hình cũ nhà hà nội 1 |
Tiên sinh ra ngoài đạp xe. Tôi vẫn như mọi khi, sợ gió, sợ lạnh, ngồi thu lu trong ổ của mình, gặm nhấm cơn nhớ nhà. Ông về bảo Jenny - bà chủ tiệm Thái trong thành phố - gửi lời chào. Xong ông thêm câu, nó đang tính quay về Thái Lan vài tháng vì nhớ nhà.
Nghe xong tôi ngẩn ngơ một hồi, thế là cái nếp gấp homesick trong não bộ của mình lại nở phồng gấp đôi rồi!
Có rất nhiều thứ, nhiều chuyện tôi ở nơi này nói là chán ghét thì quá nhưng sự thật là tôi không quen, không hạp và nhiều khi là không thích. Quá lạnh, quá khô, quá gió. Sự ăn uống dù tôi có loay hoay thu xếp tạm ổn thì về căn bản vẫn là một loại phong vị khác biệt. Những khác biệt về sinh hoạt, cho là nhỏ thì là nhỏ, mà ngứa ngáy hai con mắt thành chuyện to thì hoá ra nghiêm trọng, mọi lý thuyết bla-bla về chung sống hay ho trên mặt chữ, còn thực hành thì không phải lúc nào cũng dễ dàng thuận lợi. Năm trước tôi có thể ngây thơ hào hứng cầm chổi cầm xẻng quét dọn nhà cửa vườn tược với cái hình ảnh phóng đại về tương lai gần là chà, mình có cái ổ riêng thật ngăn nắp này. Năm nay tôi phát hiện hoá ra mình vô duyên, dù không nói ra thì vẫn luôn có bức tường vô hình nhà anh nhà tôi tồn tại. Tôi luôn được ân cần hỏi han ý kiến, nguyện vọng nhưng cứ đi một vòng của ngày xem, hoá ra điều mình nghĩ, mình muốn, mình dự định đều bị vứt xó với cả ngàn lý do. Xét đến rốt ráo, tôi chỉ là người dưng, là khách ghé thăm ngôi nhà này. Nếu có thứ đặc biệt làm tôi thích thú thì đó là cái sự sạch của bầu không khí và thoáng đãng của cảnh quan cùng phân bổ dân cư, khác xa với Hà Nội bẩn, bụi và người va người chan chát.
Tệ hơn nữa là sự mất tín nhiệm. Bấy lâu nay tôi sống lạnh lẽo đã quen, có kỳ vọng và tin tưởng chi chi thì cũng chỉ là người nhà và đôi ba người thân cận. Giờ trụ neo gia đình vẫn vững chãi, vẫn bao dung tôi. Nhưng còn người bên cạnh, những mơ hồ nghi hoặc mỗi ngày một thêm lớn. Không phải chiêu trò chơi khăm hay bài ác chi chi. Đơn giản là sự thắng thế của thói ích kỷ và khi giới hạn của sự hợp lý tan gẫy thì cũng có nghĩa là cần phải suy nghĩ lại về thứ mang tên chung-sống. Nhiều năm trước tôi đã cay đắng tiêu hoá bài học về quan hệ bằng hữu, anh ta/cô ta tốt với mình đó là khi anh ta/cô ta ở trong phạm vi an toàn của bản thân, kiểu một gã tung tiền tỷ làm từ thiện khi số tiền bỏ ra hoặc là bất chính hoặc chẳng ảnh hưởng gì đến sự thoả mãn các dục vọng của y. Cho nên kẻ tỏ vẻ hay mang danh thiện không chắc đã là người tốt, khả năng cao là y siêu ích kỷ, siêu ác! Và giờ thì điều tôi học được là công thức này không chỉ đúng cho một dạng quan hệ xã hội mà cho nhiều liên đới người với người.
Tôi chưa muốn mình đi xa đến mức ngồi lật lại vấn đề và mùi mẫn lên cơn "tôi ân hận". Chuyện đã quyết, đường đã đi, vậy tôi tiếp tục. Vừa đi vừa tu tỉnh bản thân. Trước khi nghĩ ra một hướng mới hay thậm chí là ra một quyết định điên rồ theo kiểu đánh rụp, đúng với kiểu cách trước nay của bản thân.
Sau cuộc nói chuyện xả xì-trét với TL tối qua, xem ra giờ tôi thông suốt thêm tý chút. Nhẫn nại chờ đỉnh dịch qua và sau đó là có thể "thoát tẩu", có thể thấy mình ở Hà Nội an toàn trong cái comfort zone vá víu chật hẹp của mình; hoặc nếu tốt hơn là dù thấy mình ở đâu vẫn giữ một thái độ sống bình tĩnh - bài tập này tất nhiên có chút khó!
Ông thợ mài kính kiêm triết gia Spinoza quả là hay khi lý luận rằng thì là mà đám affectus chúng luôn ở đó, luôn là vậy, nên việc tốt con người có thể làm là chấp nhận sự tồn tại của chúng và sau đó là tái định hướng chúng, thay vì lải nhải kiểu ông cố Platon rằng thì là mà thiện lý quyết định cảm trạng - vì điều đó là tốt nên chúng ta khát vọng nó - hay rắn như cụ Kant với những kiểu loại tình cảm đạo đức miễn bàn cãi - lý tính thực hành - mang tính mệnh lệnh úp rụp một cái vào đầu.
bài học điều hướng affectus - đầu mình tối hay sáng cây vẫn cho hoa |
hình cũ nhà hà nội 2 |
hình cũ nhà hà nội 3 - thời đoạn nhà có 16 con mèo |
hình cũ nhà hà nội 4 - thời đoạn nhà có 16 con mèo |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét