cay đặc trưng rất thú vị. Hương thơm của chảo xào đó ai không biết lại tưởng xào một món thịt chi chi. 

Cơm nguội giống gạo Nhật vốn cứng, bình thường nếu rang cơm tôi đều rảy qua chút nước rồi tãi mềm, nhưng vì chảo đồ rau củ xào này rất mềm mọng nên nguyên cả phần cơm vón lại thành tảng lấy ra từ hộp trữ tôi cứ thế cho vô chảo. Nhiệt từ từ làm các hạt cơm tách rời và ngấm quyện đều hương vị lẫn hình dáng của các nguyên liệu rau củ xào trước đó.

Thích ăn ráo khô thì đoạn cuối có thể để nhiệt lớn và đảo mau tay. Tôi thích cơm mềm mềm, nói rang mà thực giống [cơm] trộn nên bỏ qua chi tiết này.

Cơm rang này có thể hình thức không tươi đẹp bắt mắt nhưng ăn thì rất chi là ô-kê-la. Hạt cơm mềm, ngọt, thấm đều gia vị, có cay cay tê tê của tiêu cùng vụn ớt. Ớt ngọt thì đương nhiên là ngọt rồi. Dứa mềm, mọng, dìu dịu chua. Nấm ngọt mọng và không hề nát. Còn mắc-ca nhà ta do được xào qua một lượt trước khi xào tiếp với các bạn rau củ thì đảm bảo chắc nhưng không cứng, vẫn đủ hài hoà với đám bạn rau củ mềm mềm kia.

Nếu là cơm đãi khách tử tế, tôi sẽ chú ý làm khô cơm - bằng cách chỉ rang cơm với hạt mắc-ca trước, còn từ dứa qua nấm đến ớt là cho vào chảo đoạn cuối. Nhưng là cơm nhà, lại là bếp hiệp hai, bếp thừa, bếp tận dụng thế này, tôi thấy món cơm cho bữa tối nay đủ ổn!

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2021

câu chuyện đồ vật: vại sành đây thừa kia thiếu

vại sành chuẩn bị gửi đi nhà núi
chảo nấu là Hồng Tâm về nước cho
khay giá của lò xông khói Weber
ấm pha trà sứt vòi giờ ôm nhánh trầu bà
(1)

Một ngày nào đó trước khi Hà Nội bước vào thời kỳ căng thẳng của giãn cách và giãn cách, xe chở hàng đi từ Bắc Ninh lên Hà Nội lúc tối muộn để chở đồ về quê. Đồ mang về nhà Bắc Ninh từ nhà Hà Nội trong mắt người này là quý, trong mắt người kia lại là rác. 

Trong đám đồ vật vô thiên lủng đó có không ít chum vại tôi tích cóp qua nhiều năm, qua nhiều chuyến đi tới mấy làng nghề xưa cũ hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. 

Tôi không nhớ về số tiền bỏ ra mua chúng, nhưng công sức mua và chuyển chúng thì tôi nhớ chắc. Đối với tôi, chúng là quý giá.

(2)

TL được giao nhiệm vụ mua hai cái chum/vại sành cho nhà núi. Tôi hoá thành xe ôm, chở cô em ra tiệm ở Hoàng Hoa Thám để chọn và mua đồ.

Anh chủ hàng này tôi biết vì đã mấy lần mua nắp sành cho hệ thống chum vại ở vườn nhà Hà Nội.

Hôm nay trong nhà anh không có nem rán, cũng chẳng có ổ chó con mà là một bà vợ người to gấp ba ông chồng đang ngồi lướt mạng.

Anh chủ này bán hàng khéo ơi là khéo, giá là thế em mua thì mua, mà anh nói thật nhá đồ nhà anh chỉ cần em phi sang đường bên kia lập tức hoá thành đồ cổ giá tiền triệu chứ chẳng chơi.

Tôi không tham gia vào màn thảo luận chọn đồ giữa cô em và anh chủ cửa hàng. Chờ xong đâu đó thì ưỡn ngực cong lưng đỡ hai cái chum/vại chồng lên nhau ở phía sau xe, làm tốt nhiệm vụ người chuyên chở.

(3)

Trong khi chờ được chở lên nhà núi, hai món đồ sành nghỉ ngơi ở nhà căn hộ.

Nhìn chúng, tôi phì cười.

Đúng là cùng là đồ vật, đây thừa kia thiếu a :-)))

một kế hoạch mua đồ bếp: máy chuyên làm sữa hạt, nồi chiên không dầu và nồi nấu chậm

(1)

Trong bếp, tôi răng quặp ki-bo có thể bỏ tiền mua chảo tốt, nồi tốt và vài dụng cụ bếp lặt vặt tốt, xịn sò nhưng dứt khoát không thèm quan tâm đến các món đồ đun nấu "công nghệ" đắt tiền. Chuyện này lướt qua một cái thì là vấn đề tiền bạc và tính người - tiếc tiền; nhưng sâu xa thì là tôi không phải dạng bà nội trợ say mê với các món đồ mới loằng ngoằng và ỷ vào công nghệ. Trong bếp tôi thích các quá trình tự nhiên, cứ thong thả chậm rãi hơn là ấn nút hiện đại. 

Thế nên có chuyện là từ máy xay máy ép đến lò nướng qua các kiểu nồi nấu này nấu nọ, nếu không phải là dùng ké của lão Tiên sinh thì là đồ do TL xuất tiền ra mua. Tôi thấy có thì tốt, không có con giời đây vẫn sống khoẻ.

đùi gà tây cho bữa cơm mời khách Lễ Tạ Ơn của lão Tiên sinh
xông khói - nấu chậm rồi mới sang pha nấu chính :-)))
(2)

Nhưng với thời gian trong bếp nhà biển và rồi đến giãn cách kế tiếp giãn cách ở Hà Nội, quan niệm của tôi bắt đầu thay đổi.

Thời gian này, TL tính toán sắm sanh ít nhất là ba món, máy làm sữa hạt, nồi nấu chậm và chảo/nồi chiên không dầu.

Tôi không biết và cũng chẳng hứng thú gì với bạn thứ nhất và bạn thứ ba, riêng vụ nồi nấu chậm thì lợi hại thế nào tôi thực rõ khi nhìn bạn đánh chén của mình hoá vai bếp trưởng trong vài dịp đặc biệt ở nhà biển.

Thế nên tôi ủng hộ, ít nhất là về mặt tinh thần (đồng nghĩa với không có đóng góp tài chính cho vụ mua sắm này 😀).

(3)

Vấn đề là giờ chúng tôi như bị lạc trong mê cung thông tin.

Có vài gợi ý về nhà cung cấp/cửa hàng bán sản phẩm, tức thì người này bảo tốt người kia nói chẳng ra gì. Rồi lại về cùng một nhãn hàng, bác này "múc đi", bác khác bảo "ngu mới mua".

Thêm nữa là chúng tôi chỉ cần một chức năng thì bọn máy đời mới lại ôm đồm cả một mớ các công dụng mà dứt khoát chúng tôi đâu cần và cũng đâu muốn mất tiền thêm. Tỷ như, nhà cháu đây chỉ cần làm sữa mà các bác lại cho một danh sách dài lựa chọn từ làm kem đến sinh tố chi chi, nút bấm coi như cứ là loạn hết cả mắt.

Chưa kể tối qua ông lão nhà mình thì thào, tui bảo nhá, cái nồi chiên không dầu ý, đừng mua cái loại nắp trên, rồi chi chi nữa tôi nghe không đuổi kịp các từ tiếng Anh nên dứt khoát cắt lời bạn đời, thôi để sau ông nói trực tiếp với TL người đầu tư vụ này.

Trong thời gian đó, tôi tiếp tục ngó nhà bác gúc-gù, xem các bà các cô nội trợ nói gì về mấy bạn máy móc này a :-)))

nồi chiên không dầu đi khắp các tỉnh thành :-)